Sự sống chân chính không phải là hành trình đi đến cái chết, mà là quá trình sống và đi về phía “thiện”.
Plato
CHĂM SÓC TÂM LINH
Thông báo bệnh tình - tôn trọng ý nguyện của bệnh nhân
Đó là quyền của bệnh nhân!
Việc phải thông báo với một người rằng, họ chỉ có thể sống thêm ba tháng, ba tuần hoặc ba ngày nữa… không phải là việc làm dễ dàng, thậm chí đó là một sự dằn vặt rất lớn.
Điều này, không chỉ liên quan đến chẩn đoán của đội ngũ y bác sĩ, mà còn là sự thông cảm, thấu hiểu tâm lý hiện tại của bệnh nhân. Không biết họ đã chuẩn bị xong chưa? Nó cần phải đúng thời cơ và cũng cần có trí tuệ.
Tôi đã từng biết và gặp rất nhiều trường hợp về việc thông báo tình trạng bệnh, nhưng lại có những kết quả khác nhau.
Bà cụ đã đưa tay ra
Một ngày nọ, bà cụ hơn 90 tuổi đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ.
“Thầy ơi, thầy ơi, phải làm sao, phải làm sao bây giờ?”.
Con gái của bà ấy lo lắng chạy đến nói với tôi. “Chuyện gì mà phải làm sao?”.
“Trước khi bị bệnh, không ai dám nói chuyện với mẹ tôi. Sau khi bà bệnh, mọi người lại càng không dám nói với bà. Tình trạng bệnh của bà rất tệ, nhưng bà không hề biết; do vậy chỉ cần nghe chúng tôi hơi bàn tán về bệnh tình, bà lại buồn rầu và la mắng mọi người”. Con gái của bà giải thích thêm.
Bà là người phụ nữ có sự nghiệp thành đạt. Chồng mất sớm, một mình bà gánh vác chuyện gia đình, dòng họ, bà kinh doanh buôn bán có tiếng tăm, và cũng một mình chăm sóc nuôi dạy các con nên người. Con và cháu rất yêu quý nhưng cũng rất sợ bà.
Khi còn trẻ, bà rất ít nói, khi về già càng ít nói hơn. Và sau khi bệnh thì lại càng ít nói, bà hầu như chỉ nói các từ như “ừ”, “đau”… mà thôi. Hình ảnh nghiêm nghị ấy vẫn không hề thay đổi! Thời đại như thế, cơ duyên như thế, một mực giữ tính cách nghiêm nghị đã hình thành thái độ sống riêng, trong suốt cuộc đời bà.
Bà cụ đã biết rõ bệnh tình của mình chưa?
Thử nghĩ, khi chúng ta đi bệnh viện khám bệnh, tất nhiên chúng ta mong muốn bác sĩ nói cho chúng ta biết mình bị bệnh gì. Vậy trong trường hợp nào chúng ta không mong bác sĩ nói rõ bệnh tình, thậm chí khi bác sĩ nói ra mình còn giận dỗi? Đây chính là điểm cần phải thận trọng đánh giá và quan tâm. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ suy nghĩ trong lòng của người bệnh.
Thế là, tôi theo chân con gái bà vào phòng bệnh…
Vừa vào đến phòng bệnh, cảnh tượng đập vào mắt tôi là bà ngồi đoan trang trên đầu giường, mắt mở to, vô cùng nghiêm nghị, tóc bà bạc trắng, thân người hơi gầy, nhìn rất gọn gàng, sạch sẽ. Nghe nói không chỉ khi ngồi bà để ý nét đoan trang chính trực, mà ngay cả khi nằm cũng cần phải đoan trang như thế.
Theo lời của con gái bà, tôi được biết, bà không hề bài xích thầy tu, chỉ là không khí trong phòng bệnh trầm lắng, không ai nói một lời nào.
Tôi bắt đầu nói: “Thầy mang đến cho bà xem một tấm hình Phật đây…”.
Bà không có phản ứng nào, nhưng hai mắt nhìn chăm chú vào tấm hình Phật! Đó là tấm hình “Phật A Di Đà tiếp dẫn”.
Tôi chỉ vào hình và nói: “Bà ơi, bà biết đôi tay này muốn làm điều gì không?”.
Bà không nói lời nào, chỉ lắc đầu! Vậy là ít nhất bà cũng đã quan tâm đến sự có mặt của tôi.
“Bà ơi, từ khi còn trẻ bà đã luôn cố gắng, cho dù chồng mất, một mình bà có thể xây dựng cơ ngơi sự nghiệp lớn như vậy, lại kinh doanh rất thành công, và cũng giáo dục, dạy dỗ rất đông con cháu… Bà thật giỏi! Hơn nữa các con đều rất kính phục bà, họ rất hiếu thảo và cũng có năng lực tiếp tục kế thừa sự nghiệp của gia đình…”.
Bà vẫn im lặng không nói lời nào, nhưng tôi nhận thấy gương mặt bà có chút thay đổi với sự mỉm cười, ánh mắt dịu hiền nhưng lại hoen đỏ!
“Bà ơi, trước đây bà dẫn dắt con, dẫn dắt cháu, bây giờ con cháu dẫn dắt tay bà. Nhưng khi đã đi đến cuối cuộc đời, thì con cháu cũng không thể dắt tay của bà nữa, không thể bầu bạn cùng bà nữa, lúc đó phải làm sao?”.
“Bà ơi, bà không lẻ loi! Vì đã có đôi tay này thay vào đó để tiếp tục dẫn bà đi…”. Tôi chỉ vào tay trên hình Phật A Di Đà tiếp dẫn.
Bà vẫn không nói gì! Nhưng tôi nhìn thấy bà từ từ đưa tay ra, muốn nắm lấy tay của Phật A Di Đà, rồi đặt tay mình trên tay của Phật…
Sau đó, để dò thử, tôi đem hình Phật đó treo lên, sau khi tìm hiểu được đôi chút về cuộc đời bà, tôi nói: “Bà ơi, bà là một người có sức mạnh! Khi còn trẻ, vất vả thế nào cũng đã vượt qua, bây giờ còn cửa ải này đối với bà mà nói thì cũng sẽ chẳng là gì, hãy nhớ đến niềm tin và sức mạnh đã từng nâng đỡ bà, bà hãy đưa bàn tay ra, đi theo Phật A Di Đà…”.
Mỗi khi tôi vào phòng bệnh, lấy hình “Phật A Di Đà tiếp dẫn” ra, không cần đợi tôi nói gì, bà đã đưa bàn tay ra, rồi nắm lấy tay của Phật A Di Đà…
Bà luôn im lặng lắng nghe tôi nói, hầu như chẳng nói lời nào, nhưng mọi người đều nhận thấy rõ những nếp nhăn trên gương mặt bà đã giãn ra, hiền dịu hơn, tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái hơn!
Từ đó, con cháu cũng dần dần mạnh dạn hơn khi nói chuyện với bà.
Được sự chỉ dẫn, con cháu bắt đầu nói những lời cảm ơn bà, và khẳng định sự cống hiến cả đời của bà. Sau đó, theo phương thức của tôi, ca ngợi, ủng hộ bà và mời bà nắm tay Đức Phật A Di Đà!
Cuối cuộc đời, có thể tưởng tượng, bà cụ đáng yêu đang nắm tay của Phật A Di Đà và nói lời biệt ly cùng con cháu…
Nỗi buồn của người ở lại
Ông cụ 80 tuổi có gia sản đất đai rất lớn và con cháu đông đúc!
Sau khi ông bị bệnh ung thư, chỉ do một người con dâu chăm sóc. Cô có ý định nói tình trạng bệnh cho ông rõ.
“Không được nói đâu, làm sao có thể nói cho ông ấy biết tình trạng bệnh được. Tuổi của ông đã cao như vậy rồi, cứ để cho ông điềm tĩnh ra đi! Nếu ông biết, ngộ nhỡ chịu không nổi cú sốc ấy, nghĩ không thông thì làm sao?”. Con trai và con gái của ông đều kiên quyết cho rằng không thể nói.
Bệnh tình ngày càng xấu đi, ông cụ được chuyển đến Phòng chăm sóc giảm nhẹ. Vì tình trạng bệnh của ông ngày càng chẳng mấy lạc quan, y bác sĩ đề nghị nên để cho ông biết tình trạng của mình.
Lúc này, con trai và con gái ông đều đồng ý với đề nghị của bác sĩ. Theo sự sắp xếp của bác sĩ, cả bác sĩ và người nhà cùng lúc nói cho ông biết về tình trạng bệnh.
Sau khi nghe xong tình trạng bệnh, ông hết sức bình tĩnh. Ngày hôm sau, ông gọi tất cả con cháu đến, bắt đầu phân chia tài sản và dặn dò chuyện hậu sự.
Nhưng, tối hôm đó ông càng nghĩ càng cảm thấy lạ. Có chỗ nào đó chưa ổn. Tại sao ba hôm trước còn nói với mình: “Không vấn đề gì, sẽ khỏi, còn rất nhiều hy vọng!”. Mà chưa được mấy ngày lại nói với mình rằng: “Không chữa được rồi, sắp chết rồi!”.
Ông càng nghĩ càng cảm thấy không đúng, càng nghĩ càng cảm thấy nhiều điểm đáng ngờ, và bắt đầu hoài nghi: “Hay là chúng có ý vụ lợi tài sản của mình, muốn mình chết sớm, nên trước đó mới không chịu nói rõ bệnh tình cho mình biết...”.
“Nếu mình biết tình trạng bệnh sớm, ít nhất cũng có thể cố gắng hơn cho mình. Mình còn nhiều việc chưa làm mà! Mình có nhiều tiền như thế, có thể thử áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Nhưng mình đã không có cơ hội để tự nỗ lực. Nói là mình sắp chết rồi! Sao lại không báo cho mình biết sớm một chút... Chắc chúng cố ý không muốn điều trị cho mình...”
Thực ra, con cái của ông bị oan. Họ đã tìm biết bao nhiêu bác sĩ, thử qua biết bao nhiêu phương pháp điều trị và phương thuốc, thậm chí còn nhiều lần quỳ lạy bác sĩ và quyết tâm “cho dù phải tốn bao nhiêu tiền thì cũng chữa khỏi bệnh cho cha”.
Nhưng, tất cả những nỗ lực và lòng hiếu thảo của con cái, người cha không hề thấu hiểu.
Do đó, ông càng nghĩ càng giận, trong lòng bực dọc, bắt đầu mắng chửi, thậm chí còn mắng các con là “hung thủ giết người”.
Cuộc sống của người con dâu hằng ngày cận kề chăm sóc ông, với chủ trương nói rõ bệnh tình, thì lại càng khổ cực hơn. Ông cụ ngày nào cũng chửi và cứ nhằm vào con dâu mà chửi là “hung thủ giết người”, cho là cô âm mưu chiếm tài sản, thậm chí còn không để cô chăm sóc, không để cô đụng vào người…
Cứ như thế, trong lúc phẫn nộ mắng chửi, ông cụ đã mang cả sự tức giận ra đi!
Con cái ông cũng cảm thấy vô cùng hối tiếc khi nhìn cha ra đi!
Không muốn biết, tại sao lại nói cho tôi biết?
Một lần khác, cũng có bà cụ được chuyển vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, và cũng xảy ra vấn đề!
Con trai của bà cho biết: “Mẹ tôi tính rất nóng, hơi một chút là chửi mắng, thậm chí những câu như: “Lớn tuổi rồi, bệnh là điều bình thường” cũng không được nói với bà, vì chỉ cần nói ra là bà đã muốn đánh rồi…”.
Tóm lại, hoàn toàn không thể nhắc đến bệnh tình!
Nhưng, người nhà đều lo, nếu bà ra đi trong tình trạng không biết bệnh tình, thì sẽ rất hối tiếc. Do đó, họ cho rằng cũng nên để bà biết bệnh tình của mình.
“Bà ơi, mọi người đã hết sức cố gắng, cũng đã dùng đủ các loại thuốc, nhưng không còn cách nào khác! Đã đi đến cuối con đường rồi, bà nên có sự chuẩn bị về tâm lý...”. Bác sĩ nói.
Ngay sau khi bác sĩ nói xong, phản ứng của bà hoàn toàn vượt xa khỏi sự tưởng tượng của mọi người.
Bà chỉ thẳng tay vào bác sĩ mà mắng: “Ông nói cái gì? Ông tưởng tôi không biết hả? Đã bảo ông là không nói, vậy mà ông vẫn nói… lại còn nói mãi, nói mãi… Ông thật sự cho rằng tôi không biết sao?”...
Sau sự việc đó, khi tôi đi quan sát các phòng, thì không thấy bà cụ nữa.
“Bà cụ đã xuất viện rồi”. Y tá cho biết.
Thì ra, trong lúc tức giận, ngay ngày hôm đó bà đã yêu cầu làm giấy xuất viện, và từ đó không thấy trở lại bệnh viện nữa!
Việc thông báo bệnh tình là cả một học vấn lớn!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Thông báo bệnh tình - tôn trọng ý nguyện của bệnh nhân
Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ là: ra đi an nhiên, làm cho người sống và người chết đều an lành. Nhưng “ra đi an nhiên” là thứ cần phải có sự chuẩn bị. Nếu bệnh nhân không biết bệnh tình của mình, vậy thì làm sao có thể bắt đầu “chuẩn bị cho cái chết”? Vậy làm sao có thể “ra đi an nhiên” được?
Có lẽ, sẽ có người không đồng ý, cho rằng: “Không biết thì không có chuyện gì xảy ra, ra đi mà không hay biết gì, như vậy không phải là tốt hay sao?”. Đây đúng là sự tưởng tượng của người đứng ngoài cuộc. Sao ta biết được người trong cuộc có thật sự ra đi trong an nhiên? Huống hồ, như vậy còn gây bất tiện cho việc chăm sóc.
Rốt cuộc thì có nên nói hay không nói, và nói như thế nào? Trong chăm sóc lâm sàng, việc này vẫn gây khó khăn cho rất nhiều người. Việc cần suy nghĩ là, giấu không cho bệnh nhân biết bệnh tình sẽ tốt cho ai? Khi biết rõ bệnh tình, có phải là sẽ có hại cho bệnh nhân?
Theo thống kê, có hơn 94% bệnh nhân muốn biết rõ bệnh tình. Trong Điều lệ chăm sóc giảm nhẹ và điều trị bệnh cũng quy định, cần nói rõ bệnh tình. Nhưng trên thực tế, có nhiều bác sĩ sẽ không thông báo bệnh tình, hoặc bác sĩ cho rằng đã nói rồi mà bệnh nhân và người nhà không hiểu, hoặc người nhà cũng không muốn người bệnh biết bệnh tình.
Điều này sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn: Khi chưa thông báo hay chưa hiểu rõ về bệnh tình, thì đội ngũ chuyên gia y tế cố gắng để cho bệnh nhân và người nhà yên tâm, để cho bệnh nhân biết rằng vẫn đang tiếp tục điều trị tích cực bệnh ung thư và còn hy vọng. Do vậy, càng truyền dịch nhiều hơn, làm nhiều xét nghiệm hơn, sử dụng nhiều thuốc và phương pháp điều trị hơn.
Kết quả có thể là: Bệnh nhân không thể tiêu hóa hết các chất dinh dưỡng trong dịch truyền, càng quá tải cho hệ tuần hoàn và tăng nguy cơ xuất huyết. Khi điều trị không thấy có dấu hiệu tốt, bệnh nhân lo buồn, gia đình đau xót, đội ngũ y bác sĩ cũng cảm thấy day dứt.
Đây chính là một vòng luẩn quẩn.
Vấn đề mấu chốt là: Nếu bác sĩ cho rằng chết chóc là thất bại của y học, thì sẽ chọn cách không thông báo bệnh tình. Trên thực tế, chăm sóc giảm nhẹ và điều trị đều cho ta bài học về sinh tử như sau: “Cái chết không phải là thất bại của y học, mà việc giúp một người an nhiên ra đi là một công đức lớn”. Đó chính là sự chuyển biến về mặt quan niệm.
“Thông báo bệnh tình” không có phương pháp đúng tuyệt đối ở khắp mọi nơi, nhưng có một nguyên tắc chung: Tôn trọng ý nguyện của bệnh nhân. Trong thực tế, bất kể là đạo lý hay nghĩa vụ y học, để bệnh nhân biết rõ bệnh tình, vẫn có lợi hơn không biết rất nhiều. Về mặt chăm sóc tâm linh, “thông báo bệnh tình” chính là cơ sở quan trọng để bệnh nhân không có quá nhiều kỳ vọng không đúng với thực tế, có đủ thời gian để làm công việc chuẩn bị cho cái chết theo ý nguyện của mình.
Trong thực tế, trước tiên cần phải đánh giá tình hình, tìm hiểu sâu hơn về mức độ hiểu biết bệnh tình, sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân, cách thức xử lý tình huống trước đó và sự ủng hộ của gia đình... Rồi lại tùy tình hình khác nhau, đợi thời cơ thích hợp mới thông báo bệnh tình. Chúng tôi nhận thấy sự hiểu biết về bệnh tình của bệnh nhân thường rơi vào các tình trạng sau:
– Không biết bệnh tình.
– Hình như biết bệnh tình, nhưng lại không muốn bàn luận, sẽ đánh trống lảng hoặc im lặng.
– Biết bệnh tình, nhưng không muốn bàn luận về nó! Vì chưa thể chấp nhận sự thật đó và cũng chưa có sự chuẩn bị tốt.
– Biết bệnh tình, cũng biết cả nhà đều biết, nhưng lại giả vờ không biết, và do vậy mọi người đều vờ như không biết.
– Bệnh nhân và người nhà đều biết rõ bệnh tình, cả gia đình có thể thảo luận công khai.
Trạng thái cuối cùng là lý tưởng nhất, nhưng lại ít gặp nhất trong lâm sàng. Bốn trạng thái phía trên thì cần sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là phần giải thích của bác sĩ.
Thông báo bệnh tình, không đơn giản là việc nói cho bệnh nhân biết như tuyên bố một kết quả, mà nó liên quan đến việc thích ứng điều trị của bệnh nhân, chất lượng chăm sóc và quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân. Nhân viên y tế có kinh nghiệm, thường trên cơ sở xem bệnh nhân như người thân, tạo sự tín nhiệm của bệnh nhân rồi sau đó mới có thể nói đến bệnh tình một cách tự nhiên.
Có một số trường hợp, người nhà dặn tuyệt đối không được nói, nhưng khi bác sĩ hay thầy tu hỏi rằng: “Ông, bà… bây giờ sao rồi?”. Bệnh nhân sẽ thao thao bất tuyệt nói ra bệnh tình, sau khi nói bệnh nhân thở phào, nhưng người nhà lại thấy áy náy.
Về mặt chăm sóc giảm nhẹ, điều trị y tế hay chăm sóc tâm linh, “thông báo bệnh tình” là một việc dù đã xác định phương hướng, nhưng vẫn có thể phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau. Vậy, ai nên là người giội gáo nước lạnh ấy? Ai nên là người đảm nhận việc thông báo này?
Thông thường, các thầy tu hay nhân viên tình nguyện có thể chia sẻ và trao đổi trước, “Ông (bà/anh/chị) có biết sức khỏe của mình thế nào không?”. “Ông (bà/anh/ chị) có muốn biết bệnh tình rõ hơn không?”. Nếu bệnh nhân đồng ý thì họ sẽ hỏi tiếp: “Có cần bác sĩ hay y tá đến giải thích rõ không?”.
Trước đây, trong nhóm phục vụ của chúng tôi có một việc rất thú vị. Sau khi thầy tu tìm hiểu nhu cầu của bệnh nhân xong, sẽ chuyển qua giới thiệu bác sĩ, y tá nói về bệnh tình cho bệnh nhân biết. Trước khi bác sĩ, y tá nói rõ về bệnh tình, đồng thời cũng thông báo cho nhà tâm lý học quan tâm, điều chỉnh tâm lý của bệnh nhân.
Theo thống kê, sau khi thông báo bệnh tình, một số bệnh nhân sẽ có từ bốn đến bảy ngày trong thời kỳ tâm trạng chán nản; nhưng sau thời kỳ chán nản ấy, đa số bệnh nhân bắt đầu nhận ra sự thực là thời gian của mình không còn nhiều, nên càng có động lực để hành động, tích cực sắp xếp những việc liên quan chưa hoàn tất.
Tinh thần cuối cùng của việc “thông báo bệnh tình” không phải là “tuyên án”, mà là giúp bệnh nhân và người nhà sau khi lấy lại thăng bằng, sẽ hiểu ra rằng còn rất nhiều thứ, rất nhiều cách có thể giúp họ duy trì trạng thái tốt hơn, có niềm tin, có sức mạnh đối mặt với hành trình cuối cùng của cuộc đời, nắm bắt thời gian còn lại có hạn của mình để hoàn thành sứ mệnh trong cuộc đời này.