Vùng đất mênh mông Nhưỡng Bình của Thanh Đế, với Phượng Cẩm mà nói, lâu nay đã là chốn thân thuộc, đường quen ngõ cũ thường hay đi về.
Nàng có thú vui đạp mây cưỡi gió, chỉ trong phút chốc từ Tuyền Cơ cung đã bay tới Nhưỡng Bình, sau đó thảnh thơi thả mình trên bờ tường nhà chàng, say sưa ngắm chàng ngồi nhẩm tính bát quái trong sân.
Khi ấy, suối tóc chàng xanh mềm rủ xuống, ánh mắt tinh anh tựa gương trong, điềm đạm ôn nhu, cúi đầu trầm tĩnh. Dường như mọi vật xung quanh cũng chìm vào yên lặng. Ngay cả cây quế hoa ngàn năm tuổi cũng im lìm, không chút lay động.
Giữa sân là hồ nước biếc trong tựa ngọc, mặt nước phủ đầy những đóa sen trắng thanh khiết, lững lờ trôi, thoảng hương dìu dịu.
Chàng nở một nụ cười thoáng chút mơ hồ rồi ngẩng đầu lên: “A Cẩm, nàng lại không vào bằng cửa chính rồi.”
“Là ta cứ thích đi bằng đường này đấy, thì sao nào? Chàng không cho phép ư?” – Thế rồi uyển chuyển một chân đặt xuống tường, chân kia nhẹ nhàng nối bước, Phượng Cẩm thoáng chốc đã ung dung ngồi trên bờ tường.
Nàng khoác trên mình xiêm y đỏ thắm diễm lệ, cặp mắt trong veo, đen huyền tựa trái nho chín lay động lòng người. Thấy Trọng Uyên đứng dậy, Phượng Cẩm tinh nghịch vảy nước từ chiếc chén trên tay xuống mình chàng như một con rồng nhỏ phun mưa.
Trọng Uyên hơi tránh né, nét mặt chàng khi ấy lộ rõ vẻ vừa buồn cười vừa cam chịu, nhưng chàng cũng chỉ vươn tay ra, miệng than:
“Nghịch ngợm quá thể, đã không còn là trẻ con nữa rồi, sao vẫn không bỏ được cái tính ngỗ ngược bướng bỉnh đó. Nàng mau xuống đây nhanh lên, để cho người ngoài nhìn thấy còn ra thể thống gì nữa.”
“Chàng cứ việc lo đi, ta không xuống đấy, chàng làm gì được ta nào?” Phượng Cẩm tỏ vẻ hờn dỗi, đung đưa hai chân, rồi với tay ngắt xuống một chùm hoa li ti thơm ngát từ cây quế hoa cổ thụ, rắc đầy lên người Trọng Uyên.
Chàng cúi xuống cười nhẫn nhịn, rồi lại ngẩng đầu lên, ôn tồn nói: “A Cẩm, chúng ta thành thân đi.”
Lặng đi một thoáng. Rồi bất chợt, từ hành cung của Thanh Đế bỗng vang lên một tiếng la thất thanh. Thì ra Phượng Cẩm trong phút giây chưa kịp định thần, sảy chân từ bức tường cao ngã xuống, may được Trọng Uyên đỡ kịp. Nép vào lòng Trọng Uyên, khuôn mặt Phượng Cẩm ửng đỏ, nàng khẽ hỏi: “Chàng nói thật ư?”
Trọng Uyên gật đầu, rồi từ từ buông Phượng Cẩm xuống: “Thanh Đế đã bao giờ nói giỡn chưa?”
Nam tử trước mặt, Thanh Đế Phục Nghi là đấng chí tôn uy danh vang dội thiên hạ.
Thế nhưng Phượng Cẩm thực lòng chẳng thích cái tên này chút nào. Trăm năm trước, thủa ban đầu hai người quen biết, nàng đã làm om sòm một trận đòi đặt cho chàng cái tên khác.
Vốn quen bản tính ngang ngược của Phượng Cẩm, Trọng Uyên xưa nay luôn hết mực cưng chiều, thuận theo ý nàng, nên chàng chỉ hỏi: “Tại sao không gọi ta là Phục Nghi”?
“Thứ nhất, nói Phục Nghi và Phượng Cẩm, là nói đến mối duyên tình của đôi lứa cách nhau bao nhiêu đời, ta không muốn làm người khác thấy,… làm người khác mỗi khi thấy đôi ta sánh vai lại xì xào rằng già trẻ…”
Phượng Cẩm chưa nói dứt câu, Trọng Uyên đã hạ giọng xen vào: “Chồng già vợ trẻ chứ gì?”
Một câu nói đủ làm Phượng Cẩm đỏ mặt thẹn thùng, cũng đủ khiến cho người ta hiểu, bậc Cửu Thiên Huyền Nữ ấy, một khi tình đầu đã hé nở, là khó mà xoay chuyển được.
Một tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ không thể kìm nén, một biệt danh trót đặt khó lòng thay đổi.
Sở dĩ Phượng Cẩm tự ý gọi Phục Nghi bằng tên lúc nhỏ, chẳng màng chàng có thích hay không, nói tóm lại cũng chỉ vì nàng muốn sở hữu cho riêng mình một điều đặc biệt. Kể từ khi ân tình đã tỏ, Phượng Cẩm lại chẳng thích hai chữ Trọng Uyên ấy, nàng hết đổi thành Tiểu Trọng, Tiểu Sủng, đến Trọng Nhi, làm cho chàng - đường đường bậc Thanh Đế phải dở khóc dở cười.
Cửu Thiên Huyền Nữ Phượng Cẩm thanh danh lẫy lừng, trên chiến trận bách chiến bách thắng. Trong mắt bốn phương quần hùng Phượng Cẩm là biểu tượng của hai thứ: loài huyền điểu có gai và đóa hoa nơi đỉnh núi cao. Có ai ngờ rằng, trước mặt Trọng Uyên, nàng lại chẳng khác nào một cô nương bé bỏng.
“… Thật sự… Thật sự chàng muốn thành thân ư…” Phượng Cẩm cẩn trọng hỏi lại, tim nàng như reo lên vì hạnh phúc.
Trọng Uyên nhè nhẹ ôm lấy chiếc lưng ong, kéo nàng vào lòng, giọng đùa bỡn hỏi: “Đôi ta đã ở bên nhau bao năm rồi nhỉ?”
“Ừ,… một trăm năm mười ngày” Phượng Cẩm nhớ rất rõ, nên nàng trả lời dứt khoát, rành mạch.
“Đối với thần tiên mà nói, vậy chẳng tính là lâu, chỉ có điều, ta e rằng để nàng chờ thêm nữa, Hiên Viên sẽ chọn cho nàng một đức lang quân tốt khác.”
Thiên đế Hiên Viên, Thanh đế Phục Nghi, là những bậc siêu thần đứng hàng đế vương trong trời đất, cũng là ngũ phương Thiên đế, một trong những vị chúa tể của cả xứ sở bao la này. Và Hiên Viên cũng chính là dưỡng phụ của Phượng Cẩm.
“Phụ vương từng nói vậy sao?” Phượng Cẩm tò mò hỏi.
Về chuyện cưới xin, trước nay nàng chẳng bao giờ nóng lòng. Thế nhưng hôm nay, khi Trọng Uyên đả động vào nỗi tâm tư sâu kín, nàng bất chợt nghĩ, nếu được kết duyên cùng Trọng Uyên, chẳng phải là sẽ có thể sớm tối cận kề hay sao?
Nhưng nàng cũng hiểu rằng, Hoàng đế phụ thân của nàng và Trọng Uyên lâu nay đã có mỗi bất hòa. Giả dụ gả nàng cho Trọng Uyên, thực sự là chuyện ngoài sức tưởng tượng. Nàng bất giác chau mày, trong lòng gợn nhẹ chút lo âu.
Dường như đoán được nỗi băn khoăn ấy, Trọng Uyên cọ nhẹ vào mũi nàng, chàng nói: “Sợ gì cơ chứ, ta sẽ nói với phụ vương của nàng rằng, nếu không sớm gả nàng cho ta, e rằng cháu ngoại sẽ ra đời trước mất…”
Tay chàng nhè nhẹ trượt xuống, tới bụng nàng thì lập tức bị đẩy ra. Phượng Cẩm nóng bừng mặt hốt hoảng, giậm chân: “Nói bậy, để người khác nghe được thì còn ra sao nữa?”
“Nàng chẳng phải là xưa không bao giờ biết cấm kị là gì sao?”
Nếu nói đến điều làm Trọng Uyên yêu nhất ở nàng, thì chắc chắn đó là cá tính phóng khoáng tự tại, không bị ràng buộc bởi những khuôn phép, cấm kị. Những giáo điều, quy tắc, tất cả đều vô hiệu với Phượng Cẩm. Vừa vặn sao, tính cách ấy lại hợp ý Trọng Uyên. Chẳng trách mà tình cảm giữa hai người càng lúc càng mặn nồng.
“Cái đó… Nhưng mà chàng cũng không được nói vậy…”
Phượng Cẩm một mực phủ nhận, sợ rằng Trọng Uyên khơi lại chuyện cũ của mấy tháng trước.
Chuyện này kể ra thì dài, chẳng qua đó là một lần Phượng Cẩm trót vô ý đã leo lên long sàng.
Nàng vốn là nữ thần tiên nơi Cửu Trùng Thiên kiêu hãnh, uy nghi, để xảy ra chuyện này có lẽ vạn bất đắc dĩ.
Mồng 2 tháng 2, tiết Xuân Long, rồng ngẩng đầu. Mọi người phải dâng hương cầu khấn thần linh.
Nhang khói của Cửu Thiên Huyền Nữ xưa nay vốn cũng chẳng hưng vượng lắm. Cho nên, ngày hôm ấy, trong khi các vị thần tiên khác tất bật thụ hưởng hương hoa lễ vật, thì Phượng Cẩm lại khá là rảnh rang.
Chẳng có việc gì làm, Phượng Cẩm ngồi nhấm nháp mấy trái hạnh nhân, rồi nhâm nhi thêm chút rượu quả. Nhàn cư vi bất thiện, nàng bèn lôi kính vọng sinh ra, muốn trộm xem liệu có phải Trọng Uyên đang bận quên trời quên đất không.
Kính của nàng và kính tiền sinh của Trọng Uyên là một đôi, vốn do Trọng Uyên khi du ngoạn trên núi Cô Dao tình cờ có được, sau chàng đã đem tặng cho Phượng Cẩm.
Sau cái phất tay nhẹ của nàng, một luồng sáng từ từ hiện lên.
Qua kính vọng sinh, có thể nhìn được đến Nặc đại cung môn của Huyền Ngọc cung, lầu vàng gác ngọc nguy nga chọc trời.
Vừa nghĩ đến chuyện có thể nhìn trộm Trọng Uyên, Phượng Cẩm bất giác cảm thấy tim mình như sắp nhảy khỏi lồng ngực.
Kìa dáng ai trong bộ y phục sắc tím trắng dần hiện ra trước mắt, thanh nhã tựa trúc, cao khiết vô trần. Phượng Cẩm nheo nheo mũi như một chú mèo con, thu mình vào chỗ cũ, lặng im, chăm chú ngắm nhìn Trọng Uyên. Nàng yêu chàng, yêu thiết tha từ sâu thẳm trái tim, nơi mà xưa nay chưa ai có thể bước vào.
Nếu phải nói rõ vì sao yêu chàng, ngay cả bản thân Phượng Cẩm cũng chẳng tỏ tường, vả lại, nếu biết được ngọn ngành, thì còn gì là Cửu Thiên Huyền Nữ phóng khoáng, vô tư, bất cần nữa.
Đột nhiên, nàng hơi căng mắt ra, thấy hiện rõ lên hình ảnh người mà nàng cực kỳ không muốn nhìn thấy. Ấy là Bạch Thủy Tố Nữ Vân Ảnh, cũng là con gái nuôi của Hoàng đế như nàng, nhưng mà, duyên cớ gì ngày hôm nay cô ta lại có măt ở Huyền Ngọc Cung? Chưa hết, đúng lúc đó Vân Ảnh lại đang nở nụ cười ngọt lịm.
Lòng Phượng Cẩm có chút không vui. Nhìn Vân Ảnh kìa, dung nhan tựa hoa đào. Nàng nghiến chặt răng.
Bất ngờ, ánh mắt Trọng Uyên đột nhiên hướng về phía kính vọng sinh, đôi mắt biếc trong của chàng đối diện với Phượng Cẩm. Phượng Cẩm một phen hốt hoảng, vội đưa tay đóng kính vọng sinh lại, ngồi thụp xuống trước kính, lòng nàng trăm mối tơ vò, mãi không sao bình tâm lại được.
Phượng Cẩm vốn đang muốn đạp mây bay ngay tới Nhưỡng Bình tìm ngọn ngành chuyện bực mình, thì vừa đó, nữ tì thân cận Xảo Xảo ở đâu chạy tới, báo tin Tây Vương Mẫu chuẩn bị khai tiệc bàn đào, mời đích danh Cửu Thiên Huyền Nữ tới dự.
Tây Vương Mẫu bội phần cao quý, uy nghiêm, nhưng không vì thế mà ngại kết giao với những thần tiên bậc dưới, với Phượng Cẩm có thể nói là bạn tâm giao.
Mỗi khi có chuyện gì vui là Vương Mẫu chẳng bao giờ quên Phượng Cẩm.
Tình cảnh này thật chẳng biết xử sự ra sao, Phượng Cẩm chỉ còn cách gác chuyện riêng tư sang một bên, ôm lòng nặng trĩu tâm sự đến Vương Mẫu Sơn.
Vương Mẫu Sơn cao chót vót xuyên mây, Dao Trì Ngọc đài, tiên nhạc du dương.
Bản thân Phượng Cẩm vốn không ham mỹ tửu, hôm nay bỗng ngửi thấy mùi hương hoa phỉ ngào ngạt tỏa ra từ Dao Trì Ngọc đài, không làm chủ được mình liền xin Tây Vương Mẫu thêm vài chén. Đang lúc lòng ngổn ngang ưu tư, lại chẳng bị thần tiên nào quấy rầy, nàng mặc sức cạn chén, uống đến say bí tỉ.
Thấy vậy, Tây Vương Mẫu bèn mở lời: “Cẩm Nhi, hay là đêm nay nghỉ lại luôn ở đây đi!”
Phượng Cẩm lảo đảo, vừa chếnh choáng bước vài bước, vừa liên tục xua tay: “Không được, không được, tạ ơn Tây Vương Mẫu đã thịnh tình khoản đãi, hôm nay tiểu tiên thực không dám làm phiền Vương Mẫu quá lâu, xin cáo từ.”
Nói mạnh miệng như vậy, chứ thực ra lúc này Phượng Cẩm đã say đến quên đường về. Nàng đứng trên một đầu đám mây, trong lòng tự hỏi, cung Tuyền Cơ của mình ở đâu nhỉ, ở phía Nam… hay là phía Bắc. Chẳng hiểu thế nào nàng lại đạp mây trắng bay về Huyền Ngọc cung của Thanh Đế.
Người dân đất Nhưỡng Bình từ lâu đã quen với việc Cửu Thiên Huyền Nữ cứ dăm ba bữa lại ghé thăm. Thế nên, tự nhiên với họ, nếu có một ngày nàng trở thành Đế hậu của Nhưỡng Bình, âu cũng là chuyện không có gì phải bàn.
Phượng Cẩm thì tự cho rằng chuyện nàng qua lại với Trọng Uyên là một bí mật, ai ngờ chuyện này đã đồn đại xôn xao thiên hạ. Chỉ mình nàng là không biết đấy thôi.
Nàng hỏi Tiểu Tiên Nga: “Cô nương, cô nương, Trọng Uyên đâu rồi?”
Tiểu Tiên Nga đôi mắt long lanh, khẽ mỉm cười, rành rọt trả lời: “Thanh Đế hôm nay cứ nhắc đi nhắc lại, sao thượng tiên mãi chẳng thấy đâu. Thượng tiên, mời đi theo tiểu nữ.”
Phượng Cẩm hai mắt hoa lên, chân đi loạng choạng, nếu không nhờ Tiểu tiên nga sốt sắng dìu đi, có lẽ nàng không đi nổi đến tẩm cung của Trọng Uyên.
Phải rồi, tẩm cung.
Phượng Cẩm thực lòng không nhớ nổi làm sao mình trèo lên long sàng của Trọng Uyên nữa. Chỉ nhớ một ánh đèn vàng mờ ảo, một hương thơm dìu dịu lay động. Nàng dụi dụi mắt, trên giường là một nam tử khôi ngô tuấn tú, dung mạo khi say ngủ ấy quả thực làm người ta không thể kiềm lòng.
Phượng Cẩm quay ra, thấy Tiểu Tiên Nga tinh ý, tế nhị đã lui ra xa, còn cẩn thận buông tấm rèm tím nhạt sau lưng xuống.
Chẳng biết là tại hương thơm làm mê hồn, hay rượu nồng làm say lòng, mà Phượng Cẩm lảo đảo mấy bước rồi ngã ngay xuống giường Trọng Uyên, miệng còn lẩm bẩm: “Tiểu Trọng, đợi ta cởi y phục cho chàng nào,…, làm người của ta rồi…, để sau này không còn ai dám khát khao chàng nữa.”
Bên tai vẳng lại một tràng cười nho nhỏ, nàng vẫn chẳng ngại ngần. Trong hơi thở đậm hương quế hoa dìu dịu, đôi má đỏ hồng, nàng đưa tay mở đai áo người đang nằm.
Sai một lần, hận ngàn đời. Chỉ là nhất thời quá chén, mà lạc lối lầm đường.
Kim điểu hót ríu ran, mặt trời lên rực rỡ.
Thức dậy trong cơn choáng váng, Phượng Cẩm mới hay mình đang ở trên long sàng Trọng Uyên. Đáng sợ nhất là, hai người đều đang trong tình cảnh “gạo đã nấu thành cơm”. Lúc này đầu óc lại càng thêm quay cuồng.
Phượng Cẩm thầm nghĩ, “cứ giả vờ không biết…, hay là cứ giả vờ không biết… Thôi, trước mắt, hãy cứ làm như không biết gì thì hơn…”
Thế là nàng vội vội vàng vàng nhào xuống khỏi giường, vơ lấy đám quần áo vương vãi trên mặt đất, khoác tạm lên người, lần đầu tiên trong đời, hồn xiêu phách lạc chạy tháo thân ra khỏi Huyền Ngọc cung.
Đương lúc nàng hốt hoảng chạy trốn, hình như có ánh mắt ai sáng rực chăm chăm dõi theo, văng vẳng tiếng cười rúc rích.
Phượng Cẩm càng chạy thục mạng.
Thực tình mà nói về chuyện này, rõ rành rành là do Phượng Cẩm “mỡ dâng miệng mèo”. Cũng may cho nàng, Trọng Uyên không có thói “vắt chanh bỏ vỏ”, “ham vui qua đường”.
Sau đêm hoan lạc ấy, chàng lại càng thường xuyên lui tới cung Tuyền Cơ hơn. Phượng Cẩm danh xưng đẹp đẽ ấy, trót quen hơi bén mùi, nên cứ thuận đường cũ mà theo.
Chuyện quá mù ra mưa, thành thử dần dần cũng không còn gì nghiêm trọng.
Đối với một con người mà tài mạo, thanh danh đều không sánh nổi mình, Phượng Cẩm xưa nay chẳng đoái hoài bận tâm. Việc hay ho duy nhất mà Vân Ảnh làm được, chính là đã khiến cho Phượng Cẩm uống say mềm, rồi thế là tự đưa mình lên giường Trọng Uyên.
Chuyện hai người quấn quýt bên nhau ngủ, cũng bị nàng gạt sang một bên. Thậm chí gạo đã nấu thành cơm hay chưa, với cá tính không quen bó buộc, kiêng kị của mình, Phượng Cẩm cũng không thèm quan tâm. Quan trọng là ngay lúc này đây. Chuyện kia qua rồi, nàng càng yêu Trọng Uyên hơn.
Phượng Cẩm bất chợt bừng tỉnh sau thoáng hồi ức, ngẩng đầu nhìn lên thấy nét mặt Trọng Uyên thấp thoáng nụ cười mơ hồ.
Nàng bối rối, miệng mấp máy mà cứng đờ nói không lên lời, mặt mũi đỏ ửng: “Chàng, chàng…”
“Vẫn biết rằng chim huyền điểu nằm ổ khá lâu, nhưng ta vẫn lo con chúng mình vội vã ra đời mất. Nàng thấy sao, A Cẩm?”
Trọng Uyên gọi hai tiếng “A Cẩm” sao mà dịu dàng đến thế, nhưng khi hai tiếng ấy vừa bật ra, toàn thân phượng Cẩm bỗng thấy chao đảo, không thốt lên lời. Trọng Uyên thở dài, siết chặt tay nàng.
Tay nàng hằn lên vết chai sạn chinh chiến, cũng như trên thân thể còn in dấu những vết thương sau mỗi lần giáp mặt xung trận.
Chuyện chàng cởi xiêm y nàng hôm ấy khiến chàng càng thương hoa tiếc ngọc, một cô gái như vậy, làm sao mà chàng không yêu cho được.
Hồ nước trong một màu nước biếc, thoáng in bóng hai người
“Trọn đời trọn kiếp, không phụ chân tình”.