Tôi biết bạn đã mệt rồi, nhưng xin hãy lại đây, ở đây có một con đường…
Rumi
CHĂM SÓC TÂM LINH
Bầu bạn - là một cách để tiếp xúc tâm linh
Rốt cuộc là đã xảy ra việc gì?
Thế giới của cụ bà tiêu điều, tĩnh lặng, không còn sự phân biệt giữa ngày và đêm, hoàn toàn xa cách với thế giới bên ngoài!
Câu chuyện về cụ bà hơn 80 tuổi được đưa vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, cũng là bài học lớn cho đội ngũ y bác sĩ!
Tâm kết nối tâm, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể
Bà cụ được đưa vào Phòng chăm sóc giảm nhẹ, đau đớn rên rỉ liên hồi, ai da, ai da… những tiếng kêu đau lòng!
“Như thế này thì giao tiếp sao được? Mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy…”.
“Phải làm sao đây? Phải làm sao đây? Nói chuyện ư? Bà cụ hoàn toàn không nghe thấy; đưa đồ cho bà ấy nhìn, bà ấy hoàn toàn không nhìn thấy… cũng không biết bà ấy bị đau chỗ nào, hoặc chỗ nào ra sao? Như vậy thì làm sao chăm sóc bà cụ?”.
Nhân viên y tế trong bệnh viện nói đội ngũ y bác sĩ cứ hỏi mãi việc phải chăm sóc bà cụ ấy như thế nào?
Bà cụ sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, cả đời sống giản dị, theo đạo Phật và thường tụng kinh.
Khi phát hiện bà bị bệnh ung thư phổi, con cái tích cực lo chạy chữa cho bà, nhưng bệnh tình của bà ngày càng xấu đi, di căn nhiều nơi, bắt đầu chèn ép thần kinh. Do đó, đôi mắt vốn vẫn nhìn thấy ngày càng mờ đi và mù hẳn. Tai vốn dĩ vẫn nghe thấy nhưng từ từ cũng lảng dần rồi điếc hẳn.
Khi tôi vào thăm bà cụ, chỉ thấy cơ thể bà luôn động đậy, giãy giụa bất an… Bà cụ không biết mình đang ở tình trạng như thế nào? Một thế giới toàn màu đen! Tiếp sau đó sẽ ra sao?
Những người xung quanh chỉ có thể giao tiếp với bà cụ qua ngôn ngữ cơ thể, họ sờ vào tay bà để bà biết có người đang ở đây.
Sau khi biết bà tin đạo Phật và tìm hiểu tình hình xong, tôi liền kéo tay bà sờ lên đầu tôi (để bà biết tôi là người xuất gia theo Phật); rồi lại sờ vào tim tôi (để cho bà biết tim của tôi cũng đang hòa nhịp cùng tim của bà)…
Lúc này, tôi nhận thấy cảm xúc của bà cụ luôn giãy giụa ấy đã từ từ bình tĩnh lại! Đây không chỉ là xúc giác, ngôn ngữ cơ thể, mà còn là một cách giao tiếp tâm linh. Do đó, mỗi lần đi thăm bà cụ, tôi đều dùng các động tác như thế để chào hỏi bà, để bà biết rằng: Thầy lại đến rồi! Sát gần với trái tim của thầy - biểu thị thầy rất quan tâm đến bà; rồi lại sát gần với trái tim bà, để cho bà biết rằng thầy đang giao tiếp bằng tâm linh với bà và cầu Bồ tát phù hộ cho bà. Chỉ cần mỗi lần tôi làm động tác này, cảm xúc của bà cụ liền dịu xuống, bình thản trở lại, như được an ủi, vỗ về… Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể như thế đã phát huy tác dụng lớn.
Biết con cái quan tâm, nên đã thanh thản ra đi
Sau đó, tôi cũng hướng dẫn cho con cái của bà cụ làm những động tác tương tự: kéo tay của mẹ sờ vào ngực mình, rồi lại sờ vào ngực của mẹ - biểu thị con trai, con gái đã đến bên mẹ, đều quan tâm mẹ. Thế là, con cái bà ngày nào cũng dùng ngôn ngữ cơ thể như thế để chào hỏi, giao tiếp với mẹ, biểu thị sự quan tâm, và cảm xúc của bà đã bình tâm trở lại, an tịnh hơn.
Những điều mà mọi người có thể làm được chỉ có thế.
Không lâu sau, bà cụ đã thanh thản ra đi!
CHĂM SÓC TÂM LINH
Bầu bạn - một cách để tiếp xúc tâm linh
Khi người bệnh không nhìn thấy, không nghe thấy, việc chăm sóc tinh thần phải bắt đầu như thế nào?
Nếu vốn dĩ nhìn thấy, nghe thấy, nhưng vì những biến chứng nặng khiến bị mù và điếc, thì người bệnh sẽ rơi vào trạng thái dễ bị lo lắng, dễ dàng hoài nghi và tim đập bất an. “Tại sao cơ thể của tôi lại tệ hại đến thế? Rốt cuộc là thế nào? Sao hôm nay lại khó chịu đến thế? Tại sao tôi cảm thấy ngày càng khó chịu? Thế giới bên ngoài bây giờ rốt cuộc ra sao? Họ rốt cuộc sẽ làm gì tôi đây?”.
Người bệnh rơi vào trạng thái hoàn toàn không thể kiểm soát, lại không có cách nào làm chủ, lo lắng và khiếp sợ; do đó, tâm lý đề phòng vô cùng mạnh mẽ, chỉ cần có một động tĩnh nhỏ cũng sẽ rất dễ bị hoảng loạn, dễ bị ảnh hưởng. Lúc này, nếu đường đột động vào người họ, bệnh nhân sẽ sợ hãi kinh ngạc, lại càng không thể mở lòng. Chúng ta cần phải hiểu thế giới hiện tại của người bệnh là gì, thấu hiểu và cảm nhận nỗi đau cùng họ.
Về mặt chăm sóc tinh thần: lắng nghe, ở bên cạnh bầu bạn và thấu hiểu chính là nguyên tắc cơ bản. Trong tình cảnh như thế, người bệnh thực sự rất cần sự bầu bạn, cũng như sự đồng cảm sâu sắc.
Nhiều người cho rằng, chẳng làm gì cả chính là bầu bạn, hoặc cho rằng khi không thể làm gì nữa thì chỉ có thể bầu bạn. Thực ra, bầu bạn cần sự an tịnh và trầm lắng, có thể cảm nhận được hơi thở và cảm xúc lên xuống của người thân, là năng lực có thể “nhận” nhưng không thể “cho”. Không phải là có thể giải quyết ngay, hoặc thúc đẩy hay trì hoãn vấn đề, mà mục đích của việc bầu bạn, chính là để cho người bệnh được tiếp nhận trong mối quan hệ yên tâm, sau đó có thể từ từ tiếp xúc với mình, hiểu mình.
Bầu bạn, vốn dĩ không phải là chuyện đơn giản, vì bầu bạn chính là một thứ năng lực, một nội lực vô hình, liên quan đến việc hiểu một người, đó là sự quan sát ý nghĩa sau hành động, quan sát hiện tượng; nó cũng liên quan đến giới hạn giữa mình và người có phù hợp thích đáng, hơn nữa là có tôn trọng và khẳng định sự sống của nhau hay không. Có thể hiểu thấu nhu cầu, khát vọng, ý muốn trong thâm tâm của một người, chính là sự tiếp xúc tâm linh thuần khiết.
Do vậy, khi gặp phải tình trạng giống như bà cụ trong câu chuyện trên, chúng ta trước hết phải tìm hiểu tình cảnh của họ, thông qua người thân của họ. Sau đó, lần thăm đầu tiên cần phải có sự giới thiệu, dẫn dắt của người thân hoặc nhân viên y tế đã quen với người bệnh để thực hiện các động tác chào hỏi, rồi từ từ tiếp xúc và làm bầu bạn bên cạnh.
Trong thực tế, khi đã hoàn toàn mất đi thị giác và thính giác, người bệnh vẫn còn xúc giác, vị giác và khứu giác, chứ không phải hoàn toàn mất hết các giác quan.
Cho nên, khi tiếp xúc với người bệnh như vậy, chúng ta không nên nắm ngay tay họ, mà nên gây tiếng động trên đầu giường hoặc ghế trước, để thông qua tiếng động ấy cho người bệnh biết rằng có người đến; sau đó chạm nhẹ vào tay họ, từ từ mở rộng phạm vi tiếp xúc, rồi nắm tay họ, để cho họ biết luôn có người bầu bạn, họ không phải cô đơn một mình.
Có khi người xuất gia cầm tay của người bệnh, rồi xoa lên đầu, biểu thị thầy đã đến thăm họ, lại có tác dụng làm cho người bệnh yên tâm.
Cũng có người bệnh thích dầu gió, cho nên khi nhân viên y tế hay tình nguyện viên đến thăm, trước tiên phải có sự dẫn dắt của người thường xuyên chăm sóc người bệnh, ban đầu là sờ nhẹ, nắm vào tay người bệnh, sau đó tay của nhân viên y tế hay tình nguyện viên mới tiếp xúc với người bệnh, rồi mang dầu mà người bệnh quen dùng ra cho họ ngửi. Khi người bệnh vừa ngửi thấy mùi dầu quen thuộc thì biết là có người đến, đó cũng là mật mã nhận biết nhân viên y tế và tình nguyện viên. Sau đó, người bệnh sẽ an tâm để cho nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên dùng dầu xoa bóp cho mình.
Còn có người bệnh, đã bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời, mỗi khi đến thăm, chúng tôi đều nắm tay họ để họ sờ lên đầu chúng tôi, để người bệnh biết rằng thầy đã đến, từ từ xây dựng lòng tin nơi họ. Những lần sau, chúng tôi mang cho bệnh nhân vòng hạt, hạt to một chút, vì văn hóa lần tràng hạt, niệm kinh Phật đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, và người bệnh nhanh chóng ý thức được việc có thể lần tràng hạt, niệm kinh Phật.
Bầu bạn, không nhất thiết phải bằng ngôn từ, chính bằng cảm giác lần tràng hạt trên tay, trong lòng người bệnh cũng được những hạt tròn và những câu kinh an ủi, họ cũng cảm nhận được sự viên mãn nào đó, cứ thế, họ dần dần học bài học về lâm chung.
Nhưng điều quan trọng là, nếu việc bầu bạn mất đi sự đồng cảm của trái tim, thì khác nào như không bầu bạn, đặc biệt là bầu bạn bên cạnh lúc lâm chung, cần phải có trải nghiệm gần gũi với cuộc sống của người bệnh.
Lúc lâm chung, nhiều người đã không thể nói được, thậm chí rơi vào trạng thái không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài, làm sao có thể cùng người bệnh niệm kinh Phật? Lúc này, về cơ bản, có thể để ngón tay mình vào lòng bàn tay của người bệnh, có thể hòa cùng nhịp thở, hoặc nhịp thở của bình oxy để niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,... xoa nhẹ lòng bàn tay. Việc tiếp xúc như vậy không gây áp lực cho người bệnh, lại có thể cho họ cảm giác chúng ta đang ở cùng với họ.
Nếu người nhà bệnh nhân cũng ở đó, chúng ta sẽ hướng dẫn họ cùng làm như thế, sau đó có thể gọi tên người bệnh và nói: có tôi đến thăm và tôi sẽ luôn ở bên cạnh… Thực ra, người bệnh cũng không nghe thấy, nhưng họ nhận biết được có người ở bên cạnh, cứ mãi nắm tay họ, để họ không cô đơn.
Nhưng, có nhiều người thân không hiểu điều này, cứ nhìn thấy người bệnh chuẩn bị ra đi thì không kìm được mà khóc to lên; sau đó cứ kéo tay của người bệnh, hoặc có khi còn kéo mạnh người bệnh. Việc này hoàn toàn khiến người bệnh không được thoải mái, thậm chí là còn đau khổ hơn.