Khai hiển phần “bản môn cửu thành” của phẩm này, cũng như khai hiển phần tích môn ở phẩm Phương tiện trở xuống là hai phần yếu lĩnh của Kinh Pháp Hoa. Theo nghĩa của Thiên Thai Đại sư giải thích: “Tích môn nói rõ về lý của thật tướng”, thông với các kinh khác. Còn bản môn nói rõ về “bản địa cửu thành”, đặc biệt khác với các kinh khác.
Do nơi nghi ngờ của Di Lặc Bồ tát và hội chúng, Ngài thay đại chúng hỏi Phật. Nên đầu phẩm này, Đức Như Lai đưa ra ba điều răn khẩn thiết, Di Lặc Bồ tát cũng ba lần thỉnh. Như Lai lại ban lời răn khẩn thiết.
Lời đáp chính của Như Lai nói rõ ở trong hai phần trường hàng và kệ tụng. Trong phần trường hàng có hai đoạn Pháp thuyết và Thí thuyết. Đoạn Pháp thuyết nói về lợi ích trong ba đời, từ quá khứ chuyển đến hiện tại, cuối cùng kết thúc là chân thật không hư vọng. Pháp thuyết là phần then chốt của phẩm này. Đoạn Thí thuyết ở sau chỉ là phần nói lại của Pháp thuyết. Tư tưởng trung tâm của Pháp thuyết nói về lợi ích thường trụ trong ba đời. Thứ nói về nội chứng của bản địa cửu viễn, khai hiển về bản địa. Ngay đầu phẩm Đức Phật nói: “Ngã thực thành Phật dĩ lai, vô lượng vô biên, bách thiên vạn ức na-do-tha kiếp”. Thứ nữa nói về chỗ thích nghi lợi ích. Gốc nơi truyền đạo hóa vật là thế giới Ta-bà. Nói sự cảm ứng vô lượng ở trung gian, gồm hai ích “hình” và “thanh” của thân khẩu, rốt ráo đều là đại dụng của Bản Phật. Bàn về chẳng phải sinh hiện sinh, chẳng phải diệt hiện diệt, đó là hết một đoạn quá khứ lợi ích. Sau là đoạn hiện tại lợi ích. Trong đoạn hiện tại lợi ích, trước hết nói về cơ cảm, cảm ứng không sai lầm. Thứ nói về ứng hóa, không sinh diệt hiện sinh diệt. Phi sinh hiện sinh, nói về lý không hư vọng. Phi diệt hiện diệt, nói về gốc chân thực bất diệt.
Sau khi nói xong về lợi ích trong tam thế, là phần tổng kết của khai hiển, đồng nhất với chư Phật chân thật bất hư. Đó là hết đoạn Pháp thuyết.
Phần Thí thuyết chia ra hai đoạn “Khai”, “Hợp”. Đó là thí dụ “Lương y”. Văn khai thí nói rộng, văn hợp thí nói lược.
Kệ tụng là phần nói lại của trường hàng. Cổ lai gọi là “Tự ngã kệ”, “Thọ lượng kệ” hay “Cửu viễn kệ”.
Phẩm này nói tuổi thọ vô lượng của Như Lai, nên gọi là Như Lai thọ lượng. Cổ lai, thường coi phẩm này là trung tâm của Kinh Pháp Hoa, là tinh túy của Phật giáo. Bởi lẽ, phẩm Như Lai thọ lượng có thuyết minh về đối tượng tín ngưỡng và phương pháp tín ngưỡng.
Phẩm Dũng xuất ở trước, có vô số Bồ tát từ đất xuất hiện, tất cả đều là những đại sĩ ưu tú, những đệ tử Phật ở xa xưa. Đại biểu cho đại chúng là Di Lặc Bồ tát khẩn thỉnh Phật thuyết minh về việc Đức Thế Tôn Thành đạo tới nay mới chỉ có 40 năm về trước, tại sao trong thời gian ngắn, mà Ngài đã hóa độ được số Bồ tát nhiều như vậy. Đáp lời thỉnh cầu đó, Đức Phật nói ra phẩm này.
Phật trả lời chất vấn của Di Lặc, đó là việc Phật chỉ cho biết về “bản thân” của Phật. Đầu phẩm nói: “Khi bấy giờ Phật bảo các Bồ tát và hết thảy đại chúng: ‘Các thiện nam tử! Các ông nên tin, hiểu lời nói chắc thật của Như Lai’”, lại bảo đại chúng: “Các ông nên tin, hiểu lời nói chắc thật của Như Lai”. Rồi lại bảo đại chúng: “Các ông nên tin, hiểu lời nói chắc thật của Như Lai”. Đó là lời cảnh giới khẩn thiết ban đầu. Và đó cũng là những lời biểu hiện sẽ triển khai pháp môn trọng yếu. Rồi trước hết Ngài Di Lặc và tất cả đại chúng chắp tay bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Kính xin Ngài nói cho, chúng con sẽ tin nhận lời Phật”. Bạch như thế tất cả ba lần, rồi lại thỉnh Phật thuyết pháp. Đó gọi là “tứ thỉnh” của bản môn. Đức Phật cũng bốn lần cảnh giới, đó là “tứ giới” của bản môn. Đức Phật cáo giới rằng: “Các ông nghe cho kỹ, cái sức thần thông bí mật của Như Lai”, bí mật là ý nghĩa thâm áo, cần phải nghiền ngẫm cho kỹ.
Sức của Bản Phật thì rộng lớn vô biên, sức con người khó thể suy lường mà biết được. Nhưng với tất cả tấm lòng “tín” và “giải” kiên cố và tiến bộ, tất nhiên lần lượt sẽ được tỏ ngộ. Sức thần thông, thần thông nghĩa là tự do tự tại không vướng mắc trong hành động, để chỉ đạo cho hết thảy chúng sinh. Sức là cái sức sẵn có ở bản thể làm lay động tới hết thảy vật khác. Tỷ như lửa có sức nóng có thể đốt cháy các vật: đó là sức của lửa. Từ sức vô hạn của bản thể tỏa ra để giáo hóa trong mười phương ba đời. Đó gọi là bí mật. Sức hoạt động của bí mật gọi là thần thông. Vậy nên, sức thần thông bí mật của Như Lai tức là trí tuệ và từ bi, biểu thị cho bản thể và tác dụng của Bản Phật.
Sức thần thông bí mật trong nơi Như Lai, nó có mạng sống lâu xa, không có thọ mạng. Nhưng, vì để thuyết minh cái thọ mạng ấy nên có thí dụ “Ngũ bách trần điểm kiếp”.
Ví như có người đem năm trăm nghìn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi tam thiên đại thiên thế giới, nghiền nát làm bụi nhỏ, đi về phía Đông, qua năm trăm nghìn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ nước, liền rắc một hạt bụi, cứ thế đi về phía Đông, rắc tới hết số bụi đó. Con số các thế giới đã đi qua này “không thể đem tính toán mà biết được, không thể đem tâm lực mà tưởng tượng kịp được”. Như vậy, toàn thể những thế giới đã đi qua, tức là những cõi nước đã rắc vi trần, những nước chưa rắc vi trần, bao quát lại thành thế giới, nếu lại đem nghiền nát thành những vi trần, thì số đó quả là vô lượng, vô hạn, không thể tưởng tượng kịp. Rồi lại đem một vi trần trong số vô lượng vô hạn vi trần ấy tính là một kiếp, đem so với việc đã thành Phật, tức Bản Phật của Đức Thế Tôn thì còn hơn cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ trước. Đó gọi là cửu viễn thực thành của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật nói thí dụ Ngũ bách trần điểm kiếp này lại nói tiếp:
“Từ đó tới nay, ta thường ở cõi thế giới Ta-bà này, thuyết pháp giáo hóa”.
Như vậy, thế giới Ta-bà, tức Uế độ, hay Kham nhẫn độ - cõi thế giới hiện thực của nhân gian, nơi Bản Phật vẫn thường trụ chỉ để thuyết pháp, thì đó là thế giới tôn quý. Mỗi Đức Phật hóa đạo đều chỉ định ở mỗi hóa độ riêng. Hóa độ là sức cảm hóa của Phật, trong phạm vi quốc độ đó. Như cõi Cực lạc Tịnh độ phương Tây là hóa độ của Phật A Di Đà; thế giới Tịnh Lưu Ly phương Đông, hóa độ của Phật Dược Sư; thế giới Ta-bà, hóa độ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng ở đây, Phật cửu viễn thực thành Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thì không hạn định ở hóa độ, mà tất cả thế giới ở mười phương thế giới, bất cứ thế giới nào đều là sự xuất hiện của Bản Phật này, có quy định của thời gian; còn tự thể của Bản Phật thì siêu việt cả thời gian và không gian, vẫn cụ thể tồn tại. Đó là xác định về đối tượng tín ngưỡng.
Số lượng chư Phật thì vô lượng, nhưng không ngoài chỗ thị hiện với hình dung khác nhau, điều kiện khác nhau, trong nơi duy nhất của Bản Phật. Tư tưởng chư Phật đồng đạo xuất phát từ đấy.
Thọ mệnh của Bản Phật thì vĩnh viễn. Nhưng với Tích Phật, ở thế giới hiện thực của nhân gian Ta-bà, nếu đã xuất hiện, tất có nhập diệt. Đức Phật cũng đã nhập diệt ở dưới cây Sa La Song Thọ, bên bờ sông A Thi Đa Phạt Để (Ajitāvati) khi Ngài 80 tuổi. Sự nhập diệt của Ngài xuất phát từ lòng đại từ bi, gồm hai lý do. Lý do thứ nhất khởi niệm gặp Phật rất khó để chúng sinh tha thiết quy y. Lý do thứ hai, thấy sự nhập diệt của Phật mà thông cảm lẽ nhân sinh vô thường, để biết ngày sống hiện nay là đáng quý. Do đó, mà chúng sinh phát khởi được tâm tự giác. Lý do diệt độ của Như Lai chỉ là thị hiện, vì cứu độ mọi loài, nhưng Bản Phật, nguyên lai, không lệ thuộc vào quy định của thời gian và không gian, không sinh diệt, cũng không biến hóa. Đức Phật đã khẳng định:
“Song ta thực thành Phật trở lại đây, lâu xa như thế đấy”.
Vì chứa góp những công đức tu hành mà được chứng ngộ đó là phần Thủy Giác, phần chứng ngộ bản lai sẵn có gọi là Bản Giác. Nên Bản Giác tức là Bản Phật. Vậy nên, đối tượng tín ngưỡng của Phật giáo là Bản Phật là duy nhất tuyệt đối. Còn chư Phật trong mười phương ba đời đều là Tích Phật (Thủy Giác). Do đó, đối tượng tín ngưỡng của Phật giáo được xác lập là Bản Tôn tức Bản Phật. Trong văn kinh:
“Nơi diễn nói kinh điển của Như Lai, đều vì độ thoát chúng sinh. Hoặc nói thân mình, hoặc nói thân người, hoặc thị hiện thân mình, hoặc thị hiện thân người, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người. Các lời nói ra, đều thật chẳng dối”.
Ở đây, “nơi diễn nói kinh điển của Như Lai” là toàn thể lời dạy cho nhân gian từ nơi Bản Phật. Lời dạy ấy tùy theo đối tượng từng loại người có sai biệt, phân chia nhiều loại khác nhau, nhưng mục đích nhất quán là độ thoát chúng sinh. Độ thoát là tế độ, là giải thoát, người người được thoát khổ, người người được lìa hoặc. Nhưng thoát khổ lìa hoặc, không phải là chỉ riêng phần lý luận. Nghĩa là phải quán triệt phần lý luận, tức là phần lý trí đầy đủ, của mỗi con người, đó là độ thoát.
Do đó, Bản Phật thì tuyệt đối vô hạn, sự hóa đạo đó cũng từ xa xưa liên tục, nhưng hình thức hóa độ không giống nhau. Có thể xuất hiện mang tên A Di Đà, hay Dược Sư Như Lai, hoặc thánh nhân, hoặc hiền nhân. Thân mình là thân Phật, thân người, loại thánh nhân, hiền nhân. Việc mình là việc hóa đạo của Phật. Việc người là việc hóa đạo của bậc xuất thế, không phải Phật. Những việc giáo hóa ấy “đều chân thật, chẳng hư vọng”. Chân thật là đem Phật trí xem xét chân thật. Hiện tượng tự nhiên cũng như hiện tượng nhân gian đều biến chuyển thay đổi không ngừng, nhưng trong nơi thiên biến vạn hóa ấy đều tồn tại xuyên suốt ở lý vĩnh viễn bất diệt. Trong kinh nói: “Như Lai biết thấy tướng của tam giới như thật. Không có hoặc ẩn hoặc hiện trong sinh tử, cũng không tại thế và diệt độ. Chẳng phải thực, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải khác, chẳng như thấy tam giới của tam giới.
Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, ba cảnh giới của phàm phu mê muội. Nên trí tuệ mê muội của phàm phu, không thể biết được thật tướng của ba giới. Nhưng, Đức Phật đã thấu triệt hết, đem tri kiến Phật mà quan sát chỗ ly hợp, tụ tán, biến hóa của tam giới chỉ cục hạn ở phần hiện tượng giới, còn bản chất của hết thảy sự vật vẫn vĩnh viễn bất sinh bất diệt. Nên “không có hoặc ẩn hoặc hiện trong sinh tử” theo tự nhiên giới. “Cũng không tại thế và diệt độ” theo nhân gian giới.
Sinh tử không chỉ riêng ý nghĩa sinh ra và chết đi của động vật và thực vật, mà còn có nghĩa sự biến hóa của tất cả sự vật. Như gió thổi, sóng nhô, mặt trời mặt trăng mọc rồi lặn, tất cả đều là sinh tử. Hoặc ẩn (thoái) hoặc hiện (xuất) tức là hoặc tan đi, hoặc hiện ra. Vậy nên, sinh tử, thoái xuất là những hiện tượng không chấm dứt của tự nhiên và nhân gian. Nó luôn luôn biến động không ngừng. Lại như, thân con người có sự biến hóa của sinh, lão, bệnh, tử, đời người là vô thường. Nhưng đó chỉ là sự biến hóa về trạng thái của vật chất, về tổ chức nhục thể con người, còn tinh thần con người vẫn luôn luôn vĩnh viễn bất diệt. Nên nói “Không tại thế và diệt độ”.
Vì Ta-bà thế giới là hiện thực giới của nhân gian, tâm của mọi người trụ trong cõi này, đầy rẫy phiền não, nên cõi này là uế độ. Nhưng nương vào sự giáo hóa của Kinh Pháp Hoa, mà gạn hết được phiền não ở tâm của chúng sinh. Do đó, thì ngay uế độ này trở thành Tịnh độ. Tịnh độ là nơi trụ của Bản Phật, Ngài vẫn thường thuyết pháp ở thế giới Cực lạc này. Vì lẽ chúng sinh ở cõi hiện thực này:
“Bởi vì các chúng sinh, có các loại tính, các loại dục, các loại hạnh, các loại nhớ tưởng phân biệt” nên Đức Phật phải nói ra giáo pháp cho thích hợp với từng loại người, để ứng bệnh cho thuốc, mà Ngài vẫn chưa từng tạm nghỉ.
Như vậy, thế giới hiện thực của nhân gian, bị các phiền não nơi vinh nhục, thịnh suy, lợi hại, đắc thất, nên là cõi Ta-bà kham nhẫn, là uế độ. Nhưng chúng sinh không biết được rằng ngoài cõi Ta-bà này ra, không có cõi Cực lạc Tịnh độ nào khác.
Tới đây, thuyết minh về thọ lượng của Như Lai đã xong. Tiếp sau là nói về dụ Lương y, dụ thứ bảy trong Kinh Pháp Hoa.
Ví như bậc lương y (thầy thuốc giỏi), người này “trí tuệ thông minh, tinh luyện mọi phương thuốc hay trị được các bệnh”. Người này có rất nhiều con, từ mười người, 20 người, cho tới hàng trăm người. Người cha có việc đi vắng, các con ở nhà uống lầm thuốc độc, “thuốc làm buồn bực, nằm lăn trên đất”. Khi đó, cha là lương y đã trở về nhà, các con nhìn thấy, rất đỗi vui mừng, cầu mong cha cứu chữa, khẩn thỉnh “lại ban cho thọ mệnh”. Người cha là lương y, thấy các con khổ não như vậy, liền xét các căn bệnh, điều hợp thuốc tốt nhất cho các con uống: “Tìm cỏ thuốc tốt, sắc hương thơm ngon hết đều đầy đủ, pha trộn hòa hợp, khiến các con uống”.
Lương y dụ cho Bản Phật. Lương dược là lời dạy chân thật của Bản Phật. Cha, lương y nói: “Thuốc tốt nhất này đầy đủ tất cả, sắc hương vị quý. Các con uống đi. Trừ khổ não mau chóng không còn mọi bệnh tật”.
Các người con uống thuốc cha ban cho, nhưng trong số các người con, vì trúng thuốc độc, nên mờ mất bản tâm. Cũng có người không mất, vui mừng uống thuốc người cha ban, trừ được chất độc, trở lại khôi phục bình thường. Những người mất bản tâm, thấy cha về nhà tỏ lòng mừng rỡ, nhưng không biết được giá trị của thuốc, nên không chịu uống. Người cha rất thương tình:
“Người con này đáng thương. Vì trúng thuốc độc, nên tâm điên đảo. Thấy ta tuy mừng, tìm đòi cứu chữa, nhưng thuốc tốt như thế, lại chẳng chịu uống”.
Người cha liền tìm phương tiện, khiến cho chúng uống thuốc này và nói:
“Thuốc lành tốt này, nay để nơi đây. Các ngươi có thể lấy uống. Chớ lo không khỏi bệnh”.
Thế rồi, người cha đi du hành tới nước khác, khiến sứ giả về báo rằng, cha các ngươi đã chết. Các người con nghe thấy thế, những người con đã mất bản tâm, vô cùng lo buồn và tự nghĩ rằng:
“Nếu cha ta còn, thương xót chúng ta, hay được cứu hộ. Nay cha bỏ ta, đã mất ở nước khác. Tự thấy côi cút, không còn chỗ nương cậy”.
“Tâm chúng thường lo lắng bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền biết sắc hương mùi thơm đó, rồi lấy thuốc uống, bệnh độc đều khỏi”.
Người cha, nghe thấy các con đều khỏi bệnh hoàn toàn không sót người nào, “bèn tìm lại nhà, đều thấy các con”.
Điểm trọng yếu là người cha vì khai con mắt của tâm cho các con, nên đã giả chết, các con đã mở được mắt, liền lập tức trở về nhà, để gặp lại các con. Từ đây trở về sau, cha con cùng chung hưởng an lạc vĩnh cửu.
Tâm tín giải chân chính của Kinh Pháp Hoa này là, biết thọ mệnh của Như Lai là vô lượng và cũng tin biết cái sinh mệnh vĩnh viễn của tự chính mình cũng vĩnh viễn vô lượng.
Trên đây là thí dụ Lương y, Lương dược đã nói xong, Đức Phật lần nữa tuyên lại nghĩa đó mà nói ra kệ tụng. Trong kệ tụng câu bắt đầu “Tự ngã đắc Phật lai”, cổ lai thường gọi đó là “Tự ngã kệ”. Kệ có 102 câu, gồm 510 chữ giải thích về Bản Phật của phẩm Thọ lượng từ trước tới nay bàn luận rất nhiều. Như Phật Thân Luận, Đức Phật gồm có ba thân: pháp thân, báo thân, ứng thân. Ba thân là một, một là ba thân v.v. Nhưng trong ba thân này, thân nào là chủ. Thân đó có quan hệ tới Tích Phật.
Tích Phật là Đức Phật sinh ở thế giới nhân gian, sống đến 80 tuổi rồi nhập diệt. Tích Phật này, gọi là căn bản thực tại Bản Phật, Bản Phật tuyệt đối duy nhất, nhưng vì phương tiện cứu độ chúng sinh, nên đã thị hiện ra nhân tướng tự nhiên.
Tại nhân gian, Đức Phật trên lịch sử, lấy Tích Phật làm môi giới để có thể biết được Bản Phật. Nên Tích Phật ở ngay thế gian tức là Bản Phật. Đó là “Bản Tích bất nhị”.
Hết phẩm Như Lai thọ lượng