Thích Tông Đôn1
Đây là quyển sách ra đời dành riêng cho việc chăm sóc tâm linh bệnh nhân giai đoạn cuối, cũng là nhân dịp việc chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối của Đài Loan, vinh hạnh nhận giải thưởng đặc biệt châu Á đầu tiên. Hơn nữa, rất nhiều nhân viên chăm sóc y tế với lòng từ bi nhân hậu đến với cộng đồng, đã toàn tâm toàn ý giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống, trở về ngôi nhà ấm cúng để đi hết dặm cuối trên đường đời.
1 Chủ trì Đại Bi Học Uyển, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Phật học lâm sàng Đài Loan.
Một hôm, khi đang đi đường, tôi bỗng phát hiện ra: rất nhiều người không biết nhu cầu tâm linh của bệnh nhân giai đoạn cuối là gì. Không biết phải chăm sóc tâm linh như thế nào, cũng không biết phải làm gì để giúp đỡ người lâm chung và gia quyến.
Thế là, tôi muốn biên soạn một quyển sách như thế này: thông qua bức tranh cuộc đời của mỗi người, thực tế trải qua trong từng câu chuyện cụ thể, dùng phương pháp kể chuyện nhẫn nại, giúp đại chúng hiểu hoàn cảnh, thân tâm của bệnh nhân giai đoạn cuối, cảm nhận tầm quan trọng của chăm sóc tâm linh, đồng thời tình nguyện với vai trò là người bầu bạn, người quan tâm chăm sóc. Đặc biệt là bạn bè thân hữu của người sắp lâm chung, thông qua những chỉ dẫn trong phần “Chăm sóc tâm linh” sau mỗi bài trong sách, sẽ dễ dàng hiểu việc phải chăm sóc ra sao và tìm ra được phương hướng thích hợp nhất.
Tóm lại, chăm sóc tâm linh đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, là chủ đề mà mỗi người ngày nay nên quan tâm chú ý. Mỗi người đều có thể trở thành người chăm sóc tâm linh. Khi cạnh người nào đó có người lâm chung, thì họ sẽ là người chăm sóc, nên đây chính là chủ đề mà mỗi cá nhân đều nên biết.
Khi điều trị y học đã đến đỉnh điểm, hết cách chữa trị, thì phải làm sao?
Lúc này người ta sẽ bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, vấn đề sinh tử, do đó sẽ rơi vào sự sợ hãi cái chết. Nhưng cuộc đời diệu kỳ đến thế, và cũng khó khăn đến thế, có những cảnh mà chúng ta khó có thể tưởng tượng. Chỉ là, do chúng ta quên mất mỗi cá nhân vốn có khả năng vô hạn của mình, đó chính là sức mạnh nội tại, sức mạnh nhận thức. Một khi ta tìm lại được sức mạnh ấy, am hiểu về sinh tử, sẽ không bị sinh và tử gây khó khăn nữa.
Biên giới của sinh tử, không phải là nơi hoang dã. Sự sống bất sinh bất diệt, không có điểm cuối, cũng không có điểm đầu. Sự sống đích thực là bất tử, cái chết mà chúng ta thấy trước mắt, chỉ là cái chết của sự sống trong cái tôi sinh vật, cái tôi xã hội của đời này, chứ không phải là cái chết của sự sống đích thực. xác định rằng cái chết là điểm cuối, có người khi bệnh tình không thể chữa trị, lúc lâm chung chỉ mải lo lắng sợ hãi mà không biết làm gì, đau xót vô biên, trước mắt chỉ còn chữ chết, không có hành động gì khác, mà quên mất rằng, sứ mệnh quan trọng nhất của cuộc đời này, phong cảnh đẹp nhất của cuộc đời này, có thể còn chưa xuất hiện.
Ngược lại, có người cho dù đã được chuyển vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ1, được tôi luyện trong đau khổ, lại được tìm sức mạnh nội tại của nhiều đời nhiều kiếp trước, chân thành đối mặt với chính mình, bằng lòng chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Như vậy, lâm chung có thể không phải là giai đoạn suy sụp lớn nhất, đau khổ nhất, mà nó có thể là giai đoạn tu hành quý báu nhất, là giai đoạn giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh của đời này và xây dựng hình mẫu cuộc đời.
1 Phòng chăm sóc giảm nhẹ: hay còn gọi là phòng chăm sóc hỗ trợ, để chăm sóc người bệnh nặng bằng cách giảm đau và khống chế triệu chứng, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe và tinh thần người bệnh cũng như người thân của bệnh nhân (người dịch).
Điều quan trọng là ta bằng lòng thay đổi, thắp sáng ngọn lửa trong tim, chịu trách nhiệm cho mọi việc mà ta đã gặp trong cuộc đời này.
Tôi rất hoan hỷ với ý tưởng: nằm trên thảo nguyên với bầu trời đầy sao. Ngắm nhìn những vì sao sáng long lanh, gió nhè nhẹ thổi, lắng nghe tiếng hài hòa, tĩnh lặng của đất trời. Trong vũ trụ, tôi rất nhỏ bé, nhưng không cô đơn, cảm giác như vũ trụ đang ở cùng tôi. Trong đêm tĩnh lặng, chúng ta rất mỏng manh bé nhỏ, nhưng không hoảng sợ, vì trái tim trí tuệ và ấm áp đang lan tỏa.
Trong dòng sông cuộc đời của nhân loại, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, luôn thay đổi, ngày trắng đêm đen kế tiếp theo nhau, mạnh khỏe và đau ốm cũng nối tiếp nhau, sinh và tử nối tiếp nhau, đen tối và ánh hào quang, cũng nối tiếp nhau.
Chúng ta, là một phân tử trong dòng sông cuộc đời của nhân loại. Bốn mùa trong cuộc đời giao thoa, sinh tử và ngày đêm cũng giao thoa không ngừng. Trong sự giao thoa giữa ánh sáng và đen tối, thắp sáng ánh tâm quang trí tuệ, chúng ta có thể chiếu rọi vô lượng kiếp trong dòng sông cuộc đời.
Dòng sông cuộc đời hữu hình là lịch sử, được điểm tô bởi vô số những ngôi sao sáng, tạo ra quang vinh văn minh nhân loại.
Dòng sông cuộc đời vô hình là bất tận, cuộc đời mỗi chúng ta cứ nối tiếp nhau: ra đời, chết đi, ra đời, chết đi, lại ra đời, lại chết đi…
Lâm chung là cơ hội chiếu rọi dòng sông cuộc đời. Cầu mong mỗi người trong xã hội, vì sự quan tâm cuối cùng đối với cuộc đời, vì sự thắp sáng và chiếu rọi này, mà cuộc đời của chúng ta càng trở nên tốt đẹp hơn.
Quyển sách này được hoàn thành cũng cần phải cảm ơn rất nhiều nhân duyên. Cảm ơn việc thành lập Đại Bi Học Uyển và cảm ơn tất cả các thầy và cư sĩ đã góp công xây dựng, giúp chúng tôi tiếp tục triển khai công việc chăm sóc tâm linh chuyên nghiệp, đã được Bệnh viện Đại học Y Đài Loan tiến hành gần hai mươi năm qua, và đưa nó vào cuộc sống cộng đồng, để tập huấn giáo dục và phục vụ chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân giai đoạn cuối, thúc đẩy giáo dục về cuộc sống.
Vì những trải nghiệm trong quá trình phục vụ tập huấn giáo dục trong cộng đồng, nên chúng tôi quyết định biên soạn quyển sách này.
Cảm ơn tất cả các bệnh nhân, người thân mà chúng tôi đã chăm sóc, vì sự thể hiện của bạn càng minh chứng cho sức mạnh và chân lý của cuộc sống.
Cảm ơn tác giả, người biên soạn và người hỗ trợ, gồm: thầy Đức Gia, thầy Đạo Tế, thầy Ấn Bổn, thầy Liên Ân, y tá trưởng Vương Dục, cư sĩ Lai Kim Quang, cô Vương Yumi Tổng biên tập Tam Ứng, vì sự cống hiến của mọi người, chúng ta đã cùng ra mắt tác phẩm mang dấu ấn lịch sử đặc biệt này.
Cảm ơn Giáo sư Trần Khánh Dư gần hai mươi năm qua, đã phát động và chủ trì kế hoạch nghiên cứu chăm sóc tâm linh ở Đài Loan cùng thầy Huệ Mẫn, cũng như đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ ở phòng điều trị y tế trong Bệnh viện Đại học Y Đài Loan, Chủ tịch Trần Vinh Cơ của Hiệp hội Quỹ Liên Hoa và toàn thể thành viên của Hiệp hội Quỹ, các thầy Hội Côn, Hội Chính ở Tịnh xá Nhất Như; các đệ tử Tam Bảo giúp đỡ xây dựng Đại Bi Học Uyển, cư sĩ Hứa Thường Tùy, cư sĩ Dương Thường Hộ, thầy Đức Gia, thầy Đức Học, thầy Đạo Tế, thầy Trí Tuệ, thầy Thánh Minh, thầy Chiếu Lượng, thầy Chuyên Hàng, thầy Đạo Triết, nữ sĩ Ngô Tư Tú, nữ sĩ Lý Ngọc Mỹ, nữ sĩ Đổng Tư Nghi, cư sĩ Khấu Bá Đình, nam cư sĩ Lâm Chính, tất cả tình nguyện viên của Đại Bi Học Uyển và ba mươi tư vị “Thầy lâm sàng” là những người (đã tiến hành bốn mươi sáu đợt công tác) hiện đang chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân giai đoạn cuối tại bốn mươi ba bệnh viện, vì sự từ bi chân thành, hết lòng cống hiến, giúp đỡ vô số bệnh nhân giai đoạn cuối nắm được cơ hội tu hành lúc lâm chung, để nhận thấy giá trị của cuộc đời.
Cầu cho tất cả chúng ta, trong lúc giúp mọi người thực hành Bồ tát hạnh, luôn có được niềm vui chân chính, pháp hỷ chân chính và lấy thù thắng công đức diệu kỳ này hồi hướng viên mãn Phật Bồ Đề!