Mong muốn cháy bỏng của Bill Clinton là bắt Barack Obama phải trả giá cho sự gian dối liên quan đến việc ủng hộ Hillary. Nhà Clinton và nhà Obama cùng vướng vào một cuộc chiến không hồi kết.
Năm tuần rưỡi sau khi bị ngất xỉu, cuối cùng Hillary Clinton cũng xuất hiện trước Quốc hội cho cuộc giải trình được chờ đợi từ lâu về vụ Benghazi. Bà mặc quần âu màu lục, càng làm nổi bật làn da tái xanh. Dưới những ngọn đèn sáng rực của truyền hình, các nếp nhăn chằng chịt trên trán và quanh mắt cùng miệng bà có vẻ hằn sâu hơn. Do hậu quả của cú chấn động, bà phải thay cặp kính áp tròng bằng cặp kính đeo mắt dày cộp, bà bồn chồn mân mê gọng kính khi đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn trước các thành viên của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện. Tờ Guardian của Anh, có đăng một blog thời gian thực về buổi điều trần, nhận xét rằng giọng nói của Hillary “gần như rầu rĩ, cứ như thể có phần không công bằng với bà ấy khi phải ra giải trình”.
Xét ở nhiều khía cạnh, phiên điều trần là khúc dạo đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, vì Hillary phải đối diện với hai thành viên của ủy ban - Rand Paul ở Kentucky và Marco Rubio ở Florida - những người nằm trong bản danh sách dài những đảng viên Đảng Cộng hòa đang tính đến khả năng chạy đua vào Nhà Trắng.
“Nếu tôi là tổng thống ở thời điểm ấy, và tôi thấy rằng bà đã không đọc điện tín từ Benghazi cũng như từ Đại sứ Stevens”, Rand Paul nói, “tôi sẽ cách chức bà”.
Nhưng khoảnh khắc kịch tính nhất là khi Ron Johnson, một đảng viên Đảng Cộng hòa thuộc phong trào Tea Party và là Thượng Nghị sĩ cao cấp từ Wisconsin, hỏi Hillary tại sao bà đưa ra một câu chuyện không chính xác về vụ tấn công Benghazi và dứt khoát cho rằng đó là một cuộc biểu tình tự phát chứ không phải tấn công có kế hoạch.
“Chỉ cần một cú điện thoại cũng xác định được ngay lập tức nguyên nhân vụ tấn công”, Johnson nói.
Hillary trả lời rằng bà không muốn can thiệp vào cuộc điều tra.
Sau đó là đoạn trao đổi gay cấn:
Johnson (mỉa mai): Tôi nhận ra đó là một lời biện hộ rất hay.
Hillary (ngang ngạnh): Không, đó là sự thật.
Johnson (gây khó dễ): Chúng tôi bị đánh lừa rằng có những cuộc biểu tình và rằng có chuyện nảy sinh từ đó. Và người dân Mỹ cũng bị đánh lừa.
Hillary (vung tay, cao giọng): Bằng tất cả sự kính trọng, chúng ta đã mất bốn công dân Mỹ. Là do bọn khủng bố, hay vì một kẻ ra ngoài đi dạo ban đêm? Ở thời điểm này thì có gì khác biệt cơ chứ?
Cảnh tượng Hillary mất bình tĩnh khiến nhiều người bất ngờ.
Nói cho cùng, Hillary đã xác lập vị thế của mình như một chuyên gia điềm đạm với những ưu tiên về an ninh quốc gia để giữ cho nước Mỹ an toàn trong một thế giới hiểm nguy. Đó là hình ảnh bà nỗ lực tạo ra trong tâm lý cử tri. Trong cuộc bầu chọn ứng viên của đảng năm 2008, Hillary đã thực hiện một chương trình quảng cáo truyền hình mô tả bà dù phải chịu sức ép vẫn đáng tin cậy hơn hẳn đối thủ Barack Obama. “Lúc đó là ba giờ sáng và con cái quý vị đang an toàn say ngủ”, giọng bình luận viên trầm trầm cất lên. “Nhưng ở Nhà Trắng có một cuộc điện thoại và nó đang đổ chuông... Quý vị muốn ai là người trả lời điện thoại?” Cắt cảnh tới clip về một Hillary tự tin đang trả lời điện thoại trong căn phòng tối om.
Lúc này, trong cơn giận dữ bột phát, Hillary đã hủy hoại hình ảnh được xây dựng rất công phu như là người quản lý vững vàng, bình tĩnh chăm lo cho vận mệnh nước Mỹ. Và cách hành xử của bà làm sống lại những ký ức về tiếng tăm trước kia của bà như là một người phụ nữ nóng nảy và độc đoán. Nó khiến tất cả mọi người sững sờ. Tất cả mọi người, tức là, trừ những người bạn lâu năm nhất của Hillary - những người lớn lên cùng bà ở Park Ridge, Illinois. Họ cũng thấy mất tinh thần, nhưng không phải tất cả đều ngạc nhiên trước sự bột phát của bà tại phiên điều trần Thượng viện.
Họ nhớ rằng Hillary, con gái của hai bậc phụ huynh theo chủ nghĩa hoàn hảo, thường nổi đóa bất cứ khi nào có ai dám chỉ trích hoặc qua mặt bà. Hillary có tiếng là một trong những đứa trẻ ương ngạnh nhất Park Ridge từ thời bà mới chỉ bốn tuổi và khóc lóc về nhà mách mẹ rằng mình bị một cô bé tên Suzy O’Callaghan bắt nạt. “Nếu Suzy đánh con”, bà mẹ nói với Hillary, “con được mẹ cho phép đánh lại”.
Câu chuyện này, vốn là một huyền thoại trong đám trẻ con ở Park Ridge, kết thúc bằng việc Hillary đánh Suzy chảy máu mũi. Nhưng nó chỉ là khởi đầu cho sự nghiệp của Hillary như là một đứa trẻ thích đánh nhau. Khi người bạn trai điềm tĩnh đầu tiên của bà, Jim Yrigoyen, trao một con thỏ của Hillary cho cậu bạn hàng xóm, Hillary đã nổi khùng. “Cô ấy vung tay đấm thẳng vào mũi tôi”, Yrigoyen nhớ lại nhiều năm sau này. “Tôi sững người. Tôi đưa tay lên và thấy mũi mình đang chảy máu. Cô ấy thật sự làm tôi bị thương.” Và khi Rick Ricketts, một trong những người bạn thân nhất của Hillary, vô tình đâm xe đạp vào xe của bà, bà cũng vung tay và đấm một cú trời giáng vào mặt ông ấy.
Những sự việc như vậy có thể được bỏ qua như là cách hành xử của một đứa trẻ chưa trưởng thành, nhưng khi lớn lên, Hillary vẫn không sao kiểm soát được cơn giận dữ của mình. Khi Bill và Hillary ở Nhà Trắng, có rất nhiều câu chuyện kể về các cuộc tranh cãi biến thành hành động của họ. Ngày 19 tháng 2 năm 1993, tờ Chicago Sun-Times đưa tin:
Có vẻ Đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton có tính khí nóng nảy chẳng kém đức lang quân của mình. Tin đồn ở Washington nói rằng Hillary đã đập vỡ một chiếc đèn trong một cuộc tranh cãi nảy lửa lúc đêm khuya với tổng thống. Đừng lo: Chiếc đèn trong khu Tư gia thuộc về nhà Clinton và “không phải là một món đồ cổ vô giá hay thứ gì như vậy”, một nguồn tin Nhà Trắng cho biết.
Và rồi có một trường hợp bột phát rất nổi tiếng của Hillary trong chiến dịch vận động năm 2008 khi, theo CNN, bà đã “vung tay đấm mạnh vào không khí” khi nói chuyện với một đám đông tại Cincinnati, Ohio, rằng hai lá thư của Obama “loan truyền những lời dối trá” về địa vị của mình trong chương trình chăm sóc sức khỏe phổ cập lẫn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
“Ông thật đáng xấu hổ, Barack Obama”, Hillary lớn tiếng. “Khá đủ với những bài diễn văn và các cuộc mít tinh đông đảo và rồi sử dụng những chiến thuật lấy từ sách giải trí của Karl Rove.”
Thái độ bột phát của Hillary tại phiên điều trần Thượng viện được loan truyền trên YouTube, và các biên tập viên của tờ New York Post, vốn thuộc quyền sở hữu của ông trùm truyền thông bảo thủ Rupert Murdoch, đã tha hồ giễu cợt bà. Vào ngày hôm sau phiên điều trần Thượng viện, trang nhất tờ Post đăng một bức ảnh Hillary đang nện tay xuống bàn điều trần ở Thượng viện với hai nắm tay siết chặt, bên dưới có tiêu đề: “Không lạ gì khi Bill rất sợ”. Ở góc bên trái phía dưới là một bức ảnh chèn vào của Bill Clinton, có vẻ như nhìn lên Hillary trong trạng thái kinh ngạc, hãi hùng.
“Tôi có mặt cùng Bill trong văn phòng của ông ấy ở Chappaqua khi chúng tôi xem Hillary xuất hiện trên C-SPAN, đầy giận dữ trước ủy ban Thượng viện”, một thành viên trong nhóm tin cẩn của Bill Clinton nói. “Khi Hillary bắt đầu vung tay và nói, ‘Có gì khác biệt cơ chứ?’, Bill ngồi phịch xuống ghế và trông như một người bị suy sụp. Gương mặt ông ấy nặng trĩu. Ông ấy chẳng nói gì. Nhưng đó là biểu hiện mà tôi được chứng kiến rất rõ ở ông ấy.”
“Ông ấy bảo tôi, ‘Phe Cộng hòa sẽ dùng đoạn phim bà ấy nói, Có gì khác biệt cơ chứ? đồng thời chiếu đoạn băng vụ tấn công tòa lãnh sự. Nó đáng giá hàng triệu đô la quảng cáo. Tôi sẽ làm vậy nếu tôi là họ. Cách hành xử của Hillary có thể khiến chúng ta mất cả Nhà Trắng. Phe Cộng hòa sẽ tìm hiểu phản ứng của bà ấy và tìm cách gây khó dễ cho bà ấy trong dịp bầu cử năm 2016 rồi nẫng tay trên của bà ấy’.”
“Rồi Bill tắt ti vi với vẻ phẫn hận”, người này nói tiếp. “Ông ấy không thể xem tiếp được nữa. Ông ấy trách Barack Obama đã xử lý không ra sao tình hình ở Benghazi. Chẳng hề bận tâm đến việc làm tổng thống. Ông ấy nghĩ hầu hết cử tri sẽ quên ngay sự cố ở Benghazi vào ngày bầu cử năm 2016, nhưng giờ đây phe Cộng hòa có thể sẽ trình chiếu đoạn clip cho thấy Hillary nói rằng chẳng có gì quan trọng với những dòng tít về bốn người Mỹ bị sát hại. Thật tệ hại, nhưng đó sẽ là nội dung của các đoạn quảng cáo công kích, và chúng khá hiệu quả.”
“Tôi không nghĩ có một thỏa thuận rõ ràng được đặt lên bàn với Nhà Trắng để đổi lại việc Bill giúp Obama trúng cử. Nhưng Bill sẽ yêu cầu phải đặt lại lên bàn. Tôi dám nói rằng nếu Obama từ chối tiếp tục thực hiện những kế hoạch của Bill dành cho Hillary, thì sẽ căng thẳng đấy.”
Những người bạn của Bill, những người giữ vai trò trung gian đằng sau cánh gà giữa nhà Clinton và Nhà Trắng - Doug Band và Terry McAuliffe, cùng những người khác - đã phí thời gian cho việc truyền tải thái độ giận dữ của vị cựu tổng thống. Nhưng thông điệp mà họ truyền tải bằng ngôn ngữ rất ngoại giao để có vẻ không thiếu tôn trọng đối với vị tổng thống vừa mới nhậm chức, lại rất rõ ràng: Bill Clinton có cả ý chí và khả năng để gây bất lợi thật sự cho chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai đầy tham vọng của Barack Obama, và trừ phi có gì đó được thực hiện để làm dịu đi cơn giận của ông ấy đồng thời bênh vực Hillary về vụ Benghazi, Bill sẽ sẵn sàng gạt bỏ màn giả vờ rằng nhà Clinton và nhà Obama đang ăn cánh thân thiện với nhau.
Đây là một dạng hăm dọa thẳng thừng nhằm vào Tổng thống Hoa Kỳ mà không chính trị gia nào khác dám làm. Và Nhà Trắng hiểu rằng Bill Clinton có thể thực hiện lời đe dọa đó bởi vì ông ấy và Hillary là những đối trọng mạnh nhất đối với Barack Obama trên chính trường Mỹ.
“Có một vài hậu quả tiềm tàng”, một người ủng hộ Clinton nhận xét. “Bill sẽ tiếp tục chống đối các chính sách của Obama bất cứ khi nào ông ấy thấy có hứng, và Nhà Trắng sẽ phải chấp nhận ‘ngược gió’ với Clinton khi cố gắng triển khai các chính sách.”
“Bill luôn là một người chủ trương thực hiện chính trị quyết đoán ở mọi cấp độ”, người này nói tiếp. “Khi ông ấy đi khắp các bang và gặp gỡ những lãnh đạo địa phương, những người ủng hộ Đảng Dân chủ, chủ tịch các ủy ban, và các thống đốc, chính là đang gây ảnh hưởng tới những người này bằng một vài lời nói, thậm chí một cử chỉ. Nhà Trắng hiểu rằng Bill đang gây ra cho họ những vấn đề bằng tiểu xảo chính trị của ông ấy.”
Đối mặt với khả năng về một cuộc chiến tranh tổng lực giữa phe Clinton và phe Obama, tổng thống đã lảng tránh. Ông gọi cho nhà báo mà mình ưa thích, Steve Kroft của chương trình 60 Minutes, và đề nghị có một cuộc phỏng vấn chung chưa có tiền lệ với Ngoại trưởng sắp rời nhiệm sở Hillary Clinton. Kết quả là một màn gặp gỡ bày tỏ tình cảm ủy mị lẫn sự gượng gạo của tất cả các bên liên quan - nhất là những người sản xuất chương trình 60 Minutes, những người đã cho phép Nhà Trắng sử dụng chính họ.
Ngồi cạnh nhau trên những chiếc ghế giống hệt nhau, chỉ cách vài phân, Barack Obama và Hillary Clinton xuất hiện trước khán giả truyền hình như hai người bình đẳng với nhau, điều đó có tác dụng nâng cao vị thế của Hillary và hạ bớt vị thế của Obama. Ông cố gắng bù đắp lại trạng thái gần cận vật chất rất ngượng nghịu này bằng cách chấp nhận phong thái của một người địa vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Ông ca ngợi Hillary là “một trong những ngoại trưởng cừ nhất mà chúng ta có”, nhờ thế bác bỏ ý kiến của phe Cộng hòa cho rằng bà không đủ năng lực cho vị trí của mình. Và ông nhắc đến Hillary như một “người bạn tốt”. Tất cả những gì ông không nói đến là việc ông tặng một chiếc đồng hồ vàng cho người nhân viên già nua nhưng trung thành.
Hillary thì không tình cảm bằng. Bà xác định mối quan hệ với Obama là “rất nồng ấm” và “gần gũi” - chủ ý không dùng đến từ “bạn bè”. Và bà nhấn mạnh sự bình đẳng của họ bằng câu nói, “Vài năm trước, việc chúng tôi cùng thực hiện chương trình truyền hình này bị xem là không có thực, bởi vì chúng tôi đã có một chiến dịch vận động ra làm ứng viên của đảng rất dài và quyết liệt. Nhưng nếu như vai trò thay đổi, tôi sẽ rất muốn ông ấy tham gia vào nội các của mình”.
Tuy nhiên, rốt cuộc Obama đã có sự chuẩn bị để chỉ đi xa đến vậy và không xa hơn nữa. Khi Steve Kroft hỏi ông xem liệu sự xuất hiện của ông cùng Hillary có phải là dấu hiệu cho thấy ông có ý định tán thành bà ứng cử tổng thống năm 2016 hay không, Obama lui ngay.
“Dân báo chí các anh vẫn chứng nào tật ấy”, ông nói. “Tôi vừa mới nhậm chức bốn ngày trước, còn anh lại nói về cuộc bầu cử bốn năm tới.”
Đó chính là những gì báo chí đang bàn luận, và cho dù có thích hay không thì Obama cũng đã tiếp sức thêm cho những đồn đoán bằng việc thực hiện màn truyền hình hai trong một cùng với Hillary. Mặc dù hầu hết những người trong chính giới đều đánh giá chương trình 60 Minutes ấy như một nụ hôn ướt át trơ trẽn, nhưng nó khiến Hillary có uy thế tổng thống hơn hẳn. Theo Hillary và những người tạo dựng hình ảnh của bà, viễn cảnh ấy rất có lợi cho bà.
Bill Clinton lại là chuyện khác. Theo cách nhìn của ông ấy, Obama vẫn thất hứa việc sẽ ủng hộ Hillary vào năm 2016. Clinton nghĩ họ đã có một thỏa thuận, và việc Obama từ chối nói gì đó về phẩm chất của Hillary để ứng cử tổng thống là điều không thể biện minh được. Thậm chí nếu Obama không nói thẳng ra và tán thành bà ấy thì ít nhất cũng có thể nói gì đó tích cực về những triển vọng của bà ấy vào năm 2016.
“Chương trình [60 Minutes] đó là một động thái nhằm tiêu hao sức mạnh của tôi”, Bill nói với một người bạn. “Nhưng trò khỉ ấy không ăn thua với tôi. Tôi làm những gì tôi nghĩ là đúng đắn, tôi nói những gì tôi nghĩ là đúng, và không ai cản được tôi.”
Do đó, chương trình truyền hình, mà Nhà Trắng định xoa dịu phe Clinton, chỉ càng làm tăng những cảm nghĩ tiêu cực của Bill Clinton về Obama. Theo Bill, ông ấy và Obama có thể kết hợp với nhau như là những lãnh đạo trụ cột của đảng họ, và có thể trong một số trường hợp sẽ buộc phải thống nhất, nhưng mối quan hệ của họ chủ yếu là sự thiếu tin tưởng và những kỷ niệm chua xót. Giờ đây lại có thêm một nhân tố bổ sung vào hỗn hợp chất độc ấy: Mong muốn cháy bỏng của Bill Clinton là bắt Barack Obama phải trả giá cho sự gian dối liên quan đến việc ủng hộ Hillary. Nhà Clinton và nhà Obama cùng vướng vào một cuộc chiến không hồi kết.