Phẩm này Phật nói rộng về phẩm Sơ tùy hỷ trong năm phẩm ở phẩm Phân biệt công đức trước đã nói, để trả lời Di Lặc Bồ tát được tường tận hơn. Đại ý trong phẩm nói:
Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh này mà sinh lòng tùy hỷ, rồi tới chốn khác, vì cha mẹ, thiện hữu v.v. lại tùy theo sức mình mà diễn nói, những người ấy được nghe rồi cũng sinh lòng tùy hỷ, lại đi tới chốn khác nói pháp, cứ lần lượt thuyết pháp như thế, cho tới người thứ 50, công đức tùy hỷ của người thứ 50 này thật là vô lượng.
Như có người đại thí chủ trong suốt 80 năm đem của cải vàng bạc châu báu bố thí cho hết thảy chúng sinh của bốn trăm vạn ức a-tăng-kỳ thế giới, theo chỗ mong muốn của chúng, nay tuổi chúng đã già nua, cái chết gần kề, liền đem Phật pháp để giáo huấn khiến chúng đều chứng được bốn quả của Tiểu thừa. Công đức của người bố thí ấy thật to lớn. Nhưng, nay đem so sánh công đức ấy với người thứ 50 nghe Kinh Pháp Hoa khởi ra tâm “nhất niệm tùy hỷ” thì cũng không bằng một phần trong trăm ngàn vạn ức phần. Nữa là, công đức tùy hỷ của người ban đầu, thì không thể so lường kịp.
Vậy nên người được nghe nói phẩm Như Lai thọ lượng của Kinh Pháp Hoa này mà khởi tâm tùy hỷ thì công đức quả thật quảng đại vô biên.
Biểu đồ nội dung phẩm Tùy hỷ công đức
Tượng trưng đặc biệt lời dạy của Đức Phật là dụ dẫn mọi người vào đạo vô thượng, mọi người đều đến được cảnh giới như Phật.
Công đức của người đã thể đắc được hạnh nguyện của Bồ tát, sống vì mọi người, vì cuộc đời, không cục hạn ở tâm lợi ích chật hẹp cho riêng mình, thì thật là to lớn và là bước thứ nhất công đức của Sơ tùy hỷ phẩm. Đặc biệt phẩm này thuyết minh về công đức tùy hỷ, nên có tên là “Tùy hỷ công đức”.
Phẩm này nói về công đức tùy hỷ luân chuyển của người thứ 50. Tùy hỷ có nghĩa là phát tâm. Phát tâm nghĩa là sinh khởi tâm cầu đạo giác ngộ.
Ở phẩm này, trước hết Di Lặc Bồ tát chất vấn Phật và bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe Kinh Pháp Hoa này mà tùy hỷ, được bao nhiêu phúc?”
Đức Phật trả lời: “Ông A Dật Đa! Sau khi Như Lai diệt độ, chẳng kể chi xuất gia, tại gia, trai gái, già trẻ được nghe kinh này, tùy hỷ rồi, từ pháp hội đi đến nơi khác. Nếu ở phòng tăng, bằng nơi vắng vẻ, hoặc nơi thành ấp, đường ngõ xóm làng, ruộng nương, như chỗ đã được nghe, vì cha mẹ, người thân, thiện hữu, trí thức mà diễn nói theo sức mình. Các người này được nghe rồi tùy hỷ, lại di chuyển dạy nơi khác, người khác nghe rồi cũng lại tùy hỷ chuyển dạy. Cứ xoay chuyển như thế, đến người thứ 50”.
“Ông A Dật Đa! Ông hãy lắng nghe! Ta sẽ nói công đức tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhân người thứ 50 này”. Thế rồi phần kế tiếp, Đức Phật nói tiếp công đức tùy hỷ này thật vô lượng vô biên.
Công đức của người tu hành Phật đạo, khai ngộ, bố giáo cũng rất là tuyệt lớn nhưng đem so với công đức tùy hỷ của người thứ 50 này, chỉ nghe một câu kệ trong Kinh Pháp Hoa, thì chẳng bằng một phần trong trăm ngàn muôn ức phần.
Đó là sự thuyết minh về “nhất niệm tùy hỷ” lúc ban đầu rất là quan trọng.
Người người, nương vào công đức, nghe kinh, tùy hỷ như Kinh Pháp Hoa đã nói mà tu hành thì công đức lớn lao vô cùng tận.
Hết phẩm Tùy hỷ công đức