Phẩm này là một trong bốn phẩm quan trọng của Kinh Pháp Hoa, cũng là đoạn thứ bốn của tích môn lưu thông. Trong phẩm trước hết, Văn Thù Bồ tát tán thán việc hoằng kinh của các thâm hạnh Bồ tát rất gian nan khó khăn, nương vào đó, để hỏi phương quỹ hoằng kinh của thiển hạnh sơ tâm Bồ tát. Do đó, Như Lai nói ra bốn hạnh an lạc là thân, khẩu, ý và thệ nguyện. Và, cần phải lấy ba pháp “chỉ”, “quán”, “từ bi” để hướng đạo bốn hạnh, nên gọi là an lạc hạnh. Chỉ là định, quán là tuệ, hai pháp này thuộc tự hành, từ bi thuộc hóa tha, rồi đưa đến “tự tha bất nhị”.
1) Về Thân an lạc hạnh thì xa lìa mười não loạn là “chỉ”. Trụ vào các pháp quán: “Chư pháp Không”, “Như thực tướng”, “Vô sở hữu tính” là “quán”. Nương vào sự lễ bái, hành đạo, đến hết thảy uy nghi đều vì mục đích lợi tha, đó là “từ bi”.
2) Về Khẩu an lạc hạnh, ngăn bốn việc là “chỉ”; duy nói Đại thừa là “quán”; hết thảy lời nói đều vận dụng lợi tha là “từ bi”.
3) Về Ý an lạc hạnh, phải xa lìa bốn thứ là tán, động, ác, tưởng ở tâm là “chỉ”. Tâm trụ nơi chính quán, nên có bốn quán đối với bốn người, đó là “quán”. Nương vào hết thảy mối niệm tu trì đều vì lợi lạc chúng sinh, đó là “từ bi”.
4) Về Thệ nguyện an lạc hạnh, coi oán thân bình đẳng là “chỉ”, không đắm trước nơi chúng sinh chỗ duyên là “quán”, phát khởi thệ nguyện cứu khổ ban vui là “từ bi”.
Như vậy, điều cốt yếu của bốn hạnh, cần phải nương vào ba pháp, tới chỗ cứu cánh của ba pháp là an trụ nơi thực tướng lý địa.
Sau phần trần thuật Thệ nguyện an lạc hạnh, có bốn phần thí dụ ngọc minh châu trong búi tóc, nói về tướng của bốn hạnh thành tựu, thanh tịnh ba chướng, tiêu diệt ba sĩ, cảm thấy diệu tướng trong mộng, khuyên việc đại lợi hoằng kinh đời mạt pháp, đều là những gương trọng yếu của người tu đạo.
Biểu đồ nội dung phẩm An lạc hạnh
Biểu đồ nội dung phẩm An lạc hạnh
Người hoằng Kinh Pháp Hoa ở đời mạt pháp, phải nhẫn chịu mọi pháp nạn như trong phẩm Khuyến trì trước đã nói. Nhưng, cái sức để thắng được hết thảy đại nạn ấy, theo chỗ chỉ dạy của phẩm này, chỉ nương vào một niềm kính tin Phật, lấy đó làm căn bản, để nhẫn chịu mọi thứ bức hại, đó là điều quan trọng, nương vào lời cầu thỉnh của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đức Phật đã nói bốn an lạc hạnh. An là an nhẫn. An nhẫn nghĩa là an tâm để chịu đựng, tiếp tục lâu dài không thay đổi cho tới khi thành tựu được đại sự. An lạc hạnh nghĩa là tâm an nhiên, bình hòa, không thay đổi, để khắc phục mọi tai nạn.
Ở đầu phẩm này, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hướng vào Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, các Bồ tát này, rất là hiếm có, vì kính thuận Phật, nên phát đại thệ nguyện, hộ trì, đọc tụng, nói Kinh Pháp Hoa ở đời ác sau này”. “Bạch Thế Tôn, các Bồ tát Ma ha tát, phải làm thế nào, để nói kinh này, ở trong đời mạt pháp?”. Do lời thỉnh cầu, Đức Phật nói ra bốn hạnh an lạc. 1) Thân an lạc hạnh. 2) Khẩu an lạc hạnh. 3) Ý an lạc hạnh. 4) Thệ nguyện an lạc hạnh.
1) Thân an lạc hạnh. Thân an lạc hạnh được chia ra làm hai phần: (1) Hành xứ; (2) Thân cận xứ. Hành xứ là căn bản để giữ thân mình, giữ cái đức nhẫn nhục, nhu hòa khéo thuận, không tranh cãi với người, quán sâu chư pháp thật tướng, không khoe với người việc mình giác ngộ. Ngoài điều kiện căn bản này trong sinh hoạt hằng ngày, đối với việc giao lưu lại nói ra mười điều: (1) Không được thân cận với quốc vương, đại thần, trưởng quan, những người có địa vị thế lực. (2) Không được thân cận với người nói tà pháp, nhà văn thế tục. (3) Không được thân cận với người làm nghề nghiệp nguy hiểm. (4) Không được thân cận với người làm nghề nghiệp sát sinh. (5) Không được học giáo lý Tiểu thừa, chỉ tu hành thanh tịnh hạnh phúc cho riêng mình, theo chủ nghĩa lợi kỷ. (6) Không được thân cận người nữ. (7) Không được thân cận hạng người ngũ bất nam. (8) Không được một mình vào nhà người. (9) Không được tỏ thái độ thân cận đối với người nữ. (10) Không được nuôi đệ tử tuổi còn nhỏ. Mười điều này, tự mình phải cảnh giới, phải luôn tu thiền định, ngừa phòng tán loạn của tâm. Đó là những điều thân cận đối với người. Ở đây ý nghĩa thân cận là người hoằng kinh phải lấy tâm bình đẳng để giáo hóa cho các quốc vương, đại thần, lực sĩ, nữ nhân hay một cá nhân nào, mà tâm không cầu cạnh, hay lợi dụng thế lực của họ mà thân cận. Đó là hành xứ và thân cận xứ của Thân an lạc hạnh.
2) Khẩu an lạc hạnh, nghĩa là phải giữ lời nói hằng ngày, không để cho phạm lỗi. Cần phải làm theo bốn việc. Thứ nhất, không được nói với người chỗ khuyết của kinh điển và lầm lỗi của người. Thứ hai, không được khinh nhờn các pháp sư khác. Thứ ba, không được nói tốt, xấu, sở trường, sở đoản của người, trường hợp phê phán đồ chúng Tiểu thừa, cũng không được nêu tên cá nhân ra để khen chê. Thứ tư, cũng không nên sinh tâm oán hiềm với người. Nếu khi có người chất vấn về Phật pháp, phải lấy tinh thần Đại thừa làm cơ sở để trả lời. Nếu không lỗi lầm trong bốn điều này, đó gọi là Khẩu an lạc hạnh.
3) Ý an lạc hạnh. Cần phải tránh bốn việc. Thứ nhất, không sinh tâm tật đố, siểm cuống. Thứ hai, không được khinh mắng người cầu Phật đạo. Thứ ba, chớ để người cầu Phật đạo, khiến họ sinh tâm ngờ vực hối hận. Thứ tư, không nên bỡn cợt, lý luận, cạnh tranh về học thức của mình. Bình thường đối với người cần phải: Thứ nhất, phải có tâm niệm đại từ đối với hết thảy chúng sinh. Thứ hai, phải có tâm niệm “từ phụ - cha hiền” đối với hết thảy chư Phật. Thứ ba, tôn kính chư Bồ tát là thầy của chính mình. Thứ tư, phải dùng tâm bình đẳng nói pháp, không thiên lệch. Nếu không lỗi lầm trong bốn điểm này, đó là Ý an lạc hạnh.
4) Thệ nguyện an lạc hạnh. Người thuyết Kinh Pháp Hoa, có lý tưởng truyền bá sâu rộng, mà muốn thực hiện được nguyện vọng đó, gọi là thệ nguyện. Nghĩa là, sinh lòng đại từ đối với hết thảy chúng sinh, quyết tâm đưa họ quy thuận Kinh Pháp Hoa. Trong đó, có người chỉ thỏa mãn ở giáo Tiểu thừa, không có ý nghĩ tu Bồ tát hạnh, đối với hạng người này, phải sinh lòng đại bi và phát thệ nguyện, dẫn dắt họ tin theo giáo pháp Đại thừa ở một ngày nào đó. Người thực hiện đúng Thệ nguyện an lạc hạnh, một khi nói pháp, đều hợp với bản ý của Phật, được mọi người tôn kính quy y, được chư Thiên ngày đêm ủng hộ. Vì Kinh Pháp Hoa này thường được sự hộ trì của ba đời chư Phật, nên người hoằng kinh này rất tự tin vào quyết tâm nỗ lực của mình tất sẽ thành tựu.
Sau khi nói xong Tứ an lạc hạnh, Đức Phật lại nương vào thí dụ ngọc châu trong búi tóc, để thuyết minh về sự tối thù thắng trong Kinh Pháp Hoa. Thí dụ này là thí dụ thứ sáu của bảy dụ. Trong thí dụ nói có bậc quốc vương, sai các binh chủng đánh dẹp các nước không phục tùng. Người có chiến công lớn, vua sẽ thưởng cho ngọc minh châu quý giá của mình gài trong búi tóc. Đức Phật, lâu nay Ngài đã nói giáo phương tiện, điều hợp với căn cơ của chúng sinh. Cuối cùng Ngài mới nói Kinh Pháp Hoa. Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ tát:
“Ông Văn Thù Sư Lợi! Kinh Pháp Hoa này là thuyết thứ nhất của chư Như Lai. Ở trong các thuyết, rất là thâm sâu. Cuối cùng mới nói ra. Cũng như vua có sức mạnh kia, giữ ngọc minh châu đã lâu, nay đem ban thưởng”.
Vì kinh này thuộc giáo lý thậm thâm vi diệu, nên người trong thế gian, chỉ có một thiểu số tin theo, nên khi hoằng truyền, gặp những người duy chỉ mãn nguyện với giáo lý phương tiện, lòng tin dao động, nảy sinh ra nhiều oán ghét, nên gặp nhiều bức hại. Nhưng dù gặp mọi bức hại, cũng không thể ngăn cản được sự hoằng thông Kinh Pháp Hoa. Sau chót, người hoằng kinh này ở thế gian được Phật tán thán rằng:
Chúng sinh ưa thấy,
Mến như hiền thánh.
Đồng tử chư Thiên,
Dùng để sai khiến.
Dao, gậy chẳng đụng,
Độc cũng chẳng hại.
Nếu người mắng nhiếc,
Miệng tức cứng nhắc.
Đi lại không sợ,
Như sư tử vương.
Trí tuệ sáng soi,
Như mặt trời chiếu.
Trong kệ tụng lại trần thuật các thứ mộng của hành giả Kinh Pháp Hoa. Như:
Nếu ở trong mộng,
Chỉ thấy diệu sự.
Thấy chư Như Lai,
Ngồi tòa sư tử.
Các chúng Tỳ-kheo,
Vây quanh thuyết pháp.
Lại thấy Long thần,
Chúng A-tu-la,
Số như cát sông,
Chắp tay cung kính.
Tự thấy thân mình,
Mà vì thuyết pháp.
Vì thấy những sự việc trong mộng, nên hành giả hoằng Kinh Pháp Hoa, nỗ lực hết sức mình. Nương vào công đức hoằng kinh, hành giả tin tưởng, cuối cùng mình sẽ được thành Phật.
Hết phẩm An lạc hạnh