P
aul đang ngồi chờ đến giờ hẹn trong một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hạt Essex, ngoại ô Luân Đôn (Anh). Paul năm nay hai mươi bốn tuổi, từng vài lần gặp rắc rối với pháp luật và chưa từng gắn bó với bất kỳ một công việc nào. Nếu như là trước đây thì, điều này chẳng mấy quan trọng. Paul có thể tìm được việc làm khá dễ dàng và thường làm nhiều việc cùng một lúc, cả chính thức lẫn không chính thức. Nhưng thời thế đã thay đổi. Thời điểm hiện tại là tháng Năm năm 2011, thời buổi mà người ta gọi là Đại suy thoái, những ông chủ trước kia từng dễ dàng nhận Paul vào làm nay đã trở nên dè dặt hơn. Paul đã thất nghiệp suốt bảy tháng liền và hoàn cảnh của anh đang ngày càng khó khăn hơn, vì anh còn phải chu cấp cho con gái và đã bắt đầu trễ hạn trả tiền thuê nhà. Vì cần nhanh chóng tìm được việc làm nên Paul đã gạt bỏ lòng tự ái và đến trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ngồi ở bàn tư vấn là Melissa. Cô làm việc ở trung tâm này đã nhiều năm và dành phần lớn thời gian của mình để giúp đỡ mọi người tìm việc làm, nhưng càng ngày cô càng thấy chán nản với cơ chế hoạt động của hệ thống. Ngày ngày, Melissa hỗ trợ người tìm việc điền thông tin vào vô số các tờ đơn, từ đơn tính thu nhập, đơn để được hưởng phúc lợi, đến đơn để xác nhận họ đúng là người mà họ đã khai ở những tờ đơn trước đó. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Melissa đã chứng kiến động lực và sự tự tin của hàng trăm người dần tan biến. Melissa muốn làm được nhiều hơn để giúp đỡ mọi người, nhưng cô lại thường có cảm giác như bản thân đang vật lộn với hệ thống này, với nền kinh tế này, thậm chí với cả những người mà cô đang cố giúp đỡ.
Mọi thứ đã thay đổi khi Melissa và Paul bắt đầu tham gia một chương trình có tính đột phá. Đó không phải là một dự án trị giá hàng triệu bảng Anh tiêu biểu, được hỗ trợ bởi các cố vấn giàu kinh nghiệm hay được ứng dụng nhiều công nghệ mới. Thay vào đó, chương trình này tập trung vào những thay đổi nhỏ mà Melissa có thể thực hiện trong cách cô giúp Paul cũng như những người khác tìm được việc làm. Dù chỉ là những thay đổi nhỏ nhưng khi được kết hợp với nhau, đó là những gì sẽ giúp Paul thay đổi cách suy nghĩ thường ngày của anh về việc tìm kiếm, chuẩn bị và cuối cùng là có được việc làm.
Nếu theo cách làm trước đây, Melissa thường sẽ bắt đầu bằng cách yêu cầu Paul điền thông tin vào đơn. Nhưng giờ đây, cô khuyến khích Paul nghĩ về lý do anh tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm và vì sao chuyện tìm được việc làm lại quan trọng với anh đến vậy. Paul tâm sự với Melissa rằng anh muốn có việc làm để chăm lo cho gia đình. Melissa không thường và không muốn dành thời gian cho những cuộc trò chuyện thế này, nhưng giờ đây cô lại thấy cuộc trò chuyện với Paul diễn ra rất tự nhiên. Cô khuyến khích Paul tự đặt một mục tiêu cụ thể về việc đi làm trở lại. Vì thời buổi hiện tại còn nhiều khó khăn nên Melissa đã khuyên Paul hãy vừa tham vọng vừa thực tế khi đặt mục tiêu. Từ lời khuyên của Melissa, Paul tự đề ra mục tiêu là tìm được việc làm trong vòng ba tháng tới, lý tưởng nhất là việc làm trong ngành xây dựng.
Kế đến, Melissa khuyến khích Paul chia nhỏ mục tiêu của anh thành nhiều bước, chẳng hạn như cải thiện hồ sơ xin việc, nộp đơn ứng tuyển cho những công ty đăng tin tuyển dụng, nhờ bạn bè đang làm trong ngành xây dựng giới thiệu anh với cấp trên của họ và chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho việc làm trong ngành xây dựng. Khi tập trung hoàn thành từng bước nhỏ này, Paul sẽ không cảm thấy mục tiêu tìm được việc làm là quá xa vời. Chính những bước nhỏ đó sẽ giúp Paul cảm thấy anh đang ngày càng tiến bộ, từ đó tạo thêm động lực cho anh.
Cứ mỗi hai tuần Paul lại gặp Melissa một lần, và lần nào anh cũng được cô khuyến khích suy nghĩ về việc anh sẽ làm những gì và vào lúc nào. Paul liệt kê mọi việc ra giấy và liên hệ từng việc với một thời điểm cụ thể trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của mình, chẳng hạn như anh sẽ nộp ba bộ hồ sơ xin việc vào ngày thứ Hai, sau bữa ăn sáng. Bằng cách này, Paul đã tạo ra trong nhận thức của mình một mối liên kết giữa những khoảnh khắc thường nhật với những gì anh cần làm để hoàn thành mục tiêu. Paul không chỉ viết các việc anh cần thực hiện ra giấy mà còn ký tên xác nhận đối với từng nội dung công việc. Đây là cách để Paul chủ động cam kết với Melissa rằng anh sẽ hoàn thành những nhiệm vụ mà họ đã cùng nhau đặt ra cho anh trong tuần đó - những nhiệm vụ nhằm giúp anh mau chóng có được việc làm.
Cả Paul lẫn Melissa đều cảm thấy dường như họ đã được trao cơ hội để làm lại từ đầu. Melissa không còn là người chỉ có thể hướng dẫn người khác thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà; Paul cũng trở nên chủ động hơn trong cuộc sống của mình. Mọi việc không hề dễ dàng. Paul từng gửi hết đơn xin việc này tới đơn xin việc khác nhưng vẫn không nhận được kết quả gì khả quan. Nhưng nhờ có sự động viên của Melissa, Paul đã kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, và trong vòng ba tháng thì anh đã được nhận vào làm trong một công trường xây dựng. Về sau, Paul tâm sự với Melissa rằng những gì cô từng áp dụng để hỗ trợ anh tìm việc đã mang đến cho anh một mục tiêu mới trong cuộc sống, giúp anh cải thiện mối quan hệ giữa anh với vợ và tạo điều kiện để anh chăm lo cho con gái của mình.
Khoa học hành vi
Những thay đổi chúng tôi thực hiện trong phương pháp mà các trung tâm giới thiệu việc làm áp dụng để hỗ trợ những người cần tìm việc hiện đã được nhân rộng khắp nước Anh và đang giúp được khoảng chín triệu người mỗi năm tìm được việc làm nhanh chóng hơn. Mỗi phương pháp mới đều được đưa ra dựa trên những “kiến thức về hành vi”, tức những ý tưởng được đúc kết từ các nghiên cứu về khoa học hành vi. Xuyên suốt quyển sách này, chúng tôi sẽ trình bày những ý tưởng quan trọng nhất được rút ra từ các công trình nghiên cứu đó. Nhưng trước hết chúng tôi cần phải nói về một lý thuyết vô cùng quan trọng, là nền tảng của tất cả những gì chúng tôi sẽ đề cập trong quyển sách này. Theo lý thuyết này, con người chúng ta có hai cách tư duy khác nhau để đưa ra quyết định cũng như xử lý thông tin.
Lý thuyết nói trên chính là “lý thuyết xử lý kép”, được lý giải một cách cụ thể nhất và được nhiều người biết đến nhất qua quyển Thinking, Fast and Slow (Tư duy Nhanh và Chậm) của nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman. Theo Kahneman, hệ thống “nhanh” vận hành hoàn toàn tự động, không cần bất kỳ sự nỗ lực hay kiểm soát có chủ ý nào. Hệ thống nhanh của bạn sẽ hoạt động khi có ai đó hỏi: “Cỏ có màu gì?”, hoặc “Một cộng một bằng mấy?”. Màu xanh và số hai sẽ lập tức nảy ra trong đầu bạn, dù bạn có muốn hay không. Ngược lại, hệ thống “chậm” đòi hỏi sự chú ý chủ động của bạn. Hệ thống chậm của bạn sẽ hoạt động khi có ai đó hỏi: “Mười hai nhân với mười chín bằng bao nhiêu?”, hoặc khi bạn đang đi trên phố và có ai đó yêu cầu bạn đi nhanh hơn thường lệ. Nếu không phải là một người cực kỳ giỏi toán hay một người thường thay đổi tốc độ bước đi thì bạn sẽ phải rất cố gắng và phải vận dụng sự chú ý chủ động của mình để đáp ứng những yêu cầu trên.
Hệ thống nhanh và chậm không chỉ giúp chúng ta phân biệt màu sắc, giải toán hay thực hiện các bài tập đi bộ đặc biệt mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chúng ta ra quyết định, bất kể quyết định đó là về việc xác định mục tiêu cuộc sống hay về cách để theo đuổi mục tiêu đó. Vấn đề là hầu hết chúng ta đều không ý thức được ưu điểm và khuyết điểm của hệ thống nhanh và chậm, cũng như không hiểu hai hệ thống này tương tác với nhau như thế nào. Chúng ta thường mặc định rằng khi đã đặt ra mục tiêu thì chắc chắn chúng ta sẽ theo đuổi mục tiêu đó với tất cả sự tập trung cũng như chú ý của mình, đồng nghĩa với việc chúng ta phải sử dụng hệ thống chậm nhiều hơn.
Việc vận dụng hệ thống chậm để hoàn thành mục tiêu sẽ không thành vấn đề nếu chúng ta có năng lực xử lý vô hạn, nhưng thực tế thì không như thế. Khả năng chú ý mà ta có thể phân bổ cho nhiều hoạt động khác nhau là có giới hạn, và như những gì Daniel Kahneman lập luận thì bạn sẽ thất bại nếu cố vượt quá giới hạn đó. Hãy thử vừa đọc đoạn tiếp theo vừa tính xem mười hai nhân với mười chín bằng bao nhiêu, bạn sẽ hiểu điều chúng tôi đang muốn nói đến là gì. Khi muốn giảm cân theo phương pháp hạn chế ca-lo, bạn cũng sẽ thấy việc phải duy trì một khẩu phần ăn nhất định suốt nhiều tuần liền khó khăn đến thế nào. Những lúc như thế, bạn sẽ nhận ra bản thân phải nỗ lực hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ. Nói cách khác, chúng ta là con người tiến hóa chứ không phải con người kinh tế “Econ”, những người được miêu tả trong nhiều quyển sách kinh tế kinh điển là có trí tuệ nhạy bén của Albert Einstein và ý chí mạnh mẽ của Gandhi. Chúng ta có một “băng tần” nhận thức hữu hạn, và điều này đã giới hạn khả năng sử dụng hệ thống chậm của chúng ta, khiến ta không thể sử dụng hệ thống này mọi lúc mọi nơi.
Nhiều người lầm tưởng rằng hệ thống chậm là phần “thông minh” của não bộ, luôn phải vật lộn với hệ thống nhanh “ngu ngốc” có khuynh hướng vội vàng kết luận mà không nghĩ đến hậu quả. Theo cách phân biệt này, hệ thống chậm sẽ muốn đếm ca-lo, còn hệ thống nhanh chỉ nhìn thấy những thỏi sô-cô-la thơm ngon và quyết định chộp lấy. Nhưng đây là cách nhìn nhận hoàn toàn sai về cơ chế hoạt động phức tạp của hệ thống nhanh, cũng như những lợi ích mà hệ thống này mang đến cho chúng ta trong một thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Hãy hình dung đến cảm giác của bạn khi lần đầu tiên học lái xe hơi. Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, trong đó có sự tập trung cao độ và sự chú ý chủ động của bạn. Hệ thống chậm của bạn được vận dụng tối đa. Giờ thì hãy nghĩ về cảm giác của bạn khi đã có thể lái xe một cách dễ dàng, không cần nỗ lực mà chủ yếu dựa vào phản xạ tự động. Đó là vì hệ thống nhanh của bạn đã nắm quyền kiểm soát. Nói tóm lại, dù có thể khiến chúng ta phạm sai lầm (không ăn kiêng, không tiết kiệm cho tuổi về hưu, không hoàn thành những việc được giao), nhưng hệ thống nhanh cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu của mình.
Quyển sách này vận dụng những nghiên cứu mới nhất về khoa học hành vi để giúp bạn phân bổ sự chú ý của bản thân, để bạn có thể đạt được những mục tiêu của mình. Nó cũng sẽ giới thiệu đến bạn một bộ khung đơn giản, giúp bạn sử dụng hệ thống chậm của mình một cách thông minh để hệ thống nhanh của bạn có thể phát huy tác dụng ngay khi cần thiết. Một phần nội dung khá lớn trong quyển sách này sẽ nói về việc sử dụng hệ thống chậm hiện tại của bạn để xây dựng “giàn giáo hành vi” cho những hành động mà bạn sẽ có trong tương lai. Xuyên suốt quá trình đó, chúng tôi sẽ liên tục nhắc bạn rằng các chi tiết nhỏ có vai trò quan trọng hơn bạn tưởng. Nếu muốn đạt được những mục tiêu to lớn thì bạn cần nghĩ nhỏ.
Tạo cú hích cho người khác và cho bản thân
Những ý tưởng nền tảng của quyển sách này không chỉ dựa trên các nghiên cứu hàn lâm được tiến hành trong hơn năm mươi năm qua, mà còn là những ý tưởng đã được thử nghiệm suốt sáu năm liền trong các chương trình do chúng tôi phát triển tại Nhóm Nghiên cứu Hành vi (Behavioural Insights Team - BIT). BIT là tổ chức được thành lập bởi David Cameron vào năm 2010, ngay sau khi ông nhậm chức thủ tướng và chuyển đến sống tại phố Downing, Luân Đôn. Từ đó đến nay, mục tiêu của BIT vẫn không thay đổi, đó là áp dụng ý tưởng của các nghiên cứu về khoa học hành vi vào thực tiễn để giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn cho chính họ. Vào năm 2010, đa số mọi người đều nghĩ BIT không thể thành công. Nhiều phóng viên tỏ thái độ hoài nghi và cho rằng BIT là công cụ để thu hút sự chú ý của công chúng chứ không phải là một kế hoạch cải cách nghiêm túc của chính phủ. Bên cạnh đó, BIT cũng phải đối mặt với thử thách từ các quan chức, những người tin rằng chính phủ nên chú trọng những chương trình có ngân sách lớn, ưu tiên ban hành điều luật mới và có những tuyên bố táo bạo. Thời điểm đó, nghĩ lớn mới là quan điểm phổ biến.
Khi còn công tác ở Đơn vị Chiến lược của Thủ tướng dưới thời của Tony Blair và Gordon Brown, chúng tôi cũng thường làm việc theo tư duy nghĩ lớn. Từ một trang giấy trắng, chúng tôi có thể vạch ra một dự án nhằm cải thiện bộ mặt của chính quyền địa phương trong vòng mười lăm năm tiếp theo. Hoặc chúng tôi có thể lập nên một đề án để cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục nhằm cải thiện thành tích học tập của học sinh. Những chương trình có tính chiến lược và có quy mô lớn như thế vẫn thường mang đến nhiều lợi ích, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng khi tiến hành thực hiện những chương trình này, có một sự khác biệt rất lớn giữa chiến lược trên giấy và tình hình thực tế. Đó là lý do vì sao khi trở thành một phần của BIT, chúng tôi đã ngay lập tức xóa bỏ những gì mình từng biết về hoạch định chính sách để tìm hiểu xem những chương trình của chính phủ tác động thế nào đến quyết định mà mọi người đưa ra hằng ngày. Và điều này buộc chúng tôi phải ngừng nghĩ lớn và bắt đầu nghĩ nhỏ.
Trước tiên, chúng tôi thay đổi phương thức thu thập bằng chứng. Chúng tôi không còn ngồi ở văn phòng để phân tích số liệu trên giấy mà đã đi khảo sát thực tế để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan dịch vụ công. Trước khi đưa ra những đề xuất giúp Paul và nhiều người khác tìm được việc làm, chúng tôi đã có mặt ở các trung tâm giới thiệu việc làm suốt nhiều tuần liền. Chúng tôi đã đi cùng chấp hành viên1 đến các buổi cưỡng chế để tìm hiểu vì sao nhiều người không đóng tiền phạt đúng hạn, và chúng tôi phát hiện những người đó thậm chí còn không biết họ có những khoản phạt quá hạn. Chúng tôi cũng nghiên cứu hàng trăm tờ khai thuế để tìm hiểu vì sao mỗi năm có đến hàng triệu người trễ hạn nộp thuế. Với bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng luôn vận dụng các nghiên cứu về khoa học hành vi trong hàng chục năm qua để xác định đâu là những thay đổi mà chúng tôi có thể thực hiện để cải thiện tình hình. Đồng thời, để làm nền tảng cho các phương pháp của mình, chúng tôi còn vận dụng lời khuyên của một số nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học hành vi, trong đó có Richard Thaler, đồng tác giả quyển Nudge (Cú hích) và cũng là một trong những vị cố vấn đã gắn bó cùng BIT.
1 Chấp hành viên là công chức ngành tư pháp, có nhiệm vụ thi hành các bản án hoặc quyết định do tòa án hoặc các cơ quan khác trực thuộc chính phủ ban hành.
Chúng tôi đã nhiều lần thấy được rằng cơ hội để cải thiện một điều gì đó không nằm ở việc vạch ra một chiến lược to lớn và mới mẻ, mà ở việc thực hiện nhiều thay đổi nhỏ - những thay đổi có thể tạo ra tác động lớn khi được kết hợp với nhau. Chúng tôi đã chứng minh được rằng chỉ với việc thêm một dòng chữ vào thư báo trễ hạn đóng thuế (để người nhận thư biết hầu hết mọi người đều nộp thuế đúng hạn), cơ quan quản lý thuế đã có thể thu hồi được hàng trăm triệu bảng tiền nợ thuế. Chúng tôi đã chứng minh được rằng chỉ với việc gửi một tin nhắn đơn giản để nhắc nhở những người còn nợ tiền phạt trước khi các chấp hành viên cưỡng chế được phái tới, tỷ lệ nộp phạt đã tăng lên gấp ba lần. Và chúng tôi cũng đã chứng minh được rằng những thay đổi nhỏ mà chúng tôi tạo ra trong cách mà những người thất nghiệp áp dụng khi tìm kiếm việc làm có thể giúp hàng ngàn người trở lại với công việc nhanh chóng.
Chúng tôi biết những thay đổi nhỏ như thế có tác động lớn đến thế nào, vì thay đổi thứ hai mà chúng tôi thực hiện là về phương thức hoạt động của quá trình hoạch định chính sách. Chúng tôi bắt đầu tiến hành những thử nghiệm nghiêm ngặt hơn để xác định xem những thay đổi mình đề xuất có thật sự hiệu quả hay không. Khi áp dụng bất kỳ sự thay đổi nào, chúng tôi cũng đều tiến hành “thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên”, tức là so sánh kết quả có được khi đối tượng nghiên cứu tiếp nhận yếu tố tác động mới (một bức thư thông báo nộp thuế mới, một quy trình tìm kiếm việc làm mới) với kết quả có được khi đối tượng nghiên cứu tiếp nhận yếu tố tác động giả (mọi thứ giữ nguyên như cũ). Tương tự thử nghiệm lâm sàng trong y học, thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên giúp chúng tôi chứng minh được rằng những gì chúng tôi thu được là kết quả của sự thay đổi mà chúng tôi đã thực hiện, chứ không phải là kết quả của yếu tố ngẫu nhiên nào đó.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng thử nghiệm một chính sách trước khi áp dụng trên quy mô lớn là việc hiển nhiên, nhưng trên thực tế, vào thời điểm mà chúng tôi bắt đầu tiến hành những thử nghiệm của mình, đó lại là một cách làm mới và có tính cấp tiến. Số lượng kết quả thử nghiệm ngày càng tăng đã dần thay đổi suy nghĩ của những người trước đó còn hoài nghi. Nhờ những kết quả thử nghiệm đó, chúng tôi đã có thể khẳng định rằng nhiều thay đổi nhỏ mà chúng tôi đưa ra khi được kết hợp với nhau sẽ tạo nên tác động to lớn. Báo chí bắt đầu viết về những khám phá khả quan và mới mẻ của BIT; các quan chức chính phủ cũng bắt đầu kết nối với chúng tôi để thảo luận về những thay đổi mà họ có thể thực hiện trong phạm vi chính sách của mình. Những ý tưởng mà chúng tôi từng sử dụng để thay đổi phương thức hoạch định chính sách - phần lớn trong số đó được xem là có tính cấp tiến vào năm 2010 - nay đã trở thành những ý tưởng chính thống.
Những thay đổi mà BIT đã thực hiện trong suốt sáu năm nghiên cứu có thể được chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là chúng tôi tạo ra phương pháp mới để chính phủ có thể sử dụng và tạo cú hích cho người dân, thúc đẩy họ tiết kiệm nhiều hơn, sống lành mạnh hơn, hoặc tự giác đóng thuế hơn. Dạng thứ hai là chúng tôi tạo ra công cụ mới để các nhân viên dịch vụ công tạo ra cú hích cho người khác, giống như những gì Melissa đã làm cho Paul trong chương trình về trung tâm giới thiệu việc làm. Trong hai trường hợp này, Đơn vị Hích chính là nhân tố đã tạo nên cú hích.
Tuy nhiên, trọng tâm của quyển sách này là nói về cú hích thuộc dạng thứ ba, ít được đề cập hơn so với hai dạng kể trên, đó là cú hích mà ta tạo ra cho bản thân mình. Với những cú hích điển hình, quyết định của bạn chỉ thay đổi khi hoàn cảnh và môi trường xung quanh được thay đổi bởi một người nào đó; nhưng trong quyển sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những công cụ để bạn tự tạo cú hích cho bản thân, cả trong đời sống cá nhân lẫn công việc. Trong cuộc sống hiện tại, chắc hẳn bạn cũng đang sử dụng một số cú hích như thế, chẳng hạn như vặn đồng hồ chạy sớm vài phút để không bị trễ giờ làm, yêu cầu đồng nghiệp phải hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể, cất kỹ hũ bánh quy để nỗ lực giảm cân hoặc sử dụng bánh kẹo để khen thưởng con cái khi chúng cư xử đúng mực. Mục đích của quyển sách này là giúp bạn thực hiện những việc đó một cách có hệ thống hơn, bằng cách cung cấp cho bạn những kỹ thuật đã được chứng minh là có hiệu quả, từ đó bạn có thể tạo cú hích cho bản thân và những người xung quanh để ai cũng có thể đạt được mục tiêu của mình. Đây là lý do vì sao ngoài việc trích dẫn các nghiên cứu mà chúng tôi đã tham khảo, chúng tôi cũng sẽ kể về những tình huống mà chúng tôi đã vận dụng vốn hiểu biết của mình để tự tạo cú hích cho bản thân và áp dụng cách tiếp cận mới ngay trong BIT. Nói tóm lại, chúng tôi sẽ mở chiếc hộp chứa công cụ tạo cú hích để mọi người có thể sử dụng những công cụ này trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Nghĩ nhỏ để đạt được mục tiêu to lớn
Trọng tâm của quyển sách này là mang đến cho bạn một bộ khung đơn giản được xây dựng dựa trên bảy khái niệm cốt lõi. Những khái niệm cốt lõi và các nguyên tắc làm nền tảng cho những khái niệm đó đều dễ hiểu và dễ áp dụng, nhưng những chi tiết nhỏ về cách áp dụng đó mới là quan trọng hơn cả. Dù phần lớn những chi tiết nhỏ này đều là những “kiến thức thông thường”, nhưng đôi khi đó lại là những yếu tố khác thường. Vì lý do này, chúng tôi sẽ giải thích cụ thể về các nghiên cứu đã làm nền tảng cho từng khái niệm, đồng thời chỉ ra bạn có thể sẽ phạm sai lầm như thế nào khi áp dụng các khái niệm.
Có một điều chúng tôi muốn làm rõ, đó là nghĩ nhỏ không đồng nghĩa với mục tiêu nhỏ. Chúng tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp bạn đạt được những điều có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của bạn và những người xung quanh bạn, trong công việc cũng như trong gia đình. Chúng tôi tin rằng nếu muốn đạt được những mục tiêu to lớn thì bạn cần bắt đầu bằng cách nghĩ về những chi tiết nhỏ. Vì thế, nghĩ nhỏ không có nghĩa là bạn phải kìm hãm tham vọng của bản thân, mà là chuyển sự tập trung của bạn vào những chi tiết nhỏ và đơn giản nhưng lại có thể giúp bạn theo đuổi những mục tiêu to lớn của mình.
Dám nghĩ nhỏ không phải là danh sách những việc cần hoàn thành. Bạn không cần phải cứng nhắc thực hiện tất cả bảy bước được đề cập trong quyển sách này để đạt được mục tiêu của mình. Thay vì vậy, bạn hãy nghĩ rằng quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn bộ hành vi nền tảng để từ đó bạn có thể xây dựng dự án của mình.
Dám nghĩ nhỏ bắt đầu với những phần cơ bản của bộ nền tảng hành vi, bao gồm xác định mục tiêu và lập kế hoạch thực hiện. Tiếp đến, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách xây dựng các cột chống và khớp nối của giàn giáo hành vi để duy trì động lực của bản thân trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu. Các cột chống và khớp nối đó bao gồm những công cụ giúp bạn lập các cam kết có tính ràng buộc, đề ra những phần thưởng thích hợp, tận dụng sự hỗ trợ của những người xung quanh và tìm kiếm phản hồi hữu ích. Bạn không nhất thiết phải sử dụng tất cả các công cụ này cho mọi mục tiêu của mình, nhưng khi càng được trợ lực bởi nhiều công cụ thì giàn giáo của bạn sẽ càng trở nên cứng cáp. Cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bạn có thể tạo thêm những mối liên kết như thế nào để giúp cho giàn giáo của bạn vững chắc hơn, bằng cách xem xét những bằng chứng mới nhất về động lực để kiên trì theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Những mối liên kết này đặc biệt hữu ích khi bạn gặp khó khăn trên hành trình chinh phục mục tiêu và bị cản trở bởi những áp lực không tránh khỏi của cuộc sống hằng ngày.
Chúng tôi thật sự hy vọng rằng khi áp dụng bộ khung được giới thiệu trong Dám nghĩ nhỏ, bạn sẽ có thể xác định những mục tiêu phù hợp với mình, cũng như biết được những cách đơn giản và dễ thực hiện để hoàn thành mục tiêu, từ đó khiến bản thân bạn và những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc hơn.