Hôm nay là thứ Hai và Sarah đang ngồi nghỉ trưa tại bàn làm việc trong văn phòng của mình, ở một khách sạn sang trọng do cô điều hành. Sarah đang ăn một đĩa mì tôm càng vừa được chế biến bởi chính bếp trưởng, trên bàn ngổn ngang những bản sao của thực đơn mới. Văn phòng của Sarah có vách được làm bằng những tấm kính lớn mà qua đó cô có thể nhìn thấy quầy lễ tân. Nhiều vị khách đang vui vẻ làm thủ tục check-in và check-out, một số người tươi cười nhờ nhân viên tiền sảnh gọi tắc-xi để ra sân bay. Những vị khách khác đang thư thả bước ra từ nhà hàng, nơi vừa được trao giải về chất lượng thức ăn với nguyên liệu được mua trực tiếp từ các nhà cung cấp và nông trang địa phương.
Tiếng chuông đột ngột vang lên, Sarah bừng tỉnh khỏi giấc mộng đẹp. Nơi cô đang ngồi không phải là văn phòng ở khách sạn mà là căn-tin của trường, và trước mặt cô không phải là món mì tôm càng mà là đĩa mì cá ngừ cô đang ăn dở. Tiếng chuông vừa rồi báo hiệu giờ học buổi chiều đã bắt đầu, và đó không phải là những gì Sarah mong chờ. Đã đến giờ học toán - môn học mà Sarah không ưa nhất. Cô luôn gặp nhiều khó khăn trong giờ toán và thường cảm thấy chán nản vì những bạn khác dường như đều có khả năng tiếp thu các khái niệm toán học tốt hơn cô. Và với bản thân Sarah hay bất kỳ ai khác, chắc hẳn không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng trong kỳ thi Chứng chỉ giáo dục Phổ thông Trung học (General Certificates of Secondary Education - GCSE)1 năm ngoái, cô đã thi rớt môn toán và buộc phải thi lại. Lúc chuông báo hiệu giờ học bắt đầu vang lên, Sarah bất giác nghĩ rằng sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu cô bỏ tiết học hôm nay như cô đã từng bỏ tiết nhiều lần trước đó.
Dù vậy, Sarah vẫn quyết định đứng dậy và lê bước đến lớp. Vừa bước vào lớp, cô đã nhận ra đó không phải là một buổi học toán mà cô từng biết. Không có bất kỳ phương trình nào được viết trên bảng, đồng nghĩa với việc Sarah sẽ không phải giải những bài toán đại số hay tính xác suất. Trên thực tế, buổi học hôm đó hoàn toàn không phải là một buổi học bình thường. Đó là khởi đầu của hàng loạt các giải pháp, được thiết kế nhằm khuyến khích Sarah và các bạn học của cô đề ra những “mục tiêu tham vọng” cũng như lập kế hoạch để theo đuổi những mục tiêu đó. Ban đầu Sarah còn cảm thấy hoài nghi, nhưng vì nghĩ ngoài môn oán ra thì học môn gì cũng được nên Sarah đã ngồi vào bàn và nghiêm túc lắng nghe. Việc đầu tiên Sarah được yêu cầu thực hiện là nghĩ về tất cả những gì cô thật sự muốn đạt được trong đời và chọn ra một “mục tiêu tham vọng” để tự thử thách bản thân. Trước đó, chưa có ai từng yêu cầu Sarah làm bất kỳ điều gì giống như thế. Trong một khoảnh khắc, tâm trí cô lại mơ màng nghĩ về khung cảnh trong khách sạn. Cô thật sự có hứng thú với ngành du lịch và đam mê ẩm thực. Thế nên khi được hỏi muốn theo đuổi mục tiêu gì, Sarah đã quyết định mục tiêu đó sẽ là lấy chứng chỉ nghiệp vụ về du lịch và dịch vụ. Nếu không thể lấy được chứng chỉ đó thì Sarah sẽ không bao giờ có thể theo đuổi đam mê của mình.
1 Là một trong những bằng cấp quan trọng ở Anh, tương đương với bằng Tốt nghiệp Phổ thông ở Việt Nam. Học sinh trung học bắt buộc phải hoàn thành chứng chỉ này trước khi học tiếp các bậc học cao hơn.
Kế đến, Sarah được khuyến khích chia mục tiêu của mình thành nhiều bước nhỏ, càng cụ thể càng tốt. Ví dụ được đưa ra cho Sarah là một ca sĩ không thể hát hay một bản nhạc nào đó chỉ bằng cách tuyên bố: “Tôi sẽ tỏa sáng với bài hát này”. Những gì ca sĩ đó phải làm là nhận diện các đoạn khó hát nhất và tập luyện cho đến khi cô có thể tự tin trình diễn bài hát của mình. Nghe vậy, Sarah bắt đầu chia mục tiêu chính của mình thành nhiều phần nhỏ hơn, và những “đoạn khó hát” của Sarah chính là điểm số môn toán của cô. Nếu không đạt được ít nhất là điểm C trong môn toán thì Sarah không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Vậy nên cô tập trung vào những gì mình có thể làm để đạt được điểm C. Sarah cho rằng cô cần dành nhiều thời gian hơn cho môn toán và giải các đề thi thử trong thư viện, đặc biệt là đại số và xác suất. Cô cũng cần thay đổi phương pháp ôn luyện của mình bằng cách áp dụng một số kỹ thuật cô đã học được trong chương trình đặc biệt kia. Chẳng hạn, vì nhận thấy bản thân thường không thể tập trung liên tục suốt một giờ đồng hồ nên Sarad đã chia thời gian học của mình thành nhiều quãng ngắn hơn. Về sau, cô giải thích: “Quãng thời gian kéo dài khoảng ba mươi phút thật sự rất phù hợp với tôi, vì khi đó tôi có thể tiếp thu tốt hơn. Sau ba mươi phút, tôi sẽ nghỉ giải lao mười lăm phút rồi mới học tiếp”.
Các bài thực hành nhỏ từ chương trình cũng dần thay đổi tác phong học tập của Sarah. Cô chia sẻ: “Phương pháp mới đã tạo điều kiện để tôi làm điều mình cần làm, giúp tôi cải thiện cuộc sống của bản thân và của những người xung quanh”. Và đúng như những gì Sarah chia sẻ, phương pháp mới đã tác động tích cực đến cô. Cô bắt đầu mang những bài thi cũ về nhà làm để không bị xao nhãng. Cô ngồi lại trong thư viện để học thêm sau giờ học. Và cô cũng không còn bỏ tiết như trước. Cô đã có thể nhận ra mối liên hệ giữa mỗi tiết học riêng lẻ với ước mơ của mình là được làm trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Năm đó, Sarah đạt điểm B môn toán và bắt đầu phấn đấu để theo đuổi những bằng cấp cao hơn (nhưng ít chú trọng môn đại số hơn). Sarah không phải là người duy nhất. Trên thực tế, cô là một trong chín ngàn sinh viên đến từ mười chín trường đại học và cao đẳng khác nhau, trong cuộc thử nghiệm lớn nhất từng được thực hiện đối với hệ thống giáo dục bậc cao đẳng ở Anh. Các bài thực hành mà Sarah áp dụng đã được BIT soạn ra với sự hỗ trợ của Giáo sư Angela Duckworth và nhóm các nhà tâm lý học hàng đầu của bà tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tương tự tất cả những chương trình khác của BIT, chúng tôi cũng tiến hành thử nghiệm đối chứng giữa các thay đổi mới với cách tiếp cận truyền thống, để xác định xem những thay đổi đó có thể giúp sinh viên cao đẳng đến lớp thường xuyên hơn và từ đó nâng cao thành tích học tập hay không. Kết quả thu được là vô cùng khả quan. Những thay đổi mà chúng tôi đề xuất hiện đang giúp rất nhiều sinh viên bám sát chương trình học do nhà trường soạn thảo, khiến số sinh viên hiện diện trong các giờ học tăng thêm đến 10%.
Trọng tâm của những thay đổi đó là tập trung vào những bước nhỏ, cần thiết cho quá trình theo đuổi mục tiêu. Các sinh viên không phải nghe những lời khuyên như phải có những ước mơ thật lớn lao và hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra theo ý mình. Cuộc sống của chúng ta vốn không đơn giản như thế. Thay vào đó, chúng tôi nói với sinh viên rằng nếu muốn hoàn thành những mục tiêu của đời mình thì trước hết, họ phải xác định được những mục tiêu đó là gì rồi sau đó mới bắt đầu nghĩ đến những bước nhỏ mà họ cần thực hiện để theo đuổi mục tiêu.
Chương này có chút khác biệt so với những chương còn lại. Trước khi nói về những kỹ thuật giúp bạn hoàn thành mục tiêu, việc đầu tiên chúng tôi muốn khuyến khích bạn làm là tự hỏi bản thân mục tiêu của bạn là gì và đâu là những bước bạn cần thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Nhưng nhằm đảm bảo tính thống nhất của cả quyển sách, trong chương này chúng tôi cũng sẽ nêu ba nguyên tắc đơn giản để hỗ trợ cho quá trình theo đuổi mục tiêu của bạn. Ba nguyên tắc để xác định mục tiêu bao gồm:
Chọn mục tiêu phù hợp. Bạn nên bắt đầu bằng cách tự hỏi những mục tiêu mà bạn thật sự muốn đạt được là gì, sau đó tập trung vào những mục tiêu có thể cải thiện cuộc sống của bạn nhiều nhất.
Tập trung vào một mục tiêu duy nhất, xác định đích đến cụ thể và thời hạn hoàn thành rõ ràng. Bạn nên tập trung vào một mục tiêu duy nhất (thay vì một danh sách dài lê thê với hàng loạt “những điều cần cải thiện trong năm mới”), tự xác định đích đến cụ thể và thời hạn hoàn thành mục tiêu.
Chia mục tiêu thành nhiều bước nhỏ, dễ thực hiện. Việc hoàn thành mục tiêu sau cùng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nếu bạn xác định được những bước nhỏ mà bạn cần thực hiện để theo đuổi mục tiêu đó.
Nguyên tắc 1: Chọn mục tiêu phù hợp
Hãy tưởng tượng bạn đang đi dạo vào một ngày hè đẹp trời, đột nhiên một người phụ nữ lạ mặt tiến về phía bạn và đưa ra một lời đề nghị lạ lùng. Người này đưa cho bạn một bao thư có hai mươi đô-la, kèm theo một điều kiện. Hóa ra, đó là một điều kiện khá dễ chịu: trước năm giờ chiều, bạn phải dùng hai mươi đô-la đó để mua cho mình một món quà hoặc chi trả cho bất kỳ khoản chi tiêu nào của chính bạn. Sau khi trao bao thư cho bạn, người phụ nữ cứ thế bỏ đi, còn bạn thì bắt đầu suy nghĩ nên tiêu số tiền đó như thế nào.
Bây giờ, hãy tưởng tượng một tình huống tương tự tình huống trên, với một sự khác biệt nho nhỏ. Người phụ nữ lạ mặt kia cũng tiến về phía bạn và đưa cho bạn một bao thư có hai mươi đô-la. Nhưng lần này, điều kiện kèm theo là bạn phải tiêu số tiền đó vì người khác hoặc trao lại cho một quỹ từ thiện.
Khi các nhà nghiên cứu gồm Elizabeth Dunn, Lara Aknin và Mike Norton thực hiện thử nghiệm này ở Thành phố Vancouver (Canada), họ phát hiện chủng loại hàng hóa mà đối tượng nghiên cứu thường mua là rất đa dạng. Khi được yêu cầu mua một món gì đó cho bản thân, các đối tượng này đã mua bông tai, cà phê hoặc sushi. Khi được yêu cầu mua một món gì đó cho người khác, họ đã dùng số tiền đó để cho người vô gia cư, mua đồ chơi cho con cháu, hoặc mua thức ăn và cà phê cho bạn bè.
Những gì Dunn, Aknin và Norton thật sự quan tâm không phải là các đối tượng đã sử dụng hai mươi đô-la để chi cho những gì, mà là những khoản chi đó đã tác động thế nào đến mức độ hạnh phúc của họ. Đó là lý do vì sao những nhà nghiên cứu đã hỏi các đối tượng tham gia một số câu hỏi để đo lường mức độ hạnh phúc của họ trước khi tiền được trao và sau khi tiền đã được sử dụng. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người tiêu tiền vì người khác (còn được gọi là “chi tiêu vì xã hội”) thường cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người tiêu tiền vì bản thân họ. Nhóm nghiên cứu nhận thấy bản thân số tiền mà các đối tượng nhận được là nhiều hay ít dường như cũng không quan trọng, nghĩa là không có sự khác biệt nào giữa mức độ hạnh phúc của người nhận được năm đô-la và người nhận được hai mươi đô-la. Khi phân tích mức độ hạnh phúc của những người vừa được thưởng năm ngàn đô-la, các nhà nghiên cứu cũng nhận được những kết quả tương tự. Theo đó, những người dùng năm ngàn đô-la để mua quà cho chính mình hoặc chi trả hóa đơn không hạnh phúc bằng những người mua một món gì đó cho người khác hoặc đóng góp cho hoạt động từ thiện. Phần tiền thưởng họ trích ra để “chi tiêu vì xã hội” càng lớn thì họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn, và điều này thậm chí còn quan trọng hơn giá trị của tổng số tiền thưởng đó. Chính vì lý do này mà tiền thưởng hằng năm của BIT cũng được chia thành hai phần. Phần thứ nhất là để thành viên BIT chi tiêu cho chính họ (lý tưởng nhất là cho một trải nghiệm nào đó, chúng tôi sẽ nói thêm về điều này sau); phần còn lại là để họ chi tiêu cho người khác, cụ thể là những người đã góp phần giúp họ có được khoản tiền thưởng như thế.
Nguyên nhân khiến các thử nghiệm như của Dunn, Aknin và Norton có vai trò quan trọng là vì chúng ta thường không đoán được điều gì sẽ giúp mình cảm thấy hạnh phúc hơn. Chẳng hạn như trong vấn đề tiêu tiền, đa số chúng ta đều sẽ nói ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi chi hai mươi đô-la cho chính mình, chứ không phải cho người khác. Nhưng như chúng ta đã thấy, khi một cuộc thử nghiệm được thực hiện để kiểm chứng giả thuyết này, kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta vẫn tưởng. Thử nghiệm này cũng không phải là ví dụ duy nhất. Chúng ta mơ ước có được một căn nhà rộng rãi ở vùng nông thôn mà không nhận ra rằng việc phải di chuyển xa hơn để đến chỗ làm có thể sẽ khiến chúng ta thấy kém hạnh phúc hơn. Chúng ta mua sắm nhiều vật dụng vì nghĩ rằng sự tiện nghi sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, nhưng nghiên cứu đã chứng minh cuộc sống của chúng ta thường được cải thiện nhiều hơn khi ta đầu tư cho các trải nghiệm như du lịch hay nghỉ dưỡng. Và dù nhiều người thường dành hàng giờ đồng hồ để ngồi trước màn hình vi tính hay tivi, nhưng các bằng chứng lại cho thấy chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi đầu tư vào những mối quan hệ xã hội của mình.
Vì vậy, trước khi chọn ra mục tiêu cho mình, bạn cần suy nghĩ thật kỹ xem điều gì sẽ khiến bạn hoặc những người xung quanh bạn hạnh phúc. Các bằng chứng về hạnh phúc nói chung cũng như “hạnh phúc chủ quan” nói riêng đang xuất hiện ngày càng nhiều và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Anh hiện cũng đang thu thập và công bố nhiều dữ liệu nghiên cứu về hạnh phúc. Vì quyển sách này hướng đến một góc nhìn rộng hơn và nhiều khía cạnh hơn, nên chúng tôi sẽ không cố trích dẫn tất cả các nghiên cứu về hạnh phúc. (Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về đề tài này, bạn có thể tìm đọc các công trình nghiên cứu tiên phong của Ed Diener, Lord Richard Layard, Martin Seligman, Dan Gilbert và David Halpern.) Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tóm lược về những gì có tác động nhiều nhất đến cảm giác hạnh phúc của bạn, cũng như những điều quan trọng mà bạn cần cân nhắc trong quá trình xác định mục tiêu của mình.
Một trong những điều đầu tiên mà có lẽ bạn đã nhận ra là tiền không nằm trong danh sách tóm lược nói trên. Mặc dù thu nhập và cảm giác hạnh phúc có liên quan đến nhau (người giàu thường hạnh phúc hơn người nghèo), nhưng như chúng ta đã thấy trong những thử nghiệm được nêu ở đầu chương, tiền không thể cải thiện cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Đối với hầu hết những người đang sống trong tình cảnh đó, có lẽ mục tiêu quan trọng nhất của họ là tăng thu nhập (đặc biệt là tăng khoản tiền mà họ dành dụm được). Nhưng với những ai đủ may mắn để không phải sống trong cảnh nghèo khó, họ sẽ có được nhiều lợi ích hơn khi tập trung cải thiện cách sử dụng thời gian và tiền bạc, thay vì chỉ nỗ lực tăng thu nhập. Nói như nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn thì “nếu tiền không làm cho bạn hạnh phúc thì có lẽ bạn đang tiêu tiền không đúng cách”. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng khi chọn mục tiêu cho mình, bạn nên tập trung vào năm yếu tố đã được chứng minh là có thể cải thiện cảm giác hạnh phúc của chúng ta, bao gồm:
Củng cố các mối quan hệ xã hội
Củng cố sức khỏe và sự năng động
Trau dồi kiến thức và kỹ năng
Phát triển tính hiếu kỳ
Giúp đỡ người khác
Hầu hết chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội, nhưng mãi đến thời gian gần đây chúng ta mới tìm được bằng chứng cho thấy các mối quan hệ đó có vai trò quan trọng như thế nào đối với mức độ hạnh phúc của mình. Nói một cách đơn giản, người thường giao tiếp xã hội sẽ hạnh phúc hơn so với những người ít giao tiếp xã hội. Nếu bạn thường xuyên gặp gỡ người khác, đang có một mối quan hệ lâu bền hoặc là thành viên của một hội nhóm nào đó (chẳng hạn như giáo đoàn hoặc câu lạc bộ thể thao) thì mức độ hạnh phúc của bạn có khả năng sẽ cao hơn. Bằng chứng này giúp lý giải vì sao tình trạng thất nghiệp làm suy giảm cảm giác hạnh phúc của chúng ta, bởi thất nghiệp khiến chúng ta giảm cơ hội giao tiếp xã hội. Ngay cả khi bạn đang có việc làm thì những mối quan hệ xã hội vẫn có vai trò rất quan trọng và liên quan mật thiết đến mức độ hạnh phúc của mình. Ví dụ, khi nhận thấy mối quan hệ giữa mình và cấp trên tăng thêm một điểm trên thang điểm mười, bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc như khi được tăng 30% lương. Những mối quan hệ mật thiết trong công việc và trong đời sống cá nhân không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta mà còn mang đến cho ta nhiều lợi ích không tưởng về sức khỏe thể chất. Dựa vào một trăm bốn mươi tám công trình khác nhau với tổng số đối tượng nghiên cứu hơn ba trăm ngàn người, một số nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích và rút ra kết luận rằng những người nhận được sự hỗ trợ thích hợp từ xã hội sẽ có khả năng sống sót cao hơn 50% so với những người có hoàn cảnh tương tự nhưng lại không có những mối quan hệ xã hội chất lượng. Nói một cách đơn giản, sự cô lập về mặt xã hội có tác động tương đương việc hút mười lăm điếu thuốc mỗi ngày. Vậy nên khi xác định mục tiêu cho mình, bạn có thể tập trung vào việc mở rộng hoặc củng cố các mối quan hệ xã hội.
Đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, nhiều người trong chúng ta sẽ đặt cho mình mục tiêu là sống lành mạnh hơn. Chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng khi quyết định như thế, vì nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh sức khỏe và niềm hạnh phúc có liên quan chặt chẽ với nhau. Bạn càng cho rằng bản thân có sức khỏe tốt thì bạn càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Tương tự, những người hạnh phúc hơn cũng thường khỏe mạnh hơn. Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra mức độ hạnh phúc thấp có liên quan đến các vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thậm chí cả tuổi thọ. Nếu có quan điểm sống càng tích cực thì bạn sẽ càng ít có nguy cơ bị cảm cúm, và nếu mắc phải thì bạn sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn. Các nhân viên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn cũng làm việc hiệu quả hơn và nhiệt tình hơn. Đây là một trong những lý do khiến các dự án nâng cao sức khỏe nơi công sở ngày càng trở nên phổ biến. Vậy nên, có thể cũng là một ý hay nếu bạn xác định mục tiêu là củng cố sức khỏe của bản thân, nhất là khi bạn tự thấy mình có sức khỏe kém.
Một trong những cách mà nhiều người thường nghĩ đến khi muốn có sức khỏe tốt hơn là tăng cường vận động. Hoạt động thể chất thường xuyên được cho là có thể làm tăng mức độ hạnh phúc và giảm tỷ lệ lo âu. Đây là lý do vì sao các bác sĩ ở Anh thường đề nghị bệnh nhân tập thể dục nhiều hơn, và việc tập thể dục cũng được cho là phương pháp điều trị đặc biệt hữu ích đối với những người bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình. Lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên có thể được lý giải dựa trên vô số các tác nhân phức tạp. Đó có thể là những phản ứng lý sinh diễn ra bên trong cơ thể khi chúng ta tập thể dục, chẳng hạn như tiết hoóc-môn endorphin có tác dụng tạo cảm giác hạnh phúc. Hoặc như một số bằng chứng đã cho thấy, việc tập thể dục có thể giúp chúng ta tăng “sự tự tin vào năng lực bản thân” - khả năng nhận thức rằng chúng ta sẽ thành công trong một việc gì đó. Chúng ta có thể đạt được những lợi ích trên của việc tập thể dục bằng cách xác định mục tiêu là tăng cường hoạt động thể chất, thường là với một mức độ vừa phải. Vì thế, khi chọn mục tiêu để theo đuổi, bạn nên suy nghĩ về những mục tiêu có thể giúp bản thân bạn và những người xung quanh trở nên khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.
Một cách cải thiện hạnh phúc ít được mọi người biết đến là học hỏi và trau dồi kiến thức. Chúng ta thường nghĩ học hỏi là công cụ để đạt được một mục đích gì đó. Bạn học hỏi để cải thiện kỹ năng, để vượt qua một kỳ thi hoặc để được thăng chức. Nhưng theo nhiều nghiên cứu thì việc học còn tác động đến mức độ hạnh phúc của chúng ta. Như chúng ta đã biết, giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển về khả năng nhận thức cũng như giao tiếp của trẻ em, và nhiều bậc cha mẹ cũng tích cực hỗ trợ con cái của họ trau dồi các kỹ năng mới từ khi con còn nhỏ, nhưng sự quan tâm mà chúng ta dành cho việc học hỏi lại thường suy giảm khi chúng ta già đi. Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng sau tuổi bốn mươi có thể giúp chúng ta cải thiện sự tự tin, cảm giác hài lòng với cuộc sống và sự lạc quan của bản thân. Vậy nên khi đề ra mục tiêu cho mình, bạn có thể chọn học cách chơi một nhạc cụ, khám phá các kỹ thuật giúp bạn chụp được những bức hình đẹp bằng chiếc máy ảnh bạn mới mua, hoặc tham gia một khóa học nấu ăn. Việc trau dồi kiến thức và kỹ năng ở nơi làm việc cũng có thể là một thử thách thú vị dành cho bạn. Tại BIT, chúng tôi thường khuyến khích các thành viên học thêm những kỹ năng mới như lập trình hay tiến hành thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Ở những tổ chức khác, bạn có thể được động viên học thêm một ngoại ngữ mới, cải thiện kỹ năng thuyết trình, hoặc cả nhóm của bạn có thể đặt mục tiêu chung là học một điều gì đó mới mẻ, chẳng hạn như phương pháp quản lý dự án linh hoạt. Việc học thêm kỹ năng mới cũng có thể mang đến cho bạn lợi ích được cộng hưởng từ các yếu tố giúp gia tăng mức độ hạnh phúc. Ví dụ, khi học cách chơi một môn thể thao mới, bạn sẽ trở nên năng động hơn và đồng thời cũng giao tiếp với nhiều người hơn.
Có lẽ, một trong những lời khuyên đáng kinh ngạc nhất được đúc kết từ các tài liệu nghiên cứu về hạnh phúc là chúng ta nên phát triển tính hiếu kỳ của mình để trở nên hạnh phúc hơn. Nói một cách đơn giản, lời khuyên này có nghĩa là chúng ta nên chủ động “chú ý” từng hình ảnh, âm thanh, cũng như tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, và quan tâm đến từng khoảnh khắc. Lời khuyên này cũng có liên quan mật thiết đến những nghiên cứu về “chánh niệm” - khả năng chú tâm và nhận thức về những gì đang diễn ra quanh ta ở hiện tại. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bạn có thể cảm thấy hạnh phúc hơn khi tham gia một chương trình kéo dài khoảng hai hoặc ba tháng để hiểu về cảm giác, suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân; và tác dụng của những chương trình thế này cũng được chứng minh là có thể kéo dài nhiều năm.
Có rất nhiều cách để chúng ta phát triển tính hiếu kỳ của bản thân, từ đó nâng cao cảm giác hạnh phúc của mình. Nhưng một trong những cách tốt nhất để đưa yếu tố hiếu kỳ vào mục tiêu của bạn là suy nghĩ về các “trải nghiệm” thúc đẩy tính hiếu kỳ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh “trải nghiệm” có thể khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn so với lợi ích vật chất có giá trị tương đương, và đây cũng là lý do vì sao chúng tôi luôn cảm thấy thích thú mỗi khi nhắc về Tough Mudder. Đó là “cuộc đua khắc nghiệt vượt chướng ngại” mà chúng tôi từng tham gia cùng với các đồng nghiệp ở BIT, một cuộc đua đòi hỏi chúng tôi phải nhảy vào những bồn tắm chứa đầy nước đá và bị điện giật khi về đích. Những thử thách này không có vẻ gì là thú vị khi đứng riêng lẻ, nhưng khi được kết hợp cùng nhau, đó lại là những thử thách đã biến một cuộc đua nhàm chán thành một trải nghiệm đáng nhớ. Hơn nữa, cuộc đua không đơn thuần là một hoạt động thể chất mà đã trở thành một sự kiện xã hội - bạn phải hoạt động theo nhóm để vượt qua các chướng ngại vật - kết hợp nhiều yếu tố gia tăng hạnh phúc trong cùng một trải nghiệm. Dù không nhất thiết phải chạy đua qua những chặng đường bùn lầy với các đồng nghiệp như chúng tôi, nhưng bạn nên cân nhắc xem loại trải nghiệm nào có thể giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và thắt chặt mối quan hệ với những người xung quanh. Logic tương tự cũng có thể được áp dụng cho đời sống cá nhân của bạn, theo đó bạn dành thời gian và tiền bạc của mình cho những trải nghiệm độc đáo cùng người thân và bạn bè. Tóm lại, khi xác định mục tiêu để theo đuổi, bạn có thể cân nhắc những mục tiêu có liên quan đến việc phát triển tính hiếu kỳ thông qua quá trình tìm hiểu một điều gì đó hoặc thông qua chính trải nghiệm mà bạn tự thiết kế cho mình.
Yếu tố cuối cùng giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn là lòng nhân ái. Như chúng ta đã thấy trong ví dụ ở đầu chương này, các thử nghiệm đã chứng minh chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi chi tiền để giúp đỡ người khác thay vì tiêu tiền cho bản thân mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp đỡ người khác theo nhiều cách, chứ không phải chỉ bằng tiền. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta thường cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hơn khi dành thời gian cho các hoạt động tình nguyện, và hạnh phúc hơn khi tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng ở địa phương. Thậm chí, những người chủ động giúp đỡ người khác còn được chứng minh là có nguy cơ tử vong thấp hơn. Từ những bằng chứng này, Giáo sư Tâm lý học Dan Gilbert của Đại học Harvard (Mỹ) đã rút ra kết luận rằng giúp đỡ người khác chính là một trong những việc “ích kỷ nhất” mà chúng ta có thể làm. Tác động của việc giúp đỡ người khác không phải chỉ là những tác động về mặt tâm lý; dường như việc giúp đỡ người khác bằng thời gian và tiền bạc của chúng ta còn tạo ra những tác động nhất định tới thể chất của ta. Các nghiên cứu về cơ chế sinh học trong cơ thể người đã cho thấy khi chúng ta đối xử tử tế với người khác hoặc được người khác đối xử tử tế, cơ thể của chúng ta sẽ tiết hoóc-môn oxytocin, còn được gọi là hoóc-môn “yêu thương”. Nói một cách ngắn gọn, dường như lòng nhân ái có thể mang tới nhiều lợi ích về mặt thể chất và tinh thần cho cả người cho lẫn người nhận, và thậm chí là cả xã hội.
Vì vậy, bạn có thể thử chấp nhận một thử thách có liên quan đến việc giúp đỡ những người sống cùng khu vực với bạn, chẳng hạn như một người hàng xóm lớn tuổi hoặc một hội nhóm trong cộng đồng. Bạn có thể dành thời gian để tham gia một dự án tình nguyện nào đó, chẳng hạn như cải tạo một khu vực đang xuống cấp ở địa phương. Bạn cũng có thể nhờ người khác giúp đỡ để đạt được mục tiêu của mình hoặc giúp người khác đạt được mục tiêu của họ (điều mà chúng tôi sẽ khuyến khích bạn làm ở những chương sau). “Người khác” ở đây có thể là những đồng nghiệp của bạn. Hoạt động nhân ái ở nơi làm việc đã được chứng minh là cơ chế hữu hiệu để gia tăng các khoản đóng góp cho mục đích từ thiện. Đây cũng là hoạt động khá quen thuộc đối với hầu hết các nhân viên, vì hiện nay nhiều công ty thường phân bổ thời gian để nhân viên của họ có thể tham gia các hoạt động tình nguyện, hoặc tổ chức xây dựng đội ngũ bằng cách đưa cả tập thể đến hỗ trợ các cơ sở từ thiện địa phương. Như chúng tôi sẽ trình bày ở những phần sau, cảm giác hạnh phúc và tinh thần làm việc của bạn có thể được củng cố rất nhiều, nếu bạn có cơ hội tiếp xúc với người được hưởng lợi từ những việc bạn làm hằng ngày hoặc nhận được những món đồ mà bạn đóng góp.
Sau khi đã trình bày năm yếu tố có thể cải thiện mức độ hạnh phúc của bạn, chúng tôi hy vọng bạn sẽ dành thời gian để suy ngẫm về mục tiêu mà bạn muốn theo đuổi. Trong vòng hai hoặc ba tuần tiếp theo, bạn có thể liệt kê ra giấy tất cả những điều mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc của mình. Dù sao đi nữa, chỉ có bạn mới là người có quyền quyết định bạn muốn theo đuổi mục tiêu nào và vì lý do gì. Sau khi liệt kê xong, có lẽ bạn sẽ có một danh sách dài với rất nhiều mục tiêu. Trước khi bạn bắt đầu theo đuổi và cố hoàn thành tất cả những mục tiêu đó, chúng tôi muốn nhắc bạn nhớ rằng khả năng chú ý của chúng ta là có giới hạn, và điều này có nghĩa là chúng ta cần tập trung vào một mục tiêu duy nhất tại một thời điểm nhất định.
Nguyên tắc 2: Tập trung vào một mục tiêu duy nhất, xác định đích đến cụ thể và thời hạn hoàn thành rõ ràng
Hãy tưởng tượng bạn là một nông dân hoặc công nhân nhà máy đang sống tại Ấn Độ. Bạn có hai con nhỏ và được trả lương bằng tiền mặt hai tuần một lần. Bạn không phải là người giàu có nhất thị trấn, nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu. Bạn không cần phải cầm cố đồ đạc để trang trải chi phí hay phải chu cấp cho cả đại gia đình đang sinh sống ở một thị trấn khác. Tuy nhiên, bạn muốn mình có thể dành dụm được nhiều tiền hơn và đã đồng ý tham gia một chương trình mà trong đó, bạn được tư vấn miễn phí bởi một chuyên gia hoạch định tài chính có tiếng để giúp bạn và gia đình của bạn tiết kiệm được nhiều hơn. Vị chuyên gia này giải thích rằng bạn nên có một mục tiêu tiết kiệm cụ thể và rõ ràng để tối đa hóa số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được. Ví dụ, nếu bạn đã có con thì mục tiêu của bạn có thể là tiết kiệm để trả học phí cho con. Trong vòng sáu tháng, tất cả các khoản chi tiêu, thu nhập và tiết kiệm của bạn sẽ được ghi nhận để đánh giá xem cách xác định mục tiêu này có giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn hay không.
Bây giờ, hãy tưởng tượng một tình huống tương tự tình huống vừa nêu. Bạn cũng được khuyên rằng nên có mục tiêu tiết kiệm cụ thể. Nhưng thay vì khuyên bạn tập trung vào một mục tiêu duy nhất, vị chuyên gia tài chính động viên bạn đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau, liên quan đến những việc mà bạn sẽ cần tiền để giải quyết trong các năm tiếp theo. Ví dụ, ngoài mục tiêu chi trả học phí cho con thì bạn còn đặt mục tiêu tiết kiệm cho chi phí chăm sóc sức khỏe và cho tuổi về hưu.
Giữa hai tình huống trên, bạn nghĩ mình sẽ dành dụm được nhiều tiền hơn trong tình huống nào? Nhiều người sẽ nói rằng kế hoạch tiết kiệm với nhiều mục tiêu hơn và có vẻ toàn diện hơn trong tình huống thứ hai sẽ giúp họ dành dụm được nhiều hơn. Suy cho cùng, nếu càng có nhiều khoản cần phải chi thì bạn sẽ càng có động lực để tiết kiệm. Ở một khía cạnh nào đó, quan điểm này không sai. Việc đặt ra nhiều mục tiêu đã giúp các đối tượng trong nghiên cứu nói trên tiết kiệm được nhiều hơn 50% so với khi họ không có bất kỳ mục tiêu nào. Tuy nhiên, tổng số tiền mà những người này tiết kiệm được lại không nhiều hơn bao nhiêu so với tổng tiền tiết kiệm của những người được khuyến khích đặt ra một mục tiêu duy nhất. Không những thế, nhóm có một mục tiêu còn tiết kiệm được nhiều hơn gấp đôi so với số tiền mà họ từng tiết kiệm khi không có mục tiêu.
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi Dilip Soman - một người bạn thân thiết của BIT - và Min Zhao, đồng nghiệp của anh. Nghiên cứu này đã chỉ ra yếu tố phản trực giác mà chúng ta sẽ bắt gặp nhiều lần xuyên suốt quyển sách này. Vấn đề của việc đề ra nhiều mục tiêu là bạn buộc phải suy nghĩ xem mục tiêu nào là quan trọng nhất, và mục tiêu đó quan trọng hơn các mục tiêu còn lại nhiều đến mức nào. Hệ quả là mỗi mục tiêu đều chiếm mất một phần “băng tần” nhận thức có giới hạn của bạn. Soman và Zhao kết luận những sự đánh đổi phức tạp diễn ra trong tâm trí chúng ta để chọn ra mục tiêu quan trọng hơn trong nhiều mục tiêu tiết kiệm khác nhau (hoặc tiết kiệm để lo học phí cho con hoặc tiết kiệm cho tuổi về hưu của mình) khiến chúng ta không thể tập trung theo đuổi mục tiêu cốt lõi (tiết kiệm tiền). Đây là một trong những lý do vì sao hiệu ứng đánh đổi sẽ càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta có những mục tiêu khó hoàn thành. Vì theo đuổi nhiều mục tiêu có tính thử thách sẽ chỉ khiến bạn muốn đánh đổi, nên bạn cần tập trung vào một mục tiêu duy nhất để tăng khả năng hoàn thành mục tiêu đó.
Ở phương Tây, nhiều người có thói quen đề ra cho bản thân nhiều mục tiêu phức tạp và gọi đó là danh sách “Những điều cần cải thiện trong năm mới”. Có lẽ bạn cũng có một danh sách như thế, với những mục tiêu như có thân hình cân đối hơn, uống ít bia rượu hơn, tiết kiệm nhiều hơn hay tìm một công việc mới tuyệt vời hơn; và bạn muốn hoàn thành tất cả những điều đó ngay lập tức. Tình huống tương tự cũng thường xảy ra trong các tổ chức, khi trưởng phòng đề ra một danh sách dài những mục tiêu cụ thể về thành tích và kỳ vọng đội ngũ của mình sẽ đạt được tất cả những mục tiêu đó. Nhưng như nghiên cứu về tiết kiệm của Soman và Zhao đã chỉ ra, việc cố đạt được nhiều mục tiêu tham vọng cùng một lúc sẽ làm suy giảm nỗ lực theo đuổi mục tiêu của chúng ta, vì đầu tư nỗ lực nhận thức để hoàn thành những mục tiêu này có nghĩa là giảm khả năng hoàn thành những mục tiêu còn lại. Nói cách khác, vấn đề của hầu hết chúng ta không phải là không có mục tiêu, mà là có quá nhiều mục tiêu. Vì thế, việc chúng tôi muốn khuyến khích bạn làm lúc này là xem xét danh sách những mục tiêu mà bạn đã liệt kê ở phần trước và chọn ra một mục tiêu duy nhất để bắt đầu thực hiện.
Một cách mà bạn có thể áp dụng để xác định mục tiêu là dựa vào năm yếu tố giúp cải thiện hạnh phúc để đánh giá từng mục tiêu trên thang điểm từ một tới mười, sau đó cân nhắc xem mức độ hạnh phúc của bạn có thể được cải thiện như thế nào khi bạn đạt được mục tiêu, bất kể mục tiêu đó là tham gia công tác tình nguyện, thi chạy ma-ra-tông, tìm việc làm mới, dành thời gian cho con cái, cải thiện thành tích của đội ngũ tại nơi làm việc hay giảm cân. Chúng tôi cũng muốn bạn có cái nhìn thực tế về những gì bạn có thể đạt được; nhưng thay vì chỉ nghĩ về cơ hội hoàn thành mục tiêu, bạn nên đánh giá từng mục tiêu trên thang điểm từ một tới mười dựa trên niềm đam mê và sự hứng thú mà bạn dành cho mục tiêu đó. Về lâu dài, cách làm này sẽ giúp bạn tập trung vào những điều quan trọng, tạo động lực để bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình ngay cả khi bạn gặp phải khó khăn, thử thách. Đừng đặt mục tiêu là học tiếng Hy Lạp cổ nếu bạn chưa từng cảm thấy hứng thú với các tác phẩm của Homer. Chúng tôi hy vọng rằng hai lăng kính của hạnh phúc và đam mê sẽ giúp bạn có những góc nhìn khác về mục tiêu của bản thân. Nếu bạn vẫn chưa thể xác định được mục tiêu cho mình thì chia sẻ danh sách mục tiêu của bạn với người thân cũng là một ý hay. Đôi khi, vợ của bạn mới là người chọn được món ăn hợp khẩu vị với bạn hơn khi hai người dùng bữa ở nhà hàng, vì cô ấy là người hiểu rõ bạn thường thích ăn những món gì. Tương tự, người thân của bạn cũng thường có cái nhìn sáng suốt hơn về những mục tiêu của bạn, đặc biệt là khi mục tiêu đó có liên quan đến những quyết định hệ trọng như thay đổi công việc hay bắt đầu một dự án mới.
Khi bạn đã chọn được một mục tiêu duy nhất để theo đuổi thì việc tiếp theo bạn cần làm là xác định rõ như thế nào là hoàn thành mục tiêu. Điều này có nghĩa là bạn phải tự đề ra cho mình một đích đến cụ thể, để bạn có thể dựa vào đó và xác định mình đã đạt được mục tiêu hay chưa. Thông qua vô số các công trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực đa dạng như giảm cân, cải thiện năng suất làm việc, cai thuốc lá, tiến hành bầu cử hay hiến máu, chúng ta đã thấy được rằng khi đề ra những chỉ tiêu rõ ràng thì chúng ta thường dễ đạt được mục tiêu của mình hơn so với khi chúng ta chỉ tuyên bố là “sẽ cố hết sức”. Vấn đề mà chúng ta thường gặp phải là “nói thì dễ hơn làm”. Khi xác định mục tiêu, đa số chúng ta có khuynh hướng nhắm đến những mục tiêu to lớn nhưng lại không cụ thể. Chúng ta tuyên bố sẽ “giảm cân” hoặc “học tiếng Pháp”, nhưng lại không thể xác định mình cần làm những gì. Có lẽ bạn cũng có vài mục tiêu như thế trong danh sách mục tiêu mà bạn đã liệt kê. Có phải “có thân hình cân đối hơn” nghĩa là đến phòng gym thường xuyên hơn hay không? Nhưng nếu bạn đến phòng gym nhưng lại dành hết thời gian để thư giãn trong phòng tắm hơi hay tiệm cà phê thì sao?
Đó là lý do vì sao bạn cần đề ra những đích đến rõ ràng để xác định bản thân đã đạt được mục tiêu hay chưa, và biết được mình đang ở đâu trên hành trình chinh phục mục tiêu (một yếu tố quan trọng của thông tin phản hồi). Ví dụ, bạn có thể xác định đích đến của mình là “giảm mười ký”, “hoàn thành một lượt chạy ma-ra-tông trong vòng bốn tiếng”, “tăng 5% điểm trung bình” hoặc “học tiếng Pháp đến khi có thể đọc báo Pháp mà không cần tự điển”. Với những đích đến cụ thể như thế, việc xác định bạn đã hoàn thành mục tiêu của mình hay chưa sẽ không còn mơ hồ nữa. Có một điều quan trọng nữa mà bạn cần biết về cách xác định đích đến, đó là các đích đến phải ngày càng xa và có độ khó tăng dần. Như chúng ta đã thấy trong tình huống của Sarah ở đầu chương này, xác định đích đến không đơn giản là nói rằng chúng ta sẽ làm được những gì. Đích đến của bạn phải giúp bạn tập trung vào một điều gì đó có tính thử thách, điều mà bạn muốn mình có thể làm tốt hơn và khiến bạn hạnh phúc hơn.
Hãy cùng điểm lại những gì chúng ta đã làm. Bạn đã chọn được cho mình một mục tiêu để theo đuổi. Bạn đã xác định được đích đến của mình. Điều mà bạn cần làm rõ lúc này là bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình trong thời gian bao lâu. Như rất nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra, những mục tiêu dù phù hợp đến đâu - kể cả mục tiêu có đích đến rõ ràng - cũng có thể bị phá vỡ nếu chúng ta không xác định rõ thời gian mình cần để hoàn thành những mục tiêu đó. Một trong những ví dụ ưa thích của chúng tôi về vấn đề này là một nghiên cứu tiếp thị kinh điển mà theo đó, phiếu giảm giá có thời hạn có tác dụng thúc đẩy doanh số tốt hơn so với phiếu giảm giá vô thời hạn. Bất kể có thời hạn sử dụng là dài hay ngắn, những phiếu giảm giá có hạn sử dụng cũng tạo được hiệu ứng mà các nhà nghiên cứu gọi là “cú nảy tới hạn”. Nói cách khác, khi ngày hết hạn sử dụng càng tới gần, người tiêu dùng sẽ càng muốn mua hàng để đảm bảo họ không bỏ phí những phiếu giảm giá đó.
Chúng ta cũng có khuynh hướng hành động tương tự khi theo đuổi những mục tiêu của mình; vì thế để tăng khả năng hoàn thành mục tiêu, chúng ta cần đề ra thời hạn hoàn thành bắt buộc, ngay cả khi việc này đòi hỏi ta phải tự đặt ra cho mình những cái giá phải trả. Đây là những gì đã xảy ra khi một số sinh viên của Học viện Công nghệ Massachusetts MIT được trao quyền lựa chọn hoặc tự đặt cho mình thời hạn nộp tiểu luận bắt buộc, hoặc nộp cùng lúc với tất cả các sinh viên khác vào cuối học kỳ. Nhiều sinh viên đã chọn tự áp đặt thời hạn hoàn thành bắt buộc, dù điều này có nghĩa là nếu không nộp bài đúng hạn thì họ sẽ bị trừ 1% điểm số mỗi ngày tính từ ngày đến hạn. Các sinh viên này hiểu rằng thời hạn hoàn thành bắt buộc sẽ tác động tích cực đến khả năng làm bài của mình. Họ đã nhận ra tác dụng của việc tự tạo “cú nảy tới hạn” cho mình. Nhờ vậy, những sinh viên này đã có thành tích vượt trội so với các sinh viên nộp bài theo hạn chót do các giáo sư đặt ra. Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa thế nào với bạn và mục tiêu của bạn? Đó chính là bạn nên đề ra thời hạn hoàn thành rõ ràng đối với mục tiêu của mình. Ví dụ, nếu bạn muốn nâng cao sức khỏe bằng cách chạy mười ngàn mét trong vòng một giờ thì bạn nên xác định rõ thời điểm nào là hạn chót để bạn thực hiện điều đó.
Giờ đây, có lẽ bạn đã thấy được rằng những việc khó khăn mà bạn phải thực hiện để theo đuổi mục tiêu bắt đầu trước cả khi bạn thức dậy vào buổi sáng cho lần chạy bộ đầu tiên, trước cả khi bạn cố gắng không hút một điếu thuốc. Trên thực tế, những việc khó khăn đó bắt đầu từ lúc bạn suy nghĩ để xác định mục tiêu cho mình. Nếu muốn xác định mục tiêu đúng cách - tập trung vào một mục tiêu duy nhất, xác định đích đến cụ thể và thời hạn hoàn thành rõ ràng - thì bạn sẽ phải tập trung nỗ lực ngay từ đầu. Nhưng những nỗ lực ban đầu này sẽ mang đến cho bạn kết quả xứng đáng về sau, vì bạn trở nên kiên trì hơn để theo đuổi mục tiêu của mình tới cùng.
Nguyên tắc 3: Chia mục tiêu thành nhiều bước nhỏ và dễ thực hiện
Hôm đó là ngày thi cuối cùng của môn đạp xe lòng chảo tại Thế vận hội Olympics được tổ chức ở Luân Đôn. Chris Hoy vào đội hình, chuẩn bị sẵn sàng cho vòng đua chung kết nội dung Keirin - nội dung thi mà các cua-rơ sẽ đạp xe sau một xe dẫn tốc (được gọi là Derny) trong năm vòng rưỡi và đua nước rút trong hai vòng rưỡi cuối cùng. Trước đó, Hoy đã giành được năm huy chương vàng Olympic, và anh đang có tham vọng trở thành vận động viên người Anh nhận được nhiều huy chương Olympic nhất mọi thời đại. Khi chỉ còn lại hai vòng rưỡi, xe dẫn tốc Derny dần tách khỏi đường đua và cuộc đua thật sự bắt đầu. Lợi thế ban đầu thuộc về Hoy, khi anh lập tức vượt lên và dẫn đầu đoàn đua. Nhưng khi chỉ còn một vòng rưỡi, Hoy bị tay đua người Đức là Max Levy vượt mặt và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có vẻ như Hoy sẽ phải chịu thua trước Levy. Nhưng ở khúc cua cuối cùng, Hoy giành lại vị trí dẫn đầu và cán đích khi chỉ còn cách Levy một khoảng cách bằng ba phần tư chiều dài thân xe - một phong cách về đích đã quá quen thuộc với người hâm mộ Anh quốc.
Chris Hoy không phải là cua-rơ người Anh duy nhất gặt hái nhiều thành công trong năm đó. Đội tuyển xe đạp Anh đã xuất sắc giành được bảy trong tổng số chín huy chương vàng Olympic. Đây là lý do vì sao khi giám đốc cải thiện thành tích của tổ chức British Cycling là David Brailsford được hỏi điều gì làm nên thành công của đội tuyển, nhiều người đã cho rằng ông sẽ nói về nỗ lực cống hiến của các vận động viên. Một số người cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để nghe ông trình bày một bài phát biểu dài lê thê về chế độ luyện tập nghiêm khắc dành cho Hoy mà theo đó, Hoy phải vất vả luyện tập ba mươi lăm giờ mỗi tuần và chỉ được đi dạo loanh quanh trong khu phố để không ảnh hưởng tới thời gian hồi phục thể lực. Hoặc, Brailsford cũng có thể nói về những thành tích nổi bật của Laura Trott, nữ vận động viên vừa giành được hai huy chương vàng Olympic. Nhưng Brailsford không nói về những chủ đề đó, thay vào đó, ông tập trung chia sẻ về cách tiếp cận mà đội tuyển đã áp dụng để tối đa hóa cơ hội chiến thắng.
Cách tiếp cận này được gọi là “lợi ích cận biên”, và đây là cách tiếp cận có chứa đựng nhiều nguyên tắc của tư duy nghĩ nhỏ. Sáng hôm đó, khi Hoy lập thành tích đáng nể về số huy chương vàng mà anh đạt được, Brailsford đã giải thích về cách tiếp cận của ông như sau:
Toàn bộ nguyên tắc này được xây dựng dựa trên một ý tưởng, đó là nếu chia nhỏ mọi thứ mà bạn nghĩ đến trong vấn đề đua xe đạp và cải thiện từng phần nhỏ khoảng 1% thì bạn sẽ có được sự cải thiện đáng kể khi ghép tất cả các phần nhỏ lại với nhau.
Khi nói “mọi thứ”, Brailsford thật sự muốn ám chỉ mọi thứ. Ông đã sử dụng đường hầm gió để phân tích khí động lực của những chiếc xe đạp đang được đội tuyển sử dụng và đã thực hiện một số điều chỉnh để những chiếc xe đạp này có thể chống lại sức cản của gió tốt hơn. Ông cũng đưa ra nhiều biện pháp về giữ an toàn vệ sinh cho toàn đội, chẳng hạn như yêu cầu mọi người sử dụng gel rửa tay kháng khuẩn để giảm nguy cơ viêm nhiễm. Phần đuôi của xe tải vận chuyển xe đạp cho đội tuyển cũng được sơn trắng để bụi đất bám vào các bộ phận của xe đạp dễ được phát hiện hơn. Năm 2016, tuy không còn Brailsford nhưng đội tuyển Anh vẫn tiếp tục đưa cách tiếp cận “lợi ích cận biên” lên một tầm cao mới để tận dụng tất cả các lợi ích dù nhỏ nhất. Họ bôi phấn lỏng lên ghi-đông xe đạp thay vì bôi lên găng tay, thậm chí họ còn cấm các vận động viên nữ tẩy lông vùng kín để tránh tình trạng bị đau khi đạp xe trong một thời gian dài. Năm đó, đội tuyển xe đạp Anh đã xuất sắc mang về thêm sáu huy chương vàng Olympic.
Chúng ta không phải là những vận động viên Olympic. Chúng ta cũng không thể tận dụng những nguồn lực của đội Olympic Anh quốc. Nhưng chúng ta có thể áp dụng lối suy nghĩ tương tự như thế để theo đuổi mục tiêu của mình, dù đó không phải là đoạt huy chương vàng Olympic. Phương pháp này được gọi là “phân mảnh”, nghĩa là chia mục tiêu thành nhiều phần nhỏ. “Phân mảnh” vốn là thuật ngữ xuất hiện trong phương pháp có liên quan đến cơ chế ghi nhớ của não bộ. Ví dụ, số điện thoại sẽ trở nên dễ nhớ hơn nếu bạn phân nó thành nhiều dãy số ngắn. Bạn có thể kiểm nghiệm điều đó ngay bây giờ. Hãy cố nhớ dãy số 0434756863 mà không phân nó thành nhiều phần nhỏ. Bạn có thể cho bản thân mười giây để thử xem bạn có thể nhớ được toàn bộ dãy số đó hay không. Bây giờ, hãy thử nhớ dãy số tương tự nhưng được chia thành nhiều phần nhỏ hơn: 0532-799-813. Chắc hẳn bạn đang thấy việc sắp xếp thông tin trong não bộ của mình trở nên dễ dàng hơn, và dãy số được chia nhỏ vì thế cũng trở nên dễ nhớ hơn. Hiệu ứng tương tự cũng xảy ra với những mục tiêu dài hạn của chúng ta. Nếu đặt mục tiêu là hoàn thành nhiều việc trong một quãng thời gian kéo dài thì chúng ta sẽ có cơ hội thành công thấp hơn so với khi ta chia những việc đó thành nhiều bước riêng lẻ.
Có hai cách khác nhau để phân nhỏ mục tiêu của bạn thành nhiều bước riêng lẻ. Cách thứ nhất là cách đã được thực hiện và khai thác triệt để bởi Brailsford, nhằm xác định những phần nhỏ mà bạn cần hoàn thành để đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Đây cũng là cách chúng tôi đã áp dụng trong dự án của mình ở các trung tâm giới thiệu việc làm trên khắp nước Anh. Paul và những người cần tìm việc như anh (xem lại phần Giới thiệu) không chỉ cố “tìm được việc làm”. Chúng tôi khuyến khích người tìm việc chia nhỏ mục tiêu tìm việc thành nhiều bước riêng lẻ như cải thiện hồ sơ xin việc, chuẩn bị trang phục phù hợp cho các buổi phỏng vấn hay nộp đơn xin việc ở nhiều chỗ khác nhau. Bạn cũng có thể làm điều tương tự. Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia một cuộc thi ma-ra-tông thì chương trình tập luyện hợp lý sẽ là một chương trình được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, mỗi yếu tố đều giúp cải thiện khả năng chạy của bạn theo nhiều cách khác nhau. Thường thì đó sẽ là một chương trình tập luyện kết hợp: bạn sẽ thay đổi luân phiên giữa chạy chậm trong thời gian dài với chạy nhanh trong thời gian ngắn; tham gia các hoạt động không liên quan đến chạy bộ như crossfit, đạp xe, bơi lội và quan trọng là nghỉ tập một ngày mỗi tuần để cơ thể có thời gian hồi phục. Những nguyên tắc tương tự cũng có thể được áp dụng trong công việc của bạn. Ví dụ, nếu là một hiệu trưởng muốn cải thiện thành tích của trường thì bạn có thể suy nghĩ về các phần nhỏ như quy trình tuyển dụng giáo viên, những khóa tập huấn họ cần tham gia, những cách để cải thiện kết quả học tập của học sinh (chẳng hạn như cung cấp điểm tâm tại trường), hay những phương pháp bạn đang áp dụng (chẳng hạn như cách cho và nhận phản hồi - chủ đề của chương “Phản hồi”).
Cách thứ hai của phương pháp phân mảnh là chia mục tiêu chung thành nhiều khoảng thời gian hoặc công việc lặp đi lặp lại. Thay vì nghĩ về tất cả những việc khác nhau mà bản thân cần thực hiện, bạn có thể nghĩ xem mình cần dành ra bao nhiêu thời gian mỗi tuần để đạt được mục tiêu chung. Một trong những nghiên cứu có ảnh hưởng sâu sắc trong lĩnh vực này là nghiên cứu được thực hiện với sự hướng dẫn của nhà tâm lý học danh tiếng Albert Bandura, người đã có những cống hiến quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học và giáo dục trong hơn nửa thế kỷ qua. Bandura đã cùng đồng nghiệp của ông là Dale Schunk nghiên cứu về những cách khác nhau để giúp đỡ các học sinh đang gặp khó khăn với môn toán. Những học sinh này được tham gia một khóa học toán tại trường, và tất cả đều được phát một quyển sách khổ lớn dày bốn mươi hai trang với hai trăm năm mươi tám bài toán chia. Học sinh được thông báo rằng các em sẽ có tổng cộng bảy buổi học, mỗi buổi kéo dài ba mươi phút, để giải hết tất cả các bài toán trong quyển sách đó. Các em được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Một nhóm được khuyên rằng các em nên cố giải sáu trang trong mỗi buổi học. Đây là nhóm học sinh được áp dụng phương pháp phân mảnh, theo đó mục tiêu cuối cùng của các em đã được chia thành nhiều phần nhỏ, dễ thực hiện hơn. Nhóm học sinh còn lại cũng có cùng mục tiêu là hoàn thành bốn mươi hai trang toán trước khi buổi học thứ bảy kết thúc, nhưng các em không được khuyên về việc nên chia nhỏ mục tiêu đó như thế nào. Kết quả là những đứa trẻ được khuyên nên chia mục tiêu thành nhiều phần nhỏ đã tiến bộ nhanh hơn nhiều so với nhóm còn lại, các em không chỉ có điểm số cao hơn mà còn bắt đầu thích học toán hơn, dù trước đó chúng không mấy hứng thú với môn học này. Việc hoàn thành nhiều mục tiêu nhỏ mỗi ngày đã khiến các học sinh trở nên tự tin hơn và ý thức rõ hơn về năng lực của bản thân. Nhờ tập trung vào một mục tiêu cụ thể trong từng buổi học, các em đã có thể học tốt hơn và nhanh hơn nhóm học sinh còn lại.
Cách thứ hai của phương pháp phân mảnh này đặc biệt hữu ích khi bạn cần lặp lại những hoạt động nào đó hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng. Ví dụ, nếu đang cố cai thuốc lá thì bạn có thể tập trung vào việc cai thuốc mỗi ngày; bạn sẽ thấy dễ dàng hơn và có động lực để cai thuốc hơn, khi hạn chế nghĩ về việc không được hút thuốc trong suốt sáu tháng tiếp theo. Nếu muốn tiết kiệm tiền thì bạn cũng có thể chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm cả năm thành số tiền mà bạn cần tiết kiệm hằng tháng. Nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu về doanh số của công ty thì bạn nên chia chỉ tiêu cuối năm thành những chỉ tiêu mà bạn có thể hoàn thành hằng tháng, hằng tuần, thậm chí là hằng ngày. Giáo sư Bob Boice - người từng thực hiện nghiên cứu về các học giả trẻ - đã phát hiện ra rằng các học giả thành công thường là những người viết “một trang mỗi ngày”. Những người này thường tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình so với những người “viết không ngừng nghỉ” cả ngày lẫn đêm. Một cách tiếp cận tương tự cũng được áp dụng trong mảng quản trị dự án linh hoạt của nhiều tổ chức trên thế giới, trong đó có văn phòng BIT ở Singapore. Quản trị linh hoạt là một phương thức quản lý đặc biệt phổ biến ở các công ty khởi nghiệp nói riêng, và trong lĩnh vực kỹ thuật, IT hay phát triển phần mềm nói chung. Quản trị linh hoạt chia nhỏ các dự án thành một loạt các “phân đoạn Sprints” hằng tuần và sử dụng “quy trình Scrums” hằng ngày để thảo luận, ưu tiên và phân bổ nhiệm vụ cho các thành viên trong một đội ngũ.
Ý nghĩa của các nghiên cứu về phương pháp phân mảnh, bất kể là chia nhỏ mục tiêu theo thời gian hay theo những hoạt động khác nhau cần được hoàn thành, không phải là mục tiêu dài hạn của bạn không quan trọng. Hoàn toàn không phải. Kết luận mà các nhà tâm lý học đã rút ra từ các nghiên cứu đó là sự tương tác giữa mục tiêu dài hạn (“mục tiêu xa”) và mục tiêu ngắn hạn (“mục tiêu gần”) có vai trò rất quan trọng. Mục tiêu xa giúp bạn duy trì động lực để đạt đến mục đích sau cùng (dù đó là đoạt huy chương vàng Olympic hay cải thiện hiệu quả làm việc) trong khi mục tiêu gần giúp bạn tập trung vào những việc mà bạn cần hoàn thành (cải thiện hiệu quả khí động lực học của xe đạp hay củng cố kỹ năng thuyết trình). Theo cách nói của một nhà tâm lý học nổi tiếng thì bạn cần nhìn ra được “mối liên hệ giữa ước mơ của mình với những khó khăn của cuộc sống hằng ngày”. Đó là lý do vì sao một trong những bài học quan trọng nhất của phương pháp phân mảnh là đảm bảo rằng tất cả những phần được chia nhỏ cuối cùng cũng đều giúp ích cho mục tiêu dài hạn.
Chúng tôi mong rằng ba nguyên tắc vàng được đề ra trong chương này sẽ giúp bạn có được một khởi đầu tốt trong hành trình theo đuổi mục tiêu của mình. Nguyên tắc đầu tiên khuyến khích bạn dành thời gian để suy ngẫm về những gì có thể cải thiện nhiều nhất mức độ hạnh phúc của bạn và những người xung quanh bạn. Một cách mà chúng tôi khuyến khích bạn làm khi áp dụng nguyên tắc này là liệt kê tất cả những việc bạn muốn thay đổi trong cuộc sống của mình rồi đánh giá từng việc theo thang điểm từ một tới mười dựa trên hai tiêu chí: việc đó tác động thế nào đến hạnh phúc của bạn, và bạn dành cho việc đó sự đam mê hay quan tâm như thế nào. Nếu làm được như vậy thì bạn sẽ có thể xác định cho mình một mục tiêu đủ ý nghĩa để theo đuổi với niềm đam mê và sự kiên trì, đồng thời cũng là mục tiêu có thể cải thiện cuộc sống của bạn và những người xung quanh. Bước kế tiếp đòi hỏi bạn phải xác định rõ như thế nào là hoàn thành mục tiêu, để bạn và những người giúp đỡ bạn dễ dàng nhận ra bạn đã đạt được mục tiêu của mình hay chưa. Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia mục tiêu thành nhiều phần nhỏ hơn. Những chi tiết “nhỏ” này có vai trò rất quan trọng trong cách tiếp cận nghĩ nhỏ. Đó là những gì sẽ giúp bạn thấy được mối liên hệ giữa mục tiêu dài hạn và to lớn với những việc bạn cần thực hiện hằng ngày để theo đuổi mục tiêu đó. Giờ đây, khi bạn đã xác định được mục tiêu của mình, trong chương kế tiếp chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem bạn có thể lập kế hoạch như thế nào, để đảm bảo những hoạt động và thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn sẽ giúp bạn chinh phục mục tiêu của mình.