Từ phẩm Dũng xuất này trở xuống là phần thuyết pháp của bản môn. Nửa phần đầu trong phẩm này thuộc phần tựa, từ nửa phẩm phần cuối, gồm cả một phẩm Thọ lượng và đến phần nửa phẩm Phân biệt, thuộc phần chính tông, còn 11 phẩm rưỡi sau thuộc phần lưu thông của bản môn.
Phẩm này chia thành hai đoạn lớn, nửa phẩm đầu thuộc phần tựa, nửa phẩm cuối là sơ phần của chính tông. Trong phần tựa, có hai tựa là Dũng xuất và Nghi niệm. Mở đầu đó là: Tám vạn hằng hà sa số Bồ tát từ phương khác lại cầu xin Phật hoằng kinh ở cõi Ta-bà này. Đặc biệt Đức Như Lai ngăn lại không hứa khả, Ngài triệu thỉnh sáu vạn hằng hà sa bản quyến thuộc phá toang đại địa của tích môn, có bốn bậc thượng thủ quyến thuộc của bản môn cũng từ đất xuất hiện, đều khẩn thiết hỏi han tình sư đệ. Đoạn này trần thuật về tựa Dũng xuất. Các Bồ tát ở cõi này sinh ngờ vực, Di Lặc Bồ tát xin Phật quyết nghi; các Bồ tát, đại sĩ ở cõi khác cũng bày tỏ chỗ ngờ vực của mình, rồi tới đoạn bảo các thị giả của mười vạn phân thân chư Phật, hết phần tựa. Đó là tựa Nghi niệm.
Đi vào phần chính tông, đoạn Đức Phật cảnh giới về hứa khả, đó là phần tiểu tựa (phần tựa nhỏ). Nghĩa là Đức Như Lai khen ngợi lời hỏi của Di Lặc; và cảnh giới đừng nản lòng, hãy đợi Như Lai nói đại sự ấy. Trong văn kinh trần thuật về bốn đức của chư Phật trong ba đời, đó là câu “Ba lực”. Sau đó vào phần chính thuyết của bản môn, chia thành hai đoạn lớn là: “Lược khai hiển” và “Quảng khai hiển” cũng như phần chính tông của tích môn. Các đại sĩ từ đất xuất hiện trong đoạn lược thuyết là đệ tử thành đạo lâu xa của Như Lai, thường trụ ở trong hư không của hạ phương và nói phần trí đoạn song tu song chứng của các Bồ tát.
Trong kệ tụng, có nói về cửu viễn, xa xưa, mật nói về thọ lượng. Đại Từ Di Lặc Bồ tát thay đại chúng nói lên thí dụ “Cha nhỏ con già”, trình bày mối nghi ngờ của đại chúng, kính xin lời giải đáp của Như Lai.
---o0o---
Bốn đức:
1) Trí tuệ của chư Phật
2) Sức thần thông tự tại của chư Phật
3) Sức sư tử phấn tấn của chư Phật
4) Sức đại thế uy mãnh của chư Phật.
---o0o---
Ba lực:
1) Chư Phật tự tại thần thông
2) Chư Phật sư tử phấn tấn
3) Chư Phật oai mãnh đại thế.
---o0o---
Trí - Đoạn, tức Trí đức và Đoạn đức: Trí đức là trí tuệ soi rõ chư pháp thật tướng. Đoạn đức, đoạn diệt hết thảy mọi phiền não hoặc nghiệp.
Tên phẩm là Tòng địa dũng xuất, nghĩa là từ dưới mặt đất cõi Ta-bà xuất hiện. Trước hết có Thượng Hạnh Bồ tát, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh và vô lượng Bồ tát, từ dưới đất xuất hiện, đều chắp tay chiêm ngưỡng Đức Phật.
Trong văn kinh nói: “Khi bấy giờ có các Bồ tát từ cõi nước khác lại, số đó đông hơn tám hằng hà sa, đứng trong đại chúng, chắp tay tác lễ bạch Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Nếu sau khi Phật diệt độ, xin Phật cho chúng con ở cõi Ta-bà này, siêng năng tinh tiến, hộ trì, đọc tụng, viết chép, cúng dường kinh điển này, truyền nói sâu rộng ngay trong cõi này’. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, bảo các chúng Bồ tát Ma ha tát: ‘Thôi các thiện nam tử, không cần các ông hộ trì kinh này. Bởi sao? Vì thế giới Ta-bà của ta, tự có sáu vạn hằng hà sa đẳng Bồ tát. Mỗi một Bồ tát này đều có sáu vạn hằng hà sa quyến thuộc. Những người này sau khi ta diệt độ, khéo hay hộ trì, nói rộng kinh này’”.
Các Bồ tát từ nước khác tới, Đức Phật đã không công nhận sự nỗ lực hộ trì kinh điển. Bởi lẽ cõi thế giới Ta-bà này là thế giới hiện thực của nhân gian, công việc biến thành cõi tịch quang Tịnh độ, đó là nghĩa vụ đương nhiên của mọi người ở thế giới Ta-bà. Ngăn cản các Bồ tát ở phương khác lại, là vì tự cõi Ta-bà này đã có hằng hà sa số Bồ tát, những người này, sau khi Đức Phật diệt độ, đều tận lực hoằng kinh. Lời nói của Phật vừa chấm dứt, bỗng từ lòng đất xuất hiện vô lượng Bồ tát. Những người này đều có sức lực phi thường: “Các Bồ tát này thân đều sắc vàng, có 32 tướng tốt, ánh sáng vô lượng”, dáng dấp không khác chư Phật. Và lại có “các vị Bồ tát đều là những bậc đứng đầu đại chúng” thay Phật, nhiệt tình giáo hóa.
Các vị Bồ tát này đều mang theo quyến thuộc rất đông, nhưng số quyến thuộc ấy có nhiều ít khác nhau. Trong đó có nhóm quyến thuộc rất đông, hoặc nhóm chỉ có ít chúng, hay chỉ có một mình. Các số Bồ tát đông đảo như vậy, đều cùng một loạt xuất hiện trên quả địa cầu, chiêm bái Đức Đa Bảo Như Lai và Thích Ca Như Lai, ngồi trong tháp Đa Bảo và tán thán đức của hai vị Như Lai. Trong kinh nói: “Vui mừng chiêm ngưỡng, hai vị Thế Tôn. Các Bồ tát Ma ha tát này, từ đất xuất hiện, đem mọi phương pháp tán thán của các Bồ tát mà ca ngợi Phật”.
Các Bồ tát tán thán hai vị Như Lai. Đó là tượng trưng cho “lý tưởng” và “thệ nguyện”, biểu thị sự quyết tâm nỗ lực lưu thông Kinh Pháp Hoa.
Đại biểu cho các vị Bồ tát này là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lạc Hạnh, gồm bốn vị Bồ tát, thay đại chúng thăm hỏi Đức Phật, hỏi Ngài giáo hóa chúng sinh ở cõi Ta-bà này có cực nhọc lắm không? Đức Phật đáp: “Thế Tôn thường an lạc, ít bệnh ít phiền não, giáo hóa cho chúng sinh, đều không thấy mỏi mệt”.
Tất cả đại chúng đều vô cùng kinh ngạc, khi nhìn thấy các Bồ tát từ đất xuất hiện, từ trong uế độ Ta-bà này, mà lại đều là những bậc cao đức có đại thần thông, đại trí tuệ. Thật là việc bất khả tư nghì trong nơi bất khả tư nghì.
Khi ấy, Di Lặc Bồ tát, đại biểu cho đại chúng, hướng lên Phật, mà nói kệ hỏi:
Vô lượng ngàn muôn ức,
Đại chúng chư Bồ tát.
Từ trước chưa từng thấy,
Xin Lưỡng túc tôn nói.
Đã từ chốn nào lại,
Họp bởi nhân duyên gì.
Thân lớn đại thần thông,
Trí tuệ chẳng nghĩ bàn.
Trí lực rất bền vững,
Có sức đại nhẫn nhục.
Chúng sinh đều ưa thấy,
Là từ chốn nào lại?...
………………..
Nay các chúng Bồ tát,
Đều muốn biết việc này.
Các chúng Bồ tát ấy,
Về nhân duyên gốc ngọn.
Thế Tôn đức vô lượng,
Xin quyết lòng chúng ngờ.
Đức Phật đáp: “Các Bồ tát đó, đều do sự giáo hóa của chính ta”. Đó là sự giáo hóa của Phật, khi Ngài đã thành Phật ở những kiếp xa xưa. Đức Phật bảo Di Lặc Bồ tát: “Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Ông A Dật Đa, khéo hay hỏi Phật việc đại sự như thế. Các ông phải đều nhất tâm, mặc áo tinh tiến, phát ý kiên cố. Như Lai lâu nay muốn tuyên thị, hiển phát trí tuệ của chư Phật, sức thần thông tự tại của chư Phật, sức sư tử phấn tấn của chư Phật, sức đại thế uy mãnh của chư Phật… Ông A Dật Đa, các đại Bồ tát Ma ha tát ấy, số đó có vô lượng vô biên a-tăng-kỳ, từ dưới đất xuất hiện. Các ông từ trước tới nay đều chưa được thấy. Ta ở cõi Ta-bà thế giới này, khi đã thành đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, giáo hóa chỉ đạo, cho các Bồ tát này, điều phục được tâm, khiến phát ý đạo. Các Bồ tát này, đều ở phía dưới thế giới Ta-bà. Cõi này thường trụ trong hư không. Trong các kinh điển, đọc tụng thông suốt, tư duy phân biệt, nhớ nghĩ chân chính. Ông A Dật Đa, các thiện nam tử này, không thích ở trong chúng, nói bàn nhiều việc, thường ưa ở chốn vắng, siêng năng tinh tiến, chưa từng ngơi nghỉ. Cũng chẳng nương tựa, trụ ở trời người, thường vui trí sâu, không có chướng ngại. Cũng thường vui ở các pháp chư Phật, nhất tâm tinh tiến, cầu tuệ vô thượng”.
Các bậc Bồ tát như thế tụ hội, đợi để tận lực hoằng Kinh Pháp Hoa này ở thế giới Ta-bà. Các Bồ tát cao đức như thế xuất hiện, Đức Phật chỉ và nói: “Tất cả Bồ tát này đều đã được ta giáo hóa ở thế giới Ta-bà này”. Do đó đại chúng sinh ra ngờ vực. Đức Phật giáo hóa ở cõi đời này, ai cũng đã biết, chỉ có thời gian ngắn hơn 40 năm. Nhưng, số Bồ tát được thấm nhuần sự giáo hóa lại vô số vô biên, mà mỗi vị đều là những bậc đại sĩ, đức lớn vô cùng. Trong khoảng 40 năm mà Đức Phật lại có thể giáo hóa như thế được. “Nay Đức Thế Tôn, nói việc như thế, đời rất khó tin. Cũng ví như có người, sắc đẹp tóc đen, tuổi mới 25, lại chỉ người 100 tuổi, nói đó là con ta. Người 100 tuổi này, cũng chỉ người thiếu niên nói đó là cha ta, nuôi dưỡng chúng ta. Việc này rất khó tin”. Nhưng mọi người đều nghĩ, lời Đức Phật đã nói, đều không hư vọng, theo chỗ thường thức của riêng chúng con thì có giới hạn, còn trí tuệ của Phật lại vô hạn. Nên lời Đức Phật đã nói chúng con tin theo tuyệt đối, vô điều kiện. Nhưng nay, nếu Đức Phật không thuyết minh cho rõ, thì những người đời sau, sẽ nảy sinh mối nghi ngờ mãi mãi. Nay kính xin Đức Phật nói rõ một cách triệt để nhất, khiến chúng con tự nghĩ, đó là nghĩa vụ đối với mọi người đời sau.
Ngài Di Lặc và vô số Bồ tát bạch rằng: “Chúng con lại tin, tùy nghi nói pháp của Phật, Phật đã nói ra, chưa từng hư vọng. Chỗ biết của Phật, tuy tất cả đều thông đạt, nhưng còn những hàng Tân phát ý Bồ tát, ở lúc sau khi Phật diệt, nếu nghe lời nói này, hoặc chẳng tin theo, mà khởi ra nhân duyên tội nghiệp phá pháp”. Rồi khẩn thỉnh Phật thuyết minh. Và Phật trả lời rõ ở phẩm Thọ lượng sau.
Trong bài kệ tụng có câu tán thán về đức của các Bồ tát dũng xuất: “Bất nhiễm thế gian pháp, như liên hoa tại thủy” (chẳng nhuốm pháp thế gian, như hoa sen ở nước).
Các Bồ tát từ đất xuất hiện, đó là biểu thị cho “loại hình nhân gian” trong Kinh Pháp Hoa. Tức là những hành giả của Kinh Pháp Hoa. Vì vấn đề của thế giới Ta-bà, cõi hiện thực của nhân gian, thì phải tự con người ở cõi hiện thực này mới có thể giải quyết, không thể chỉ tin cậy vào thái độ bàng quan. Nghĩa là phải đem cái lực tự giác của những con người bình thường, ở tự tay của những con người bình thường này mà giải quyết vấn đề của thế giới. Đó là hàm ý quan trọng trong phẩm.
Hết phẩm Tòng địa dũng xuất