Phẩm này và phẩm Nhân ký ở sau, đều thuộc đoạn thọ ký của Nhân duyên chu. Ba vòng thuyết pháp, Pháp thuyết chu, Thí dụ chu, Nhân duyên chu đều có bốn đoạn: Chính thuyết, lĩnh ngộ, thuật thành và thọ ký, nhưng Nhân duyên chu, trong kinh văn tỉnh lược hai đoạn lĩnh ngộ và thuật thành. Phẩm trước đã nói đoạn chính thuyết, phẩm này nói đoạn thọ ký.
Bắt đầu phẩm này, ông Phú Lâu Na đại biểu cho hàng hạ căn, mặc niệm lĩnh ngộ. Sau Đức Phật nói về bản tích của ông Phú Lâu Na và trao ký biệt, sau nữa thọ ký cho tất cả 1.200 người. Nhóm các ông Kiều Trần Như và 500 người đều được thọ ký cùng một danh hiệu Phổ Minh Như Lai. Người cùn nhụt nhất là ông Sa Già Đà (Bàn Đặc) tôn giả cũng trong nhóm này.
Sau Phật truyền dạy cho ông Ca Diếp, tất cả hàng Thanh văn ở trong hội này, đều được thọ ký. Cuối cùng, 500 đệ tử rất cảm kích, nói ra thí dụ Hệ châu, hiểu rõ ơn sâu của Phật, nên phẩm này có tên là Ngũ bách đệ tử thọ ký.
Biểu đồ nội dung phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký
Phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký. Chữ “thọ” có hai nghĩa, nếu từ lập trường phía đệ tử nghĩa là nhận, từ lập trường phía Phật, nghĩa là trao.
Ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử (Pūrṇa-maitrāyaṇīputra), trong hàng đệ tử Phật, được gọi là “thuyết pháp đệ nhất”. Ông theo Phật được nghe Phật dạy, trí tuệ, phương tiện, ứng với trường hợp và căn cơ. Lại được nghe các đại đệ tử đã được thọ ký thành Phật, lại được nghe sự kiện nhân duyên sâu đậm từ ở đời trước, được nghe sức thần thông đại tự tại của chư Phật, tâm trở nên thanh tịnh, hớn hở vui mừng, liền từ tòa ngồi đứng dậy, tới trước Phật, lễ sát chân Phật, rồi lui về đứng một bên, chiêm ngưỡng Phật mà nghĩ rằng:
“Đức Thế Tôn, một bậc tôn quý lạ thường, thật là hiếm có. Vì cứu khổ cho hết thảy chúng sinh, mà Ngài tùy thuận thế gian, đem tri kiến phương tiện, nói ra các pháp thích ứng với bao chủng tính, để chúng xa lìa mọi tham đắm. Nên công đức của Phật, thật không thể đem lời nói diễn tả hết. Chỉ có Phật mới biết được tấm lòng sâu kín, mong muốn đạt tới cảnh giới Phật của chúng con”.
Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Các ông có thấy ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử này chăng? Ta thường khen ông là người thuyết pháp giỏi nhất. Ta còn tán thán bao thứ công đức, tinh tiến hộ trì chính pháp để chỉ bảo lợi ích trong tứ chúng, giải thích đầy đủ chính pháp của Phật, ích lợi lớn lao cho người cùng tu phạm hạnh của ông. Từ lúc ông xa cách Như Lai, không bao giờ ngơi nghỉ biện tài ngôn luận đó. Các ông chớ nghĩ ông Phú Lâu Na chỉ hay tuyên dương, hộ trì pháp của ta, ông cũng còn hộ trì tuyên dương chính pháp của Phật, ở nơi 90 ức chư Phật đời quá khứ, trong các người thuyết pháp kia, ông cũng là đệ nhất. Ông lại còn thông suốt các pháp không nơi chư Phật đã nói. Được tứ vô ngại trí thường hay xem xét kỹ càng, nói pháp thanh tịnh, không có ngờ vực. Đầy đủ sức thần thông của Bồ tát, thường tu phạm hạnh nương theo vào thọ mệnh”.
Phạm hạnh, một trong năm hạnh của Bồ tát. Năm hạnh:
1) Thánh hạnh: giữ giới, tu thiền định, nghiên cứu Phật pháp.
2) Phạm hạnh: bỏ hết thảy danh lợi thế gian, cùng hòa đồng với hàng ngũ phàm tục ở đời, nhưng tâm vẫn luôn luôn thanh tịnh.
3) Thiên hạnh: nghiên cứu về lý của thiên nhiên, tự nhiên, làm rõ ý nghĩa của nhân sinh.
4) Anh nhi hạnh: không bộc lộ phần trí tuệ thù thắng nơi tự mình, xem mình như đứa trẻ nhỏ, cùng với mọi người trong xã hội, để cần cầu Phật pháp.
5) Bệnh hạnh: tự mình cùng với mọi người ở thế gian, cùng mang một tâm bệnh giống nhau, để cùng với mọi người tìm hiểu Phật pháp. Đó là ý nghĩa, Bồ tát thường che đậy phần trí tuệ, đức độ của tự mình, hạ thấp thân mình ở cùng cảnh ngộ với mọi người để dụ dẫn nhiếp hóa họ.
Phật lại nói tiếp: “Này các Tỳ-kheo! Ông Phú Lâu Na, trong các người thuyết pháp ở bảy vị Phật, cũng là đệ nhất, nay trong những người thuyết pháp ở chư Phật đời vị lai trong Hiền kiếp, cũng là đệ nhất, đều hộ trì và tuyên dương Phật pháp... Thường siêng năng giáo hóa chúng sinh. Dần dần đầy đủ đạo Bồ tát, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, sẽ ở cõi này, được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, hiệu là Pháp Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn...
Chúng sinh ở nước này, thường dùng hai thức ăn, một là Pháp hỷ thực, hai là Thiền duyệt thực. Có vô lượng a-tăng-kỳ, thiên vạn ức na-do-tha Bồ tát chúng, được đại thần thông, bốn trí vô ngại, khéo giáo hóa các loại chúng sinh. Còn chúng Thanh văn, tính toán so lường cũng không thể biết hết được. Đều được đầy đủ Lục thông, Tam minh và Bát giải thoát. Cõi nước Phật đó có vô lượng công đức như thế, trang nghiêm thành tựu. Kiếp gọi là Bảo Minh, nước tên là Thiện Tịnh. Thọ mệnh Đức Phật đó lâu vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Pháp trụ ở đời rất lâu. Sau khi Phật diệt độ, được dựng tháp bằng bảy thứ báu, cùng khắp trong nước”.
Đó là miêu tả về đức của Phật đó thật là vĩ đại. Tới đây, Phật thọ ký cho ông Phú Lâu Na đã xong. Ở bất cứ thời nào, ông Phú Lâu Na cũng là bậc “thuyết pháp đệ nhất”.
Tới đây, Phật bảo ông Ma Ha Ca Diếp: 1.200 A-la-hán, hiện đang ở trước ta, cũng lần lượt được thọ ký Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Có cùng một tên hiệu là Phổ Minh Như Lai.
Trong phẩm Phương tiện có 5.000 người đã rời bỏ chỗ ngồi, ra khỏi pháp tịch. Đối với các người này, Phật sai ông Ca Diếp, bảo cho họ biết là đều đã được thọ ký:
“Ông Ca Diếp đã biết còn 5.000 người tự tại không biết. Các Thanh văn chúng khác cũng sẽ lại như thế, vì chúng không có mặt trong hội này, nay ông bảo cho chúng biết”.
Lúc bấy giờ 500 A-la-hán, đã được thọ ký, vui mừng khôn xiết, liền rời tòa ngồi tới trước Phật, nói thí dụ Y lý hệ châu (ngọc châu buộc trong chéo áo) để trình bày về tâm cảnh của tự mình. Đây là thí dụ thứ năm trong bảy dụ của Kinh Pháp Hoa.
“Bạch Thế Tôn! Chúng con thường khởi lên suy nghĩ, tự bảo mình đã được cứu cánh diệt độ. Nay mới biết đó, như là người không có trí. Tại sao? Vì chúng con đáng lý được trí tuệ của Như Lai, mà nay tự lấy tiểu trí cho là đã đủ. Thế Tôn! Ví như có người nghèo cùng đến nhà bạn thân, uống rượu say nằm ngủ. Khi ấy người bạn thân, có việc đi gấp, lấy hòn ngọc quý vô giá, buộc trong chéo áo cho, rồi ra đi. Người say nằm ngủ, đều không hay biết. Khi tỉnh dậy bèn đi đến một nước khác. Phải tìm kiếm cơm ăn áo mặc rất gian nan vất vả, nên dù được một chút ít đã cho là đầy đủ mà không biết mình có ngọc báu trong chéo áo. Người bạn thân cho ngọc, sau lại gặp người nghèo, trách mình bị khốn khó, liền chỉ cho biết nơi cất viên ngọc. Người nghèo thấy viên ngọc, tâm rất vui mừng, trở thành giàu có. Chúng con cũng lại như thế. Nay được Đức Thế Tôn, giác ngộ cho chúng con như thế này: ‘Này các Tỳ-kheo, nơi sở đắc của các ông, không phải là cứu cánh diệt độ. Ta đã khiến các ông trồng căn lành từ lâu, vì dùng phương tiện, chỉ cho tướng Niết-bàn, mà các ông bảo là đã là diệt độ thực’. Bạch Thế Tôn! Nay chúng con mới biết, thực là Bồ tát, được thọ ký Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Bởi nhân duyên này, nên chúng con rất vui, tưởng chưa từng có”.
Hết phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký