“Không có ai là một ốc đảo cô đơn. Không có ai là người hoàn hảo. Mỗi người là một phân tử, một phần của chủ thể trong lục địa này… Bất kỳ là ai chết đi, cũng là một phần của tôi chết đi, vì tôi là một phân tử của nhân loại, do đó đừng hỏi kèn trống thổi cho ai...”
John Doman
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hoàn thành tâm niệm - khẳng định giá trị cuộc đời
“Thưa thầy, cháu có thể không chết được không?”. Chỉ cần nhắc tới câu hỏi của cô bé mới 20 tuổi này, trong lòng tôi lại vô cùng đau xót.
Sinh tử là câu đố khó giải nhất, huống chi những trải nghiệm trong cuộc đời cô bé Tiểu Chân này còn quá ít, và không chỉ có thế…
Thân thế nổi trôi, nhiều chuyện ngoài ý muốn xảy ra
Từ khi nghe cái tên “Tiểu Chân” đến giờ, những chuyện tôi được biết đều là: “Nó chẳng đếm xỉa gì đến ai, chẳng thèm nói chuyện với ai”, tôi chỉ có thể tìm hiểu một vài thông tin về cô bé, qua những ghi chép trong quá trình điều trị và từ người chú ở phương Bắc xa xôi.
Từ khi Tiểu Chân chào đời, cha cô đã chẳng thấy bóng dáng đâu, ông ta vắng nhà thường xuyên, cô bé cùng mẹ ở nhà bà ngoại tại Bằng Hồ.
Nhưng, trong một lần đi đánh cá ngoài biển, người mẹ bất hạnh đã bị tai nạn và rời xa nhân thế. Năm đó, Tiểu Chân mới lên ba tuổi, còn chưa cảm nhận được nỗi đau chia lìa người thân trên thế gian.
Trong những ngày không có mẹ, bà ngoại gánh trách nhiệm nuôi cháu. Hai bà cháu nương tựa vào nhau. Tháng năm ưu phiền theo gió ở Bằng Hồ lúc lên lúc xuống, rồi Tiểu Chân lớn lên thành thiếu nữ phóng khoáng, rộng lượng.
Do gia cảnh nghèo khó, sau khi học xong cấp II, Tiểu Chân không tiếp tục học nữa mà phải đi làm nghề uốn tóc. Chẳng ngờ mấy năm sau, Tiểu Chân bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương hàm dưới hiếm gặp, và khi phát hiện thì cũng là lúc cô đang mang thai. Vì quá trình điều trị, cô buộc phải bỏ đứa bé trong bụng.
Nghe bác sĩ điều trị nói: “Khi Tiểu Chân nằm viện, bạn trai có đến thăm một lần, sau đó không hề thấy nữa”.
Thế là, trách nhiệm chăm sóc Tiểu Chân lại thuộc về bà ngoại. Nhưng lúc này, bà ngoại đã già yếu, và vì lao động quá sức bà bị đột quỵ, không thể chăm nom đứa cháu từ nhỏ đã sống với mình được.
Nghe nói, hình như bệnh viện cũng đã liên lạc được với cha của Tiểu Chân nhưng người cha không đến. Do đó, cô đã được chuyển sang Phòng chăm sóc giảm nhẹ, bên cạnh Tiểu Chân chỉ có một người điều dưỡng, cô thui thủi, cô độc một mình.
Tự thu mình, không đáp lại thế nhân
Không ngoài dự tính, khi tôi và nhân viên điều dưỡng thăm Tiểu Chân, người điều dưỡng đang làm vệ sinh cho Tiểu Chân, trong suốt quá trình ấy, Tiểu Chân không hề mở mắt lần nào, không có phản ứng gì trước sự quan tâm, thăm hỏi. Cô ấy tự thu mình, cự tuyệt với muộn phiền bên ngoài.
Tôi chú ý tình hình của Tiểu Chân. Khối u mọc ở bên trái mặt, trong họng cũng có. Vì khối u lớn nhanh, cái miệng nhìn như đang ngậm một vật lạ rất lớn, không thể ngậm lại được, nước miếng luôn chảy ra. Đôi mắt cũng bị biến dạng, che khuất vì khối u chèn lấn và luôn có ghèn…
Lần thứ hai, một mình tôi đến thăm Tiểu Chân và có chuẩn bị bên người cuốn Phổ Môn Phẩm.
“Thầy đến thăm cháu đây”.
“Tối qua cháu ngủ ngon không? Thầy dùng khăn giấy lau nước miếng giúp cháu nhé, và ghèn mắt cũng lau nữa nhé!”.
Tôi vừa nói vừa làm. Cô ấy vẫn không mở mắt ra, cũng chẳng có phản ứng gì.
“Thầy biết cơ thể cháu không thoải mái, bệnh tật khó chịu. Thầy biết cháu thật sự rất mệt, và cũng rất khổ sở!”. “Bây giờ thầy tụng Phổ Môn Phẩm giúp cháu, hy vọng cháu có thể gặp được Phật Quán Âm Bồ tát, cầu Quán Âm Bồ tát phù hộ, xem có thể giảm bớt đau bệnh…”
“Chúng ta cùng tụng kinh nhé, được không?”.
“Cháu cứ nghỉ ngơi đi. Thầy sẽ lại đến thăm cháu nhé!”.
Từ đầu đến chân của cô đều không có phản ứng gì, không biết cô ấy có nghe, hay trong lòng đang nghĩ gì, tôi vẫn cứ tự mình nói chuyện với cô ấy!
Chỉ mong cô ấy hiểu rằng, cô ấy không cô đơn, tôi sẽ không bỏ cô ấy, vẫn luôn đến cùng cô ấy. Không phải vì không có ai, mà cô phải thu mình như một ốc đảo cô đơn như thế!
Hoàn thành tâm nguyện, thăm “bà nội”
Tôi xem qua báo cáo điều trị, tìm hiểu tình hình sức khỏe những ngày gần đây của Tiểu Chân trước khi đến thăm cô lần thứ ba…
“Hôm nay có phải dễ chịu hơn một chút không? xem ra cháu không thở khó khăn nữa rồi! Thầy dùng giấy lau nước miếng giúp cháu nhé, lau nhè nhẹ này…”.
“Hôm nay thầy vẫn cầu với Phật Quán Âm Bồ tát giúp cháu! Cháu có thể tưởng tượng Quán Âm Bồ tát như người trong gia đình, như người lớn trong nhà đến thăm cháu, chúc phúc cho cháu. Vì Bồ tát cũng không đành lòng thấy cháu đau khổ như thế này… Cháu có thể cùng thầy niệm tụng Quán Âm Bồ tát…”.
Cho dù Tiểu Chân không hề có phản ứng gì, nhưng tôi phát hiện, ở khóe mắt của cô ấy ướt ướt, hình như khóc rồi, không biết là khóc vì xót thương cho thân phận cô đơn của mình, hay xúc động vì biết rằng còn có người quan tâm đến mình.
“Thầy biết mọi người không hiểu được nỗi khổ trong lòng cháu, nhưng chúng tôi đều muốn giúp cháu. Có phải cháu còn có việc gì muốn làm, cháu có thể nói ra, chúng ta sẽ cùng cố gắng…”.
Lúc này, Tiểu Chân đột nhiên mở to mắt, và mở miệng nói: “Cháu muốn gặp bà nội!”. Tiểu Chân gọi bà ngoại là bà nội.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy Tiểu Chân nói, và cũng là lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy mở hai mắt, đôi mắt to tròn rất đẹp, một cô gái có gương mặt rất xinh và nghiêm trang.
Tôi liền trả lời: “Thầy sẽ bàn bạc với đội ngũ chăm sóc cộng đồng, tìm cách sắp xếp để cháu gặp bà nội!”.
Tiểu Chân nghe xong liền gật đầu với ánh mắt mong chờ đầy hy vọng.
Sau khi tìm hiểu thêm qua bác sĩ điều trị, được biết bà của Tiểu Chân đang ở một trung tâm nuôi dưỡng nào đó, ý thức không còn minh mẫn, gần giống như sống đời sống thực vật rồi.
Vậy làm sao sắp xếp cho hai người gặp nhau đây?
Tôi nói rõ tâm nguyện của Tiểu Chân với trung tâm nuôi dưỡng kia, rồi sắp xếp cho xe cứu thương chở bà nội đến bệnh viện.
Khi Tiểu Chân nhìn thấy bà nội bệnh liệt giường, từ từ được đẩy vào Phòng bệnh chăm sóc giảm nhẹ, lúc giường bệnh của bà đến sát cạnh giường của Tiểu Chân, cô rất xúc động đã chồm cả người dậy ôm chầm lấy bà, nắm lấy tay bà, rồi khóc lớn: “Bà nội, bà nội, bà nội…”.
Nhìn cảnh tượng này, mọi người có mặt tại đó đều rất cảm động… thậm chí, trên khóe mắt của bà nội cũng có những giọt lệ lăn dài…
Sức mạnh của tín ngưỡng, chỗ dựa tâm linh
Sau khi gặp bà nội, bất kể là được sự quan tâm, chăm sóc của tôi, của điều dưỡng hay tình nguyện viên, Tiểu Chân đều chấp nhận, không còn nhắm nghiền mắt, mà khẽ gật đầu, hay lắc đầu để biểu thị phản ứng, và cô cũng có sự tín nhiệm đối với đội ngũ y bác sĩ điều trị. Tâm tình của Tiểu Chân hình như cũng không còn nặng nề như trước nữa, nhưng cô vẫn không muốn nói nhiều, vẫn rất trầm tư.
Khi thăm Tiểu Chân, tôi vẫn cứ một mình chủ động nói chuyện. Tuy nhiên, cô ấy đã chịu nhìn tôi. Chúng tôi có thể dùng ánh mắt để giao tiếp, đây có thể nói là sự thay đổi rất lớn.
Tình trạng bệnh của Tiểu Chân ngày càng xấu đi, tôi cũng chuyển đề tài, nói chuyện có liên quan đến cái chết…
Lúc này, Tiểu Chân đột nhiên hỏi: “Thầy ơi, cháu có thể không chết được không?”. Đó là một giọng nói yếu đuối, bất lực.
Đây là lần thứ hai tôi nghe thấy Tiểu Chân mở miệng nói, trong lòng cảm thấy xót xa. Lời cầu xin của một đứa trẻ, thật khó trả lời!
“Cháu cảm thấy cuộc đời mới bắt đầu, còn nhiều việc chưa làm xong ư?”.
Tiểu Chân nhìn tôi, không trả lời. Tôi lại nói: “Cháu còn đang suy xét về cuộc sống thì lại phải đối diện với cái chết ngay!”.
Còn trẻ như vậy mà đã phải đối diện với cái chết, trong lòng nhất định sẽ cảm thấy sợ hãi, tôi cũng chỉ có thể nói với cô ấy rằng: “Trên thế gian này, bất luận là năng lực của chúng ta tốt như thế nào, chúng ta là người giỏi giang ra sao thì cũng đều không thể quyết định được hai việc, việc thứ nhất là “sinh”, và việc thứ hai là “tử”...”.
“Sinh, chúng ta không thể quyết định khi nào chúng ta đến với thế gian này, sinh ra trong gia đình như thế nào, cha mẹ là ai…”.
“Tử, cũng giống như mẹ của cháu, bà ấy cũng rất muốn cùng cháu khôn lớn, nào ngờ đã rời xa cháu sớm như thế! Trong thực tế, cái chết đi chỉ là cơ thể này, nó giống như một cái phòng để chúng ta ở tạm khi đến với thế giới này. Chỉ có điều là nhà hư rồi, chúng ta phải đổi nhà mới, thay đổi một cái phòng mới mà thôi… Do đó, Tiểu Chân à, chúng ta không thực sự “chết” đi, chỉ là chuyển nhà mà thôi...”
Với đôi mắt bất lực, Tiểu Chân nhìn tôi, gật đầu nhè nhẹ, rồi lại nhắm mắt lại. Cho dù tôi không biết cô ấy có hiểu rõ về sống chết hay không, nhưng ít nhất cô ấy có thể hiểu, và cũng đã nghe rồi.
“Sau này cháu có muốn được học tập bên cạnh Quán Âm Bồ tát không? Nếu muốn, cháu có thể thành tâm niệm thầm trong lòng mình danh hiệu: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, nguyện cầu Bồ tát dẫn dắt cháu, giúp đỡ cháu!”.
Tiểu Chân suy nghĩ một lát, rồi gật đầu biểu thị sự đồng ý.
Mở rộng lòng, điềm tĩnh cáo biệt
Sau đó, được sự giúp đỡ của nhóm thiện nguyện, Tiểu Chân đã đồng ý cùng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát với họ!
Mọi người đều nhận thấy sự thay đổi của Tiểu Chân... hoặc có thể cô đã không còn tưởng vọng nhiều vào thế giới thực tại, hoặc cô đã từ từ chấp nhận sự thật về cái chết, hiểu rằng cần phải tìm cho mình chỗ dựa tâm linh.
Khi nhóm thiện nguyện đề nghị: “Tiểu Chân, em có muốn quy y không?”, cô ấy đã không do dự, gật đầu đồng ý.
Thế là, tôi đã giúp Tiểu Chân làm lễ quy y, và định giờ hằng ngày niệm “Quán Thế Âm Bồ tát”.
Tiểu Chân đã làm được, hơn nữa còn yêu cầu điều dưỡng mỗi tối mở chương trình Kinh tối trên ti vi, và nghe rất say sưa, miệng cũng lẩm nhẩm đọc theo, ngân nga ngâm theo...
Có lần điều dưỡng hỏi: “Tiểu Chân, em muốn đắp mặt nạ không?”.
Tiểu Chân vui vẻ đáp: “Dạ có!”.
Nhưng, theo tình trạng bệnh ngày càng xấu đi, Tiểu Chân rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, rồi an nhiên ngủ. Chẳng lâu sau Tiểu Chân đã ra đi. Nghe nói, sau khi Tiểu Chân mất hai ba ngày, bà em cũng rời xa nhân thế.
Tôi không biết Tiểu Chân cuối cùng có ngộ ra chân lý về sinh tử, không còn tiếc nuối gì hay không; chỉ biết rằng cô ấy đã cáo biệt thế gian với tư thái điềm tĩnh...
CHĂM SÓC TÂM LINH
Hoàn thành tâm niệm - khẳng định giá trị cuộc đời
Có bệnh nhân viết rằng: “Tôi chưa thể chết, vì tôi chưa tìm được lời di chúc!”. Bệnh nhân không phải là không thể chấp nhận sự thật rằng cái chết sẽ đến, mà chẳng qua là không biết phải làm sao để cho đời này được viên mãn, nên bị bế tắc. Không thể đi về phía trước, vì họ còn một số việc chưa làm xong - chưa hoàn thành tâm nguyện.
Hoàn thành tâm nguyện, có nghĩa là giá trị cuộc đời được khẳng định, tìm được sức mạnh cuộc sống không gì thay thế được, cuộc đời này không bị uổng phí và cũng không còn ân hận gì nữa! Trong lý luận của chăm sóc tâm linh, khi lâm chung, mỗi người đều phải tìm được giá trị và ý nghĩa của cuộc đời, để làm cho cuộc đời này viên mãn.
Có trường hợp, người mẹ trong lúc hấp hối, vẫn muốn hít vào hơi thở cuối cùng. Thì ra, cái đáng tiếc lớn nhất trong cuộc đời này của bà là không tận mắt nhìn thấy người con trai duy nhất của mình cưới vợ. Đội ngũ y bác sĩ điều trị sau khi bàn luận đã giúp con trai của bà và bạn gái tổ chức nghi thức đính hôn. Sau khi anh đeo nhẫn cho bạn gái, chưa đầy năm phút sau, thì người mẹ trút hơi thở cuối cùng, bà đã vãng sinh rồi. Vì trách nhiệm, nghĩa vụ của bà kiếp này đã hoàn thành, có thể ăn nói với tổ tiên rồi, nên có thể an tâm buông bỏ. Đây chính là trường hợp điển hình cho việc hoàn thành tâm niệm.
Có một số người không thể trút hơi thở cuối cùng, người nhà vô cùng lo lắng, thường cho rằng còn chuyện gì chưa làm, chưa hoàn thành? Thực ra có thể chỉ đơn thuần là “chưa tới giờ” thôi.
Tâm nguyện của mỗi người không giống nhau, có thể là hoàn thành một bài luận văn nghiên cứu, hoặc cần một người nào đó xin lỗi, hy vọng cha mẹ hòa giải, thậm chí là một câu nói khẳng định... Đối với một số người mà nói, cũng có thể là sự hoàn thành một kết nối, tình yêu thương trong một mối quan hệ nào đó. Chẳng hạn như Tiểu Chân trong câu chuyện trên, bà nội là người duy nhất trên cuộc đời không bỏ mặc cô ấy, cô ấy nhất định phải kết nối tình yêu thương ấy, thể hiện bản thân mình đáng được yêu thương, và giá trị tồn tại được khẳng định, như vậy mới có thể đối mặt với cái chết, tiếp tục bước đi.
Lại có một người phụ nữ giỏi giang, cả đời luôn cố chứng minh mình không phải là người thừa, cô vốn được đặt tên là Miễn Châu (免珠, “免” có nghĩa là miễn trừ, miễn bỏ), nhưng khi đăng ký hộ khẩu, nhân viên hộ tịch lại tự ý đổi lại là Miễn Châu (勉珠, “勉” có nghĩa là gắng sức). Và dấu ấn ấy đi theo cô cả cuộc đời.
Sau đó, bệnh tình nghiêm trọng, mắt không nhìn thấy nữa, cô ấy kháng cự mạnh và rất sợ cái chết. Một hôm, cô đến ngôi chùa trên núi, buổi tối cô nằm trên đường lớn đếm hơi thở, không khí trong thiên nhiên đi vào cơ thể cô, sau khi đi một vòng trong cơ thể lại trở về với thiên nhiên… trong một nhịp hít và một nhịp thở… cô đột nhiên hiểu ra rằng, mình cũng chính là một phần của thiên nhiên, nên sớm muộn cũng sẽ về với thiên nhiên thôi, đã như thế thì có gì đáng nói về cái chết? Và có cái gì đáng sợ nữa chứ?
Thế là, cô ấy nghĩ lại, bất luận là cây hoa, cọng cỏ nhỏ bé, yếu đuối, cũng đều là: “Hoa tàn chẳng phải vật vô tình. Hóa bùn nuôi ủ hoa thì xuân sau”. Mỗi người đều tồn tại có ý nghĩa, đều là độc nhất vô nhị, không thể thay thế. Mỗi người đều có giá trị được yêu thương! Chính vì thế, cô đã rất nhẹ nhõm, thanh thản đối với quá khứ, sau khi tâm linh trưởng thành, tự mình khẳng định mình, và cũng tự mình viên mãn tâm nguyện.
Thiên nhiên, hình như có một sức mạnh chữa lành rất thần kỳ. Lại có một bệnh nhân giai đoạn cuối mà vẫn chưa thể chấp nhận bệnh tình. Cô ấy thường vẽ cảnh một mình ngồi ngắm biển, thì ra trước đó cô thường cùng chồng đi ngắm biển, nghe tiếng sóng vỗ bờ. Đội ngũ y bác sĩ quyết định cho cô đi ra biển, để hoàn thành tâm nguyện không được nói ra nhưng có trong tiềm thức của cô.
Nhìn cảnh hoàng hôn, cô giống như đang mơ vậy, còn nói không phải mình đang ở bệnh viện sao? Chúng tôi dìu cô ấy để cô ấy có thể đi trên cát, khi nhìn thấy sóng biển từng đợt, từng đợt vỗ vào bờ cát, từng đợt bọt bóng bay lên, rồi bọt bóng biển ấy tan ra biến mất... cô đã ngộ ra. Ngày thứ hai sau khi về bệnh viện, cô bắt đầu dặn dò chuyện hậu sự.
Cô nói: “Tôi luôn lo lắng, mình còn trẻ thế này, lại luôn cố gắng, nếu sau khi chết đi không ai nhớ đến tôi, vậy giá trị của tôi ở đâu? Nhưng khi tôi đứng trên bờ biển nhìn bọt sóng, đột nhiên phát hiện ra bọt sóng không phải là biến mất, mà sẽ về lại trong lòng biển. Thì ra, tôi cũng sẽ về với biển bao la, không phải là biến mất!”.
Trong lâm sàng, chúng tôi cũng gặp không ít bệnh nhân mà tâm nguyện cuối cùng là “quy y” và “vãng sinh thế giới Tây phương Cực lạc”.
Còn nhớ, có một người bị ung thư máu, tuy mến mộ đạo Phật, nhưng vẫn chưa hề quy y. Cho nên, khi vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, luôn hy vọng thầy giúp cô làm lễ quy y, thậm chí trong ngày hôm đó vẫn luôn bị chảy máu, nhưng cô đã kiên trì hoàn thành nghi lễ “quy y”. Sau khi quy y xong, cô nói: “Ở đời này, tất cả những việc cần làm tôi đã làm xong rồi!”. Hôm sau ngủ một ngày, rồi hôm sau nữa cô ấy ra đi.
Còn có một bệnh nhân hằng ngày vái lạy trên giường bệnh, vái lạy nhiều đến nỗi trán thâm xanh... Thì ra, ông cho rằng nếu không vái như vậy thì Phật A Di Đà sẽ không đến rước ông, ông rất sợ không đến được thế giới Cực lạc, chưa hoàn thành tâm nguyện, không vái thì trong lòng bất an.
Tâm nguyện của mỗi người không giống nhau. Khi giúp bệnh nhân hoàn thành tâm nguyện, những điều cần suy xét kỹ lưỡng là: Đây có phải là tâm nguyện của bệnh nhân? Hay là tâm nguyện của người nhà, đoàn thể? Ý nghĩa của tâm nguyện là sau khi hoàn thành việc này, bệnh nhân cảm thấy viên mãn, không còn ân hận, họ có thêm sức mạnh nội tại, như thế mới có thể được gọi là “tâm nguyện”.
Có một bệnh nhân nữ, vì người trong nhóm thiện nguyện nghe thấy cô ấy mong ước được làm hôn lễ, nên đã nhanh chóng giúp cô tổ chức. Sau sự việc ấy, chồng cô nói: “Cũng không biết có chuyện gì, tôi còn đang mang dép lê thì bị kéo đi cử hành hôn lễ rồi…”. Người đàn ông ấy hình dung đó là hôn lễ không thể giải thích, như thế bệnh nhân có thể cảm nhận được tấm lòng của người chồng sao?
Về lý luận, cần phải giúp bệnh nhân “hoàn thành tâm nguyện”, nhưng phải xem đội ngũ y bác sĩ thảo luận, có đáng làm như thế không? Có nên làm không? Và làm như thế nào? Đó chính là cách làm tương đối chu toàn, và cũng có thể đặt dấu chấm tròn mãn nguyện cho việc hoàn thành tâm nguyện.