... Mùa xuân năm 2013 đã ra đời cái gọi là một chiến dịch mê hoặc của Obama, hay những gì Politico đặt tên là “Kế hoạch B của Tổng thống Obama: Dàn xếp với phe Cộng hòa”.
Quyết tâm mạnh mẽ của Bill Clinton nhằm tìm cách trả thù Barack Obama đến vào một thời điểm không thể tệ hơn với tổng thống. Điều Obama rất không mong muốn là có một địch thủ ngay trong hàng ngũ của mình. Đến tháng thứ hai trong nhiệm kỳ hai của Obama, chương trình nghị sự cánh tả của ông vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa. Quốc hội bác bỏ tất cả những yêu cầu của Obama - mở rộng Cơ quan Bảo vệ Môi trường, cải cách toàn diện vấn đề di trú, tăng lương tối thiểu, kiểm soát súng ống chặt chẽ hơn, và vân vân.
Điều tệ hại hơn nhìn từ góc độ của Nhà Trắng là chiến lược của Obama đi vận động chính trị khắp nước nhằm hạ uy tín phe Cộng hòa và gây sức ép buộc họ phải “thuần phục” hóa ra lại là một thất bại không kém. Như Wall Street Journal chỉ ra trong một bài xã luận:
Obama chắc chắn có thừa lý do để kết luận chiến lược tấn công phe Cộng hòa của ông đã không có tác dụng. Chiến dịch vận động của ông nhằm mô tả những khoản cắt giảm ngân sách tạm thời rất khiêm tốn như là kỳ tích Apocalypse Now27 lại cho kết quả ngược với mong đợi, và Đảng Cộng hòa không cấp ngân sách cho đề nghị tăng thuế của ông. Ngay cả đội ngũ báo chí dễ bảo của Nhà Trắng cũng khiến chính quyền vướng vào rất nhiều chuyện bóp méo sự thật, còn quyết định ngừng tour tham quan Nhà Trắng dành cho học sinh tiểu học vào kỳ nghỉ xuân có vẻ rất nhỏ nhen và tầm thường.
27 Apocalypse Now là một bộ phim phiêu lưu chiến tranh năm 1979 của Mỹ do Francis Ford Coppola sản xuất và đạo diễn. Phim được giới phê bình xem là một trong những bộ phim hay nhất từng được sản xuất. Bộ phim đã giành Giải Cành cọ vàng tại Cannes, được đề cử Giải Hàn lâm cho Phim hay nhất và Giải Quả cầu vàng cho phim hay nhất. Năm 2000, Apocalypse Now được xem là “có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ” và được chọn vào Thư mục Phim Quốc gia trong Thư viện Quốc hội.
Những phiền toái của Obama được phản ánh ở sự giảm sút tỷ lệ người dân ủng hộ, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng mười sáu tháng. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của McClatchy-Marist, có nhiều cử tri không tán thành những gì ông thể hiện (48%) hơn là tán thành (45%). Người được chọn đã không còn đi trên mặt nước được nữa.
Một vài cố vấn chính trị thân cận nhất của Obama, trong đó có ba cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng - Rahm Emanuel, John Podesta, và Bill Daley - cũng như tân chánh văn phòng Denis McDonough, đều thúc giục ông gạt bỏ giọng điệu gây gổ sang một bên. “Càng làm thế, ngài càng giống thế”, một người đã khuyên tổng thống.
Vậy là mùa xuân năm 2013 đã ra đời cái gọi là một chiến dịch mê hoặc của Obama, hay những gì Politico đặt tên là “Kế hoạch B của Tổng thống Obama: Dàn xếp với phe Cộng hòa”. Rất nhanh sau đó, ông đi ăn với hàng chục Thượng Nghị sĩ Cộng hòa, gặp gỡ các Hạ Nghị sĩ Cộng hòa ngay ở tầng hầm tòa nhà Quốc hội, uống với hai nhân vật phản đối khó chịu nhất là các Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham và John McCain, và mời Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan tới Nhà Trắng ăn trưa.
“Tuần này, chúng tôi đã thay đổi 180 độ”, Chủ tịch Hạ viện John Boehner xỏ xiên. “Sau khi đăng nhiệm đến bốn năm, cuối cùng ông ấy mới chịu ngồi nói chuyện với các nghị sĩ.”
Nhiều người ở Washington nghi ngờ tính chân thật trong thái độ thân mật bất ngờ của Obama. “Chuyện này làm nảy sinh một câu hỏi khó chịu: Việc tụ tập kết giao này là một hành động khiêm nhường và lãnh đạo chân thực hay chỉ là một màn phô trương như trò hề?”, Ron Fournier viết trên tờ National Journal. “Tôi không thể trả lời câu hỏi đó bởi vì tôi không hiểu được tâm trạng của Obama. Tôi có thể nói với quý vị rằng một số cố vấn của ông ấy cũng không thấy thuyết phục rằng chiến lược này sẽ có tác dụng hơn so với vài ngày trước. ‘Đây là một trò đùa. Chúng ta đang phí thời gian của tổng thống và của chính mình’, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, người được hứa giấu kín tên thì mới nói thẳng, đã thốt lên, ‘Tôi hy vọng quý vị [trong giới truyền thông] thấy vui vì chúng tôi đang làm thế vì quý vị’.”
Cũng chính các cố vấn Nhà Trắng đã đặt câu hỏi về việc Obama tiếp cận phe Cộng hòa lại rất phản đối đề xuất mở rộng chiến dịch mê hoặc của tổng thống nhằm dung nạp cả người của Đảng Dân chủ và nhấn mạnh sáng kiến đó bằng việc mời Bill và Hillary Clinton tới ăn tối tại Nhà Trắng. Trong số những người phản đối ý tưởng đó, tiếng nói mạnh mẽ nhất là Valerie Jarrett.
“Nếu Valerie làm được theo ý mình thì bữa tối ấy sẽ không bao giờ diễn ra”, một người bạn tâm giao của Jarrett nói. “Bà ấy nói với tổng thống và Michelle rằng việc đó chẳng ích gì, và không làm vậy cũng chẳng hại gì. Vậy thì tại sao lại phải làm? Nhưng bà ấy lại - rất khác thường - bị những nhân vật chính trị xung quanh Obama phản đối, và Barack đã quyết định gạt bỏ ý kiến của bà ấy.”
“Tuy nhiên, Valerie lại thắng ở một điểm”, người này nói tiếp. “Bữa tối được giữ kín. Valerie không muốn để Bill Clinton có cơ hội nói với truyền thông về việc đó và ghi được vài điểm chính trị, điều mà sau đó Nhà Trắng sẽ phải đi giải quyết. Chuyện này cho thấy Valerie tin rằng Bill là khẩu đại pháo khó lường và ông không bị ảnh hưởng bởi những lợi ích tối thượng của tổng thống. Valerie cũng chỉ ra rằng nếu bữa tối được công bố, việc đó sẽ khiến truyền thông nhớ ra là nhà Clinton chưa bao giờ được mời tới Nhà Trắng của Obama cho tới lúc này.”
Và vì thế, ngày 1 tháng 3 - đúng ngày khoản tiền 85 triệu đô la cắt giảm ngân sách được xem là “khoản thu hồi tạm thời” có hiệu lực - nhà Clinton lặng lẽ tiến vào Nhà Trắng mà không ai hay biết và ngồi ăn tối với gia đình Obama tại khu Tư gia. Thông thường, một khi Obama đã quyết định làm gì (chẳng hạn, thúc đẩy tiến trình ở Afghanistan), ông lập tức có những suy nghĩ khác, và cách hành xử của ông trong bữa tối thay đổi từ ủ rũ thành gắt gỏng rồi cáu kỉnh.
Sau màn chào hỏi mang tính bắt buộc và chuyện trò qua loa về gia đình, Obama hỏi Bill nghĩ gì về khoản thu hồi tạm thời: Liệu nó có trở thành một điểm cộng chính trị cho ông không? Bill đáp bằng một bài diễn thuyết dài - và chán ngắt - về vấn đề đó. Để thay đổi chủ đề, Hillary hỏi Michelle rằng có đúng, như bà nghe được, là đệ nhất phu nhân đang nghĩ đến việc tranh cử vị trí Thượng Nghị sĩ bang Illinois không.
Michelle nói rằng bà ấy đang định hình ý tưởng đó, mặc dù vẫn chưa dứt khoát.
Bill ném cho Hillary một cái nhìn ngờ vực.
Khi đĩa bát được dọn đi sau món thứ nhất, Valerie Jarrett cùng tham gia bữa tiệc tối. Bà ấy ngay lập tức đề cập đến chủ đề tranh cử vào Thượng viện của Michelle. Valerie nói bà ấy rất ủng hộ ý tưởng đó, và bà ấy có cảm tưởng rất rõ ràng rằng, nếu Michelle quyết định làm, thì bà ấy, tức Valerie, rất muốn triển khai chương trình và đóng vai trò tham mưu trưởng cho Michelle.
Sau đó Bill lái cuộc trò chuyện sang tổ chức chiến dịch vận động được ca ngợi hết lời năm 2012 của Obama. Ông ấy nói với Obama rằng sẽ là một ý tưởng rất hay nếu chuyển tổ chức ấy, cùng với bộ máy truyền thông xã hội và số hóa của nó, cho Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
Phản ứng duy nhất của Obama là một nụ cười khinh thường.
“Ngài phải sử dụng tổ chức của mình để hỗ trợ ứng viên năm 2016”, Bill thúc ép Obama.
“Vậy ư?”, Obama đáp bằng giọng điệu mỉa mai không cần che giấu.
Hai người đàn ông lời qua tiếng lại về vấn đề số tiền dành cho tổ chức vận động tranh cử của Obama lấy từ đâu và làm thế nào để phân bổ ngân quỹ cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Bill cao giọng. Obama cũng vậy.
Lại một lần nữa, Hillary xen vào và cố gắng lái cuộc trò chuyện sang vấn đề an toàn hơn. Bà hỏi Michelle về một người bạn chung của họ (nguồn tin của tôi về cuộc trò chuyện này không nói rõ tên người đó).
Tất cả mọi người đều đã uống một lượng rượu vang kha khá. Nhưng Obama uống nhiều hơn những người khác và chưa hề từ chối lần tiếp thêm rượu nào.
Sau đó Obama đột nhiên tuyên bố ông phải ra khỏi phòng. Sau khi tổng thống đã rời đi, không khí trở nên im lặng một cách ngượng nghịu. Cuộc nói chuyện trở về chủ đề khoản thu hồi tạm thời, và tất cả mọi người có mặt tại bàn đều nhất trí rằng hầu hết người dân Mỹ sẽ trách cứ phe Cộng hòa vì sự bất tiện gây ra bởi việc tạm ngưng hoạt động của chính phủ.
Khi Obama trở lại phòng, người ông nồng nặc mùi thuốc lá, và Michelle không buồn che giấu sự khó chịu của bà ấy.
Tiếp đến Bill có màn độc thoại về kinh nghiệm của mình trước chuyện tạm ngưng hoạt động của chính phủ khi ông ấy là tổng thống. Ông ấy giải thích rằng mình đã khôn hơn phe Cộng hòa và giành chiến thắng vì ông ấy đã học được cách xử lý những khủng hoảng như vậy khi còn là Thống đốc bang Arkansas.
“Kinh nghiệm điều hành rất hữu ích”, ông ấy nói, hàm ý rằng Obama thiếu phẩm chất thiết yếu đó.
Đã nhiều năm rồi chẳng ai nói năng với Obama theo cách đó. Là người gác cổng của tổng thống, Valerie Jarrett có nhiệm vụ bảo đảm rằng bất kỳ ai có ý định rao giảng cho Obama đều bị ngăn cản không cho tiếp cận ông. Thêm một lý do nữa khiến bà ấy phản đối việc mời gia đình Clinton tới ăn tối.
Khi Bill Clinton tiếp tục nói về kinh nghiệm quản lý của mình, Obama bắt đầu nghịch chiếc Blackberry dưới gầm bàn, thể hiện rõ rằng ông chẳng hề chú ý tới bất kỳ điều gì Clinton nói. Ông cố tình làm mất mặt Clinton. Những người khác có mặt quanh bàn đều nhận ra Obama đang nghịch chiếc Blackberry của ông, và không khí còn trở nên lãnh đạm hơn trước.
Lần thứ ba, Hillary lại thay đổi chủ đề.
“Ngài có vui khi không phải vận động tranh cử lần nữa không?”, bà hỏi Obama. “Có vẻ ngài không thích thú lắm.”
“Với một gã không thích”, Obama đáp một cách chua ngoa, “thì tôi đã làm rất tốt”.
“Ồ”, Bill nói, bồi thêm vào, “tôi rất vui được hỗ trợ và giúp ngài tái đắc cử”.
Lại một sự im lặng kéo dài nữa. Cuối cùng, Obama quay sang Bill và nói, nhỏ nhẹ, “Xin cảm ơn”.
Sau bữa tối, và khi gia đình Clinton đã được dẫn ra khỏi khu Tư gia, Obama mới quay sang Valerie, lắc lắc đầu, và nói, “Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ mời thằng cha đó”.