H
iểu biết mới về bốn loại cảm xúc đã nói ở trên giúp ta nhận thấy nếu chỉ biết suy ngẫm không thôi, thì không thể nào giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, đôi lúc việc chìm đắm vào cảm xúc như giăng bẫy trái tim, tâm hồn ta chẳng vơi bớt muộn phiền mà chỉ thấy nặng nề hơn. Cũng như khi sa vào chốn đầm lầy, càng cố vùng vẫy thoát khỏi nỗi đau, ta càng chìm sâu vào nó.
Sau vài lần như thế, ta thường tìm cách lảng tránh những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Trước mắt, có thể ta bớt khổ tâm, nhưng sự thanh thản tạm thời này ẩn giấu trong nó cái giá khá đắt.
Chối bỏ cảm xúc tiêu cực, ta sẽ dần đánh mất khả năng cảm nhận những điều tốt đẹp trong lòng.
Dành thời gian chơi đùa bên trẻ nhỏ giúp ta có được rất nhiều niềm vui. Tâm hồn thơ ngây, trong sáng của chúng sẽ làm sống dậy trong ta những cảm xúc hồn nhiên nhất. Thuở bé, tất cả mọi người đều biết cảm nhận niềm vui một cách trọn vẹn, nhưng lúc trưởng thành ta lại mất đi khả năng ấy theo những mức độ khác nhau. Trước sóng gió và thất bại trong đời, ta có thể rơi vào tình trạng tê liệt cảm xúc. Không còn cảm nhận giận dữ, buồn phiền, sợ hãi, hay đau khổ nữa nên rốt cuộc ta cũng mất khả năng cảm nhận tình yêu, niềm vui, lòng biết ơn và sự thanh thản. Nếu những xúc cảm tiêu cực không được giải tỏa, ta sẽ sống trong tâm trạng lo lắng và sợ bị yếu lòng trước những cảm xúc đó.
Khi cảm xúc tiêu cực không còn bị đè nén trong lòng thì cánh cửa tâm hồn ta sẽ lại rộng mở. Một khi biết cảm nhận trọn vẹn cả bốn loại cảm xúc trên, không những ta có thể chữa lành trái tim rỉ máu, mà còn truyền cho tâm hồn sức sống mới, mạnh mẽ hơn. Có thể bây giờ bạn thấy chuyện này khó hình dung, nhưng sau khi chữa lành vết thương lòng, bạn sẽ có thể yêu thương và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn trước.
CÂN BẰNG CẢM XÚC
Cách đây không lâu, tôi đến rạp chờ xem một bộ phim kinh dị. Thường thì tôi không thích thể loại này, nhưng nghe nói bộ phim mang đậm chất tâm linh nên tôi cũng muốn xem thử. Với tâm trạng hết sức căng thẳng, tôi ngồi đếm từng giây phút chậm chạp trôi qua, bao nỗi sợ hãi mơ hồ dần choáng ngợp tâm trí tôi.
Khi ấy trong rạp, khán giả chỉ có tôi và cô bạn. Ngay trước khi bắt đầu bộ phim, một anh chàng cao lớn với chiếc nón cao bồi vắt vẻo trên đầu chễm chệ ngồi xuống ngay phía trước. Cả rạp vắng ngắt như vậy mà anh ta thật vô ý và chẳng biết điều chút nào, cứ choán hết tầm nhìn của tôi. Tôi thấy giận vô cùng và cũng chẳng nhận ra rằng người đàn ông kia không biết mình đang làm phiền người khác. Cao lớn như anh ta thì có bao giờ biết bị chắn tầm nhìn khi đi xem phim là thế nào đâu.
Thay vì nhắc anh ta chuyển sang một chỗ ngồi khác, tôi cứ im lặng ngồi đó và càng lúc càng tức điên người. Khoảng ba bốn phút sau, tôi quyết định trả đũa. Tôi đứng lên, cùng cô bạn đến ngồi ngay trước mặt anh ta. Rốt cuộc tôi mới thấy anh ta cũng chẳng phiền chút nào. Thậm chí dường như anh còn không quan tâm có chuyện gì xảy ra nữa.
Còn tôi ngồi ung dung tự đắc, sung sướng vì hành động đầy sáng kiến của bản thân. Bất chợt tôi nhận ra bao nhiêu căng thẳng, băn khoăn về bộ phim lúc đầu đã hoàn toàn biến mất. Cảm giác tức giận đã xua tan nỗi lo lắng, sợ hãi trong tôi.
Có thể thấy, càng kiềm chế sự sợ hãi, nỗi sợ lại ngày càng tăng lên. Để kiểm chứng, bạn có thể thử giận dữ một chút mỗi khi thấy lo lắng, bạn sẽ nhận ra lòng mình nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Khi biết cân bằng sợ hãi với cảm xúc giận dữ, sự lo âu sẽ dần tan biến.
SA LẦY VÀO SỰ GIẬN DỮ TRIỀN MIÊN
Khi không thể cảm nhận nỗi buồn, sợ hãi, hay đau khổ, ta rất dễ bị sa lầy vào trạng thái giận dữ triền miên. Do nếp nghĩ nhiều đời nay trong xã hội, hình ảnh người đàn ông nổi giận vẫn dễ chấp nhận và cảm thông hơn khi họ tỏ ra quá buồn phiền, sợ hãi hay đau khổ. Đây chính là một trong những hạn chế trong quá trình hàn gắn vết thương tình cảm. Do không trải nghiệm ba cảm xúc còn lại nên họ cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi như thể bao đau đớn trong đời tích tụ, dồn vào trái tim cùng lúc. Chỉ khi nào những người đàn ông này biết đi hết hành trình hàn gắn vết thương, tâm hồn họ mới có thể thanh thản, thoát khỏi những ràng buộc do tập quán suy nghĩ xã hội áp đặt.
Cho dù là nam hay nữ, khi không biết sống thật với những xúc cảm của bản thân, họ sẽ dễ mắc phải những hạn chế giữa cho và nhận tình yêu. Người đàn ông gặp đau khổ trong tình cảm nhưng lại không dám thừa nhận sự mềm yếu, nhạy cảm của mình, thì hoặc anh ta sẽ trở nên gia trưởng, hoặc dè dặt, thờ ơ trong chuyện tình cảm về sau. Khi thấy mức độ yêu thương, gắn bó giữa đôi bên bắt đầu mặn nồng hơn, lập tức bao nhiêu cảm xúc buồn phiền, sợ hãi, đau buồn âm ỉ bấy lâu chợt trỗi dậy.
Do không muốn đối mặt với cảm giác dằn vặt ấy thêm lần nữa, người đàn ông thường có khuynh hướng rút lui. Trong anh là cảm giác bất lực vì không thể nào có được điều mình mong muốn, thêm vào đó là sự bối rối, hoang mang, thậm chí ngờ vực cả mối quan hệ gắn bó lâu nay. Vì cố gắng kiềm chế tình cảm nên tâm hồn anh trở nên ngày càng khắt khe, dè dặt và lạnh lùng hơn.
SA LẦY VÀO CẢM XÚC MỀM YẾU
Tương tự, cố kiềm chế tâm trạng giận dữ, người ta dễ sa lầy vào những cảm xúc sợ hãi và đau buồn. Với nữ giới, ngay từ nhỏ họ đã được uốn nắn để có tính nết nhu mì, dịu dàng và biết chịu đựng. Vì vậy, thái độ cự tuyệt hay giận dữ của người phụ nữ được khuyên là không nên.
Muốn hàn gắn vết thương tình cảm, phụ nữ phải biết vượt qua giới hạn thể hiện cảm xúc đó. Cho phép bản thân nổi giận là điều kiện quan trọng để người phụ nữ gieo lại trong lòng hạt mầm tin cậy vào tình cảm người khác. Nếu không cảm nhận được sự mạnh mẽ, sáng suốt khi cơn giận đã nguôi, họ sẽ thấy dường như bao lo sợ, đau khổ, phiền muộn cứ đè nặng tâm hồn mình đến nghẹt thở.
Nếu không có sự cân bằng giữa các trạng thái cảm xúc thì chỉ cần thoáng nghĩ tới việc gắn bó với ai đó cũng khiến tâm hồn người phụ nữ nhói đau. Họ né tránh tình cảm mới vì không muốn lặp lại đau khổ một lần nữa. Cũng vì không giải tỏa hết nỗi bực tức của bản thân nên thay vì thanh thản, những người phụ nữ này ngày càng thêm phiền muộn, hoài nghi và khắt khe. Có thể nói bản thân họ chính là trở ngại lớn nhất trên con đường tìm lại tình yêu và hạnh phúc cho riêng mình.
CẢM XÚC KHÔNG PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH
Thông thường phụ nữ khó có thể giải tỏa sự khó chịu và giận dữ, còn nam giới khá lúng túng trong việc xử lý những cảm xúc khi bị tổn thương, nhưng đó không phải là sự khác biệt mang tính bẩm sinh hay giới tính. Đó là do những ảnh hưởng từ bố mẹ, xã hội và cả những kỷ niệm thời thơ ấu của họ.
Dù cuộc sống xã hội đã tập cho người đàn ông quen kiềm chế cảm xúc tổn thương còn phụ nữ hay nén chịu cảm giác “nổi loạn”, nhưng thực tế có nhiều trường hợp ngoại lệ, nhất là khi đổ vỡ tình cảm. Nếu có cơ hội thể hiện, nam giới cũng có thể cảm nhận tổn thương như phụ nữ và phái yếu cũng thể hiện sự bùng nổ cảm xúc như ở nam giới mà thôi.
Hành trình hàn gắn vết thương trái tim chỉ có thể tiến triển tốt khi chúng ta biết tìm hiểu những sắc thái tình cảm bị lý trí che khuất. Thường người ta chỉ có thể giải tỏa trọn vẹn nỗi đau khi dành thời gian nhìn lại những kỷ niệm quá khứ. Một khi đã thể hiện cả bốn trạng thái cảm xúc ấy, họ sẽ thoải mái đón nhận những tình cảm tích cực tiềm ẩn như yêu thương, tha thứ và biết ơn.
Khả năng cảm nhận khác nhau không phải do giới tính quy định mà do những ảnh hưởng từ bố mẹ, xã hội và kỷ niệm thời ấu thơ.
Một ví dụ tiêu biểu
Dưới đây là ví dụ tiêu biểu cho trường hợp sa lầy vào sự phẫn nộ, giận dữ khi tâm hồn không giải tỏa hết bốn trạng thái cảm xúc trong quá trình hàn gắn vết thương.
Trong thời gian tôi làm công việc tư vấn, có một người đàn ông trẻ tuổi tên là Tom tìm đến. Tom cảm thấy bản thân mình chứa đựng nhiều mâu thuẫn, bất ổn. Trước tiên, anh tâm sự rằng, anh cảm thấy rất dễ chịu sau khi ly hôn, như thể anh mới được giải thoát và sống trong tự do vậy. Anh nhớ lại: “Tôi không thể nào chịu đựng được những đòi hỏi quá quắt của vợ mình. Dường như tôi làm cho cô ấy bao nhiêu cũng không đủ. Đời sống hôn nhân khiến tôi thực sự thất vọng”.
Dù bản chất tốt và luôn có thiện chí với vợ mình nhưng Tom vẫn không giấu được vẻ giận dữ khi tâm sự về cuộc sống hôn nhân đã qua. Anh phẫn nộ bởi thấy nỗ lực của mình không được trân trọng. Ngày trước, mỗi khi bực tức, anh chỉ biết trách móc rồi cho qua, tự nhủ mình sẽ không bao giờ dính dáng đến kiểu đàn bà quá quắt như vậy.
Ly dị rồi, anh dần vui vẻ trở lại. Anh nghe loại nhạc ưa thích, làm việc theo giờ giấc riêng, ăn uống, xem phim tùy ý. Anh bắt đầu có những cuộc hẹn mới vui vẻ, nhưng khi những người phụ nữ đó tỏ ý muốn xây dựng tình cảm sâu hơn, anh lập tức có phản ứng đề phòng và đơn phương rút lui. Tom cho rằng người đàn bà nào cũng thế thôi, họ chỉ biết vòi vĩnh, đưa ra hết yêu sách nọ đến yêu sách kia mà chẳng thèm quan tâm đến suy nghĩ của người khác.
Khi được tư vấn, Tom dần nhận ra được rằng cùng một sự việc nhưng cách phản ứng giữa nam và nữ có thể khác nhau, đó là điều bình thường và tất yếu trong quan hệ tình cảm. Cuối cùng, tâm trí anh cũng biết chấp nhận nhu cầu chia sẻ những cảm xúc tiêu cực ở người phụ nữ, nhưng rồi anh vẫn bực mình khi thấy người phụ nữ anh mới quen tỏ vẻ khó chịu.
Tôi chợt hiểu rằng, để Tom có thể điều chỉnh kỳ vọng tình cảm của mình một cách hiệu quả, anh nên hàn gắn trái tim từng tan nát vì mất mát yêu thương. Chúng tôi cùng ngồi lại với nhau, nhìn nhận lại giai đoạn Tom đau khổ vì hôn nhân đầu tiên đổ vỡ và những thất bại nhiều năm trước, đúng là anh thực sự chưa đi hết quá trình để có thể chữa lành vết thương tình cảm.
Chỉ có thể điều chỉnh kỳ vọng tình cảm một khi ta đã hàn gắn vết thương lòng của mình.
Khi ly hôn, Tom chỉ biết rất nhẹ nhõm mà không thấy lòng mình có những nỗi đau cần xoa dịu. Khi tâm sự về chuyện đã qua, lần đầu tiên anh có thể bộc lộ cảm xúc giận dữ, nhưng tuyệt nhiên không thấy một chút đau buồn hay khổ sở gì. Anh chỉ thấy vui vẻ vì mối quan hệ tồi tệ ấy đã chấm dứt. Cuối cùng, Tom nói thật nhiều về cảm xúc của mình khi vợ chồng mới ăn ở với nhau. Thực ra, anh cũng thấy thoáng buồn phiền nhưng xúc cảm đó nhanh chóng bị chặn lại. Còn về cảm giác đau đớn, Tom tâm sự với tôi kỷ niệm buồn khi người bố kính yêu của anh qua đời.
Năm đó, Tom mới mười hai tuổi, một cú sốc quá tàn khốc xảy đến với mẹ con anh _ bố anh qua đời trong một tai nạn xe hơi đột ngột. Trong lễ đưa tang bố, ai đó đã ghé vào tai an ủi và khuyên anh rằng, hãy mạnh mẽ để che chở và là chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Bất chợt, Tom đưa tay lau sạch nước mắt. Những tháng ngày sau đó, anh luôn tỏ ra vui vẻ và tìm cách che giấu những mệt mỏi, đau khổ của bản thân.
Đến lúc trưởng thành, Tom không chịu nổi sự buồn phiền, thất vọng đối với người bạn đời vì thực ra trong anh chưa thực sự giải tỏa những cảm xúc này. Chính việc né tránh nỗi buồn, sự phiền muộn khiến anh không thể chịu đựng hay thông cảm với người bạn đời. Kết quả, anh thường lấy sự giận dữ để trút bỏ bức xúc trong mình.
Với Tom, điều quan trọng anh cần làm lúc này là trải nghiệm mọi xúc cảm thiếu hụt trong lòng, qua đó dần dần điều chỉnh kỳ vọng, đồng thời nhìn nhận đúng nhu cầu thể hiện cảm xúc tiêu cực ở người phụ nữ bên anh. Từ sự điều chỉnh ấy, anh sẽ khắc phục được thái độ né tránh, đề phòng và những đòi hỏi phi lý với người mình yêu.
MỞ RỘNG TÂM HỒN ĐÓN NHẬN LẠI TÌNH YÊU
Thông thường, khi lòng cứ mãi day dứt vì một cảm xúc nào đó, tốt nhất ta nên nhớ lại quá khứ, có khi nào ta chưa cảm nhận, chia sẻ, hay để mình trải nghiệm trọn vẹn cảm giác ấy không. Biết đặt câu hỏi cho mình sẽ giúp ta tự nhìn nhận và kiếm tìm những giải pháp thích hợp cho bản thân.
Hãy trải nghiệm mọi cảm xúc thật nhất - đúng với con người mình để tâm hồn thực sự thanh thản. Đó cũng là cách ta tự mở cho mình cánh cửa của niềm tin yêu và hạnh phúc.