Phẩm này và bốn phẩm sau gồm năm phẩm, nói về hóa tha lưu thông. Trong phẩm này nói rõ về khổ hạnh chồng chất, khuyên việc hoằng thông. Đối với lời hỏi của Tú Vương Hoa Bồ tát, Như Lai nói về bản sự của Dược Vương Bồ tát, sự thiêu thân cúng dường của Ngài. Đó chính là nghĩa dạy người tu hành phải trọng pháp khinh thân. Trong văn có nói: “Chân tinh tiến, gọi là chân pháp cúng dường Như Lai”, đó là văn chư Phật cùng tán thán. Thứ nói mười dụ, dụ Kinh Pháp Hoa là đệ nhất. Thứ nữa nói về 12 dụ đáp ứng mọi nguyện vọng cứu khổ chúng sinh.
Biểu đồ nội dung phẩm Dược Vương Bồ tát
Phẩm này, lấy tên Dược Vương Bồ tát làm tên phẩm. Đối với lời chất vấn của Tú Vương Hoa Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, là vị Bồ tát như thế nào? Đức Phật trả lời, nói chuyện quá khứ của Dược Vương Bồ tát.
Tú Vương Hoa Bồ tát hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Dược Vương Bồ tát tại sao du hóa ở thế giới Ta-bà? Thế Tôn! Dược Vương Bồ tát này, có bao nhiêu trăm ngàn vạn ức na-do-tha khổ hạnh khó làm? Tốt thay Thế Tôn! Xin Ngài giải thích cho”.
Tại sao du hóa ở thế giới Ta-bà là thế giới hiện thực của nhân gian, vị Bồ tát này lại có cuộc sống thư thái, hành động tự do tự tại như thế, thật không phải là cảnh giới dễ dàng. Vì trong cõi đó, có vô số khổ hạnh khó làm. Vì có trải qua sự nan hành khổ hạnh này, bắt đầu, con người mới có thể nắm bắt được tự do chân thật.
Đáp lời chất vấn của Tú Vương Hoa Bồ tát, Đức Phật nói:
“Mãi ở quá khứ, vô lượng hằng hà sa kiếp, có Đức Phật gọi là Tịnh Minh Đức Như Lai, hiệu Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn... Khi bấy giờ Đức Phật kia cũng đã nói Kinh Pháp Hoa, vì Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ tát và chúng Bồ tát, các chúng Thanh văn. Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ tát này, thích tập khổ hạnh, ở trong pháp của Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, tinh tiến kinh hành, nhất tâm cầu Phật, đủ muôn hai ngàn năm rồi, được hiện nhất thiết sắc thân tam muội”.
Hiện nhất thiết sắc thân tam muội có nghĩa, mọi người ở thế giới này, thân phận, địa vị, cảnh ngộ, tài năng khác nhau, nhưng cùng chung sống, cùng tồn tại và người được tam muội này thì tất cả những người ấy đều coi nhau như bạn bè của chính mình, trở thành nhân cách tốt đẹp.
Cảnh giới giác ngộ này, do vì nghe Kinh Pháp Hoa mà chứng được, để biểu thị cúng dường, cảm tạ Tịnh Minh Đức Phật và Kinh Pháp Hoa, dù có đem hoa trời, hương tốt để cúng dường, nhưng những thứ cúng dường này không phải là “thân cúng dường”. Xoa dầu thơm vào mình, uống hương thơm vào miệng, tịnh hóa trong ngoài, cho thân thể thanh tịnh, tự châm lửa đốt thân mình, đó mới là thân cúng dường.
Xả thân cúng dường, mới là chân cúng dường, trong hạnh bố thí, là cách bố thí tối thượng. Đó là biểu thị cho hành giả đem toàn thân thực hiện lời dạy của Phật. Ánh sáng đốt thân cúng dường này, rực rỡ chiếu tới tám mươi ức hằng hà sa thế giới, thân đó cháy trải 1.200 năm, qua đó rồi sau thân mới cháy hết.
Bồ tát này, sau khi mệnh chung lại sinh làm vương tử của quốc vương gọi là Tịnh Đức Vương, trong nước Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, và khuyên phụ vương cúng dường Phật, tự mình cũng tán thán lễ Phật. Khi đó Đức Phật nói:
“Thời nhập diệt của ta đã đến, sau khi nhập diệt, hết thảy vật sở hữu của ta và xá lợi, hết đều phó chúc cho ông”.
Hỷ Kiến Bồ tát thương cảm thống thiết, phụng táng thân Phật, đem xá lợi di cốt để trong 84.000 bình báu, dựng 84.000 tháp để an trí cúng dường. Làm như vậy cũng vẫn chưa mãn nguyện, ở trước tháp này, còn đốt hai cánh tay để cúng dường xá lợi, đốt tới 72.000 năm, khi hai cánh tay cháy hết, mới chứng được “Hiện nhất thiết sắc thân tam muội”.
Khi đó, những người đã được nhận sự giáo hóa của Bồ tát thương cảm Bồ tát mất hai cánh tay mà nói rằng:
“Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ tát này, là thầy chúng ta, giáo hóa chúng ta, mà nay đốt cánh tay, thân chẳng đầy đủ”.
Hỷ Kiến Bồ tát nghe thấy thế, ở trong đại chúng phát lời thề rằng: “Ta bỏ hai cánh tay, tất sẽ được thân sắc vàng của Phật. Nếu thật chẳng dối, khiến hai cánh tay ta lại trở lại như cũ”.
Nói lời thề như trên vừa xong, bỗng hai cánh tay lại được hoàn toàn như cũ. Với sự xuất hiện kỳ tích này, ba nghìn đại thiên thế giới, sáu thứ chấn động, trên trời mưa hoa, hết thảy người người đều tán thán vui mừng.
Lúc này Đức Phật bảo Tú Vương Hoa Bồ tát: “Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ tát này, đâu phải người xa lạ, nay là Dược Vương Bồ tát đó. Chỗ ông xả thân bố thí, số đó như vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha. Tú Vương Hoa! Nếu có người phát tâm, muốn được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, khéo đốt ngón tay, cho đến một ngón chân, cúng dường Phật tháp”.
Thực tiễn lời dạy Kinh Pháp Hoa, việc cúng dường Kinh Pháp Hoa là sự cúng dường lớn nhất. Mọi người nương vào đó mà tu hành sẽ có thể được hoàn toàn hạnh phúc. Được thể hiện qua mười thí dụ:
1) “Ông Tú Vương Hoa! Ví như trong các dòng sông lớn nhỏ, biển là thứ nhất, Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế, ở trong các kinh đã nói của Như Lai, kinh này sâu rộng nhất”.
2) “Lại như trong các núi, núi đất, núi đá, núi tiểu thiết vi, núi đại thiết vi và núi Thập bảo thì núi Tu Di là thứ nhất, Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế. Ở trong các kinh, kinh này hơn hết”.
3) “Lại như trong các vì sao, sao Nguyệt Thiên Tử là thứ nhất, Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế. Trong các kinh pháp của ngàn vạn ức thứ, chiếu sáng thứ nhất”.
4) “Lại như Nhật Thiên Tử, hay trừ mọi tối tăm, kinh này cũng lại như thế, hay phá hết thảy bóng tối không lành”.
5) “Lại như trong các Tiểu Vương, Chuyển Luân Thánh Vương là thứ nhất, kinh này cũng lại như thế. Ở trong các kinh, kinh này tôn hơn cả”.
6) “Lại như Đế Thích, vua trong Tam thập tam thiên, kinh này cũng lại như thế, vua trong các kinh”.
7) “Lại như Đại Phạm Thiên Vương, người cha của hết thảy chúng sinh, kinh này cũng lại như thế, người cha của hết thảy hiền thánh, Học, Vô học và người phát tâm Bồ tát”.
8) “Lại như trong hết thảy người phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích chi Phật là thứ nhất, kinh này cũng lại như thế. Hết thảy chỗ nói của Như Lai, hoặc chỗ nói của Bồ tát, hoặc chỗ nói của Thanh văn, trong các kinh pháp, kinh này là thứ nhất. Có người hay thọ trì kinh điển này, cũng lại như thế. Ở trong hết thảy chúng sinh, cũng là thứ nhất”.
9) “Ở trong hết thảy Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát là thứ nhất, kinh này cũng lại như thế. Ở trong hết thảy các kinh pháp, cũng là thứ nhất”.
10) “Như Phật là vua các pháp, kinh này cũng lại như thế, vua trong các kinh”.
“Ông Tú Vương Hoa! Kinh này hay cứu hết thảy chúng sinh. Kinh này hay khiến hết thảy chúng sinh, lìa mọi khổ não. Kinh này hay nhiêu ích lớn cho hết thảy chúng sinh, sung mãn mọi nguyện”.
“Như ao trong mát, hay mãn nguyện cho những ai đói khát, như người rét được lửa ấm, như người mình trần được áo, như người buôn được chủ, như con được mẹ, như qua sông được thuyền, như bệnh được thuốc, như tối được đèn sáng, như nghèo được của báu, như dân được vua, như khách buôn được biển, như đuốc trừ tối, Kinh Pháp Hoa này cũng lại như thế. Hay khiến chúng sinh, lìa hết thảy khổ, khỏi hết thảy bệnh, hay cởi trói sinh tử cho hết thảy”.
Cởi trói sinh tử cho hết thảy, nghĩa là lời dạy người đã thể đắc được Kinh Pháp Hoa, thì không vướng mắc nơi biến hóa của nhân sinh, mà nắm bắt được tính chủ thể của tự mình.
Đức Phật lại hướng vào Tú Vương Hoa nói về phúc đức của phẩm này và phó chúc rằng: “Sau khi ta diệt độ, trong sau 500 năm, lưu bố rộng rãi kinh này ở khắp thế giới, không để cho đoạn tuyệt, hết thảy ác ma sẽ không gần được”.
Lại nữa, “Nếu Như Lai sau khi diệt độ, trong sau 500 năm, nếu có người nữ, nghe kinh điển này, như lời dạy mà tu hành, ở lúc mệnh chung, tức được sinh sang thế giới An lạc của Phật A Di Đà, có đại Bồ tát vây quanh trụ xứ, sinh trên tòa báu trong hoa sen. Lại không bị tham dục não loạn, cũng lại không bị sân giận ngu si quấy rầy. Cũng lại không bị kiêu mạn, tật đố, mọi cấu uế làm cho buồn rầu. Được thần thông, vô sinh pháp nhẫn của Bồ tát. Được nhẫn này rồi, nhãn căn trở nên thanh tịnh”.
Vô sinh pháp nhẫn là chứng ngộ được pháp không sinh không diệt, vào cảnh giới không sinh diệt, biến hóa. Nhẫn là ý nhẫn khả, quyết định, tức là nghĩa tiếp tục lâu dài.
Đức Phật bảo: “Tú Vương Hoa! Ông nên đem sức thần thông, giữ gìn kinh này. Ông nếu thấy có người thọ trì kinh điển này. Người ấy chẳng lâu, ngồi ở đạo tràng, phá các ma quân, sẽ thổi loa pháp, đánh trống pháp lớn. Độ thoát biển sinh lão bệnh tử cho hết thảy chúng sinh. Thế nên người cầu Phật đạo, thấy có người thọ trì kinh điển này, phải nên sinh lòng cung kính”.
Đức Phật đáp lời hỏi của Tú Vương Hoa Bồ tát, trần thuật về bản sự của Dược Vương Bồ tát, tức là chỗ đã tu hành ở quá khứ, nói công đức vĩ đại của Kinh Pháp Hoa và những người được nghe rồi tín ngưỡng thọ trì. Ví như 84.000 Bồ tát chứng được “Giải nhất thiết chúng sinh ngôn ngữ Đà-la-ni”. Về phần Đà-la-ni sẽ thuyết minh trong phẩm Đà- la-ni ở sau.
Hết phẩm Dược Vương Bồ tát