Bill Clinton tỉnh dậy mỗi sáng với một ý nghĩ trong đầu: Làm thế nào để bảo đảm sự Phục hồi của Clinton tại Nhà Trắng. Như một trong những người bạn thân nhất của Clinton tiết lộ với tôi, “Bill sẽ bằng mọi giá khiến Hillary trở thành tổng thống”.
Không ai xuất hiện thường xuyên trên chương trình Mười gương mặt hấp dẫn nhất năm của Barbara Walters hơn Hillary Clinton. Cựu đệ nhất phu nhân đã có tên trong danh sách của Walters vào năm 1993 và 2003, và việc được bà ấy lựa chọn một lần nữa vào tháng 12 năm 2012 có nghĩa là Hillary tiếp tục có xếp hạng Nielsen rất vững. Walters có bản năng chính xác về những việc như vậy, vì ngoài việc là nhà báo truyền hình lâu năm nhất trong nghề (bà ấy trở thành nhân vật nổi tiếng trên truyền hình với chương trình The Today Show năm 1962), bà ấy còn là một trong những nhà sản xuất sắc sảo - và giàu có - nhất trong lĩnh vực này.
Barbara là bạn của Hillary. Nhưng đó không phải là lý do bà ấy đưa Hillary vào chương trình thường niên của mình. Cho dù quý vị cảm nhận về Hillary thế nào - dù quý vị yêu mến hay ghét bỏ bà, dù quý vị nghĩ bà có xứng đáng với tất cả những lời tôn vinh hay không - thì bà vẫn là câu chuyện thành công bậc nhất của phong trào nữ quyền.
Bà từng là đồng tổng thống với chồng mình suốt tám năm, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trong tám năm nữa, Ngoại trưởng trong bốn năm, và là “Người phụ nữ đáng ngưỡng mộ nhất” trong cuộc thăm dò ý kiến của Gallup suốt mười một năm qua. Và giờ đây, khi chuẩn bị rời Bộ Ngoại giao, bà rất có thể là nhân vật được yêu thích để trở thành ứng viên tổng thống tiếp theo của Đảng Dân chủ.
Barbara bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng việc hỏi Hillary câu hỏi rất hiển nhiên, “Bà cần gì để tranh cử [tổng thống] năm 2016?”.
“Tôi đã nói tôi thật sự không tin rằng đó là điều sẽ lại làm lần nữa”, Hillary trả lời. “Ngay lúc này, tôi không có ý định tranh cử... Nhưng tôi muốn đóng góp.”
“Vậy sẽ là chính trị chứ?”, Barbara hỏi.
“Tôi không nghĩ vậy”, Hillary nói. “Tôi nghĩ sẽ là từ thiện, có khi là học thuật...”
Điều đó, dĩ nhiên, không đúng sự thật.
Như những gì tôi viết trong cuốn sách này đã làm rõ, Hillary dốc toàn bộ tâm lực cho cuộc chạy đua tiếp theo của mình vào Nhà Trắng, và thái độ rụt rè của bà là một hành động thuận tiện về mặt chính trị. Bà ấy đang đợi đúng thời điểm, sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, để tuyên bố quyết định ứng cử của mình.
“Bà biết đấy”, Barbara tiếp tục, “chồng bà muốn bà tranh cử năm 2016. Bà nói gì với ông ấy?”.
“Ông ấy muốn tôi làm những gì tôi muốn làm”, Hillary nói. “Và ông ấy đã thể hiện điều đó rất rõ ràng.”
Đó là một lời nói dối thậm chí còn lớn hơn nữa.
Bill Clinton tỉnh dậy mỗi sáng với một ý nghĩ trong đầu: Làm thế nào để bảo đảm sự Phục hồi của Clinton tại Nhà Trắng. Như một trong những người bạn thân nhất của Clinton tiết lộ với tôi, “Bill sẽ bằng mọi giá khiến Hillary trở thành tổng thống”.
Sau đó Barbara nói rõ rằng nếu chọn tranh cử vào năm 2016, Hillary đã sáu mươi chín tuổi, và rằng nếu bà thắng cử nhiệm kỳ hai, bà sẽ bảy mươi bảy khi rời nhiệm sở.
“Liệu tuổi tác có phải mối lo đối với bà?”, Barbara, người vẫn còn mạnh khỏe ở tuổi tám mươi ba, hỏi.
“Thật sự thì không”, Hillary nói. “Thật may, tôi còn khỏe như vâm, mà không chỉ khỏe, còn có thể lực và năng lượng rất tốt.”
Và đó là lời dối trá lớn nhất.
Vì Hillary Clinton có những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng.
Bà đã tìm cách giữ kín hồ sơ y tế của mình vì sợ rằng, nếu để công chúng biết, bà sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành tổng thống. Thực tế, ngay hôm sau khi cuộc phỏng vấn của Barbara Walters được phát sóng, Hillary đã ngất xỉu, bị đập đầu, và có tin đồn bị chấn động.
Hillary ngất xỉu chỉ vài ngày trước lịch giải trình về vụ Benghazi trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Hai chủ tịch ủy ban miễn cho bà phải xuất hiện tại Quốc hội, và việc này tất yếu khiến nhiều người thắc mắc. Phải chăng Hillary đã giả vờ bị một cú chấn động để né tránh ngày phải giải trình trước Quốc hội? Cựu dân biểu Đảng Cộng hòa Allen West nghĩ vậy; ông ấy nói với Fox News rằng Hillary bị một chứng bệnh gọi là “cúm Benghazi”. Tờ New York Post gọi đó là “động tác giả”.
Đối mặt với sự bóp méo mới trong vụ bê bối Benghazi, Philippe Reines, người phát ngôn riêng của Hillary, đã lập tức bắt tay vào kiểm soát tình trạng thiệt hại. Reines là một nhân vật bí ẩn, có tiếng tăm rõ ràng rất phức tạp trong số nhiều ông lớn truyền thông của Washington. Tạp chí Vogue mô tả ông ấy như là “người đàn ông hình tượng có phong cách giống Michael Clayton26” của Hillary. Gawker, trang blog có thái độ khinh thường, thì gọi Reines là “một tay đặt điều thâm căn cố đế, kẻ tự tôn sùng bản thân, và chuyên mượn lời sếp của mình để mắng mỏ phóng viên”. Khi CNN đưa tin Đại sứ Christopher Stevens có một cuốn nhật ký trong đó ông ấy lo ngại về cuộc tấn công của al-Qaeda nhằm vào phái bộ Hoa Kỳ ở Benghazi - một câu chuyện trái ngược với bản thông báo chính thức từ Foggy Bottom - Reines đã gọi kênh này là “thứ ghê tởm”. Khi được phóng viên quá cố của BuzzFeed là Michael Hastings đặt câu hỏi về việc công kích CNN thái quá, Reines đã gọi Hastings là một “tay khốn rành rành” và bảo ông ấy trong thư điện tử rằng “Cút xéo”. Tóm lại, Philippe Reines là chú chó tấn công của Hillary, và bất kỳ điều gì ông ấy nói về tình trạng bệnh lý của bà đều không hoàn toàn chính xác.
26 Michael Clayton là nhân vật chính trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Tony Gilroy do hãng Warner Bros sản xuất. Michael Clayton là “tay giỏi dàn xếp” trong một hãng luật danh tiếng ở thành phố New York, luôn biết tận dụng mối quan hệ và kiến thức của mình về những lỗ hổng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Theo phiên bản các sự kiện mà Reines cung cấp cho truyền thông, Hillary đang ở nhà một mình tại Whitehaven thì bị nhiễm loại virus dạ dày trong một chuyến công du châu Âu. Loại virus đó, ông ấy nói, dẫn tới tình trạng mất nước nghiêm trọng, khiến Hillary ngất và bị đập đầu. Reines không nói đích xác sự cố xảy ra khi nào, cũng không đề cập đến thực tế là Hillary đã từng bị ngất xỉu tương tự vào năm 2005 trong một lần xuất hiện trước một nhóm phụ nữ ở Buffalo. Khi được Michael Hastings hỏi liệu Hillary có phải đi viện không, Reines chỉ nói rằng bà đã được các bác sĩ thăm khám và đang phục hồi ở nhà.
Đó là câu chuyện của Philippe Reines, và truyền thông, vốn đã bị tước bỏ bất kỳ nguồn thông tin nào khác, nhất trí như vậy.
Hóa ra đó là cả một mớ dối trá.
“Bill đi vắng lúc Hillary ngã và bị đập đầu”, một trong những người bạn thân cận của Hillary nói, “và ông ấy nổi đóa với Philippe Reines vì câu chuyện bịa đặt mà Reines thêu dệt về loại virus dạ dày gây mất nước, điều mà, Bill nói, nghe rất phi lý và đương nhiên dẫn tới tất cả các giả thuyết ngờ vực”.
Khi Bill Clinton về lại Washington, ông ấy kéo Reines ra một chỗ và hét vào mặt Reines vì cái cách xử lý tình huống rất ngớ ngẩn.
“Chuyện này là một thứ quái thai chết tiệt!”, Clinton nói với Reines. “Anh nghĩ gì vậy? Cách giải quyết quá tệ. Năng lực non kém. Chuyện mất nước rành rành là dối trá và ngớ ngẩn. Nó cho thấy Hillary và những người giúp việc không đủ sáng suốt để nhận ra rằng bà ấy vẫn uống nước đều đặn.”
Câu chuyện đích thực về những gì xảy ra với Hillary, được thuật lại lần đầu tiên trên những trang sách này, khác hoàn toàn với phiên bản của Reines.
Trước hết, Hillary ngất lúc đang làm việc trong văn phòng tầng bảy ở Bộ Ngoại giao, chứ không phải ở nhà như lời Reines nói với truyền thông. Bà được điều trị tại bệnh xá của Bộ Ngoại giao và sau đó, theo đề nghị kiên quyết của bà, bà được đưa về Whitehaven để bình phục. Tuy nhiên, ngay khi Bill xuất hiện tại hiện trường và có thể đích thân đánh giá tình trạng của Hillary, ông ấy ra lệnh bà phải lập tức bay tới Bệnh viện New York - Presbyterian ở khu Pháo đài Washington của Manhattan. Sau đó, khi Reines phát đi một thông cáo khẳng định rằng Hillary đang được điều trị tại bệnh viện qua luôn cả kỳ nghỉ Năm Mới, đương nhiên nó càng làm tăng đồn đoán về mức độ nghiêm trọng của tình trạng sức khỏe của bà.
Trong lúc Hillary ở lại bệnh viện, các bác sĩ đã chẩn đoán bà có một vài vấn đề.
Bà mắc chứng huyết khối xoang tĩnh mạch bên phải, hoặc bị khối máu tụ giữa não và sọ. Bà có cục máu đông nằm trong một tĩnh mạch đưa máu từ não về tim. Các bác sĩ giải thích rằng máu bị ứ khi ta dành quá nhiều thời gian trên máy bay, và Hillary đã mất không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ bay khắp thế giới.
Tệ hơn nữa, hóa ra trong bản thân Hillary vốn đã hình thành cục máu đông và ngất xỉu. Ngoài lần ngất xỉu ở Buffalo vài năm trước, bà đã ngất xỉu khi đang lên máy bay ở Yemen, ngã và rạn khuỷu tay năm 2009, và có vài kịch bản ngất xỉu không rõ khác. Vài năm trước, bà từng bị ứ máu ở chân và được bác sĩ điều trị chống tụ máu. Tuy nhiên, bà đã dại dột ngừng uống thuốc chống tụ máu, điều có thể lý giải cho hiện tượng nghẽn máu gần đây nhất.
“Điều khác lạ liên quan đến ứ máu ở não là nó có thể chuyển thành đột quỵ”, một chuyên gia tim mạch biết tình trạng bệnh của Hillary nói. “Nhưng nguy hiểm đó giờ đây theo ngay sau Hillary. Tôi không nghĩ những lần ứ máu thế này ngăn được việc bà ấy tranh cử tổng thống. Những trường hợp ứ máu này không hề gây ra hiệu ứng dư thừa nào. Một vài tổng thống, bao gồm Franklin Roosevelt, Ike và Nixon, từng được điều trị bằng thuốc chống tụ máu. Nếu Hillary duy trì đơn thuốc chống tụ máu, tình trạng ứ máu sẽ rất hiếm khi tái phát.”
Theo nguồn tin thân cận với Hillary, một đợt kiểm tra y tế kỹ càng tiết lộ rằng khuynh hướng hình thành máu ứ ở Hillary chưa phải là tất cả các vấn đề của bà. Bà còn bị một chứng bệnh về tuyến giáp, vốn rất phổ biến ở phụ nữ thuộc độ tuổi như bà, và những lần ngất xỉu cho thấy có vấn đề tim mạch tiềm ẩn. Một đợt kiểm tra mức độ gắng sức cho thấy nhịp tim và các van tim của bà đều không được bình thường. Theo ngôn ngữ của người ngoài chuyên môn, các van tim của bà hoạt động không đều.
Khi tôi giả tìm cách liên lạc với bác sĩ tim mạch của gia đình Clinton là bác sĩ Allan Schwartz, ông ấy đã từ chối bình luận, cho nên không thể xác định được chính xác bản chất tình trạng bệnh lý của Hillary hoặc mức độ lâu dài của nó. Tuy nhiên, các nguồn tin từng thảo luận về tình trạng sức khỏe của Hillary được cho biết rằng các bác sĩ của bà đang cân nhắc chuyện tiến hành phẫu thuật thay thế van tim. Cuối cùng họ quyết định hủy bỏ việc đó. Nhưng, trước khi cho Hillary xuất viện, họ cảnh báo Bill Clinton rằng, “Bà ấy phải được theo dõi cẩn thận suốt quãng đời còn lại”.
Bill vẫn rất bực với cách thức toàn bộ vụ việc được xử lý. Ông ấy gọi đó là một “thảm họa” xét từ góc độ chính trị.
“Mặt mũi ông ấy đỏ gay và ông ấy bực tức quát tháo”, một người bạn đi cùng ông ấy khi vào thăm Hillary trong bệnh viện cho biết. “Tôi lo rằng ông ấy cũng sẽ phải nhập viện cùng Hillary. Ông ấy gần như hoảng hồn về cuộc khủng hoảng sức khỏe của Hillary cùng cuộc khủng hoảng chính trị có thể kéo theo sau. Mọi thứ ông ấy đã bỏ công sức làm, tất cả những nỗ lực của ông ấy để đưa Hillary trở thành tổng thống, giấc mơ về nhiệm kỳ thứ ba và thứ tư của ông ấy trong Nhà Trắng - tất cả những điều này đều đang bị đe dọa.”
“Ông ấy bảo Chelsea, trông rất sốc và nước mắt, nước mũi giàn giụa, rằng cô bé sẽ phải can thiệp thay mặt mẹ khi ông ấy không có mặt”, người bạn này kể tiếp. “Ông ấy nói với Chelsea, ‘Ba không tin mấy thằng ngốc xung quanh mẹ con. Con phải xắn tay vào thôi’. Chelsea nhập cuộc rất nhanh và chỉ một lát sau đã cung cấp cho báo chí một thông cáo. Cô bé mỉm cười, nói rằng mẹ mình vẫn ổn và đang hồi phục hoàn toàn. Bill không để Hillary thấy mình giận dữ, bởi vì ông ấy không muốn bà khó chịu. Nhưng bà ấy rất bàng hoàng lúc tôi nhìn thấy bà ấy. Bà ấy rất sợ những gì đang xảy ra với quả tim của mình và những hậu quả có thể có, đặc biệt là cuộc phẫu thuật tim trong tương lai.”