Phẩm này, nêu phúc của tín ngưỡng và tội của sự hủy báng, dẫn chứng về nhân duyên xa xưa của Như Lai để khuyên bảo tín ngưỡng và hoằng Kinh Pháp Hoa để lưu thông.
Trong phẩm Pháp sư ở trước nói về tội, trong phẩm Pháp sư công đức ở trên nói về phúc, phẩm này nói rõ về tội phúc do hủy báng hay tín ngưỡng Kinh Pháp Hoa. Như trong văn kinh trần thuật về bản sự của Thường Bất Khinh Bồ tát.
Thứ nữa thuyết minh về quả báo của tín ngưỡng hay hủy báng, cùng sự tổn thất, lợi ích. Tất cả những sự lệ ấy mục đích để khuyên răn những người tu đạo sau khi Phật diệt độ lấy đó làm gương.
Đặc biệt, Thường Bất Khinh Bồ tát trong phẩm mỗi khi lễ bái tứ chúng đều nói rằng: “Ngã thâm kính nhữ đẳng. Bất cảm khinh mạn. Sở dĩ giả hà? Nhữ đẳng giai hành Bồ tát đạo, đương đắc tác Phật” (Tôi kính mến các Ngài. Chẳng dám khinh mạn. Bởi vì lẽ gì? Các Ngài đều làm đạo Bồ tát, sẽ được thành Phật). Trong 24 chữ này có bao hàm nghĩa “Tam nhân Phật tính”. Tam nhân Phật tính là “chính nhân Phật tính”, “liễu nhân Phật tính” và “duyên nhân Phật tính”.
Biểu đồ nội dung phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát
Phẩm này lấy tên người làm tên phẩm, thuyết minh về thời Đức Phật Oai Âm Vương xa xưa có một Bồ tát Tỳ-kheo tên gọi là Thường Bất Khinh, hễ thấy người là lễ bái để thôi thúc tự giác Phật tính của họ.
Phẩm này nói rõ về chủ trương người tín ngưỡng Kinh Pháp Hoa phải quyết ý trên hai phương diện là tự giác Phật tính và thực hành hạnh Bồ tát.
Ở thời xa xưa, đã có Đức Phật Oai Âm Vương Như Lai xuất hiện, thời là Ly Suy, nước gọi Đại Thành. Đức Phật mang tên là Oai Âm Vương, không phải là một vị mà là rất nhiều vị, cùng mang chung một danh hiệu, đều đã lần lượt xuất hiện ở đời. Sau khi Oai Âm Vương Như Lai lúc ban đầu diệt độ, trải qua ngàn năm, ở đời tượng pháp, các Tỳ-kheo tăng thượng mạn có thế lực rất lớn. “Khi bấy giờ có một Bồ tát Tỳ-kheo, tên là Thường Bất Khinh”.
Thường Bất Khinh là những người đương thời gán cho cái tên đó. Tại sao? Đó là những nhân duyên xa xưa được thuyết minh trong phẩm:
Vì, vị Bồ tát này, mỗi khi gặp người, ở bất cứ nơi nào, không phân biệt tăng hay tục, đều chắp tay lễ bái và nói: “Tôi kính mến các Ngài. Chẳng dám khinh mạn. Bởi vì lẽ gì? Các Ngài đều làm đạo Bồ tát, sẽ được thành Phật”.
Nhưng, đặc trưng của vị Bồ tát này là: “Chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ làm hạnh lễ bái”.
Trong số người được nghe nói như thế, có người sinh sân giận, khởi tâm bất tịnh, mắng nhiếc và đánh đập ông nhưng ông vẫn hô to. Mọi người, hoặc lấy gậy, cây, ngói, đá mà đánh, ném, ông lánh chạy ở nơi xa, còn cất tiếng lớn xướng rằng: “Tôi chẳng dám khinh nhờn các ông, vì các ông đều sẽ làm Phật”.
Cứ như thế, từ năm này qua năm khác, dù có gặp đánh đập, mắng nhiếc đến thế nào, ông cũng quyết không giận, còn lễ bái họ và nói: “Tôi chẳng dám khinh các ông. Các ông đều sẽ làm Phật”. Bởi ông thường cứ nói như thế, nên người thời bấy giờ thường gán cho cái tên “Thường Bất Khinh”.
Sự tu hành này cứ tiếp tục kéo dài cho tới khi Thường Bất Khinh lâm chung, được nghe Đức Oai Âm Vương Như Lai nói Kinh Pháp Hoa trong hư không, ông liền tin tưởng thọ trì, chứng được sáu căn thanh tịnh, do đó, thọ mệnh lại được tăng thêm, nên truyền nói Kinh Pháp Hoa rất sâu rộng.
Tứ chúng tăng thượng mạn là những người khinh rẻ ông, gán cho ông cái tên “Bất Khinh”, thấy sức đại thần thông, sức đại hùng biện hoằng Kinh Pháp Hoa của ông, đều trở nên hối hận và tín phục tùy tùng theo ông. Thường Bất Khinh, tuyên truyền hoằng thông Kinh Pháp Hoa rất lâu dài, được gặp nhiều Đức Phật, cuối cùng đã được thành Phật.
Đức Phật hướng tới Đắc Đại Thế Bồ tát nói: “Thường Bất Khinh Bồ tát lúc bấy giờ, đâu phải người xa lạ, chính là thân ta đó. Tứ chúng lúc bấy giờ, thường khinh Bồ tát ấy, đâu phải người xa lạ, nay trong hội này là nhóm Bạt Đà Bà La gồm 500 Bồ tát, nhóm Sư Tử Nguyệt gồm 500 Tỳ-kheo-ni, nhóm Tư Phật gồm 500 Ưu-bà-tắc, đều là những người không thoái chuyển ở đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.
“Ông Đắc Đại Thế! Nên biết Kinh Pháp Hoa này, vô cùng hữu ích cho các Bồ tát Ma ha tát, hay khiến đều được ngôi Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Vì thế các Bồ tát Ma ha tát, ở lúc sau khi Như Lai diệt độ, thường nên thọ trì, đọc, tụng, giải thuyết, biên chép kinh này”.
Hết phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát