Phẩm này cũng thuyết minh phần thọ ký cho hàng hạ căn. Vì chỗ lần lượt thỉnh cầu của hai ông A Nan, La Hầu La và 2.000 người thuộc chúng “học” và “vô học”, xin được thọ ký. Sau khi ông A Nan đã được thọ ký, đối với nơi ngờ vực của 8.000 Bồ tát, Phật lại nói về bản tích của ông A Nan, để hiển rõ diệu chỉ thâm sâu phần khai hiển của kinh này. Bởi thế, hai ông A Nan và La Hầu La đã bạch: “Ngã nguyện ký mãn, chúng vọng diệc túc”. Nghĩa là nguyện chúng con đã viên mãn, lòng mong mỏi của đại chúng cũng trọn vẹn.
Biểu đồ nội dung phẩm Thọ học vô học nhân ký
Tên phẩm này là Thọ học vô học nhân ký. Người học là người còn phải học nhiều. Người vô học, đã học xong, không còn phải học nữa.
Trong phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký ở trước, 500 A-la-hán đã được ấn chứng sẽ thành Phật. Hai ông A Nan, La Hầu La thấy vậy tự mình mừng thầm, cũng có thể được Phật thọ ký như các vị kia. A Nan là em họ Phật, sau trở thành đệ tử, thường theo hầu bên Phật; La Hầu La, trước là con Phật, sau theo Phật xuất gia. Hai ông đều lễ Phật và khẩn thỉnh rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con ở nơi đây, cũng nên có phần. Chỉ có Như Lai, là nơi nương tựa hướng về của chúng con. Lại nữa, chúng con là người tri thức của thiên, nhân, A-tu-la, của hết thảy thế gian. A Nan thường làm thị giả, hộ trì pháp tạng. La Hầu La là con của Phật nên được Phật thọ ký Vô thượng Chính đẳng Chính giác thì nguyện của chúng con được viên mãn, lòng mong mỏi của đại chúng cũng đầy đủ”.
Rồi còn lại, các chúng Học và Vô học gồm 2.000 người, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, chắp tay một lòng chiêm ngưỡng Phật, đứng về một bên, cũng cùng nguyện vọng như hai ông A Nan và La Hầu La.
Trước hết, Phật trao ký biệt cho ông A Nan, tên là Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, nước gọi là Thường Lập Thắng Phan, kiếp là Diệu Âm Biến Mãn.
Khi đó, cùng nơi tòa ngồi, có Tân Phát Ý Bồ tát gồm 8.000 người, đều khởi lên ý nghĩ: “Chúng con đều là đại Bồ tát, sao vẫn không được nghe, việc thọ ký như thế. Vì nhân duyên gì mà các Thanh văn lại được bảo chứng như vậy”. Lúc đó Đức Phật xét biết tâm niệm của các Bồ tát, mà bảo rằng: “Các thiện nam tử, ta và A Nan, ở nơi Không Vương Phật, đồng thời phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề. A Nan thường thích nghe nhiều, ta thường chuyên cần tinh tiến. Bởi thế, ta đã thành Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Mà A Nan thường hộ trì pháp của ta, cũng hộ trì pháp tạng của chư Phật ở tương lai, giáo hóa thành tựu các chúng Bồ tát. Bản nguyện đó như thế, nên nay được thọ ký”.
Được nghe Phật thuyết minh nhân duyên ở quá khứ, ông A Nan rất mừng đã được Phật bảo chứng thành Phật.
Tiếp sau, Đức Phật trao ký biệt cho ông La Hầu La, tên hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai. Sau đó, Phật lại thọ ký cho 2.000 người, gồm cả Học và Vô học, đều cùng một danh hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Chúng Học, Vô học được nghe lời Phật thọ ký rất vui mừng và nói kệ để biểu ý cảm tạ:
Thế Tôn đèn tuệ sáng,
Con nghe tiếng thọ ký,
Lòng tràn đầy hoan hỷ,
Như được rưới cam lồ.
Hết phẩm Thọ học vô học nhân ký