Từ phẩm này đến phẩm An lạc thứ 14, trong năm phẩm này thuộc phần lưu thông của tích môn. Phẩm này đặc biệt khuyên về hoằng truyền lưu thông Kinh Pháp Hoa, chỉ dẫn về phương quỹ và nhân pháp của sự hoằng kinh ở đời mạt pháp.
Văn kinh trong phẩm chia ra hai loại lớn. Đoạn đầu tán thán người năng trì, đoạn cuối chỉ dẫn phương quỹ hoằng kinh và pháp sở trì. Trong đoạn đầu, trước hết nói rõ công đức của đệ tử, sau là công đức của sư môn. Quan hệ về đệ tử, nếu có một niệm tùy hỷ cũng được thọ ký. Quan hệ về sư môn, nói rõ năm thứ pháp sư: thọ trì, đọc, tụng, giải thuyết và viết chép và mười thứ cúng dường: hoa, hương, áo mặc v.v. nói rõ về thượng phẩm và hạ phẩm, pháp sư đều làm việc của Như Lai, trở thành sứ giả của Như Lai. Trong đoạn cuối, trước hết, tán thán về pháp sở trì, bao gồm nhân, pháp, sứ, nhân, quả, đưa lời thí dụ đào giếng nơi cao nguyên, để biết được đã gần chỗ giải thoát nói về phương quỹ hoằng kinh gồm ba quỹ: nhà, áo và tòa; đem ba pháp: từ, phẫn, không, để giải thích. Đó là những điểm chính trong phẩm này.
Biểu đồ nội dung phẩm Pháp sư
Biểu đồ nội dung phẩm Pháp sư
Tên phẩm này gọi là Pháp sư. Pháp sư là người hoằng truyền chính pháp của Phật ở cõi đời. Nghĩa là người tin chính pháp, thực hành theo chính pháp, tận lực hoằng truyền chính pháp của Phật đều gọi là “pháp sư”.
Ngay đầu phẩm trong văn kinh nói: Khi bấy giờ Đức Thế Tôn, nhân có Ngài Dược Vương Bồ tát, liền bảo tám vạn đại sĩ rằng: “Dược Vương! Ông thấy trong đại chúng này, có vô lượng chư Thiên, Long vương, Dạ xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn- na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thấy có người cầu Thanh văn, người cầu Bích chi Phật, người cầu Phật đạo. Các loại như thế, đều ở trước Phật, được nghe một bài kệ, một câu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, rồi đến người chỉ một niệm tùy hỷ, ta đều cho thọ ký, sẽ được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.
Phật bảo ông Dược Vương: “Lại sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người được nghe Kinh Diệu Pháp Hoa, cho đến một bài kệ, một câu hay một niệm tùy hỷ, ta cũng cho thọ ký đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.
“Nếu lại có người, thọ trì, đọc, tụng, giải thuyết, viết chép cho đến một bài kệ của Kinh Diệu Pháp Hoa, đối với kinh quyển này, cung kính coi như Phật; rồi đến chắp tay cung kính cúng dường các thứ: hương, hoa, tràng anh lạc, hương bột, hương xoa, hương đốt, bảo cái, tràng phan, y phục, kỹ nhạc. Ông Dược Vương nên biết: những người đó, đã từng cúng dường mười vạn ức Phật, ở chốn các Đức Phật, thành tựu được đại nguyện, vì thương chúng sinh mà sinh ở cõi này”.
Đây là Đức Phật nói rõ về sự tu hành của năm kiểu pháp sư và nghĩa của mười thứ cúng dường. Năm kiểu pháp sư: 1) Thọ trì, 2) Đọc, 3) Tụng, 4) Giải thuyết, 5) Viết chép. Thọ trì là phần chính hành, bản thể của tu hành. Còn đọc, tụng, giải thuyết, viết chép là phần trợ hành. Mười thứ cúng dường: 1) Hương, 2) Tràng hoa, 3) Tràng anh lạc, 4) Hương bột, 5) Hương xoa, 6) Hương đốt, 7) Bảo cái, 8) Tràng phan, 9) Y phục, 10) Kỹ nhạc.
Phật bảo ông Dược Vương: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân đó, sau khi ta diệt độ, hay vì riêng rẽ một người, chỉ nói cho họ đến một câu của Kinh Pháp Hoa, nên biết người đó là sứ giả của Như Lai. Như Lai sai làm việc của Như Lai. Nữa là người đó lại nói rộng cho mọi người trong đại chúng”.
Đó là những lời tán thán người nói Kinh Pháp Hoa. Vì các kinh điển chư Phật nói ra trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, đều tuyên cáo Kinh Pháp Hoa là đệ nhất. Thế nên người hoằng truyền ở đời pháp đệ nhất này, phải kham chịu mọi sự khốn khổ, tai nạn nên Phật đã dự báo.
“Mà chính kinh này, khi Như Lai lúc hiện tại, còn gặp nhiều oán ghét, nữa là sau khi Như Lai diệt độ”.
Nhưng, vì người cầu đạo giác ngộ, không tiếc thân mệnh để hoằng truyền, lấy tâm Phật làm tâm mình. Nhờ oai lực của Phật gia hộ, không những tránh khỏi mọi nguy nan, mà lòng tín ngưỡng, mọi nguyện vọng, sức tinh tiến đều được tăng trưởng.
Phật bảo Dược Vương Bồ tát: “Ông Dược Vương! Có nhiều người tại gia, xuất gia, làm đạo Bồ tát, nếu không thể được thấy nghe, đọc, tụng, viết chép, thọ trì, cúng dường Kinh Pháp Hoa này nên biết người đó chưa khéo làm đạo Bồ tát”.
Rồi Phật lại nói ra thí dụ để bảo Dược Vương Bồ tát:
“Ông Dược Vương! Ví như có người khát cần nước uống, đào xới để tìm nước, nơi cao nguyên kia, thấy đất còn khô, nên biết nước còn cách xa, thi công không nghỉ, dần dần thấy đất ướt, rồi đến đất bùn, tâm người đó quyết định, biết gần tới nước. Bồ tát cũng lại như thế. Nếu chưa nghe, chưa hiểu, chưa hay tu tập Kinh Pháp Hoa này, nên biết người đó, cách đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác còn xa. Nếu được nghe, hiểu, suy nghĩ, tu tập, tất biết được gần đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Sở dĩ vì sao? Vì đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác của hết thảy Bồ tát, đều thuộc kinh này. Kinh này là mở môn phương tiện, chỉ tướng chân thật”.
Sau hết Phật nói về ba phương quỹ hoằng truyền Kinh Pháp Hoa. Phật bảo Dược Vương Bồ tát:
“Ông Dược Vương! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, sau khi Như Lai diệt độ, người muốn vì bốn chúng, nói Kinh Pháp Hoa này, phải nên nói thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ nhân đó, phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng, nói rộng kinh này”.
Nhà, áo, tòa ở đây gọi là tam quỹ. Nhà của Như Lai là tâm đại từ, đại bi của hết thảy chúng sinh. Áo của Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục. Tòa của Như Lai là nhất thiết pháp Không, tự tâm thấy vạn pháp đều bình đẳng. Nghĩa là người hoằng kinh có an trụ vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, thì tâm mới không giải đãi, luôn luôn vì các hàng Bồ tát và bốn chúng mà truyền bá Kinh Pháp Hoa này.
Hết phẩm Pháp sư