Phẩm này thuộc đoạn thứ ba của tích môn lưu thông. Phẩm thuyết minh về khuyến tiến lưu thông ở cõi Ta-bà này. Trong văn trước sau chia thành hai đoạn: Đoạn trước, do lời khẩn thiết giáo huấn của Phật, tất cả đại chúng đều cảm động, có hai vạn Bồ tát thệ nguyện hoằng kinh ở cõi này và 500 A-la-hán, 8.000 Thanh văn gồm Hữu học, Vô học đều phát nguyện hoằng kinh ở cõi khác. Di mẫu của Phật là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tỳ-kheo-ni và Thánh phi Da Du Đà La Tỳ-kheo-ni cũng được thọ ký và cũng thệ nguyện hoằng kinh ở cõi khác. Đây là đoạn thọ trì.
Đoạn sau, nương vào chỗ mặc nhiên khuyến tiến của Như Lai, 80 vạn ức na-do-tha Bồ tát cũng phát lời thệ nguyện hoằng kinh ở mười phương thế giới, xin chỗ gia trì của Như Lai và nói kệ, trần thuật việc nhẫn nại ba địch, nương theo ba phương quỹ, hết lòng chí thành, trọng pháp xem nhẹ thân mình, cầu thỉnh được thọ trì kinh. Đây là đoạn khuyến trì.
Biểu đồ nội dung phẩm Khuyến trì
Tên phẩm là Khuyến trì, có ý nghĩa khuyên trì Kinh Pháp Hoa, trì nói rõ là thọ trì, tin nhận sâu xa lời dạy của Phật và giữ niềm tin liên tục không gián đoạn.
Kinh Pháp Hoa là kinh tối cao của Đại thừa Phật giáo, chỉ dạy con đường thành Phật cho mọi người. Trong kinh thường khuyên mọi người tu hành Bồ tát đạo, tận lực vì con người, vì cuộc đời, cảm hóa trở thành an vui tốt đẹp. Bởi thế, người có chí cao cả thọ trì Kinh Pháp Hoa, tận lực, quyết tâm hoằng truyền, dù gặp khó khăn gian nan cũng không thoái chuyển.
Phẩm này nói khuyến trì, không phải Đức Phật trực tiếp khuyên, mà là các đại Bồ tát, như Dược Vương Bồ tát, Đại Nhạo Thuyết Bồ tát, đối trước Đức Phật, phát ra lời thệ nguyện xin Phật hứa khả cho hoằng truyền Kinh Pháp Hoa ở đời mạt pháp dù gặp mọi khó khăn, gian nan cũng kham chịu đựng: “Tuy rất khó giáo hóa, chúng con sẽ khởi sức đại nhẫn để thọ trì, đọc tụng, viết chép và cúng dường các loại cho kinh này, mà chẳng tiếc thân mạng”.
Các Bồ tát này đã trần thuật lời thề nguyện. Tiếp đó, Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tỳ-kheo-ni và Da Du Đà La Tỳ-kheo-ni cũng được thọ ký. Đó là những người được thọ ký cuối cùng ở hội Linh Sơn.
Ma Ha Ba Xà Ba Đề là di mẫu của Phật, em của Ma Da (Māyā) phu nhân. Ma Da phu nhân, sau khi sinh Đức Phật, được bảy ngày thì mất. Cha là Tịnh Phạn Vương lấy người em của Ma Da phu nhân làm hậu phi để chăm sóc nuôi dưỡng Đức Phật. Ma Ha Ba Xà Ba Đề có tên là Đại Ái Đạo. Da Du Đà La Tỳ-kheo-ni là chính phi khi Đức Phật còn là Thái tử, là mẹ của La Hầu La (con Đức Phật). Về phía nữ lưu, hai người trở thành đệ tử Phật sớm nhất.
Sau khi Phật thành đạo ít năm, Tịnh Phạn Vương, người cha đã 98 tuổi, già yếu, suy nhược, Đức Phật liền cấp tốc trở về nước, thuyết pháp cho phụ vương nghe, phụ vương được nghe lời giáo huấn, trong tâm mãn nguyện, thảnh thơi quy tịch. Tang lễ của Tịnh Phạn Vương được cử hành, Đức Phật thực hiện là người con hiếu, chính tự Ngài đã bưng lò hương đi trước di hài tới nơi hỏa táng.
Trong khi đó, thần dân cảm đức giáo hóa của Phật, đều phát tâm quy y. Trong đó, có nhiều người khẩn thiết xin xuất gia tu đạo. Kiều Đàm Di và Da Du Đà La cũng được phép xuất gia vào dịp này.
Từ trước tới đây, Đức Phật đã thọ ký cho nhiều đệ tử, nhưng hầu hết là thọ ký cho nam giới. Long Nữ thành Phật xuất hiện, là điều xác nhận nữ giới cũng có thể thành Phật. Ở đây, Đức Phật đối với Kiều Đàm Di và Da Du Đà La, vì đã không được thọ ký, nên Ngài lường biết trong tâm của hai người không được vui.
Đức Phật bảo Kiều Đàm Di: “Ta trước đã nói tổng quát hết thảy Thanh văn đã được thọ ký. Nếu nay ngươi muốn biết việc thọ ký ấy, thì ở đời tương lai, ngươi sẽ làm đại pháp sư trong pháp của sáu vạn tám ngàn ức chư Phật... Dần dần như thế, ngươi thực hành đầy đủ Bồ tát đạo, sẽ được thành Phật, hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Như Lai”.
Đối với Da Du Đà La, Đức Phật bảo: “Ngươi ở đời mai sau, trong pháp của trăm ngàn vạn ức chư Phật, tu hạnh Bồ tát, làm đại pháp sư, dần dần đầy đủ Phật đạo, ở trong thiên quốc, sẽ được thành Phật, hiệu là Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai”.
Tới đây, những người đã được Phật thọ ký, đều tận lực hoằng Kinh Pháp Hoa, đều hạ quyết tâm, không tiếc thân mạng. Đại biểu trong số này là tám mươi vạn ức na-do-tha Bồ tát, ở trước Phật thệ nguyện, hoằng kinh ở đời mạt pháp, nói trong 20 bài kệ.
Trong kệ nói rõ người hoằng Kinh Pháp Hoa ở đời mạt pháp, gặp nhiều trở ngại và nêu ra ba loại hình trong thực tế: 1) Tục chúng tăng thượng mạn; 2) Đạo môn tăng thượng mạn; 3) Tiếm thánh tăng thượng mạn. “Chưa chứng được đức thù thắng, nói đã chứng được, gọi là tăng thượng mạn”.
1) Tục chúng tăng thượng mạn là người tại gia ở đời mạt pháp, tin giáo ngoài Kinh Pháp Hoa, thù địch của hành giả Kinh Pháp Hoa. Đó là: “Có những người không trí, đối với hành giả Kinh Pháp Hoa, ác khẩu và chửi rủa, hoặc dùng cả dao gậy”. Đối với hạng người này, người hành giả hoằng Kinh Pháp Hoa, luôn luôn bị bức hại, nên khó thể hoàn thành được thánh nghiệp.
2) Đạo môn tăng thượng mạn là người xuất gia hoằng kinh truyền giáo lý ngoài Kinh Pháp Hoa. Trong số người này có nhiều thứ khác nhau. Trong kệ nói: “Tỳ-kheo trong đời ác, tà trí tâm quanh co, chưa được bảo là được, tâm ngã mạn đầy rẫy”. Hạng người này cũng là trở ngại cho sự nghiệp hoằng truyền Kinh Pháp Hoa.
3) Tiếm thánh tăng thượng mạn là Tỳ-kheo bề ngoài coi như thánh nhân trì giới kiên cố, nhưng trong tâm luôn luôn chỉ nghĩ đến tham danh cầu lợi, tăng gia sự bức hại hành giả Kinh Pháp Hoa. Thánh là người đã lìa hết thảy phiền não. Tiếm thánh là ông tăng trang sức coi như thánh giả, lừa dối thế gian, kết hợp với người có sức mạnh ở thế gian, làm cho thế lực của mình lớn mạnh. Trong kệ tụng nói:
Hoặc ở nơi chốn vắng,
Tu định mặc áo vá,
Tự cho là chân đạo,
Khinh rẻ người thế gian.
Vì tham đắm lợi dưỡng,
Nói pháp cho bạch y,
Để người đời cung kính,
Như Lục thông La-hán.
Người đó mang lòng ác,
Thường nghĩ việc thế gian,
Mượn tiếng “A-luyện-nhã”,
Ưa bới lỗi chúng con.
Ba loại hình trên đây là ba hạng người thù địch đối với hành giả hoằng truyền Kinh Pháp Hoa. Nhưng các Bồ tát đều nhẫn nại, cam chịu hủy báng, chẳng tiếc thân mạng, hoằng kinh để báo hồng ân của Phật. Nên các Bồ tát đều tinh tiến dũng mãnh nương theo ba phương quỹ:
Chúng con kính tin Phật,
(1) Mặc áo giáp nhẫn nhục,
Để vì nói kinh này,
Nhịn chịu mọi khó ấy.
(2) Các tụ lạc thành ấp,
Nếu có người cầu pháp,
Chúng con đều đến đó,
Nói pháp Phật phó chúc.
(3) Con sứ giả Thế Tôn,
Trong chúng không sợ hãi,
Con sẽ khéo nói pháp,
Xin Phật hãy an lòng.
Bài kệ (1) là phương quỹ “Trước nhẫn nhục y”. Kệ (2) là phương quỹ “Nhập Như Lai thất”. Kệ (3) là phương quỹ “Tọa Như Lai tọa”.
Hết phẩm Khuyến trì