Ba người này - Brennan, Axelrod và Jarrett - mới là những người chịu trách nhiệm. Chính họ quyết định chúng ta nên rút khỏi Afghanistan hay định hướng chính sách với Pakistan của chúng ta. Không phải Bộ Ngoại giao và không phải Hillary.
Trước kia đã có lần Clinton cố gắng hòa dịu với Obama. Sau khi Obama thắng cử năm 2008, Clinton đề nghị hợp tác với nhóm giao thời của tân tổng thống và làm bất kỳ việc gì cần để dọn đường cho Hillary trở thành Ngoại trưởng.
Việc này đòi hỏi sự hy sinh đáng kể ở phía Clinton. Trước hết, ông ấy nhất trí tìm kiếm sự phê chuẩn trước của chính quyền Obama đối với tất cả các phát biểu của mình và không diễn thuyết trước các tổ chức làm ăn với chính phủ Hoa Kỳ. Thêm nữa, sau một thập niên từ chối tiết lộ tên các nhà tài trợ cho Quỹ Clinton, ông ấy đã ký một “bản ghi nhớ” với Obama trong đó đồng ý công khai những nỗ lực gây quỹ của mình. Danh sách 205.000 nhà tài trợ - những người đã quyên góp hơn 492 triệu đô la - có cả những tỉ phú Saudi và Ấn Độ; Denise Rich, vợ cũ của nhà tài phiệt Marc Rich, người từng được Clinton ân xá; Công ty phát triển bất động sản hải ngoại Trung Hoa; Đại hội Thế giới Hồi giáo Hoa Kỳ; và Teva Pharmaceutical, công ty dược lớn nhất của Israel.
Những lời hứa của Clinton còn đi xa hơn thế. Trong thời gian Hillary làm Ngoại trưởng, ông ấy công bố một danh sách thường niên các nhà tài trợ cho quỹ của mình, tránh tổ chức các hội nghị của Sáng kiến Toàn cầu Clinton ngoài địa phận Hoa Kỳ, và từ chối nhận những khoản đóng góp từ các nguồn nước ngoài.
Đổi lại, Bill Clinton nhận được gì khi hy sinh hàng chục triệu đô la tiền phí diễn thuyết, ngăn cản những nỗ lực gây quỹ cho mình, và chấp nhận “ngủ đông” chính trị một phần trong lúc Hillary ở khu Foggy Bottom?
“Có một điều, việc vợ ông ấy ở vị trí đó chẳng tổn hại gì đến công việc của ông ấy tại Sáng kiến Toàn cầu Clinton cả”, Ryan Lizza viết trên tờ New Yorker. “Ông ấy mời các nhà lãnh đạo nước ngoài tới hội nghị thường niên của tổ chức, và vị thế nổi bật của bà ấy trong chính quyền có thể là vốn quý để thu hút các nhà tài trợ nước ngoài.”
Nhưng như Clinton lo ngại, ông ấy chẳng thu được gì ngoài thái độ vô ơn và thiếu tôn trọng từ Barack Obama. Từ khi Obama trở thành tổng thống, Bill và Hillary chưa một lần được mời ăn tối ở Nhà Trắng. Thực tế, Nhà Trắng trở thành hang ổ của thái độ bài xích Clinton, và Clinton tức điên khi biết rằng Obama cùng bộ sậu của mình đã sử dụng cụm từ “kiểu Clinton” như một sự phỉ báng đối với những đề xuất chính sách mà họ thấy không phù hợp với cách tiếp cận cánh tả đối với công việc điều hành của mình.
Clinton rất bực bội trước cách Obama đối xử với mình, thậm chí còn khó chịu hơn trước cách đối xử của Obama với Hillary. Trong cuộc đấu nội bộ đảng năm 2008, phe vận động cho Obama nói rằng Hillary không “đáng tin khi đến lúc phải thay đổi”, bởi vì “bà ấy có động cơ là sự tính toán chính trị chứ không phải sức thuyết phục”. Và từ ngày Hillary đến Bộ Ngoại giao, các thành viên trong bộ sậu của Obama đều công khai tỏ ra khó chịu với bà.
Susan Rice, Đại sứ tại Liên Hợp Quốc, có mối ác cảm với Hillary chỉ vì bà nghĩ mình, không phải Hillary, mới đáng được làm Ngoại trưởng. Valerie Jarrett tìm mọi cơ hội cản mũi Hillary. Nếu Hillary muốn bổ nhiệm một người của mình làm trợ lý cho trợ lý ngoại trưởng, một vị trí rất thấp, Jarrett cũng phản đối. Người được bổ nhiệm phải là người của Obama. Jarrett sẽ ngăn không cho Hillary bổ nhiệm người của mình, thậm chí ở vị trí dưới nữa.
“Bill có tầm nhìn về bảng thành tích của Hillary trong tư cách ngoại trưởng mà được xem là những quan niệm lớn lao”, một trong những người bạn lâu năm và cố vấn gần gũi nhất của Bill Clinton nói trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này. “Ông ấy muốn bà kiến tạo hòa bình cho Israel, như ông ấy đã cố gắng thực hiện khi làm tổng thống. Ông ấy muốn bà tới Triều Tiên và mở một cuộc đàm phán. Ông ấy đã thấy bà gây sức ép với Iran, việc đó sẽ làm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Nói cách khác, ông ấy không chấp nhận những việc quản gia lặt vặt. Ông ấy thúc đẩy những kế hoạch lớn làm thay đổi thế giới.”
“Nhưng những vấn đề Hillary gặp phải lại rất đa dạng”, nguồn tin này tiếp tục. “Thứ nhất, Barack và người của ông sẽ không để Hillary ra chính sách, chiến lược lớn. Thứ hai, Hillary cơ bản là một người chú trọng tiểu tiết. Bà ấy muốn con tàu chạy đúng giờ và không hề có bản năng làm một người khổng lồ về chính sách đối ngoại. Nhưng Bill thúc ép bà ấy, và bà ấy thừa đủ xốc vác để khiến Barack thấy lo. Họ thường xuyên va chạm.”
Một nguồn thân cận với Clinton khác nói thế này, “Tôi biết Hillary từ khi chúng tôi còn là con nít, bà ấy có tính cách hiếu chiến, đặc biệt liên quan đến ai đó độc đoán như Barack. Tôi rất nghi ngờ việc tổng thống sẽ lại bổ nhiệm bà ấy thêm một nhiệm kỳ nữa ở Bộ Ngoại giao cho dù bà ấy muốn vậy”.
Một chuyên gia đồng ý với đánh giá này là Vali Reza Nasr, hiệu trưởng Trường Quốc tế học cao cấp Johns Hopkins và là tác giả cuốn Dân tộc có thể miễn trừ: Chính sách đối ngoại thoái lui của Mỹ (The Dispensable Nation: American Foreign Policy in Retreat). Là chuyên gia hàng đầu về Trung Đông, Nasr từng phục vụ dưới quyền nhà ngoại giao huyền thoại Richard Holbrooke tại Bộ Ngoại giao và tận mắt chứng kiến những trận chiến giữa Nhà Trắng của Obama và Hillary Clinton.
“Những vấn đề Hillary đối mặt đều xuất phát từ những người xung quanh Obama, nhưng chốt lại Obama đều lựa chọn những người đó và các chính sách họ nghĩ ra cho ông ấy”, Nasr kể với tôi. “Chính Obama lựa chọn cách bố trí quanh mình một nhóm nhỏ những người thực hiện chính sách đối ngoại theo cách họ triển khai. Có một bức tường giữa một bên là Obama và những người ông chọn để thực hiện chính sách đối ngoại, và bên kia là Hillary. Obama chịu trách nhiệm cuối cùng về việc Hillary bị đối xử bẽ bàng như thế nào.
“Theo quan điểm của tôi”, Nasr nói tiếp, “đóng góp lớn nhất của Hillary là việc bà ấy là một nhân vật đủ tầm vóc để chịu đựng tất cả chuyện này. Bà ấy có thể rời khỏi chính phủ sớm hơn nhiều, có thể từ chức, như Al Haig đã làm dưới thời Reagan, và điều đó sẽ tạo ra một kẽ nứt lớn trong hàng ngũ Đảng Dân chủ cũng như ảnh hưởng đến thắng lợi của Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Hillary hiểu rằng nếu bà ấy phật ý vì chẳng được lắng nghe, hoặc nếu bà ấy thấy mỏi mệt với chuyện bị đối xử thô bạo bởi những người xung quanh Obama, bà ấy sẽ làm tổn hại đến toàn đảng”.
“Ba cố vấn chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Obama là David Axelrod, Valerie Jarrett và John Brennan, phó cố vấn an ninh quốc gia về an ninh nội địa và chống khủng bố Brennan từng được bổ nhiệm làm Giám đốc CIA. Obama giao cho Brennan chịu trách nhiệm về máy bay không người lái và cuộc chiến chống khủng bố, hai mảng trong những sáng kiến chính sách đối ngoại thời chiến của Obama. Bất cứ khi nào Hillary đi công tác tới Saudi Arabia chẳng hạn, Brennan đều sẽ đi theo, và người Saudi đón tiếp ông ấy như nhân vật chính, chứ không phải Hillary. Rốt cuộc, John Brennan mới làm ra chính sách với Trung Đông. Axelrod và Jarrett làm ra các chính sách khác, ở những khu vực khác của thế giới. Ba người này - Brennan, Axelrod và Jarrett - mới là những người chịu trách nhiệm. Chính họ quyết định chúng ta nên rút khỏi Afghanistan hay định hướng chính sách với Pakistan của chúng ta. Không phải Bộ Ngoại giao và không phải Hillary.”
“Hillary không tán thành với tổng thống về nhiều vấn đề: Cách thức chúng ta rút quân khỏi Afghanistan; cách tổng thống đối đãi với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak; cách đối phó với Libya; và những gì chúng ta nên làm với Syria - bà ấy muốn tham dự. Bà ấy không đồng ý với chính sách chỉ đạo từ phía sau.”