Miệng gọi “chúc chúc”, tay bọ Quang vung nắm ngô vàng lấp lánh xuống sân. Đàn gà vàng, đen, đỏ, tía như đám cờ sặc sỡ chạy túa đến, tranh mổ lia lịa. Trong lều, một làn khói mỏng manh len qua mái tranh, uốn lượn bay lên. Vậy là cậu Khùng dậy rồi, nó đang nhóm lửa nấu nước. Đó! Bắt đầu ăn thuốc lào. Chiếc điếu cày lúc đầu còn rụt rè kêu hai tiếng một. Lách tách! Lách tách! Lách tách. Sau tiếng xì mạnh, sái thuốc văng khỏi nõ điếu, bắt đầu là chuỗi dài rít lên roen roét, thích thú. Bây giờ là lúc nó đờ người ra lơ mơ, hai tay bắt chuồn chuồn, đầu dựa vào chiếc cột gỗ bạch đàn, thở cả miệng lẫn mũi. Bọ Quang cười lụm cụm, nụ cười giãn cả khuôn mặt đầy nếp nhăn màu đồng hun. Bọ thương cậu Khùng hơn cả ruột thịt. Trời Phật chiều lòng bọ, suốt đời tưởng cô đơn không vợ con, năm 80 tuổi bỗng có cậu Khùng tìm đến làm bạn.
Hôm ấy đang hè, trời nắng. Mụ Phan nhà dưới Cồn Miếu tất tưởi dẫn theo một người đàn ông rách rưới, vai đeo nhẹ tênh chiếc ba lô lính bạc phếch, đến nhà lão Quang. “Bọ Quang ơi bọ Quang! Có người hỏi bọ nì!”. Đang nằm khểnh dưới hai gốc thông hóng chút gió, bọ Quang ngồi dậy chớp chớp đôi mắt mờ. “Ai rứa?”. “Tui không biết! Hắn cứ hỏi Rú Chuông. Người Bắc bọ nờ”. Lạ rứa hè! Hỏi chi không hỏi, cứ hỏi Rú Chuông. Người đàn ông mồ hôi nhễ nhại, ném chiếc ba lô xuống tấm vạt tre. “Đây là Rú Chuông phải không ông?”. “Ờ! Ờ! Mà chú hỏi ai?”. “Con hỏi Rú Chuông!”. Bọ Quang lắc đầu, quay sang hỏi mụ Phan: “Có giống cha thằng Bắc không?”. Mụ Phan lắc đầu. Năm nay 56 tuổi, mụ Phan không lấy chồng. O Phan sinh thằng Bắc năm 23 tuổi, khi đang là dân quân xã. Cấp trên kiểm điểm tội “chửa hoang”, o khai đó là con anh Thịnh, người miền Bắc. Cuối năm “bảy hai”, đơn vị Thịnh đi B có trú lại nhà cô một đêm. Mối tình choáng váng làm cả hai người không còn giữ gìn được nữa. Anh Thịnh hứa xong chiến dịch sẽ quay ra cưới Phan. Tới khi thằng Bắc ba tuổi, vẫn không thấy cha nó tìm về. O Phan thấy đoàn bộ đội, thương binh nào ra Bắc đi qua làng là bám theo đến hết tỉnh lộ 2, hỏi từng người một xem họ có biết anh Thịnh ra chưa. “Thịnh Vĩnh Phúc”, cái tên ấy ai biết được trong hàng trăm ngàn người lính ra trận. “Hy sinh rồi!”. “Bị thương ra Bắc rồi!”, thậm chí: “Nó chiêu hồi theo địch rồi em ơi!”. O Phan và bây giờ là mụ Phan không tin những gì mình nghe được. Mụ nhất định rằng Thịnh sẽ quay lại tìm hai mẹ con. Đến bây giờ, cứ có đàn ông lạ tìm đến làng là mụ Phan nhào ra đầu tiên, nhìn chăm chăm vào mặt mũi, đầu tóc người ta mà soi mói, tìm kiếm.
Mụ Phan dặn bọ Quang cho người đàn ông ăn cơm với, hắn đi đường xa chắc đói hung rồi. Còn người đàn ông, sau khi quẳng chiếc ba lô thì chạy vụt vô rú, luồn lách qua những hàng thông và bạch đàn, miệng gọi to: “Vũ ơi! Hạ ơi! Tiềm ơi! Chúng mày ở đâu?”. Bọ Quang chép miệng, nói với mụ Phan: “Tội nghiệp! Hay hắn khùng! Chắc tuổi cùng lứa với mi chứ chi. Ngày xưa chắc đi bộ đội, có qua đây”. Một lúc sau, người đàn ông quay lại, mặt đỏ bừng. “Ông nói thế nào chứ…! Đây không phải Rú Chuông. Rú Chuông ở đâu?”. Bọ Quang rót cho hắn bát nước chè tươi, nhẹ nhàng. “Đây là Rú Chuông đó em. Em đã tới Rú Chuông lần mô chưa?”. “Đơn vị con trú quân ở đó có một đêm. Đêm đó B-52 ném bom nhiều lắm!”. Bọ Quang cười buồn. “Làng ni, B-52 hắn đánh nát bấy mấy lần, còn chi. Vợ con lão cũng bị bom chết hết rồi!”. Sau này, khi đã ở lại Rú Chuông, cậu Khùng làm bọ ngạc nhiên vì trí nhớ của một người thần kinh không bình thường. Cuối tháng Chạp, bọ Quang làm mâm cơm cúng vợ con. Bọ kể cho cậu Khùng nghe cái đêm cuối năm kinh hoàng đó, B-52 hắn lẻn vô ném bom rải thảm. Làng này chết mấy chục người. Đang nghe, chợt cậu Khùng cất tiếng khẳng định: “Tám mươi người!”. “Cậu nghe ai nói rứa?”. “Con ở đó mà! Đơn vị phải giúp địa phương chôn cất cả đêm. Mờ sáng là hành quân luôn, có được ngủ nghê gì đâu!”.
Cậu Khùng thường cằn nhằn. Rú Chuông trước kia toàn những cây gì to lắm, cành lá xum xuê, chứ có loe hoe như bây giờ đâu. Bọ Quang gật đầu. Mấy chục năm trước, Rú Chuông rộng mênh mông, sừng sững toàn những cây huỵnh, cây táu cổ thụ. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, rừng Rú Chuông che giấu bộ đội chống càn. Một bên Cồn Miếu, một bên Cồn Tranh, cùng với Rú Chuông tạo thành cụm cao điểm chiến lược luôn bất ngờ chụp lửa xuống đầu giặc. Thời chống Mỹ, cứu nước Rú Chuông là nơi xe tải, bộ binh ta từ Bắc vào Nam trú ẩn, tránh máy bay địch, cũng là trạm giao liên quan trọng của các đơn vị từ phía Bắc vô, nghỉ ngơi một đêm rồi hành quân theo hai ngả chiến trường. Sau hòa bình, phần rừng rú bị bom đạn tàn phá xơ xác, phần bị người ta khai thác hết cây to, Rú Chuông đâu còn như ngày xưa. Mới đây, địa phương mới tổ chức trồng lại một số vạt thông, bạch đàn. Bọ Quang nhận trông coi Rú Chuông, phải gắng lắm mới giữ cho cây khỏi bị chặt trộm. Cậu Khùng run run cầm chiếc điếu cày. Lách tách! Lách tách, rồi rít lên như giận dữ: “Thảo nào con tìm mãi không ra chúng nó!”. Đêm ấy, bọ Quang mộng mị gần sáng mới chợp mắt. Bọ nghe rõ ràng tiếng chân rậm rịch, tiếng thì thào cố nén. Cả vùng Rú Chuông rì rào, rì rào như sắp có cơn mưa. Mấy chục năm trước, đêm nào cũng vậy, cũng những âm thanh ấy. Đó là lúc các đơn vị bộ đội chuẩn bị hành quân, sau một đêm ngủ lại Rú Chuông.
Lúc trời sáng hẳn, không thấy bếp lửa cháy tí tách như mọi ngày, bọ bước xuống phản ngó sang bộ vạt tre cậu Khùng nằm, thấy trống trơn. Nó đi mô sớm rứa? Bọ bước ra bãi đất trống được hai người cuốc lên trồng sắn. Đất lổn nhổn dưới chân, khô khốc. Những mầm sắn nhu nhú vừa đội đất, xanh nhợt nhạt. Hắn đi mần cỏ sớm dữ hè. “Khùng ơi! Mi ở mô? Khùng ơi! Cái thằng… lạ rứa”. Nhìn về phía khu mộ liệt sĩ trắng vôi đằng xa, đôi mắt mờ của lão hình như thấy nhòe nhoẹt một chấm đen phủ phục. Trời ơi! Có phải cậu Khùng! Lão chạy tấp tểnh, thở đứt quãng. Đằng ấy là khu mộ liệt sĩ vô danh. Hắn tìm ai? Cậu Khùng ngái ngủ, ngơ ngác mở mắt nhìn bọ Quang, hai tay vẫn ôm một ngôi mộ: “Bọ đi tìm con à?”. “Chớ tìm ai? Răng lại ngủ ngoài ni?”. “Đêm qua, con thấy thằng Vũ với thằng Hạ, thằng Tiềm đến tìm. Chúng nó rủ con về nhà chơi, còn mang lương khô 702 và thịt hộp ra liên hoan. Tối quá, con ngủ lại nhà chúng nó luôn”. Trưa đó, bọ Quang mua một túi thanh long mang ra ngôi mộ mà cậu Khùng ôm ngủ hồi đêm, thắp hương cho tất cả bảy chục ngôi mộ. “Anh em linh thiêng, về chỉ lối đưa đường cho người thân tới nhận hài cốt mang về quê!”. Lão bật khóc hù hụ. Ước chi lão có phép thần, để biết được tên tuổi những người nằm dưới mộ kia.
Cậu Khùng bị cảm, sốt hầm hập. Bỏ buổi làm cỏ sắn, bọ Quang vô rú tìm lá nấu nồi nước xông. Mụ Phan chạy tới. Không hiểu cách răng biết tin nhanh rứa. “Có mấy cái trứng gà, để tui nấu cho cậu Khùng nồi cháo giải cảm. Vườn bọ còn tía tô chớ!”. Cậu Khùng nằm li bì, tai vẫn nghe bùng nhùng tiếng hai người trao đổi. Kể cũng lạ. Cậu gắn bó với bọ Quang mấy năm nay, đương nhiên được coi như người nhà, vậy mà không ai hỏi được cậu người tỉnh nào. Hỏi quê quán, cậu chỉ nói: “Ngoài Bắc! Vào tìm mấy thằng bạn”. Có điều lạ là cậu dò dẫm đi hỏi khắp người già trong vùng, xem cây huỵnh nó như thế nào. Ở đâu có cây huỵnh con, cậu bứng về trồng trong Rú Chuông. Số cây huỵnh được trồng có đến hàng trăm rồi, đang lấn mất một phần diện tích đất trồng sắn của bọ Quang, nhưng lão không nói chi, chỉ cười thích thú. Cậu Khùng thường lảm nhảm với bọ. “Trồng lại rừng huỵnh như xưa, nhất định con tìm thấy ba thằng bạn!”.
Mụ Phan tất tưởi chạy vô rú, tay le te chiếc nón lá rách. Bọ Quang đang chăm đàn gà. Trong nhà vang lên tiếng điếu cày roen roét. “Bọ Quang! Bọ Quang! Nguy hung rồi”. “Chi rứa?”. “Ngoài xã đang họp bàn cho người ta đấu thầu Rú Chuông để trồng rừng mới”. “Họ đấu thầu thì tau cũng đấu, sợ chi hè…?”. Cậu Khùng thò cổ trong lều nhìn ra, hai mắt mở to. Mụ Quang thở hí hóp. “Biết rứa! Nhưng bọ lấy tiền mô mà thầu?”. Bọ Quang ngắc ngứ nhìn cậu Khùng, như muốn hỏi có đúng rứa không? Răng đấu thầu mà lại phải trả tiền? Cậu Khùng vội bước ra sân, vẻ mặt lo lắng. Lần thứ hai cậu nói như một người tỉnh táo. “Đúng đó bọ ạ! Đấu thầu là phải nộp tiền hàng năm cho địa phương. Ai bỏ thầu cao hơn thì được nhận thầu”.
Chiều, bọ Quang và cậu Khùng đi bộ bảy cây số xuống ủy ban xã. Anh Hùng cán bộ địa chính niềm nở mời hai người uống nước. “Lâu ni bọ có khỏe không? Hai người trồng được nhiều sắn lắm hỉ?”. Bọ Quang hỏi ngay: “Nghe nói xã sắp lấy đất Rú Chuông trồng rừng mới?”. Anh Hùng cười tươi rói: “Dạ! Cũng tính bữa mô vô thăm bọ, thông báo chuyện nớ. Bọ đừng lo. Tụi con sẽ cắt cho bọ miếng đất thổ cư gần đó”. Cậu Khùng đỏ mặt: “Bọ muốn trồng lại rừng huỵnh. Không muốn trồng cây khác anh ạ!”. Anh Hùng không buồn nhìn tới cậu Khùng. Đồ khùng biết chi. Địa phương cho ở lại là tốt lắm rồi. Anh thân mật vỗ vai bọ Quang. “Chủ trương của địa phương rứa bọ ơi. Thông cảm cho tụi con hỉ!”. Chợt anh cười, nói vui: “Hay bọ cũng tham gia đấu thầu. Biết đâu...!”. “Tui đăng ký!”. Bọ Quang nói, rồi dắt tay cậu Khùng về.
Bực bội thì nói vậy, chứ tiền mô mà đấu thầu. Trong bụng bọ Quang rối bời như cái đêm làng bị B-52 ném bom. Dù sao cậu Khùng cũng động viên bọ bằng câu nói như dao chém đá: “Đấu thầu thì đấu thầu, sợ quái gì!”. Nói rồi lăn ra ngủ. Mụ Phan lập lòe đèn pin tới hỏi thăm. “Làm răng đây bọ? Rời rú ra ngoài tê, lấy gì bọ với cậu Khùng nuôi nhau?”. Bọ Quang bó gối nhìn lên bầu trời le lói ánh sao. “Tau cũng mạnh mồm nói rứa. Nói cho vui chớ tiền mô!”. Mụ Phan ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quả quyết. “Nếu căng quá. Con đón bọ với cậu Khùng về ở chung bên nớ cho vui. Thằng Bắc làm công nhân trong Đà Nẵng, cả năm mới về một lần”.
Mụ Phan ra xã nghe ngóng. Hình như tiền nộp đấu thầu cả hai chục triệu. Rồi trong 20 năm, mỗi năm phải nộp 5 triệu nữa. “Hay mình bán con bò cho bọ Quang vay tiền? Nhưng tiền bán bò chắc chỉ hơn mười triệu, chỗ tiền thiếu tính răng?”. Đang buồn rầu vì chuyện tiền đấu thầu, mụ Phan hoảng hồn khi nghe bọ Quang thông báo, cậu Khùng bỏ đi đâu mất từ hai ngày nay. Mụ Phan khóc thầm: “Ai bảo là cậu nớ khùng. Khôn ngoan nên mới bỏ đi. Tại mình không nói sớm với họ là sẽ đón hai người về bên ni. “Để con đi tìm xem cậu ấy đi mô!” - Mụ Phan nói với bọ Quang, xăm xăm dắt chiếc xe đạp cũ ra. “Thôi mụ nờ! Chắc hắn buồn bỏ đi mô đó vài bữa lại về. Tìm kiếm chi mất công”.
Xã gửi giấy mời bọ Quang tới tham dự buổi đấu thầu Rú Chuông. Mụ Phan đòi bán con bò. Bọ Quang nhất định không chịu, ngồi thở dài. “Thôi mi nờ! Để mà lo mai tê cưới vợ cho thằng Bắc. Thiệt lòng, cậu Khùng bỏ đi rồi tau cũng nỏ cần chi nữa. Chỉ tiếc mấy trăm cây huỵnh nó trồng, đã cao ngang đầu rồi”. Đêm chuyển gió, trời tưởng mưa ngay mà mây dần tản đi. Mụ Phan ảo não ra về, cái bóng nghiêng ngả lối mòn.
“Bọ ơi! Còn cơm không cho con ăn với?”. Bọ Quang vùng nhổm dậy. Tiếng cậu Khùng. Nó về rồi! Nó về rồi! Cậu Khùng chẳng đợi người mở cửa, xô tấm liếp che ra một bên, bước vô nhà. Bọ Quang ôm chầm lấy cậu, giọng nghẹn ngào: “Con đi mô mấy bữa ni? Tưởng bỏ tau rồi chứ!”. Cậu Khùng giơ hai tay đưa chiếc ba lô lính bạc phếch cho bọ Quang. “Bọ cất đi! Tiền đấu thầu đấy! Cậu cúi xuống gầm phản tìm chiếc điếu cày. Tiếng điếu rít lên giòn giã trong căn lều trống. “Bọ đừng nhìn con như thế! Không phải tiền ăn trộm đâu mà sợ. Tiền trợ cấp thương binh từ lâu lắm con vẫn gửi người ta. Gần năm mươi triệu bọ ạ! Họ đấu thầu thì mình cũng đấu. Sợ gì!”. Mụ Phan đến từ lúc nào, ngồi phệt trước cửa. “Mừng hung! Nhận đi bọ! Mai mốt bọ già, đã có con với... anh Khùng chăm sóc. Bọ cho anh Khùng làm cha thằng Bắc nghe bọ!”.