Trong cùng một giới với nhau, phụ nữ rất dễ nhận biết khi nào người kia bực mình và cần nói chuyện để giải tỏa tâm lý. Trái lại, người đàn ông lại không nhạy cảm với điều đó. Dường như mỗi bên có một thứ ngôn ngữ bí mật của riêng mình với những tín hiệu cảm xúc phức tạp, khó hiểu. Dưới đây là ví dụ minh họa:
VỢ CHỒNG BOB VÀ MARGE CỦA NHỮNG NGÀY TRƯỚC
Bob và Marge đã kết hôn được sáu năm. Tuy rất yêu nhau nhưng họ không hiểu được những khác biệt cơ bản giữa nam và nữ. Khi Marge đi làm về với tâm trạng mệt mỏi, Bob biết ngay vợ anh không vui.
- Này em, có chuyện gì vậy? - Anh hỏi với giọng thân thiện và cảm thông.
Marge trả lời sau một tiếng thở dài:
- Ai cũng đòi hỏi này nọ với em, mọi việc như cứ đổ hết lên đầu em vậy!
Bob chợt ỉu xìu. Thực ra anh chỉ muốn an ủi và giúp vợ, nhưng nghe cô nói bằng giọng đổ lỗi như vậy, bất giác anh rút về thế thủ.
- Em nói thế là sao? Chẳng lẽ anh không làm gì hả?
- Không, em có nói anh không làm gì đâu. Em nói mọi việc như đang đổ hết lên đầu em, không có nghĩa là anh không làm gì. Chỉ là em thấy thế. Sao mỗi khi em nói ra suy nghĩ của mình là anh lại bực tức thế hả?
Bob chống chế:
- Này, em nói em làm hết mọi việc tức là anh chẳng làm gì, rằng ai cũng yêu sách này nọ với em tức là anh cũng đòi hỏi em quá nhiều chứ sao nữa?
- Nhưng em có nói anh đòi hỏi em quá nhiều đâu? - Marge phản đối. - Em nói hình như ai cũng đòi hỏi này nọ ở em chứ có lôi anh ra nói đâu nào. Em chỉ nghĩ là mình chẳng thể nào đáp ứng tất cả được ý muốn của mọi người.
Nghe vậy, Bob đùng đùng nổi giận:
- Đúng rồi, đúng rồi. Cô lam hết, còn tôi thì vô tích sự. Những chuyện tôi làm có quan trọng gì với cô! Chẳng bao giờ cô thấy đủ cả. Cứ như thế thì ai có thể làm cô thỏa mãn được chứ?
- Tại sao em không được nói lên suy nghĩ của mình? Chuyện gì cũng phai có anh mới được sao? - Marge sừng sộ đáp lại. - Em có đổ lỗi anh đâu. Em chỉ nói cũng không được à?
- Đúng. - Bob mỉa mai đáp.
- Biết ngay là không thể nói chuyện với anh được.
Marge thầm nhủ từ nay trở về sau sẽ chẳng bao giờ tâm sự với chồng bất cứ chuyện gì nữa.
- Mình vẫn nói chuyện với nhau được chứ, - Bob nói với theo khi vợ anh giận dữ đi ra - miễn là em dẹp cái kiểu công kích ấy đi!
LÝ DO VỢ CHỒNG BẤT HÒA
Cuộc nói chuyện để lại trong Bob cảm giác hụt hẫng và có lỗi, còn Marge thì thấy chán nản hơn. Như những lần bất hòa trước, Bob không hiểu vợ anh chỉ muốn nói lên cảm xúc của cô ấy để giải tỏa tâm lý. Và cũng như những người đàn ông khác, anh cho rằng cô ấy có ý chỉ trích mình nên đã phản ứng với cô. Chung quy anh chưa học được kỹ năng lắng nghe một cách thoải mái, lắng nghe mà không mặc cảm rằng bản thân có lỗi.
Về phần mình, cũng như nhiều người phụ nữ khác, Marge mong chồng hiểu rằng cô không có ý trách móc anh, nhưng vì không khéo léo nên cô không thể giúp chồng tránh suy nghĩ tiêu cực.
Khi chưa hiểu đúng ý vợ nói, người chồng rất khó lắng nghe và cảm thông với suy nghĩ của vợ.
Khi những nỗ lực của bản thân không được trân trọng và ghi nhận, người đàn ông sẽ không thể nào đồng điệu với cảm xúc của vợ. Dù sự bực mình, khó chịu ở vợ có thể chẳng liên quan gì đến anh, nhưng anh vẫn thấy cô có ý chỉ trích mình.
Không hiểu đúng bản chất của sự việc, quan hệ giữa họ sẽ có nguy cơ ngày càng rạn nứt. Sự căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến cả hai thêm chán nản và cô đơn ngay cả khi ở bên nhau.
VỢ CHỒNG BOB VÀ MARGE SAU NÀY
Sau khi được tập huấn những kỹ năng quan hệ tình cảm mới, Bob biết cách tránh né những lời nói có khi nặng về cảm xúc tiêu cực của vợ. Anh không còn mặc cảm có lỗi nữa. Về phần mình, Marge đã hiểu nên chuẩn bị tâm lý lắng nghe cho chồng và giúp anh dễ né tránh hơn trong những nội dung có thể là khó nghe. Thực vậy, sau một thời gian kiên nhẫn tập luyện, những cuộc đối thoại giữa họ đã có sự thay đổi rõ rệt .
- Marge này, có chuyện gì vậy em?
Marge chưa vội trả lời, cô suy nghĩ xem nên chuẩn bị tâm lý cho chồng thế nào để anh không thấy bị đổ lỗi, rồi nói: “Cảm ơn anh quan tâm…”. Im lặng giây lát, cô nói tiếp: “Hôm nay công viêc cơ quan em thật kinh khủng… Nói chuyện này một chút, chắc chắn em sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, được không anh?”
- Được chứ.
Lúc này, Bob đã sẵn sàng lắng nghe. Anh biết rõ mình không cần phải làm gì để giúp vợ giải tỏa, chỉ cân nói ra hết mọi chuyện, vợ anh sẽ cảm thấy thoải mái ngay thôi.
- Ai cũng đòi hỏi này nọ với em. - Marge kể, như thể một mình cô phải giải quyết hết mọi việc vậy!
Lần này Bob không bực mình nữa. Marge tiếp tục nói. Cứ vậy, mỗi lần thấy vợ dừng lời, anh ra hiệu cho cô nói tiếp bằng một tiếng “Ừ” trầm ấm và cảm thông.
- Bữa nay đáng nhẽ sắp xong mớ sổ sách kế toán thì Richard điện tới. Anh ấy báo tin chưa thanh toán được, thế là em phai ra ngân hàng chuyển tiền cho anh ấy.
- Trời! - Bob đáp với vẻ chia sẻ sự phật lòng.
- Chưa hết. - Marge tiếp tục câu chuyện. - Ngoài đường nóng nực, xe cộ lao rầm rầm. Thường mọi ngày đâu có thế. Hình như dạo này thiên hạ ai cũng tất bật, ai cũng cố vắt chân lên cổ mà chạy cả. Thật kinh khủng!
Bob gật đầu đồng tình.
- Rồi anh biết không… - Cô nói tiếp. - Từ ngân hàng về làm việc tiếp, em phải nhận tới mười lăm - trời ơi - mười lăm tin nhắn trên điện thoại cơ quan. Làm sao em có đủ thời gian làm hết việc vặt cho mọi người chứ!
- Ờ! - Bob đồng tình với lý do giận dữ của vợ.
- Ý em là, em cũng đã cố nhưng… nhiều việc quá đi mất!
- Khủng khiếp thật! - Bob thốt lên, xích lại gần vợ. - Em à, em phải cố quá sức mình rồi đấy. Để anh ôm vợ anh một chút nào.
Sau cử chỉ ấy, Marge hít một hơi thật sâu như trút bỏ được gánh nặng rồi cô chầm chậm thở ra.
- Em chỉ cần có thế! Thật vui khi được về nhà mình. Cảm ơn anh đã nghe em!
Trong suốt đoạn hội thoại trên, Bob chú ý không xem thường hay tranh cãi với cảm xúc khó chịu của vợ. Thay vì vậy, anh khéo léo hỗ trợ bằng cách chú ý vỗ về giá trị nữ tính ở cô và kiềm chế không đưa ra giải pháp cho vấn đề. Tóm lại, anh đã cố gắng nói chuyện bằng ngôn ngữ của vợ mình.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC CẢI THIỆN GIAO TIẾP
Nhờ biết cách khắc phục những hạn chế trong ngôn ngữ giao tiếp, Bob và Marge không chỉ tránh được cãi vã mà còn giải quyết được vấn đề thực tế trong cuộc sống: vợ chán nản vì công việc quá tải còn chồng cảm thấy mình là người thất bại và không được trân trọng. Khi nắm được ngôn ngữ riêng của vợ, Bob biết vỗ về giá trị nữ tính ở cô hơn và ngược lại vợ anh cũng thêm trân trọng trước sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ chồng.
Dù Bob không phải là người duy nhất trong hai vợ chồng ra ngoài làm việc nhưng anh vẫn thấy mình được trân trọng và là chỗ dựa không thể thiếu cho Marge. Còn với Marge, tuy mang tâm trạng bực bội, bất mãn từ công ty về nhà nhưng cô rất vui khi gặp chồng. Được nói chuyện với anh giúp cô dần thoát khỏi áp lực công việc và khôi phục lại giá trị nữ tính vốn có.
Khi không hiểu ngôn ngữ của nhau, quan hệ vợ chồng sẽ trở thành một gánh nặng với người phụ nữ. Tương tự, nó cũng không thể đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của người đàn ông mà chỉ cho thấy sự thất bại của anh. Cả hai đều không cảm nhận được sự hỗ trợ, vỗ về như họ mong đợi.
PHÁ VỠ RÀO CẢN NGÔN NGỮ
Để cải thiện sự bất đồng trong giao tiếp, sau những lần tâm sự, người vợ nên khéo léo kết hợp những câu như:
- Cảm ơn anh đã nghe em nói.
- Em chỉ muốn nói hết chuyện đó ra là xong.
- Chắc là nãy giờ anh phải chịu khó lắng nghe lắm. Em xin lỗi nhé.
- Giờ em thấy chuyện đó không còn quan trọng nữa.
- Em thấy thoải mái nhiều hơn rồi.
- Cảm ơn anh đã cùng em tâm sự. Anh giúp em giải quyết xong chuyện này rồi đấy.
- Sau khi nói chuyện với anh, em nhìn nhận sự việc khá hơn rồi.
- Giờ em thấy nhẹ hẳn người. Cảm ơn anh đã nghe em.
- Ôi, nãy giờ em nói nhiều qua nhỉ! Giờ em thấy vui hơn rồi.
- Em rất vui vì anh kiên nhẫn lắng nghe em nói. Thế là mọi chuyện giải quyết xong rồi!
Bất kỳ lời nói nào trên đây cũng đều thật êm tai với nam giới và đem lại cho họ cảm giác là mình rất được trân trọng. Khi vợ vui vẻ nói: “Tốt rồi”, “Em cảm thấy không còn chuyện gì ghê gớm cả”, hay “Xong rồi” hoặc thậm chí “Mình quên chuyện đó đi nhé!”, người chồng sẽ cảm thấy mình đã tạo được một thành quả tốt lành cho vợ. Trong trường hợp đó, chẳng những người đàn ông sẽ rất vui và tự hào mà anh còn muốn rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn.
Bên cạnh đó, những lời cảm ơn từ vợ chính là động lực để anh sẵn sàng lắng nghe và tự tin rằng mình luôn có thể giúp vợ cảm thấy vui vẻ và thoải mái.
NAM GIỚI VÀ NHỮNG PHẢN ỨNG SAI LẦM
Mỗi khi vợ muốn nói chuyện, chồng thường lầm tưởng hẳn mình đã sai phạm gì đó. Khi chị kể lể khó khăn, anh lại nghĩ mình chính là nguyên nhân sâu xa khiến vợ chẳng bao giờ được vui vẻ. Khi chị muốn nói về tình cảm vợ chồng, anh cho rằng chị đang có ý phê phán hay chấn chỉnh anh điều gì đó… Cứ như vậy, câu chuyện giữa họ là một chuỗi những hiểu lầm. Và, thường thì phản ứng của nam giới trong những trường hợp này là:
1. Đề xuất cách giải quyết vấn đề. Có thể người vợ chỉ muốn chồng thông cảm, lắng nghe, nhưng anh lại liên tục cắt lời chị với hàng loạt lời khuyên như:“Em nên làm thế này…”, “Theo anh vấn đề là ở chỗ…” v.v.
2. Xem nhẹ vấn đề của vợ. Anh cho rằng, điều này sẽ giúp vợ dễ chịu hơn. Bởi vậy, anh thường nói những câu như:
- Chuyện có gì to tát đâu!
- Mình đâu cần phải bàn mấy việc này.
- Vậy vấn đề là sao?
- À, giờ có làm gì nữa cũng vô ích.
-Thôi quên đi. Anh sẽ tính cách giải quyết sau.
3. Xem nhẹ cảm xúc của vợ. Anh đinh ninh rằng mình giúp vợ phân tích và suy nghĩ đúng hướng, nhưng kết quả là không chú trọng cảm xúc của chị. Anh không biết rằng trò chuyện chính là cách giúp vợ mình nhìn nhận mọi việc một cách sáng rõ hơn. Bởi vậy, anh rất dễ nói những lời khiến chị tự ái như:
- Có gì mà em phải bực mình như thế.
- Đừng lo lắng chuyện đó nữa nhe.
- Anh thấy em chỉ làm to chuyện thôi chứ có gì đâu.
- Mình nói chuyện này rồi mà.
GIÚP VỢ TRÒ CHUYỆN CỞI MỞ HƠN
Ngày nay, phụ nữ bị chi phối bởi vai trò làm việc như nam giới quá nhiều, đến mức đôi khi quên mất mình có nhu cầu tâm sự. Bởi vậy, chủ động gợi chuyện cũng là một trong những cách người chồng hỗ trợ cho vợ. Anh có thể nói chuyện cởi mở và tỏ thiện chí lắng nghe của mình thông qua một số câu hỏi hoặc nhận xét như:
1. Hôm nay công việc có vất vả lắm không em?
2. Bữa nay công việc ra sao hả em?
3. Em về khiến anh thật vui. Cho anh ôm vợ anh một cái nào!
4. Có chuyện gì cần tới anh không?
5. Nói cho anh biết hôm nay em làm việc ra sao đi.
6. Nhìn em vui nhỉ! Hôm nay công việc tốt hả em?
7. Nhìn em là biết hôm nay công việc thuận lợi rồi!
8. Em có vẻ mệt rồi đấy!
9. Bữa nay có chuyện bực mình hả em?
10. Giờ em thấy trong người thế nào?
Mỗi câu nói trên đều hàm ý anh mong muốn vợ trò chuyện một lát hoặc bao lâu cũng được. Nếu chị chỉ trả lời qua loa, anh có thể giúp chị cởi mở hơn qua những cách gợi ý sâu hơn:
1. Có chuyện gì xảy ra hả em?
2. Nói rõ hơn cho anh nghe nào.
3. Rồi tiếp theo là chuyện gì?
4. Chuyện đó em thấy thế nào? hoặc Giờ em nghĩ sao về chuyện đó?
DẤU HIỆU NGƯỜI CHỒNG KHÔNG MUỐN LẮNG NGHE
Nếu vẫn còn căng thẳng sau một ngày làm việc nặng nhọc và không thể lắng nghe vợ trò chuyện, người chồng nên thể hiện rõ cho cô ấy biết. Một cách đơn giản là anh có thể chọn một trong những cách nói sau:
1. Anh cần yên tĩnh một lát rồi sẽ quay lại nói chuyện với em sau nhé!
2. Anh muốn làm việc chút xíu sẽ nói chuyện với em sau.
3. Giờ anh muốn ở một mình chốc lát. Anh làm… chút xíu rồi sẽ quay lại.
4. Giờ anh cần được yên tĩnh. Bao giờ xong thì vợ chồng mình nói chuyện nhé.
Điều quan trọng là thái độ người chồng khi nói phải thật sự thoải mái. Còn với người vợ, đây là lúc chị cần tránh những lời nói tiêu cực, hoặc những câu với ẩn ý không hay, chẳng hạn như:
1. Tại sao bây giờ không được?
2. Nhưng mình có lúc nào khác bên nhau đâu?
3. Tại sao khi em cần thì anh lại cứ tránh né thế?
4. Anh chỉ biết bản thân mình thôi chứ gì?
5. Chẳng lẽ em muốn nói chuyện với anh là sai ư?
6. Sao anh luôn bỏ mặc em vậy?
7. Dạo này anh đang tìm cách xa lánh em phải không?
8. Anh có yêu em nữa đâu!
9. Anh làm thế có biết là em tủi thân lắm không?
10. Biết rồi. Anh co thèm ngó ngàng gì tới em nữa đâu.
Khi biết tránh những lời nói trên, người vợ có thể giúp chồng thoát khỏi cảm giác áy náy, từ đó anh có thể thoải mái với không gian riêng của mình để tâm hồn vui vẻ trở lại. Nhiều khi, sau những giây phút riêng tư của mình, người chồng muốn quay lại trò chuyện cùng vợ nhưng nghĩ đến những lời khó nghe của chị, anh lại băn khoăn không biết thiện chí của mình có được đón nhận hay không. Anh chần chừ không biết phải chủ động làm lành, xin lỗi vợ về thái độ ban nãy ra sao, trong khi nhu cầu riêng tư ấy hoàn toàn chính đáng. Cứ như vậy, dù muốn trò chuyện vui vẻ trở lại nhưng vì chưa thấy tín hiệu cởi mở của đối phương nên anh cũng chưa dám tỏ thái độ làm lành.
TRÁNH NHỮNG LỜI NÓI KHÓ NGHE
Khi câu chuyện đến lúc căng thẳng, người vợ có thể vận dụng một số câu nói “xoa dịu” nhằm giúp chồng tránh cảm giác tổn thương để anh có thể thoải mái lắng nghe không tranh cãi. Sau đây là một số ví dụ:
Khi chọn cách nói như trên, người vợ sẽ khiến chồng an tâm hơn vì suy nghĩ hoặc cảm xúc của chị vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng. Anh sẽ hiểu rằng cuộc nói chuyện này giữa hai vợ chồng chẳng qua chỉ là việc chia sẻ tâm sự. Nhờ đó, anh dễ dàng tránh được thái độ công kích và không cảm thấy lời nói của vợ là những lời kết tội.
Áp dụng những cách nói trên cũng rất hữu ích cho nam giới. Đôi khi thái độ đề cập đến vấn đề một cách quả quyết của anh khiến người vợ có cảm giác chồng mình không chịu đón nhận quan điểm của vợ. Biết dùng những câu nói xoa dịu như trên, anh sẽ giúp chị thoải mái hơn trong khi tâm sự.
KHI CHỒNG RÚT VÀO THẾ GIỚI RIÊNG
Thường khi chồng rút vào không gian riêng tư, người vợ hay hiểu nhầm có chuyện gì đó không ổn và cố kéo anh ra ngoài. Do không hiểu đúng nhu cầu của chồng nên chị đinh ninh rằng anh ấy đang làm chuyện không đâu vào đâu, từ đó lên tiếng trách cứ anh.
Trong khi đó, người đàn ông chỉ có thể rời khỏi thế giới riêng khi anh tạm quên đi được vấn đề trong ngày. Thấy vợ cứ chờ ở cửa với một lô rắc rối, chắc chắn anh sẽ chưa ra. Như vậy, vì phủ nhận nhu cầu riêng tư của chồng mà người vợ đã vô tình khóa chặt anh trong thế giới riêng.
Càng cố kéo chồng ra khỏi thế giới riêng, người vợ càng khiến anh muốn ở lại lâu hơn nữa.
Biết cách từ từ đưa chồng trở lại không khí gia đình là cả một kỹ năng người phụ nữ cần trau dồi. Dưới đây là ba bước cơ bản giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Bước 1. Hãy để chồng yên tĩnh với không gian riêng tư của anh và cho anh thấy bạn không buồn phiền gì về chuyện ấy. Bên cạnh đó, bạn nên khuyến khích anh giải trí cùng bạn bè. Cố gắng không quấy rầy hoặc chỉ trích anh ấy. Lúc thích hợp, hãy thể hiện rằng bạn rất cảm kích công sức anh đã chăm lo cho gia đình bấy lâu.
Nếu được, hãy cư xử bình thường như thể chuyện anh muốn thu mình vào không gian riêng chẳng có gì là to tát. Khi anh quay lại với thái độ yêu thương, hãy cho anh ấy thấy rằng bạn rất vui vì điều đó.
Bước 2. Nhờ anh làm những việc cụ thể, nhỏ nhặt giúp bạn, và cảm ơn khi anh làm xong. Ví dụ, đừng phàn nàn anh không dành thời gian cho bạn, bởi điều này giống như lên án chồng và đẩy anh vào thế phải tự vệ. Thay vì thế, hãy nhờ anh đưa bạn tới một nhà hàng hoặc rạp chiếu phim cụ thể vào thời gian cụ thể trong tuần. Hãy cho anh biết trước thời gian và địa điểm. Tạo không khí càng thoải mái cho anh càng tốt.
Sau nhiều lần như vậy, dần dần anh sẽ liên hệ chuyện làm bạn vui với việc giải tỏa căng thẳng của bản thân. Cuối cùng, khi muốn thoát khỏi phiền muộn, anh sẽ nghĩ xem có thể làm giúp bạn những việc nhỏ nào.
Bước 3. Đây là bước quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ năng và tập luyện nhiều nhất. Đó là, vào thời điểm thích hợp, bạn nên yêu cầu chồng lắng nghe mình. Khi ấy, cẩn thận đừng xúc phạm anh hay tạo cho anh suy nghĩ mình chưa nhiệt tình với gia đình. Nếu biết cách chuẩn bị cho chồng tâm lý thoải mái lắng nghe và cảm ơn anh đã nghe mình tâm sự, tức là bạn đang giúp cho anh tập trung trở lại vào quan hệ tình cảm vợ chồng.
Nếu thấy chồng tỏ vẻ chán nản, phẫn nộ, hãy nhắc cho anh ấy hiểu rằng bạn không có ý buộc anh giải quyết khó khăn giúp mình mà chỉ muốn anh lắng nghe mà thôi. Không bị chi phối bởi nhiệm vụ giải quyết vấn đề, người chồng sẽ thấy thoải mái và lắng nghe tốt hơn.
Thực tế, nếu người vợ hiểu được sự khác biệt giữa nhu cầu của hai giới thì việc làm theo ba bước trên là lẽ đương nhiên. Chị cần chồng hỗ trợ qua thái độ nhiệt tình lắng nghe để chị có thể quên đi vấn đề của bản thân, tương tự anh cũng cần vợ giúp để nhìn nhận một cách rõ ràng điều gì là thực sự quan trọng đối với mình.
NÊN LÀM GÌ KHI CHỒNG BỰC MÌNH?
Phụ nữ luôn xử lý trực tiếp cảm xúc của mình thông qua trò chuyện, nhưng nam giới phải làm việc gì đó trong thời gian suy nghĩ về những cảm xúc riêng. Chỉ sau khi có thời gian xem xét tình cảm của bản thân, anh mới có thể tâm sự một cách hiệu quả được. Hoặc, anh sẽ chỉ có nhu cầu nói chuyện khi muốn tìm thêm thông tin giải quyết vấn đề.
Khi trò chuyện trong tâm trạng giận dữ, nam giới sẽ tìm cách chứng minh cái lý của mình.
Điều nam giới cần lưu ý là khi phụ nữ tâm sự, dù lời nói của họ có vẻ giận dữ và gay gắt thế nào đi nữa thì thực ra họ cũng chỉ muốn người nghe có sự đồng cảm với mình mà thôi. Ngược lại, khi chồng không vui và muốn ơ một mình, người vợ không nên căn vặn cũng như níu kéo anh, bởi điều này sẽ phản tác dụng. Tốt nhất hãy để mặc anh với không gian riêng tùy ý. Chờ đến khi anh bình tĩnh lại, cả hai ngồi nói chuyện cũng chưa muộn.
Ngày nay nam giới có nhiều cơ hội liên hệ với xu hướng nữ tính của mình hơn nên khi tức giận, đôi lúc họ cũng muốn nói chuyện. Tuy nhiên, những cuộc nói chuyện này thường không giải quyết được vấn đề, hoặc không vun đắp cho tình cảm cua hai bên. Do đó, tốt nhất người phụ nữ cần nhanh nhạy tạm hoãn kiểu nói chuyện này lại. Đây cũng là một kỹ năng không phải ai cũng có được.
NÊN NÓI GÌ KHI CHỒNG BỰC MÌNH?
Khi nói chuyện trong tâm trạng bực tức, bao giờ người đàn ông cũng muốn giành phần thắng về mình. Bởi vậy, nếu người vợ không chuẩn bị tâm lý đồng tình với chồng, hay ít ra cũng trân trọng quan điểm của anh, tốt nhất hãy tạm hoãn cuộc nói chuyện lại.
Trong quan niệm của người phụ nữ, ngăn không cho đối phương nói lên cảm nghĩ của mình là bất nhã. Vì thế, ít khi nào họ lên tiếng không cho chồng nói lên cảm xúc của mình. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, khi không thể đồng ý hay không trân trọng quan điểm của anh, người vợ phải biết ngừng cuộc nói chuyện lại dù có thể anh không thích.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải tạm ngưng như thế nào để tốt cho cả hai?
Muốn vậy, trước hết người vợ không nên buộc tội chồng. Hãy khéo léo nhìn nhận quan điểm của anh. Tiếp đó, im lặng và rút lui để anh với không gian riêng, như thể mọi chuyện vẫn ổn. Đây chính là cơ hội giúp người chồng giữ được thể diện và lấy lại bình tĩnh.
Nam giới chỉ giải tỏa được bức xúc khi đã bình tĩnh và suy nghĩ vấn đề thấu đáo.
Chất vấn anh trong cơn giận chỉ làm anh thêm bực tức mà thôi.
Thời điểm tốt nhất để trò chuyện với chồng là sau khi anh có thời gian suy nghĩ, giải tỏa những cảm xúc khó chịu, và bình tĩnh hơn. Nếu sau khoảng thời gian riêng tư đó, anh vẫn có vẻ lạnh lùng, bực tức, chị không nên hối thúc anh trò chuyện. Hãy chờ đến hôm sau, khi tâm trạng của chồng khá hơn, đó là lúc chị nên quan tâm hỏi han anh. Chắc chắn với sự trân trọng của vợ, anh sẽ nhanh chóng lấy lại tâm trạng vui vẻ của mình.
NHỮNG BIỂU HIỆN ĐƠN GIẢN GIÚP VỢ AN TÂM
Khi học ngôn ngữ của phái nữ, một trong những điều thiết thực nhất nam giới nên làm là chăm chú lắng nghe và thể hiện những cử chỉ đơn giản nhưng có tác dụng động viên và trấn an rất tốt. Có thể đó chỉ là những động tác đơn giản như một cái ôm nhẹ nhàng, một ánh mắt cảm thông, một cái gật đầu đồng tình, hoặc những âm thanh thể hiện sự điềm tĩnh, động viên… Tất cả tưởng như rất bình thường, nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt với nữ giới, mang lại cho họ cảm giác được chú ý lắng nghe.
Người chồng nên thể hiện cách biểu đạt này trong lúc trò chuyện với vợ. Thay vì liên tục đưa ý kiến giải quyết vấn đề, anh sẽ thấy dùng âm thanh trấn an như trên có tác dụng hơn rất nhiều. Có thể lúc đầu anh thực hiện không được tự nhiên lắm, nhưng khi đã quen và thấy được hiệu quả, dần dần chúng sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của anh.
KHI VỢ XÚC ĐỘNG
Khi xúc động, người phụ nữ thường muốn trò chuyện để tìm hiểu rõ xúc cảm của mình. Những lúc này, nếu chồng biết lắng nghe, áp dụng kỹ năng né tránh nhuần nhuyễn, không cắt ngang hoặc tranh cãi, anh sẽ giúp chị giải tỏa bức xúc rất nhanh. Để làm được điều đó, trước hết anh cần giúp chị cởi mở trò chuyện bằng cách chủ động hỏi thăm đôi câu.
Sau đây là một số điều nam giới có thể hỏi để gợi chuyện:
1. Hôm nay em có vẻ mệt lắm phải không?
2. Có chuyện gì hả em?
3. Hay là mình trò chuyện một lát nhé!
4. Bữa nay công việc em ra sao?
5. Em đang bực anh chuyện gì hả?
6. Anh có làm gì khiến em bực mình không?
7. Có gì cần nói không em?
Thường câu trả lời anh nhận được sẽ là: “Ồ, không phải tại anh. Chẳng qua là nhiều việc quá thôi!”. Sau đó chị sẽ kể tiếp. Thậm chí nếu có bực anh đôi chút, chị sẽ nhanh chóng bỏ qua vì thấy anh chủ động gợi chuyện. Cảm giác được quan tâm, giúp đỡ khiến người phụ nữ dễ tha thứ và nhanh chóng thoải mái trở lại. Trong trường hợp chị đồng ý nói chuyện nhưng tâm trạng vẫn mệt mỏi, khó chịu, hoặc trút mọi bực tức lên anh, anh có thể vận dụng những “câu hỏi xoa dịu” sau đây để giúp đối phương lấy lại bình tĩnh, đồng thời bản thân anh có thể né tránh sự công kích rất hiệu quả.
1. Em cảm giác thế nào khi…?
2. Em còn thấy gì khác khi mà…?
3. Kể tiếp cho anh nghe nào!
4. Em thấy chuyện gì mới tốt?
5. Có cần anh làm gì để em thấy dễ chịu hơn không?
Những câu hỏi như trên tạo cho phụ nữ ấn tượng được khích lệ, quan tâm. Không phải lo chủ động gợi chuyện nữa, chị sẽ dễ bày tỏ cảm xúc hơn.
PHỤ NỮ CŨNG CẦN CHÚT THỜI GIAN RIÊNG
Sau khi tâm sự, có thể một lát sau người phụ nữ mới hiểu chính xác những gì mình đã nói. Điều này là do chị phải làm hai nhiệm vụ trong cùng một lúc: vừa nói, vừa tự phân tích cảm xúc của bản thân. Bởi vậy, phải có thêm thời gian nhìn nhận những điều đã chia sẻ, chị mới cảm nhận hết được sự quan tâm, giúp đỡ của chồng.
Trong khoảng thời gian đó, người chồng cần tránh dùng những ngôn từ dễ đụng chạm. Nếu không, bao nhiêu nỗ lực tốt đẹp cua anh trước đó sẽ bị tiêu tan.
Thực tế cho thấy, thời gian suy tư này không cần nhiều nhưng rất quan trọng và quý giá đối với phụ nữ. Nếu chồng cứ khăng khăng là vợ sai, chị sẽ phải tìm cách thanh minh để bảo vệ quan điểm của mình. Và, tất nhiên chị sẽ khó nhận ra sai lầm của bản thân cũng như giải tỏa những cảm xúc tiêu cực dai dẳng trong lòng.
Ở nam giới cũng vậy, khi bị vợ liên tục cho rằng mình sai lầm, tâm trí anh sẽ không thể yên tĩnh để suy ngẫm về những gì mình đã làm. Không những thế, anh còn lùi vào thế thủ và khép mình trong không gian riêng tư để tự do suy nghĩ, cân nhắc. Trong khi người vợ nghĩ tốt nhất là phải chỉ cho chồng cái sai để anh sửa đổi nên cố gắng đưa ra lời khuyên hoặc phê phán hành động của anh thì vô tình điều này lại cản trở người đàn ông tự rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh bản thân.
VỢ CHỒNG ẢNH HƯỞNG NHAU THẾ NÀO?
Khi hiểu được những khác biệt của nhau, học được tiếng nói của nhau, và vận dụng hiệu quả những kỹ năng quan hệ tình cảm mới, vợ chồng có thể giúp nhau phát huy được những mặt tốt nhất. Anh sẽ cảm thấy toại nguyện vì mình giúp được vợ. Chị vui sướng vì đã vun đắp hạnh phúc hôn nhân ngày càng bền chặt. Có thể cả hai vẫn nói thứ tiếng khác nhau, nhưng sự hòa hợp ngày càng được tăng cường vì họ bắt đầu hiểu và truyền tải đúng những thông điệp quan trọng đến nhau.
Thái độ khoan dung, rộng lượng và chấp nhận ở người vợ chính là động lực để chồng dần thay đổi và chú ý đến chị nhiều hơn. Ngược lại, khi chồng hiểu đúng cảm xúc của vợ và biết cách né tránh, anh sẽ thông cảm và chia sẻ nhiều hơn khi chị tâm sự. Từ từ, cả hai sẽ phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực của bản thân để hỗ trợ nhau nhiều hơn.