Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tinh thần ở nữ giới, người đàn ông nên học cách lắng nghe và vận dụng kỹ năng quan hệ tình cảm mới. Điều này không đòi hỏi anh phải làm quá nhiều, chỉ cần không chấp nhặt những lời trách móc, nghi ngờ của vợ, anh sẽ không co cảm giác bị tổn thương. Khi vợ bực mình, hãy học cách im lặng lắng nghe. Sau khi tâm trạng của người phụ nữ được giải tỏa, mọi chuyện sẽ bình thường trở lại. Kỹ năng lắng nghe sẽ hình thành ở anh thái độ bình tĩnh mỗi khi hai người truyện trò. Về lý thuyết, nam giới hoàn toàn có thể nắm vững kỹ năng này, nhưng khi ứng dụng trong thực tế, họ vẫn gặp phải không ít khó khăn. Vì vậy, sự hỗ trợ chân thành ở vợ là điều cần thiết để người chồng tiến bộ nhanh hơn.
TỰ VỆ TRONG TÌNH CẢM
Nam giới không nên bận lòng trước những lời than thở hoặc phàn nàn của vợ, tốt nhất anh nên vận dụng kỹ năng né tránh trong trường hợp này. Khi bị công kích, đừng nghĩ rằng cô ấy đang chĩa mũi nhọn vào mình. Nếu thực hành tốt kỹ năng này, kết hợp thêm một chút điều chỉnh nữa, anh sẽ tránh được những căng thẳng không cần thiết khi trò chuyện với vợ.
Kỹ năng né tránh đòi hỏi nam giới phải biết vận dụng chiến thuật tâm lý mới để hiểu đúng câu chuyện. Không nên phản ứng gay gắt trước lời lẽ phê phán, chỉ trích của vợ, thay vào đó anh nên lọc ra những thông điệp yêu thương trong những câu nói đó và đáp lại sao cho giảm bớt mâu thuẫn. Kỹ năng này sẽ giúp anh giữ bình tĩnh và đáp ứng đúng mực nhu cầu chuyện trò của cô ấy.
Khi lắng nghe mà không có kỹ năng này, thường thì người đàn ông sẽ cảm thấy mình đang bị vợ công kích, thêm vào đó là cảm giác có lỗi, bị hắt hủi, hiểu nhầm, chối bỏ, nghi ngờ, coi thường… Cho dù yêu vợ đến mấy chăng nữa, sau vài lần nói chuyện như vậy anh sẽ không thể lắng nghe một cách tích cực nữa. Xung đột hai bên tất yếu sẽ xảy ra.
Trước cảm giác bị vợ công kích, bản năng chiến đấu thuở xưa trong người đàn ông rất dễ trỗi dậy. Phản ứng đe dọa, cảnh cáo hay trả thù rất khó kiềm chế. Tuy nhiên, khi vận dụng kỹ năng lắng nghe mới, anh sẽ loại bỏ dễ dàng những phản ứng tiêu cực này.
NHU CẦU ĐƯỢC BẢO VỆ
Người phụ nữ hiện đại dù rất độc lập và quyết đoán, nhưng với bản chất nữ tính, họ vẫn luôn hướng đến người đàn ông mạnh mẽ biết bảo vệ, chở che, nhưng theo một nghĩa khác xưa.
Người phụ nữ ngày nay mong đợi không khí thoải mái giữa hai vợ chồng để họ có thể tâm sự, thể hiện cảm xúc của bản thân. Khi biết tạo điều kiện và lắng nghe tâm sự của vợ, người chồng không chỉ được vợ trân trọng mà tình cảm giữa hai người càng thêm gắn bó, mặn nồng hơn.
Kỹ năng tránh né giúp nam giới tránh được bực dọc với vợ, đồng thời tạo sự bảo vệ mới cho người phụ nữ mình yêu thương. Kỹ năng này không chỉ giúp ích cho phụ nữ mà còn khiến người đàn ông được đón nhận tình yêu như ý.
Đảm bảo an toàn là món quà quan trọng nhất ma người đàn ông muốn dành cho người mình yêu. Tuy nhiên, nếu xưa kia - trong xã hội nguyên thủy, sự an toàn chỉ có nghĩa hẹp là bảo vệ tính mạng cho bản thân và gia đình, thì ngày nay nó còn có nghĩa đem lại bình an, hạnh phúc trong tâm hồn.
Chia sẻ cảm xúc trong sự lắng nghe, hưởng ứng của người đàn ông mình yêu thương chính là động lực giúp tình yêu ở người phụ nữ thăng hoa.
TỪ MỘT TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sau bao nhiêu lần chần chừ, tôi quyết định se mua một bộ máy vi tính mới vào đầu năm, sau khi mọi khoản nợ thuế được thanh toán. Vừa nghe tin này, vợ tôi - Bonnie đã phản ứng một cách quyết liệt:
- Tại sao anh muốn mua máy mới? Nhà mình chẳng có máy rồi sao?
Thực sự không thích kiểu tra hỏi này, tôi suy nghĩ một lát và giải thích:
- À, vì nhiều lý do lắm em à.
- Thế cái cũ bị trục trặc hả? - Vợ tôi gặng hỏi.
Tôi nhìn cô ấy với vẻ mặt quan tâm:
- Em có chuyện gì đó không vui à? Nói cho anh biết được không?
- Anh đi xem nhiều nơi chưa? Cái máy mới giá bao nhiêu vậy? - Không trả lời câu hỏi của tôi, Bonnie xoáy vào vấn đề cô quan tâm nhất lúc này với giọng điệu hỏi cung.
Tôi hiểu lúc này vợ mình đang bực bội và cần trò chuyện, cố giải thích chỉ khiến cô ấy cáu hơn mà thôi. Không những thế, cả tôi cũng sẽ bực tức vì chắc chắn cô ấy không chịu lắng nghe tôi nói.
Trước phản ứng cực đoan của phụ nữ, nam giới nên tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của họ. Hãy lái nội dung câu chuyện về bản thân đối phương và hạn chế phản ứng của mình nhằm giúp cô ấy bình tĩnh trở lại.
Câu chuyện giữa hai vợ chồng tôi sau đó tiếp diễn như sau:
John: Theo anh, chúng ta khoan hãy bàn đến cái máy đã. Mình nói chuyện về cảm xúc của em đi. Anh muốn biết em thấy trong lòng thế nào, tại sao em bực mình?
Bonnie: Anh muốn biết tại sao hả? Muốn cái gì là anh đi mua ngay, không đắn đo. Máy cũ còn dùng được sao lại phải mua cái mới? Còn bao nhiêu chuyện khác cần đến tiền, anh biết chứ?
John: Thôi nào, theo em thì mình nên mua gì?
Bonnie: Em không có ý tính toán chuyện đó. Chỉ là thấy thế thôi. Nhu cầu của anh thì luôn được đáp ứng, còn em thì như người khách ở nhờ trong nhà này vậy. Em luôn phải kiềm chế, giảm bớt những sở thích của bản thân.
John: Theo em thì ta phải làm thế nào?
Bonnie: Em không biết. Nhưng hình như mọi chuyện chúng ta làm đều là vì anh chứ không phải vì em. Tất cả mọi việc trong nhà đều theo ý anh, anh chỉ biết tính toán sao cho được việc của anh mà thôi.
John: Anh hiểu rồi.
Bonnie: Suốt sáu tháng nay chúng ta đã phải dành dụm để chuẩn bị lót lại nền nhà, bọc lại ghế sofa, mua tủ bếp, và bao nhiêu thứ khác cần phải sắm sửa, thế mà anh muốn đi mua máy vi tính. Anh có thực sự quan tâm đến em, đến gia đình không? Lời nói của em còn quan trọng với anh không?
Bonnie càng tỏ vẻ gay gắt, tôi càng chủ động né tránh. Nhờ biết kiềm chế, không phản ứng nóng nảy, tôi đã lái được vấn đề sang hướng khác, khả quan hơn.
John: Thực lòng anh rất muốn biết cảm xúc của em, nhưng thấy thật khó. Có phải em cho anh là người ích kỷ, chưa bao giờ làm điều gì tốt cho em hay không?
Bonnie (dịu giọng): Không, em không có ý xúc phạm anh, chẳng qua trong lòng em lúc nào cũng rối bời, lo lắng. Thực tình em rất cảm ơn vì anh đã lắng nghe em. Chỉ cần thấy anh nghe em phàn nàn mà không tỏ vẻ bực mình cũng đủ để em cảm nhận anh thương yêu em thế nào rồi.
Bonnie oà khóc, tôi dịu dàng ôm cô ấy vào lòng.
Tôi bắt đầu để tâm đến những vấn đề Bonnie vừa nêu. Khi hiểu được thiện chí lắng nghe của tôi cũng là lúc cô ấy gác bỏ mọi cảm xúc để tập trung giải quyết vấn đề.
- Mấy tháng nay anh đã xem kỹ cái máy này rồi. - Tôi bắt đầu như thế. - Mua thế này rất rẻ. Nếu mua ngay hôm nay, anh sẽ bớt được một khoản thuế thu nhập cá nhân đáng kể đấy. Nhưng giờ phải ra cửa hàng không thôi họ đóng cửa mất.
- Anh biết em luôn muốn vun vén, sắm sửa cho nhà mình. - Tôi an ủi Bonnie. - Chờ anh về, rồi mình ngồi bàn xem em muốn mua gì nhé! Được chưa nào?
- Được. - Nàng nhoẻn cười đáp.
Thế là tôi mua được cái máy như ý, Bonnie cũng thuê được người lót lại sàn nhà. Điều quan trọng nhất là cả hai chúng tôi đều cảm thấy mãn nguyện khi đồng lòng trong mọi quyết định và tâm sự với nhau một cách chân tình, thoải mái.
Bạn có thể thấy kỹ năng tránh né đã giúp tôi kiên nhẫn lắng nghe và dành cho vợ sự quan tâm, nâng đỡ cần thiết như thế đấy.
Trước khi nói với Bonnie về quyết định mua máy, tôi đã hình dung những phản ứng có thể xảy ra từ cô ấy, bởi linh tính mách bảo tôi rằng Bonnie sẽ không tán thành. Thường thì vợ tôi chẳng mấy mặn mà hay thích thú với đồ điện tử như tôi.
Sự phản đối của Bonnie khiến tôi càng khó mở lời. Cố gắng vượt qua sự ngại ngần, tôi tự nhủ rằng, dù sao mình cũng muốn cô ấy mãn nguyện vì cả hai luôn tôn trọng nhau và đồng lòng trong mọi quyết định. Để có được điều đó, Bonnie cần thấy được sự bình đẳng giữa hai chúng tôi, mà cảm giác bình đẳng này thì chỉ có được khi tôi thực sự để tâm đến suy nghĩ của cô ấy.
CẢM GIÁC AN TÂM RẤT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
Có thể nói, vai trò bảo vệ, chu cấp đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ đàn ông từ xưa đến nay. Tâm lý chung của ở nam giới là muốn thể hiện khả năng che chở cho người phụ nữ mình yêu và nhận lại được sự trân trọng.
Còn đối với người phụ nữ, khả năng bao vệ ở nam giới là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự chọn lựa bạn đời của cô. Phụ nữ ngày nay còn tìm kiếm một chỗ dựa về tinh thần ở người đàn ông của mình - người mà cô có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buôn trong cuộc sống.
Sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ bạn đời sẽ đưa lại cho người phụ nữ cảm giác bình an.
Sự an tâm giúp nữ giới được sống đúng với bản chất, có thể chia sẻ cảm xúc của bản thân và tránh được những cuộc tranh cãi vô lý giữa đôi bên. Họ có thể chuyện trò mà không e ngại rằng mình bị công kích hoặc làm chồng bị tổn thương.
KHÔNG PHẢI LÚC NÀO PHỤ NỮ CŨNG ĐÒI HỎI SỰ ĐỒNG TÌNH
Có những điều rất đơn giản nhưng đôi khi chúng ta bỏ qua. Chẳng hạn, khi người phụ nữ bực mình, không nhất thiết là vì họ bất đồng ý kiến hoặc có ý ngăn chặn hành động của chồng, mà thực chất họ chỉ muốn được chồng quan tâm, lắng nghe ý kiến của mình mà thôi.
Tuy nhiên, nam giới thường không hiểu được điều này, bởi vì trong mọi suy nghĩ, người đàn ông luôn nhắm đến mục tiêu. Do đó, họ cho rằng chỉ còn cách chiều theo tình cảm của vợ, đồng ý với quan điểm của cô ấy mới có thể làm cô ấy mãn nguyện. Nếu không muốn chấp nhận ý vợ, họ sẽ tìm cách vạch ra cái sai của cô để cô phải nghe theo quyết định của mình.
Xu hướng này xuất phát từ sự khác biệt trong tâm lý hai giới. Nắm được mấu chốt của vấn đề sẽ giúp nam giới kiềm chế sự khó chịu và nóng giận trước cảm xúc không vui của vợ. Trong cuộc sống vợ chồng, người đàn ông cần biết kiểm soát những hành động mang tính bản năng, tránh thái độ trả đũa, thiếu suy nghĩ, nhất là khi thấy mình bị trách móc, công kích.
ĐIỀU PHỤ NỮ NGƯỠNG MỘ Ở NAM GIỚI
Nữ giới rất ngưỡng mộ mẫu đàn ông trầm tĩnh nhưng luôn có sự nhạy bén, thông cảm với suy nghĩ của họ. Điều này không phải yêu cầu đàn ông nhất nhất phục tùng theo họ - kiểu người này phục tùng chỉ khiến phụ nữ thất vọng vì cho rằng đó là người thụ động, dễ sai khiến.
Trong tình cảm riêng tư, người phụ nữ không thích mình phải làm chủ mà chỉ muốn có một mối quan hệ bình đẳng. Nếu biết tôn trọng nhu cầu hàng đầu của phụ nữ là được lắng nghe, người đàn ông sẽ được nhận lại sự tin yêu từ cô ấy.
NGHỆ THUẬT XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
Trở lại câu chuyện vợ chồng tôi và chiếc máy vi tính. Có lúc Bonnie cao giọng ngờ vực: “Này, anh coi giá cả chưa? Cái máy này phải tốn bao nhiêu nữa đây?”.
Tôi bực bội, thầm nhủ: “Sao cô ấy lại nghi ngờ khả năng của mình nhỉ? Mình có đến nỗi phải để cô ấy căn dặn như với con trai vậy không?”.
Nghĩ vậy nhưng tôi vội xua đi sự bực dọc ấy và xác lập mục tiêu quan trọng cho mình lúc đó là giúp vợ san sẻ cảm xúc hiện tại. Tôi biết, đó không phải là lúc tranh cãi để giành phần thắng về mình. Điều cần thiết lúc này là hỗ trợ cảm xúc cho Bonnie.
Việc bình tĩnh, tập trung vào trọng tâm vấn đề đã giúp cuộc nói chuyện của chung tôi bớt căng thẳng.
Sai lầm lớn nhất của nam giới trong khi tranh luận là muốn vô hiệu hóa cảm xúc của vợ.
Trong cuộc sống, nam giới luôn có xu hướng bảo vệ quan điểm của mình. Họ cho rằng chỉ cần chứng minh rằng mình có quyết định đúng thì sẽ thuyết phục được vợ. Nhưng thực ra, người phụ nữ chỉ có được cảm giác dễ chịu khi chồng hiểu và chia sẻ với suy nghĩ của họ.
Trong câu chuyện của mình, thực tế tôi đã không vội đưa ra một lời biện minh nào về vai trò quan trọng của chiếc máy tính đối với công việc viết lách, đồng thời cũng không nhắc chuyện tôi đã khảo sát kỹ giá cả hay cái tiện lợi trước mắt như thế nào, bởi tất cả những lý lẽ đó chẳng ích gì khi tôi chưa thật sự hiểu được lý do khiến Bonnie bực mình.
Trước hết, để tránh làm tình hình xấu hơn, tôi thực hiện “chính sách” không cãi lý và không giải quyết vấn đề theo kiểu máy móc nữa. Khi Bonnie bắt đầu nói ra những bức xúc trong cô: “Muốn cái gì là anh đi mua ngay, không đắn đo. Máy cũ còn dùng được sao lại phải mua cái mới? Còn bao nhiêu chuyện khác cần đến tiền, anh biết chứ?”. Tôi thầm nhủ: “Đây chính là tín hiệu tốt để mình tháo gỡ vấn đề!”. Không bắt bẻ, cũng không sửa sai, tôi chỉ im lặng lắng nghe, lòng tự dặn mình: “Không sao - những câu nói của cô ấy chẳng có ý định ám chỉ ai cả, nó chỉ là những cảm xúc thoáng qua mà thôi”. Bằng sự ân cần của mình, tôi tiếp tục hỏi han để cô ấy giãi bày nhiều hơn. Và khi cảm thấy nỗi bực tức trong lòng Bonnie nguôi ngoai, tôi bắt đầu lên tiếng để cô ấy có thể nhìn nhận đúng vấn đề.
Thực tế, hầu hết nam giới đều cho là nếu họ không phân tích cái sai trong suy nghĩ của vợ, cô ấy sẽ xem đó là chuyện đúng và tiếp tục lặp lại. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng, việc chọn đúng thời điểm để phân tích hay thanh minh một điều gì đó là hết sức quan trọng. Cang thấy mình có quyền tức giận, người phụ nữ sẽ càng biết kiềm chế cảm xúc của mình hơn. Bởi vậy, khi không tìm cách phê phán hoặc trách móc vợ thiếu công bằng với mình, nghĩa là người chồng đang giúp vợ giải tỏa mọi bức xúc âm ỉ trong lòng bấy lâu.
TẠI SAO NAM GIỚI CÓ CẢM GIÁC BỊ TRÁCH MÓC?
Trong quá trình tư vấn khách hàng, trường hợp tôi thường gặp là khi nghe vợ tâm sự, người chồng thường cảm thấy mình bị công kích và đổ lỗi. Chẳng hạn, bạn có thể thấy điều này qua đoạn hội thoại dưới đây:
Chồng: Em trách anh đấy hả?
Vợ: Không phải. Em chỉ nói lên cảm nhận của mình thôi.
Chồng: Nhưng cách nói của em chẳng khác nào em đang trách móc anh. Em nói, em cảm thây bị bỏ rơi, cảm thấy không được thương yêu, có khác nào em đang trách anh không quan tâm, không yêu thương, chăm sóc em?
Vợ: Không phải vậy. Em chỉ muốn nói cảm giác trong lòng em lúc này thế nào thôi mà. Em có trách móc gì anh đâu.
Chồng: Đó không phải là trách sao? Anh là chồng em mà.
Vợ: Em không thể nói chuyện với anh được nữa.
Chồng: Em còn lên giọng trách móc anh nữa à?
Câu chuyện sẽ trở nên bi đát nếu cả hai luôn quy chụp suy nghĩ của bản thân lên đối phương mà không chịu nhìn nhận thực chất vấn đề.
Bởi vậy, với nam giới, việc nắm bắt tâm lý phụ nữ rất quan trọng, nó giúp anh tránh được cảm giác bị chỉ trích, đổ lỗi. Ngược lại, nữ giới sẽ giúp câu chuyện hai bên cởi mở hơn nếu hiểu được tại sao chồng cho rằng mình đang có ý trách móc anh.
MỘT ĐẶC ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA TÂM LÝ PHỤ NỮ
Một lần đi mua hàng, tôi bỗng nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa hai vợ chồng. Vừa vào cửa hàng, tôi nhanh chóng tìm những thứ mình cần. Trái lại, Bonnie lại rất thích thử quần áo khi mua sắm. Tôi ngồi xuống ghế gần phòng thử đồ chờ cô ấy. Gương mặt Bonnie đầy vẻ hào hứng. Tôi cũng phấn khởi, không chỉ vì thấy vợ vui mà còn vì nghĩ rằng hôm nay chắc sẽ được về nhà nghỉ ngơi sớm. Nhưng, tôi đã nhầm!
Thay vì chọn một hai bộ đồ gì đó, Bonnie không ngừng thử hết bộ này đến bộ khác. Xoay người trước gương, cô ấy tíu tít hỏi tôi: “Cái này cũng xinh xắn phải không anh? Nhưng em cứ có cảm giác sao sao ấy. Màu thì được. Em thích dài cỡ này...”. Cứ thế, tôi tiếp tục chờ, Bonnie tiếp tục thử. Lúc thì tôi nghe cô nói: “Không được, mình không hợp với cái này”, lúc lại bảo: “Bộ này thật đẹp và sang trọng”...
Hơn một tiếng đồng hồ sau chúng tôi ra về, Bonnie chẳng mua được gì. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô ấy không có gì là bực mình. Bỏ ra từng ấy thời gian, công sức, cuối cùng về nhà tay không, thế mà cô ấy vẫn vui được.
Điều này cũng tương tự như cách phụ nữ nói về cảm xúc tiêu cực trong lòng vậy. Đó là lúc họ muốn tìm hiểu các trạng thái tình cảm trong mình ra sao. Khi nói ra cảm xúc của bản thân, nữ giới thường không có ý quy chiếu bản chất của mình theo tình cảm ấy. Tương tự, việc trầm trồ, thích thú trước bộ quần áo ở cửa hàng cung không hẳn là họ sẽ mua về nhà và mặc nó mãi.
CẢM XÚC TIÊU CỰC CHỈ NHẤT THỜI
Sẽ dễ né tránh phản ứng tiêu cực của nữ giới và mặc cảm có lỗi hơn nếu người đàn ông nhớ rằng đó chỉ là những xúc cảm thoáng qua. Việc tranh luận sẽ khiến cô rơi vào thế phòng thủ, cơ hội giải tỏa cảm xúc tiêu cực và đón nhận những suy nghĩ lạc quan sẽ tan biến.
Nói ra hết những vướng mắc giúp phụ nữ đón nhận và yêu thương người khác đúng như bản chất vốn có của họ mà không đòi hỏi đối phương phải hoàn hảo. Để có được điều đó, họ rất cần sự hỗ trợ, cảm thông từ nam giới để không bị áp lực trách nhiệm trước mọi lời nói của mình.
Được thể hiện cảm xúc một cách tự do, thoải mái là điều kiện quan trọng để phụ nữ được sống trong tình yêu đích thực.
Mong người phụ nữ của mình thốt ra những lời nhẹ nhàng âu yếm ngay cả khi cô ấy bực bội thì quả là phi thực tế. Điều đó chẳng khác nào bạn đang đòi hỏi cô ấy phải biết suy nghĩ bằng lí trí, logic và khách quan chính xác khi lòng họ còn đang rối bời, muốn được giải tỏa và cảm thông.
NGHỆ THUẬT GỢI CHUYỆN
Trước suy nghĩ tiêu cực của vợ, nếu nam giới phản ứng lại một cách gay gắt, cô sẽ thấy mình không được cảm thông và lại tiếp tục giải thích để giải quyết vấn đề. Do đó, cách phản ứng gay gắt chỉ kéo dài quá trình tìm hiểu nội tâm của phụ nữ mà thôi.
Những lúc như vậy, người chồng nên đặt câu hỏi cho vợ để tỏ rõ thiện chí quan tâm và luôn sẵn lòng giúp đỡ cô ấy. Điều này sẽ làm cô ấy nguôi ngoai và giải tỏa tâm trạng khó chịu trong lòng. Chẳng hạn: “Anh có thể làm gì để giúp em đây?” hoặc “Nói rõ hơn cho anh nghe được không?”.
Chỉ cần một chút quan tâm, bạn cũng có thể thay đổi được tình hình. Ngược lại, tìm cách trút giận chỉ khiến bạn trở thành kẻ thất thế mà thôi.
Cách tốt nhất giúp nữ giới thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực của bản thân là tạo điều kiện để họ tâm sự nhiều hơn. Khi biết lắng nghe, người chồng sẽ giúp vợ có cảm giác được thông cảm và dễ dàng trở lại tình cảm yêu thương vốn có trước đó.
LỜI KHUYÊN CHO NAM GIỚI
Dưới đây là một số lời khuyên quan trọng để nam giới giúp bạn đời của mình cảm nhận yêu thương, bao dung hơn.
1. Khi thấy vợ tỏ vẻ bực mình, đừng chờ cô ấy lên tiếng trước. Sự quan tâm, gợi chuyện của bạn chắc chắn sẽ làm cơn giận trong lòng cô ấy vơi đi một nửa.
2. Khi vợ nói, bạn hãy để cô ấy nói thoải mái và tự nhủ: “Giận cô ấy trong lúc này chẳng có ích lợi gì!”.
3. Mỗi khi muốn cắt lời hay chỉ trích vợ, bạn hãy cố kiềm chế.
4. Khi không biết nói gì, hãy lặng im. Nếu lời nói của bạn không thể hiện sự trân trọng hay cái nhìn tích cực, thì im lặng là cách tốt nhất.
5. Nếu vợ không chịu nói, hãy cố gợi chuyện bằng cách hỏi thăm tới lúc cô ấy vui vẻ tâm sự.
6. Dù làm gì đi nữa cũng nhớ đừng chỉ trích hay phán xét cảm xúc của vợ.
7. Cố giữ bình tĩnh và tập trung, đồng thời kiềm chế những phản ứng bốc đồng trong lòng. Nếu mất tự chủ và “trút giận” - dù chỉ trong giây lát, bạn sẽ thất thế và phải làm lại từ đầu.
Né tránh, giữ bình tĩnh hay chọn đúng thời điểm để lên tiếng đều là những kỹ năng hết sức cần thiết đối với nam giới trong cuộc sống vợ chồng. Một lời nói thiện chí khi được cân nhắc không chỉ có tác dụng động viên, nâng đỡ tinh thần bạn đời mà còn giúp câu chuyện giữa hai người trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.
SỨC MẠNH CỦA ÁNH MẮT
Không như nam giới, khi bực mình, phụ nữ luôn muốn nhận được sự chú ý chứ không phải bị phớt lờ hay bỏ mặc. Cảm giác mình vẫn được để ý giúp họ nhìn nhận bản thân rõ hơn và hiểu rõ những cảm xúc trong lòng hơn.
Mỗi khi tâm sự, nữ giới thường thể hiện sự cảm thông qua ánh mắt. Nhưng do không hiểu nhu cầu này ở cô, nên anh thường nhìn hướng khác để suy nghĩ xem ý cô ấy ra sao hoặc nên trả lời thế nào.
Biết cách giao tiếp bằng ánh mắt không chỉ thể hiện thái độ cảm thông mà còn giúp nam giới tránh rơi vào xu hướng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của vợ. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ không chỉ duy trì kỹ năng giao tiếp này, mà quan trọng bạn còn phải biết nhìn thế nào cho tế nhị.
Thay vì chỉ dán mắt vào một chỗ, trước tiên nam giới nên nhìn vào mắt vợ mình hai đến ba giây. Khi muốn quay nhìn hướng khác, anh nên lướt ánh mắt đến chóp mũi vợ. Sau đó, nhìn sang môi, cằm, và cả gương mặt. Rồi làm lại từ đầu.
Đây là cách giúp người chồng dành cho vợ sự chú ý một cách tự nhiên, không xoi mói. Không những thế, đó còn là một niềm vui nhỏ riêng cho anh, vì ít ra nó cũng đòi hỏi sự tập trung, thay vì thụ động lắng nghe.
XÓA BỎ SỰ LẠNH LÙNG
Mỗi khi thấy vợ mình có thái độ lạnh lùng, tôi thường lại gần, chạm nhẹ vào người cô ấy. Nếu Bonnie không thu mình lại, đó là dấu hiệu cho thấy tôi không phải là nguyên nhân nỗi muộn phiền trong cô. Phản ứng ngược lại sẽ mách bảo tôi biết nên tiếp tục vận dụng kỹ năng né tránh, mọi giận dỗi trong cô ấy rồi sẽ qua đi.
Không chỉ xoa dịu cơn giận trong lòng vợ, bàn tay người chồng còn có tác dụng như nhiệt kế, nó hé mở cho anh trạng thái cảm xúc đang diễn ra trong lòng cô. Nếu quả thật cô ấy giận anh, anh sẽ biết đặt ra những câu hỏi tìm hiểu thích hợp. Nếu không, anh đỡ phải lo né tránh.
Thường thì sau những lời gợi chuyện của anh, cô sẽ trả lời: “À, không phải tại anh đâu. Chẳng qua có quá nhiều chuyện khiến em phải suy nghĩ mà thôi”. Câu nói ấy một mặt giúp cô chủ động trò chuyện, trút mọi nỗi niềm, mặt khác khiến chồng lắng nghe thoải mái, dễ dàng hơn vì không bị mặc cảm có lỗi. Cho dù có chút bực mình với chồng, cô cũng sẽ nhanh chóng xua tan cảm giác ấy trước thiện ý ở anh. Quan hệ của họ nhờ đó mà sớm trở lại bình thường.
KHI VỢ GIẬN
Khi bị vợ giận, tín hiệu tốt nhất anh nên gửi đến cô ấy là thừa nhận cô ấy có quyền tỏ thái độ như vậy, có giận cũng không sao, anh chỉ muốn tìm hiểu đã làm gì khiến cô buồn để sau này còn rút kinh nghiệm. Sau đây là một tình huống tôi từng trải qua.
Một hôm tôi cảm thấy không khí giữa hai vợ chồng có gì đó lạnh lùng tích tụ từ lâu, nhưng thực lòng tôi cũng không biết nguyên nhân tại sao. Cố gắng không để cảm xúc tự ái chen vào, tôi tìm cách để vợ bộc lộ nỗi niềm đang chất chứa trong lòng.
Trước hết, tôi khẽ chạm vào Bonnie, cô ấy lập tức co người lại. Thay vì bỏ đi, tôi cố vận dụng mọi kỹ năng quan hệ tình cảm với mong muốn thay đổi tình hình. Vẫn đứng đó, nhìn vào mắt cô ấy, tôi tự hỏi điều gì khiến vợ mình phiền muộn. Bắt gặp ánh mắt tôi, Bonnie chợt nhận ra thái độ cự tuyệt của cô. Nhưng vì tôi không có phản ứng tiêu cực, nên Bonnie cảm thấy tin cậy hơn.
Bây giờ thì tôi biết chắc cô ấy giận mình. Để tránh cảm giác tổn thương bởi cơn giận và chỉ trích của vợ, tôi lái câu chuyện sang hướng khác, không đặt ra những câu hỏi kiểu như: “Em giận anh à?” hay“Anh làm gì sai hả?”. Thay vào đó, tôi lên tiếng gợi ý:
- Em có chuyện gì muốn nói phải không?
Im lặng, Bonnie không đáp. Không từ bỏ ý định của mình, một lần nữa, tôi cố gắng không thể hiện quá nhiều trước sự giận dữ của cô ấy:
- Anh thật sự muốn biết chuyện gì đã xảy ra.
Một lát sau, Bonnie trả lơi: “Cũng chẳng có chuyện to tát đâu”. Vậy là tôi biết có chuyện thật rồi.
- Có phải do anh đã nói hay làm gì đó không đúng hay không?
Đáp lại, Bonnie chỉ hít một hơi thật sâu rồi thở dài, ám chỉ thực lòng không muốn nói gì cả.
- Nếu đúng vậy, anh thật sự rất muốn biết.
Thoáng đắn đo, tôi nói giọng cương quyết:
- Nếu anh làm em buồn, anh muốn biết mình đã làm gì để sau này còn tránh nữa chứ.
Lúc ấy, Bonnie mới chịu cất tiếng:
- Hôm trước trong khi em đang nói chuyện với anh thì anh đi nghe điện thoại, sau đó cũng không thèm hỏi xem ý em cuối cùng là sao. Em cảm thấy anh chẳng để ý gì đến em cả.
Tôi nói ân cần: “Xin lỗi, anh vô ý quá”. Lúc ấy trong tôi chợt hiện lên một loạt lý lẽ thanh minh, nhưng ngay lập tức tôi gạt bỏ chúng ra khỏi đầu và khẽ đặt tay lên vai Bonnie. Lần này cô ấy lặng im.
Bonnie tiếp tục tâm sự hết nỗi lòng, một lát sau, không khí giữa chúng tôi đã dịu lại, vợ chồng tôi lại cảm thấy yêu thương, gần gũi như trước.
Khi phụ nữ không muốn tâm sự, thường là vì họ thấy không an tâm, không được chồng chú ý hay thông cảm.
Lúc này sự nhẫn nại, dịu dàng ở người chồng là điều cần thiết nhất.
Có thể nói, với nhiệm vụ tự đặt ra cho mình là phải nhẫn nại, tôi không chỉ tạo điều kiện cho vợ giải tỏa cảm xúc, mà còn giúp sưởi ấm tình cảm của hai bên. Trong quá trình đó, một mặt, tôi cố giữ thế riêng cho mình, mặt khác không ép buộc đối phương. Cũng nhờ đó, tôi đã có được sự tôn trọng của Bonnie và cô ấy cũng thêm hiểu thực lòng tôi rất quan tâm đến cô ấy.
TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH
Khi đã nắm được các yếu tố của kỹ năng quan hệ tình cảm mới này, bạn chỉ cần thêm một chút thời gian để học cách vận dụng mà thôi. Điều này cũng như đánh tennis hay chơi golf vậy, người chơi phải tập luyện nhiều mới có được những cú phát bóng chuẩn và đẹp. Khi đã thuần thục, hầu như mọi động tác đều trở thành phản xạ, đều trở nên rất tự nhiên.
Học cách lắng nghe cũng như học bất kỳ kỹ năng mới nào khác. Với nam giới, lắng nghe trong tâm trạng thoải mái khi vợ đang bực mình chắc chắn không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, khi thực hành nhiều, bạn sẽ thấy điều này nằm trong khả năng của mình, đồng thời sẽ phải ngạc nhiên vì hiệu quả mà nó mang lại.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng nhân tố giúp tôi đạt được tiến bộ nhanh nhất trong quá trình học hỏi chính là sự hợp tác, giúp đỡ của vợ. Không kỳ vọng tôi phải hoàn hảo, đồng thời lại biết trân trọng thiện chí giúp đỡ của chồng, Bonnie đã giúp tôi hoàn thành khóa học đặc biệt này dễ hơn.
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào những kỹ năng quan hệ tình cảm mới dành cho phụ nữ nhằm giúp chồng biết lắng nghe và cảm thông. Trên cơ sở vận dụng kỹ năng này, nữ giới sẽ biết cách thể hiện tình cảm yêu thương và vẻ đẹp nữ tính vốn có của bản thân.