Trong các luận, thích, chú, sớ Kinh Pháp Hoa như trên, chỉ có Pháp Hoa Tam Đại Bộ của Thiên Thai Trí Khải Đại sư là chi tiết nhất, vì kiến thức cao, tầm hiểu biết rộng, nghĩa lý thâm sâu, mà các nhà chú thích khác không thể so sánh kịp.
Ngài là vị tổ sáng lập Thiên Thai tông. Tên chính là Trí Khải Thiền sư ở núi Thiên Thai. Thiên Thai Đại sư là tên gọi tôn kính. Trí Giả Đại sư là tên ban tặng của vua Tùy Dạng Đế. Ngài sinh năm Đại Đồng thứ 4 (538 TL) thời vua Võ Đế đời Lương, xuất gia năm 18 tuổi, viên tịch năm 60 tuổi. Giảng kinh, tu đạo, giáo huấn trong 42 năm.
Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán là những trước tác đại biểu của Ngài. Pháp Hoa Huyền Nghĩa và Pháp Hoa Văn Cú, giải thích rõ về “giáo tướng môn” để triển khai phần “diệu giải”. Ma Ha Chỉ Quán nương vào giáo lý Kinh Pháp Hoa nói về thực tu “quán tâm môn”, sách tiến khích lệ phần “diệu hành”. Giải và hành hỗ trợ nhau, giáo và quán cùng tu, làm yếu chỉ cho Thiên Thai tông.
Pháp Hoa Huyền Nghĩa và Văn Cú, hai bộ này đều giải thích Kinh Pháp Hoa, nhưng Pháp Hoa Huyền Nghĩa chỉ lấy tiêu đề của kinh để giải thích mà mở ra năm lớp huyền nghĩa, gọi là “ngũ trùng huyền nghĩa”:
(1) Danh - danh mục của năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
(2) Thể - lý sở thuyên, tức thực thể của kinh.
(3) Tông - tông chỉ, tông yếu của kinh.
(4) Dụng - công đức, lực dụng của kinh.
(5) Giáo - giáo tướng của kinh.
Từ năm phương diện giáo tướng của kinh để trần thuật rõ ý nghĩa huyền diệu của toàn bộ Kinh Pháp Hoa, có thể gọi là “Pháp Hoa khái luận”. Pháp Hoa Văn Cú thì dùng bốn lối thích: Nhân duyên thích, ước giáo thích, bản tích thích và quán tâm thích, gọi là “Tứ chủng thích”, theo kinh văn giải thích từng câu trong 28 phẩm Kinh Pháp Hoa. Đó là lối thích kinh rất độc đáo của Thiên Thai Đại sư. Huyền Nghĩa giải thích về tổng đề, Văn Cú thích về biệt văn, đều là những trước tác thuộc giáo tướng môn, nêu rõ diệu chỉ Kinh Pháp Hoa. Trong đó, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, nêu rõ giáo lý và vị trí của Kinh Pháp Hoa trong toàn bộ Phật giáo.
Trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, chia ra hai phần lớn là: “giáo phán” và “giáo lý” thuộc giáo tướng môn. Giáo phán đem toàn thể giáo lý Phật giáo phân loại, chia ra quyền, thực, thô, diệu và chỉ rõ chỗ hướng về của mỗi giáo ấy. Giáo lý, xiển minh diệu lý Kinh Pháp Hoa. Nhưng diệu lý này, luôn luôn đi đôi với hai phần giáo lý và giáo phán.
Trước hết nói về giáo phán - Nay theo Huyền Nghĩa, trước sau có hai thứ giáo phán:
1) Phân loại về giáo tướng ba khác ở quyển thứ nhất.
2) Phân loại về ba giáo “đốn”, “tiệm”, “bất định” ở quyển thứ 10.
1) Phân loại về giáo tướng ba khác:
(1) Tướng căn tính dung, bất dung;
(2) Tướng hóa đạo thủy chung, bất thủy chung;
(3) Tướng sư đệ viễn cận, bất viễn cận.
Căn cứ vào ba phương diện này mà phán rõ điểm khác biệt của các kinh với Kinh Pháp Hoa.
Thứ nhất, Tướng căn tính dung, bất dung - Căn cứ vào Pháp thuyết, Dụ thuyết ở phẩm Phương tiện và Thí dụ trong Kinh Pháp Hoa, khai triển sự hóa đạo 50 năm của Đức Phật Thích Ca, để phân biệt điểm giống và khác nhau của các giáo với Kinh Pháp Hoa và bàn rõ chỗ quy thú của toàn thể Phật giáo. Trong cách phân loại này, Thiên Thai Đại sư đem sự hóa đạo một đời của Phật chia ra năm thời kỳ: (1) Hoa Nghiêm, (2) A Hàm, (3) Phương Đẳng, (4) Bát Nhã, (5) Pháp Hoa và Niết Bàn, tức là “ngũ thời phán”. Hình thức hóa đạo của Đức Phật, chia ra bốn thứ: “đốn”, “tiệm”, “bí mật”, “bất định”, gọi là “hóa nghi tứ giáo phán”. Phương pháp hóa đạo, tức giáo lý của Phật đã nói, chia ra bốn thứ: “tạng”, “thông”, “biệt”, “viên”, gọi là “hóa pháp tứ giáo”. Đó là lối phán thích của “ngũ thời bát giáo”.
Nương vào sự hóa đạo của bốn thời kỳ trước, vì căn tính thọ hóa đều khác chẳng dung nhau, nên nói ra thô giáo. Thời kỳ Pháp Hoa, đối với căn tính của đại chúng đã thuần thục nên nói ra diệu pháp. Tức sự giáo hóa hơn 40 năm ở thời trước, vì căn tính của chúng sinh đều khác nhau, để điều hòa với căn tính ấy, nên Đức Phật mới nói ra pháp môn bốn giáo: Tạng, thông, biệt, viên để ứng dụng cho hình thức hóa đạo: Đốn, tiệm, bất định, bí mật để dụ dẫn. Chúng sinh được thọ giáo nương vào đấy mà tiến bộ hướng thượng. Nhưng vì các giáo đều khác, không rõ được bản ý của Phật, không biết nơi quy thú, nên đến thời thứ năm, thời Pháp Hoa, căn cơ chúng sinh đã dung thông, thuần thục, Đức Phật mới nêu rõ cái lý Nhất thừa của Kinh Pháp Hoa là chân thật, còn bốn thời trước kia chỉ là phương tiện. Tức là đem ba giáo để quy về Nhất thừa giáo, đưa căn tính bất dung để dung nhất. Đó là cách phân loại “thô” và “diệu” giữa các kinh với Kinh Pháp Hoa. Đó là cái khác thứ nhất của giáo tướng.
Thứ hai, Tướng hóa đạo thủy chung, bất thủy chung - Chuẩn cứ vào lý khai triển phần nhân duyên thuyết ở phẩm Hóa thành dụ, Kinh Pháp Hoa, nương vào chỗ nói rõ ràng hay không nói rõ ràng về thủy chung của sự hóa đạo, để nhận xét về điểm giống hay khác của các kinh với Kinh Pháp Hoa. Mục đích của các kinh, ngoài Kinh Pháp Hoa, chỉ là những giáo pháp tùy thời, tùy cơ mà lợi ích cho từng nơi, từng chỗ, chưa phải là bản ý của Đức Phật, mà bản ý hóa đạo của Đức Phật là ở phần nói Kinh Pháp Hoa. Vì nguồn gốc hóa đạo nguyên thủy của kinh này là từ thời Đại Thông Trí Thắng Phật xa xưa, đại chúng khi đó đã bắt đầu được kết duyên gieo hạt giống, cuối cùng đến Đức Phật hiện nay, đã trải qua “tam thiên trần điểm kiếp”, ở trong thời gian dài vô cùng đó, vẫn ra vào gặp gỡ giáo dưỡng điều phục. Cuối cùng, nay Phật Thích Ca lại cũng nương vào sự giáo hoá của năm thời nói ra Kinh Pháp Hoa để chúng sinh đều được hội nhập nơi Phật thừa, chỉ rõ chỗ hóa đạo sau cùng trong nơi khởi thủy. Như vậy các kinh khác không nói tới chỗ chung thủy của hóa đạo, nên chỗ giáo hóa không đạt đến chung cuộc, chưa lộ rõ ý Phật chỉ là giáo phương tiện, lợi ích tùy theo nơi chốn, ở Kinh Pháp Hoa thì sự giáo hóa trước sau đều đạt tới nhất quán, có thủy chung. Đó là yếu chỉ khác thứ hai.
Thứ ba, Tướng sư đệ viễn cận, bất viễn cận - Y vào thuyết lý trong phẩm Bản môn thọ lượng, nói hay không nói về nguồn gốc xa xưa của Phật và các đệ tử, mà phán định về chỗ đồng, dị, hơn, kém của các kinh với Kinh Pháp Hoa. Các kinh đều nói Phật Thích Ca, giáng sinh ở Trung Ấn Độ là Thái tử Tất Đạt Đa, xuất gia tu hành, 30 tuổi thành đạo ở dưới cội cây Bồ-đề, thành bậc Đại Giác, đó là Tân Phật. Các đệ tử của Ngài cũng có nguyên quán ở các địa phương tại Ấn Độ, các hàng Thanh văn, Bích chi Phật đều có thực, sư thầy và đệ tử đều cùng là thân hiện tại gần đây, đều không nói về bản địa thân xa xưa, nhưng Kinh Pháp Hoa lại nói, sự thành đạo của Phật đã trải qua năm trăm ức kiếp vi trần xa xưa, bản địa Bản Phật đã thành đạo lâu xa này, lại hiện dấu chân khắp ba đời mười phương, phương tiện thị hiện không cùng tận. Nay Phật Thích Ca, chẳng qua cũng chỉ là một Phật trong nơi thị hiện không cùng đó, nên ngoài phần thị hiện, 30 tuổi thành đạo, 80 tuổi nhập diệt, còn có đầy đủ cái đức thường hằng bất biến, cái thể tuyệt đối vô hạn nơi bản Phật xa xưa. Lại các hàng đệ tử Phật, cũng đã sớm thành tựu Bồ tát hạnh, tức pháp thân Bồ tát, nhưng bên ngoài lại hiện tướng Nhị thừa để giúp sự hóa đạo của Phật mà hiện thân phương tiện. Nên Kinh Pháp Hoa nói rõ ngoài hiện thân của sư đệ còn có bản địa thân thường hằng bất biến, vô lượng hóa tích của Đức Phật cũng đều tổng hợp quy về nhất Phật nơi bản phái, mà các kinh khác không nói tới. Đó là yếu chỉ khác thứ ba.
2) Phân loại ba giáo đốn, tiệm, bất định ở quyển thứ 10
Phân loại về ba thứ giáo tướng: Đốn, tiệm, bất định cũng là để đưa toàn bộ Phật giáo quy thú về Kinh Pháp Hoa. Ba mục giáo phán của Thiên Thai Đại sư hoàn toàn khác với các nhà phán giáo trước Ngài. Ví dụ như, các nhà phán giáo xưa, xếp Kinh Hoa Nghiêm thuộc đốn giáo; Ngài Thiên Thai xét thuộc viên đốn giáo. Thế hệ các vị sư trước cho các thời thứ ba, thứ tư thuộc tiệm giáo, Thiên Thai Đại sư định lại năm thời đều là tiệm giáo. Về bất định giáo, thế hệ các vị sư trước cho từng bộ kinh như Thắng Man, Kim Quang Minh là đốn, tiệm, bất định, ba giáo đều liên quan hết tới một đời thuyết pháp của Phật, quyết nhiên không chỉ cục hạn ở một kinh, một luận.
Thứ hai là giáo lý trong giáo tướng môn. Giáo lý tức là nói về diệu lý của Kinh Pháp Hoa. Pháp Hoa Huyền Nghĩa 10 quyển tuy triển khai về nghĩa lý rất rộng, bao quát nhiều lĩnh vực, nhưng, tư tưởng căn bản vẫn là “chư pháp thật tướng”. Huyền Nghĩa quyển thứ nhất nói về hai chữ “diệu pháp”, nêu rõ pháp có hai phần: thô và diệu. Như ba đế cách lịch là thô pháp, ba đế viên dung là diệu pháp. Thiên Thai Đại sư, xiển minh lý thú của chư pháp thật tướng, Ngài nương vào câu văn “Thập như thị” trong phẩm Phương tiện Kinh Pháp Hoa: “Duy Phật dữ Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng. Sở vị chư pháp (1) như thị tướng, (2) như thị tính, (3) như thị thể, (4) như thị lực, (5) như thị tác, (6) như thị nhân, (7) như thị duyên, (8) như thị quả, (9) như thị báo, (10) như thị bản, mạt cứu cánh đẳng”, dùng phép đọc văn đặc biệt, gọi là “tam chuyển độc văn” để nêu rõ cái lý thật tướng ba đế viên dung của hết thảy mọi pháp. Thập như thị là những điều kiện sở hữu của chư pháp, thông thể của “mười giới”. Tức (1) tướng mạo hiện ra bề ngoài, (2) phần tính của các cái tồn tại bên trong, (3) chủ chất để hình thành cá thể, (4) năng lực tiềm tàng bên trong, (5) hiện ra tác nghiệp của phần (4), (6) thân nhân tiếp tục hay đưa tới kết quả, (7) sơ nhân giúp đỡ cho phần (6) để thành tựu, (8) nương vào (6) và (7) đưa đến kết quả, (9) nương vào (6), (7) và (8) để kết thành quả báo tương tục của một kỳ hạn. Tất cả các pháp của hiện tượng giới đều có đầy đủ “cửu như thị” này, nên cửu như thị là đại danh từ của chư pháp. (10) Bản là tướng của (1), mạt chỉ cho báo của (9), cứu cánh đẳng là hiển rõ lý cứu cánh bình đẳng. Tức là, từ “tướng” ở đầu, đến “báo” ở cuối, các pháp này đều trụ ở một lý cứu cánh.
Cách đọc văn “Thập như thị”, trước hết đọc: “Thị tướng như”, “thị báo như” v.v. lấy chữ “như” để cuối câu. “Như” là nghĩa chẳng khác, các pháp ấy đều như bình đẳng, để phá tình kiến sai biệt, một tướng, không tướng, nêu rõ phần đức của “Không đế phá tình”. Cách đọc thứ hai: “Như thị tướng”, “như thị báo” v.v. là văn tự biểu phần sai biệt. Đó tức là nghĩa thi thiết chẳng cùng, kiến lập các pháp sai biệt nơi vô tướng Không để nêu rõ đức của “Giả đế lập pháp”. Cách đọc thứ ba: “Tướng như thị”, “báo như thị” v.v. “Thị” là nghĩa chân thật chẳng vọng, xa lìa cái vọng lưỡng biên Có và Không, xứng với chân lý trung đạo tuyệt đãi, để hiển cái đức “Trung đế tuyệt đãi”. Như vậy, Thập như, thông thể của chư pháp, đương nhiên, đầy đủ cả ba đế Không, Giả, Trung, nhưng khác về phần đức dụng phá tình, lập pháp, tuyệt đãi, tạm chia làm ba đế, nhưng nguyên lại chẳng phải là biệt thể ở Thập như, mà ba đế vẫn cùng nhau dung thông, mỗi cái mỗi cái không biệt lập. Nếu khi nhắc đến Không đế, tự nó có đủ Giả đế và Trung đế, nhắc đến Trung đế cũng đủ cả hai đế Không, Giả. Đó là nói về một tức ba, ba tức một, viên dung vô ngại, bất khả tư nghì của ba đế nơi chư pháp thật tướng.
Đi đôi với giáo lý ba đế viên dung vô ngại là giáo nghĩa “Nhất niệm tam thiên”, hai tư tưởng trọng yếu này đều là những tư tưởng xiển minh về chư pháp thật tướng. Trước hết từ ngữ “tam thiên”, từ chỗ nhân lên của “Thập giới”, “Thập như” và “Tam thế gian” mà có được. Thập giới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, nhân, thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Thập như là mười pháp: tướng, tính, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo và bản mạt cứu cánh. Tam thế gian là chúng sinh, quốc độ, ngũ ấm. Thập giới đều đủ thập giới, một giới đều đủ cả thập như, lại đều đủ ba thế gian, nên thành 100 giới, 1.000 như và 3.000 thế gian, gọi tắt là “tam thiên”. Từ ngữ tam thiên này tức là ba đế viên dung của Không, Giả, Trung. Vì, thập giới đều đầy đủ thập giới, thập như, tam thế gian, nên từ ngữ tam thiên được thành lập, nếu một mặt cắt hết chỗ sai biệt của giới, như, thế gian, đưa về lý thú nhất tướng bình đẳng, đó gọi là “Tam thiên tức Không”. Nếu mặt khác, coi sự phơi bày của mọi hiện tượng đều đầy đủ giới, như, thế gian, đó gọi là “Tam thiên tức Giả”. Lại đương thể kiêm cả nghĩa lý Giả ở mặt này, Không ở mặt kia, tức là “Tam thiên tức Trung”. Cho nên từ ngữ “tam thiên” và “tam đế” đều đồng nhất về ý nghĩa. “Nhất niệm”, tức là một mối nghĩ khoảnh khắc của con người. Nhất niệm tam thiên là trong một niệm đầy đủ 3.000 pháp giới; 3.000 pháp giới ở trong một niệm.
Trên đây là phần giáo phán và giáo lý thuộc “giáo tướng môn”, giải thích phần diệu giải. Tiếp theo là phần diệu hành thuộc “quán tâm môn” trong Ma Ha Chỉ Quán giải thích. “Giáo phán” và “giáo lý” đều là giáo tướng, thuộc phần thuần túy lý luận; “quán tâm” thuộc phương pháp thực tiễn. Còn gọi là “giải” và “hành”, “giáo” và “quán”, hay “trí” và “hành”, cổ nhân thường ví hai môn này như mắt và chân, như xe hai bánh, chim hai cánh thiếu một không được. Về hình thức thuyết minh của quán tâm môn gồm có bốn thứ tam muội: (1) Thường tọa tam muội, (2) Thường hành tam muội, (3) Bán hành bán tọa tam muội, (4) Phi hành phi tọa tam muội và các phương tiện, các phép quán v.v. nhưng điều kiện quan trọng căn bản, không ngoài tư tưởng “Nhất tâm tam quán”, “Nhất niệm tam thiên”. Như quán về lý thú của “tam thiên”, “tam đế”, trong một tâm mà quán đầy đủ cả ba đế, gọi là “Nhất tâm tam quán” hay “Nhất niệm tam thiên”.
Tóm lại, diệu giải tức là biết được cái lý thật tướng, nhưng còn cục hạn ở phần lý trí, chưa chứa đựng trong toàn nhân cách; phải nương vào diệu hành để chuyển phần nội dung của lý chí đi vào toàn nhân cách. Tức là phải đưa chỗ đã hiểu biết vào cảnh giới hoạt động thực tế, tới chỗ “giải, hành nhất như”.