Phẩm này, đối với Thường Tinh Tiến Bồ tát, Phật nói vì công đức của năm nhóm pháp sư (Thọ trì, đọc, tụng, giải thuyết, biên chép). Phẩm Phân biệt công đức nói về Tứ tín và Ngũ phẩm; phẩm Tùy hỷ công đức nói về công đức của “Sơ tùy hỷ ngũ thập triển chuyển”, đều là bước đầu của người tu hành, nói vì phần nhân của công đức. Nhưng phẩm này nói về phần quả của công đức là “sáu căn thanh tịnh”, sự tu hành của Ngũ phẩm đã hoàn thành.
Trong văn kinh, phẩm này chia thành hai đoạn “tổng” và “biệt”. Phần tổng nói về công đức đầy vơi của sáu căn. Ba căn nhãn, tỵ, thân đều được 800 công đức. Ba căn nhĩ, thiệt, ý đều được 1.200 công đức (Thật ra công đức của sáu căn thì hỗ dụng viên thông không khác nhau). Phần “biệt” nói riêng về mỗi căn thanh tịnh trong sáu căn, gồm trong trường hàng và kệ tụng.
Biểu đồ nội dung phẩm Pháp sư công đức
Ở đây nói pháp sư, không phải chỉ riêng cho người xuất gia, mà bao gồm người tại gia, cũng gọi là pháp sư. Phẩm này nói về công đức của pháp sư, quyết tâm tín ngưỡng Kinh Pháp Hoa, sinh hoạt theo Kinh Pháp Hoa, đều nên gọi là “Pháp sư công đức”.
Bắt đầu phẩm này nói:
Khi bấy giờ, Đức Phật bảo Thường Tinh Tiến Bồ tát Ma ha tát: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải thuyết, hoặc biên chép Kinh Pháp Hoa này, người đó sẽ được 800 công đức của mắt, 1.200 công đức của tai, 800 công đức của mũi, 1.200 công đức của lưỡi, 800 công đức của thân, 1.200 công đức của ý. Đem công đức này để trang nghiêm sáu căn, khiến đều thanh tịnh”. Đây nói từ nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn đều trở nên thanh tịnh, nên gọi “Lục căn thanh tịnh”.
Lục căn thanh tịnh là ý nói người đã thể đắc được tinh thần Kinh Pháp Hoa này, thì từ tinh thần đến nhục thể của người ấy đều biến chuyển tốt đẹp vô cùng tận.
Phần kết thúc phẩm này nói:
Người trì Kinh Pháp Hoa,
Ý căn sạch như thế,
Tuy chưa được vô lậu,
Đã có tướng như vậy.
Người đó trì kinh này,
An trụ nơi hy hữu,
Được hết thảy chúng sinh,
Vui mừng mà kính nể.
Hay đem ngàn muôn thứ,
Ngôn ngữ rất hoạt bát,
Phân biệt mà nói pháp,
Bởi trì Kinh Pháp Hoa.
Hết phẩm Pháp sư công đức