Phẩm này thuộc đoạn thứ hai của tích môn lưu thông, trần thuật về việc hoằng kinh của Đề Bà và sự thành đạo của Đức Thế Tôn ở thời trước; sự kiện hoằng kinh của Ngài Văn Thù và sự thành Phật của Long Nữ thời nay, để dẫn chứng những sự kiện công đức sâu dày của việc hoằng kinh, nêu rõ phần ích lợi kia đây.
Trong phẩm có hai đoạn lớn. Đoạn trước là phần bàn việc thời xưa, đoạn sau bàn việc thời nay. Đoạn trước, Đức Thế Tôn và Đề Bà là nhân vật trung tâm. Đoạn sau, Ngài Văn Thù và Long Nữ là nhân vật trung tâm. Đoạn trước, thọ ký thành Phật cho ác nhân Đề Bà. Đoạn sau thọ ký thành Phật cho súc sinh Long Nữ. Đoạn trước nói về tu khổ hạnh hái quả, múc nước, nhặt củi của Thích Ca rất khó khăn; đoạn sau, nói sự lập tức chứng đạo của súc sinh Long Nữ rất dễ dàng. Đoạn trước và đoạn sau cùng chiếu ứng với nhau để biểu thị cái công đức sâu dày của người hoằng thông kinh này.
Biểu đồ nội dung phẩm Đề Bà
Biểu đồ nội dung phẩm Đề Bà
Phẩm này lấy tên Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) làm tên phẩm. Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật, anh của A Nan. Khi còn thiếu thời, ông là đối thủ cạnh tranh với Phật và sau lại gây nhiều điều bức hại Phật.
Trong phẩm chia ra hai đoạn. Đoạn trước biểu thị Đề Bà Đạt Đa là người thù địch của Phật, nhưng rồi sau cũng được thành Phật. Đoạn cuối nói về con gái của Long Vương, theo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, học Kinh Pháp Hoa, sau cũng được thành Phật.
Trước hết nói về tiền đề thành Phật của Đề Bà Đạt Đa, trần thuật về câu chuyện giữa Đàn Vương và A Tư tiên nhân. Đàn Vương đã là tiền thân của Đức Phật, một ông vua nổi tiếng về thực hành Bồ tát đạo một cách phi thường. Nhưng vua vẫn chưa thỏa mãn, tâm còn mong đạt đến cảnh giới Phật, nên vừa truyền ngôi báu cho Thái tử, rồi đi khắp thiên hạ tìm thầy học đạo và tuyên bố:
“Ai là người hay vì ta nói pháp Đại thừa, ta sẽ đem trọn thân mình để cung cấp, phục dịch”. Khi đó A Tư tiên nhân, tới chốn vua và nói:“Nếu không trái ý ta, ta sẽ truyền cho đạo thành Phật”. Vua nghe thấy thế, rất vui mừng, liền theo tiên nhân, cung cấp các việc thiết yếu, như: “hái quả, múc nước, nhặt củi, nấu ăn, rồi đến đem thân làm giường ngồi, thân tâm không hề mỏi mệt”.
Vì tâm nhiệt thành cầu diệu pháp tu hành, tinh tiến không thoái chuyển, mong đạt tới cảnh giới Phật, cứu độ cho hết thảy chúng sinh đều thành Phật: “Vì tất cả chúng sinh, mới cần cầu đại pháp”.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đàn Vương lúc bấy giờ là tiền thân của ta, tiên nhân lúc đó là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa. Vì Đề Bà Đạt Đa luôn luôn là người làm trở ngại lưu truyền Phật pháp và bách hại ta. Nhưng Đề Bà Đạt Đa lại là thiện tri thức của ta, vì đã khiến ta thành tựu được Vô thượng Chính đẳng Chính giác, Đề Bà Đạt Đa qua vô lượng kiếp sau cũng sẽ được thành Phật, hiệu là Thiên Vương Như Lai. Thế giới gọi là Thiên Đạo”.
Trong lúc đó, có Trí Tích Bồ tát, thị giả của Đa Bảo Như Lai, bạch Phật Đa Bảo xin trở về bản độ. Đức Phật Thích Ca ngăn rằng: “Hãy đợi trong giây phút, ở đây có Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, để cùng gặp nhau cùng bàn diệu pháp, rồi hãy trở về bản độ”.
Khi đó, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và các Bồ tát tùy tùng giáo hóa pháp Đại thừa ở Long cung nơi biển kia đều xuất hiện, lễ Phật rồi, tới chỗ Trí Tích Bồ tát.
Trí Tích Bồ tát hỏi Văn Thù Sư Lợi: “Nhân giả tới Long cung, số chúng sinh giáo hóa được bao nhiêu?”. Văn Thù Sư Lợi đáp: “Số đó vô lượng, không thể tính kể, không thể nói hết, không thể lường được”. Trí Tích Bồ tát nghe thế, rất cảm động và nói kệ tán thán:
Đại trí đức mạnh mẽ,
Hóa độ vô lượng chúng.
Nay trong đại hội này,
Và tôi đều đã thấy,
Diễn nói pháp thật tướng,
Khai xiển đạo Nhất thừa.
Độ khắp các quần sinh,
Khiến mau thành Phật đạo.
Văn Thù Sư lợi nói: “Trong số hóa độ, có con gái của Long Vương theo học Kinh Pháp Hoa, sẽ đến đạo Bồ-đề”. Lúc ấy, trước hết Trí Tích Bồ tát và tất cả đại chúng trong pháp hội đều nghi ngờ rằng, người nữ tội chướng sâu nặng, trí tuệ lại kém nam nhân, tại sao con gái của Long Vương mới tám tuổi, nương vào Kinh Pháp Hoa mà đã được trí tuệ Phật. Thật không thể dễ dàng tin được và nói:
“Ta thấy Thích Ca Như Lai, trải vô lượng kiếp, làm hạnh khó làm, chứa công góp đức, cầu đạo Bồ tát, chưa từng tạm nghỉ... nên không thể tin người con gái này, chỉ trong giây phút liền chứng được chính giác”.
Trong lúc mọi người đương suy nghĩ ngờ vực, thì Long Nữ xuất hiện, cung kính nói kệ, tán thán đức của Phật và tin tưởng tự mình tất thành tựu được trí tuệ Phật, liền thưa rằng:
Lại nghe thành Bồ-đề,
Duy Phật mới chứng biết.
Ta xiển giáo Đại thừa,
Độ thoát khổ chúng sinh.
Đồng thời Long Nữ cũng đem một bảo châu, dâng lên cúng Phật. Đức Phật hoan hỷ nhận ngọc châu, rồi Long Nữ nói với Trí Tích Bồ tát và Xá Lợi Phất rằng: “Tôi hiến bảo châu, Đức Thế Tôn nạp thọ, việc đó mau không?” - Đáp: “Rất mau”. Long Nữ nói: “Lấy sức thần của các Ngài, xem tôi thành Phật, lại mau hơn việc đó”.
Đúng lúc đó, mọi người trong chúng hội đều thấy Long Nữ, chỉ trong khoảnh khắc biến thành nam tử chứng đặng Phật thân, để biểu thị cho lời nói của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát là đúng sự thật. Và cũng để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, nếu tin Kinh Pháp Hoa, thực hành Bồ tát đạo, tất sẽ được thành Phật, không chút nghi ngờ.
Trong phẩm Đề Bà, sự thành Phật của Đề Bà Đạt Đa là trường hợp cụ thể của ác nhân thành Phật. Sự thành Phật của Long Nữ là trường hợp cụ thể của nữ nhân thành Phật.
Hết phẩm Đề Bà Đạt Đa