K
hi yêu, chẳng ai lại băn khoăn và dự tính rằng tình yêu của mình có thể tồn tại bao lâu. Ngược lại, chúng ta luôn tin tưởng rằng tình cảm ấy sẽ mãi bền vững. Nhưng hạnh phúc đâu phải lúc nào cũng trọn vẹn như ta mong muốn. Sự đổ vỡ, mất mát trong tình yêu là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nỗi đau ấy chi phối rất nhiều đến cuộc sống sau này của mỗi người.
Chấm dứt tình cảm gắn bó sâu đậm bấy lâu, trái tim rất cần sự quan tâm và thời gian để trải nghiệm trọn vẹn nỗi đau trước khi bước vào một hành trình mới. Do mỗi người có thể gặp một hoàn cảnh riêng nên quá trình hàn gắn vết thương sẽ có những khó khăn, lúng túng khác nhau. Vì vậy, cần phải hiểu rõ yêu cầu của nó để không vô tình cản trở quá trình tự lành vết thương. Chỉ với một kết thúc thanh thản, ta mới dễ dàng mở ra một khởi đầu tốt đẹp.
ĐAU KHỔ VÌ BI KỊCH
Như tôi từng tâm sự ở đầu sách, ngay trong tuần trăng mật của mình, tôi được tin bố mất. Đúng là trước đó, chưa bao giờ tôi có thể hình dung được nỗi đau đớn, sửng sốt rồi tức giận, hoảng sợ trong tôi lại khủng khiếp đến vậy. Nhưng cũng từ trải nghiệm đau buồn ấy, tôi thêm trưởng thành hơn.
Đó là một ngày định mệnh, bố tôi cho một kẻ lạ trên xa lộ quá giang, hắn đã cướp của, rồi trói và bỏ mặc ông trong cốp xe. Sau nhiều giờ liền, bố tôi chết vì say nắng. Khi tang lễ kết thúc, bỗng nhiên tôi muốn gần gũi bố theo một nghĩa nào đó để có thể cùng chia sẻ với người sự đau đớn ấy. Một thôi thúc nảy sinh trong tôi rằng, mình phải cảm nhận những gì bố từng chịu đựng trong những giây phút cuối đời. Có mẹ và mấy anh em xung quanh, tôi chui vào cốp xe và nhờ mọi người đóng nắp lại.
Nằm trong không gian ấy, thật ra nó cũng không quá bó hẹp như tôi tưởng, tôi lờ mờ nhìn thấy những dấu vết bố đã dùng cái tuốc-nơ-vít gõ vào nắp thùng xe. Chắc ông hy vọng sẽ có người nghe thấy và tới cứu, nên hẳn ông đã gõ liên hồi như thế. Rồi tôi thấy chỗ bố đã cố hết sức gạy chốt. Chợt tôi phát hiện, ông đã kéo lùi cái chụp đèn chiếu hậu để hớp chút không khí.
Bất giác, tôi thò tay vào cái lỗ ấy một lát. Khi ấy, em trai tôi bên ngoài lớn tiếng bảo: “Thử xem tay anh có chạm vào cái nút bật nắp cốp không nào!” . Tôi bèn duỗi thẳng tay, chạm nút, nhấn khẽ và nắp cốp lập tức bật ra.
Mọi người ở đó đều sững sờ. Giá mà bố tôi nghĩ ra điều này thì người vẫn còn vui sống cùng mẹ con tôi. Thường là thế, khi cố gắng vẫy vùng thoát khỏi chiếc hộp, người ta không nhớ mình đã chui vào thế nào. Chắc chắn trước khi có gợi ý của em trai, tôi đã không nghĩ ra được điều đó. Bố tôi cũng vậy, do quá hoảng hốt nên ông bị mắc kẹt trong cốp đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Nhiều tháng sau khi bố mất, tôi sống trong tâm trạng phẫn nộ bởi hành động dã man của kẻ sát nhân, rồi buồn vì không còn bố trên đời. Hàng ngày, những cơn ác mộng rằng mình sẽ bị nhốt và chết trong chiếc hòm khóa chặt tương tự như bố thường ám ảnh tôi. Không những thế, tôi luôn cảm thấy đau khổ, bất lực vì không thể nào đưa bố trở lại cuộc đời.
Sau khi tâm sự và lắng nghe lời khuyên từ những người từng ở vào hoàn cảnh tương tự, vết thương trong lòng tôi dần dần lắng dịu. Thay vào sự nhói đau trong tim, mỗi kỷ niệm về bố trở nên dễ chịu hơn. Tôi bắt đầu cảm nhận hơi ấm tình yêu bố dành cho tôi khi chúng tôi còn sống bên nhau. Dần dần trong tôi là một cảm giác thương yêu và thanh thản lạ kỳ.
Khi ta có thể hồi tưởng chuyện đã qua và cảm nhận tình yêu trỗi dậy trong lòng không một chút đau đớn nghĩa là quá trình hàn gắn vết thương tình cảm đã thật sự chấm dứt.
Dù phải trải qua bi kịch đầy nước mắt, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn 75 ĐÀN ÔNG SAO HỎA, ĐÀN BÀ SAO KIM - TÌM LẠI TÌNH YÊU nhiều người bởi mình đã vượt lên được nỗi đau ấy. Trong cuộc sống, có hàng trăm ngàn người không thể nào gượng dậy sau một mất mát bi thảm. Thay vì tìm thấy sự thanh thản, họ lại sống triền miên trong lặng lẽ, khổ đau và luôn vướng mắc trong sự phiền muộn của bản thân.
MẤT NGƯỜI BẠN ĐỜI
Khi mất người thân trong một tai nạn thảm khốc, ta có thể đau đớn đến bàng hoàng. Nhưng nỗi đau nào rồi cũng qua đi. Điều quan trọng là phải hiểu được cách chữa lành vết thương lòng, không để nhầm lẫn giữa nỗi đau với tình cảm yêu thương dành cho người đã khuất. Giữ mãi trong lòng nỗi đau, không phải là cách tốt để thể hiện tình cảm sâu nặng với người xưa.
Không phân biệt được sự khác nhau ấy, chỉ cần một thoáng thanh thản, vui vẻ lướt qua tâm trí cũng khiến ta tự buộc tội rằng mình sống vô tình, rằng tại sao mình có thể dễ dàng quên đi nỗi đau mất mát để vui vẻ trở lại như vậy… Ngược lại, nếu lý trí cứ cố tìm niềm vui để khỏa lấp nỗi buồn vắng, cô đơn, thì trái tim cũng không thể thoát khỏi day dứt. Những kiểu suy nghĩ này khiến ta không thể nào nguôi ngoai chuyện cũ.
Để vết thương thực sự lành lặn, ta không chỉ cần chiêm nghiệm những cảm xúc tiêu cực trong lòng, mà còn phải biết cho phép mình bỏ qua chuyện cũ và vui tươi trở lại. Cuối cùng, khi hồi tưởng mất mát, có thể trong ta vẫn dấy lên nỗi buồn và sự thiếu vắng, nhưng hơi ấm tình yêu dành cho người xưa dần ngự trị, lan tỏa khắp tâm hồn – đó là lúc trái tim đã liền vết trở lại. Ta thấy mình thanh thản, luôn được tình yêu chở che, đồng thời có thêm động lực bắt đầu xây dựng lại cuộc đời mới.
Bi thảm hơn cái chết là cứ tiếp tục sống với trái tim tan vỡ.
Đau khổ khôn nguôi không phải là bằng chứng của tình yêu bất diệt, đúng hơn đó là căn bệnh cần chữa trị. Chẳng ai muốn sống một cuộc đời thiếu vắng tình yêu. Thậm chí, sống với một trái tim tan vỡ còn bi thảm, đáng thương hơn cả cái chết. Yêu thương người khác khi bạn đời vĩnh viễn ra đi không có nghĩa là ta đã hết tình cảm với người xưa.
Ngoài ra, nếp sống và suy nghĩ quá khứ khiến ta ngại thể hiện trọn vẹn bốn cảm xúc hàn gắn đó. Vì vậy, tư vấn riêng, nói chuyện chuyên đề hay nhóm hỗ trợ sẽ giúp phá vỡ nề nếp cũ để thực sự chiêm nghiệm những xúc cảm ẩn khuất của bản thân.
NỘI LỰC HÀN GẮN TRÁI TIM
Tìm người tâm sự, chia sẻ là việc làm cần thiết giúp ta giải tỏa những xúc cảm bị kiềm chế trong lòng bấy lâu. Chẳng hạn, khi một người bạn bộc lộ sự giận dữ không chút vướng bận sẽ làm cơn giận bấy lâu ngủ quên trong ta tự nhiên bừng tỉnh. Ta sẽ thấy lòng mình thoải mái và thanh thản hơn. Điều này cũng giống như những giọt nước mắt mỗi khi gặp chuyện buồn. Đó không hẳn là những giọt lệ tuyệt vọng, làm hạ thấp giá trị bản thân mà đó là những giọt lệ khiến tâm hồn dễ chịu, giúp ta tiếp tục gượng dậy sau mỗi nỗi đau.
Hãy khóc để thấy lòng thanh thản và tiếp tục gượng dậy sau mỗi nỗi đau.
Ngoài ra, việc tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề và nhóm hỗ trợ giúp ta nhìn nhận, điều chỉnh hướng suy nghĩ tiêu cực của mình. Mối quan hệ bền vững với một chuyên gia tư vấn cũng cho ta sự an tâm, tin cậy để có thể cảm nhận trái tim mình sâu hơn. Qua tâm sự với ai đó biết thông cảm với mất mát, ta sẽ thấy an tâm chiêm nghiệm những sắc thái tình cảm còn ẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn. Khi người tư vấn giàu kinh nghiệm biết nêu đúng câu hỏi vào thời điểm thích hợp, những xúc cảm ẩn khuất sẽ tự nhiên thức dậy, lòng ta sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn.
Bài tập tự hỗ trợ cũng rất hiệu quả, đặc biệt kết quả được tăng lên đáng kể khi kết hợp với trị liệu tâm lý, tham gia buổi nói chuyện chuyên đề và nhóm hỗ trợ. Tất cả những phương pháp đề xuất ở đây thực ra đều có thể thực hiện một mình, nhưng cũng có thể kết hợp với sự trợ giúp của nhóm hỗ trợ hay của chuyên gia tư vấn. Tốt nhất là nên chia sẻ những cảm xúc đau đớn của mình với người khác, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình hàn gắn vết thương. Khi có được sự chia sẻ, nỗi đau sẽ được giải tỏa và việc hàn gắn sẽ hiệu quả hơn.
NHỮNG THỬ THÁCH TRONG QUÁ TRÌNH HÀN GẮN VẾT THƯƠNG LÒNG
Mọi nỗi mất mát đều ẩn chứa những thử thách riêng. Carol mất Steve trong một tai nạn xe hơi đột ngột, tàn khốc. Trước đó ở nhà, Carol đã nhắc anh phải cài dây an toàn lúc lái xe. Khi nhận tin chồng chết, chị mới biết anh đã không làm theo lời nhắc nhở của chị, bởi vậy lẽ ra chỉ bị thương xoàng, anh phải thiệt mạng. Cùng với sự mất mát ấy là những gánh nặng cuộc sống đổ dồn lên vai chị.
Bao cảm xúc chen lấn trong tâm hồn Carol, vừa đau buồn, vừa giận dữ, lại thêm sợ hãi. Chị buồn vì rất yêu và nhớ chồng, nhưng cũng giận vì Steve không chịu cài dây an toàn, đồng thời còn lo lắng khi phải đối mặt với những khó khăn tài chính trước mắt. Vì không biết phải dành thời gian trải nghiệm và tìm hiểu từng mức độ cảm xúc nên Carol chỉ thấy choáng ngợp, mệt mỏi, tâm trạng lúc nào cũng rối bời.
Trong lễ tang Steve, Carol thấy buồn vô hạn, nhưng sâu thẳm trong lòng chị cũng sục sôi tức giận, trách móc. Càng cố kiềm nén sự giận dữ đó, chị càng khó cảm nhận nỗi buồn thật sự trong lòng. Những giọt nước mắt không giúp Carol thanh thản. Trong chị chỉ thấy một cảm giác chết lặng nhói lòng.
Khi ta cố gắng kiềm chế sự giận dữ trong lòng, nỗi buồn sẽ biến thành cảm giác than thân trách phận.
Khi không thể tâm sự cùng ai đó những cảm xúc rối bời trong lòng, sự trách móc sẽ luôn tồn tại và ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ khác trong cuộc sống chúng ta. Ta cảm tưởng như mình trở thành nạn nhân trong suốt phần đời còn lại. Do sống trong tâm trạng giận dữ, trách móc đó, nên mặc cảm có lỗi trong ta sẽ ngày càng nặng nề thêm.
Qua tư vấn, cuối cùng Carol đã có thể thổ lộ mọi nỗi giận dữ, sợ hãi còn ẩn khuất trong tâm hồn. Từ đó chị mới biết cảm nhận và giải tỏa buồn phiền và đau khổ. Mặc cảm có lỗi biến mất, chị bắt đầu thấy lạc quan hơn với niềm hy vọng mình sẽ đáp ứng tốt những trách nhiệm trước mắt.
SA LẦY TRONG CẢM GIÁC GIẬN DỮ
Vợ chồng Sharron và Ed lúc nào cũng cãi vã. Tính tình đôi bên quá khác biệt và không thể tiếp tục chung sống nữa. Sau khi ly thân, Sharron thấy lòng mình rối bời cảm xúc. Chủ yếu là sự giận dữ, nhưng sâu xa chính là cảm giác lo sợ. Chị trăn trở với ý nghĩ bé Nathan chín tuổi không được nuôi dạy đúng cách khi về ở với bố. Hẳn chồng chị thế nào cũng làm con hư mà thôi.
Bất đồng nảy sinh khi hai vợ chồng chị, mỗi người muốn dạy dỗ con theo cách riêng. Sharron muốn con hiểu được giá trị của đồng tiền và việc làm ra nó chẳng phải dễ dàng gì; trái lại, Ed rất chiều con, mua mọi thứ bé thích. Sharron muốn dạy con phụ giúp gia đình bằng cách làm việc lặt vặt, nhưng Ed thương hại thằng bé nên lại làm thay. Cứ thế, mâu thuẫn giữa họ lớn dần lên.
Cảm giác lo sợ, đau khổ về đứa con trai thực tế đã tác động đến cơn giận của chị đối với Ed. Ly thân rồi nhưng chị thấy lòng mình vẫn không thoát khỏi bực bội. Những ngày tháng sau đó, bé Nathan gặp nhiều vấn đề ở trường khiến chị càng giận chồng và con trai. Hơn nữa, sau khi ly hôn, Sharron phải đi làm trở lại nên không có nhiều thời gian ở cạnh con. Cảm giác buồn và cắn rứt vì không thể dành nhiều thời gian hơn cho con trai khiến chị càng thấy có lỗi và bực mình nhiều hơn.
Trong cơn giận, ta rất khó động lòng thương xót.
Thực ra Sharron chưa bao giờ dành đủ thời gian cần thiết cho quá trình đau khổ vì hôn nhân tan vỡ. Do vậy, cảm giác thất vọng vì chưa làm tròn trách nhiệm của người mẹ ngày càng đè nặng trong lòng chị. Chị giận vì mình không thể giải quyết tận gốc những vấn đề của con. Thấy mình gắt gỏng, vô cảm với con, chị càng thấy có tội hơn. Cảm giác này tiếp thêm dầu vào lửa, nỗi giận Ed càng bốc lên ngùn ngụt trong lòng chị.
Từ thời gian cảm nhận nỗi buồn, cuối cùng ta mới cho qua cảm giác giận dữ để có thể tha thứ.
Sau buổi nói chuyện chuyên đề Sao Hỏa – Sao Kim và được biết về bốn cảm xúc hàn gắn vết thương tình cảm, Sharron đã dành thời gian chiêm nghiệm nỗi buồn và đau khổ vì mất mát. Cuối cùng, chị hiểu ra rằng lỗi không phải ở Ed, chẳng qua chỉ vì sự khác nhau trong quan điểm của hai người mà thôi.
Những giọt nước mắt khiến cơn giận của Sharron dịu lại, chị nhìn Ed với thái độ trân trọng hơn. Kỷ niệm tình yêu giúp chị có thể cho qua chuyện cũ trong cảm xúc yêu thương, niềm lạc quan lớn dần trong chị. Sharron từ bỏ suy nghĩ trước đây rằng kết hôn là chuyện điên rồ, từ đó chị lấy lại niềm tin để tìm cho mình một quan hệ tình cảm bền vững trong tương lai.
Sharron nhận ra rằng, trước mặt con trai, chị nên nói những lời tốt đẹp về Ed. Một khi nhận ra những phẩm chất tốt đẹp ở người cha, con trai chị sẽ dễ dung hòa sự khác biệt giữa bố mẹ mình. Điều quan trọng hơn, Sharron nghiệm ra rằng, chị có thể bất hòa với cá tính của Ed nhưng không được quyền hạ thấp giá trị con người anh.
Yêu thương nhau chính là món quà tuyệt vời nhất bố mẹ dành tặng con cái.
Khi chủ động cho phép mình chiêm nghiệm sâu hơn những cảm xúc phiền muộn trong lòng, Sharron có thể giải tỏa cảm xúc giận dữ để trái tim nhân hậu hơn. Chị hạnh phúc và bé Nathan cũng thế. Niềm tin yêu cuộc sống lại trở về trong tâm hồn họ.
KIỀM NÉN CẢM XÚC
Khi thấy mình đang cố gắng kiềm chế tình cảm vì một lý do nào đó - đó cũng là lúc ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Có thể ta không an tâm chia sẻ những ý nghĩ giận dữ với gia đình, bè bạn, nên tư vấn ở chuyên gia trị liệu là ý kiến rất hay.
Muốn tìm sự thanh thản, ta nên chủ động tạo không gian thích hợp để có thể bộc bạch những cảm xúc khó chịu, oán hận. Một khi thoải mái nhìn nhận và tâm sự hết nỗi lòng mình, trái tim có thể lành lại vết thương, từ từ mở cửa đón nhận những tình cảm tha thứ, thông cảm, yêu thương và tin cậy.
Người tư vấn giỏi không phán xét cảm nghĩ của khách hàng. Qua thái độ lắng nghe và nêu câu hỏi, họ sẽ khuyến khích ta thể hiện những tình cảm cần được cảm nhận và bộc lộ. Thoải mái tâm sự không lo làm ai đó tổn thương hay trái ngược với bản chất mình cũng góp phần làm lòng ta thanh thản.
Dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, nhưng nếu có phương pháp đúng, ta sẽ tìm lại được sự thăng bằng và cảm giác thanh thản trong lòng. Khi biết nỗ lực tạo ra kết thúc tốt đẹp cho mối quan hệ tình cảm giữa đôi bên, chắc chắn ta sẽ có được một khởi đầu tốt đẹp - một tình yêu như ý nguyện và xứng đáng với kỳ vọng của mình.