Nửa phẩm đầu phẩm này thuộc phần chính tông, nửa phẩm cuối thuộc phần lưu thông. Trong phần chính tông, trước hết, lời bày tóm tắt của nhà chép kinh, thứ đến phân biệt về sinh, pháp hai thân của Bồ tát đều lợi ích. Thứ nữa là sự cúng dường của đại chúng. Tiếp sau là phần lĩnh ngộ, phân biệt, cúng dường. Hết phần chính tông.
Nửa phẩm cuối trong phần lưu thông, trong phần công đức lưu thông nói về “sơ phẩm nhân công đức”, gồm tới hết phẩm tiếp sau. Phẩm này nói về Tứ tín ở đời hiện tại và Ngũ phẩm sau khi diệt độ. Tứ tín là “nhất niệm tín giải”, “lược giải ngôn thú”, “quảng vị tha thuyết” và “thâm tín quán thành”. So sánh công đức của Tứ tín thật rộng lớn vô lượng. Ngũ phẩm là Sơ tùy hỷ phẩm, Tán tụng phẩm, Giải thuyết phẩm, Kiêm hành Lục độ phẩm và Chính hành Lục độ phẩm. So sánh công đức của Ngũ phẩm cũng rất rộng lớn thâm sâu.
Người có thể đã hội đắc được ý nghĩa của thọ mệnh vĩnh viễn của Như Lai, nói ở phẩm Thọ lượng trước, giờ đây, đã biết phản tỉnh sâu xa, đối với lối sống ở đời, bị các phiền não nó sai khiến, cần phải tìm cái chân ý nghĩa cho cuộc đời. Do đó mà nhục thể và tinh thần của người đó đều đã hoàn toàn thay đổi, thì đó gọi là công đức. Nói về công đức này, được chia riêng thành 12 loại hình, nên gọi là phẩm Phân biệt công đức.
Sự cần thiết tu hành Phật đạo ở phẩm này là Tứ tín và Ngũ phẩm. Tứ tín là bốn niềm tin: 1) Nhất niệm tín giải, 2) Lược giải ngôn thú, 3) Quảng vị tha thuyết và 4) Thâm tín quán thành. Ngũ phẩm là năm phẩm: 1) Phẩm tùy hỷ, 2) Phẩm đọc tụng, 3) Phẩm thuyết pháp, 4) Phẩm kiêm hành Lục độ và 5) Phẩm chính hành Lục độ.
(1) Nhất niệm tín giải, là được nghe thọ mệnh vĩnh viễn của Như Lai, mỗi niệm, mỗi sát-na đều hiểu rõ và tin tưởng.
(2) Lược giải ngôn thú là cảnh giới hội đắc, thông đạt được ý nghĩa lời nói của Đức Phật.
(3) Quảng vị tha thuyết, là vì người khác nói rộng phẩm Thọ lượng, biểu thị trong hai hình thức thuyết pháp là miệng thuyết pháp và thân thực hành thuyết pháp.
(4) Thâm tín quán thành là hội đắc được ý nghĩa Bản Phật ở phẩm Thọ lượng, hiểu rõ và tin tưởng sâu sắc, đối với cách nhìn về thế giới và cuộc đời để hoàn thành ý nghĩa về nếp sống theo nhân sinh quan và vũ trụ quan.
Đó là Tứ tín nói về những người khi Phật còn hiện tại. Còn Ngũ phẩm, là nói cho những người sau khi Phật diệt độ.
(1) Sơ tùy hỷ. Sơ là ý nghĩa bước thứ nhất vào đạo. Tùy hỷ là do tâm được nghe, được thấy những hành vi cao cả, giáo lý thù thắng mà sinh lòng tích cực vui mừng, tiêu biểu cho ý cảm tạ.
(2) Đọc tụng là đọc và tụng văn kinh phẩm Thọ lượng. Đọc là biết tỉ mỉ về văn chương văn tự của kinh. Tụng là thâm đạt được ý nghĩa và nội dung của văn kinh, mà không nhìn vào văn tự.
(3) Thuyết pháp là vì người nói ý nghĩa phẩm Thọ lượng, nương vào ngôn ngữ, nương vào thực hành mà thuyết pháp.
(4) Kiêm hành Lục độ và (5) Chính hành Lục độ là thực hành về bộ phận và toàn thể về các đức mục của Lục độ. Lục độ là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.
Bố thí có ba cách là tài thí, pháp thí và vô úy thí (tự thân thí). Đem của mà bố thí cho người là tài thí. Đem pháp lợi lạc cho người là pháp thí. Đem thân mạng mà cống hiến cho đạo pháp nhân loại gọi là vô úy thí. Thực hành ba cách bố thí đều không ngoài mục đích vì tiến bộ của nhân loại, vì nền tảng cho hòa bình.
Trì giới là tự mình phản tỉnh sâu sắc, giữ gìn giới cấm liên tục không hủy phạm. Đối với người thì bố thí. Đối với tự mình thì trì giới, mỗi ngày mỗi tăng trưởng.
Nhẫn nhục là miệng nói giáo pháp của Kinh Pháp Hoa, thân không làm mọi việc ác, tâm nhẫn nại nhu hòa đối với mọi điều không hợp ý. Nếu không có tâm nhẫn nại, thì không thể có hành vi cao thượng, hoằng truyền chính pháp của Phật ở đời.
Tinh tiến là mục tiêu mong cầu thành Phật. Muốn đạt được mục tiêu, cần phải nỗ lực vượt bậc để đạt thành. Vì một mục tiêu duy nhất để chỉnh đốn toàn sinh hoạt của chính mình. Cái tinh của tinh tiến như gạo trắng tinh, không lẫn tạp vật, nên tâm cần phải hướng vào một mục tiêu nhất định.
Thiền định là chuyên tâm tĩnh lự, giữ cho tâm an định không tán loạn. “Để thâm nhập thiền định, thấy chư Phật ở mười phương”. Thấy Phật tức là đã được niềm tin vững chắc cùng sống với chư Phật.
Trí tuệ là phần sau cùng của Lục độ. Bồ tát tu hành thành Phật, phải lấy trí tuệ làm nền tảng. Trí tuệ không phải là trí thức. Mà trí tuệ như trong Kinh Pháp Hoa nói: “Trí tuệ của Phật, sâu xa vô lượng. Cửa trí tuệ đó, khó hiểu khó vào”. Thông thường, trí là sự hiểu biết tính khác biệt về sự vật, tuệ là nhìn biết điểm chung của sự vật đó. Trí tuệ của Phật là trí tuệ soi biết được “chư pháp thật tướng”.
Vậy nên trí tuệ của Phật ví như mặt trời tuệ, hay soi rọi quét trừ được hết mọi vọng tưởng, mọi mê mờ tội chướng phiền não của hết thảy chúng sinh.
Muốn có được một xã hội chân chính đúng nghĩa, tất cả mỗi người phải luôn luôn sống theo nếp sống chân chính, tức là nếp sống trí tuệ Phật, hay tri kiến Phật.
Nếu không có phần trí tuệ này thì các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến và thiền định cũng trở nên vô ý vị. Nhưng trái lại, nếu nắm được cái bản chất của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến và thiền định cũng có thể thấy được phần chân trí tuệ. Loại hình tối cao tồn tại ở nhân gian là Phật, là người đã nắm bắt được trí tuệ này. Nếu nói về cách nhìn sự vật thì trí tuệ này gọi là Phật tri kiến.
Như trên đã trình bày về Kiêm hành Lục độ, tức đức mục của Lục độ. Lý do gọi Kiêm hành Lục độ, nghĩa là nương vào cảnh ngộ đặc thù của tự mình, mà thực hành từng bộ phận khác nhau trong Lục độ. Đó gọi là Kiêm hành Lục độ.
Chính hành Lục độ, nghĩa là đào sâu các điều kiện thuộc tính của Lục độ, không phải là bộ phận, mà phải tu hành hoàn toàn phần căn bản của Lục độ. Người tu Lục độ gọi là thực hành “Bồ tát hạnh”. Đức Phật đối với mọi người, Ngài thường dạy: “Làm hạnh Bồ tát, đều được thành Phật”. Sự tu hành của Kinh Pháp Hoa, xuất phát từ nhất niệm tín giải, rồi đạt đến trí tuệ Phật. Nên phần kết ngữ của phẩm này nói:
Cung kính nơi tháp miếu,
Khiêm hạ các Tỳ-kheo;
Tâm xa lìa tự cao,
Thường tư duy trí tuệ.
Có gạn hỏi chẳng sân,
Tùy thuận vì giải thuyết;
Nếu làm được hạnh đó,
Công đức không thể lường.
Nếu thấy pháp sư ấy,
Thành tựu đức như thế;
Nên đem hoa trời rải,
Áo trời phủ thân đó.
Đầu mặt tiếp chân lễ,
Sinh tâm tưởng như Phật;
Lại nên nghĩ thế này,
Đến đạo tràng chẳng lâu.
Được vô lậu vô vi,
Lợi người trời rộng lớn;
Nơi chốn trụ chỉ đó,
Kinh hành hay ngồi nằm.
Cho đến nói một kệ,
Nên xây tháp nơi đó;
Khiến trang nghiêm tốt đẹp,
Dâng các loại cúng dường.
Phật tử ở đất này,
Thời là Phật thọ dụng;
Thường ở trong nơi đó,
Kinh hành hay nằm ngồi.
Hết phẩm Phân biệt công đức