Sự nghiên cứu và lưu hành truyền bá Kinh Pháp Hoa rất sâu rộng. Trước hết ở Ấn Độ, sau khi Phật diệt độ khoảng 800 năm (300 TL), có Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) trước tác bộ Đại Trí Độ Luận để chú thích Đại Phẩm Bát Nhã, trong đó có nhiều dẫn chứng Kinh Pháp Hoa, theo truyền thuyết Ngài còn trước tác Pháp Hoa Thích Luận. Sau Phật diệt độ khoảng 900 năm có Ngài Thế Thân (Vasubhandu) trước tác nhiều tác phẩm, trong đó có Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá và Pháp Hoa Luận 2 quyển. Đó là bộ thích luận tối cổ của Ấn Độ hiện còn tồn tại. Cũng cùng thời đại, lại có Ngài Tuệ Y trước tác Nhập Đại Thừa Luận 2 quyển, trong đó cũng dẫn chứng Kinh Pháp Hoa rất nhiều. Phong trào nghiên cứu Kinh Pháp Hoa ở Ấn Độ lan tỏa tới các địa phương Tây Vực và Tây Tạng, cũng có rất nhiều tác phẩm chú thích, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trong thời gian Ngài La Thập dịch Kinh Pháp Hoa, có Ngài Tăng Duệ, một trong tứ thánh, đệ tử của La Thập, sáng tác bộ Cửu Triệt để phân loại giải thích, lại cùng Đạo Sinh trước tác Pháp Hoa Kinh Sớ 2 quyển, Ngài Tuệ Duệ trước tác Dụ Nghi, Ngài Tuệ Quán trước tác Pháp Hoa Tông Yếu Tự. Tới thời đại Lục triều, các nhà chú thích Kinh Pháp Hoa có hơn 70 nhà. Từ đời Hán đến đời Đường gồm hơn 600 năm có rất nhiều tác phẩm chú thích Kinh Pháp Hoa, nhưng những tác phẩm đại biểu, thuận theo niên đại như sau:
(1) Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký, 8 quyển của Pháp Vân chùa Quang Trạch đời Lương.
(2) Pháp Hoa Tam Đại Bộ (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán), 30 quyển của Thiên Thai Trí Giả Đại sư đời Tùy.
(3) Pháp Hoa Nghĩa Sớ 12 quyển, Pháp Hoa Huyền Luận 10 quyển, Pháp Hoa Lược Sớ 6 quyển, Pháp Hoa Dụ Ý 2 quyển, Pháp Hoa Luận Sớ 3 quyển của Gia Tường Cát Tạng Đại sư đời Tùy.
(4) Pháp Hoa Huyền Tán, 10 quyển của Từ Ân Khuy Cơ Đại sư, đời Đường.
(5) Pháp Hoa Kinh Yếu Giải, 7 quyển của Giới Hoàn, triều Tống.
(6) Giảng Diễn Pháp Hoa Nghĩa, Trí Chứng Đại sư, thời vua Kammu (Hoàn Võ) Nhật Bản.
Các bộ luận thích Kinh Pháp Hoa qua các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản như trên, sử thường gọi là “nhất luận lục thích” (gồm sáu bộ thích như trên và Pháp Hoa Luận của Thế Thân).
Đặc biệt, Nhật Liên thánh nhân trong thời đại Kamakura, Nhật Bản, chuyên nghiên cứu, đề cao áo nghĩa Kinh Pháp Hoa, thành lập ra Pháp Hoa tông, chỉ y cứ vào Kinh Pháp Hoa làm đối tượng tuyệt đối để quy y. Tôn thờ bảy chữ “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” làm bản tôn trung tâm; niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” làm đề mục xướng danh; noi theo “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” làm giới đàn thực tiễn, gọi tổng quát là “bản môn tam đại bí pháp”. Các thiền sư ở Việt Nam ta nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, có thể cũng rất nhiều, nhưng nay hiện thấy còn cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Tông Chỉ Đề Cương gọi tắt là Pháp Hoa Đề Cương, 1 quyển bằng Hán văn do Thanh Đàm Tỳ-kheo Giác Đạo Tuân Minh Chính Thiền sư soạn năm Gia Long thứ 18 (1819) triều Nguyễn, trong tập Việt Nam Phật Điển Tùng San, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ phát hành năm 1943 tại Hà Nội.