Thích Đức Gia1
Tôi sống là vì sao? Tôi chết thì sẽ đi đâu?
Nếu không hỏi các câu hỏi khó về cuộc đời như thế, thường thì con người chúng ta có thể “xem mọi việc đều bình thường” và sống một cách vô tư.
1 Giảng viên Trung tâm chăm sóc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đài Loan.
Nhưng khi cái chết đến!
Chúng ta mất hết những gì vốn đã từng có: sức khỏe, cuộc sống thoải mái. Cho dù điều trị như thế nào, chi bao nhiêu tiền cũng đều không thể trở lại như xưa, đó chính là nỗi đau lớn nhất. Không chỉ có bệnh nhân khổ, người nhà cũng khổ, sự bi thương kéo dài không biết khi nào mới qua.
Tôi đã từng gặp một bệnh nhân nữ tuổi trung niên, vì không thể chấp nhận thực tế mình bị bệnh giai đoạn cuối, nên cô vô cùng buồn rầu, chẳng nói với ai một câu nào. Anh chị em trong nhà, cha mẹ lớn tuổi và chồng cũng chẳng biết phải làm sao. Thời gian cứ thế trôi qua từng ngày, thời gian bệnh nhân còn tỉnh táo không biết có được ba ngày nữa không, y tá chăm sóc tại nhà lo quá liền tìm tôi đến thăm cô ấy.
Cho dù chỉ có thể một mình tác động, tôi vẫn hỏi bệnh nhân: “Nếu cô đã thuê một căn biệt thự vô cùng đẹp, thời hạn thuê sắp hết, cô có muốn chuẩn bị hành trang trước, để ra đi một cách nho nhã, cũng như quay đầu lại ngắm nhìn nó một lần cuối rồi ung dung bước đi, hay cô đợi chủ nhà đến đuổi đi, đem mọi thứ đồ đạc ném ra ngoài, cự nự, cãi vã rồi cuối cùng cũng phải vội vã ra đi?”.
Bệnh nhân hiểu ý của tôi, từ từ lấy lại thần thái, sau đó dặn dò từng người trong gia đình. Và nghe nói, đó cũng là ngày cuối cùng trong cuộc đời của cô ấy.
Lại có một bà mẹ 62 tuổi, sau khi được chẩn đoán bị ung thư tụy giai đoạn cuối, năm ngày liên tục bà không ăn, không uống và không nói một lời nào. Bệnh nhân đau khổ, người thân càng đau khổ hơn. Một hôm tự nhiên bà nghĩ thông rằng: “Vui cũng một ngày, bi thương cũng một ngày! Tôi quyết định chỉ cần còn sống, cho dù chỉ còn hai phút, một phút, tôi cũng đều muốn làm người tình nguyện, có lợi cho mình và mọi người”.
Khoảng cách giữa bình tĩnh hoan hỷ và đau buồn lo lắng có thể là rất xa, nhưng cũng có thể chỉ trong một ý niệm.
Cái chết, có thể là sự mất mát lớn nhất của đời người, nhưng đó có thể là sự bố thí lớn nhất không? Nếu bình thường chúng ta quán chiếu nhiều hơn đến bản chất của sự sống; nếu chúng ta chịu bầu bạn cùng người bệnh nhiều hơn, và khi họ cần hãy cho họ cơ hội được thảo luận.
Tôi đảm nhận công việc “Thầy lâm sàng” tại Phòng chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Y Đài Loan và hướng dẫn việc đào tạo “Thầy lâm sàng” hơn mười năm qua. Từ năm 2014, tôi rời bệnh viện để đến chăm sóc trong cộng đồng xã hội, nhận thấy còn quá nhiều người chưa biết đến quan tâm chăm sóc lúc lâm chung, càng không biết thế nào là chăm sóc tâm linh. Rất nhiều bệnh nhân tại nhà, tại bệnh viện, thậm chí trên xe cấp cứu hoặc trên giường chờ cấp cứu, đã ra đi trong hoảng loạn bất an; còn gia đình thì luôn nuối tiếc và không biết khi nào hết bi thương…
Việc quan tâm chăm sóc tâm linh trong xã hội Đài Loan hiện nay có thể nói còn giống như sa mạc, chưa có quan niệm đầy đủ, năng lực cũng chưa đủ, thiếu nhân lực, và đây chính là nhu cầu cấp bách khiến chúng tôi phát nguyện thành lập Đại Bi Học Uyển, nhằm quan tâm chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân giai đoạn cuối trong cộng đồng, cũng như bồi dưỡng tình nguyện viên chăm sóc tâm linh, đẩy mạnh giáo dục cuộc sống. Chúng tôi thậm chí còn thành lập đoàn kịch, để mỗi diễn viên có cơ hội học tập về những trải nghiệm trong cuộc đời. Dù Đại Bi Học Uyển cũng chỉ là một dòng suối nhỏ trong sa mạc, nhưng chúng tôi nguyện mang hết sức mình để nuôi dưỡng những hạt giống quan tâm chăm sóc lúc lâm chung và giáo dục cuộc sống.
Mỗi nhân vật chính trong quyển sách này, đều là những bệnh nhân chúng tôi chăm sóc, ban đầu họ rất sợ hãi, suy sụp nhưng cuối cùng đều khơi dậy được sức mạnh nội tại, phá nhộng thành bướm. Qua đó, tâm linh của người nhà họ cũng được an ủi, vì người thân lâm chung an toàn. Quan tâm lúc lâm chung, chăm sóc tâm linh là quyền lợi điều trị y học, mà mỗi bệnh nhân và người thân nên được hưởng. Nếu buộc phải chết, thì hãy để cho chúng ta được chết hạnh phúc, chết bình an, đồng thời cũng mang lại sự chúc phúc viên mãn cho người thân.