Obama gật đầu. Valerie Jarrett biết cuối cùng bà ấy đã thuyết phục được Tổng thống Hoa Kỳ. Ông sẵn sàng thất hứa bất kỳ thỏa thuận gì đã có với Clinton.
Suốt kỳ nghỉ mười ngày tại khách sạn Martha’s Vineyard, gia đình Obama sử dụng các phòng ngủ riêng biệt.
“Họ ngủ trong phòng riêng của mình”, một người trong đội ngũ nhân viên phục tại Trang trại Diệc Xanh nói trong một cuộc phỏng vấn thực hiện cho cuốn sách này. “Cả hai đều để cả chồng sách bên giường. Tổng thống đọc bộ The Bayou Trilogy của Daniel Woodrell và Rodin’s Debutante của Ward Just. Tôi không biết họ có ghé tới phòng ngủ của nhau ban đêm không, nhưng tôi không thấy dấu hiệu gì của việc đó cả.”
“Tổng thống ăn ngay trên giường”, nhân viên phục vụ này nói tiếp. “Bạn phải thay khăn trải giường hằng ngày. Ông ấy hút thuốc và không hề che giấu tí gì. Và ông ấy ngáy. Tôi nghe rõ. Ông ấy ăn rất nhiều đồ ăn vặt, khoai tây chiên và những thứ như thế. Ông ấy khoái kẹo mềm và mua nó từ cửa hàng Murdick’s Fudge. Cũng kỳ lạ là ông ấy lại gầy như vậy.”
“Có vẻ vợ chồng Obama cãi nhau suốt, nhưng họ chỉ nói khẽ nên bạn không thể nghe được chính xác là chuyện gì. Song tôi có thể nói khi nào người ta giận nhau, và dường như họ giận dỗi nhau rất nhiều. Thực tế, tôi không thấy sự nồng ấm giữa tổng thống và đệ nhất phu nhân. Có vẻ họ gần như tránh nhau. Khi tổng thống đang nói gì đó, Michelle sẽ đeo tai nghe lên và nghe iPod của mình. Bà ấy chẳng để lời ông lọt vào tai. Và họ cũng chẳng làm gì nhiều cùng nhau. Michelle cùng bạn bè ra ngoài ăn trưa hoặc ăn tối, còn ông ở nhà, đến phòng tập chơi bóng rổ hay đánh một ván golf.”
Jarrett là nhân vật cần vụ Nhà Trắng duy nhất đi nghỉ cùng gia đình Obama. Nhưng trong chuyến đi tới khách sạn Martha’s Vineyard, bà ấy lại không chọn ở cùng gia đình Obama. Thay vào đó, bà ấy thuê một căn nhà gần đó cùng với con gái mình là Laura, sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Harvard.
“Nhưng Valerie Jarrett lúc nào cũng có mặt ở Trang trại Diệc Xanh”, một nhân viên phục vụ khác nói. “Bà ấy cùng đi với tổng thống khi ông ấy tới thăm nhà Giáo sư Ogletree. Michelle thì không đi cùng họ. Tổng thống có vẻ còn gần gũi với Valerie hơn cả với vợ mình.”
Jarrett nhớ lại trong một cuộc trò chuyện sau này với một người bạn thân rằng bà ấy dùng thời gian ở riêng bên Obama để trình bày ý định của mình về cách đối phó với Bill Clinton. Cũng như rất nhiều vấn đề khác, bà ấy tin rằng tổng thống cần được thúc đẩy. Ông là người hay dao động và không ổn định. Ông thấy thoải mái nhất khi giảng giải, diễn thuyết và nắm bắt tri thức về các vấn đề. Barack kỳ vọng rằng khi ông giải thích mọi việc theo quan điểm của mình, tất cả mọi người đều nhìn thấy ánh sáng và tiếp nhận tri thức siêu đẳng của ông rồi làm theo. Ông kỳ vọng Bill Clinton cũng vậy.
Jarrett kể với bạn mình rằng bà ấy không tin Obama có thể đạt được một thỏa thuận hậu trường bí mật với Clinton mà không bị Clinton thao túng mối quan hệ theo hướng Clinton mới là người kiểm soát. Hiểu rõ Clinton, bà ấy nghĩ ông ta có thể lèo lái thông điệp và gây ra những vấn đề lớn bất ngờ. Jarrett nhắc cho Obama nhớ rằng khi lần đầu ông ướm hỏi Hillary việc làm ngoại trưởng, Hillary đã tỏ ra do dự tiếp nhận công việc vì không thể điều khiển được chồng mình. “Ông ta không thể quản lý được”, Jarrett nói vậy, “và đến lúc nào đó có thể trở thành vấn đề lớn”.
Jarrett không dừng ở đấy. Bà ấy nhắc lại những câu chuyện, dựa trên thông tin thiếu chi tiết và không thể kiểm chứng, về cuộc sống vượt tầm kiểm soát của Bill sau khi làm tổng thống: Việc Bill công du khắp thế giới trên chiếc Boeing 757 (biệt danh Air Fuck One) của Ron Burkle cùng cả một đội những kẻ hám gái đầy tai tiếng; chuyện ông dính dáng đến các thỏa thuận làm ăn mờ ám với những nhân vật láu cá, như Vinod Gupta, một triệu phú Nebraska từng quyên được hàng trăm nghìn đô la cho các chiến dịch chính trị của nhà Clinton; và việc ông có quan hệ với vô số nhân vật có vai vế, các nữ chính trị gia, nữ diễn viên, vợ của những nhân vật chuyên gây quỹ, và giao du cả với đám gái quán bar.
Bà ấy chỉ trích sự tùy tiện của Clinton trong việc lẫn lộn hoạt động từ thiện thông qua Quỹ Clinton với các lợi ích làm ăn cá nhân của những nhà tài trợ lớn nhất cho ông. Bà ấy nói Clinton vụ lợi, sa đọa và vô liêm sỉ. Không phải là loại người có thể tin tưởng được.
Hơn nữa, Jarrett đã thu thập được bằng chứng cho thấy Clinton có “gián điệp” - “bọn thám báo Clinton”, bà ấy gọi họ như vậy - chuyên báo cáo cho bà ấy từ trong nội bộ chính quyền Obama. Clinton cản trở việc điều hành chính phủ của Barack. Clinton không do dự gọi cho các quan chức chính phủ, và nêu cả ý kiến của mình về cách điều hành các cơ quan. Ông ấy không ngừng nói chuyện với các nghị sĩ hai viện. Ông ấy có chương trình nghị sự của riêng mình, và nó không nhất thiết phải ăn khớp với chương trình của Obama.
Điều rủi ro, Jarrett nói, chẳng là gì ngoài tương lai Đảng Dân chủ và số phận của Hoa Kỳ. Mục tiêu của Clinton - mục tiêu duy nhất của ông ấy - là nắm quyền kiểm soát đảng và quay trở lại Nhà Trắng như là đồng tổng thống bên cạnh Hillary cho nhiệm kỳ Clinton thứ ba.
Đó là mục tiêu của Bill.
“Mục tiêu của ngài là gì?”, Jarrett hỏi Obama.
Nếu Obama tái cử thành công, ông sẽ chỉ mới năm mươi lăm tuổi khi rời Nhà Trắng. Ông vẫn còn trẻ với một sự nghiệp còn dài phía trước. Có lẽ không phải trong lĩnh vực bầu cử, mà về uy tín, ảnh hưởng và quyền lực. Ông sẽ làm gì với ngần ấy năm? Ông sẽ làm gì với tất cả năng lực của mình? Ông sẽ làm gì với tầm nhìn của mình dành cho nước Mỹ?
Liệu ông đã chuẩn bị cho việc nhường lại quyền kiểm soát Đảng Dân chủ cho Clinton, một con người vô kỷ luật, vô nguyên tắc, không có chung tầm nhìn với Obama về nước Mỹ và là người cố tìm cách bám đuôi Hillary để trở lại Nhà Trắng, hay chưa?
“Ngài không thể làm thế”, bà ấy nói. “Dù ngài hứa gì với ông ta, ngài cũng không cần phải thực hiện. Bầu cử xong, phải tống cổ Clinton.”
Obama gật đầu. Valerie Jarrett biết cuối cùng bà ấy đã thuyết phục được Tổng thống Hoa Kỳ. Ông sẵn sàng thất hứa bất kỳ thỏa thuận gì đã có với Clinton.