Đêm khuya lắc khuya lơ. Cơn mưa ngầu bọt trên đám lá dừa quằn quặt. Ánh chớp chợt lóe lên, kèm tiếng gầm rung động. “Lạy trời! Ông cũng nổi giận giùm con”. Chị Tư Lá ngước đôi mắt đẫm nước nhìn qua khe cửa sổ, khi ánh chớp vừa sáng lên. Bên ngoài, mưa giăng như mắt lưới, mấy cành lá chuối vật qua vật lại, điên khùng. “Mày ngủ ở đâu hả Dân?”. Tiếng gọi thầm nhưng xé toang lồng ngực bà mẹ. Chị Tư Lá vừa đuổi thằng con mất dạy ra khỏi nhà lúc chiều tối. Nó say ngất, mắt đỏ ngầu, miệng cười sằng sặc. Chiếc áo dơ bẩn khoác lên vai, thằng Dân quắc mắt nhìn mẹ: “Bà đuổi tôi phải hông? Quá dễ. Thằng này đâu ngán bụi trần đau khổ”. Nó bước xiêu vẹo, cất giọng ông ổng: “Đường nhân gian... đày ải... thương đau/ Ai chưa qua... chưa phải là người...”. Bước chân của thằng say vô định, vô tình.
Bây giờ giữa giấc khuya chập chờn, cơn mưa ầm ào đã dập tắt ngọn lửa giận dữ trong lòng chị Tư. Nỗi lo lắng bản năng của người mẹ lại trỗi dậy. Thằng Dân đang say quắc cần câu, lỡ đụng nước mưa dính cảm là chết chắc. Thằng con bất hiếu. Thằng con mất dạy. Có ai dạy nó đâu? Chị tối ngày sấp mặt xuống, ngửa mặt lên với gánh lá chuối đi bỏ mối, bỏ thằng nhỏ lắt lay bụi đất, đói khát bên nhà hàng xóm. Tối lên đèn hai mẹ con mới ngồi với nhau bên mâm cơm chín vội. Cứ như vậy mười tám năm qua chị cực khổ nuôi con. Chỉ nuôi thôi chứ thì giờ đâu mà dạy. Thằng Dân lăn lóc lớn lên như cây xương rồng bỏ hoang ngoài ngõ. Ba mươi hai tuổi chị Tư sinh ra nó, từ nỗi khát khao của người phụ nữ nghèo và kém sắc. Người đàn ông rủ lòng thương cho chị mang thai, làm nghề mài dao dạo, khỏe mạnh và lanh miệng. Lúc thằng Dân lên ba, lên bốn, vẫn còn thấy ông chạy xe đạp với chiếc thùng gỗ nhỏ đi qua. Cũng có lúc ông ghé qua một hai phút, cho thằng nhỏ cặp bánh ú hay trái chuối, ánh mắt nhìn nó vô cảm. Hơn chục năm nay không thấy ông mài dao dạo. Có người nói ông té cầu, lọt sông chết rồi. Có kẻ lại nói ông bị tai nạn giao thông, què giò không còn chạy xe được nữa. Chị Tư Lá vẫn đi bỏ mối lá chuối. Thằng Dân vẫn ở trần voọc đất ngoài ngõ hàng xóm. Chẳng ai mong chờ ông ta.
Mười hai tuổi thằng Dân biết theo người ta đi làm cu ly phụ hồ. Mười bốn tuổi nó biết hút thuốc lá, tập nhậu nhẹt. Những đồng tiền nó mang về cho mẹ, lúc đầu làm chị Tư chảy nước mắt. Tháng lương đầu tiên của nó được hơn bảy trăm ngàn. Thằng nhỏ nhổ giò, chẳng bao lâu ra dáng thanh niên. Việc làm ổn định, lương càng cao, những đồng tiền nó đưa chị càng ít đi. Hai năm nay thì trở lại hoàn cảnh ban đầu, là chị Tư sấp ngửa mặt với những gánh lá chuối, nuôi báo cô thằng con ham nhậu hơn ham làm. Tháng năm trôi đi nhọc nhằn, không làm chị buồn khổ bằng cảnh thằng Dân liêu xiêu mỗi chiều về nhà, mắt đỏ ngầu, áo vắt trên vai: “Mày có tính tu thân báo hiếu không hả Dân? Chưa ráo máu đầu mà mày nhậu chìm nhà chìm cửa. Không biết nó giống ai vậy trời!”. Thằng Dân đá một phát vô lu nước. Chiếc lu vỡ tan, bắp chân nó cũng đầm đìa máu. “Tôi giống thằng tía tôi. Tía tôi là thằng nào? Bà nói đi! Không nói tôi đập bà như đập lu nước này nè”. Nó ngã vật ra gốc bằng lăng, thở khè khè, ngủ vùi. Chị Tư đau xót, muốn cầm cây rựa bửa vô cái đầu tóc vàng khét nắng kia, nhưng lại run run mang thau nước muối, vừa khóc vừa rửa vết thương cho con. Tội nghiệp con tôi. Nó sinh ra trong nghèo khổ, côi cút. Nó không nên người là tại mình. Lẽ ra mình đừng bỏ nó hoang dại như cây xương rồng ngoài kia. Lẽ ra nó được gọi tiếng ba thân thương. Nếu như có một bờ vai đàn ông cho chị dựa vào nghỉ ngơi.
Thằng Dân bỏ nghề thợ hồ, nhảy qua làm lò bánh tráng với mấy thằng bạn nhậu. Ông Tám chủ lò lâu lâu gặp chị ngoài chợ, phàn nàn: “Thằng Dân nhà thím sức vóc, nhanh nhẹn, làm đâu ra đó. Nhưng nó nhậu vô là giống thằng khùng, thằng điên. Thím không dạy nó, mai mốt khổ”. Chị Tư dạ dạ, cho qua chuyện. Giờ thì trời gầm nó cũng không ớn, nói chi mấy lời la lối như nước đổ lá môn của mẹ. Chiều qua, cả lò mì rầm rập như có bão. Ông Tám cầm khúc cây tầm vông, chỉ vô mặt đám làm công của mình: “Đứa nào lớn gan lấy chiếc mô tơ điện của tao? Chiếc mô tơ nặng mấy chục ký, hổng lẽ một thằng vác chạy! Biết điều đem về ngay trả cho tao, không đi tù ráo trọi nghen mấy đứa”. Ông Tám nghi mấy thằng làm công đêm qua nhậu bên quán Sáu Hoàng. Tụi nó ầm ĩ la hét tới sáng lận mà. Chiếc mô tơ ông mới đi sửa về, chưa kịp ráp lại, tự dưng không cánh mà bay. Khi công an xã xuống kiểm tra hiện trường, thằng Dân không ở đó, mà mắc nhậu tăng hai, tăng ba gì đó tại nhà. Chiều, chị Tư đi bỏ lá chuối xong, ghé chợ thấy bà con lao xao vụ mất cắp ở lò bánh tráng. Hình như chị loáng thoáng nghe có ai nhắc tới tên thằng Dân. Ruột gan thắt lại vì lo, chị mua bậy nửa ký su, hai miếng đậu hũ rồi đi như chạy về nhà. Ba thằng còn ngồi ngật ngưỡng ngoài sân. Nồi cháo vịt vương vãi, đám xương ném bừa bãi quanh mâm. Chị vừa cất tiếng hỏi vụ mất trộm, hai thằng khách liến láu: “Tụi con không dính dáng gì nghen dì Tư. Chiếc mô tơ nặng bà cố, ông Tám ổng nghĩ tụi con khiêng được hả?”. Thằng Dân lừ lừ đứng dậy, chỉ tay vô mặt mẹ: “Bà biết cái đếch gì! Câm miệng lại! Tiền nhậu bữa nay là tiền đi ăn cướp nghe chưa”. Chị Tư giận sôi, trong lòng cảm thấy bất an. Chị muốn xả cho thằng con mất dạy một nhát. Giọng chị run rẩy: “Dân! Mày cút khỏi nhà tao! Coi như tao không có thứ con như mày!”. Nó trợn mắt nhìn chị, rồi cười sằng sặc. Nó vắt áo lên vai, nghiêng ngửa bỏ đi. Cơn mưa đen rầm trời. Chị Tư ngồi bệt, thở dốc: “Trời ơi là trời! Con ơi là con!”.
Một năm trôi qua. Chính xác là 14 tháng, từ khi thằng Dân vô tù. Lần trộm mô tơ của lò bánh, không thằng nào đứng ra nhận, còn nhơn nhơn cái mặt thách thức. Ông Tám nhờ công an điều tra, hốt gọn bốn thằng, trong đó có thằng Dân. Hôm chúng ra tòa, chị Tư không tới thăm, cũng không đi bỏ mối lá chuối. Chị nằm vắt tay lên trán, trên chiếc võng rách, âm thầm khóc. Bữa đêm trời mưa thằng Dân bỏ đi, chị giận con, rồi lại thương, mơ sáng đã lò dò đi kiếm. Lòng vòng quanh mấy quán nhậu hỏi thăm, không ai thấy thằng Dân đâu. Tới lò bánh tráng, đụng ông Tám chạy xe Honda ở đâu về. Thấy chị, ông hất hàm: “Kiếm con hả? Công an hốt cả nùi rồi. Muốn kiếm lên đó kiếm”. Chị tối tăm mặt mày: “Muộn mất rồi con ơi!”.
Khi giám thị kêu ra phòng làm việc, thằng Dân khấp khởi mừng. Hôm nay, hình như nó được ra tù. Tới khi ký vô cuốn sổ, nhận lại bộ đồ và chiếc dây nịt cũ, nó mới tin là được tự do. Hơn một năm trời, đêm tới là giấc ngủ mộng mị, nó thương mẹ vô cùng. Nhưng nó biết mẹ đã từ mặt đứa con bất hiếu. Nó từng uất ức, rồi khóc nghẹn khi thấy bạn tù tháng nào cũng có người nhà tới thăm nuôi, tiếp tế. Nó thì không. Một điếu thuốc cũng không. Một gói muối cũng không. Mẹ đã bỏ nó, như cắt bỏ một khúc ruột dư sắp vỡ.
Nó ngồi thừ, chảy nước mắt. Người cán bộ quản giáo vỗ vai: “Mừng quá hả? Về nhà ráng làm ăn, chúng tôi không hoan nghênh cậu trở lại đây đâu”. Không phải khóc vì mừng. Nó khóc vì cô đơn, bối rối. Biết về đâu bây giờ? Nó rất thèm một mái nhà, một bữa cơm đạm bạc có nụ cười hiền của mẹ. Thôi, cứ về quê đã rồi tính. Trước tiên phải ra khỏi hai cánh cổng sắt xám xịt kia. Có thể ai đó sẽ lại nhận cho nó đi làm thợ hồ. Thề với ông trời, lần này cực mấy cũng ráng chịu, không dám nhậu nhẹt làm ẩu nữa. Cầm hơn trăm ngàn được cấp, nó tính toán sẽ đi xe ôm ra thị trấn, ăn một bữa thiệt no, rồi đón xe đò về quê. Nắng buổi sáng làm lóa mắt thằng Dân, khi nó đang bỡ ngỡ bước ra khỏi cánh cổng trại giam. Nó nhìn loang loáng vùng đất đỏ quen thuộc đang lơ phơ xanh màu lá mì non. Con lộ đỏ hun hút về phía tự do. “Dân! Dân ơi!”. Nó giật mình nghe tiếng gọi quen thuộc của ai đó. Không lẽ lại là mẹ!
Chị Tư Lá đứng bên chiếc xe đỏ bụi và người chạy xe ôm, tay xách nặng chiếc giỏ lác. Chị hồi hộp đến nghẹt thở, khi cánh cổng trại giam mở toang và một thằng thanh niên cao lớn, đen sạm nhưng khỏe mạnh bước ra. Đó chính là thằng Dân của chị. Thằng Dân chững lại một chút, rồi chạy ào về phía mẹ. Nó chỉ kịp ôm chầm lấy chị, bật khóc ồ ồ. “Nín đi con! Mẹ đã nhờ hai chú xe ôm chở mẹ con mình ra bến rồi. Vô đây! Vô ngồi đỡ dưới gốc cây này đã. Ăn đi con! Uống bia đi. Mẹ cho phép uống chút đó”. Thằng Dân loạng choạng say nắng, mắt đỏ hoe: “Thôi mẹ! Con không muốn ăn gì cả. Con muốn về nhà!”. “Ờ! Vậy hén! Về nghỉ ít bữa rồi đi làm. Mẹ đã qua năn nỉ ông Tám lò bánh, ổng nhận cho con làm lại rồi”.
Chị Tư cất tiếng cười giòn, tiếng cười hạnh phúc. Trên cây bàng kế đó, một con chim nhỏ vụt bay vút lên, sải cánh phương xa.