Tha thứ, là một quá trình vô cùng khó, nhưng nó cũng là yếu tố duy trì tâm lý khỏe mạnh không thể thiếu.
Scott Peck
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hòa giải quan hệ - tha thứ người khác, tha thứ cho mình
Ông Huy, vô cùng kích động, quỳ lạy trước người y sĩ đang trực phòng, vừa khóc vừa nói:
“xin hãy cứu tôi, hãy cứu tôi! Cả đời tôi chẳng làm chuyện gì xấu cả, tại sao lại bắt tôi phải chịu bệnh như thế này…”.
Hôm đó, cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông Huy, người đàn ông ngoài 70 tuổi, tuy có hơi thái quá, nhưng thực sự đó là biểu hiện của sự không thể kìm chế!
Tình yêu không thể hòa hợp, bi kịch bắt đầu
Ai cũng nghe thấy tiếng cầu cứu của ông Huy. Ông Sỹ - Chủ nhiệm khoa an ủi, nói: “Không sao, không sao, chúng ta từ từ nói!”. “Trong phòng bệnh của chúng ta có bác sĩ tâm lý, có một vị tu sĩ, thầy có thể giúp ông. Có chuyện gì ông cứ nói với thầy ấy”.
Tôi quan sát toàn cảnh sự việc, ông Huy nhìn thanh lịch, nho nhã, dáng người cao cao, gầy gầy. Vợ ông Huy mập mạp ngồi ngay cạnh giường bệnh, một chân gác lên ghế, một chân để dưới đất, đang lắc lư cái chân, lạnh lùng, bàng quan với sự việc diễn ra trước mắt, thậm chí còn liếc mắt nhìn ông Huy, với thái độ chuyện đó chẳng liên quan gì đến mình.
Bước thêm một bước vào phòng bệnh, tôi thấy một cái giẻ vàng ố, ướt sũng nằm dưới giường bệnh, mùi bốc lên khó chịu… Đó là giẻ lau nước tiểu!
Một cảnh tượng rất kỳ lạ! Chẳng lẽ ông Huy muốn vào phòng vệ sinh, nhưng bà Huy đã mặc kệ? Trong lâm sàng, nếu tình cảm vợ chồng không tốt, thường sẽ hay thuê người chăm sóc. Nhưng bà Huy luôn bên cạnh giường bệnh, chưa hề rời xa.
Từ từ tiếp xúc, tôi nhận thấy ông Huy và bà Huy đều rất thích nói chuyện riêng với mình. Một người thì luôn kể về tình yêu tươi đẹp cũng như sự nghiệp thành công xưa kia, một người thì luôn oán hận, la mắng. Tôi chỉ là người lắng nghe, không phản ứng hay bình luận điều gì, muốn thử tìm hiểu về sự mâu thuẫn, cũng như những nút thắt trong cuộc sống của hai người.
Bà Huy chỉ nói chuyện của ông Huy, nhưng không gọi tên mà toàn gọi là “người vô lương tâm”, “người xấu”, “người to bụng đoản mệnh”, “bỏ bê vợ con”… Tất cả những lời khó nghe bà đều nói ra, thậm chí có khi còn nghiến răng nghiến lợi, và cuối cùng, toàn kết thúc trong đau thương…
Ông Huy lại không hề nói gì về bà Huy. Trong hồi ức của ông không có sự tồn tại của con người này. Ông vô cùng lưu luyến người con gái Nhật Bản đã không có duyên cùng ông và sự nghiệp vinh quang trước kia, ông chìm đắm trong ký ức tươi đẹp ngày xưa...
Ông Huy và bà Huy gần như đến từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau, trải qua cuộc sống khác nhau, để lý giải những chuyện này phải quay về 50 năm về trước, liên quan đến quan hệ tình cảm phức tạp của ba đời.
Bà Huy là con nuôi, không có địa vị, cũng chẳng được học hành gì. Cha ông Huy từ khi ông còn nhỏ đã ngoại tình, mà người phụ nữ ông qua lại chính là mẹ nuôi của vợ ông Huy.
Ông Huy là con trai một, được ăn học đàng hoàng, mẹ ông đã vất vả nuôi con nên người. Ông cũng không phụ lòng mẹ, hợp tác với người Nhật nuôi lươn, rồi lại mở trại nuôi gà, thiết lập mối quan hệ với nhiều nhà hàng, sự nghiệp rất thành công.
Ông Huy cùng một người con gái Nhật yêu nhau, đã chung sống với nhau 6 năm. Tình cảm giữa hai người rất mặn nồng, nhưng sau khi mẹ ông biết cô gái Nhật ấy không thể sinh con đã rất lo lắng, trong lòng cho rằng không có người nối dõi tông đường, làm sao ăn nói với tổ tiên?
Thế là, mẹ ông ra sức phản đối hai người đến với nhau, luôn tìm cách để chia cắt. Ông Huy rất yêu người con gái Nhật này, không muốn chia tay. Cuối cùng, khi đã hết cách, mẹ ông đã phải quỳ trước mặt ông khóc lóc và nói: “Con không được cưới cô ấy!”. Sau đó, tìm bà Huy gán ghép cho ông ấy, bắt ông Huy phải cưới bà Huy.
Ông Huy hiếu thảo đành phải nghe lời mẹ! Người con gái Nhật ấy vì quá đau lòng nên đã rời Đài Loan về Nhật Bản.
Bà Huy từ nhỏ đã biết ông Huy, cũng vô cùng ngưỡng mộ ông, có cơ hội được gả cho ông ấy, bà rất sẵn lòng và mong chờ đến ngày kết hôn.
Sự kháng cự thầm lặng - người không về nhà
Ngày kết hôn, bà Huy không biết chuyện gì, nên rất vui mừng làm cô dâu. Bà chẳng biết rõ tâm trạng của chú rể, lại càng không biết đó chính là ngày mà cuộc đời bà chuyển sang một ngã rẽ bi thương. Từ ngày thứ hai, sau tân hôn trở đi, ông Huy chẳng ở nhà lấy một giây phút nào, ngày nào cũng qua đêm ở ngoài, bắt đầu kháng cự cuộc hôn nhân không có tình yêu này theo cách thầm lặng và quyết liệt.
Từ đó, ông Huy ngoại tình với hết người này đến người khác, ông luôn muốn tìm lại bóng dáng của người con gái Nhật, nhưng không thể nào lấp đầy sự trống vắng trong lòng. Tâm trạng ông rất đau buồn.
Đặc biệt, ông rất hiếm khi về nhà, nhưng chỉ cần ông về nhà một lần thì năm sau bà Huy sẽ sinh một người con, và bà đã lần lượt sinh năm người. Nhưng số con của ông Huy với người khác còn nhiều hơn, cả thảy sáu người.
Bà Huy nhớ có lần ông Huy lâu lắm mới về nhà, hôm đó lại đúng ngày 7 tháng 8 năm 1959, Đài Loan bị ngập lụt, nước ngập đến mái nhà. Bà Huy trên lưng cõng một đứa, trên tay bế một đứa, tất bật lo ôm con, và thật quá đáng, ông Huy lại vội vã chạy ra khỏi nhà để đi chăm sóc những đứa con ngoài hôn thú kia. Lúc ấy, bà Huy chỉ còn biết mở tròn mắt nhìn theo.
Nói đến đây, cơn phẫn nộ của bà Huy lên cao, liên tục la mắng: “Người không có lương tâm, sự nghiệp thành công như thế cũng không mang tiền về nuôi con, đều phung phí bên ngoài hết…”.
Tôi nghĩ, nếu không mang tiền về, vậy bà Huy làm sao nuôi được năm người con? Hơn nữa, ông Huy luôn bỏ nhà không về, nhưng cuối cùng sao lại chịu về nhà ở?
Ông Huy tuy ở ngoài có sáu người con, nhưng đều không qua lại hay liên lạc gì với mẹ con họ. Mỗi người phụ nữ đều tự ôm con rời xa ông. Cuối cùng, ông bị một người bạn Nhật lừa, dẫn đến công ty phá sản, cuối đời sa sút. Đã nghèo đói lại còn mắc bệnh, ông bị người tình sống chung sau cùng đuổi ra khỏi nhà, lưu lạc đầu đường xó chợ…
Ông Huy không có nơi nào để về, đành gọi điện cho con gái (con của ông với bà Huy), người con gái mới đưa ông về nhà. Sau khi về nhà, ông luôn cảm thấy khó chịu trong người, đi khám thì phát hiện có khối u hơn 10 cm, ung thư giai đoạn cuối, không còn thuốc chữa!
Vậy, ai sẽ chăm sóc ông Huy? Đương nhiên là bà Huy rồi! Với danh nghĩa là vợ, bà Huy có sẵn lòng không?
Tình đã cạn, nên tha thứ ra sao?
Đối với bà Huy mà nói, 50 năm qua, tuổi thanh xuân đã mất, lại còn tích tụ thêm niềm oán hận. Tha thứ ư? Nói thì dễ!
Cho dù muốn tha thứ, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Lòng rối như tơ vò, người ngoài cuộc nào có hiểu? Do đó, cảnh cự nự, cãi vã thường xuyên xảy ra…
Có lần ông Huy nói với tôi, răng của ông bị rụng hết rồi, muốn làm răng giả.
Bà Huy nghe thấy liền nói: “Hừ, sắp chết rồi còn làm răng giả cái gì!”.
Còn nữa, mỗi lần ông Huy đi không kịp, tiểu tiện trên giường, bà Huy liền nói: “Tôi mặc kệ ông ấy, đó là báo ứng mà!”. “Chết đi, báo ứng mà, cho chết đi!”.
Lại có lần, ông Huy nói người ngứa, cứ gãi mãi. Cô con gái liền lấy dầu xoa cho ông, rồi nói với bà Huy: “Mẹ, khi nào rảnh, nếu ba ngứa quá, mẹ xoa dầu giúp ba nha”.
Bà Huy trả lời: “Mẹ không ngu ngốc như thế, mẹ không thèm đụng vào người ông ấy!”.
Thậm chí có khi bà Huy còn bảo tôi mặc kệ ông Huy: “Thầy, kệ ông ấy đi, thầy không biết hồi trẻ ông ấy xấu xa thế nào đâu, cho nên bây giờ mới như vậy. Đó là báo ứng, mọi người không cần phải quan tâm đến ông ấy…”.
Bà Huy chửi rủa từ hồi trẻ đến già, con cái cũng phải nghe từ nhỏ đến lớn, nghe đến phát chán, nên nhiều lúc cãi lại: “Nếu ba xấu xa như vậy, sao mẹ còn cứ sinh con với ba…”.
Có lẽ, tôi cũng là người chịu lắng nghe rất tuyệt. Trước mặt tôi, bà Huy luôn cạn tình chửi mắng ông Huy! Có lúc cứ chửi đi, chửi lại, có lúc lại kể thêm chuyện. Đương nhiên, tôi không để cho ông Huy biết chuyện này. Vì khi ở trước mặt tôi, ông ta đều thể hiện những mặt tốt, vô cùng sĩ diện. Và tôi cũng không để cho bà Huy biết việc ông ấy đã nói gì với tôi.
Chỉ cần vừa nhìn thấy ông Huy là bà Huy liền chửi, chẳng có ngày nào yên ổn cả. Ông Huy thậm chí cũng không biết phải nói như thế nào với bà Huy.
Ông Huy là người xấu xa đến thế sao? Tôi thử tìm hiểu nguyên nhân trong chuyện này.
“Người bạn gái hồi trẻ của tôi, cô ấy có thân hình rất đẹp, mái tóc thuôn dài mượt mà quyến rũ, cũng rất có tố chất…”. Khi nhắc đến người bạn gái Nhật ấy, ông Huy nước mắt lưng tròng, dù đã 50 năm trôi qua, ông vẫn chẳng thể quên.
“Ở Nhật Bản, chỗ nào tôi cũng có bạn. Họ nói sắp đến thăm tôi, nhưng đều chưa đến! Hơn nữa, tôi còn phải đòi lại tiền…”.
Ông Huy có lẽ chỉ có thể tâm sự với tôi! Tôi nghe rất chăm chú, và ông cũng rất thích được nói chuyện với tôi. Mỗi khi đến ngày nghỉ lễ, ông thường hỏi nhân viên y tế xem khi nào tôi đến? Những lúc bệnh viện có biểu diễn gì, ông đều muốn tôi ngồi bên cạnh, cùng ăn bánh, trái cây, đối xử với tôi tốt hơn cả con ruột. Cho nên mỗi sáng, tôi thường pha bình trà, rồi cùng uống với ông và ôn lại chuyện xưa.
Thực ra, tôi luôn chờ… cuối cùng, sự việc cũng đã xảy ra!
Một hôm, bà Huy đi xem quẻ về và nói với tôi rằng: “Thầy ơi, tôi đi miếu Vạn Ứng Công xin quẻ, Vạn Ứng Công nói ông ấy có thể qua cái đốt này…”, còn nói: “Tôi nghe nói uống trà dã thuốc, xem ra sau này thầy đừng pha trà cho ông ấy uống nữa!”.
Thì ra bà Huy vẫn còn rất yêu ông Huy!
Bà Huy ngày nào cũng đến chăm sóc ông Huy, chưa thuê người, cũng không bỏ mặc… chỉ cần có động tĩnh là đứng dậy xem liền. Trong lòng ông Huy cũng hiểu rõ mình có lỗi với vợ. Chẳng qua từ nhỏ, trong mắt của ông, bà Huy giống như người giúp việc trong nhà, cảm giác mình luôn giỏi giang hơn vợ vẫn còn, nên khi bà Huy chửi mắng, ông cũng không lên tiếng.
Có yêu là có hy vọng, hóa giải trạng thái ân oán
Có yêu là có hy vọng, cộng thêm việc cả hai người đều rất tín nhiệm tôi, thế là tôi có kế hoạch tiếp theo, sắp xếp cho hai người hẹn hò lần đầu, hy vọng họ có thể nói hết lòng mình, thậm chí cãi nhau một trận cũng được.
Hôm đó khoảng 5, 6 giờ chiều, tôi đẩy chiếc xe đẩy của ông Huy, đồng thời kéo cả bà Huy ra mảnh đất trống ở vườn hoa trong bệnh viện. Sau khi đã ngồi yên, bà Huy tay chống nạnh, mắt liếc nhìn, tỏ vẻ không hài lòng chút nào.
Tôi mở lời: “Ông Huy, theo sự quan sát thời gian qua, tôi thấy bà Huy rất yêu ông, chăm sóc ông cũng rất kỹ đấy nhé!”.
Tôi cố ý nói lớn để bà Huy nghe thấy, đoán rằng bà ấy sẽ phản bác. Quả đúng vậy, bà Huy đã lên tiếng: “Hừ! Tôi thèm vào, ai mà yêu ông ấy?”.
Ông Huy không nói gì. Tôi hỏi bà Huy sao hay chửi. “Thầy à, thầy không biết đâu, con người đó vô lương tâm thế nào, làm ra tiền không mang về nhà…”.
Tôi quay lại nói với ông Huy: “Ông Huy à, tôi thấy ông là người rất tốt và cũng có trách nhiệm mà, có lẽ không giống như bà Huy nói đâu, không phải là loại người như thế!”.
“Đúng thế, sao lại nói tôi như thế, tôi không có như vậy đâu”. Ông Huy phủ nhận.
Bà Huy vừa nghe thế, tức đến nỗi muốn chửi liền, tay chỉ thẳng vào ông Huy rồi vừa khóc vừa nói: “Ông còn dám nói không phải thế, từ khi cưới tôi đến bây giờ, ông bồ bịch hết người này đến người kia, không bao giờ mang tiền về nhà... Ông còn dám nói à, ông để cho con cái ông chẳng đứa nào nên người, ông hại con ông từ nhỏ đã không có cha…”.
Hình như đã nói trúng chỗ đau rồi, ông Huy quay phắt lại: “Bà, bà vừa nói gì?”.
“Cái gì mà tôi để cho con bà không có cha? Lúc đầu là do ai hại tôi không có cha? Nếu không phải mẹ nuôi của bà cướp cha tôi đi, thì hồi nhỏ tôi có phải sống khổ sở như vậy không? Là bà hại tôi không có cha, bây giờ bà lại nói tôi hại con bà không có cha?”.
Ông Huy tức giận: “Hôm đó, nếu không phải mẹ quỳ xuống yêu cầu tôi cưới bà, thì tôi cũng không cưới bà đâu!”; “Nếu không phải mẹ tôi quỳ xuống đòi tôi cưới, để tôi và người yêu thương kia phải chia tay nhau, thì cuộc đời tôi cũng không lạc lõng như ngày hôm nay…”.
Những lời trên ông Huy đã cất trong lòng hơn 50 năm qua, cuối cùng cũng được nói ra. Nguyên nhân mà bà Huy từ trước đến giờ luôn nghi ngờ, hôm nay cũng đã được chứng thực.
Bà Huy vô cùng kích động: “Tôi biết mà, tôi biết mà, ông cưới tôi, hơn 50 năm qua là để trả thù, ông luôn trả thù tôi…”. Bà khóc rất thảm thiết.
Ân oán ghìm nén trong lòng hơn 50 năm qua cuối cùng cũng được hai người nói ra, họ đều lệ rơi lã chã không ngừng…
Bỏ qua quá khứ - xin lỗi và tha thứ
Cả ông Huy và bà Huy trong 50 năm qua đều có cuộc sống quá đau khổ!
Tôi an ủi bà Huy, mời bà hãy ngồi xuống: “Thầy biết nỗi khổ của bà hơn 50 năm qua, không có người phụ nữ nào có thể làm được như bà, bây giờ còn chịu đến chăm sóc ông ấy”.
Rồi tôi nói với ông Huy: “Tôi biết ông có tình ý sâu đậm với người con gái Nhật Bản kia, không thể nào quên và luôn muốn tìm một người có thể thay thế cô ấy nhưng tìm không ra. Nhưng, ông lại không muốn về nhà, thực sự trong lòng ông rất trống trải. Điều này cũng làm cho mọi người nghĩ ông rất đa tình, phong lưu mà lại không có trách nhiệm! Thầy tin rằng trong lòng ông cũng không muốn như thế. Ông thực ra cũng rất khổ, nhưng lại không ai hiểu cho ông… đúng vậy không?”.
Nghe đến đây, ông Huy lại khóc, gật đầu liên tục nói “đúng ạ”. Sự bất lực, cầu mong, tuyệt vọng trong lòng ông Huy hơn 50 năm qua cuối cùng đã có người hiểu.
Tiếp theo, tôi chuyển đề tài, nói: “Nhưng, ông Huy à, thầy nói thật một câu nhé. Khi ông đã tới bước đường này, ai là người ở bên cạnh đổ phân, lau nước tiểu cho ông? Người con gái Nhật Bản kia không thể đến, những tình nhân bên ngoài của ông cũng không thèm quan tâm đến ông, vậy cuối cùng, ai là người bên cạnh để chăm sóc ông?”.
“Bà Huy mỗi ngày từ sáng đến tối luôn ở cạnh ông, trong lòng ông chẳng lẽ không hiểu sao? Hôm nay, nếu bà Huy không quan tâm đến ông, thì hoàn toàn có thể mặc kệ ông. Nói thật nhé, không có người phụ nữ nào lại chịu được một người chồng như ông đâu. Người ta đã không bỏ mặc ông, cứ luôn bên ông như thế này, không phải là nên nói với người ta một tiếng hay sao… Bà Huy thực sự đã quá tốt với ông rồi!”. Tôi không trực tiếp bảo ông ấy phải xin lỗi, chỉ nhấn mạnh việc bà Huy rất tốt với ông ấy.
Lúc này, ông Huy đã chịu nói: “Ai da, thầy à, thầy không biết đâu, sai một bước thì các bước sau cũng sai…”, ông nói tiếp: “Tôi không dám xin bà ấy tha thứ cho tôi một trăm phần trăm, nhưng nếu có thể tha thứ cho tôi hai, hay ba phần trăm, chỉ cần có chút tha thứ thôi là tôi đã mãn nguyện rồi!”.
Tôi quay sang bà Huy nói: “Bà có nghe thấy không?”.
“Hứ, tôi nếu không tha thứ cho ông ấy, thì hôm nay tôi có đến đây không?”. Bà Huy đáp.
Tôi nghĩ, nút thắt trong lòng hai người đã được gỡ bỏ, hai người đều mệt rồi, nên đưa họ về lại phòng bệnh. Có lẽ trong họ đã có chút ít thay đổi, cả hai có chút bẽn lẽn, ngại ngùng. Bà Huy không còn dữ dằn nữa, và cũng chưa từng thấy bà ấy e thẹn như thế.
Chấp nhận quá khứ - bắt đầu yêu thương lại
Sau khi về, tối đó tôi không ngủ được, trong lòng luôn nghĩ về cảm xúc của hai người lúc lên cao trào hôm trước. Lúc này lại đang vào mùa đông, liệu ông Huy có chịu nổi không?
Sáng sớm, trời còn chưa sáng, tôi đã đến bệnh viện, nhanh chóng đến phòng bệnh xem sao. Phòng bệnh chưa mở đèn. Ông Huy còn đang ngủ, bà Huy ngồi trên ghế bên cạnh ngủ gà ngủ gật. Tôi muốn đến gần xem thử bệnh tình của ông Huy có biến chuyển gì không?
Tôi rón rén đến gần, trong phòng quá tối, làm tuột ống của bình khí oxy. Căn phòng đang yên tĩnh đột nhiên vang lên tiếng xì của khí “xì xì…”.
Ngay lúc đó, tôi thấy bà Huy nhanh chóng từ ghế nhảy lên giường: “Huy ơi, Huy ơi, ông có sao không, ông có sao không…” rồi sờ ông Huy từ đầu đến chân và liên tục hỏi “ông có sao không?”
“Không sao, không sao cả, tôi chưa chết đâu!”, ông Huy nói một cách hài hước.
Lúc này, tôi bật đèn điện lên, nhìn thấy mặt bà Huy đỏ bừng!
Ông Huy nhìn thấy tôi liền nói: “Thầy ơi, tôi nói với thầy nhé, tôi sắp đi làm răng giả rồi!”.
Hôm qua, sau khi về đến phòng bệnh, nhất định đã có chuyện gì rồi. Tất cả đều đã thay đổi sao?
Đang nói chuyện thì con gái ông Huy mang đồ ăn sáng vào, cô ấy nói: “Thầy ạ, hôm qua không biết có chuyện gì xảy ra, mà ba mẹ con lại vui như thế. Ba con còn nói với con là: ‘Ồ! Được nói hết lòng mình, cảm thấy nhẹ cả người!’”. Cô con gái còn chưa biết tại sao cha mẹ lại đột nhiên trở nên hài hòa như thế, thậm chí có thể dùng từ ân ái để miêu tả!
Sau lần hẹn hò ấy, ông Huy được chăm sóc tốt hơn, bà Huy cũng không còn nói những lời lạnh nhạt, chỉ cần thấy ông Huy muốn gì thì bà ấy giúp liền, ngay cả gầm giường cũng rất sạch, không còn vẻ nhếch nhác và mùi khai khó chịu nữa.
Trong quá trình uống trà và nói chuyện với ông Huy, ông ấy chủ động hỏi tôi: “Thầy à, Phật giáo của thầy thường giảng cái gì?”. Ông Huy không còn cách nói như lần đầu gặp mặt nữa. Ông ấy đã từ từ chấp nhận bệnh tình của mình, chấp nhận tôn giáo của tôi, từ từ tìm hiểu một số điều về Phật giáo và ý nghĩa của Phật A Di Đà, từ từ nhận biết về nơi mà sau này ông ấy sẽ đến.
Trong thực tế, tôi liên tục khẳng định cuộc đời của ông ấy, vì từ trước đến giờ không có ai hiểu ông, và rồi cuối cùng gia đình cũng đã chấp nhận, dung nạp ông. Cho nên, ông ấy cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với cuộc đời mình.
Vì bệnh được điều trị tốt, nên ông Huy đã được xuất viện về nhà.
Nhưng điều đáng tiếc là, khi tôi còn chưa kịp đến nhà thăm ông thêm lần nữa, không bao lâu sau, ông ấy đã ra đi.
Cuộc đời ưu phiền - tháng năm tĩnh lặng
Sau khi ông Huy ra đi, bà Huy đến tìm tôi kể về tình hình sau khi xuất viện.
Sau khi về nhà, ông Huy rất bình tĩnh, khi nhớ đến thầy thì niệm Phật, còn nói: “Sau này tôi sẽ đi về nhà Phật Tổ của thầy!”. Bà Huy liền cùng ông niệm Phật, rất chăm chỉ.
Nhưng, ông Huy cũng đã từng xúc động nói với bà Huy rằng: “Kiếp này xin lỗi bà, kiếp sau sẽ trả nợ cho bà”.
Bà Huy hỏi lại: “Kiếp sau ông trả nợ cho tôi?”.
Nghe hỏi như vậy, ông Huy liền nói lại: “Ồ không, không đâu, kiếp sau tôi không về đây nữa (thế gian), tôi phải về nhà Phật Tổ của thầy sư phụ”.
“Nếu như thế, ông phải niệm Phật thôi!”, bà Huy động viên.
Ông Huy thực ra có cảm tình với tôi nhiều hơn là với Phật A Di Đà. Tôi cũng đã nói với ông ấy: “Tuyệt đối không nên theo thầy, phải đến chỗ Phật A Di Đà cơ!”. Cho nên, ông Huy liền nói: “Tôi sẽ về nhà Phật Tổ của thầy”.
Vài ngày trước khi vãng sinh, ông Huy có dặn: “Cả đời tôi dù gì cũng là người có chút danh tiếng, khi tôi chết, hãy mặc giúp tôi bộ đồ vest, đeo cho tôi cái đồng hồ Rolex. Tay áo vest phải làm gọn gàng, không được che lấp đồng hồ. Tôi phải mặc bộ đồ đẹp nhất, để đến báo cáo với nhà Phật Tổ của thầy sư phụ”.
Tôi tưởng tượng cảnh bà Huy cùng ông Huy niệm Phật, hai người cuối cùng đã có thể dắt tay nhau đi qua cuộc đời, những tháng năm tĩnh lặng…
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hòa giải quan hệ - tha thứ người khác, cũng tha thứ cho mình
Mỗi chúng ta, vì nhân duyên mà gặp gỡ, tạo ra mối quan hệ, bất luận là người thân, người yêu hay bạn bè… Khi mối quan hệ có những rạn nứt, nếu ngay khi đó hoặc sau này không chọn thời điểm thích hợp để hòa giải, chữa trị thì cuối cùng có thể có những bùng phát khó lường, và có thể trở thành những cản trở vào cuối đời.
Theo quan điểm chăm sóc tâm linh mà nói, trước khi lâm chung, cũng giống như Tâm kinh đã viết: “Tâm không cản trở, sẽ không sợ hãi”. Lưu luyến sự sống, không nỡ xa rời của cải được và mất, hoặc day dứt vì những mối quan hệ yêu, hận nên không thể buông bỏ… đều là những cản trở. Lúc này cần quay lại xem xét cuộc đời mình, ví dụ như các mối quan hệ mà mình còn cảm thấy áy náy, nên tranh thủ lúc còn nói được, hãy chia sẻ và hòa giải nhanh gọn.
Hòa giải mối quan hệ, bao gồm cả việc hòa giải với người khác và việc hòa giải với chính mình - là việc thường bị lãng quên.
Hòa giải mối quan hệ với người khác, phải xem xét giữa hai người có những yếu tố để hòa giải không, có mối liên kết chung nào không, đồng thời cũng phải xem xét người chăm sóc, hoặc người thực hiện việc hòa giải có nhận được sự thân tín của cả hai người không, còn được bao nhiêu thời gian để chuẩn bị? Vì việc phải đem những nút thắt trong lòng bao năm qua ra tháo gỡ cũng giống như đụng đến cái ung nhọt, sẽ rất đau trong thời gian ngắn và cần có thời gian để vượt qua.
Ví như ông Huy và bà Huy trong câu chuyện trên, vì có sự tín nhiệm đối với thầy, cộng thêm việc trong lòng ông Huy có sự áy náy và bà Huy còn yêu chồng, nếu không hai vợ chồng khó mà hòa giải, càng khó nói đến chuyện bỏ qua tình thù đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Trong quá trình đó, hai bên nói những điều khác nhau, hoặc kể tội của đối phương, hoặc oán trách, hoặc phẫn nộ bất bình, nên dễ nhìn thấy những mặt xấu của đối phương. Nguyên tắc của người chăm sóc tâm linh là: không bình luận, không phê bình, mà đồng cảm với nỗi đau, đồng tình với cảm nhận của họ, chấp nhận họ, đóng vai trò là cầu nối để nói chuyện, đồng thời phải tự biết việc gì nên nói, việc gì không nên nói. Những lời phương hại đến đối phương thì mình chỉ nghe, còn những lời có lợi cho đối phương, thì mình cần phải tìm thời cơ thích hợp để truyền đạt lại, giúp họ có thể nhận ra ưu điểm của nhau, đến lúc có cơ hội thích hợp sẽ nhắc lại, để cho họ tự động phát giác: “Ồ! Tôi làm như vậy hình như cũng có chỗ chưa đúng!”.
Trong lâm sàng, chúng tôi phát hiện tín đồ Phật giáo hay bị quên việc hòa giải các mối quan hệ. Tại sao vậy? Vì có người cho rằng tất cả đều không (giai không), không nên so đo tính toán, bây giờ đã là lúc nào rồi mà còn nghĩ đến chuyện này làm gì, không nên cố chấp, phải siêu việt. Cho nên, chỉ cần niệm Phật để chúc phúc cho họ là được rồi, sau đó cần phải buông bỏ, hoan hỷ và cần phải cảm ơn!
Vấn đề là, nút thắt trong lòng chưa được hóa giải, muốn buông bỏ, nói thì dễ! Nhưng không thể buông bỏ được. Phải hoan hỷ, phải cảm ơn như thế nào?
Có một chuyện rất điển hình như sau: Một người đàn ông bị bệnh, sau khi được đưa vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, vợ và con gái ông là người mến mộ đạo Phật nên đều muốn ông niệm Phật. Nhưng bệnh nhân nói: “Mấy người cứ tự đến thế giới Cực lạc của mấy người đi! Đừng bảo tôi niệm Phật, đừng nói với tôi cái kiểu ấy, tôi không muốn nghe”. Vì vợ và con ông ấy đều cảm thấy ông không có thiện căn, nên luôn yêu cầu ông ấy niệm Phật, học Phật. Tuy nhiên ông ta không thể chấp nhận cách nói của vợ con, và khoảng cách giữa họ càng ngày càng xa. Thực ra, bệnh nhân sắp lâm chung, sắp vãng sinh rồi mà vợ và con gái vẫn luôn cảm thấy ông ấy không có thiện căn.
Học Phật không phải để xem xét hoặc yêu cầu người khác, mà là chỉnh sửa hành vi của chính mình, xét xem mình đã học được tinh thần của Phật chưa, trong lòng đã thực sự có tình yêu và từ bi chưa.
Chúng tôi cũng từng gặp trường hợp như sau: Một bệnh nhân có cô con gái xuất gia, bệnh nhân đó không thể tha thứ, 10 năm qua chưa từng nói chuyện với con. Thậm chí, sau khi bệnh nhân được đưa vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, người con là nữ tu sĩ đến thăm mà bệnh nhân ấy vẫn còn rất giận. Người con cảm thấy bị giày vò và bất lực.
Sau đó, một thầy khác nói với bệnh nhân rằng: “Ông ơi, ông biết niệm Phật có ý nghĩa gì không? Niệm Phật chính là thư giãn đấy!”. Ông đó kinh ngạc hỏi lại: “Ồ, thì ra niệm Phật có thể thư giãn được à. Vậy tôi niệm, tôi biết niệm!”.
Như vậy bệnh nhân phát hiện niệm Phật có liên quan đến sức khỏe tinh thần của mình, có lợi trước mắt cho họ, chứ không phải vừa niệm Phật là bắt họ đi về thế giới Cực lạc. Chính vì vậy, thầy sẽ làm chiếc cầu nối, khoảng cách giữa bệnh nhân và người con gái xuất gia theo Phật này ngày càng được rút ngắn. Người con gái xuất gia ấy rất biết ơn thầy, nếu không có thầy, việc tu học hơn 10 năm qua của cô đã không được cha tha thứ, như vậy sẽ thật đáng tiếc trong cuộc đời.
Điều quan trọng ở đây là, một số người học Phật hoặc tu hành dường như lại mở ra con đường khác, không thực tại, nên không thể vận dụng vào cuộc sống đời thường của con người, thậm chí xuất hiện cảm giác ưu tú siêu việt kỳ quặc, mất đi sự dịu dàng trong lòng, cho dù người khác có khẳng định họ như thế nào, thì họ cũng không thể khẳng định chính mình, hoặc cảm thấy bản thân mình không đáng được yêu thương, không thể tha thứ cho bản thân, nhưng lại vẫn khát vọng được yêu thương… nên luôn xảy ra sự mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm.
Có một bệnh nhân sinh được bốn người con trai. Hồi còn trẻ, bà nhẫn chịu góa bụa, còn phải chăm sóc mẹ chồng bị liệt, tệ hơn nữa là một đứa con bị tai nạn giao thông qua đời, một đứa bị thiểu năng trí tuệ, một đứa bất hạnh bị liệt, đứa con bình thường nhất sau khi kết hôn, thì sinh ra đứa cháu bị liệt não. Còn bản thân bệnh nhân ấy cuối cùng cũng bị ung thư.
Bà cho rằng: “Một người xấu số như tôi, khi chết nhất định sẽ đến âm tào địa phủ chịu khổ! Tôi không cam tâm, rốt cuộc tôi đã làm điều gì sai chứ?”.
Người thân và bạn bè nói, có lẽ mộ tổ của nhà bà ấy có vấn đề, hoặc có người nguyền rủa, hoặc tổ tiên mắc tội với người ta.
Trong khi bà hồi tưởng lại cuộc đời mình, chúng tôi hỏi: “Trong hoàn cảnh hiện tại này, bà đã thử tìm hay xin đoàn thể phúc lợi xã hội trợ giúp chưa?”.
Bà ấy nói: “Đã sinh con ra, dù có khó khăn thế nào cũng phải nuôi con lớn, mỗi đứa con đều là máu thịt của tôi, tôi không thể bỏ chúng được, cũng không thể đùn đẩy trách nhiệm!”.
Đây quả là người mẹ vĩ đại! Có bao nhiêu người có thể kiên cường vượt qua như thế? Chúng tôi khẳng định với bà: “Sao một mình bà lại có thể gánh vác được gánh nặng như thế, thật không đơn giản chút nào… Việc này khiến mọi người đều khâm phục! Cho nên, bà chắc không thể xuống âm tào địa phủ được rồi…”.
Lần đầu tiên bà nghe người khác công nhận mình, khen mình, mà người đó lại là một vị tu sĩ, giống như có Phật, Bồ tát độ trì, tất cả đều được tha thứ, được khoan dung rồi. Cuối cùng bệnh nhân ấy đã ra đi mà không còn vướng bận gì.
Trong hòa giải quan hệ, việc hồi tưởng cuộc đời có thể nói là phương pháp tốt nhất, chúng ta có thể thông qua đó mà tìm được dấu vết, tìm được điểm gì đó để chúng ta khẳng định họ, vì bản thân người bệnh không nhận ra điều đó. Hòa giải với chính mình, đầu tiên phải biết mở rộng tấm lòng. Nếu bản thân không vượt ra khỏi quá khứ đen tối, thì không ai có thể làm được điều đó cả.
Lâm chung, thực ra chính là cơ hội thích hợp cho chúng ta hiểu về cuộc đời một cách thoáng hơn. Theo sự thay đổi của cơ thể, ta cảm nhận về sự vô thường của cuộc sống và hiểu ra chân lý của cuộc đời. Nếu chấp nhận rồi, thì sẽ bình an; nếu không chấp nhận, thì sẽ không bình an. Lúc này, người chăm sóc tâm linh cũng dễ dàng tùy thuận theo xu thế tự nhiên để dẫn dắt bệnh nhân tìm và nhận ra bối cảnh cuộc đời mình, tìm được những thông tin sau các mối quan hệ, sửa đổi và hóa giải mối quan hệ đó, để họ tha thứ cho người khác và tha thứ cho cả chính mình.