Bốn giờ sáng, Huệ khều khều nách chồng: “Dậy cưng! Chụm lẹ cái bếp lò. Má đang ho kìa!”. Phòng trong, tiếng ho của bà Mười khúc khắc, thúc giục. Đực xoãi tay chân, ngáp. Mệt không muốn dậy. Vụ dậy trễ là tại bà xã nghen. Con thì ai không ham, nhưng phải từ từ chớ. Mới cưới hơn năm, gấp gì? Một đêm dồn ba trận, trâu cũng oải nữa chớ người ta.
Mọi bữa, ba giờ sáng là vợ chồng đã dậy, người chụm củi nồi nước lèo, người chạy xe ra nhà lồng chợ lấy thịt, chuẩn bị bán hủ tíu. Khoảng bốn giờ, đám làm công bốc vác dưới bến kéo lên ăn uống, nổ như bắp rang, toàn chuyện đàn bà. Khu phố thức giấc, bắt đầu từ quán hủ tíu, lấn qua cà phê Tú mập, sang vựa rau Năm Hùng, cuối cùng tới quán tạp hóa ông giáo về hưu, vừa đúng sáu giờ. Sự thức giấc quay trở lại nhà bà Mười. Út Lan không thể nằm nướng thêm chút nào nữa. Tiếng bà Mười gắt gỏng: “Đồ con gái hư! Mặt trời xỏ lỗ tai hổng thèm dậy. Mai mốt thằng nào thèm cưới mới lạ”. Út Lan uể oải ngồi dậy, uể oải bước vô toalet, uể oải ôm cặp bước ra khỏi cửa. “Ăn tô hủ tíu rồi đi học nghen Út?”. “Khỏi! Hủ tíu hoài, ngán muốn chết”. Qua chỗ chị bán hàng, cô chu mỏ: “Bà già trù tôi ế chồng hoài. Chờ đó! Mai mốt tôi cưới thằng Việt kiều cho coi!”. Khách trong quán cười rần rần: “Đúng đó cô Út! Khi nào đám cưới nhớ mời hết tụi nầy nghen”.
Ngoài kia, đã lao xao tiếng người: “Út Đực đâu gồi? Hồi khuya “sập hầm” sao mà trễ vậy?”. Tiếng Huệ giả lả: “Đâu có! Mấy chú, mấy anh ngồi uống nước chờ chút đi. Có hủ tíu liền hà!”. Gần hai năm lên phố ở rể, Đực không quen nổi nếp sống thức khuya, dậy sớm. Dưới quê, đi làm về là nhào ra sau nhà, tắm mát. Ăn cơm xong lúc sáu giờ chiều, coi truyền hình tới tám giờ tối, vô mùng ngủ thẳng giấc tới sáu giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, chỉ khi nào mùa vụ gấp quá mới làm trễ tới bảy giờ tối hoặc thức giấc lúc bốn, năm giờ sáng. Ở đây, thức dậy đúng giờ, nhưng đi nghỉ không có giờ. Bữa nào bán hết sớm, cũng bảy, tám giờ tối. Bữa nào ế, cù cưa cù nhằng tới nửa đêm, không theo quy luật, nên Đực luôn đói ngủ.
Năm đó, đò ghe rình rang rước dâu từ Cần Thơ về Long Phú. Đám cưới xong, ba ngày sau hai vợ chồng Út Đực lại tay xách nách mang đồ đạc, quà mừng từ Long Phú về Cần Thơ. Hai Huệ còn chưa kịp nhớ mặt bốn người anh chị bên chồng. Ai cũng mừng cho chú rể thoát cảnh tối ngày chân tay, mặt mũi sình bám. Đừng có nói “chó chui gầm chạn” nghen. Ở rể có cái hay của ở rể. Má chồng nàng dâu không có cơ hội mà gầm ghè nhau. Lúc đầu nghe bà nhạc nói với ba má, rằng: “Ông nhà tui mất sớm. Nhà mấy má con đều đàn bà. Anh chị sui có thương thì cho thằng Út gởi rể, nếu không được...”. Ba má chịu liền. Nhà năm đứa con, hai con chị theo chồng không tính, chớ ba thằng đực rựa, lo cưới vợ, cất nhà cho tụi nó, muốn khùng. Đực tính thầm trong bụng, nếu ba má không cho ở rể, nó cũng theo vợ, vì thương Huệ dữ lắm. Duyên nợ từ kiếp nào, chớ khi không người ở phố, người cù lao làm sao gặp nhau mà nên vợ chồng?
Huệ học lớp mười, đúng năm ba bị bệnh ung thư bao tử, mất. Bà Mười buồn khóc cả tháng, làm cô con gái lớn phải nghỉ học ở nhà chăm má. Ngôi nhà vắng hoe, tầng trên có phòng của ông Mười, ít bước chân lai vãng. Không phải vợ con tệ bạc gì với ông, mà mỗi khi bước lên lầu là đau nhói trong lòng vì thương nhớ, cứ như là nghe tiếng ông cười rổn rảng bên chậu hoa giấy ngoài lan can. Ba người túm núm dưới tầng trệt, cũng là nơi bán hủ tíu. “Học nhiêu đó được rồi con Hai! Nhiều chữ rồi cũng đi lấy chồng. Ráng phụ má giữ tiệm hủ tíu, nó nuôi cả nhà đó, chớ ba mày lái xe tải, cất được cái nhà rồi bỏ đi sớm”. Lo đám tang cho ba xong, Huệ theo má về quê ngoại bên Phụng Hiệp, cô nói muốn đi chợ nổi. Chiếc xuồng ba lá róc rách sóng vỗ, mái dầm khỏa nước chầm chậm, len lỏi giữa rừng xuồng, ghe ken sin sít, ồn ào tiếng người, lan tỏa mùi bông, trái, bánh mứt... Cả khúc sông rực rỡ như vườn hoa trăm màu sắc. Mỗi xuồng, ghe lắc lư cây bẹo, cột lúc lỉu các sản vật. Khóm, chuối, xoài, chôm chôm, rau xanh, bầu bí, tỏi, ớt... giá bán một chục mười bốn, mặc sức lựa. Huệ ngắm nghía một hồi, chỉ chiếc xuồng kế bờ. “Kỳ vậy má?”. “Con nói gì?”. “Chiếc xuồng kìa! Trên ngọn cây cột chùm bông gì vậy?”. Cô gái lách qua những thân ghe, níu tay kéo xuồng về phía cây bẹo có chùm bông trắng sữa. Bà Mười bảo: “Bông so đũa! Từ hồi nào tới mới thấy có người dựng cây bẹo bán thứ này”. Chàng trai ngồi trên xuồng, ở trần, ngực nở thành múi, căng làn da nâu, mặt chữ điền tươi rói, pha chút ngờ nghệch. Ngày trẻ bà Mười cũng từng đi hái bông so đũa về nấu canh chua cá lóc, cá ngát, nhưng hái tới hai cần xé như cậu da nâu này thì chưa. “Dì với em có mua không? Sáng giờ tui bán được có mấy ký hà!”. Hai Huệ kéo đuôi tóc dài ra trước ngực. “Nhiều bông so đũa vậy, hái lâu mau anh Hai?”. “Tui thứ út, tên Đực, ở dưới An Thạnh Ba lận. Nghe nói chợ nổi Phụng Hiệp vui lắm, nên hái bậy mớ so đũa đem theo chớ buôn bán gì đâu. Trèo hái cũng hết cả buổi!”. Chàng nông dân ngó trân trân vô mặt Huệ, buông một câu: “Cô Hai đẹp dã man luôn!”. Trời đất! Ông nầy có khùng? Nói “đẹp dữ dằn” là dữ lắm rồi, còn khen con người ta “đẹp dã man” là sao? Nhìn Hai Huệ, da trắng, tóc dài, mắt xanh hồ nước, thân cong gợi qua bộ bà ba đen, rất nhiều ánh mắt nhìn theo thán phục, nhưng khen như chàng nông dân này thì có một. Mặt Huệ thoáng đỏ hườm vì chút mắc cỡ lẫn bực bội, cô mím môi: “Nịnh... thấy ghét!”. Cô ngợp trước tấm thân nâu bóng, cuồn cuộn sức lực đàn ông. “Hết hai cần xé này nhiêu?” - Cô hỏi sẵng. Út Đực gãi đầu: “Cô Hai tính mua mão hả?”. “Ừa! Mua hết luôn!”. Bà già ngạc nhiên nhìn con gái. Huệ cười giòn: “Mua hết luôn! Về muối để dành nấu canh chua dần”. Cô nhón một vốc bông so đũa đưa lên ngắm, cánh hoa trắng ngần, lấp ló mấy cái vòi cong đội phấn vàng. Út Đực ngẩn ngơ nhìn màu bông trắng nhòa trong năm ngón tay thon. “Trả tui hai chục ngàn được rồi!”. “Mèng đéc ơi! Bộ cậu nói chơi hả?”. Bà già la lên, làm mấy ánh mắt từ xuồng ghe khác đổ dồn qua. “Tui nói thiệt mà. Lấy đủ tiền đổ xăng chạy ko-le về thôi. Tui không có mang theo nhiều tiền”. Trong lúc chuyển hai cần xé qua xuồng khách, Út Đực như bị á khẩu, vậy mà còn kịp hỏi Hai Huệ nhà ở đâu, mua bông so đũa làm gì. Khi biết nhà cô cách bến Ninh Kiều không xa, chàng nông dân hăm hở: “Bữa nào quởn, tui chở lên tới Ninh Kiều bán cho cô Hai luôn”. Luýnh quýnh cầm tờ bạc năm chục ngàn, anh nói: “Cô đưa tui hai chục đi... không có tiền thối lại”. “Anh cầm luôn uống cà phê, bỏ bụng tô hủ tíu đi. Từ đây về Long Phú coi chừng đói. Lúc nào có bông so đũa, cứ mang tới tui nghen”.
Nói chơi cho vui, ai dè tháng sau Út Đực có mặt tại quán hủ tíu của Hai Huệ. Bữa đó, cô đang chạy bàn cho má đứng bếp, bỗng một chàng hai lúa đặc sệt, áo sơ mi sọc còn nguyên nếp gấp, bỡ ngỡ bước vô. “Dạ mời anh ngồi. Anh dùng hủ tíu xương hay hủ tíu giò?”. “Dà! Tui hỏi quán hủ tíu... Ủa! Là cô Hai đây mà! Tui kiếm muốn chết luôn”. Chừng tiếng đồng hồ sau, chàng hai lúa quay lại trên chiếc xe lôi chở kềnh càng hai cần xé bông so đũa. Bà Mười kêu trời: “Con Hai mày lạ thiệt. Nói giỡn chi ác nhơn, bắt tội con người ta chở bông so đũa từ Long Phú tới đây”. Sau phút đứng lặng người, Huệ mỉm cười. “Con nói thiệt chớ giỡn hồi nào”. Rồi cô quay qua, biểu Đực: “Mang vô sau bếp luôn cho em đi anh Út”. Trong đời trai của mình, Út Đực coi câu nói đó chính là lời tỏ tình đầu tiên.
Đực vặn mình răng rắc, ngồi xuống ghế nghỉ một lát. Chạy luôn chân từ bốn giờ tới tám giờ sáng, đã thấy tưng tức bắp vế, mỏi nhừ sau gáy. Huệ đặt trước mặt chồng tô hủ tíu có ngọn: “Ăn đi cưng! Chút em kêu cà phê cho”. Đực lơ đãng cầm đũa, bảo vợ: “Bữa nào nghỉ bán, về thăm ba má đi em. Lâu quá!”. Lại có khách vô quán. Huệ hất cằm ra hiệu cho chồng, rồi mang vội chiếc bao tay ni lông mỏng, bốc hủ tíu bỏ vô vợt trụng. Ba cô gái tóc vàng, nâu, mới ngồi xuống là lên cơn tám: “Mẹ! Cái thằng bụng bự chơi hổng đẹp. Tao đóng mộc vô mặt nó rồi, mai mốt có gặp, tụi bây đừng thèm tiếp nghen”. “Thôi đi bà! Bà có tử tế gì đâu mà rên hoài. Nguyên con “nó-kìa” của chả cũng mấy triệu bạc rồi”. “Ai biểu nó ngu... Trời ơi! Làm chi vậy ông?” - Tiếng cô gái la lảnh lót cùng một tiếng “choang” nhức nhối, nước nóng văng tùm lum. Cô mập tóc vàng vội lấy khăn giấy lau đôi giày cho cô ốm tóc nâu. Đực chết trân nhìn khách. Huệ nhào ra, kéo khăn ướt đưa cho cô gái: “Xin lỗi mấy cô. Tại ông xã tui ổng mệt quá, nên lỡ tay. Có sao không cô?”. Một cái mỏ đỏ chu ra, nhọn hoắt. “Hên đó nghen! Bữa nay ổng luộc tụi tui, đền sập tiệm”.
Tối, khi mọi việc xong xuôi, hai vợ chồng lên giường. Huệ quay qua ôm đầu chồng, ghì vô ngực mình: “Bữa nay chồng sao vậy? Giận em hả?”. Đực thấy cay con mắt. “Anh nhớ má... Nhớ chị Năm nữa, hổng biết chị hết bịnh đau ngực chưa”. “Thôi ngủ đi cưng! Em biết rồi. Bán hết ngày mai, ngày mốt thứ bảy Út Lan được nghỉ, nhờ nó với má coi giùm, mình thu xếp về bển hai ngày. Hén!”. Đực dụi dụi đầu, im lặng. Lát sau, tiếng ngáy nghèn nghẹn vang lên, lẫn trong tiếng thở dài nhẹ.
Út Lan làm cả nhà choáng váng. Thấy em học xong lớp mười hai, Huệ hỏi nó thi vô trường đại học nào? Con nhỏ tuyên bố xanh rờn: “Học chi cho mệt! Cuối năm nay tui đám cưới!”. Bà Mười cười rổn rảng: “Nói xàm hoài. Mầy ngon cưới đi, tao cho ba cây vàng làm của hồi môn nè. Mà nói trước, lấy con gái tui phải gởi rể đó cô”. “Ô kê! Để tuần sau con kêu nó tới”. Chủ nhật, Út Lan sửa soạn đồ đẹp, quần Jean áo thun hở ngực, giày ba-ta, tay lăm lăm điện thoại đứng trước nhà. Lúc lại thấy nó mở máy, nhăn nhó chỉ đường. Tới mười giờ mà khách vẫn chưa tới, nhỏ nổi quạu, la um sùm: “Trời ơi! Không rành thì kêu taxi nó chở tới. Hỏi hoài!”. Cúp máy xong, nhỏ chửi: “Đúng là ngu như... Việt kiều”. Huệ đang tranh thủ rửa chén đũa, nghe vậy thì mừng: “Mầy cưới Việt kiều thiệt hả Út?”. Cô em nghinh mặt: “Thiệt chớ giỡn hả! Tui đã nói từ hồi nẳm lận mà. Cho má bả biết, con Út nầy đâu phải đồ cùi bắp”. “Nó Việt kiều nước nào?” - Huệ tò mò. “Hổng biết! Tên Tô-ni Hùng, đang mở công ty trên Sài Gòn. Hồi hè xuống Cần Thơ, gặp tụi tui đi píc-níc, thấy bản cô nương đây, thằng chả chết ngắc luôn”. Bà Mười bận bộ đồ lụa màu mỡ gà mới ngồi lặng phắc trên ghế xa lông, ánh mắt nửa mừng, nửa lo. Lát sau, chiếc xe Honda ôm thắng kít trước nhà. Thằng Việt kiều quần trắng, áo chim cò khệnh khạng bước xuống, trả tiền xe xong còn “thanh-kiu!”. “Ô! Em iu! Anh đến trễ. So-ry! So-ry!”. Thằng này già ngắc, chắc phải hơn bốn mươi tuổi. Nó ôm hôn nhỏ Út trước mặt Huệ, khinh khỉnh bước qua thau chén dơ, nhanh nhẹn tới trước mặt bà Mười, cúi đầu: “Con chào má!”. Hai Huệ giận sặc máu. Chưa làm rể, bày đặt chào má. Xạo!
Bà Mười gật gật đầu, rồi tiến hành cuộc “lấy cung” thằng rể tương lai, những điều bà sắp đặt suốt đêm qua. “Ờ ờ! Cháu tuổi con gì? Tía má còn hông? Làm việc chỗ nào, lương được bao nhiêu? Quen con Út nhà qua hồi nào? Tới Việt Nam mần việc rồi về nước, hay ở lại luôn?”. Thằng kia há miệng ú ớ. Út Lan tròn mắt, ghé tai má, rin rít: “Trời ơi! Bộ má là cán bộ hải quan hả? Nó chưa rành tiếng Việt, hỏi vậy ông cố nội nó cũng bó tay. Muốn gì, hỏi con nè”. Cuối cùng, những thông tin cần thiết của Tô-ni Hùng được thông qua miệng Út Lan. Thằng kia thở phào, mặt rạng rỡ, luôn miệng: “Ô-kê! Thanh-kiu!”. Sau cùng, nó hỏi Út Lan: “Chị Hai đâu?”. “Bả ngồi rửa chén đó!”. Tô-ni Hùng sải ba bước chân dài, tới bên Huệ, cúi đầu: “Chào chị Hai! So-ry”. Huệ liếc xéo, nhìn cọng dây chuyền to bằng sợi xích trên cổ thằng kia, miệng ừ hử: “Tưởng tui là ô-sin nhà nầy chớ gì! Xí”.
Đám hỏi, đám cưới làm ào ào, trong vòng một tuần. Thằng Việt kiều chịu gởi rể. Nó nói chỉ chịu gởi rể thôi, chớ không ở rể được vì còn phải chạy qua, chạy lại hai nước. Tiệc cưới đặt ở nhà hàng, đúng hai mâm. Bà Mười muốn mời bà con nội ngoại dưới quê lên dự cưới, thằng rể gạt đi: “Không nên làm phiền mọi người. Con còn ở đây, má cứ nhắn họ hàng lên chơi, con tặng quà sau”. Tài sản chỉ có cái nhà. Bà Mười chia cho vợ chồng Hai Huệ tầng trệt, vừa ở, vừa bán hủ tíu. Tầng lầu là của vợ chồng Út Lan. Bà lựa một phòng nhỏ gần toa-lét: “Tao già rồi, nằm đây đêm đi tiểu cho tiện”.
Sau tuần trăng mật ngoài Vũng Tàu, vợ chồng Út Lan hớn hở về lại Cần Thơ, da rám nắng, mặt ngời hạnh phúc. Tối, Út Lan ngồi ôm lưng má, thỏ thẻ: “Má! Chồng con ảnh tính đem văn phòng công ty về đây. Thành phố trực thuộc Trung ương rồi, nhiều cơ hội làm ăn lắm. Ảnh có công ty phát triển nguồn nhân lực, muốn về đây mở rộng địa bàn...”. Bà Mười nghe nói thằng rể có công ty riêng, mừng trong bụng. “Thì tầng lầu má chia cho tụi bay đó, làm gì đó thì làm”. Út Lan ngúng nguẩy, dài giọng: “Hổng... có... được! Bên dưới chị Hai bán hủ tíu, bên trên lập văn phòng, rồi... cán bộ, nhân viên, khách hàng làm sao đi lại?”. “Vậy làm sao? Hổng lẽ nói chị Hai bây chuyển nồi nước lèo lên tầng lầu, tụi bay mở văn phòng bên dưới. Mắc cười!”. “Giờ vầy nè! Má biểu vợ chồng chị Hai cho tụi con thuê lại tầng trệt, mỗi tháng chồng con trả hai triệu. Rồi chỉ kiếm chỗ khác mở quán hủ tíu được hông?”. Bà Mười nói để suy nghĩ thêm. Bữa sau Út Lan lại hối thúc, bà đem sự việc nói lại với vợ chồng Huệ: “Em nó muốn vậy, các con tính sao? Cũng như là giúp vợ chồng nó vậy mà. Có công ty của nó ở đây, nhà mình cũng đẹp mặt với hàng phố”. Đực mừng ra mặt. Hay mình về quê, mở quán hủ tíu đi em. Huệ im lặng đúng ba ngày. Ngày thứ tư, cô kêu chồng tới ngồi đối diện: “Em tìm kiếm mấy bữa nay, biết một ông già muốn sang lại tiệm mì Quảng gần bến đò qua cồn Ấu, giá mười triệu đồng”. “Xa nhà quá, xuống tận Cái Răng. Rồi tiền đâu sang tiệm?”. Huệ thò tay qua, nhéo má chồng: “Khờ quá đi! Vốn liếng nhà mình mấy cây vàng lận. Giờ để em nói dượng út nó trả trước nửa năm tiền thuê nhà là ổn. Yên tâm đi ông xã. Từ đó chạy xe Honda về má mấy hồi”. “Còn má tính sao?”. “Thì má ở nhà chứ đi đâu! Mai mốt, tụi nó không chăm được má, mình rước bả về dưới”.
Trời thương vợ chồng Hai Huệ. Tiệm hủ tíu mới mở đã đông khách. Cũng có nhiều khách quen từ trên Ninh Kiều qua cồn Ấu, thấy mối ruột thì ghé vô, vồn vã thân thiết như người nhà. Út Đực xuống đây, thoát cảnh phố phường, gặp sông nước như gặp lại quê nhà. Thấy mấy ông bợm nhậu một lần kêu than: “Sao không làm thêm nồi cháo cá lóc rau đắng đi Út Đực, cho tụi tao có ba hột chữa lửa chớ”. Út Đực vui miệng kể với vợ: “Mình chạy hủ tíu muốn sụm bà chè, mấy chả còn xúi nấu cháo cá lóc rau đắng. Ai rảnh”. Huệ nhìn chồng: “Thêm món đó cũng có lý đó ông xã”. Đực nhăn như khỉ ăn ớt: “Bán hủ tíu thôi, chạy muốn hết hơi. Giờ thêm cháo nữa, chắc xỉu”. “Thì mướn thêm người. Để em lo”. Tuần lễ, mười ngày, Huệ mới điện cho má một lần, lần nào cũng: “Má khỏe không? Vợ chồng Út Lan sao rồi?”. Những lần đầu, nghe bà Mười khoe: “Con Út làm ăn khá. Thấy đông khách quá trời. Toàn xe hơi tới không hà. Má khỏe. Thì rảnh việc thu dọn văn phòng phụ tụi nó vậy mà”. Mấy tháng sau, giọng bà lo lắng: “Thằng Tô nói cần vốn làm ăn, hỏi mượn má sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Tại con Út khóc hoài, má chịu rồi. Nó vay bạc tỉ con ơi. Tao lo muốn chết”. Huệ trấn an: “Không sao đâu má. Lập công ty, vốn cần hàng chục tỉ chớ bộ. Lúc nào có vốn nó trả lại chớ gì. Nhưng mà con Út qua mặt vợ chồng con vậy là không được. Nhà đó của con một nửa mà”. Bà Mười sụt sịt: “Tại má con ơi! Má xin lỗi!”.
Mấy bữa rày, Huệ than mệt. Buổi tối đang rửa chén, bỗng ngồi sụp ôm bụng mắc ói. Hôm sau, ráng bò dậy chụm lửa mà không được, cô bảo chồng: “Ông xã gọi điện kêu má xuống phụ. Em bịnh rồi”. Bà Mười chửi con rể: “Thằng cù lần, ngu quá đi. Vợ mầy có bầu, chớ gì mà quýnh lên vậy. Mai mốt vợ chồng con Út về, má xuống liền”. Cả tuần không thấy má tới, Huệ thấy người còn choáng váng, nhưng vẫn đứng bán hàng. Đực giành hết những việc lấy củi, rửa chén, lúc vắng khách thì chạy lại đứng đấm lưng, bóp vai cho vợ. Huệ cười rạng rỡ: “Nịnh thấy... ghét!”. “Ủa! Câu nầy mình có nghe ở đâu rồi ta?”. Đực đứng ngẩn ngơ. Chiều, trời vần vũ cơn mưa lớn, gió giật ù ù, bẻ gãy ngọn ô môi sau nhà, Huệ dẹp tiệm, nghỉ. Bà Mười gọi điện tới, lập cập kêu trong mưa gió: “Làm sao bây giờ Hai ơi! Người ta kéo tới kiếm thằng Tô rần rần. Má gọi điện cho con Út, nó bảo từ từ về giải quyết, giờ còn đang bận hội nghị ở Sinh”. “Nó xạo má đó! Ở nước ngoài làm sao nghe điện thoại. Để con về coi sao”. Vừa tới, vợ chồng Huệ đụng ngay cả đống xe máy, xe du lịch đậu trước nhà. Cửa khóa im ỉm, chắc má trốn bên trong. Tội nghiệp bà già không chớ! Cả chục mạng đàn ông, đàn bà trong quán cà phê Tú mập nhào ra, níu áo Huệ: “Cô Hai! Thằng rể Việt kiều nhà cô đâu rồi? Nó lừa tụi tui, làm hợp đồng đưa người đi lao động nước ngoài, thu hàng trăm ngàn đô rồi lặn mất tăm”. Huệ tá hỏa. Thằng nầy Việt kiều dỏm rồi: “Bà con cô bác ráng chờ họ về đi. Vợ chồng tui đâu có rành vụ nầy”. Tiếng người nhao nhao: “Thì cô cũng phải biết nó ở đâu chớ, chỉ giùm đi. Nó lên trời tui lôi xuống đất, chui xuống đất tui đào nó lên”. Huệ quay qua năn nỉ: “Cô bác chờ ít bữa đi. Vợ chồng tui ở Cái Răng, tới thăm má thôi. Mà má tui đâu?”. Mấy người nói từ sáng giờ thấy cổng khóa trong, có ai ra vô đâu. Huệ đập cổng rầm rầm: “Má! Má ơi! Má đâu hả má?”. Đực nghe vợ hối, liền trèo lên lan can tầng lầu, tông cửa xuống nhà dưới: “Vô đưa má đi cấp cứu em ơi! Bả xỉu rồi!”. Loáng cái, mấy chục chiếc xe nổ máy đi hết.
Hoàng hôn hồng rực cuối sông. Bà Mười thấy người đã khỏe, ra nằm trước võng hóng gió sông. Đực thu dọn cây ô môi gãy sau nhà, miệng ư ử câu Dạ cổ hoài lang: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm... sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm... ơ canh mơ màng...”. Anh đang nghĩ đến thằng con trong bụng vợ. Huệ chụm lửa nấu nồi cháo cá lóc rau đắng, miệng nhắc bà Mười. “Má kêu con Út thôi chồng càng sớm càng tốt. Về đây, con nuôi xong đại học, rồi kiếm việc mà làm. Má cứ ở với tụi con, vụ nợ ngân hàng từ từ tính. Kẹt quá mình cất nhà mới chớ gì”.
Bà già im lặng, nhìn mông lung về phía hoàng hôn. Chấp chới vài cánh chim mải miết bay về cù lao xa.
Ngày 19-5-2013