VIẾT THƯ THỂ HIỆN TÌNH CẢM
M
ỗi khi cảm thấy đau lòng, bạn hãy dành khoảng hai mươi phút viết ra cảm xúc của mình. Sau đó hãy ngồi yên, nhắm mắt lại nghe lòng mình lên tiếng hoặc cùng tâm sự với chuyên gia tư vấn hay nhóm hỗ trợ. Kinh nghiệm cho thấy, đây là một biện pháp khá hiệu quả để bạn tìm lại sự cân bằng trong cảm xúc. Bài tập này có ba phần:
1. Bày tỏ bốn cảm xúc hàn gắn vết thương tình cảm cùng với ý muốn, nhu cầu và ước mơ của bản thân.
2. Viết thư trả lời với nội dung thương yêu, thông cảm giống như mình mong đợi được đón nhận.
3. Bày tỏ sự tha thứ, thông cảm, lòng biết ơn và tin cậy.
Tiếp theo đây, ta sẽ tìm hiểu từng phần chi tiết hơn.
PHẦN MỘT: BÀY TỎ CẢM XÚC LÒNG MÌNH
Trước hết, hãy soạn lá thư cho người đang làm lòng bạn rối bời, mất mát hoặc cũng có thể viết thư cho một người nào đó trong tưởng tượng _ người bạn thân hay một thiên thần chẳng hạn. Nhớ là phải trải lòng cảm nhận từng cảm xúc tự nhiên đang ngự trị tâm hồn mình, không nhất thiết phải theo thứ tự. Cứ bắt đầu với cảm nghĩ đang chi phối bạn mạnh nhất vào thời điểm ấy. Dành khoảng hai hoặc ba phút cảm nhận từng cảm xúc một.
Khi viết thư, hãy tưởng tượng người ấy đang nghe mọi lời bạn nói và đáp lại bằng ánh mắt cảm thông, thương yêu. Dù trong cuộc sống thực tế người ấy không thể nghe nỗi lòng bạn, nhưng vì mục đích hàn gắn nỗi đau tinh thần, cứ hình dung bạn sẽ có cảm xúc thế nào khi người ấy chăm chú lắng nghe tất cả những gì bạn muốn.
Hình Thức Lá Thư Bày Tỏ Tình Cảm
.....….. thân yêu, Anh/em viết thư tâm sự nỗi đau thế này để có thể tìm lại sự bao dung, tha thứ, và tình yêu.
Lúc này đây, anh/em …
1. Anh/em giận chuyện
Anh/em giận vì
Anh/em giận khi
Anh/em không thích
Anh/em ước gì
2. Anh/em buồn chuyện
Anh/em buồn vì
Anh/em buồn khi
Anh/em muốn
Anh/em mong rằng
3. Anh/em sợ là
Anh/em sợ bởi vì
Anh/em sợ khi
Anh/em không muốn
Anh/em cần
4. Anh/em thấy tiếc chuyện
Anh/em thấy tiếc bởi vì
Anh/em thấy tiếc khi
Anh/em muốn
Anh/em hy vọng
Cảm ơn em/anh đã lắng nghe anh/em.
Yêu em/anh,
Ký tên
PHẦN HAI: VIẾT THƯ HỒI ÂM ĐỘNG VIÊN TINH THẦN
Muốn chủ động hàn gắn nỗi đau trong lòng thay vì phụ thuộc tình cảm và sự hỗ trợ của người ngoài, ta phải học cách tự đáp ứng cho mình. Khả năng này rất dễ. Ta có thể giúp đỡ người đang đau khổ, tương tự, cũng có thể cho mình sự hỗ trợ cần thiết. Sau khi đã xong lá thư đầu tiên bày tỏ nội tâm, bước tiếp theo là viết thư hồi âm với tình cảm rất yêu thương. Ta muốn diễn đạt nỗi đau thành lời, tương tự, điều quan trọng là nên diễn đạt thành lời sự hỗ trợ cần thiết giúp ta cảm thấy được an ủi, thông cảm và hỗ trợ.
Ở phần hai, ta sẽ viết lá thư gửi cho chính mình. Hãy tưởng tượng ta là người đang được nghe tâm sự và rồi viết thư hồi âm đúng như lòng mình mong đợi. Nếu nghĩ mình đang chia sẻ tình cảm với người bạn hay một thiên thần, hãy viết ra những điều bạn cảm nhận họ sẽ tâm sự cùng mình. Hãy nói bất cứ điều gì đem lại cho bạn cảm giác được lắng nghe và nâng đỡ. Bạn có thể tham khảo hình thức lá thư hồi âm như sau để có thể cho mình câu trả lời hiệu quả nhất.
Hình Thức Lá Thư Hồi Âm …
thân yêu,
1. Cảm ơn anh/em đã...
2. Em/anh hiểu...
3. Em/anh tiếc là...
4. Xin hãy tha thứ em/anh đã...
5. Em/anh muốn anh/em biết rằng...
6. Anh/em xứng đáng...
7. Em/anh muốn...
Những lá thư hồi âm như trên nhiều khi còn có tác dụng mạnh hơn thư bày tỏ cảm xúc. Viết ra những điều ta thực sự muốn và cần được nghe giúp tâm hồn cởi mở hơn để đón nhận sự hỗ trợ xứng đáng với mình. Khi hình dung có sự hỗ trợ này, tức là ta đang mở cửa trái tim lần nữa để hàn gắn nỗi đau.
PHẦN BA: BÀY TỎ CẢM XÚC TÍCH CỰC
Sau khi lá thư hồi âm đem lại cho ta niềm an ủi, động viên, điều quan trọng là phải thể hiện và khẳng định những cảm xúc tích cực trong lòng mình như sự tha thứ, thông cảm, biết ơn và tin cậy.
Bạn có thể xem qua hình thức lá thư kết thúc bài tập Cho một tâm hồn thanh thản sau đây để thổ lộ những cảm nghĩ phấn chấn của mình một cách hiệu quả hơn.
Hình Thức Lá Thư Bày Tỏ Cảm Xúc Tích Cực
…..................................thân yêu,
1. Cảm ơn em/anh đa...
2. Anh/em hiểu...
3. Anh/em nhận thấy...
4. Anh/em biết…
5. Anh/em tha thứ...
6. Anh/em cảm ơn…
7. Anh/em tin rằng...
8. Ngay giờ phút này trong đời, anh/em đang...
Dành thời gian khẳng định những cảm xúc tích cực như vậy, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Có thể sau khi hoàn thành bài tập, bạn thấy lòng mình như trống rỗng. Nhưng khi đã thành thạo kỹ năng, kết thúc bài tập sẽ cho bạn cảm giác thoải mái, khoan khoái.
MẪU THƯ BÀY TỎ TÌNH CẢM
Sau đây là ví dụ từ Bill, anh đã áp dụng bài tập Cho một tâm hồn thanh thản để liên hệ bốn cảm xúc hàn gắn vết thương trái tim cho mình.
Anh chỉ dùng từng câu dẫn nhập trên đây để khơi gợi cảm xúc cụ thể trong lòng. Khi vận dụng, bạn có thể dùng một câu dẫn nhập cụ thể nhiều lần tùy thích và sau đó chuyển sang câu khác. Hãy dùng hình thức đã trình bày ở trên làm công cụ hỗ trợ bạn liên hệ và bày tỏ bốn cảm xúc chữa lành vết thương lòng đang ẩn khuất trong tim.
Susan thương yêu,
Anh viết thư tâm sự nỗi đau thế này để có thể tìm lại sự bao dung, tha thứ và tình yêu.
Ngay lúc này anh chỉ thấy cô đơn, hụt hẫng và cảm giác bị phản bội.
1. Anh giận em đã bỏ đi.
Anh giận vì em đã yêu thương kẻ khác.
Anh giận khi nghĩ đến việc hai người bên nhau.
Anh không thích bị hắt hủi.
Anh ước rằng em vẫn còn yêu anh.
2. Anh buồn không có em trong đời mình nữa.
Anh buồn vì không biết ngả rẽ này sẽ tới đâu.
Anh buồn khi thấy mình đã yêu em biết bao nhiêu.
Anh từng muốn chúng mình có cuộc sống hạnh phúc mãi mãi.
Anh từng mong đợi tình yêu của em sẽ chỉ luôn dành cho anh.
3. Anh e rằng mình đã quá ngốc nghếch.
Anh lo sợ vì không biết mình đã làm sai điều gì.
Anh lo sợ khi nghĩ chuyện tình cảm của mình phải làm lại từ đầu.
Anh không muốn cô đơn.
Anh cần có tình yêu thương và sự thân thiết của em.
4. Anh tiếc chúng mình không còn bên nhau nữa.
Anh tiếc vì mình không thể thay đổi được quyết định của em.
Anh tiếc khi nhớ tình cảm sâu đậm chúng mình từng dành cho nhau.
Anh muốn em yêu thương anh. Anh muốn được kết hôn.
Anh hy vọng mình có thể cho qua chuyện cũ.
Cảm ơn em đã lắng nghe anh.
Yêu em,
Bill
MẪU THƯ HỒI ÂM
Bill thân yêu,
1. Cảm ơn đã chia sẻ cảm xúc lòng anh với em.
2. Em hiểu mình đã làm tổn thương tình cảm anh rất nhiều.
3. Em tiếc, em rất tiếc mình không còn yêu anh như ngày xưa nữa, em tiếc mọi chuyện đã đổi thay.
4. Xin hãy tha thứ cho em vì em đã rời bỏ, hắt hủi anh.
5. Em muốn anh biết rằng em yêu anh nhưng anh không phải là người thích hợp với em. Em sẽ luôn nâng niu những kỷ niệm chúng ta từng có bên nhau. Thực lòng em rất cảm ơn anh đã dành cho em tình yêu và sự hỗ trợ thực lòng.
6. Anh xứng đáng được người con gái khác yêu thương và có quan hệ tình cảm tốt đẹp.
7. Em muốn anh được hạnh phúc. Em muốn rồi anh sẽ tìm thấy tình yêu đích thực cho mình.
Thân ái,
Susan
MẪU THƯ KẾT THÚC
Susan thân yêu,
1. Cảm ơn tình cảm em dành cho anh. Anh sẽ mãi mãi yêu em.
2. Anh hiểu mình phải cho qua chuyện cũ, và cuối cùng anh sẽ làm được điều đó.
3. Anh thấy chuyện này cũng cần có thời gian. Lòng anh nhói đau và phải có thời gian vết thương mới liền sẹo được.
4. Anh biết em yêu anh theo cách riêng của mình. Anh cũng hiểu mình không bao giờ sở hữu em và em hoàn toàn tự do làm những gì em muốn.
5. Anh tha thứ cho em vì đã không còn thương yêu anh nữa. Anh tha thứ cho em việc đã rời bỏ anh. Anh cũng tha thứ cho em vì không cho anh thêm một cơ hội khác.
6. Anh cảm ơn những năm tháng tốt đẹp chúng mình từng có bên nhau.
7. Anh tin trái tim mình sẽ tìm lại được tình yêu và anh sẽ vượt qua cú sốc này.
8. Ngay giờ phút này trong đời, anh đang bắt đầu bước vào quá trình xây dựng lại tình cảm và cuộc đời mình. Anh sẽ làm những điều cần thiết để tình yêu và hạnh phúc trở lại với con tim. Anh biết mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp hơn.
Thân ái,
Bill
BỐN CÂU HỎI
Một cách khác để liên hệ bốn cảm xúc hàn gắn vết thương tình cảm là tự hỏi mình bốn điều như sau. Thường mới đầu nam giới thấy phương pháp này dễ áp dụng hơn. Khi trả lời những câu hỏi ấy, cảm xúc hàn gắn vết thương lòng tự nhiên trỗi dậy trong ta. Đồng thời khi trả lời, cũng nên cho bản thân tự do cảm nhận sự giận dữ, buồn phiền, lo sợ, đau khổ hay bất kỳ cảm giác tương tự nào khác.
1. Đã có chuyện gì?
2. Chuyện gì không xảy ra?
3. Chuyện gì có thể xảy ra?
4. Chuyện gì không thể xảy ra?
Khi hỏi bốn câu này hoặc thực hành ba phần viết thư giải tỏa cảm xúc như trên, bạn sẽ chuẩn bị tâm lý tốt hơn trước những đợt sóng cảm xúc vỗ từ nỗi đau mất mát. Nhờ biện pháp này, lòng bạn có thể sống lại ký ức về người ấy mà không còn đau đớn, dằn vặt. Từ nhận thức và khả năng mới ấy, bạn sẽ thấy thoải mái trong đời sống tình cảm của mình và nhờ đó hoàn thành quá trình hàn gắn vết thương trái tim.