Phẩm này cũng như phẩm trước đều nói về công đức thậm thâm của sự kiện hoằng truyền kinh này và khuyên dạy lưu thông cho sâu rộng. Văn kinh có hai phần trường hàng và kệ tụng trợ hiển lẫn nhau. Ý văn có ba đoạn:
Đoạn thứ nhất, Đa Bảo tháp xuất hiện, để chứng minh chỗ nói từ trước tới đây của Phật Thích Ca là chân thật. Nương vào đó, Đại Nhạo Thuyết Bồ tát nêu ra ba lần hỏi, Đức Thế Tôn ba lần trả lời.
Đoạn thứ hai, Đức Thế Tôn phóng quang triệu tập phân thân ở mười phương ba lần biến cõi nước trở nên thanh tịnh, muốn cùng với phân thân cùng dự, rồi bắt đầu mở bảo tháp và cùng vào ngồi với Phật Đa Bảo trong bảo tháp. Tất cả đại chúng nương vào sức gia trì của Như Lai, cũng đều được dự ở trên hội Hư không.
Đoạn thứ ba, đó là đoạn tập họp của Đức Thế Tôn. Ngài phóng ra âm thanh lớn để tuyển mộ các đại sĩ hoằng kinh sau khi Phật diệt độ và nói rõ thời phó chúc đã tới. Trong kệ tụng có nói rộng đoạn này gồm “Lục nan cửu dị”. Tức việc hoằng kinh có sáu việc khó khăn, chín việc dễ dàng và nhắc đến việc cùng tập họp của ba vị Phật để khuyên bảo việc lưu thông Kinh Pháp Hoa.
Biểu đồ nội dung phẩm Hiện bảo tháp
Biểu đồ nội dung phẩm Hiện bảo tháp
Phẩm Hiện bảo tháp, có thể gọi là “chứng tiền khởi hậu bảo tháp”. Nghĩa là Đa Bảo Như Lai ở trong tháp Đa Bảo chứng minh nghĩa chân thật của phần tích môn để rồi chuyển sang phần bản môn. Phẩm rất trọng yếu ở thời kỳ quá độ. Đức Phật nói phẩm Pháp sư vừa xong, thì có tháp bảy báu xuất hiện: “Khi bấy giờ ở trước Phật có tháp bảy báu chiều cao 500 do tuần, bề rộng 250 do tuần, từ trong đất mọc ra, trụ trên hư không”. Người người nhìn thấy, đều rất kinh ngạc. Rồi từ trong tháp lại phát ra âm thanh lớn:
“Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn khéo lấy trí tuệ bình đẳng, Giáo Bồ Tát Pháp, Phật Sở Hộ Niệm Diệu Pháp Hoa Kinh, để nói cho đại chúng. Như thế! Như thế! Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, như chỗ Thế Tôn đã nói, đều là chân thật”.
Đó là âm thanh của Đa Bảo Như Lai. Và, tất cả đại chúng trong hội, đều thấy bảo tháp xuất hiện, nghe tiếng nói từ trong tháp vọng ra, vừa mừng vừa sợ, đều nguyện muốn được thân cận cúng dường hình dáng vị chủ của tiếng nói trong tháp. Và Đức Phật nói rằng:
“Trong bảo tháp này, có toàn thân Như Lai. Ở thời quá khứ, cách vô lượng thiên vạn ức a-tăng-kỳ thế giới về phía Đông, có nước gọi là Bảo Tịnh. Trong nước đó có Phật hiệu là Đa Bảo... Đức Phật đó, lấy thần thông nguyện lực, ở bất cứ chốn nào trong mười phương thế giới, nếu có người nói Kinh Pháp Hoa, bảo tháp kia đều xuất hiện ở trước người đó, toàn thân ở trong tháp, nói ra lời: ‘Tốt lắm thay! Tốt lắm thay!’”.
Phật bảo ông Đại Nhạo Thuyết: “Nay tháp của Đa Bảo Như Lai, vì nghe nói Kinh Pháp Hoa, từ đất mọc ra, mà khen rằng: ‘Tốt lắm thay! Tốt lắm thay!’”.
Lúc đó Đại Nhạo Thuyết Bồ tát, nương nhờ thần lực của Như Lai, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nguyện của chúng con, muốn được thấy thân Phật này”. Phật bảo Đại Nhạo Thuyết Bồ tát Ma ha tát: “Phật Đa Bảo này, có nguyện sâu nặng: ‘Nếu bảo tháp của ta, vì nghe Kinh Pháp Hoa, khi hiện ra trước chư Phật, nếu có vị Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho tứ chúng, thời chư Phật phân thân của vị Phật kia, thuyết pháp ở mười phương thế giới đều phải tập họp hết lại ở một nơi, rồi sau đó thân ta mới xuất hiện’. Ông Đại Nhạo Thuyết! Chư Phật phân thân của ta thuyết pháp ở mười phương thế giới, nay đều sẽ họp lại”.
Đại Nhạo Thuyết Bồ tát bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện, muốn được thấy chư Phật phân thân của Thế Tôn, để lễ bái cúng dường”.
Tới đây, Đức Phật từ thân phóng ra hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Chư Phật từ nơi mười phương thế giới biết được hào quang ấy là mệnh lệnh triệu tập phân thân chư Phật trở về nơi Phật Thích Ca. Rồi các vị Phật ấy đều tự mang một vị đại Bồ tát làm thị giả, đều trở về họp ở cõi Ta-bà thế giới này. Số lượng đó quả thật có vô biên vô số. Ở nơi đây, Đức Phật Thích Ca, lấy ngón tay phải, mở bảo tháp kia, “vang ra âm thanh lớn, như tháo khóa cửa, mở cửa thành lớn”. Và thấy Đa Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử, bên trong bảo tháp, phát ra tiếng nói:
“Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Phật Thích Ca Mâu Ni, hoan hỷ vui thích nói Kinh Pháp Hoa. Bởi ta vì nghe kinh này, mà tới nơi đây”. Tiếng lớn này, đã thấu triệt đến tận đáy lòng và gây cảm kích sâu đậm cho tứ chúng. Rồi Đa Bảo Như Lai chia nửa tòa ngồi mời Phật Thích Ca. Phật Thích Ca liền vào bên trong tháp, cùng ngồi với Đa Bảo Như Lai, dùng âm thanh lớn, hướng trước đại chúng, truyền lệnh hoằng Kinh Pháp Hoa cho sâu rộng ở thế giới Ta-bà này: “Nay chính là thời. Như Lai chẳng bao lâu, sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem Kinh Pháp Hoa này, phó chúc cho mọi người có mặt trong chúng hội”.
Tiếp tục, Đức Phật nói pháp môn “Lục nan cửu dị”: Tức người hoằng truyền Kinh Pháp Hoa ở thời mạt pháp có sáu việc khó khăn, chín việc dễ dàng.
Trước hết, Đức Phật nói về công đức hoằng Kinh Pháp Hoa này ở đời mạt pháp cần phải phát khởi đại nguyện. Ngài nói:
“Chư thiện nam tử! Đều nghe cho kỹ. Đây là việc khó, phải phát đại nguyện”.
Việc hoằng Kinh Pháp Hoa, Đức Phật chỉ dạy, là việc rất khó khăn, cần phải kiên trì, không thể cẩu thả mà thành tựu. Vì ở thế gian người hoằng kinh gặp rất nhiều việc vô cùng khó khăn làm cản trở. Rồi Đức Phật nhắc ra chín việc khó, nhưng những việc khó này, nếu đem so sánh với việc khó khăn lớn của việc hoằng Kinh Pháp Hoa, thì những việc khó đó cũng vẫn là dễ dàng. Thí dụ, lấy tay xách núi Tu Di, quẳng sang thế giới khác; hay lấy ngón chân làm rung động toàn thế giới, đó là những việc khó khăn phi thường. Nhưng những việc khó khăn như thế, nếu đem so sánh với việc rất khó khăn của người thực hành sáu việc hoằng Kinh Pháp Hoa ở đời mạt pháp, thì việc hoằng kinh này chính là những việc khó ở trong các cái khó. Sáu việc khó: 1) Thuyết kinh khó; 2) Thư trì khó; 3) Tạm đọc khó; 4) Thuyết pháp khó; 5) Thính thọ (nghe nhận) khó; 6) Phụng trì kinh khó.
Đức Phật nói Lục nan cửu dị xong. Tiếp đó Ngài nêu lên công đức cao cả, rộng lớn vô lượng vô biên của người hoằng kinh. Ngài nói:
Kinh này khó trì,
Nếu người tạm trì,
Ta liền hoan hỷ,
Chư Phật cũng vui.
Những người như thế,
Được chư Phật khen.
Là người dũng mãnh,
Là người tinh tiến.
Gọi là trì giới,
Làm hạnh đầu đà.
Mau chóng sẽ được,
Phật đạo vô thượng.
Người ở đời sau,
Đọc trì kinh này,
Là chân Phật tử,
Ở ngôi thuần thiện.
Sau Phật diệt độ,
Hiểu rõ nghĩa kinh.
Là con mắt sáng,
Thế gian trời người.
Ở đời ác này,
Nói trong giây phút,
Được cả trời người,
Đều tới cúng dường.
Ở phẩm Hiện bảo tháp này, Đức Phật, đối với đại chúng hoằng kinh trong đời mạt pháp ở cõi Ta-bà thế giới, trước hết là việc xuất hiện bảo tháp của Đa Bảo Như Lai và sự tập họp phân thân của chư Phật ở mười phương là những sự kiện thật bất khả tư nghì. Đa Bảo Như Lai nương vào Thích Ca Mâu Ni Như Lai để biểu hiện phần chân lý đã chứng ngộ. Chân lý gọi là chân như. Từ chân như mà lại, nên gọi là Như Lai. Vì vậy Đa Bảo Như Lai và Thích Ca Như Lai, ngồi trong bảo tháp, nói Kinh Pháp Hoa, đó là biểu thị nghĩa chân lý chân thật nhất như. Theo kinh văn, đại chúng đã nhìn thấy hai vị Như Lai, Đa Bảo và Thích Ca, đều cùng ngồi sánh hàng trên tòa sư tử trong bảo tháp nên đều nghĩ: “Phật ngồi trên tòa cao xa. Kính xin Đức Như Lai dùng sức thần thông, khiến tất cả chúng con, đều ở chốn hư không”. Tức thời Phật Thích Ca Mâu Ni dùng sức thần thông, tiếp chư đại chúng, đều ở trên hư không. Đó là tòa hội họp của Kinh Pháp Hoa từ mặt đất núi Linh Thứu đã dời lên hư không. Từ phẩm này cho tới phẩm Chúc lụy thứ 22, gọi là “Hư không hội thuyết pháp”. Hội tọa của Pháp Hoa gọi là “Nhị xứ tam hội” (ba hội thuyết ở hai nơi). Nhị xứ tam hội là hội trên mặt đất ở núi Linh Thứu lúc đầu và lần cuối, còn đây là hội ở hư không. Ở hội Hư không đầu tiên, Đức Phật ủy chúc cho tứ chúng việc hoằng truyền Kinh Pháp Hoa ở thế giới Ta-bà này.
Hết phẩm Hiện bảo tháp