Hành trình khám phá thật sự, không chỉ là ngắm nhìn những chân trời mới, mà là phải mở ra tầm nhìn mới.
Marcel Proust
CHĂM SÓC TÂM LINH
Nhìn lại cuộc đời - nhìn lại chính mình
Đi tìm những tháng năm đã mất!
Nhìn lại cuộc đời, chúng ta sẽ phát hiện được gì? Lĩnh ngộ được gì? Có mất mát gì? Và đã được những gì?
Cuộc đời như thế, có đáng không? Có hối hận không?
Thực ra, chẳng ai có thể trả lời cho ta những câu hỏi trên, ngoại trừ chính mình.
Trong việc chăm sóc tâm linh, khi gặp rất nhiều, rất nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối, tôi có nhiều suy nghĩ, và cũng thường nhớ đến một bệnh nhân ung thư phổi đã ngoài 60 tuổi…
Cự tuyệt giao tiếp - gia đình không hiểu
Một hôm, có hai cô khoảng 50, 60 tuổi đến tìm tôi. Họ là chị em gái của bệnh nhân.
Tâm lý của họ vô cùng bất an lo lắng, không biết phải làm sao, không biết nên nói với người em của họ như thế nào, thậm chí họ không thể nói chuyện trực tiếp với nhau. Vì người em đã vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, nhưng không hiểu trong lòng cô ấy nghĩ gì, tình trạng ra sao? Họ muốn giúp nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.
Thì ra mấy ngày hôm nay, bệnh nhân liên tục giận dữ, cáu gắt. Chỉ cần người nhà vừa nhắc đến bệnh tình, thì lập tức lớn tiếng quát tháo: “Các người im đi, không cần nói nữa!”. Trái ngược hẳn với tính tình hiền hòa, dễ mến xưa kia.
“Chị gái tôi vẫn chưa thể chấp nhận sự thật là mình bị bệnh. Chúng tôi cũng không có cách nào để báo cho chị ấy biết. Đến giờ chị ấy cũng không biết bệnh tình của mình. Phải làm sao bây giờ?”. Cô em gái thứ ba lo lắng nói.
Tôi xem bệnh án của cô ấy, cũng tìm hiểu qua hoàn cảnh của cô. Chồng cô là viên chức nhà nước, cô có ba đứa con và cha mẹ vẫn còn khỏe mạnh. Bệnh nhân rất xem trọng gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, tình cảm với các chị em đều rất tốt, là một người kiên cường.
Cho dù là con dâu, người mẹ, đứa con gái, chị hay là em,… ở vai trò nào cô đều là người mẫu mực, không chê điểm nào được.
Vậy, cô ấy đã bị sao? Mọi người trong gia đình đều không hiểu nổi.
Có lẽ, chỉ sau khi cô ấy chấp nhận sự thật, mới có thể mở được nút thắt này.
Nỗ lực kiếm tiền, hình tượng tuyệt mỹ
Giây phút nhìn thấy tôi, một tu sĩ Phật giáo xuất hiện trong phòng bệnh, tôi còn chưa kịp lên tiếng, cô đã bắt đầu khóc. Khóc mãi, khóc mãi…
Sau đó, cô ấy vẫn còn khóc và nói: “Cả đời này con không làm chuyện xấu, tại sao lại nhận phải sự báo ứng như thế này? Cả đời này con chưa được hưởng thụ, luôn làm lụng, tại sao phúc phần mong manh thế… Con không cam tâm!”.
Thì ra, cô ấy chưa biết gì cả, vì ngay lúc này cô không thể chấp nhận sự thật; chính lúc cô ấy đang khóc, không cần nói điều gì, tôi đã biết cô ấy đã mở lòng với tôi rồi.
Thế là, tôi kéo ghế ngồi xuống, muốn cùng cô ấy nói chuyện chân tình, nhìn lại cả cuộc đời cô, những vụn vặt trong cuộc sống, cá tính, ăn uống và nghỉ ngơi…
Chúng tôi đã nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ, cô đã “phát hiện” ra không ít điều bất ngờ về bản thân.
Khi nói về có đam mê hoặc sở thích gì, cô ấy cố gắng nhớ lại, và nhận thấy rằng hình như mình chẳng có sở thích gì, chỉ có một sở thích duy nhất chính là “kiếm tiền”. Ngoài việc làm chính ra, cô còn kiêm nhiệm mấy việc khác; với bản thân cô rất tiết kiệm, nhưng sẵn sàng chi tiền để cha mẹ đi nước ngoài du lịch, nên rất được lòng cha mẹ.
Cho dù hằng ngày rất bận, không rảnh chút nào, nhưng cô rất coi trọng ngày ba bữa cơm nước cho chồng và con cái. Cô thường tự mình vào bếp và chăm sóc họ rất tốt. Thực ra, không phải cô thích vào bếp, mà là cô thích được nấu những món ngon cho con cái.
Nếu con nói: “Mẹ ơi, thứ bảy con dẫn bạn về nhà ăn cơm nhé!”.
Và, cho dù có mệt thế nào, cô cũng trả lời: “Được, không sao cả”.
Ngay sau hôm đó, cô ấy đã bắt đầu lên thực đơn, rảnh một chút là cô bắt đầu nghĩ sẽ đi mua cái gì, nấu món gì, món nào có thành phần dinh dưỡng ra sao, và món nào kết hợp với món nào cho hợp… Tóm lại, cô ấy sẽ nấu một mâm cơm thịnh soạn để con cái không phải mất mặt, mà còn được bạn bè vị nể.
Cô ấy đã rất chăm chỉ để xây dựng hình tượng người mẹ hoàn hảo, và cô đã có được sự yêu mến và ngưỡng mộ không chỉ của con cái mà còn cả đồng nghiệp.
Cầu toàn, nhưng lại không yêu thương bản thân
Khi nói đến cá tính, cô là người rất có trách nhiệm, yêu cầu bản thân rất cao, nhưng lại cũng dễ lo lắng, nên tâm trạng luôn căng thẳng.
“Còn nữa, con rất thích sạch sẽ, bị nghiện sạch sẽ!”, cô nói, thậm chí là đến mức quá đáng, đúng theo cách điển hình của cung xử Nữ.
Vậy, sự sạch sẽ của cô ấy đạt đến mức độ như thế nào?
“Có lúc con đã mệt rã rời, muốn nằm một chỗ trên sofa, nhưng chỉ cần nhìn thấy một sợi tóc rơi ở chỗ nào đó, lập tức con phải đứng dậy, nhặt nó bỏ đi, rồi dùng khăn lau quanh khu vực đó một lần…”. Đối với cô ấy, sợi tóc ấy giống như cái dằm trong mắt, cần phải lấy ra ngay mới yên lòng.
Tôi tiếp tục lắng nghe, cô ấy tiếp tục nói… Khi nhận thấy bản thân mình như vậy, nhịn không được nên cô phá lên cười.
Chúng tôi cùng nhìn nhau cười, một lát sau thì đổi đề tài, nói sang chuyện ăn uống, nghỉ ngơi linh tinh.
Cô ấy, sau khi đi làm về, lập tức vào bếp, bụng đói, cầm ăn đại cái bánh bao hay bánh bích quy, vừa làm bếp vừa ăn. Sau khi nấu xong các món, mọi người vào bàn ăn cơm, thì cô ấy đã no! Thức ăn còn lại, cơm canh nguội, cô ấy ăn hết, rồi lại nấu cái mới cho mọi người.
Ngày nào cô ấy cũng phải sắp xếp, lo chuyện con cái, gia đình xong thì mới nghỉ ngơi. Rồi ngày mai lại tiếp tục đi làm kiếm tiền, bận rộn làm hết mọi việc hằng ngày, bận rộn mãi…
Lúc này, cô ấy đã nhận ra mình giống như một con ong, tất bật ngược xuôi, nghỉ ngơi thất thường, ăn uống cũng thất thường, luôn rất cầu toàn, giống như lúc nào cũng sẵn sàng chinh chiến, chẳng phút lơ là…
Tôi thuận theo lời của cô ấy, nhắc khéo: “Đúng vậy, cô luôn bận rộn chăm sóc gia đình, nhưng lại không chăm sóc bản thân!”.
“Đúng vậy, con từ trước đến giờ đã không biết yêu thương bản thân…”.
“Do vậy, xem ra, việc cô bị bệnh và việc cô nói bị báo ứng, không liên quan gì với nhau?”. Tôi nói.
“Đúng thầy nhỉ! Không phải do con là người không tốt, cũng không phải là làm thiện, gặp ác báo, mà con bị bệnh là do cá tính và thói quen ăn uống, nghỉ ngơi của con. Thực sự không liên quan gì đến báo ứng cả”. Cô ấy chợt nhận ra.
Trên thực tế, gia đình chồng rất yêu thương cô, luôn nâng niu, chiều chuộng, dẫn cô đi du lịch nhiều nước; và trong nhà, cô chính là người chủ. Ba đứa con của cô đều ngoan ngoãn vâng lời, rất hiếu thuận. Trong ba chị em gái, cha mẹ cũng thương cô nhất, tín nhiệm cô và chuyện gì cũng bàn bạc với cô. Các chị em gái cũng rất yêu thương cô…
“Nói như thế, là con còn có rất nhiều người yêu thương, vậy là cuộc đời này đã không vô ích!”. Cô ấy tự hiểu ra, tất cả đều có được, có mất, cho dù là bỏ ra công sức vất vả, thì cũng đã được đáp đền, và cần phải trân trọng những gì mình đang có.
Nhìn lại cuộc đời, cô nhận ra khuyết điểm của mình, đồng thời cũng nhận ra ưu điểm, để từ đó khẳng định mình, khẳng định cuộc đời và cũng có được ít nhiều điều thú vị.
Cuộc đời, không còn gì hối hận
Sáng hôm sau, tôi gặp chồng của cô ấy ngoài hành lang. xem ra tâm trạng người chồng rất tốt.
Tôi tự hỏi, rốt cuộc là có chuyện gì xảy ra, tại sao khi gặp tôi anh ấy lại thường xuyên mỉm cười?
“Thầy ơi, thầy ơi… thầy xem này…”. Chồng cô ấy cầm bức thư trên tay, vui vẻ muốn tôi xem thư.
“Cái gì vậy anh?”.
“Hôm qua sau khi thầy đi, vợ tôi bắt đầu viết di chúc, và cũng viết cho tôi một bức thư…”. Trong thư viết:
“Chồng thương yêu! Em rất vui vì kiếp này đã làm vợ chồng với anh, và cũng cảm ơn anh đã chăm sóc, yêu thương em trong cuộc đời này. Nhưng, thật đáng tiếc, em sắp chia tay anh mà ra đi. Em rất lo lắng không có ai chăm sóc cho anh; cho nên, anh có thể đi tìm một người bạn đời khác cho mình! Không sao đâu, em chúc phúc cho anh…”.
Trong lúc viết di chúc, cô ấy lại phát hiện ra điều mới: “Cả đời này tôi đã nỗ lực kiếm tiền, thử tính, cũng đã mua được ba căn nhà, tiền mặt cũng có mấy triệu (Đài tệ)! Tiền cũng đã kiếm được, không phải là không có. Mặc dù nhà không phải nằm trong khu phố thị sầm uất ở Đài Bắc, nhưng có thể chia cho mỗi đứa con một căn; còn số tiền mặt sẽ để lại cho chồng tôi, cho dù tôi đi rồi, cuộc sống của anh ấy cũng không thiếu thốn…”.
Hóa ra, cô ấy không chỉ giàu có, được người nhà yêu thương, mà cô ấy cũng rất yêu thương người thân! Tất cả những nỗ lực, cống hiến, ông Trời đều biết, và cô ấy cũng tự biết. Trên đời này không có bữa ăn nào miễn phí, và cũng không có gì gọi là làm uổng công!
Viết di chúc, giống như một nhiệm vụ cuối cùng của đời người, và cô đã nhẹ nhàng buông bỏ tất cả, không còn cáu gắt như khi mới bị bệnh nữa.
Từ đó về sau, không có chuyện gì là cô không nói cùng gia đình, nói về cái chết, về hậu sự, mà chẳng phải kiêng nể gì.
Một cuộc đời đã đi qua, cô ấy không có gì ân hận!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Nhìn lại cuộc đời - nhìn lại bản thân
Trong “chăm sóc tâm linh” có một nguyên tắc: đó là phải khẳng định ý nghĩa cuộc đời của bệnh nhân. Vậy thì, phải tìm từ những trải nghiệm trong cuộc sống của họ.
Và “Nhìn lại cuộc đời” chính là phương pháp thường được áp dụng. Cũng giống như trong cuốn sách Last Dance: Encountering Death and Dying có câu: “Lắng nghe câu chuyện về cuộc đời bệnh nhân còn quan trọng hơn nhiều so với xem những gì ghi chép trên bệnh án”.
Rất nhiều bệnh nhân không thể chấp nhận chính mình, không chấp nhận sự thật, do chưa nhận diện được bản chất của một số sự việc đã xảy ra, trong lòng còn những nút thắt chưa gỡ được. Cũng giống như nhà vi sinh vật học René Dubos đã từng nói: “Tôi không sống trong quá khứ, nhưng quá khứ sống trong tôi”.
Chúng ta có thể thông qua việc nhìn lại cuộc đời, trở về với quá khứ, phân tích tỉ mỉ, để bệnh nhân có thể nhận thấy nguyên nhân của sự việc, có thêm góc nhìn mới, giải quyết xung đột và bất mãn, lấy lại thái độ sống.
Trong quá trình chăm sóc, nếu chưa trải qua quá trình nhìn lại cuộc đời, chúng ta rất khó hiểu về nhận thức và cách nghĩ của bệnh nhân, không hiểu từ cơ sở nào phát triển thành ra như thế. Bệnh nhân chưa trải qua quá trình nhìn lại cuộc đời, không thể chỉnh lý lại quá khứ, những việc chưa hoàn tất cứ giấu mãi trong lòng, cho dù thời gian đã trôi qua nhưng trong lòng vẫn còn đầy ngổn ngang, hối hận.
Làm sao để bắt đầu việc nhìn lại cuộc đời? Chúng ta hãy bắt đầu từ câu chuyện giao tiếp tự nhiên, và cũng không phải một lần là xong, mà trải qua nhiều lần nói chuyện, sau khi hiểu ngọn nguồn sự việc mới bắt đầu khơi gợi về những trải nghiệm trong đời của họ. Nhưng đây không phải là mạn đàm, mà phải nắm rõ phương hướng và mục tiêu, thậm chí còn phải chạy đua với thời gian. Ngoài việc nói chuyện ra, chúng ta cũng có thể thông qua quyển gia phả của gia tộc, hình ảnh cũ hoặc nhật ký, hoặc trở về nơi cũ… để giúp bệnh nhân thực hiện việc nhìn lại cuộc đời.
Có lúc, bệnh nhân sẽ nhắc đến một số khó khăn nào đó, hãy ngay lập tức chen vào vấn đề hay sự việc đó, để tìm hiểu mọi mặt, rồi quay lại hỏi: “Trong không gian, thời gian và trạng thái đó, ông/bà, anh/chị làm sao vượt qua?”; “Trong lúc thăng trầm của cuộc đời như vậy, ông/bà, anh/chị đã nhận ra điều gì?”.
Nếu bệnh nhân không chủ động nói, thường cách dễ dàng mở đầu nhất là: “Trong cuộc đời này, việc ông/bà, anh/chị cảm thấy đắc ý nhất, vui nhất, khó khăn nhất, oan khuất nhất... cái nhất đó... là gì?”.
Đặc biệt là khi nhìn thấy vị tu sĩ, bệnh nhân dễ dàng tự nhiên nói ra câu chuyện của đời mình. Sau khi có đủ quan hệ thân tín, bệnh nhân có thể nói ra những câu chuyện bất kham, riêng tư nhất, những câu chuyện mà ngay cả người trong gia đình cũng không biết. Đối diện với việc sự sống sắp kết thúc, bệnh nhân có nhu cầu được thổ lộ, được điều chỉnh bản thân.
Không chỉ có Phật tử muốn nói, muốn sám hối cùng thầy tu Phật giáo. Giáo hữu Ki-tô giáo cũng muốn được xưng tội, sám hối cùng cha, linh mục, để mong được khoan thứ.
Con người sắp chết, lời nói rất thiện.
Chúng tôi tin rằng một người dù có gian ác, đều mong muốn có được chút thiện tâm. Khi sự sống chuẩn bị kết thúc đều có nhu cầu muốn được nhìn lại cuộc đời, mong muốn được sám hối.
Qua nhiều lần nói chuyện, nhìn lại cuộc đời - tình hình lúc đó ra sao, xảy ra như thế nào, quá trình ra sao, đã làm những gì, cảm nhận ra sao và sau đó như thế nào? Nếu có thể làm lại lần nữa, bạn sẽ làm ra sao? Hoặc đối với một câu nói nào đó, bạn sẽ đáp trả ra sao... Chúng ta sẽ có thể nhận ra chân tướng của sự việc, đem trọng tâm từ “chuyện gì xảy ra” chuyển sang “phản ứng” với chuyện này, sau đó kết nối “quá khứ, hiện tại và tương lai”, để hướng dẫn bệnh nhân phát hiện hoặc giải thích ý nghĩa của sự việc.
Khi bệnh nhân nhìn lại, phát hiện ra chân tướng hay ý nghĩa của sự việc, thường hay thốt lên rằng: “Ừ nhỉ, không giống như tôi tưởng, hóa ra là...”.
Khi hồi tưởng lại cuộc đời mình, bệnh nhân có thể cảm thấy bị tổn thương như: uất ức, không cam tâm, đau thương, oán hận, bị hiểu lầm, chỉ trích, biện hộ... Và cũng có thể là do họ đã làm sai nên cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, hoặc bất kham trong cuộc sống, khó hé răng tiết lộ bí mật. Có một số người lại lặp đi lặp lại câu chuyện một cách không thống nhất, hoặc không đúng với sự thực, thậm chí trái ngược.
Đương nhiên, bệnh nhân có nói một cách cứng rắn, không hề giấu giếm, kiêng kỵ gì để nói ra câu chuyện về cuộc đời mình, đặc biệt là có nói toàn bộ những chuyện tiêu cực, chuyện riêng tư hay không còn phải xem độ tin tưởng trong mối quan hệ với người chăm sóc họ.
Trong việc nhìn lại cuộc đời, ngoài việc chăm chú lắng nghe, còn phải chú ý để nói chen vào lúc thích hợp. Ngoài ra, đồng cảm cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Thế nào là đồng cảm? Đơn giản mà nói, đó là cùng cảm nhận những việc mà bệnh nhân đã trải qua, đồng cảm với tâm tư của họ, không bình luận, không phê phán, không đề nghị, cũng không đưa quan điểm hay tình cảm cá nhân vào, mà hãy đón nhận câu chuyện cuộc đời của bệnh nhân với tấm lòng trìu mến, không lắng nghe theo cách đặt trường hợp giả thiết, không nóng vội giải quyết vấn đề, có thể khuyến khích họ tiếp tục chỉnh sửa bản thân.
Đồng cảm, không phải là đồng tình. Đồng cảm, là sau khi bầu bạn với một người trong thống khổ để giải phóng nỗi niềm, chỉnh sửa bản thân xong, vẫn có thể chấp nhận chính bản thân mình, nhận thấy giá trị của mình, tìm thấy phương hướng mới và tiếp tục nỗ lực đi tiếp. Trong quá trình đó, người bầu bạn phải có thái độ chuyên chú, lắng nghe, tôn trọng, chấp nhận và chân thành, để bệnh nhân có thêm sức mạnh.
Khi nhìn lại cuộc đời, bệnh nhân có thể đau lòng, buồn rầu hay khóc lóc, lúc này đừng khuyến cáo, giải thích hay phân tích. Lúc này, vì quá xúc động, bệnh nhân có thể chửi mắng, chỉ trích cái sai của người khác. Cứ để cho người bệnh được bộc phát, được trải lòng, đừng giải thích ngay, hoặc có thể nói: “Thực sự tình hình đó làm cho người ta tức giận”.
Cho dù là trải nghiệm tiêu cực, cứ để cho bệnh nhân có cơ hội được nói ra, tức là họ có cơ hội để được chữa lành.
Vì, chúng tôi tin rằng, khi vấn đề của một người được người khác lắng nghe và thấu hiểu, thì vấn đề của họ đã bắt đầu được chuyển hóa và giải quyết.