Từ phẩm này tới bảy phẩm sau, gồm tám phẩm gọi là phần “Phó chúc lưu thông”. Phó chúc lưu thông lại có ba phần: Chúc lụy lưu thông, Hóa tha lưu thông và Tự hành lưu thông. Phẩm này và phẩm Chúc lụy ở sau thuộc phần “Chúc lụy lưu thông”. Năm phẩm tiếp sau thuộc “Hóa tha lưu thông”. Phẩm Khuyến phát thứ 28 thuộc “Tự hành lưu thông”.
Trong phẩm này, trước hết thuyết minh về các đại Bồ tát ở cõi này và cõi khác, vâng sắc mệnh của Như Lai, tận lực hoằng truyền Kinh Pháp Hoa.
Trong văn chia ra trường hàng và kệ tụng. Trường hàng được chia ra ba khoa lớn trước hết là “Vâng mệnh hoằng kinh”. Tiếp theo là trần thuật về “Như Lai hiện mười thần lực”. Cuối cùng là phần “Kết yếu khuyến trì”. Trong Kết yếu khuyến trì có bốn phần, phần thứ hai là “Kết yếu phó chúc” có văn “Tứ pháp” (Như Lai nhất thiết sở hữu chi pháp; Như Lai nhất thiết tự tại thần lực; Như Lai nhất thiết bí mật chi tàng; Như Lai nhất thiết thậm thâm chi sự). Phần thứ tư là “Thích ý phó chúc”, có câu văn quan trọng là “Tức thị đạo tràng”.
Biểu đổ nội dung phẩm Như Lai thần lực
Tên phẩm gọi là Như Lai thần lực, có ý nghĩa là sức thần thông của Như Lai. Nhưng ở phẩm này, tích môn và bản môn kết cục chỗ nói pháp đều nhất trí, là từ nông tới sâu. Nên, trung tâm của Kinh Pháp Hoa là phẩm Như Lai thọ lượng, phẩm Thần lực này, đối với phẩm đó là sống theo lời dạy Kinh Pháp Hoa, quyết định về thái độ của người tín ngưỡng.
Khi bấy giờ, có nghìn thế giới vi trần đẳng Bồ tát Ma ha tát, từ đất xuất hiện, đều ở trước Phật, nhất tâm chắp tay, chiêm ngưỡng tôn nhan, mà bạch Phật.
Ở phẩm Tòng địa dũng xuất trước, các bản hóa dũng xuất Bồ tát đã lại, từ đất xuất hiện ra và nhất tâm chắp tay, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn! Ở lúc sau khi Phật diệt độ, các quốc độ chỗ ở của Thế Tôn phân thân, những nơi diệt độ, chúng con sẽ nói rộng kinh này”.
Đức Phật tỏ ý vừa lòng mà hiện ra đại thần lực. Thần lực này gồm có mười thứ: 1) Xuất quảng trường thiệt; 2) Mao khổng phóng quang; 3) Nhất thời khánh khái; 4) Câu cộng đàn chỉ; 5) Địa lục chủng động; 6) Phổ kiến đại hội; 7) Không trung xướng thanh; 8) Hàm giai quy mệnh; 9) Dao tán chư vật; 10) Thông nhất Phật độ.
Xuất quảng trường thiệt nghĩa là hiện tượng lưỡi dài rộng, biểu thị lời Phật nói không hư vọng. Mao khổng phóng quang, phóng hào quang từ lỗ chân lông, biểu thị cho đức vĩ đại, cảm hóa quanh khắp. Nhất thời khánh khái, Câu cộng đàn chỉ nghĩa là cùng thời đằng hắng và đều cùng búng tay, biểu thị cho chư Phật đồng đạo và chư Phật cùng mừng. Địa lục chủng động, đất vang sáu chấn (về hình là động, khởi, dũng; về tiếng là chấn, hống, kích), biểu thị cho người đã thấy đã nghe đều cảm kích phi thường. Phổ kiến đại hội, khắp thấy đại hội biểu thị cho người tiếp nhận được trí tuệ Phật thì hiểu được chân tướng muôn mặt trong đời. Không trung xướng thanh, tiếng nói trong hư không, biểu thị hợp với ý của trời đất. Hàm giai quy mệnh, tất cả đều quy mệnh, biểu thị cho tất cả mọi người đều phải quy y lời dạy. Dao tán chư vật, xa rời các vật, tung rải các thứ hoa hương v.v. biểu thị tấm lòng cảm tạ từ tất cả những người tín ngưỡng quy y. Thông nhất Phật độ, thống nhất thành một cõi Phật, biểu thị sự thực hiện hòa bình, hạnh phúc cho nhân gian xã hội, vượt qua khoảng cách của chủng tộc và giới hạn của biên giới.
Biểu thị mười thứ thần lực này cho mọi người, Đức Phật nói: “Thần lực của chư Phật thì vô lượng vô biên như thế không thể nghĩ bàn. Nếu ta dùng thần lực, ở vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, cũng không thể nói hết được công đức này để phó chúc dặn dò. Nếu nói gọn lại, tất cả pháp sở hữu của Như Lai, tất cả thần lực tự tại của Như Lai, tất cả tạng bí yếu của Như Lai, tất cả việc sâu kín của Như Lai, đều tuyên thị hiển thuyết ở kinh này”.
Và Đức Phật còn khuyên mọi người ở thời sau khi Phật diệt độ, thọ trì, đọc, tụng, giải thuyết, biên chép kinh điển này, mà tu hành hợp với bản ý lời dạy của Phật, thì người sinh hoạt tín ngưỡng Kinh Pháp Hoa này, ở bất cứ chỗ nào cũng đều là đạo tràng. Trong văn kinh nói: “Nếu nơi chốn tàng trữ kinh quyển, hoặc ở trong vườn, hoặc ở trong rừng, hoặc dưới gốc cây, hoặc ở phòng tăng, hoặc nhà bạch y, hoặc nơi điện đường, hoặc chốn núi hang hoang dã, trong các nơi đó, đều nên dựng tháp để cúng dường, bởi tại cớ gì? Nên biết nơi chốn đó “tức là đạo tràng”. Chư Phật ở nơi này chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, chư Phật ở nơi này chuyển bánh xe pháp, chư Phật ở nơi này mà Bát-niết-bàn”.
Tư tưởng “Tức thị đạo tràng” đây, biểu thị cho người sinh hoạt tín ngưỡng Kinh Pháp Hoa, ở trong gia đình, ngoài xã hội, ở bất cứ môi trường nào mà tu hành theo đúng chính pháp, thì ngay nơi đó tức là đạo tràng.
Cuối phần kệ tụng đoạn tán thán công đức người tín ngưỡng thọ trì Kinh Pháp Hoa nói:
Người hay trì kinh này,
Ở nghĩa của chư pháp,
Tên chữ và ngôn từ,
Thích nói không cùng tận,
Như gió trong hư không,
Hết thảy không vướng mắc.
Sau khi Phật diệt độ,
Biết nhân duyên, thứ đệ,
Trong kinh Phật đã nói,
Theo nghĩa nói như thật.
Như ánh sáng nhật nguyệt,
Hay quét mọi tối tăm,
Người đó đi vào đời,
Hay diệt khổ chúng sinh,
Dạy vô lượng Bồ tát,
Đều trụ giáo Nhất thừa.
Vì thế người có trí,
Nghe công đức lợi này,
Sau khi ta diệt độ,
Nên thọ trì kinh này,
Người này ở Phật đạo,
Quyết định không nghi ngờ.
Gọi là mười thứ thần lực, nhưng mục đích của phẩm này là thần lực “Thông nhất Phật độ”, thần lực cuối cùng trong mười thứ thần lực. Sự sinh hoạt hiện thực của nhân gian, cõi Ta-bà và thập phương Phật độ, thông suốt với nhau gọi là “Nhất Phật độ”, biểu thị trong nơi vũ trụ chỉ có một tướng, một chân lý, một con đường lớn. Vì để hiện thần lực thứ mười này, nên Phật mới thị hiện chín thần lực trước. Đó là bản ý của Đức Phật ủy thác việc hoằng truyền Kinh Pháp Hoa cho bản hóa địa dũng Bồ tát.
Hết phẩm Như Lai thần lực