Cũng như Valerie Jarrett và Michelle Obama, Clinton vẫn còn nguyên vị đắng trong miệng từ những trận đấu năm 2008, trong đó ông ấy bị chiến dịch vận động của Obama biến thành một kẻ bung xung.
Khi Barack Obama trở lại sau kỳ nghỉ tại khách sạn Martha’s Vineyard, ông gọi điện cho Bill Clinton và mời ông ấy chơi một trận golf.
Clinton không muốn đi.
“Anh không thích vụ này”, ông ấy nói với Hillary khi họ gặp một nhóm bạn bè và đồng minh chính trị trong tuần thứ ba của tháng 9 tại Whitehaven, căn nhà kiểu tân Georgia của họ tại Phố Sứ quán ở Washington, D.C.
Khu nhà này được gia đình Clinton mua năm 2001 với giá 2,85 triệu đô la và được những người khôi hài phe Dân chủ gọi là “Nhà Trắng chờ tới lượt” hoặc “Trung tâm gây quỹ”. Được thiết kế như là bệ phóng hoàn hảo cho những tham vọng tổng thống của Hillary, nơi này có hẳn một phòng khiêu vũ rộng rãi, được thiết kế riêng cho các sự kiện gây quỹ, và một phòng ăn ngồi được ba mươi người. Ở phía sau, có một hiên được nâng cao nhìn xuống những khoảnh vườn được cắt tỉa, một bể bơi và một bãi cỏ đủ lớn để dựng cả lều tiệc thật lớn.
“Tôi không thích vụ này”, Clinton cứ nhắc đi nhắc lại khi đi tới đi lui trên lớp thảm phương Đông trong phòng khách, thứ được trang trí theo tông màu san hô và lông lạc đà trầm cùng nhiều vật lưu niệm tổng thống lẫn bộ sưu tập đồ thủy tinh Chihuly ấn tượng của mình. Thỉnh thoảng, ông ấy lại cầm một món đồ thủy tinh đắt tiền lên và giữ trong tay trong lúc diễn giải.
“Tôi thật sự không thể chịu được cái cách Obama dường như lúc nào cũng tỏ ra kẻ cả khi nói chuyện với tôi”, Clinton nói, theo lời một người có mặt tại buổi gặp mặt và tiết lộ với điều kiện được ẩn danh. “Nhiều lúc chúng tôi chỉ trân trân nhìn nhau. Rất không hài lòng. Bây giờ cả hai chúng tôi đều có thiện ý tham vấn nhau, và điều đó sẽ rất khó chịu. Nhưng tôi phải khiến tay này mắc nợ mình và đứng về phe chúng tôi.”
Một khi đã mở miệng, Clinton rất khó tự hãm mình lại. Nghe ông ấy ca thán về mối quan hệ căng thẳng với Obama chẳng khác gì nghe một bệnh nhân huyên thuyên trên ghế của bác sĩ tâm thần. Những điều nói ra không phải lúc nào cũng hay ho.
Theo một trong những vị khách mời tái hiện lại phần độc thoại của Clinton trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này, Clinton nói rằng ông ấy sẽ không chấp nhận để thái độ ác cảm đối với Obama che lấp tư duy chiến lược của mình.
“Tôi ghét tay Obama đó hơn bất kỳ người nào tôi từng gặp, hơn bất kỳ người nào từng tồn tại”, ông ấy nói. “Ông ta gọi tôi là kẻ phân biệt chủng tộc! Người ta tìm cách biến tôi và vợ tôi thành những kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng điều quan trọng cần nhớ trong đầu là quyết định mời tôi chơi một trận golf của Obama chính là một dấu hiệu cho thấy điểm yếu của ông ta, vì bất kỳ thỏa thuận nào chúng tôi có thể đạt được đều sẽ lập tức khiến Obama mắc nợ tôi. Câu hỏi mấu chốt là: Tôi sẽ tận dụng ưu thế này như thế nào?”
Như thường lệ, Clinton luôn nghĩ trước vài bước. Một thỏa thuận với Obama sẽ cho Clinton cơ hội lấy lại hình ảnh của mình, vốn đã bị lu mờ rất nhiều trong phe cánh tả của Đảng Dân chủ do những gì nhiều người hiểu là những nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc của ông ấy trong chiến dịch vận động năm 2008. Tiếp đến, giành lại Nhà Trắng là điều tối thượng trong suy nghĩ của ông ấy. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai - nếu không phải năm 2012, thì sẽ là năm 2016 - Hillary sẽ lại đạt được thành công ở Mỹ với vị trí tổng thống. Nếu Clinton đoàn kết được Đảng Dân chủ sau lưng Hillary, thì sự ủng hộ của phe Obama trong đảng sẽ rất quan trọng.
Nhưng Clinton rất ghét ý tưởng phải chịu ơn Obama. Cũng như Valerie Jarrett và Michelle Obama, Clinton vẫn còn nguyên vị đắng trong miệng từ những trận đấu năm 2008, trong đó ông ấy bị chiến dịch vận động của Obama biến thành một kẻ bung xung. Đặc biệt, Clinton không bao giờ tha thứ cho Obama vì nhận xét đặc biệt khó chịu mà Obama đưa ra trong một lần xuất hiện trước các cuộc họp kín của Đảng tại Nevada, rằng “Ronald Reagan thay đổi quỹ đạo của nước Mỹ theo cách mà... Bill Clinton không làm nổi”.
“Ông ta chơi xấu tôi”, Clinton phàn nàn về Obama, khá lâu sau khi “nước đã lặng” trong chiến dịch vận động năm 2008.
“Ông ta dùng chiêu bài phân biệt chủng tộc để chơi tôi”, ông ấy tỏ ra khó chịu trong rất nhiều dịp khác.
Và có những lúc ông ấy phản đối, “Tôi đã có hai người kế nhiệm kể từ khi rời Nhà Trắng - Bush và Obama - và tôi nghe được nhiều từ Bush, hỏi lời khuyên của tôi, hơn là nghe được từ Obama. Tôi không có quan hệ gì với tổng thống - không mảy may”.