Phụ nữ có thể giúp chồng lắng nghe tốt hơn nếu biết điều chỉnh một số điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng trong cách giao tiếp. Chẳng hạn, biết tạm dừng câu chuyện để chuẩn bị tâm lý cho anh trước khi nói lên suy nghĩ riêng, chắc chăn chị sẽ có được sự hỗ trợ, thông cảm từ phía anh.
Khi bày tỏ với chồng ý muốn được cảm thông, người vợ có thể thoải mái hơn trong việc tâm sự, không còn lo anh phớt lờ hay bực mình.
Một trong những bí quyết đơn giản đê chồng lắng nghe đó là đưa ra đề nghị nhẹ nhàng, trực tiếp: “Anh không phải nhận xét hay làm gì hết, em chỉ muốn nói ra mọi cảm xúc cho lòng nhẹ hơn thôi”.
Nếu người vợ biết tạm dừng câu chuyện và giúp chồng chuẩn bị tinh thần như vậy, anh sẽ không buộc mình phải suy nghĩ, đề xuất cách giải quyết khó khăn cho cô. Cũng nhờ đó, anh có thể thư giãn và tập trung lắng nghe. Dù thể hiện ít hơn, nhưng anh lại có thể giúp đỡ vợ về mặt tinh thần nhiều hơn.
Nói chuyện một cách logic, tập trung chính là đặc trưng của nam giới. Với phụ nữ, điều này tuy không phải là đặc trưng nổi bật, nhưng ít nhiều mỗi ngày tám tiếng, ở cơ quan họ cũng phải thể hiện như vậy. Có thể cách nói chuyện ấy dễ được nam giới đón nhận, nhưng nó lại khiến người phụ nữ xa rời giá trị nữ tính của mình.
Khi về nhà, ưu tiên số một với chị là tìm thấy sự cân bằng để làm người phụ nữ đúng nghĩa. Tuy nhiên, nếu không khéo léo khi tâm sự cùng chồng, hoặc không chuẩn bị tâm lý trước cho anh, cả hai sẽ dễ dẫn đến bất đồng. Kết quả, cuộc trò chuyện giữa hai người hoặc sẽ chẳng đi đến đâu, hoặc để cải thiện, chị sẽ phải gạt bỏ giá trị nữ tính vốn có của mình mỗi khi nói chuyện.
Để tìm lại vẻ nữ tính, nhân hậu, yêu thương sau một ngày làm việc đầy căng thẳng và cạnh tranh, người phụ nữ cần cảm nhận được sự tự do, độ lượng và động viên trong tình cảm vợ chồng. Từ đó họ mới có thể truyền tải cảm xúc thật lòng mình một cách khách quan, tự nhiên.
Muốn hồi phục sau một ngày vất vả ở cơ quan, nữ giới cần được thoải mái thể hiện bản thân qua việc giãi bày tình cảm, suy nghĩ của mình. Lúc nào cũng phải cân nhắc, lựa chọn để nói chuyện chính xác, hợp lý, nghĩa là họ luôn phải phát huy giá trị nam tính trong mình. Khi không nhìn nhận đúng nhu cầu để vun đắp giá trị thực sự ở người phụ nữ, nam giới sẽ dễ bực mình với thái độ hoặc kiểu nói chuyện “đàn bà” ở đối phương.
Nói chuyện có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng, hợp lý, xoáy vào mục tiêu sau một thoáng cân nhắc là thế mạnh của nam giới. Nhưng đòi hỏi vợ mình cũng phải có phong thái chuyện trò như vậy lại là một điều phi lý, phản tác dụng và chỉ làm cản trở cô ấy thể hiện giá trị nữ tính thực sự mà thôi.
VẤN ĐỀ KHÓ XỬ
Ngày nay, người phụ nữ phải đối diện với nhiều thách thức mới trong giao tiếp. Hoặc họ sẽ phải tập cách nói chuyện mạnh mẽ, rõ ràng kiểu nam giới (điều này buộc họ phải hy sinh dần nét nữ tính của mình), hoặc họ sẽ bỏ mặc những phản ứng của đối phương. Tất nhiên, chẳng cách nào trong hai cách trên mang tính khả quan cả.
Phụ nữ ngày nay có nhu cầu trò chuyện với chồng và thể hiện nét nữ tính nhiều hơn vì trong môi trường làm việc họ không có điều kiện bộc lộ điều đó.
Thực tế, giao tiếp như thế nào để có hiệu quả luôn là một thử thách lớn với hai giới. Nếu biết áp dụng những kỹ năng mới, người phụ nữ sẽ giúp chồng lắng nghe tốt hơn mỗi khi chị tâm sự. Trước thái độ sẵn sàng đón nghe của anh, chị có thể bộc lộ cảm xúc thoải mái hơn. Bởi vậy, tương tự như kỹ năng né tránh ở nam giới, người phụ nữ cũng cần học kỹ năng chuẩn bị tâm lý cho chồng để anh thích nghi với cách nói chuyện cũng như hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc có vẻ phức tạp của vợ.
HOUDINI VĨ ĐẠI
Trong quá trình tư vấn, tôi thường lấy ví dụ về cuộc đời của nhà ảo thuật lừng danh đầu thế kỷ 20 - Harry Houdini để nói về việc chuẩn bị tâm lý cho người chồng quan trọng như thế nào.
Houdini rất tự hào về khả năng của mình. Ông từng tuyên bố rằng mình có thể thoát ra bất kỳ môi trường giam hãm nào. Và quả thật, ông đúng là một bậc thầy đào tẩu nổi tiếng với bao lần thoát ra khỏi áo bó, hộp khóa bằng xích sắt, két sắt ngân hàng, nhà giam. Không những thế, ông còn đưa ra lời thách đố rằng ông chịu được mọi quả đấm. Điều này có nghĩa là nếu có bất kỳ ai, dù vạm vỡ đến đâu, thụi vào bụng ông, ông cũng không hề đau đớn.
Một đêm hội hóa trang Halloween năm 1926, trong giờ nghỉ giải lao chương trình ảo thuật, một anh sinh viên trẻ tuổi đi vào hậu đài, hỏi ông: “Có thật là ông chịu được bất kỳ cú đấm nào không?”
Houdini bảo: “Đúng”.
Bất ngờ, anh sinh viên đó nhanh tay ra một cú đấm móc vào bụng, trong khi Houdini chưa kịp chuẩn bị tư thế. Trong tích tắc, cú đấm đủ khiến Houdini vĩ đại chết giấc. Ông được đưa vào viện nhưng hôm sau thì tắt thở.
Cũng như Houdini, nam giới có thể chịu đựng được mọi lời công kích từ vợ nếu trước đó được chuẩn bị tâm lý. Muốn vậy, người phụ nữ cần khéo léo chuẩn bị tâm lý cho chồng, giúp anh biết lắng nghe và không cảm thấy bị xúc phạm.
Chuẩn bị tâm lý lắng nghe cho chồng là kỹ năng mới phụ nữ cần học hỏi.
VẬN DỤNG KỸ NĂNG CŨ THEO CÁCH MỚI
Đôi khi nghe những tâm sự của vợ, người chồng cảm thấy phức tạp, không biết mình phải làm gì mới có thể giúp được cô ấy. Bên cạnh đó, vì không nắm được kỹ năng né tránh, nên càng thể hiện sự quan tâm, anh càng thấy bị tổn thương bởi nghĩ cô đang chỉ trích anh.
Trong môi trường làm việc, nam giới dễ né tránh công kích hơn vì khi đó họ chỉ tập trung vào hiệu quả công việc, không bị chi phối bởi các mối quan hệ bên ngoài. Tuy nhiên, trong tình cảm vợ chông, họ bộc lộ bản thân nhiều hơn và cũng dễ bị tổn thương hơn.
Vì vậy, người vợ nên vui vẻ cho chồng biết nhu cầu của mình trước khi bắt đầu câu chuyện. Với cách diễn đạt nhẹ nhàng, dễ hiểu, cô sẽ giúp anh thoải mái lắng nghe, không phải chật vật đoán xem vợ đang cần gì. Đây là chiến lược mới dành cho nữ giới. Khi đã nắm bắt được kỹ năng này, họ sẽ tự do thể hiện cái tôi “nữ tính” hơn.
Dù là chiến thuật mới, nhưng “chuẩn bị tâm lý” thực ra là một kỹ năng từ cổ xưa người phụ nữ đã rất thành thạo. Điều này xuất phát từ thực tế cuộc sống, họ luôn phải trù liệu, lo lắng cho tương lai. Thêm vào đó, bản năng phụ nữ đòi hỏi họ phải biết chuẩn bị.
Ngày nay, trách nhiệm thường ngày của phụ nữ vẫn phản ánh xu hướng lo toan này. Để vun đắp cho gia đình và bản thân, họ phải lo chuẩn bị từ bữa ăn đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa sao cho sạch đẹp và thoải mái. Khi làm mẹ, họ phải chăm sóc cho con từng chút một. Khi hướng dẫn con tự vui đùa, họ không chỉ có mặt ở bên con mà còn lo chọn cho con từng món đồ chơi, tạo môi trường thích hợp cho con. Rồi để dạy con đọc chữ, trước hết người mẹ phải đọc sách cho con nghe để chúng làm quen dần.
Nhìn chung, bản tính cố hữu của người phụ nữ là biết lo toan, chuẩn bị. Tuy nhiên, một trong những nỗi thất vọng thầm kín lớn nhất là họ không biết phải chuẩn bị tâm lý cho người đàn ông của mình ra sao để anh chú ý lắng nghe. Do không nắm bắt được sự khác biệt về tâm lý ở đối phương nên nữ giới thường cảm thấy khó khăn, không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào. Họ ngây thơ cho rằng nếu chồng yêu mình, hẳn anh sẽ đọc được tâm trạng của mình và hiểu những điều mình nói.
Phụ nữ tuyệt đối không nên cho rằng người bạn đời nếu yêu mình thì đã biết rõ nhu cầu của mình, không cần phải nói nữa.
Trong thực tế, cũng có một sô người phụ nữ để ý và cố gắng chuẩn bị tâm lý cho chồng trước khi đi vào vấn đề chính. Tuy nhiên, do cách tiếp cận không hợp lý, nên họ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Chẳng hạn, việc hỏi thăm thật nhiều về ngày làm việc của chồng, không hẳn sẽ tạo tiền đề tốt để anh lắng nghe, mà có khi nó chỉ khiến anh mệt mỏi hơn.
Một người đàn ông thông minh, có thiện chí đôi khi cũng không hiểu được người phụ nữ của mình thực sự cần gì. Khi chị tâm sự, anh liên tục đưa ra ý kiến nhận xét, điều chỉnh, và giải pháp. Thế nhưng đáp lại, chị lại cho rằng: “Anh chẳng hiểu gì cả”. Câu nói khiến người đàn ông lập tức rút vào thế thủ, vì theo anh, như vậy chẳng khác nào vợ cho mình là kẻ ngốc, không giúp gì được cho cô ấy.
Ngược lại, điều phụ nữ than phiền nhiều nhất là bị chồng hiểu nhầm. Họ nói câu nói trên như một phản xạ rất bình thường mà không nghĩ rằng câu nói đó không những vô tình chứa đựng hàm ý trách móc, phê phán mà còn rất vô lý với anh.
Đối với người chồng, trước đó có thể anh tỏ ra quan tâm, chia sẻ với những bức xúc của vợ, nhưng do lòng tự ái bị đụng chạm, anh sẽ chuyển sang đấu tranh, bảo vệ lẽ phải của mình. Kết quả là, từ ý nguyện ban đầu là giúp đỡ, động viên vợ, anh lại rơi vào cuộc tranh cãi gay gắt.
LÀM SAO ĐỂ NAM GIỚI LẮNG NGHE?
Khi nói “Anh chẳng hiểu gì cả” thực ra ý của chị là“Anh không hiểu lúc này em chẳng cần giải pháp gì hết, đơn giản em chỉ muốn nói chuyện mà thôi”. Nhưng người chồng lại cho rằng vợ không trân trọng đề xuất của mình và lên tiếng thanh minh, tranh cãi về giá trị của ý kiến đó.
Do đó, để bạn đời hiểu được nhu cầu thực sự của mình, phụ nữ đừng bao giờ dùng lối phủ định sạch trơn kiểu này. Bản tính người đàn ông khó chấp nhận lời buộc tội phủ đầu như vậy.
Những lúc người vợ chỉ cần chồng im lặng lắng nghe nhưng anh lại say sưa đưa ra cách giải quyết vấn đề, tốt nhất chị nên vận dụng kỹ năng quan hệ tình cảm mới để tranh làm mất lòng chồng, đồng thời tạo điều kiện để anh hỗ trợ, thông cảm với chị nhiều hơn. Vận dụng kỹ năng “tạm dừng” để “chuẩn bị tâm lý” lắng nghe cho chồng, câu chuyện của chị sẽ không bị cắt ngang bởi những đề xuất anh đưa ra.
Khi vợ sớm nói rõ rằng mình không cần giải pháp, người chồng sẽ dễ dàng chuyển từ xu hướng “giải quyết vấn đề” sang “lắng nghe” mà không phải rơi vào cảm xúc khó chịu. Chẳng hạn, một người đàn ông sau một hồi lăng nghe và đưa ra ý kiến mới biết là vợ không cần đến cách giải quyết của mình, hẳn anh sẽ thấy mình lố bịch và mất hết hứng thú tiếp tục trò chuyện.
Thỉnh thoảng, khi Bonnie tâm sự về những khó khăn, dù bản thân đã nắm khá rõ và tư vấn cho nhiều người về kỹ năng tình cảm mới, nhưng tôi vẫn có lúc quên và lại tiếp tục đề xuất cách giải quyết. Thay vì phản ứng lại, Bonnie tạm dừng câu chuyện nhắc tôi nên làm gì để hỗ trợ cô ấy. Chẳng han, lấy giọng vui vẻ, Bonnie bảo: “Ồ, anh không phải giải quyết chuyện này, chỉ là em muốn nói chuyện với anh thôi. Anh hãy nghe em nói nhé!”. Tất nhiên, ngay sau đó tôi sẵn sàng và vui vẻ đáp ứng nhu cầu của vợ.
Biết yêu cầu một cách khéo léo, nhẹ nhàng, tự nhiên, cũng có nghĩa là người vợ biết bỏ qua sai lầm của chồng và tạo điều kiện để anh hỗ trợ mình nhiều hơn về mặt tinh thần.
NIỀM VUI GIẢN DỊ
Một lần, sau khi lắng nghe Bonnie nói khoang mười phút, mặt tôi dường như lộ rõ vẻ khó chịu. Trước đó không lâu, tôi về nhà trong một tâm trạng rất thoải mái, nhưng sau khi nghe Bonnie than phiền, bỗng dưng tôi thấy mình như một kẻ vô dụng. Không những thế, tôi còn cảm thấy bất mãn vì rõ ràng vợ mình không hài lòng mà tôi thì chẳng làm được gì để thay đổi tình hình.
Nhận thấy vẻ mặt nặng nề của tôi, Bonnie lên tiếng:
- Nhìn anh giống hệt như lúc em bực mình ở cơ quan vậy.
Tôi bất ngờ vì sự thay đổi tâm trạng của vợ và nhận ra lúc này những bức xúc trong cô ấy đã vơi bớt nhiều.
Tôi hỏi lại:
- Ý em là thấy không vui nhưng giờ hết rồi phải không?
- Vâng. Xin lỗi làm anh thấy khó chịu, nhưng quả thật bây giờ em thấy thoải mái hơn hẳn.
Bonnie nhìn tôi mỉm cười. Bỗng nhiên tôi cũng thấy vui lây. Tôi bảo:
- Nếu em thấy tốt hơn rồi, thì chắc anh cũng vậy. Nãy giờ anh cứ tưởng thế là mất toi buổi tối thú vị của vợ chồng mình rồi chứ.
Thực ra vừa trước đó, tôi còn cảm thấy thật mệt mỏi và chán nản. Nhưng khi biết mình quan trọng và có thể hỗ trợ Bonnie nhiều đến vậy, tâm trạng tôi bỗng thay đổi hoàn toàn.
Những lần sau đó vợ chồng trò chuyện, tôi lắng nghe một cách thoải mái hơn, không còn mặc cảm vô dụng nữa. Dần dần, cả hai chúng tôi đều nhận ra niềm vui và sự hỗ trợ mang lại cho nhau quan trọng như thế nào.
NÊN NÓI GÌ KHI CHỒNG KHÔNG CHỊU LẮNG NGHE?
Hạnh phúc gia đình phụ thuộc rất nhiều vào việc vợ chồng có hiểu và trân trọng nhau hay không. Với tôi, có le tôi rất may mắn vì có một người vợ tinh tế và nhạy cảm. Do nắm được tâm lý của chồng, nên Bonnie thường có những cách gợi chuyện rất khéo. Chẳng hạn, có lần cô ấy lên tiếng: “Em biết điều này là khó với anh, nhưng em muốn được nói ra cho nhẹ lòng. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng thực ra em chỉ muốn anh biết cảm giác trong em lúc này thế nào mà thôi”. Nghe vậy, tôi vừa tò mò muốn biết chuyện gì đang chi phối tâm trí vợ, vừa cảm thấy mình cần phải trân trọng cảm xúc ở cô ấy.
Thật vậy, khi muốn chủ động trò chuyện với chồng, người vợ có thể chuẩn bị tâm lý lắng nghe cho anh đơn giản chỉ qua vài câu nói như: “Em đang cảm thấy rất bối rối. Em tâm sự với anh được chứ? Có thể em đang nghiêm trọng hóa vấn đề, nhưng thực lòng lúc này em rất cần sự quan tâm ở anh. Anh không phải nói hay làm gì khác cả”.
Khi thấy nỗ lực của mình được trân trọng, người đàn ông sẽ vui vẻ và sẵn sàng ủng hộ đề nghị của vợ.
Phụ nữ thường cho rằng chồng mình sẽ dành thời gian lắng nghe nếu thật lòng yêu mình, mà không biết rằng hầu hết các ông chồng đều “dị ứng” khi phải nghe những lời than thở, trách móc của vợ. Tuy nhiên, nếu hiểu và biết cách hỗ trợ chồng nhiều hơn, chị sẽ có được thái độ lắng nghe tích cực từ anh.
Trong công việc, người đàn ông sẵn lòng chấp nhận khó khăn nếu được trả lương xứng đáng. Tương tự, trong quan hệ tình cảm cũng vậy, nam giới rất muốn công sức của mình được trân trọng. Không có được điều đó, họ sẽ nảy sinh tâm lý “mặc kệ - bất cần”. Dưới đây là một ví dụ cụ thể.
VỢ CHỒNG PEARL VÀ MARTY
Pearl và Marty mâu thuẫn nhau cũng vì một chuyện đơn giản là cách lái xe của Marty. Thấy chồng thường xuyên lái xe vượt quá lối đi vào nhà, Pearl đâm bực mình và lên tiếng chỉ bảo. Cô cho điều đó hoàn toàn hợp lý và cần thiết mà không nghĩ rằng cách nói ấy sẽ làm chồng khó chịu. Nhìn vẻ mặt tức tối của Marty, cô thầm nhủ “Đúng là một anh chồng ngốc nghếch, tính khí như trẻ con!”. Chưa dừng lại ở đó, Pearl tiếp tục “lên lớp”, còn Marty thì giận ra mặt.
Khi đến nhờ tôi tư vấn, Pearl biện minh:
- Tôi làm như thế có gì sai chứ? Chẳng lẽ những lúc có chuyện gấp cũng cứ để anh ấy lái xe lòng vòng kiểu đó sao? Chẳng lẽ tôi không được nói ra cái sai của anh ấy à?
- Được chứ. Tất nhiên là được. - Tôi đáp lại. - Nhưng chị nên hạn chế và chỉ áp dụng điều đó trong những tình huống quan trọng mà thôi. Hãy xử sự một cách bình thường như thể người đàn ông khôn ngoan, sáng suốt đến mấy, khi mải suy nghĩ cũng có thể quên mất đường về nhà. Điều đó sẽ khiến anh ấy phải cảm kích về thái độ đúng mực của chị.
Ứng xử một cách nhã nhặn trước những lỗi nhỏ của người đàn ông là một nghệ thuật nữ giới nên biết.
Trong bất cứ tình huống nào cũng vậy, nếu người phụ nữ biết chấp nhận, bỏ qua những lỗi nhỏ của nam giới thì khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra, anh sẽ trân trọng và vui vẻ lắng nghe lời khuyên của chị hơn.
SỰ TẾ NHỊ NGƯỜI PHỤ NỮ CẦN CÓ
Trong trường hợp của Pearl, nếu đang vội, cô có thể lên tiếng nhắc chồng, nhưng hãy tìm cách nói sao cho chừng mực, tránh làm anh tự ái. Chẳng hạn: “Em biết anh ghét nhất là phải nghe em chỉ phải lái xe thế nào. Nhưng hôm nay, để em làm hoa tiêu cho anh nhé. Có sao không anh? Không hiểu sao em thấy trong người rất lo lắng. Biết đâu được giúp anh, em sẽ bớt căng thẳng phần nào”.
Khi anh thuận theo, cô nên cảm ơn như thể anh vừa mới giúp mình một việc rất đặc biệt. Không chỉ vui vẻ lắng nghe mà kiểu hỗ trợ tâm lý này về sau còn giúp anh thoải mái đón nhận ý kiến, lời khuyên của vợ.
Nhiều khi dù biết chồng không muốn nghe, nhưng vì chưa nghĩ được cách nói khéo léo nên người vợ lại diễn đạt sai thiện chí của mình. Cô cố dùng giọng điệu mạnh mẽ, quả quyết để nói với chồng, thậm chí còn sẵn sàng liệt kê ra tất cả những sai lầm trước đó của anh chỉ vì đã không chịu nghe lời khuyên của cô.
Khi bất chấp sự phản kháng ở chồng, người vợ chỉ khiến anh thêm thất vọng, chán nản hơn mà thôi.
Điều nam giới khó chấp nhận nhất ở phụ nữ là ý muốn họ phải im lặng lắng nghe, không một chút phản ứng. Bởi vậy, nếu thấy điều sắp nói không dễ gì được chồng hưởng ứng, người vợ nên hé mở trước, chẳng hạn: “Em có chuyện muốn bàn với anh nhưng đang nghĩ xem nên nói thế nào. Chắc chắn không có ý trách móc, phê phán anh đâu, nhưng em sẽ thoải mái hơn nếu được anh thông cảm. Anh chịu khó lắng nghe vài phút được không?”.
Bằng cách này, anh sẽ nhận ra sự chu đáo của vợ, đồng thời thấy được cô rất trân trọng anh, do đó anh sẽ lắng nghe với một tâm trạng thoải mái và chú tâm đến vấn đề vợ nêu ra.
ĐIỀU NAM GIỚI “DỊ ỨNG”
Để có được bất kỳ kỹ năng nào đi nữa cũng phải bắt đầu từ dễ đến khó. Ở đây, sự giúp đỡ ban đầu của vợ sẽ tạo tiền đề giúp chồng xử lý vấn đề dê dàng hơn, đồng thời không khí chuyện trò giữa hai bên sẽ thêm cởi mở.
Đôi khi mải trút nỗi niềm, chị quên tạm dừng câu chuyện để chuẩn bị tâm lý cho chồng. Nhưng, quên không có nghĩa là quá muộn để làm điều đó. Nếu thấy chồng tỏ vẻ khó chịu, chán nản, hay tức giận, chị nên khéo léo chuyển hướng vấn đề, chẳng hạn:“Em hiểu anh đang cảm thấy …”. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn cho thấy sự tinh tế cần có ở một người vợ.
Một lý do quan trọng khác khiến nam giới khó chịu là vì cảm thấy mình bị trách móc. Để giúp anh tránh cảm giác này, đôi khi chỉ một câu nói đơn giản cũng có tác dụng rất lớn. Chẳng hạn, trong những lần hai vợ chồng nói chuyện, nhận thấy vẻ không vui trên gương mặt tôi, Bonnie thường dừng lại và bảo: “Em biết điều này nghe như trách móc anh. Em không có ý vậy đâu, vì lỗi không phải do anh. Em biết anh lúc nào cũng rất tốt với em. Nhưng có lẽ em phải nói ra mọi băn khoăn của mình thì mới thấy nhẹ lòng và đón nhận tình cảm của anh sâu sắc hơn được”.
Tiếp tục câu chuyện được một lát, Bonnie lại dừng lại nhìn tôi và nói: “Em biết thực lòng anh không có ý… Em đã hiểu lầm chỉ vì em nghĩ rằng… Em thật sự rất cảm ơn anh không bực mình chuyện này”.
Khi Bonnie kết thúc câu chuyện, tôi cũng không cần phải thanh minh gì nhiều. Tôi chỉ bảo: “Giờ thì anh đã hiểu tại sao em bực mình. Anh cũng rất vui vì vợ chồng mình đã nói chuyện với nhau một cách thoải mái như vậy”.
Bằng cách xử lý khéo léo, Bonnie giúp tôi hiểu rằng chính nhờ những cuộc trò chuyện như vậy mà tình yêu của chúng tôi thêm nồng nàn, bền vững.
SỰ TINH TẾ TRONG LỜI NÓI
Câu nói được cho là mạnh mẽ, có sức thuyết phục nhất phụ nữ nên dùng để chuẩn bị tâm lý lắng nghe cho chồng là: “Anh không cần phải nói gì cả”. Câu nói này sẽ giúp anh tránh rơi vào thủ thế và thanh minh cho bản thân. Hơn nữa, nó còn nhắc khéo anh không cần phải giải quyết vấn đề giúp vợ.
Thường nữ giới không nghĩ ra câu nói trên vì trong lúc chuyện trò, đặc biệt giữa phụ nữ với nhau, nó có vẻ khiếm nhã. Nhưng với nam giới thì khác, câu nói ấy chẳng có gì là thô lỗ, trái lại anh còn thấy rất thoải mái vì đó là một nhiệm vụ dễ dàng với anh.
Một câu cửa miệng của các bà vợ khi trò chuyện với chồng là: “Anh lại không chịu nghe rồi”. Câu nói này khiến anh rất bất mãn vì thông thường, thực tế anh đang lắng nghe, hay ít ra cũng cố gắng lắng nghe. Mà dù có khi không nghe đi nữa, anh vẫn rất khó chấp nhận câu nói ấy.
Sở dĩ như vậy là vì câu nói ấy khiến anh có cảm giác như đang bị vợ sai khiến, hoặc như đang nghe giọng điệu trách mắng của một kẻ bề trên. Tương tự như việc phụ nữ không muốn đóng vai bà mẹ với chồng mình, người chồng cũng không muốn bị vợ chỉ dạy giống như một đứa trẻ.
Thực chất trong câu nói ấy, người vợ chỉ muốn chồng hết sức tập trung vào vấn đê mình đang đề cập mà thôi. Tuy nhiên, do không khéo léo nên cách nói của chị khiến anh càng thêm xa cách. Để tránh bị hiểu lầm, chị có thể chuyển sang một cách diễn đạt khác - không cầu kỳ nhưng rất hiệu quả: “Hình như anh chưa chú tâm lắm đến điều em nói?”. Câu nói này kết hợp với giọng điệu cao hơn bình thường một chút, chắc chắn chị sẽ kéo tâm trí anh về câu chuyện của mình.
KHOẢNH KHẮC CHÚ Ý
Thường nam giới chỉ lắng nghe khoảng 30 giây và khi thấy vợ nói chuyện không có trọng tâm rõ ràng, anh lập tức dành sự tập trung của mình cho vấn đề khác. Chẳng hạn, anh với tay lấy một tờ báo rồi đọc chăm chú, hoặc bật truyền hình, dò hết kênh này đến kênh khác…
Trong các buổi hội thảo, tôi thường hỏi xem bao nhiêu chị em từng rơi vào tình cảnh như vậy. Hầu như ai cũng giơ tay. Thực ra, tôi hỏi chỉ là để họ hiểu rằng không muốn nghe những chuyện tản mạn, dài dòng là tâm lý chung ở nam giới.
Câu chuyện giữa vợ chồng Martha và Robert là một ví dụ điển hình. Họ kết hôn đã được chín năm. Thường khi chị nói chuyện, anh chỉ chú ý một lát rồi tiếp tục xem ti-vi. Martha phản ứng lại bằng cách tiếp tục nói, tuy nhiên sau đó chị cũng phải nổi cáu và lên tiếng phàn nàn. Ngược lại, Robert vẫn điềm nhiên ngồi xem. Khi chương trình truyền hình kết thúc, anh lại nhặt quyển tạp chí lên đọc trong lúc vợ vẫn độc thoại.
Như nhiều phụ nữ khác, Martha không có được sự thông cảm, hỗ trợ tinh thần từ chồng như ý muốn. Với Robert, sở dĩ anh không toàn tâm chú ý đến vợ là vì anh không có nhu cầu kể lể về ngày làm việc của mình, đồng thời cũng không chú ý đến những điều vun vặt trong cuộc sống. Do đó, cũng không thể quy cho anh không quan tâm đến vợ được.
Một trong những đặc điểm của nam giới là thói quen sắp đặt thông tin một cách logic và rõ ràng. Ngược lại, nữ giới lại hay nói chuyện tản mạn. Bên cạnh đó, trong khi nam giới luôn quan tâm đến mục tiêu hay trọng tâm câu chuyện, từ đó đề ra cách giải quyết vấn đề, thì phụ nữ lại có nhu cầu tâm sự, chia sẻ nhiều hơn. Chính sự khác biệt này đã dẫn đến tình trạng thấy vợ dài dòng, chưa đi vào trọng tâm, chồng liền thư giãn bằng cách đọc báo, tạp chí hay xem truyền hình. Nó chung họ cố gắng không tỏ ra khiếm nhã, nhưng điều này lại không khỏi động chạm đến tự ái của vợ.
KHÔNG NÓI QUÁ DÀI
Trong lúc vợ nói, người chồng có thể nhìn đi nơi khác, nhưng thực tế tâm trí anh vẫn phần nào theo dõi nội dung vợ đề cập để biết lúc nào cô ấy cần mình trả lời. Bởi vậy, khi bị vợ trách cứ, anh thấy rất vô lý vì thực tê mình vẫn đang lắng nghe.
Nam giới thường không nghĩ rằng, sự quan tâm của anh dành cho vợ rất quan trọng và có tác dụng hỗ trợ cô ấy rất lớn.
Trở lại câu chuyện của Martha. Sau chín năm chung sống, cô cảm thấy chán nản và có ý định ly hôn. Martha cho rằng trong con mắt của Robert, cô chẳng đáng quan tâm bằng một chương trình truyền hình. Do đó, mỗi lần anh ngồi xem ti-vi, cô đều cảm thấy anh thật lạnh lùng, xa lạ. Những cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng họ rút cuộc chỉ là tranh cãi xung quanh vấn đề Robert có lắng nghe hay không.
Martha: Anh lại không nghe em nói rồi.
Robert: Anh đang nghe đây.
Martha: Làm sao anh có thể vừa nghe vừa xem ti-vi cùng một lúc được?
Robert: Sao em biết anh không làm được điều đó?
Martha: Em biết rồi, đúng là chẳng thể nào nói chuyện với anh được!
Robert: Này, nãy giờ tuy xem ti-vi nhưng anh vẫn nghe mọi lời em nói đấy. Em muốn anh nhắc lại tất cả không?
Martha: Biết ngay mà. Em không muốn nghe anh nói nữa.
Kiểu cãi vã ấy tiếp diễn nhiều năm liền cho đến một ngày Martha quyết định chuyển sang trò chuyện theo cách khác. Lần này, khi Robert với tay lấy chiếc điều khiển dò kênh, thay vì phàn nàn hoặc cao giọng giận dữ, Martha tạm ngừng câu chuyện và cùng nhìn lên màn hình với chồng. Sau ba mươi giây, Robert nhận thấy vợ không còn nói nữa.
Ngừng lại, anh quay sang nhìn cô.
Lúc này, Martha mới lên tiếng: “Em rất cảm ơn nếu anh toàn tâm chú ý nghe em nói. Chuyện này chỉ khoảng ba phút nữa là xong. Được không anh?”.
Ba phút sau đó, thay vì mất thời gian tranh cãi đúng - sai, tâm trạng Martha đã được giải tỏa rất nhiều, cô lên tiếng cảm ơn chồng mình. Về phía Robert, từ từ anh bắt đầu chú tâm đến những vấn đề vợ đề cập. Đôi lúc anh quên, Martha liền khéo léo lấy lại sự tập trung của chồng. Cũng nhờ đó, cô trở nên vui vẻ hơn, còn Robert thì có thêm động lực để lắng nghe tâm sự của vợ.
Để có được sự chú tâm của chồng, người vợ cần cho anh biết câu chuyện sẽ có đoạn kết rõ ràng. Một trong những bí quyết ở đây là thoạt đầu, chị chỉ nên giới hạn câu chuyện trong một thời gian ngắn đủ để tập cho chồng kỹ năng chú ý, cảm thông với tâm sự của vợ. Khi anh đã quen, chị có thể kéo dài khoảng thời gian ấy lâu hơn. Nếu thấy anh bắt đầu có vẻ chán nản, chị nên tam dừng câu chuyện để chuẩn bị tâm lý lắng nghe cho chồng bằng cách nhắc khéo: “Chuyện em nói sắp xong ngay đây”. Chắc chắn kiểu hỗ trợ này sẽ giúp anh dần biết cách thông cảm, chia sẻ hơn. Nếu vấn đề còn quá dài, tốt nhất chị nên tạm dừng, lúc khác đề cập trở lại.
BÍ QUYẾT CỦA PHỤ NỮ
Giao tiếp tốt là bí quyết thành công của người phụ nữ hiện đại. Thiếu đi khả năng này, họ sẽ khó có được sự cởi mở, yêu mến của những người xung quanh. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, những người phụ nữ biết cách ăn nói còn có thể mang lại nhiều niềm vui cho cuộc sống gia đình. Khi biết vận dụng khả năng của mình để hỗ trợ chồng, chắc chắn người vợ sẽ nhận được sự quan tâm trở lại, nhờ đó giá trị nữ tính vốn có của họ sẽ được nâng đỡ và phát huy.
Tuy nhiên, để thành công trong giao tiếp, ứng xử, người phụ nữ còn phải hiểu và nắm bắt được tâm lý đối phương. Cần phải biết rằng, khi người đàn ông yêu, không có nghĩa là họ sẽ thích chủ động trò chuyện, hay luôn muốn nghe tâm sự từ bạn đời. Ngược lại, trước những cảm xúc không vui của vợ, anh thường bị cảm giác có lỗi ám ảnh. Càng yêu vợ bao nhiêu, anh càng bất mãn với chính bản thân bấy nhiêu vì đã không mang lại niềm vui cho người mình yêu.
Đây chính là lúc người vợ nên giúp chồng hiểu rằng anh đã nâng đỡ tinh thần và quan trọng với mình nhường nào. Điều này một mặt khiến anh cảm thấy mình được trân trọng, mặt khác ước muốn được giúp đỡ ở chị sẽ được thể hiện một cách tự nhiên, không chút mặc cảm mình đang xin xỏ tình yêu hay sự cảm thông.
THỜI GIAN KHI TÂM SỰ
Câu chuyện trên cho thấy yếu tố thời gian rất quan trọng trong giao tiếp. Khi người chồng cần thư giãn sau những căng thẳng ở cơ quan, cố ép anh phải đáp ứng chuyện nọ, chuyện kia, sẽ là phản tác dụng.
Ngay từ thời xa xưa, để hồi phục sức lực, người đàn ông thường rút vào hang một mình, tạm thời né tránh các mối quan hệ. Một câu chuyện khá thú vị được kể lại từ một người đàn bà da đỏ rằng, trong bộ lạc của họ, mỗi khi con gái lấy chồng, bà mẹ thường nhắn nhủ: “Dù chồng co yêu con đến đâu chăng nữa, cũng cần nhớ rằng khi anh ta rút lui vào hang một mình thì đừng bao giờ đi theo, nếu không con sẽ bị con rồng phun lửa thiêu đốt. Chỉ cần một lát, chồng con quay lại, mọi chuyện sẽ ổn thỏa”.
Thời gian ở một mình là khoảng riêng tư để người đàn ông phục hồi tốt nhất sau những căng thẳng, mệt mỏi họ phải gánh vác trong ngày. Ngồi im, lặng nhìn vào đống lửa hay chiếc ti-vi, họ sẽ dần tìm lại mối liên hệ với những cảm xúc yêu thương trong lòng và nhớ ra điều quan trọng nhất với mình. Khi thấy nhẹ nhõm hơn, họ sẽ tự động “ra khỏi hang” và sẵn sàng đón nhận quan hệ tình cảm.
Do đó, người phụ nữ nên biết kiềm chế nhu cầu tâm sự của mình cho tơi lúc chồng sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Phải hiểu rằng, ngoài những giây phút vợ chồng tâm sự, trò chuyện bên nhau, cả hai đều cần có cho mình chút thời gian riêng tư, đặc biệt là với nam giới. Khi không có được điều đo, người đàn ông rất khó tìm lại những cảm xúc thương yêu chồng vợ như thuở ban đầu. Điều này cũng giống như khi không có cơ hội tâm sự và phục hồi giá trị nữ tính vốn có của mình, phụ nữ sẽ không còn cảm giác yêu thương sâu sắc vậy.
TÍN HIỆU CẦN THIẾT
Thường thì phụ nữ không nhận ra thái độ rút lui của chồng, còn nam giới thì không thể hiểu nổi tại sao vợ mình lại hay kể lể đến vậy. Bởi vậy, phụ nữ rất cần chồng đưa ra tín hiệu giao tiếp để biết khi nào anh cởi mở chuyện trò, khi nào muốn được riêng tư. Nam giới cũng cần biết khi nào vợ mình muốn tập trung giải quyết vấn đề và khi nào chỉ muốn được lắng nghe.
Muốn vận dụng kỹ năng tạm dừng trước khi bắt đâu câu chuyện hoặc đề xuất yêu cầu với chồng, trước tiên người vợ nên biết đó có phải lúc chồng cần một mình hay không. Nếu đúng, chị không nên đòi hỏi anh đáp ứng nhu cầu của mình. Điều này sẽ giúp khoảng thời gian khép mình của anh ngắn lại, đồng thời anh sẽ cảm thấy thương vợ hơn sau khi lấy lại trạng thái cân bằng của bản thân.
KHI NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÉP MÌNH
Dù biết chồng cũng cần có thời gian riêng tư, nhưng nhiều phụ nữ vẫn băn khoăn không biết khi nào anh ấy mới hòa đồng trở lại với không khí gia đình. Để giải đáp vấn đề này, trong các buổi thảo luận, tôi thường nêu một ví dụ liên quan đến con gái mình - bé Lauren, bảy tuổi.
Một tối nọ, con bé theo tôi đến buôi hội thảo về vấn đề sự khác biệt giữa hai giới. Tôi để bé chơi đùa cuối phòng. Hôm đó tôi nói rất nhiều về việc chị em nên dành cho chồng mình những phút giây riêng tư, điều này cũng giống như việc người đàn ông xưa kia thường ẩn mình ít phút trong hang vậy. Thật không ngờ, con gái tôi đã nghe và nhớ toàn bộ những lời tôi nói. Trên đường về nhà, Lauren lên tiếng hỏi:
- Bố này, bố bảo nếu mình đi vào hang của người đàn ông sẽ bị chết cháy vì rồng lửa tấn công hả bố? Cho nên có lúc bố bực con là vì thế phải không ạ? Chỉ tại con rồng lửa của bố thôi đúng không? Bố vẫn yêu con mà, bố nhỉ?
Tôi đáp:
- Đúng rồi. Thỉnh thoảng bố vào hang của mình, chỉ cần được ở riêng một lát là bố sẽ ra ngay. Có khi bố bực bội với con, nhưng bố thương Lauren của bố nhiều lắm.
Con bé reo lên:
- Cảm ơn bố. Con hiểu chuyện cái hang này rồi.
Hôm sau, Lauren tới bên cạnh khi tôi đang đọc báo, con bé khẽ khàng lên tiếng:
- Bố ơi, bố đang ở trong hang đấy ạ? Con không muốn làm phiền bố vì không muốn bị rồng lửa ăn thịt đâu.
Tôi trấn an con gái rằng mình đang ở trong hang, nhưng một lát nữa sẽ ra ngay.
Lauren len lén hỏi:
- Bố cho con biết khi nào bố ra được không? Con muốn kể bố nghe hôm nay ở trường thế nào.
Đọc xong tờ báo, tôi lập tức nhớ đi tìm con bé, hỏi thăm chuyện của con.
Đôi khi đáp án của những bài toán hóc búa nhất nằm ngay trước mắt mà ta không hay biết. Chúng ta đã tốn bao nhiêu giấy mực trước câu hỏi làm thế nào để người đàn ông cởi mở, và ở đây, khi nhận thức đúng thì một đứa bé cũng có thể trả lời điều đó.
Muốn biết chồng có cần một mình nghỉ ngơi hay không, chị hãy lên tiếng hỏi. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra nó đòi hỏi chị phải nỗ lực tập luyện mới tránh được cảm giác hụt hẫng trước thái độ có vẻ xa cách của chồng.
“KHÚC DẠO ĐẦU” VÀ KHỞI ĐẦU CÂU CHUYỆN
Để biết phụ nữ nhạy cảm với vấn đề này như thế nào, nam giới có thể liên tưởng tới mức độ nhạy cảm của đối phương trong quan hệ tình dục. Nếu chồng có hứng thú, còn vợ thì không, hẳn anh sẽ cảm thấy rất lúng túng.
Một trong những cách giúp nam giới cảm nhận tình yêu chân thành, sâu sắc ở bạn đời chính là trong quan hệ tình dục. Khi bắt đầu thấy hưng phấn trong chuyện đó, người đàn ông thường rất nhạy cảm với thái độ thể hiện và đón nhận tình yêu. Lúc này, bị cự tuyệt sẽ khiến anh trở nên bức xúc, kho chịu. Nếu tiếp tục chủ động khơi gợi nhưng vợ vẫn không hứng thú, anh sẽ tự động không còn ham muốn với chị nữa.
Khi liên tục bị cự tuyệt và ham muốn tình dục bị kiềm nén quá lâu, người đàn ông sẽ có nguy cơ trở nên chán nan và không còn hứng thú với chuyện đó. Tương tự, nếu bị chồng từ chối chia sẻ tâm sự nhiều lần, người phụ nữ cũng mất đi những cảm nhận nữ tính dịu dàng vốn có của mình. Thậm chí khi có cơ hội trò chuyện, họ chỉ im lặng, mệt mỏi và chán nản.
Hiểu được điều này, hẳn người chồng sẽ muốn đem đến cho người phụ nữ của mình cảm giác an tâm trò chuyện. Ngược lại, khi không hiểu, có thể anh sẽ vô tình khiến vợ tổn thương.
Dù người vợ cần hiểu và chấp nhận nhu cầu có những giây phút riêng tư của chồng, nhưng anh cũng nên tinh ý với cảm xúc của chị trước vấn đề này. Tốt nhất, anh nên cho vợ biết khi nào mình cần không gian riêng để cô không rơi vào thế bị động và hụt hẫng vì bị từ chối. Tương tự, để ngọn lửa yêu thương luôn nồng cháy trong tâm hồn chồng, người vợ cũng nên cho anh biết rõ khi nào cô có hứng thú với chuyện chăn gối và khi nào là không.
TÍN HIỆU NAM GIỚI RỜI KHỎI THẾ GIỚI RIÊNG
Để vợ hiểu rằng anh đã ra khỏi thế giới riêng và đang sẵn sàng lắng nghe, người chồng nên đưa ra tín hiệu rõ ràng. Một cái chạm khẽ, hoặc một nụ hôn dịu dàng, yêu thương dành cho cô ấy có lẽ là cách đơn giản và hưu hiệu nhất.
Biết được lúc nào nên hay không nên trải lòng tâm sự với chồng là rất quan trọng với người phụ nữ. Chị sẽ tránh được tình trạng lo lắng và thường xuyên cố tìm hiểu tâm trạng người đàn ông của mình.
Với người chồng, sau khi rời khỏi những giây phút riêng tư, anh nên chủ động gợi chuyện để vợ nhận biết tín hiệu tích cực của mình. Điều này không có nghĩa là anh phải nói nhiều. Chỉ cần anh thể hiện bằng vẻ ngoài cởi mở, vui vẻ lắng nghe là đủ. Hoặc tốt nhất anh nên hỏi thăm những câu đơn giản như công việc hôm nay của chị thế nào, có khó khăn gì hay không v.v.
Việc nam giới chủ động gợi chuyện đặc biệt có ích đối với phụ nữ, vì trong cuộc sống thường ngay họ thường phải phát huy khía cạnh nam tính đến mức nếu không được hỏi đến thì họ cũng quên mất nhu cầu chuyện trò của mình. Đặc biệt, nếu từng bị chồng nổi nóng hoặc gạt bỏ những điều mình nói, chị sẽ không còn hứng thu chia sẻ với anh nữa.
Khi chồng chủ động gợi chuyện, người vợ sẽ bớt e ngại rằng anh ấy không quan tâm đến mình.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỒNG LÊN TIẾNG?
Thường khi nam giới rút vào thế giới riêng của mình, họ có thể chọn cách giải trí như xem phim, đi dạo phố, chơi thể thao, hoặc cũng có thể làm những việc mà vợ cho là vô bổ như lôi xe cũ, máy vi tính ra sửa (nhưng càng sửa, máy càng hư!). Những lúc này, nếu anh chưa nói rõ nhu cầu muốn yên tĩnh một mình, bằng sự nhạy cảm của một người vợ, chị cần phải hiểu và tạo điều kiện cho chồng.
Để biết chuyện gì khiến vợ bực bội đến vậy, người chồng chỉ cần dịu dàng chạm vào người vợ và hỏi xem cô có muốn trò chuyện không. Tương tự, qua vài câu hỏi đơn giản, người vợ cũng có thể đoán biết tâm trạng của chồng.
Khi muốn vợ chồng trò chuyện cởi mở, chị không nên đòi hỏi anh phải luôn trong tâm trạng sẵn sàng. Trước hết, cần phải xem đó có phải là thời điểm thích hợp với anh hay không. Có thể nhận biết điều này bằng nhiều cách. Chẳng hạn, hỏi thăm công việc trong ngày của anh thế nào. Nếu đáp lại câu hỏi“Hôm nay đi làm sao hả anh?” chỉ là tiếng trả lời gọn lon như “Được” hay “Tốt”, thì đó là dấu hiệu anh đang rút vào thế giới riêng tư của mình. Muốn tiếp tục, chị cần chủ động nói nhiều hơn, chẳng hạn lên tiếng ướm thử: “Bây giờ mình nói chuyện được không anh? Hay là để sau nhé?”.
Nếu chưa quá chìm đắm trong không gian riêng, thường người chồng sẽ trả lời: “Nói lúc này cũng được”. Thực ra, nó cho thấy anh đang rơi vào tình thế bất đắc dĩ, không phải vì chưa thỏa mãn nhu cầu riêng tư hay thiếu quan tâm gia đình, mà vì cảm thấy không có chuyện gì để nói.
Trường hợp khác, có thể anh sẽ do dự một lát rồi trả lời rõ ràng, thẳng thắn rằng: “Bây giờ chưa được”. Lúc này, người vợ nên lấy giọng nhẹ nhàng đáp lại: “Thôi được, để sau vậy. Khoảng hai mươi phút nữa được không anh?”.
Thường chỉ cần bấy nhiêu thời gian là đủ. Điều quan trọng là chị nên biết chấp nhận và thông cảm nhu cầu của chồng. Một người vợ có thể thấu hiểu và không đòi hỏi thì tự động chồng chị sẽ lưu tâm, dành thời gian trò chuyện với chị nhiều hơn. Điều này cũng giống như khi người đàn ông dịu dàng chạm vào vợ mình. Anh hiểu, không phải lúc nào cô ấy cũng đáp lại một cách trìu mến, yêu thương. Có thể vợ anh sẽ co người lại, từ chối. Nếu anh không giận và bỏ đi chỗ khác mà vẫn giữ thái độ cởi mở với vợ, cô ấy sẽ nhanh chóng vui vẻ trở lại với anh.
NHỮNG QUY TẮC GIAO TIẾP BẤT THÀNH VĂN
Nếu muốn nói chuyện với ai đó, người phụ nữ thường chờ đến lượt mình - đó là phép lịch sự trong quan niệm của họ. Có thể họ sẽ lắng nghe một lát và sau đó bắt đầu lên tiếng, hoặc chờ đối phương đặt câu hỏi với mình. Nhưng hầu hết nam giới lại không hiểu quy tắc ngầm này. Nếu cứ chờ anh lên tiếng yêu cầu, có thể chị sẽ chẳng bao giờ có cơ hội giãi bày.
Quy tắc bất thành văn của phái nam là nếu có chuyện cần nói, cứ nói, không phải chờ hỏi đến mới cất tiếng. Bởi vậy, khi muốn trò chuyện, anh sẽ không e ngại nói ra và khi chất vấn, hiếm khi anh mong đợi chị trả lời bằng câu hỏi ngược lại. Một số người dù biết vợ mình muốn được nghe những lời hỏi han, nhưng khi do mải suy nghĩ điều cần nói nên anh quên đặt câu hỏi ngược trở lại.
Trong khi trò chuyện, nếu chồng chỉ trả lời vắn tắt, người vợ không nên tự ái và chờ khi nào anh ấy lên tiếng hỏi mới nói. Thực tế việc tâm sự về công việc hay những chuyện xảy ra trong ngày là điều hết sức bình thường. Người chồng nào cũng dễ dàng lắng nghe nếu điều đó khiến vợ thoải mái, chỉ cần chị biết chọn thời điểm thích hợp.
KHI NGƯỜI ĐÀN ÔNG NÓI QUÁ NHIỀU
Có lần, trong buổi hội thảo, một nữ khán giả độc thân hỏi tôi rằng: “Theo anh, thường đàn ông không muốn nói chuyện, nhưng tôi lại toàn gặp trường hợp ngược lại. Họ nói quá nhiêu mà không thèm lắng nghe những gì tôi nói, dù đó là những việc rất quan trọng. Vậy, tôi phải làm sao để họ lắng nghe mình?”.
Trước tiên, tôi hỏi cô ấy có phải là người biết lắng nghe không. Cô tự hào khẳng định rằng có. Tôi lại hỏi tiếp có phải mỗi lần trò chuyện cô thường hỏi nhiều không. Cô cũng đáp lại là phải. Cô khẳng định rằng mình toàn làm chuyện đúng, nhưng đối phương lại không chịu lắng nghe.
Tôi đáp: “Cách chị làm chỉ đúng khi muốn một người phụ nữ chú ý lắng nghe, chứ không phải nam giới. Để đối phương ngừng nói và lắng nghe nhiều hơn, chị phải bỏ thói quen đặt quá nhiều câu hỏi. Khi phải suy nghĩ tìm trả lời, người đan ông sẽ càng ít chú ý đến nhu cầu tâm lý của người đang trò chuyện với mình”.
Người đàn ông bao giờ cũng muốn được trân trọng vì đã làm đúng hoặc giúp ích được ai đó. Chỉ cần một lời nói đơn giản như: “Điều đó đúng rồi”, cũng có tác dụng xoa dịu rất nhiều và họ sẽ ngừng câu chuyện để lắng nghe phụ nữ nói mà không cảm thấy tự ái. Khi anh ngừng nói, chị có thể bảo: “Em thấy điều đó đúng rồi vì…”. Với cách dẫn chuyện như vậy, chị sẽ thu hút được sự chú ý của anh.
Đôi khi, mặc dù đã bước ra khỏi thế giới của riêng mình với tâm trạng đã vui vẻ và sẵn sàng trò chuyện trở lại, nhưng người đàn ông vẫn không nói gì, hoặc không có gì để nói. Điều này xuất phát từ bản tính riêng ở họ - không có nhu cầu chủ động gợi chuyện. Ngược lại, khi thấy chồng không nói gì, người vợ lại có cảm giác mình phải nói nhiều hơn. Tuy nhiên, việc lên tiếng yêu cầu anh lắng nghe lại khiến chị có cảm giác như mình khiếm nhã…
Trong trường hợp này, chị cần biết rằng anh rất cần sự thẳng thắn ấy, đó chính là sự hỗ trợ cần thiết để anh có dịp cởi mở và hiểu rõ những suy tư của vợ hơn.
PHỤ NỮ CẦN KIÊN TRÌ VÀ TINH Ý
Thực ra nhiều lúc người chồng rời khỏi thế giới riêng và sẵn sàng trò chuyện nhưng lại thụ động chờ vợ mình gợi chuyện trước. Ngược lại, sau nhiều lần cố gắng gợi chuyện nhưng vô ích, người vợ trở nên chán nản và bỏ cuộc. Thậm chí đôi khi chị không nhận ra sự thay đổi của chính mình. Cho rằng vợ chồng chẳng có gì mà nói và cũng không muốn trò chuyện nên đi làm về, chị cũng rút vào thế giới của riêng, như chồng.
Đây chính là lúc người phụ nữ dễ để tuột mất cơ hội vun đắp hạnh phúc và sự bền vững trong hôn nhân. Dù biết điều đó, nhưng nhiều khi họ lại tìm cách đổ lỗi do chồng không muốn trò chuyện. Bởi vậy, điều cốt yếu chị cần phải nắm ở đây là hiểu nhu cầu của bản thân và kiên trì tạo cơ hội thu hút sự chú ý và thông cảm cần thiết từ chồng.
KỸ NĂNG GIAO TIẾP MỚI
Để vợ chồng ngày càng hiểu nhau hơn mỗi khi trò chuyện, cả hai nên vận dụng những kỹ năng mới trong cuộc sống. Với chị em phụ nữ, chỉ cần các chị ghi nhớ nhiệm vụ của mình trong bốn từ: tạm dừng, chuẩn bị, tạm hoãn, và kiên trì. Còn với nam giới, các anh hãy thực hành bốn điều sau: kiềm chế, né tránh, gợi chuyện, và nói đúng thời điểm. Những kỹ năng này có thể hỗ trợ hai bên rất nhiều trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Dưới đây là những điều cơ bản người phụ nữ cần lưu ý nếu muốn có được sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa từ người bạn đời:
1. Tạm dừng
* Cân nhắc, xem xét, sau đó hỏi chồng xem đây có phải là thời điểm thích hợp để cả hai trò chuyện hay không.
* Đừng can thiệp không gian riêng của chồng khi biết anh cần yên tĩnh một mình.
2. Chuẩn bị tâm lý
* Đặt giới hạn thời gian nói chuyện, cho chồng biết vấn đề bạn nói sẽ mất bao lâu. Điều này sẽ giúp anh chủ động lắng nghe, tránh không bị khó chịu, bực bội trước kiểu nói chuyện tản mạn của bạn.
* Cho người đàn ông biết rằng anh không nhất thiết phải nói hay thể hiện sự thông cảm gì cả.
* Khuyến khích anh tập trung lắng nghe, thỉnh thoảng cũng nên lưu ý chồng, nhưng tránh thái độ trách móc. Bên cạnh đó, hãy tỏ ra hiểu rằng câu chuyện có thể khó nghe.
* Mỗi khi nói xong, bạn nên thể hiện sự trân trọng trước thái độ lắng nghe của chồng và cho anh biết nhờ vậy mà bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
3. Tạm hoãn
* Khi chồng muốn có không gian riêng, bạn nên tạm hoãn nhu cầu trò chuyện của mình lại cho đến khi anh cởi mở và dễ đón nhận hơn.
* Chỉ nên mong đợi chồng cố gắng hơn nữa khi anh đã nắm vững kỹ năng lắng nghe tâm sự của bạn, sau đó có thể nhờ anh làm giúp một số việc với độ khó tăng dần.
* Khi bạn muốn trách móc hay phê phán, nên nói chuyện với người khác để lấy lại quân bình cảm xúc, sự độ lượng, bình tĩnh rồi hãy tâm sự cùng chồng.
4. Kiên trì
* Tiếp tục dành cho chồng sự hỗ trợ rất cần thiết để anh có thể quan tâm đến bạn hơn nữa. Không nên cho rằng anh luôn phải nhớ làm điều đó.
* Khi anh không muốn trò chuyện, bạn nên kiên trì khuyến khích anh lắng nghe dù anh hầu như không có chuyện gì để nói.
* Khắc phục tâm trạng chán nản, bỏ cuộc không muốn trò chuyện cùng chồng. Phải kiên nhẫn rèn luyện những kỹ năng trên.
Hãy nhớ rằng nam giới và phụ nữ có tâm lý rất khác nhau và cách dùng ngôn ngữ cũng không giống nhau. Khi hiểu được sự khác biệt trong ngôn ngữ của hai giới, chúng ta sẽ dễ nhận ra và trân trọng hơn tình yêu cũng như nỗ lực hai bên dành cho nhau.