Có nhiều lý do cắt nghĩa tại sao phụ nữ nghiêng về nam tính hoặc nhiều người đàn ông lại có vẻ nữ tính. Một số ý kiến cho rằng, nếu bé gái thân với bố nhiều hơn hoặc được nuôi dưỡng trong gia đình toàn nam giới, bé sẽ có khuynh hướng thiên vê nam tính. Tương tự, nếu bé trai gần gũi mẹ hơn hoặc lớn lên trong môi trường toàn nữ giới, lúc trưởng thành bé sẽ bộc lộ nữ tính hơn hẳn.
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy khi hoàn cảnh sống khiến người ta không được sống đúng với bản chất của mình, họ sẽ có xu hướng mất cân bằng trong cảm xúc của giới. Ví dụ, với một người phụ nữ độc thân, sống tự lập và phải tự lo liệu mọi việc cho mình thì họ sẽ có khuynh hướng nghiêng về chất nam tính, mạnh mẽ nhiều hơn. Chỉ đến khi quan hệ tình cảm nảy nở, những giá trị nữ tính truyền thống ở họ mới dần được bộc lộ. Cũng có trường hợp họ nhận ra rằng, sống đúng với bản chất nữ tính trong mình có thể đưa lại nhưng bất hòa trong quan hệ vợ chồng nên chủ động giảm bớt. Chẳng hạn, nhu cầu nói chuyện nhiều khiến cả hai thất vọng về nhau hoặc làm người chồng có vẻ yếu thế. Nhằm tránh cảm giác thiếu thốn tình cảm hoặc gây mâu thuẫn vợ chồng, họ dần kiềm nén chất nữ tính của mình.
Tương tự như phái yếu, nhiều lúc nam giới cũng đánh mất dần bản tính đàn ông của mình. Đặc biệt những người giàu tính sáng tạo nghệ thuật thường rất nhạy cảm, có sự phát triển mạnh những đặc điểm nữ tính. Họ thường bị những người phụ nữ nam tính hấp dẫn.
Do không biết làm thế nào để vừa khẳng định bản thân, thiết lập giới hạn cần thiết của cuộc sống, vừa duy trì thái độ yêu thương, quan tâm với người mình yêu nên để làm vui lòng vợ, họ sẵn sàng hy sinh nhu cầu riêng của mình. Điều này khiến cho không chỉ bản thân họ trở nên yếu thế mà đối phương cũng không còn tìm thấy vẻ hấp dẫn ở họ nữa, khi mà người đàn ông của mình tính tình ngày càng giống phụ nữ.
Biết vận dụng những kỹ năng quan hệ tình cảm mới, nam giới vẫn có thể phát huy giá trị nam tính của mình song song khuynh hướng nữ tính.
ĐẢO NGƯỢC VAI TRÒ TÌNH CẢM
Khi người chồng thiên về nữ tính hoặc ngược lại, vợ thiên về nam tính, giữa hai bên sẽ có sự đảo ngược vai trò tình cảm. Điều này không có nghĩa là họ bị rối loạn tâm lý mà đơn giản là do thiếu cân bằng. Vì vậy, để cải thiện quan hệ tình cảm, họ cần lấy lại sự cân bằng.
Khi cả hai không biết làm thế nào để hỗ trợ nhau, người vợ thường tỏ thái độ rút lui, trở về bản chất nữ tính của mình, còn chồng, theo bản năng, anh cũng không còn muốn giúp đỡ, gần gũi vợ nữa. Người vợ thầm nhủ: “Mình chẳng cần lo nghĩ cho người khác mãi như vậy vì có ai lo cho mình đâu!”. Trong khi đó chồng lại tự vấn: “Sao mình cứ phải hy sinh vô ích như vậy chứ?”.
KHI NGƯỜI CHỒNG THIÊN VỀ NỮ TÍNH
Trong trường hợp người chồng bị chất nữ tính chi phối quá nhiều, tốt nhất anh nên có những tín hiệu để vợ khuyến khích, nâng đỡ hơn nữa giá trị nam tính trong anh, từ đó dần lấy lại sự cân bằng cho bản thân.
Có thể lúc đầu, chất nữ tính này khiến anh khó vận dụng những kỹ năng quan hệ tình cảm mới một cách tự nhiên. Để vượt qua cản trở này, anh cần biết lắng nghe rồi “kiềm chế cảm xúc” trước khi thể hiện suy nghĩ trong lòng. Có như vậy, giá trị nam tính trong anh mới được phát huy và củng cố.
Do thiên về chất nữ tính nên người đàn ông luôn muốn được chăm sóc, quan tâm, thậm chí nhu cầu có vợ bên cạnh càng lớn hơn. Thường anh sẽ giận dỗi khi vợ không muốn trò chuyện và phàn nàn rằng cô ấy không nhiệt tình vun đắp quan hệ tình cảm. Vì muốn trò chuyện nhiều hơn nên anh luôn đặt nhiều câu hỏi cho vợ. Anh muốn cô phải lắng nghe, hiểu cho suy nghĩ của mình để có thể thông cảm và hỗ trợ chồng thiết thực hơn.
Thực tế, những nhu cầu trên rất chính đáng, nhưng nếu để chúng chi phối quá nhiều đến quan hệ tình cảm, dần dần vợ anh sẽ thiên về chất nam tính, còn anh bỗng dưng sẽ tự biến mình thành kẻ yếu thế.
Tốt nhất, trong trường hợp này, người đàn ông nên tìm cách đáp ứng qua các hoạt động tập thể với bạn bè cùng giới như chuyện trò hoặc tập trung vào công việc tư duy nào đó. Nếu anh cứ buộc vợ phải chiều theo nhu cầu nữ tính của mình thì sẽ khiến cho quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng.
Nhiều người đàn ông do không thể tro chuyện với với bạn bè về những khó khăn mình gặp phải nên bao nhiêu bức xúc đành mang về kể lể, than phiền với vợ. Dần dần, anh ngày càng nói nhiều còn vợ thì nói ít lại. Mất đi sự cứng rắn, điềm đạm, anh dần không con sự hấp dẫn đối với vợ mình.
Thường thì mẫu đàn ông mà phụ nữ hướng đến là những người có tính cách vừa mạnh mẽ, quyết đoán, vừa nhạy cảm với nhu cầu, ý nguyện của vợ. Tuy nhiên, nhạy cảm ở đây không có nghĩa anh là người ướt át, dễ xúc động. Bởi vậy, nam giới đừng nên mong đợi vợ đáp ứng nhu cầu nữ tính ở anh. Khi một người đàn ông quá nhạy cảm, có thể anh sẽ khiến vợ cảm thấy khó chịu, nặng nề, hai bên sẽ phải mất một thời gian mới cân bằng lại được tình cảm và phục hồi giá trị nam tính trong anh.
Nam giới xây dựng tình cảm vợ chồng hài hòa, cân bằng chủ yếu là nhờ anh biết hỗ trợ giá trị nữ tính của vợ. Thành công ấy cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho nhu cầu nữ tính trong anh. Anh vui với niềm vui của chị vì thực chất phần nữ tính trong anh cũng được gián tiếp toại nguyện. Khi yêu thương ai đó quá sâu đậm, giá trị nữ tính ở người yêu dường như hòa nhập vào tính cách người đàn ông. Do vậy, đáp ứng ý nguyện nữ tính ở người mình yêu không chỉ thể hiện sự trân trọng giá trị nữ tính tiềm ẩn trong bản thân mình mà còn hỗ trợ, vun đắp rất nhiều cho bản chất nam giới của anh.
KHI NGƯỜI VỢ THIÊN VỀ NAM TÍNH
Trong cuộc sống, phụ nữ chỉ cảm thấy cân bằng và thoải mái nhất khi được đón nhận sự yêu thương, chăm sóc và hỗ trợ từ bạn đời. Còn nếu như phải nhận trách nhiệm hỗ trợ, chăm sóc nhu cầu nữ tính ở chồng, ngươi vợ buộc phải phát triển sự mạnh mẽ, nam tính của mình. Ví dụ, khi anh muốn chị lắng nghe, chị phải gác bỏ nhu cầu tâm sự của bản thân sang một bên. Cứ như vậy, dần dần chị sẽ trở nên giống đàn ông hơn.
Tuy nhiên, nữ giới vừa có thể khẳng định tính cách mạnh mẽ của mình trong cách giải quyết vấn đề, vừa vun đắp giá trị nữ tính của bản thân nhờ sự hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp từ chồng. Nếu chỉ biết đáp ứng, chăm sóc nhu cầu nữ tính của chồng mà xem nhẹ ý nguyện riêng, sẽ có ngày chị trở nên chán nản, mệt mỏi trước sự chênh lệch đến vô lý.
Với những người phụ nữ quá thiên về nam tính, tốt nhất chị nên tạo dựng những mối quan hệ vun đắp cho giá trị nữ tính của mình. Sau một ngày làm việc căng thẳng, thay vì rút lui vào không gian riêng, chị nên tìm ở bạn đời sự quan tâm, hiểu biết và tôn trọng. Đó chính là nguồn động lực thúc đẩy, vun đắp và nuôi dưỡng giá trị nữ tính trong chị. Khi được toại nguyện và đồng thời biết trân trọng chồng hơn, chị có thể tin chắc tình cảm anh dành cho mình ngày càng sâu đậm cùng với sự thấu hiểu và trân trọng bao nỗ lực của chị. Vì phụ nữ rất đề cao cảm giác được trân trọng nên họ luôn mong chồng biết hỗ trợ, quan tâm giá trị nữ tính của mình.
Thực vậy, nữ giới ngày nay cần chồng hỗ trợ hơn bao giờ hết để họ vẫn có thể là người phụ nữ đích thực giữa bao áp lực mệt mỏi của trách nhiệm nơi công sở và vai trò người nội trợ chính trong gia đình.
SỰ HẤP DẪN GIỮA HAI GIỚI
Ngày nay phụ nữ ra ngoài xã hội làm việc ngày càng nhiều, vì thế nảy sinh xu hướng ngược lại trong việc xây dựng quan hệ tình cảm giữa hai giới. Sự chủ động của phụ nữ vô tình đẩy nam giới nghiêng về phía nữ tính. Thay vì để người đàn ông chủ động tạo dựng quan hệ, nhiều phụ nữ ngày nay đã không ngần ngại bày tỏ tình cảm và theo đuổi người đàn ông họ thích.
Một người phụ nữ mạnh mẽ thường bị hấp dẫn bởi đàn ông có nét nữ tính. Do cảm nhận được điều này nên nhiều người đàn ông lập tức nghiêng hẳn về nữ tính. Tuy nhiên, đây chỉ là cái bẫy. Nếu không có ý thức giữ cho mình sự cân bằng trong cảm xúc, họ sẽ tự đánh mất đi sự hấp dẫn vốn có của mình.
Trước phụ nữ nam tính, đàn ông có xu hướng trở nên yếu đuối, nhạy cảm hơn. Tương tự, khi chồng nghiêng về nữ tính, người vợ sẽ thể hiện tính cách đàn ông nhiều hơn. Nếu không biết kỹ năng nâng đỡ giá trị thực sự về giới, ca hai sẽ dần trở thành kẻ xa lạ đối với chính bản thân mình.
Trường hợp chồng khá nữ tính và vợ thì ngược lại, để duy trì sự hấp dẫn lẫn nhau, người chồng phải từ từ nhưng tích cực phát huy giá trị nam tính của mình, ngược lại, vợ cũng phải thể hiện tính cách phụ nữ nhiều hơn. Trên nền tảng hai mặt được phát huy song song như vậy, các kỹ năng quan hệ tình cảm mới sẽ đem lại cho họ sự cân bằng cần thiết và sự hấp dẫn trở lại.
TÌNH CẢM VỢ CHÔNG THEO TRUYỀN THỐNG
Trong quan hệ gia đình truyền thống, người chồng gắn liền với nam tính còn người vợ luôn thuộc nữ tính. Tuy nhiên, theo thời gian, nếu người phụ nữ cảm thấy những nhu cầu nữ giới trong mình liên tục bị khước từ, chị sẽ mất dần đi sự đam mê với chồng. Để tránh cảm giác tủi thân, vô vọng, chị khóa chặt lòng mình và dần dần trở nên mạnh mẽ, nam tính.
Tương tự, nam giới cũng vậy. Thay vì tiếp tục những công việc của phái mạnh xưa nay như đề xuất quyết định quan trọng cho gia đình, chủ động trong quan hệ tình dục, giải quyết khó khăn cho vợ, anh lại kiềm nén giá trị nam tính của bản thân khi cảm giác mình không được trân trọng đúng mức. Từ từ tính khí anh trở nên giống phụ nữ hơn. Khi không còn sự khác biệt về giới tính nữa thì sự hấp dẫn giữa vợ chồng cũng biến mất.
Dù có một số cặp vợ chồng có khởi đầu rất tốt - chồng mạnh mẽ, quyết đoán, vợ dịu dàng, đằm thắm - nhưng rồi năm tháng trôi qua, họ bắt đầu đảo ngược vai trò tình cảm. Khi người đàn ông thấy giá trị nam tính của mình thiếu sự hỗ trợ, anh sẽ trở nên mất thăng bằng trong cảm xúc. Tương tự, khi người phụ nữ không có được sự giúp đỡ như ý ở môi trường công việc và gia đình, chị cũng rơi vào xu hướng mất thăng bằng trong tình cảm.
CÂN BẰNG GIÁ TRỊ NAM TÍNH VÀ NỮ TÍNH
Nam giới mất cân bằng tình cảm vì không có được sự hỗ trợ cần thiết từ vợ, còn phụ nữ mất cân bằng cảm xúc vì không tranh thủ được sự hỗ trợ kiểu mới từ chồng. Để giải quyết bức xúc này, người vợ phải biết tìm lại trong mình tình cảm yêu thương nữ tính mà họ đã từng san sẻ với chồng. Vấn đề với người chồng là biết vận dụng sự can đảm và táo bạo như người thợ săn tiền sử để có thể làm theo những bí quyết mới nhằm đem lại cho người phụ nữ mình yêu thương sự hỗ trợ thiết thực.
Đi làm về, người vợ vẫn còn chịu sự chi phối của nam tính, nhất là khi chị phải làm thêm một số việc. Thay vì nghỉ ngơi, trò chuyện cùng chồng về những rắc rối trong ngày, chị thấy mình phải đối mặt với một loạt những vấn đề mới cần giải quyết ngay. Trước áp lực ấy, chị từ từ rút lui khỏi tình cảm vợ chồng và ngày càng muốn sống trong không gian riêng tư của mình.
Do cảm xúc bị đảo lộn, người vợ thường muốn tự mình làm mọi việc.
Tuy nhiên, cảm giác của người vợ sẽ thay đổi hẳn nếu giá trị nữ tính trong chị được phát huy. Điều đó đưa đến ảnh hưởng tích cực, giúp chị biết tận hưởng và trân trọng từng điều nhỏ bé của cuộc sống. Thay vì căng thẳng trước một loạt vấn đề cần giải quyết, chị biết dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Khi người phụ nữ quá thiên về nam tính, chị sẽ dễ bức xúc và tự đặt ra cho mình nhiệm vụ là phải giải quyết ngay mọi vấn đề đang gặp phải. Trách nhiệm nặng nề ấy khiến chị rơi vào cảm giác choáng ngợp. Thay vì cảm nhận yêu thương, thanh thản, ấm áp, vui vẻ khi về nhà, chị chỉ thấy sự thất vọng, mỏi mệt, tủi thân, và thiếu chỗ dựa trong cuộc sống. Trong trạng thái này, chị hầu như không thể thư giãn hoặc hiểu rõ nên làm gì để vỗ về, chăm sóc nhu cầu nữ tính của chính mình.
Khi cảm giác choáng ngợp ảnh hưởng quá mạnh, phụ nữ thường tập trung giải quyết công việc đến mức họ hầu như không cảm nhận được nhu cầu nội tâm và ý nguyện nữ tính thực sự của bản thân. Tuy nhiên, khi làm xong một việc gì đó, họ không thấy lòng mình nhẹ hơn mà chỉ cảm thấy trống rỗng và ước ao được là người phụ nữ đúng nghĩa.
BA BIỂU HIỆN MẤT THĂNG BẰNG CẢM XÚC Ở PHỤ NỮ
Khi cảm giác choáng ngợp quá nặng nề, phụ nữ không thấy an tâm với lối nói chuyện suông vì họ đã vượt qua mức cân bằng cảm xúc và bắt đầu có thói quen tập trung giải quyết vấn đề như ở nam giới. Xu hướng này thể hiện rõ qua ba biểu hiện sau:
Biểu hiện thứ nhất: Người phụ nữ cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi và có phản ứng ăn nhiều.
Ăn nhiều là phản ưng hay gặp nhất ở phụ nữ khi nhu cầu tình cảm của họ không được đáp ứng tốt. Ăn đưa lại cho họ cảm giác bù đắp, thay thế cho tình yêu. Không những thế, ăn còn giúp họ tạm thời quên đi sự bất an trong lòng. Thuật ngữ khoa học gọi xu hướng này là “thay thế nhu cầu”. Khi không có được kết quả như ý muốn, nhu cầu thực sự sẽ được thế bằng một nhu cầu khác dễ thực hiện hơn.
Trong trường hợp này, nhu cầu tình cảm yêu thương của người phụ nữ được thay thế bằng nhu cầu ăn uống. Họ sẽ còn có cảm giác đói tới khi nào cơn khát cảm xúc được thỏa mãn. Nhờ ăn, họ có thể tạm thời kiềm nén những mong muốn nữ tính của mình và cảm thấy khuây khỏa. Do đó, dù rơi vào tình trạng này nhưng không ít người vẫn tự lừa dối bản thân rằng mình đang rất hạnh phúc, vui vẻ, không cần trò chuyện hay chia sẻ gì trong quan hệ tình cảm. Chính điều này khiến cảm xúc trong họ dần bị tê liệt, khả năng yêu thương và nhu cầu tình cảm vì thế cũng dần tắt theo.
Ở những người này, ban đầu hôn nhân mang lại cho họ cảm giác thư giãn và an tâm, giải phóng những cảm xúc vốn bị kiềm nén một thời gian dài trong cuộc sống độc thân trước đó. Va khi cảm nhận giá trị nữ tính của mình ở mức độ sâu sắc hơn cũng là lúc trong họ nảy sinh nhu cầu tâm sự vui buồn. Những cảm xúc ấy khiến họ có cảm giác thiếu thốn tình cảm, dễ xúc động, thiếu suy xét logic, bận tâm nhưng chuyện vặt, và thậm chí yếu đuối. Tất cả làm họ trở nên rối bời.
Trong tâm trạng như vậy, thường người phụ nữ muốn tìm đến tâm sự, bày tỏ với bạn đời. Nhưng, do không biết phải bắt đầu thế nào và để tránh nảy sinh những mâu thuẫn không cần thiết hoặc để chồng không bực mình, họ quyết định lựa chọn sự im lặng và khỏa lấp bằng việc ăn nhiều hơn.
Ăn giúp người phụ nữ có thể kiểm soát được những cảm xúc của bản thân. Chừng nào chưa tìm được cách thỏa mãn và hỗ trợ, vun đắp trực tiếp giá trị nữ tính của mình, họ sẽ còn tiếp tục xem thức ăn như phương thuốc giảm đau hiệu quả nhất.
Hậu quả của vấn đề này là tình trạng tăng cân quá nhanh. Để khắc phục, ho tìm đến chế độ ăn kiêng. Nhưng chính việc ăn kiêng lại khiến nữ giới mất thăng bằng nghiêm trọng hơn. Suốt quá trình ăn kiêng, cơ thể luôn bị cơn đói dằn vặt và càng thèm muốn thức ăn hơn nữa. Trong khi đó, giá trị nữ tính chỉ được hỗ trợ thực sự qua cảm giác an tâm và yêu thương, chăm sóc. Áp dụng chế độ ăn kiêng khắt khe khiến họ phải kiềm chế nhu cầu chính đáng ấy lại và càng phát huy sự mạnh mẽ, nam tính.
Tâm trạng thoải mái, an tâm, vui vẻ, nghỉ ngơi, hưởng thụ, yêu thích cái đẹp… tất cả đều hỗ trợ tích cực vẻ nữ tính ở người phụ nữ. Chế độ ăn kiêng không mang lại những điều như vậy. Cho nên theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề trọng lượng của phụ nữ chính là xây đắp quan hệ tình cảm yêu thương, chăm sóc nhau nhiều hơn bên cạnh lối sống thoải mái, bớt dần áp lực.
Biểu hiện thứ hai: Phụ nữ làm quá nhiều.
Khi nhu cầu được hỗ trợ, yêu thương chính đáng của người phụ nữ không được thỏa mãn trọn vẹn, sự tự tôn sẽ khiến họ trở thành con người mạnh mẽ hơn và dần chuyển sang nam tính. Họ tập trung vào mục tiêu, ganh đua, quyết đoán, độc lập và ngày càng đề cao hiệu quả công việc. Họ tự hào vê lý trí tỉnh táo của mình và xem tình cảm yếu đuối, ướt át chẳng giải quyết được gì ngoài việc đem lại sự khó chịu cho chính bản thân.
Không tin mình sẽ đáng yêu hơn trong mắt nam giới nếu biết mềm mại, dịu dàng và nữ tính hơn, những người phụ nữ này cố gắng giấu đi mọi sự nhạy cảm và nhu cầu vốn có của nữ giới. Họ có khuynh hướng không thích chuyện trò thân mật riêng tư, coi thường sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nam giới.
Một số phụ nữ cho rằng đã là “phận đàn bà” thì làm gì có thời gian nghỉ ngơi. Họ làm việc liên tục để duy trì sự hoàn hảo trong gia đình. Mọi thứ phải đúng chỗ, có trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ. Cứ như vậy, họ tự buộc mình phải lo toan hết việc này đến việc khác, khiến một chút thời gian thư giãn cũng không còn. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến cuộc sống khô khan của bổn phận, khiến tình cảm yêu thương mặn nồng không còn ý vị nữa, và quan hệ tình dục cũng trở nên khô khan, máy móc.
Bên cạnh đó, cũng có những người phụ nữ kiệt sức vì phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Họ không biết từ chối sự nhờ vả đôi khi là thái quá của người khác. Thậm chí họ cảm thấy phải làm cả những công việc vốn không phải là trách nhiệm của mình. Họ tự hào vì mình luôn “thấy trước” nhu cầu của người khác và “sẵn sàng” lúc cần thiết.
NHỮNG HỖ TRỢ CẦN THIẾT TỪ CHỒNG
Muốn hỗ trợ vợ một cách thiết thực, trước hết người chồng cần hiểu rằng trong thâm tâm, vợ anh luôn khao khát được nghỉ ngơi, thư giãn và cởi mở mọi điều với chồng - người chị tin sẽ luôn ủng hộ mình. Đây mới đúng là nhu câu thực sự của nữ giới. Tuy nhiên, vì thấy nhu cầu hỗ trợ ấy khó được chấp nhận, nên chị vô tình thay thế bằng một nhu cầu khác, dù không như ý nguyện của mình - nhu cầu đáp ứng, thỏa mãn cho người khác.
Khi người vợ gánh vác quá nhiều trách nhiệm, thay vì “lên lớp” cô ấy, người chồng nên hiểu vợ mình cần được hỗ trợ để phục hồi giá trị nữ tính. Thiếu vắng sự hỗ trợ này, vợ anh sẽ ngày càng trở nên tự lập hơn, cuộc sống tình cảm do đó se ngày càng khô khan.
Khi ngập trong một đống công việc, dù rất mỏi mệt nhưng người phụ nữ ít khi có được sự hỗ trợ như mong muốn. Nguyên nhân là vì họ không biết cách thể hiện ý nguyện của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng không muốn bị người khác phát hiện ra điểm yếu của mình. Họ muốn được mọi người nhìn nhận, ngưỡng mộ vì tính cách mạnh mẽ và những gì họ đã làm được.
Khi không hiểu vẻ mạnh mẽ bên ngoài ấy chỉ là để che đậy một đời sống nội tâm thiếu thốn tình cảm, người chồng khó có thể giúp vợ một cách hiệu quả. Anh rất dễ chán nản, thất vọng khi thấy vợ quá tham công tiếc việc. Càng bận rộn, chị càng ít có thời gian và sự trân trọng dành cho anh. Vì thế anh cảm thấy mình như một người vô dụng, không đỡ đần gì được cho vợ.
Nếu người chồng đã cố gắng hết sức để giúp vợ mà chị vẫn không nhìn nhận và trân trọng thì có nghĩa là lúc này, thực tế giữa hai người đã không con sự đồng cảm với nhau. Chị không còn tin là có thể gửi gắm cảm xúc nữ tính của mình nơi chồng, và anh cũng không tin mình có thể tạo ra ảnh hưởng thay đổi cuộc sống của vợ. Tính cách độc lập và tự quyết của chị đã đẩy cuộc sống hai vợ chồng đến chỗ xa cách.
LÀM SAO ĐỂ HẤP DẪN NGƯỜI ĐÀN ÔNG MÀ PHỤ NỮ HẰNG TÌM KIẾM?
Thông thường, những người phụ nữ quá ham mê công việc sẽ rất khó xây dựng quan hệ tình cảm lứa đôi. Trong lúc tư vấn, nhiều chị em đã hỏi tôi cách làm thế nào để thu hút nam giới. Tôi hỏi lại: “Tại sao chị cần đàn ông?”. Câu hỏi khiến họ rất ngạc nhiên. Thường thì họ trả lời: “À, tôi cũng không rõ thực sự mình có cần đàn ông hay không nữa”, hoặc: “Tôi cũng không chắc là mình cần đến người đàn ông”. Có những chị lại cho rằng: “Thực ra tôi không cân đến đàn ông, nhưng tôi muốn có một người cho mình”.
Với những người phụ nữ này, muốn xây dựng quan hệ tình cảm lâu dài, trước tiên họ cần học cách đối diện với nhu cầu nữ tính của mình và thẳng thắn thừa nhận rằng mình rất cần một người đàn ông để làm chỗ dựa về mặt tinh thần.
Muốn đảm bảo quan hệ tình cảm bền vững, trước tiên phụ nữ phải cởi mở nhu cầu nữ tính của mình, nghĩa là thẳng thắn nhìn nhận:
“Tôi cần có một người đàn ông cho mình”.
Những lúc người phụ nữ cảm thấy thiếu thốn tình cảm hoặc nóng vội muốn xây dựng một mối quan hệ lãng mạn nào đó thì chắc chắn đấy là cảm giác nảy sinh từ nhu cầu nữ tính, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thu hút đúng người đàn ông chân chính. Hãy dành cho mình khoảng thời gian chăm sóc, nâng đỡ giá trị nữ tính của bản thân, chắc chắn điều kỳ diệu sẽ đến với chị khi chị biết đặt niềm tin vào đúng đối tượng.
CẢM GIÁC GẮN BÓ Ở NAM GIỚI
Nếu tình yêu và sự hỗ trợ từ bạn đời đưa lại cho người phụ nữ cảm giác gắn bó hơn, thì nam giới chỉ thực sự cảm thấy gắn bó khi họ làm được điều gì đó cho người mình yêu. Sự khác biệt này rất quan trọng. Trong cuộc sống bộn bề lo toan, nếu phụ nữ không biết sống chậm lại để giúp chồng có điều kiện vỗ về, chăm sóc nhu cầu nữ tính của mình, chị sẽ khó có thể xây dựng tình cảm gắn bó dài lâu.
Sau đây là một ví dụ rất đơn giản về kỹ năng sống chậm: Hai vợ chồng cùng sánh bước, khi đến trước cánh cửa, nếu thuộc tuýp người lăng xăng với công việc, người vợ sẽ vội tiến lên trước, lịch sự mở cửa và chờ chồng đi qua. Cử chỉ này sẽ hé lộ cho ta biết, giữa hai vợ chồng ấy đang có xu hướng cho đi một chiều - từ phía người vợ.
Để giá trị nữ tính được chăm sóc, trong ví dụ trên, người phụ nữ nên tập bước chậm lại, để chồng đi lên trước, chờ anh mở cửa, bước qua và mỉm cười cảm ơn anh.
CÁCH ĐẠT ĐƯỢC SỰ CÂN BẰNG TÌNH CẢM
Qua hành động dù rất đơn giản ấy, người chồng được phát huy đúng vai trò đàn ông của mình, còn người vợ sẽ trở về gần với bản tính đón nhận của nữ giới hơn. Biểu hiện đó đồng thời cũng xác định rõ hơn nhu cầu thực sự của chị là được quan tâm. Thực tế, người vợ không cần chồng phải mở cửa giúp, nhưng khi anh làm vậy, chị sẽ cảm thấy mình được chăm sóc, hỗ trợ. Nữ tính rất cần điều đó, và nhơ được thăng hoa cảm giác yêu thương, người phụ nữ mới có thể tìm thấy sự cân bằng tình cảm.
Với người đàn ông, hành động mở cửa cho vợ ẩn ý rằng: “Em rất đặc biệt với anh. Anh sống là vì em. Anh biết em đã cố gắng rất nhiều vì mọi người, vì thế lúc nào có cơ hội, anh cũng muốn làm mọi điều cho em, dù đó là những điều nhỏ bé nhất”.
Hành động bao giờ cũng có sức thuyết phục hơn lời nói. Và phụ nữ luôn sẵn lòng đón nhận thông điệp yêu thương ấy.
Biểu hiện thứ ba: Người vợ muốn chồng nói nhiều hơn.
Kiểu phản ứng thứ ba thường gặp nhất ở phụ nữ mất thăng bằng tình cảm là họ luôn muốn chồng mình cởi mở tâm sự theo kiểu của phái yếu. Chỉ có như vậy họ mơi an tâm sống thực với nhu cầu nữ tính của mình. Thực chất đây là một nhu cầu thay thế. Ẩn bên trong mong ước đó chính là nhu cầu bản thân mình biết nhạy cảm và dịu dàng hơn.
Người thừa cân thay thế nhu cầu tình cảm bằng nhu cầu ăn uống. Phụ nữ quá đam mê công việc thay thế nhu cầu cần hỗ trợ bằng nhu cầu hỗ trợ người khác. Tương tự, người phụ nữ trong trường hợp thứ ba thay thế nhu cầu nữ tính của bản thân bằng ý muốn bạn đời phải tỏ ra nữ tính với mình.
Thực chất, việc thay thế nhu cầu như trên không phải là hành động cố tình mà chỉ là phản ứng xảy đến khi nữ giới buộc phải hành xử như đàn ông trong môi trường thiếu vắng sự hỗ trợ để họ là người phụ nữ thực sự.
CẢM GIÁC BẤT AN Ở PHỤ NỮ
Trong quan hệ tình cảm, người phụ nữ có thể cảm thấy bất an nếu không tìm được hứng thú hoặc nếu người bạn đời không biết cách đem lại cho họ cảm giác an tâm. Dù lý do là gì đi nữa thì khi không thể hiện được giá trị nữ tính của mình, họ sẽ thiên dần về nam tính và bộc lộ tính cách đàn ông mạnh mẽ hơn. Để có sự cân bằng tình cảm, những người phụ nữ này thường mong muốn chồng mình thiên về “nữ tính”.
Nói chung, mẫu người đàn ông chị chọn là người nhạy cảm và cởi mở. Cũng có trường hợp người chồng ban đầu không có khuynh hướng ấy, nhưng theo thời gian, chị cố làm chồng mình nữ tính hơn bằng cách buộc anh tâm sự nhiều hơn và phải biết quán xuyến chu đáo việc nhà. Có phản ứng này là vì người phụ nữ không biết rõ cách tranh thủ sự hỗ trợ cho giá trị nữ tính của mình như ý nguyện. Chị chỉ thấy phải chăm sóc mặt nữ tính trong người bạn đời của mình mà thôi.
Bản năng mách bảo với chị rằng nếu chị biết thông cảm lắng nghe mọi suy nghĩ, khó khăn của anh, anh ấy sẽ nghe chị nói. Và đây chính là cách đáp ứng ý muốn của chị. Tuy nhiên, suy nghĩ này chỉ có giá trị khi áp dụng giữa phụ nữ với nhau, hoàn toàn không có tác dụng với nam giới.
CẢM GIÁC CỦA VỢ TRƯỚC SỰ NHẠY CẢM CỦA CHỒNG
Dưới đây là những suy nghĩ thường gặp của đa số chị em khi sống với người chồng quá nhạy cảm.
Khi khuyến khích giá trị nữ tính ở chồng, không người vợ nào có thể ngờ trước tình cảm của mình lại như thế. Như bao chị em khác, họ đinh ninh rằng chỉ cần chồng cởi mở hơn là gia đình sẽ hạnh phúc, nhưng thực tế lại khác xa. Khi chồng cởi mở tâm sự, thoạt đầu người vợ rất ấn tượng và quý sự cởi mở, chân thành của anh. Nhưng từ từ, chị lại thấy mệt mỏi. Phải nghe chồng than thở quá nhiều khiến chị chán nản và trở nên lạnh lùng với anh.
Tóm lại, phụ nữ sẽ thỏa man hơn nếu có một người bạn đời ít bộc lộ cảm xúc và biết cách giúp vợ thể hiện nhiều tình cảm hơn. Thực chất, đằng sau ước muốn này chính là nhu cầu được cảm thông, che chở và được cho phép mình yếu đuối - một đặc điểm tâm lý chung ở bất kỳ người phụ nữ nào.
BA BIỂU HIỆN MẤT THĂNG BẰNG CẢM XÚC Ở NAM GIỚI
Trong quan hệ vợ chồng cũng như công việc, khi không được trân trọng như mong muốn, người đàn ông sẽ bị mất cân bằng cảm xúc. Mỗi phản ứng như dưới đây đều có thể đưa đến những hậu quả không tốt, khiến họ ngày càng trở nên yếu đuối. Không những thế, những phản ứng này dễ trở thành thói quen, và dần dần họ sẽ trở thành những người chỉ biết tránh né mà không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Biểu hiện thứ nhất: Làm việc thật nhiều
Phản ứng phổ biến nhất của người đàn ông khi thiếu vắng sự hỗ trợ từ gia đình là làm việc tích cực hơn. Họ đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải thành công hơn nữa, kiếm được nhiều tiền hơn nữa, Do tập trung phấn đấu nên họ tạm thời quên đi cảm giác thiếu sự trân trọng hay hỗ trợ từ người khác. Họ cố gắng để có thể tự hào về khả năng độc lập và năng lực làm việc của mình.
Thực chất lúc này, khát khao thành công đang đóng vai trò thay thế cho nhu cầu được trân trọng. Nhưng cũng vì vậy mà những người đàn ông này sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình đạt được. Tự huyễn hoặc mình chỉ làm cho cuộc sống của họ mất đi niềm vui. Càng tập trung vào công việc, họ càng ít thể hiện tình cảm, sự quan tâm với vợ con, gia đình. Do đó, họ sẽ khó nhận được sự trân trọng từ vợ, hoặc dù có được vợ đánh giá cao đi nữa, ho cũng không nhận ra. Cảm giác hụt hẫng do không được trân trọng vì thế ngày càng tăng, họ càng trở nên bất mãn và coi thường bản thân.
Kết quả tất yếu là những người đàn ông này sẽ rơi vào tình trạng mất cân bằng nặng hơn. Đi làm về, họ không thể nào hòa nhập với không khí sinh hoạt của gia đình.
Biểu hiện thứ hai: Cảm giác sầu muộn
Mang tâm trạng bất mãn và cô độc, về đến nhà, người chồng sẽ chỉ muốn tìm không gian riêng để thư giãn. Đây vốn là một phản ứng rất bình thường ở nam giới nhưng trong trường hợp này lại khác. Những người đàn ông rơi vào tình trạng này không thể tìm lại được sự thanh thản cho bản thân vì phải chịu áp lực quá lớn từ tham vọng thành công và không có được sự hỗ trợ cần thiết từ người bạn đời.
Một mặt, họ không muốn rời khỏi thế giới riêng vì chẳng còn hứng thú để quan tâm đến bất cứ chuyện gì, mặt khác họ cũng cảm thấy giờ đây rất khó để hòa hợp với vợ. Mệt mỏi, kiệt quệ, thấy mình như một con số không - đó là cảm giác ngự trị trong anh lúc này.
NHU CẦU THAY THẾ CỦA NAM GIỚI
Nếu ở trường hợp đầu, nhu cầu thay thế của người đàn ông là thành đạt thì ở đây họ lại muốn được nghỉ ngơi, thư giãn - dù thực chất điều họ cần lúc này là được yêu thương và trân trọng.
Thay vì quyết đoán, quan tâm, và luôn muốn gần gũi vợ, họ trở nên thụ động, lạnh nhạt, và chỉ thích ở một mình. Có thể nghỉ ngơi sẽ đem lại sự thư thái tạm thời, nhưng không thể nào đáp ứng nhu cầu được tiếp thêm sức lực từ nguồn động viên, cổ vũ tinh thần của người thân.
Do không nắm được đặc điểm tâm lý này ở chồng nên nhiều người vợ đã vô tình khiến cho tình hình thêm xấu đi. Chị than thở rằng anh không quan tâm đến gia đình để rồi càng có lý do để không trân trọng công sức, tình cảm của anh. Dù có thể những hành động quan tâm của chồng trong giai đoạn này không nhiều, nhưng chị vẫn nên tỏ thái độ cảm kích chồng. Đây chính là một trong những cách hỗ trợ tích cực để tạo động lực giúp anh cố gắng nhiều hơn.
Được đánh giá đúng, người đàn ông sẽ phát huy hết sức lực, có động cơ cô gắng thể hiện nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một người vợ biết giúp chồng cũng là đang tự giúp chính mình. Thái độ vui vẻ của chị sẽ kéo anh ra khỏi thế giới sầu muộn. Hãy cho anh hiểu rằng những nỗ lực của anh rất có ý nghĩa đối với chị, điều đó giúp anh hài lòng hơn với bản thân.
Hiểu được tâm lý của chồng trong trường hợp này, người vợ sẽ có được thái độ vị tha, quan tâm, hỗ trợ thay vì suốt ngày phàn nàn, trách móc anh.
DỄ ĐÁNH MẤT BAN THÂN
Trong trạng thái tâm lý này, nam giới thường nảy sinh tật rượu chè hoặc những thói nghiện ngập khác. Những thói nghiện này khiến họ ngày càng khóa chặt tâm hồn và rất dễ đánh mất bản thân. Chỉ khi nào biết dành thời gian cho bạn bè hoặc những người trân trọng anh một cách không điều kiện, anh mới có thể thoát ra khỏi thế giới trầm mặc của riêng mình.
Điều đáng tiếc là một trong những sai lầm mà nhiều người vợ trong hoàn cảnh này hay mắc phải là tỏ vẻ khó chịu trước sự xa lánh của chồng và tìm mọi cách để lôi kéo anh ra khỏi thế giới riêng. Chị cho rằng nếu anh chịu tâm sự với mình, chắc chắn anh sẽ thoải mái hơn. Cố lôi kéo chồng rời khỏi không gian riêng bằng cách hỏi thăm, nhờ anh làm việc này việc nọ, rút cuộc chỉ khiến anh bực bội và phản kháng dữ dội hơn mà thôi. Người đàn ông lúc này như một chú gấu đang ẩn mình trong hang.
DỤ GẤU RA KHỎI HANG
Bình thường chẳng ai thích vào hang gấu khi nó đang ngủ, cũng chẳng muốn lôi nó ra ngoài làm gì.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gián tiếp lôi gấu ra bằng cách để một ít bánh mì ở ngoài cửa hang. Nếu bánh mì chưa có hiệu quả, bạn hãy phết mật vào. Ngửi thấy mùi mật thơm, bản năng sẽ dẫn dắt chú gấu theo mùi tìm đến. Thế là nó xuất hiện trước mắt bạn.
Thế là giờ đây chú gấu sẽ đi đâu là tùy ý bạn, nếu bạn cứ để lại vết mật ngọt và bánh mì sau lưng mình.
Nếu “chú gấu” ấy là một người đàn ông, miếng bánh chính là cơ hội để anh làm một việc gì đó, còn mật ngọt ở sự trân trọng anh cảm nhận được từ chị khi anh thực hiện công việc ấy. Cũng như loài gấu, đàn ông luôn tìm mật ngọt. Khi thấy rõ là có sự chấp nhận và trân trọng, họ luôn muốn “rời khỏi hang”.
Biểu hiện thứ ba: Người đàn ông muốn chứng tỏ quyền hành.
Khi giá trị nam tính của người đàn ông không được hỗ trợ và sau một thời gian tự giam mình “trong hang”, phản ứng thứ ba sẽ xuất hiện. Người đàn ông trong anh vẫn “ở lại hang”, nhưng phần nữ tính lại ra ngoài. Đột nhiên anh muốn được vợ chăm sóc, nhưng vì là nam giới, nên cách anh thể hiện nhu cầu không mấy mềm mỏng.
Giống như phụ nữ, người đàn ông lúc này có cảm giác mình đã nỗ lực, đã làm đủ mọi việc nhưng chẳng được bù đắp. Thực tế là khi ấy, anh đang thiên về phần nữ tính trong mình, lời nói vì thế mà giàu cảm xúc hơn bình thường. Anh dễ bị tổn thương, xúc phạm và rất hay bực mình.
Tóm lại, một khi người đàn ông chưa thể “ra khỏi hang” hoàn toàn, giá trị nữ tính trong anh sẽ xuất hiện và chi phối quan hệ tình cảm đôi bên. Anh sẽ có khuynh hướng giận dữ quá mức trước lỗi lầm của vợ, có nhu cầu tâm sự bức xúc, hay thanh minh nhiều hơn để bảo vệ hành động của mình, và luôn muốn bắt vợ xin lỗi vì đã làm anh bực mình.
Khuynh hướng này thể hiện rõ nhất ở những người đàn ông nghiện rượu ngược đãi vợ con. Thường họ đòi hỏi người khác tôn trọng mình bằng những mệnh lệnh đại loại như: “Đây là nhà tôi, cô muốn sống trong nhà này thì phải…”, v.v.
Cho dù không nghiện rượu thì người chồng trong giai đoạn này vẫn có những biểu hiện như trên. Khi ấy, tốt nhất anh nên ngừng cuộc trò chuyện lại và tập cho mình thói quen kiềm chế cảm xúc. Dưới đây là một số suy nghĩ nam giới nên kiềm chế.
Tất cả những suy nghĩ trên đều rất tiêu cực, ích kỷ, ngạo mạn, gia trưởng, không hề có tác dụng tạo bầu không khí tin cậy và cởi mở. Nếu thực sự muốn đón nhận tình yêu, sự hỗ trợ như ý muốn, người chông phải tập kiềm chế kiểu suy nghĩ đó. Trước khi nói, anh nên đặt trọng tâm vào trái tim và tâm trí thay vì phản ứng một cách sốc nổi.
Khi vai trò cảm xúc bị đảo lộn, nam giới rất cần sự trân trọng. Cố khiến người khác phải khiếp sợ chỉ có thể mang lại cho anh cảm giác thỏa mãn tạm thời. Khi xảy ra mâu thuẫn, anh tìm mọi cách giành phần đúng về mình, nhanh chóng đổ lỗi và bác bỏ ý kiến của đối phương. Thực ra lúc này trong anh vẫn đang âm ỉ khao khát được trân trọng.
Mặc dù muốn biết cảm xúc của vợ, nhưng khi chị kể, anh lại sẵn sàng lao vào tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Những cuộc tranh cãi quyết liệt đem lại cho anh cảm giác hả hê, nhưng đó chỉ la sự thanh thản tạm thời.
LÝ DO KHIẾN NGƯỜI VỢ KHÔNG CHỊU TRÒ CHUYỆN
Trong những buổi hội thảo, tôi thường nghe những lời phàn nàn tương đối giống nhau của nam giới. Chẳng hạn một hôm, giữa hội trường, Tim đứng lên chia sẻ với mọi người chuyện của anh. Anh than thở rằng mình rất có thiện chí cải thiện quan hệ tình cảm vợ chồng, nhưng kết quả chẳng ra sao. Anh lên tiếng chất vấn tôi:
- Anh cho rằng phụ nữ luôn muốn trò chuyện đúng không? Thế tại sao khi tôi lên tiếng nói chuyện, vợ tôi lại không chịu mở miệng lấy một câu?
- Thế có khi nào cô ấy trách anh không chịu lắng nghe nên không thể nói chuyện với anh được không? - Tôi hỏi lại.
- Có chứ. Vợ tôi chỉ nói có thế. - Anh đáp - Nhưng đâu phải vậy. Tôi nghe chứ. Tôi là người muốn trò chuyên nhiều hơn mà. Tôi nghe theo mọi lời khuyên của anh, làm hết những việc người chồng cần làm, từ nấu ăn, lau chùi đến việc lên lịch hẹn… Nói chung là lo liệu đủ chuyện, thế mà vợ tôi vẫn cứ lui vào một chỗ và im lặng.
- A, cô ấy không nói chuyện với anh cũng chính vì lý do đó - anh không lắng nghe. - Tôi thẳng thắn nói.
Không thừa nhận điều đó, Tim lên tiếng bác bỏ ý kiến của tôi.
- Không, anh không hiểu rồi. Tôi lắng nghe với thái độ rất thông cảm, nhưng tôi cũng cần cô ấy lắng nghe cảm xúc của tôi nữa chứ.
- Cách anh nói chuyện với vợ chắc cũng giống như với tôi, phải không? - Tôi không ngần ngại nói tiếp - Cứ tranh luận kiểu này, chắc chắn anh sẽ khiến cô ấy không muốn trò chuyện với anh nữa. Cho dù ban đầu cô ấy có ý định tâm sự cùng anh, nhưng rồi chính thái độ của anh đã chặn ngang ý định ấy lại. Đơn giản, phụ nữ không thể nào có cảm giác an tâm và tôn trọng khi chồng nói chuyện với mình bằng giọng điệu kẻ cả, yêu sách, nhất là trước đời sống tình cảm của chị.
Trường hợp khi chồng đòi hỏi quá nhiều về tình cảm, hoặc quá nhạy cảm, dễ chạm tự ái, người vợ sẽ khó tâm sự cùng anh những ngổn ngang trong lòng. Chị không an tâm chia sẻ cởi mở với chồng. Cách duy nhất làm cho chị cảm giác an toàn lúc này là rút vào không gian riêng tư của mình.
Hành động này càng khiến chị nghiêng về phần nam tính hơn nữa. Để tự vệ trước những đòi hỏi tiêu cực ở chồng, người vợ buộc mình phải trở nên mạnh mẽ hơn. Dần dần chị cảm thấy chỉ có thế giới riêng của bản thân mới mang lại cho chị cảm giác thoải mái và có xu hướng sống khép mình trong đó.
Dưới đây là một số gợi ý khi người chồng muốn trò chuyện còn vợ thì ngược lại:
Anh nên nói: Anh biết em có chuyện bận tâm mà. Gì vậy em?
Không nên nói: Anh bực quá, chúng ta cần nói chuyện với nhau một chút.
Nếu vợ trả lơi: Em không muốn nói chuyện với anh.
Anh nên trả lời: “À!”, sau đó dừng một lát và cân nhắc làm sao để tạo sự an tâm, thoải mái cho vợ trò chuyện cùng mình. Không nên dùng giọng điệu kể công mà nói rằng: “Dĩ nhiên em nói chuyện với anh được chứ. Anh đang cố gắng vun đắp tình cảm vợ chồng mình đây, tại sao em không làm điều đó?”
Nếu chị bảo: “Anh lúc nào cũng tranh cãi với em. Em chẳng có hứng thú gì mà trò chuyện với anh cả”.
Câu trả lời tốt nhất lúc này là: “Có thể em nói đúng”.
Quan trọng nhất là người đàn ông cần biết bình tĩnh và bao dung. Đây cũng là cách duy nhất để lấy lòng vợ. Hãy thể hiện cho chị thấy rằng anh chẳng để ý và không chấp nhặt những lời công kích từ chị. Có được sự an tâm ấy, vợ anh sẽ bắt đầu cởi mở hơn. Không nên trả lời rằng: “Anh sẽ không cãi em nữa, anh chỉ muốn trò chuyện thôi!”, bởi thực chất đây vẫn chỉ là sự đôi co lẫn nhau mà thôi.
Điều cần chú ý là nam giới không nên dồn đối phương bằng những cảm xúc tiêu cực vốn nằm ngoài khả năng xử lý của phụ nữ. Thay vì làm nỗi bực tức của vợ trào dâng, anh nên rút lui để suy ngẫm. Sau khi đã bình tĩnh lại, anh nên tập trung vào giải pháp để thực hiện một chiến thuật khả thi nào đó đảm bảo cho mình có được sự trân trọng như ý muốn.