Sự nghiệp dịch Kinh Pháp Hoa, được dịch ra chữ Hán có nhiều bản khác nhau. Người bắt đầu phiên dịch kinh này là Chi Khiêm, cư sĩ nước Ngô thời đại Tam Quốc, từ khoảng năm Hoàng Võ thứ 2 đời Tôn Quyền đến năm Kiến Hưng thứ 2 đời Tôn Lượng (252 - 253 TL), dịch riêng phẩm Thí dụ, gọi là Kinh Phật Dĩ Tam Xa Hoán 1 quyển. Sau đó các nhà phiên dịch tiếp tục dịch toàn bộ gồm có sáu lần dịch thành sáu bản dịch khác nhau. Sáu bản này, ba bản đã bị thất lạc, chỉ còn có ba bản hiện lưu hành, gọi là “lục dịch tam tồn”.
Sáu bản đó là:
1) Kinh Pháp Hoa Tam Muội, 6 quyển, Ngài Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi) dịch năm Ngũ Phượng thứ 2 (255 TL) đời Tôn Lượng.
2) Kinh Tát Đàm Phân Đà Lị (Saddharma-pundrika-Sutra), 6 quyển, Ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch lần đầu, ở năm đầu Thái Thủy (265 TL) đời Tây Tấn.
3) Kinh Chính Pháp Hoa, 10 quyển, cũng Ngài Trúc Pháp Hộ dịch lần cuối ở năm thứ 7 niên hiệu Thái Khang (286 TL) đời Tây Tấn.
4) Kinh Phương Đẳng Pháp Hoa, 5 quyển, Ngài Chi Đạo Căn dịch, năm đầu Hàm Khang (335 TL) đời Đông Tấn.
5) Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 7 quyển (sau đổi thành 8 quyển), Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarājiva) dịch năm Hoằng Thủy thứ 8 (406 TL) đời Diêu Tần.
6) Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa, 7 quyển, Ngài Xà Na Quật Đa (Jñānagupta) và Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) cùng dịch ở năm đầu Nhân Thọ (601 TL) đời Tùy.
Trong đó (3) Kinh Chính Pháp Hoa, gọi là Chính Pháp Hoa Chính Bản Chính Kinh hay “Tấn dịch”; (5) Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi là Diệu Pháp Hoa Diệu Bản Diệu Kinh hay “Tần dịch”; (6) Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Hoa hay “Thiêm phẩm”. Ba bản dịch này hiện còn lưu truyền. Tên gọi của ba bản dịch này đều khác, nhưng nguyên danh Kinh Pháp Hoa đều có tên là “Tát Đàm Ma Phân Đà Lị Ca Tu Đa La” (Saddharma-puṇḍarīka- sūtra). Chữ Tát (Sad) vì có nhiều nghĩa nên Ngài Pháp Hộ dịch chữ Tát là “chính”; Ngài La Thập và Quật Đa dịch là “diệu”. Còn Thiêm phẩm, có nghĩa là phẩm thêm vào. Bản dịch của Ngài La Thập thiếu nửa phần đầu của phẩm Dược thảo dụ, thiếu phần đầu của phẩm Pháp sư, thiếu phẩm Đề Bà và thiếu phần kệ tụng của phẩm Phổ môn, nhưng sau lại y cứ vào bản “bối diệp” do Ngài Quật Đa mang tới dịch bổ khuyết thêm vào cho đủ.
Nội dung ba bản dịch hiện còn đang lưu hành cũng sai khác nhau đôi chút, nhưng Diệu bản thì rất giản dị, Thiêm phẩm kém giản dị hơn, Chính bản lại rất chi tiết. Theo Pháp Hoa Truyện và tựa của Thiêm phẩm thì ba bản dịch đều khác nhau về nguyên bản. Bản Ngài La Thập dịch y vào Phạm bản, gồm 6.000 bài kệ, được tàng trữ tại cung vua nước Kế Tân (Kaśmīra); bản Ngài Quật Đa dịch, y vào bối diệp Phạm bản gồm 6.200 bài kệ; bản Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, y vào bối diệp Phạm bản gồm 6.500 bài kệ, được tàng trữ tại cung vua nước Vu Điền (Kotan). Trong ba bản dịch này, bản dịch Diệu Pháp Hoa của Ngài La Thập, được truyền trì quảng bá sâu rộng hơn cả, còn hai bản kia chỉ là tư liệu dùng để nghiên cứu, so sánh. Về tài năng dịch kinh của Ngài La Thập thì lưu loát, trác tuyệt, mỹ lệ. Giúp sức việc phiên dịch, trong trường phiên dịch của Ngài có hơn 2.000 học sĩ tài năng. Lại có các đệ tử trứ danh của Ngài là Tăng Triệu, Tăng Duệ v.v. đều là các vị thánh tăng giảng nghĩa, tán dương Kinh Pháp Hoa. Tiếp sau, có các Ngài Quang Trạch, Thiên Thai, Gia Tường là các bậc triết gia nghiên cứu, chú thích.
Nguyên bản Kinh Pháp Hoa mà ba bản Hán dịch hiện còn hay không thì chưa rõ, nhưng gần đây, nguyên bản ấy đã được phát hiện ở nước Nepal và các nước khác, tuy chỗ dư, chỗ thiếu có khác nhau, nhưng nội dung đại thể cũng giống với nguyên bản của Thiêm phẩm Pháp Hoa. Đặc biệt, gần đây nguyên văn Phạm bản Kinh Pháp Hoa lại được phát hiện ở các nước Tây Vực, nơi Phật giáo lưu hành, thêm với các bản ngữ dịch của các nước Quy Tư (Kucha), Vu Điền, Tây Tạng, cũng có chỗ dư, chỗ thiếu rất là phức tạp. Ngoài ra lại còn các bản dịch của chữ Mông Cổ, Mãn Châu, Cao Ly, Nhật Bản và Việt Nam. Như vậy sự nghiệp phiên dịch và truyền bá Kinh Pháp Hoa thật là thịnh hành.
Gần đây, các nhà học giả về Phạm ngữ của Âu Tây đua nhau cạnh tranh phát triển. Như Hodgson đã phát hiện được nguyên bản Phạm ngữ Kinh Pháp Hoa trong Phạm ngữ Phật điển ở Nepal. Năm 1852, nhà học giả Phạm ngữ đầu tiên của nước Pháp là Burnouf đã phiên dịch Kinh Pháp Hoa từ chữ Phạm ra tiếng Pháp, gọi là Le Lotus de la Bonne Loi. Tiếp theo, năm 1884, nhà Thạc học nước Hà Lan (Holland) là Kern, dịch Kinh Pháp Hoa từ chữ Phạm ra tiếng Anh, gọi là The Lotus of the True Law. Bộ kinh này được thu vào quyển thứ 21 trong pho sách Đông Phương Thánh Thư (Sacred Books of the East). Năm 1913, hai nhà Thạc học Kern của Hà Lan và Nam Điều Văn Hùng (Nanjo Fumio) của Nhật Bản, đem các Phạm bản cũ đã có và các đoạn rời rạc còn sót lại Phạm bản mới khai quật được ở các nước, so sánh, đối chiếu soạn thành Phạm Văn Pháp Hoa, gọi là Saddharma-puṇḍarīka-sūtra. Kinh Pháp Hoa cũng được dịch trực tiếp từ chữ Phạm sang tiếng Nhật, vào năm 1913, Tiến sĩ Nanjio Fumio và Izumi, nương theo Phạm bản Kinh Pháp Hoa của Nepal để dịch, gọi là Phạm Hán Đối Chiếu Tân Dịch Pháp Hoa Kinh (Kinh Pháp Hoa mới dịch đối chiếu chữ Hán và chữ Phạm). Tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cũng nương vào bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, gọi là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Âm Nghĩa, do Giáo hội Tăng già Việt Nam tái bản lần thứ ba, năm 1963.
Tóm lại, tên Kinh Pháp Hoa, nguyên danh là Saddharma-puṇḍarīka-sūtra. Puṇḍarīka nghĩa là “hoa sen trắng” (bạch liên hoa). Chữ Sad nghĩa là “chính”, là “diệu” v.v. nên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa còn gọi là Kinh Diệu Pháp Hoa, gọi tắt là Pháp Hoa, gọi đầy đủ là “Diệu Pháp Liên Hoa, Giáo Bồ Tát Pháp, Phật Sở Hộ Niệm”. Vậy kinh này lý do nào lại có tên gọi Kinh Diệu Pháp Liên Hoa? Để giải thích rõ lý do ấy, Thiên Thai Trí Giả Đại sư, Ngài đã giải thích ý nghĩa huyền diệu của kinh làm năm phần: “danh”, “thể”, “tông”, “dụng”, “giáo”, gọi là “ngũ trùng huyền nghĩa”. Muốn nghiên cứu, học tập Kinh Pháp Hoa ta cần phải đọc kỹ ba tác phẩm của Trí Giả Đại sư là: Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán.