Tám giờ sáng, tôi có hai cú điện thoại.
Một của Tám Điền, Ban liên lạc cựu chiến binh: “Mấy thằng Xê 37 cũ kêu tao mần thịt con chó nhậu chơi. Tới nghen!”. Vụ này phải có mặt, dù mắc công chuyện gì thì cũng tạm bỏ đó. Anh em đơn vị cũ, toàn những thằng sống chết có nhau. Thông lệ là: “Xê 37 gọi, sẵn sàng!”.
Một cú điện thoại nữa của ông già Lâm Khươl người Tà Mun: “Chú Hai ơi! Cậu Tư nhà tôi chết rồi!”. Cổ họng tôi chợt cứng ngắc như vọp bẻ, ngáp ngáp. Tư Nhân mà chết hả? Bữa qua chả còn rủ tôi chủ nhật này qua nhậu chơi mà? Nhưng ông Lâm Khươl đã nói là chính xác. Ổng là người coi rẫy cao su cho Tư Nhân, chung thủy với chả mười mấy năm nay. Tôi cứng họng nên không hỏi được gì, xách xe chạy qua tòa án huyện nơi Tư Nhân đang làm việc. Mấy chú cảnh sát bảo vệ tất bật giải tán đám người hiếu kỳ bu kín sân. Pháp y chuẩn bị khám nghiệm tử thi. Chú Chiến bảo vệ nói, chiều qua thấy Tư Nhân lái chiếc Toyota bốn chỗ của Út Tần về sân cơ quan. Trước đó cả tháng, chả có nói với tôi là sẽ mua xe hơi, đi kiểm tra rẫy cao su cho tiện, chắc là mượn xe Út Tần tập lái. Sáng nay chú Chiến tò mò ngó vô xe, thấy Tư Nhân ngồi úp mặt lên vô lăng. “Ủa! Ông này ngủ cả đêm trong xe hả?”. Chú gõ hoài cửa kính gọi Tư Nhân, không thấy chả tỉnh dậy…
Tư Nhân có đầy đủ họ tên là Trần Hữu Nhân, quê ngoài Huế. Chả có đi bộ đội, nhưng thuộc quân chủ lực. Giải phóng Sài Gòn xong, chuyển ngành qua tòa án rồi ở lại miền Đông luôn. Trừ những người trong cơ quan hoặc bạn bè như tôi, không ai biết Tư Nhân là người của tòa án, nơi mà người ta có thể chấm dứt sinh mạng hay đưa một người vô tù hoặc cứu rỗi cả đời người. Hồi tôi mới quen chả, thấy anh chàng người miền Trung này thuộc “thành phần cơ bản”. Lúc nào gặp chả, cũng thấy loàng xoàng bộ đồ cũ, chạy chiếc xe Cub cánh én bạc màu. Một bữa chạy xe kiếm chả đi nhậu, thấy chả trong rẫy mì đang tay cuốc, tay rựa giẫy cỏ. “Ủa! Cũng có đất giẫy sao cha?”. Chả cười hiền: “Thì cũng trồng bậy mẫu mì kiếm tiền xài!”. Nói tía con kỳ nhông không nghe được. Chả mần việc Nhà nước, tháng nào có lương tháng đó, lại một thân một mình, tiền xài sao cho hết mà bày đặt trồng mì. Tôi cho rằng do bản tính người miền Trung siêng việc của chả. Mà cũng lạ, từ hồi bộ đội chuyển qua tòa án, chả sống độc thân, không vợ con. Tôi hỏi, chả nói trước kia thì có, nhưng trong chiến tranh ly tán hết không còn ai. Lại hỏi sao không kiếm vợ mới lo cơm nước, nhà cửa cho khỏe thân. Chả lắc đầu: “Phiền lắm! Biết sống được bao năm nữa mà vợ con cho khổ người ta”.
Bây giờ thì chả chết thiệt. Bất đắc kỳ tử. Không ai thân thích bên cạnh. Đến như ông già Tà Mun - Lâm Khươl gắn bó với chả như vậy mà cũng không kịp nghe chả dặn dò một tiếng về công việc vườn rẫy. Trong lòng tôi chợt nhói lên nỗi thương cảm. Tôi nhớ người bạn nhậu “nhím bà cố”, nhưng hay mời tôi ngồi lai rai. Giờ mới hay những lúc đó chả buồn dữ lắm. Ngồi uống rượu với dĩa hột vịt chiên, rau kèo nèo, đọt bông súng, dăm trái đậu rồng, vẻ mặt Tư Nhân quàu quạu, mấy cọng râu mới nhú đâm tua tủa dưới cằm, ánh mắt xa xăm buồn hiu. Có lần tôi cắc cớ, hỏi: “Bộ Nhà nước trả lương ông không đủ sống sao? Vườn rẫy chi cho cực thân”. Chả cười bâng quơ, chậm rãi chân tình: “Thiệt với mi, ngoài miền Trung cực lắm! Vô đây thấy đất đai mà ham. Đồng tiền đâu có dư, mình không xài mai mốt con cháu xài!”. Tôi ngạc nhiên vì câu trả lời. Chả có vợ con đâu mà trông người thừa kế. Hình như hiểu được cái nhìn của tôi, chả nói: “Con cháu chừ chưa có, mai mốt có. Gấp chi!”.
Tôi cũng lăm le mua đất trồng cao su. Thứ đàn ông như tôi, có đồng nào chưa nóng túi là vô quán nhậu hoặc lén vợ đi “o mèo” hết, mạt kiếp đừng mơ tới cao su. Nhưng số tôi hên, mới được ba má vợ chia cho nửa tỉ đồng hồi môn. Ông bà già sanh hai mụn con gái. Căn nhà ba tầng dưới thành phố, vợ chồng chị Hai cứ chực giành xin, nên ba vợ tôi bán phứt, chia cho mỗi người một mớ. Bọc tiền từ trên trời rớt xuống làm tôi suýt ngất xỉu. Bà xã tôi gởi gấp vô ngân hàng, rồi hối tôi đi tìm mua đất cao su. Chính Tư Nhân là người chỉ mối cho tôi lô cao su bốn tuổi tại một xã giáp biên giới. Một mẫu giá bốn trăm tám chục triệu đồng, thủ tục giấy tờ mình tự lo. Tư Nhân rỉ tai tôi: “Rẻ! Mua liền đi. Chỗ đó xa quá, chớ gần đất tao, mi đâu còn cơ hội”. Từ bữa đó, tôi mới biết Tư Nhân cũng có cao su. Hỏi chả, rẫy cao su có rộng bằng rẫy tôi không? Chả ầm ừ: “Thì cũng cỡ đó…”.
Thời gian sau, tôi ngại ngồi cùng Tư Nhân, vì thấy con người chả tầm thường quá. Thậm chí có lúc tôi thấy tự mãn vì mình áo quần bảnh bao, lịch sự hơn chả nhiều. Mang tiếng người Nhà nước, mà ngó chả lôi thôi quá sức. Giờ tôi có rủng rỉnh tiền bạc. Mẫu cao su đang kỳ cho mủ, mỗi ngày bỏ vô tủ gần hai triệu bạc chớ giỡn hả? Tôi ra đường, vênh vang như một đại gia, kiếm mối những đại gia bự hơn làm thân, kết bạn. Một lần tôi mời Tư Nhân đi nhậu món kỳ đà với rượu Tây, cho chả biết thế nào là cách ăn chơi của nhà giàu, chứ cứ ngày nào cũng hột vịt chiên như chả, “chết sướng hơn”. Ai ngờ chả tỉnh queo, đánh bứt chai rượu giá triệu hai của tôi. “Mi tưởng tao chưa biết ba thứ ni hả? E tao nhậu nhiều hơn mi nữa. Nhưng ai mời thì tao nhậu, chớ ngu chi phá gia chi tử như mi”. Tôi nóng no trong bụng mà không biết nói sao. Từ bữa đó từ mặt chả.
Duyên nợ không cho tôi chia tay Tư Nhân, bởi tôi lại một lần phải tìm tới chả nhờ vả. Lần đó nhằm Tết Đoan Ngọ, “Xê 37” gọi, tôi không được vắng mặt dù “bất cứ lý do gì”. Tám Điền kiếm về mớ thằn lằn núi làm mồi nhậu. Chưa vô mâm, thằng Tám đã chỉ mặt tôi: “Mầy chơi thân với Tư Nhân ở tòa án phải hông? Giúp tao chút việc coi!”. Mẹ họ! Việc nhà nó mà ra lịnh cho con người ta như trong quân ngũ. “Trước tao hay nhậu với chả, giờ nghỉ chơi rồi”. “Kỳ vậy?”. “Tướng tá chả ngó bầy hầy quá, ngồi chung hoài, mắc cỡ”. Tám Điền vươn cổ ọe một tiếng, nhìn tôi khinh khỉnh. “Nói nghe mắc ói! Đồ đàn ông tối ngày bám váy vợ như mầy mà dám chê người ta. Tao đang tính nhờ mầy tới chả giúp con em gái nè”. “Việc chi? Tư Nhân chỉ rành ba vụ xử án với mua bán bất động sản thôi đó nghen”. Tám Điền ngoác cái miệng trống huếch hàng tiền đạo, cười phun cả nước miếng vô mặt tôi: “Thì đó! Tao cần ba vụ đó, chớ hổng lẽ cần ba thằng nhậu “banh ta lông” như mầy?”.
Nhà Tám Điền khá giả, có cô em Út lấy chồng cho ở rể. Thằng rể học giỏi, có khiếu kinh doanh, được bên vợ o bế quá nhiều. Tám Điền chưa nhậu miếng nào mà mặt đỏ phừng phừng. “Mạ nó chớ! Thằng rể cà trớn nầy tao muốn uýnh quá. Cả nhà tao góp tiền vàng cho nó mở công ty “vô trách nhiệm vô hạn” gì đó. Ai dè giàu có rồi, nó bỏ em gái tao đi nuôi bồ nhí. Con Út muốn ly hôn, mà tài sản thằng kia giành hết, giờ làm sao đây? Mầy hỏi giùm tao, cha tòa án kia có cách gì hông?”. Tôi đến nhà Tư Nhân ngay buổi chiều đó. Chả ngồi xổm trên chiếc giường tre, chậm rãi ăn cơm. Mâm cơm đúng chỉ có dĩa hột vịt chiên vàng, thêm món đậu bắp luộc chấm nước tương. Bữa nay râu ria chả nhẵn nhụi, tóc hớt ngắn, coi sạch sẽ hơn. “Bộ bữa nay đi xử án hả ông Tư?”. “Ừ! Nhưng tao chỉ ngồi thơ ký thôi”. Chả kể lể với tôi, rằng “đừng coi ngành tòa án là sướng, là oai nhứt. Cái nghề bạc lắm mi ơi. Mấy ông chánh án, đụng vụ mô lớn, có án tử là lo toát mồ hôi đó. Mình đặt bút ký án tử cũng là gián tiếp tiêu diệt một mạng người, tổn đức tổn thọ lắm. Bởi vậy mỗi lần xử án tử, mấy ông chánh án chỗ tao về nhà thắp nhang cúng bái liền liền. Tao không ham làm chánh án, thẩm phán. Cứ loong toong thơ ký được rồi”. Tôi sốt ruột ngắt lời chả: “Có con em gái thằng bạn tôi muốn li hôn, ông giúp được hôn?”. Chả nheo nheo con mắt. “Li hôn mà phải nhờ tao, chắc mắc mớ phần tài sản chớ chi?”. Tôi chịu chả nói trúng, liền kể nội vụ em gái Tám Điền, còn thòng thêm một câu: “Nó hứa sẽ hậu tạ ông!”. Tư Nhân gật gật đầu: “Theo phần X điều Y Luật hôn nhân gia đình. Theo điều A, điều B Bộ Luật dân sự, con nhỏ phải làm đơn gửi chỗ này, chỗ kia…”. Tôi nghe ù hết hai tai. “Thôi! Phải làm sao ông làm giùm đi. Nghe mấy điều luật tôi sắp phát khùng nè”. “Biểu nó tới gặp tao!”. - Tư Nhân nói.
Không biết Tư Nhân bày vẽ cho con Út ra sao, nhưng nghe con nhỏ nói rất tự tin rằng sẽ cho thằng chồng vô tù vì tội lừa đảo và vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Rồi nghe đâu thằng chồng cũng chạy tới Tư Nhân nhờ cứu giúp. Rồi nghe tin vợ chồng con Út trở về với nhau. Tư Nhân làm cách gì, tụi tôi vô phương biết. Chỉ biết sau vụ đó, chả có tiền mua thêm một mẫu cao su nữa. Vợ tôi gom tiền bán mủ, mượn thêm nhạc phụ mớ tiền, cũng mua thêm một mẫu cao su mới trồng. Vậy là tôi với Tư Nhân đất đai chẳng ai hơn ai. Tôi ít qua lại chơi với chả. Với lại năm rồi, cán bộ nhân viên tòa án huyện ngày nào cũng lu bu cả chục vụ án kiện thưa của dân với doanh nghiệp vì tranh chấp đất, thời gian đâu mà nghỉ ngơi. Tư Nhân có ông già Lâm Khươl trông coi rẫy cao su cho nên cũng rảnh mà lo việc Nhà nước. Mới đây, gặp nhau trong quán cà phê, Tư Nhân trách tôi sớm quên bạn nhậu. Tôi cũng nói thiệt, nhậu hột vịt hoài như chả tôi chịu không thấu. Tư Nhân cười khó hiểu, rồi mời tôi chủ nhật tới đi nhậu đặc sản rừng một bữa. “Mi yên tâm! Tao đủ tiền đãi bạn. Nói cho mi hay, 10 mẫu cao su của tao cho mủ hết rồi!”. Tôi choáng, suýt lộn từ trên xe Honda xuống đất. “Mèng đéc ơi! Thằng chả là người hay là ma? Xạo!”. “Chả xạo chơi để giễu tôi chớ gì? Có ngon, nhậu xong đưa tôi đi hết mười mẫu đất coi”.
Vậy mà Tư Nhân chết mới đau chớ. Pháp y khám nghiệm tử thi, kết luận chả bị biến chứng não, nếu đưa đi cấp cứu kịp thời thì chưa chết. Chả ngồi trong xe hơi, ai biết mà cứu? Thôi! Cứ coi như cái số kiếp con người ta vậy. Tối nay tôi qua nhà Tư Nhân thắp cho chả nén nhang. Ông già Lâm Khươl về ít bữa coi nhà cho chủ. Rẫy cao su ông vừa mới bàn giao cho bên tòa án quản lý. Ông biểu, bữa cơ quan tới nhà lập biên bản kiểm kê tài sản, thấy trong tủ của Tư Nhân có ba sổ tiết kiệm, mỗi sổ 350 triệu đồng. Dưới tấm đệm chả nằm còn giấu hơn 400 triệu nữa, chắc tiền bán mủ chưa kịp gửi ngân hàng. Trong tủ còn 10 sổ đỏ, tương đương với 10 héc-ta đất trồng cao su. Tôi thấy mồ hôi chảy ướt sau lưng áo khi nghe những lời ông già kể lại. “Mèng đéc ơi! Tư Nhân ơi là Tư Nhân! Sao ông quá giỏi?”. Tôi nhìn tấm hình có bộ mặt quạu đeo của chả trên bàn thờ, cảm thấy mình mắc cỡ muốn chui xuống lỗ nẻ. Mà sao kỳ vậy cha? Một người có tỉ rưỡi tiền cao su như ông sao mà cực khổ như dân mần mướn. Ông già Lâm Khươl bảo tôi: “Còn mớ giấy tờ nữa, cậu Tư bỏ vô thùng đạn đại liên biểu tôi cất giùm, đừng đưa cho ai. Nay cậu mất rồi, chú coi là thứ gì, có cần nộp cho cơ quan không?”. Lệt sệt lôi cái thùng đạn đại liên của Mỹ dưới gầm giường ra, ông già mở nắp, đưa tôi quyển sổ úa vàng và xấp giấy tờ bỏ trong bọc ni lông. “Sổ sách chi vậy?”. Tôi thờ ơ hỏi. Ông già lắc đầu: “Tôi không biết coi cái chữ”. Đó là cuốn sổ nửa như nhật ký, nửa để ghi chép của Tư Nhân. Nét chữ của Tư Nhân thẳng thớm, rõ ràng, loại chữ của những người có học hành tử tế. Đọc mấy trang đầu, tôi bỗng lại bị chứng cứng hàm, á khẩu. Tôi muốn la lên với ông già Tà Mun: “Tư Nhân có vợ con!”, nhưng quai hàm cứng ngắc. Thì ra bao nhiêu năm nay chả giấu giếm tung tích vợ con vì sợ bị liên quan, sợ bị đuổi việc. Vợ chả có cái tên đặc Huế là Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Mai. Con gái lớn là Trần Ngọc Lan, con trai là Trần Đức Nghĩa. Cả ba hiện đang định cư bên Mỹ, cô con gái đã có chồng, còn cậu con trai theo học ngành Luật. Sở dĩ Tư Nhân giấu nhẹm vụ này, vì bà vợ là con gái một sĩ quan chế độ cũ. Chính viên trung tá đã bảo lãnh cho con gái và cháu ngoại sang Mỹ.
Lần đầu tiên tôi đề xuất họp “Xê 37” gấp. Món nhậu hôm nay tôi mang tới là thịt trâu nhúng mẻ. Tám Điền lại cười văng nước miếng: “Bộ muốn tụi tao sung như trâu hay sao mà thằng Hai lo món nầy. Bữa nay có vụ chi đây? Khao anh em vì mua được cao su nữa hả?”. “Thôi tụi bay ơi! Nói tới vụ làm giàu tao rầu muốn chết. Cha Tư Nhân hàng xóm của tao đó, nằm chết trên 10 mẫu cao su và tỉ rưỡi bạc kìa”. Cả đám lặng đi, hình như cùng cảm thấy cuộc sống này nhiều cái quý hơn tiền bạc. Tôi bảo với anh em: “Tư Nhân xa xứ vô đây, cũng cảnh lính tráng như anh em mình. Chả chết để lại một núi của, giờ tòa án huyện phải quản lý giúp, chờ thân nhân tới nhận. Tao biết vợ con chả ở đâu rồi. Anh em mình có cách chi gọi họ về thừa kế tài sản, chứ hổng lẽ giao cho Nhà nước?”. “Hổng được đâu! Lấy gì chứng minh là vợ con người ta. Lý lịch cán bộ ổng không khai có vợ con, giờ nhào vô hốt của đâu có được”. “Xì! Dễ ợt! Luật quy định có quyền nhận cha mẹ đó. Làm cái đơn rồi đi xét nghiệm a-đê-en là xong”. Tám Điền ngó về phía cuối: “Thằng nào có ý kiến hay vậy ta?”. “Dạ tôi! Trung ròm bên trinh sát đây!”. “Nhưng vợ con chả ở đâu thằng Hai?”. Tôi vội nói: “Bên Mỹ lận! Có cái địa chỉ toàn tiếng Mỹ tao đọc hổng được”. “Vậy kêu họ về đi! Mà nè. Thư gửi nước ngoài hao tiền dữ đó nghe mậy”. Vụ này tôi lo được. Mình cũng là chủ điền cao su chứ bộ, dù chỉ bằng một góc Tư Nhân.
Ly rượu chuyền tay từng người, từng người. Vòng một rồi vòng hai, rồi vòng thứ mấy không nhớ nổi. Một nỗi buồn trĩu đè xuống mâm nhậu. Ôi cuộc đời. Vay trả đến khi nào mới hết. Ly này tôi uống là để nhớ tới anh đây, Tư Nhân à!