Quán tâm môn tức là hành môn gồm ba điều kiện quan trọng: 1) Ba học: Giới, định, tuệ. 2) Ba pháp: Hoặc, trí, lý. 3) Ba pháp: Quán, cảnh, lý. Giới, định, tuệ ba học là điều kiện quan trọng cho tu đạo, giới học thuộc đạo đức, tuệ học thuộc chính trí, định học thuộc tín niệm. Tên gọi đó tùy thời tùy lúc mà gọi có khác, nhưng đều là quy phạm thực tiễn của Phật giáo. Ba pháp hoặc, trí, lý; hoặc là mê vọng, trí là chính tri kiến, lý là cảnh quán chiếu. Đem trí để đoạn hoặc, lý để quán chiếu chứng ngộ. Đó là nguyên lý căn bản thực tiễn của Phật giáo. Hai điều kiện quan trọng trên là yếu tố chung của Phật giáo, nhưng ba pháp: Quán, cảnh, lý là điều kiện quan trọng tổng quát về quán tâm của Thiên Thai. Ba pháp này chính là nội dung thực hành phần diệu giải của tam thiên tam đế.
Phần thực hành này lại chia ra năng quán và sở quán. Năng quán là phần trí của tam quán thuộc tuyệt đối chủ quan. Sở quán là phần lý của tam thiên, tam đế thuộc tuyệt đối khách quan.
Quán chiếu phần chủ quan này với phần khách quan kia để đưa về diệu thú năng sở, chủ khách tuyệt đối không hai, thành tựu phần tướng của quán tâm. Nghĩa là, tuyệt đối chủ quan là trí của tam quán, tuyệt đối khách quan là lý của tam quán. Một niệm vọng hiện tiền đối với lý và trí này, tức là hiện tiền ngã thuộc cảnh có tính tương đối, là đối tượng trực tiếp của quán tâm. Trí của tam quán lúc đó, dung hòa giữa hiện thực ngã, là đối tượng của trực tiếp; với lý của tam đế tam thiên, là đối tượng có tính tuyệt đối, tức là đồng hóa hiện thực ngã có tính tương đối với thực tại có tính tuyệt đối mà trở thành tuyệt đối chủ và khách. Ba pháp trí, lý, cảnh là điều kiện quan trọng căn bản để thành lập quán tâm môn, tu phép quán này gọi là “nhất tâm tam quán”, hoặc gọi là “nhất niệm tam thiên quán”. Đó là những phép quán chân tủy về tôn giáo, đạo đức của Thiên Thai.