Hai chiếc SUV màu đen, bọc giáp lao vào một ngõ cụt nơi vùng ngoại ô và dừng lại trên lối xe chạy tại căn nhà của gia đình Clinton ở Chappaqua, New York. Một hàng đặc vụ Sở Mật vụ lực lưỡng nhảy ra và quây lấy một người đàn ông bước xuống từ chiếc xe đi đầu. Đó là giữa mùa hè năm 2013, Bill Clinton trông rất teo tóp và ốm yếu. Ông ấy vừa trở về sau chuyến đi định kỳ tới gặp bác sĩ tại Bệnh viện New York - Presbyterian, nơi ông ấy nhận được một vài tin không vui.
Bác sĩ chuyên khoa tim của ông ấy, bác sĩ Allan Schwartz, đã kiểm tra kỹ càng cho cựu tổng thống. Sau đó, họ ngồi lại trong văn phòng của bác sĩ để trò chuyện giữa hai người đàn ông với nhau. Các kiểm tra cho thấy chức năng tim của Bill tiếp tục suy giảm, Schwartz nói. Điều đó là bất thường, bác sĩ giải thích, vì bệnh tim của Bill rất “phát triển”, có nghĩa là sẽ càng tệ hơn theo thời gian. Việc lựa chọn từ “phát triển” - cùng với ngụ ý chính trị của nó - khiến gương mặt của cựu tổng thống thoáng nụ cười mỉa mai. Ông ấy và Schwartz chuyện phiếm thêm một lúc, trước khi Bill ra về, bác sĩ buộc cựu tổng thống hứa sẽ giảm bớt lịch trình làm việc và nghỉ ngơi nhiều hơn.
Khi đã về nhà, Bill lên gác về phòng ngủ của mình và nằm xuống đi văng. Ông ấy thấy kiệt sức. Ông ấy vốn là con người của rất nhiều sở thích: sưu tầm xe hơi cũ và các đĩa nhạc rock thập niên 1950, ông ấy rất mê xem thể thao, đặc biệt là bóng rổ của các trường đại học. Đây là những trò giải trí cả đời của ông ấy; chúng giúp ông ấy thư giãn lúc rảnh. Nhưng giờ ông ấy chẳng hứng thú với bất kỳ điều gì ngoài kỳ bầu cử tổng thống năm 2016. Đó là tất cả những gì ông ấy quan tâm. Ông ấy bị nó ám ảnh. Nó và sức khỏe của ông ấy.
Tin cho biết ông ấy đang bị suy tim - và có thể ra đi bất kỳ lúc nào - không có gì là ngạc nhiên. Ông ấy biết tim mình đang suy; nó đang kiệt quệ. Nhưng ông ấy quyết tâm không từ bỏ. Ông ấy sẽ trì hoãn điều tất yếu càng lâu càng tốt.
“Mọi người đều nghĩ tôi sắp chết”, ông ấy nói với một người bạn. “Người ta đã tìm cách an táng tôi. Nhưng tôi sẽ vẫn quanh quẩn và khiến tất cả phải ngạc nhiên. Tôi chẳng đi đâu cả cho tới khi chúng tôi trở lại Nhà Trắng.”
Bill Clinton không biết làm cách nào để giảm bớt thời gian biểu của mình, như bác sĩ Schwartz đã thúc giục ông ấy. Cựu tổng thống đã di chuyển rất nhiều trên chiếc Gulfstream G650 trị giá 65 triệu đô la, một chiếc phản lực hai động cơ có tám ghế, tầm bay bảy nghìn dặm, và bay đến cận ngày 1 tháng 3. Khi bạn đi số lượng dặm bay nhiều như Bill, chiếc Gulfstream G650 sẽ rất hữu ích và là một cách đi lại thật thoải mái. Nhưng cũng đúng là lịch trình di chuyển, gặp gỡ và diễn thuyết dày đặc khắp thế giới của Bill có những tai hại của nó, và thỉnh thoảng tình trạng căng thẳng rõ rệt một cách đau đớn.
“Không lâu sau Giáng sinh”, một người bạn nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn sách này, “tôi tới thăm ông ấy tại văn phòng Harlem. Trông ông ấy thật khủng khiếp - xanh xao và nhợt nhạt. Tôi biết có gì đó rất không ổn. Nhưng ông ấy xua xua tay. Rồi ông ấy đổ mồ hôi đầm đìa. Tôi nói, ‘Bill, anh cần giúp đỡ đấy. Tôi sẽ gọi 911’. Ông ấy gật đầu, tôi liền gọi điện rồi chạy ra ngoài, gọi người của ông ấy. Một chiếc xe cấp cứu đưa ông ấy vào viện. Đó là một trường hợp tim cấp gì đó. Và là một lời cảnh báo nữa cho ông ấy”.
“Tôi biết ông ấy đã khám qua các bác sĩ tim mạch giỏi nhất thế giới”, người bạn này kể tiếp. “Ông ấy có mong muốn rất mạnh mẽ là được sống và nắm quyền trở lại. Hơi có phần đáng sợ. Hầu hết chúng tôi khi có chút quyền lực và ảnh hưởng nào đó đều sẵn sàng ngồi xuống và nhẹ nhàng chuyển sang hướng khác, tận hưởng cuộc sống gia đình, tài trợ nghệ thuật, và vân vân. Bill thì chẳng quan tâm đến gì khác ngoài việc đánh bóng bảng thành tích của mình và trở lại nắm quyền. Ông ấy rất buồn bực khi bị gạt ra ngoài lề. Khi ông ấy nói về điều đó, răng ông ấy nghiến lại. Ông ấy chắc phải đi khám nha khoa vì hay nghiến răng.”
Giấc ngủ ngắn của Bill Clinton bị ngắt quãng khi ông ấy nghe thấy tiếng cười của vợ mình và những giọng nữ khác trong nhà.
Ông ấy xuống nhà, nơi Hillary và hai bà bạn đang trò chuyện trong sảnh. Ông ấy đặt một bàn tay, hơi hơi run, lên vai vợ, gí mũi vào tóc bà ấy, rồi thì thầm gì đó khiến bà ấy bật cười và hơi đỏ mặt.
“Anh đi khám bác sĩ thế nào?”, Hillary hỏi.
“Họ vẫn chưa đóng dấu hết hạn cho anh”, Bill trả lời.
Một câu hỏi ngầm lơ lửng trong không khí giữa hai người: Chuyện gì xảy ra nếu tim Bill không trụ nổi và ông ấy bị mất năng lực hoặc qua đời?
Theo ý kiến từ nhiều người bạn của Hillary mà tôi đã nói chuyện, sự thiếu vắng của Bill trên chính trường có thể đánh dấu sự chấm dứt những tham vọng chính trị của Hillary. Theo cách họ nhìn nhận, Hillary sẽ rất choáng váng với sự ra đi của chồng và cũng là người đồng chí chính trị của mình đến mức bà có thể rút lui khỏi chính trường.
“Bill là người chèo lái đằng sau hành trình của Hillary”, một người bạn trong số này nói. “Nếu ông ấy ốm nặng, tôi nghĩ bà ấy có thể sẽ rút lui. Có lẽ người duy nhất có thể giúp Hillary lấy lại thăng bằng khi thiếu vắng Bill là Chelsea, người đã trở thành cố vấn và nguồn động viên mạnh mẽ nhất cho bà ấy chỉ sau Bill.”
Thực tế, Chelsea Clinton đã tiếp quản nhiều trách nhiệm của Bill tại Quỹ Clinton, giúp cha cô rảnh rang tập trung kiến tạo chiến dịch vận động cho Hillary vào năm 2016. Theo những người biết cô ấy, Chelsea muốn trở lại Nhà Trắng không kém gì cha mẹ. Cô rất tin rằng khoảnh khắc lịch sử sẽ đến để mẹ cô trở thành nữ tổng thống đầu tiên. Hồi năm 2008, Chelsea tin mẹ cô có quyền được như vậy, và giờ đây cô càng tin vào quyền đó hơn nữa. Cô muốn mẹ mình kiên cường, cho dù sức khỏe của cha cô thế nào.
“Nếu Bill đứt gánh”, một người am hiểu nội tình nhà Clinton nói, “tôi hoàn toàn tin rằng Chelsea sẽ sát cánh bên mẹ cô ấy và nói, ‘Ba muốn chúng ta kiên cường và biến giấc mơ thành hiện thực’”.
Cuối ngày hôm đó ở Chappaqua, Bill, Hillary và hai người bạn của bà tụ họp trong gian nhà đỏ đã được hoán đổi dùng làm văn phòng tại gia của Bill. Đám phụ nữ uống Chardonnay; Bill ưa dùng một ly Pinot Noir. Không bao lâu thì Bill lái cuộc trò chuyện sang chủ đề chính trị.
“Lần trước chúng ta bắt đầu khá muộn”, ông ấy nói, nhắc đến chiến dịch vận động năm 2008. “Đó là lý do tôi phải thu xếp việc này suốt năm năm qua, kể từ khi chiến dịch đó kết thúc. Chúng ta đang quyên tiền, hơn một tỷ đô la, và chúng ta đang đưa người của mình vào các vị trí ở khắp nơi.”
Ông ấy nói rằng mình đang viết những gì ông ấy gọi là “sách giải trí” - những ghi chép rất dày vạch ra các luận điểm để Hillary khai thác những vấn đề hiện tại chính - mọi việc từ cải cách chế độ di trú đến kiểm soát súng ống và giáo dục. Ông ấy cũng tiến hành tìm hiểu các đối thủ Cộng hòa của Hillary. Ông ấy cảm thấy Hillary sẽ phải tránh xa Barack Obama cũng như cách xử lý rất nghiệp dư của ông với chính sách đối nội và đối ngoại.
“Chúng ta phải liệt kê tất cả mọi tình huống mà Obama đã sai lầm. Benghazi, Cục Thu nhập Nội địa (IRS), chương trình bảo hiểm, như cách mọi người gọi. Chúng ta phải giải thích”, ông ấy nói, nhìn về phía Hillary, “xem em sẽ làm mọi việc khác biệt và tốt hơn như thế nào. Phải làm rõ như pha lê rằng em hiểu những sai lầm của Obama và chính em sẽ không bao giờ phạm phải chúng”.
“Em phải tấn công mạnh vào những gì Obama thể hiện”, ông ấy nói tiếp, đứng lên khỏi ghế và đi vòng quanh gian nhà trong lúc nói. “Em phải thật đặc biệt. Chính quyền của em sẽ là nhiệm kỳ Clinton thứ ba, không phải nhiệm kỳ Obama thứ ba. Chúng ta phải rất cứng rắn, bởi vì cử tri đang nhìn ông ta như một kẻ không ra gì, và chúng ta cũng phải làm như vậy.”
Hillary bật ra tràng cười đặc trưng của mình. Sau đó bà cũng đứng lên và bắt đầu đi quanh nhà. Họ đi tới đi lui và nói, thỉnh thoảng lại trao đổi trực tiếp với nhau.
“Thời khắc chúng ta làm được những gì anh nói và công kích Obama, chúng ta sẽ đoạn tuyệt mọi quan hệ với ông ta”, Hillary nói. “Điều đó sẽ khiến Obama nổi điên, và ông ta sẽ dồn sự ủng hộ của mình cho Biden hoặc có Chúa mới biết là kẻ nào. Ông ta sẽ không bao giờ bỏ qua cho em.”
“Ai quan tâm!”, Bill nói. “Chỉ vài tháng nữa, ông ta sẽ chẳng còn tí vốn liếng chính trị chết tiệt nào. Anh chẳng thèm bận tâm ông ta ủng hộ ai. Chúng ta sẽ nghiền nát gã khốn đó và bất cứ kẻ nào gã ủng hộ. Chiến dịch của em sẽ là một cuộc chiến chớp nhoáng chưa ai từng thấy. Em đã học được bài học của anh về mức độ cần thiết phải thực hiện nó như thế nào. Không đủ để quật ngã đối thủ của em đâu. Em phải nghiền nát gã.”
Cuộc trò chuyện tiếp tục theo mạch đó một lúc, sau đấy, rất bất ngờ, Bill đổi chủ đề và bắt đầu nói về sức khỏe của bản thân.
“Anh lo lắng không biết sức khỏe của anh sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch vận động của em như thế nào”, ông ấy nói. “Anh phải làm tất cả những gì mình có thể để chuẩn bị cho các cuốn sách vận động tranh cử, nhưng anh cũng phải chấp nhận sự thật rằng nếu mình gục ngã, em sẽ phải tiếp tục mà không có anh và biến điều đó thành lợi thế.”
“Lợi thế ư?”, Hillary nói. “Anh đang nói chuyện quái
gì vậy?”
“Rõ ràng, em phải tổ chức một lễ tang nhà nước lớn cho anh, với càng nhiều nghi thức long trọng càng tốt”, ông ấy nói. “Anh nghĩ có lẽ nên an táng anh ở Arlington [Nghĩa trang Quốc gia] chứ không phải tại thư viện của anh ở Little Rock.
Nói cho cùng, anh là tổng tư lệnh suốt tám năm và có mọi quyền để được an táng tại Arlington.”
“Bill!”, Hillary nói, cố gắng ngắt mạch suy nghĩ của ông ấy.
“Anh sẽ lên kế hoạch việc này thật chi tiết”, ông ấy nói.
“Em không muốn nghe nữa!”, Hillary nói.
“Nhớ mặc đồ tang góa phụ, để mọi người cảm thấy thông cảm cho em. Mặc màu đen trong thời gian cư tang và biến cái chết của anh thành một điều có ích. Những hình ảnh trên truyền hình về đám tang và người góa phụ đau khổ trong bộ đồ đen sẽ là vô giá. Khi anh ra đi, mọi người sẽ chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp của anh và bỏ qua, nếu không nói là lãng quên, những cái dở. Mọi người sẽ nhớ đến những điều tốt đẹp ở anh sau khi anh qua đời hơn là lúc còn sống. Luôn luôn là như vậy. Tất cả mọi người đều biết thế. Cho nên em sẽ phải tận dụng tối đa cái chết của anh.”
“Bill...”, Hillary nói.
“Đáng giá vài triệu phiếu bầu đấy”, ông ấy nói.