Đ
au lòng vì mất mát tình yêu nghĩa là cảm nhận tất cả để giải tỏa mọi cảm xúc đau khổ trào dâng khi nhìn lại mất mát của mình. Dù là quá trình diễn ra rất tự nhiên, nhưng nhiều khi ta vô tình can thiệp không đúng lúc. Như chương trước đã giải thích, sai lầm thường mắc phải là chúng ta cố vượt qua biến cố thật nhanh, không cho mình có đủ thời gian bình tâm trở lại. Sai lầm khác nữa là không cho phép bản thân trải nghiệm hết mọi cảm xúc.
Mất đi người thân hay đổ vỡ tình yêu đều để lại trong ta những đau đớn, phiền muộn. Để chấm dứt sự ràng buộc với người xưa hay với tình cảm đã qua, ta phải trải nghiệm mọi cảm xúc của mình mới có thể vơi bớt khổ tâm.
BỐN CẢM XÚC TRONG QUÁ TRÌNH HÀN GẮN VẾT THƯƠNG TÌNH CẢM
Sự day dứt vì kỷ niệm chỉ có thể nguôi ngoai khi ta cảm nhận hết bốn cảm xúc đặc trưng của quá trình hàn gắn vết thương lòng: giận dữ, buồn phiền, sợ hãi và đau khổ. Lòng còn cảm giác giận dữ hay phiền muộn nghĩa là ít nhiều ta vẫn chưa quên được chuyện cũ. Nếu chỉ thấy sợ hãi và đau đớn, tức là ta chưa thực sự cởi mở đón nhận những tình cảm mới đang chờ đợi mình. Từng cảm xúc này đều có ý nghĩa quan trọng, giúp ta cho qua chuyện cũ để có thể gượng dậy làm lại từ đầu.
Cảm xúc đầu tiên: Giận dữ
Tức giận là cảm xúc đầu tiên khi ta nhìn nhận sự việc xảy ra ngoài ý muốn của mình. Đó là lúc tình cảm trong lòng không được toại nguyện và cũng là dấu hiệu báo động buộc ta phải ngừng lại, điều chỉnh bản thân trước thực tế cuộc sống. Khi mất mát tình cảm, nếu cứ cố nén cơn giận, ta dễ rơi vào trạng thái tê liệt cảm xúc, trở nên vô hồn và lạnh nhạt với tất cả. Giận dữ giúp ta thoát khỏi cảm giác thờ ơ, từ đó có thể kết nối lại cảm xúc nồng nàn với tình yêu và cuộc sống.
Khi cơn giận tan biến, trong ta sống lại những cảm xúc nồng nàn dành cho tình yêu và cuộc sống.
Cơn giận qua rồi, ta lại có thể thoát khỏi mối ràng buộc với những ước muốn quá khứ để bắt đầu nuôi dưỡng những kỳ vọng và ước mơ mới.
Một tâm hồn với bao khao khát tự nhiên, vô tư như vậy mới có thể mở ra cánh cửa mới. Thay vì tìm kiếm trong tuyệt vọng rằng “Mình chỉ cần tình yêu của người ấy mà thôi” , trong ta sẽ ngân vang những tiếng gọi mới “Mình muốn được yêu thương” . Ẩn sau khao khát đó là khả năng nhận biết, trân trọng những tình cảm yêu thương và hỗ trợ mới đang tìm đến ta.
Cảm xúc thứ hai: Buồn phiền
Chuyện xảy ra không như mong muốn khiến ta cảm thấy buồn lòng. Sau tổn thương, nếu không cho phép trái tim có những khoảng lặng phiền muộn, ta sẽ không thể điều chỉnh kỳ vọng đúng theo thực tại của mình. Nỗi buồn liên hệ cảm xúc với khả năng yêu thương, khiến ta thêm trân trọng và tận hưởng những gì đang có. Trong khi sự giận dữ có tác dụng chầm chậm hồi sinh niềm đam mê cuộc sống trong ta thì nỗi buồn khiến ta có thể mở cửa trái tim đón nhận tình yêu ngọt ngào lần nữa.
Hãy để nỗi buồn tan chảy trong ta để ta lại có thể sống lại những cảm xúc yêu thương ngọt ngào như ngày xưa.
Sau nỗi buồn, ta gạt bỏ sự phản kháng bướng bỉnh trước thực tại và dần dần biết chấp nhận mất mát. Đây là cơ sở để điều chỉnh kỳ vọng bản thân. Biết nhìn lại và cảm nhận những sắc thái mơ ước của mình có ý nghĩa quan trọng với việc xác định lại kỳ vọng. Vị trí “độc tôn” của người xưa giờ đây được thay thế bằng nhu cầu được sống trong yêu thương. Phía sau mong đợi vô tư đó là sự tự tin, quyết đoán giúp ta thực hiện mơ ước lòng mình.
Cảm xúc thứ ba: Sợ hãi
Sợ hãi là cảm giác khi ta nhìn nhận sự việc có thể xảy ra ngoài ý muốn của mình. Cảm giác sợ hãi và khả năng phản kháng khi gặp chuyện không may sẽ giúp ta nhận ra điểm yếu của bản thân. Từ sự thừa nhận, ta nhìn rõ nhu cầu cũng như tiềm lực của mình. Đồng thời có thể cởi mở đón nhận sự hỗ trợ cần thiết để trái tim tràn đầy dũng khí và cảm giác biết ơn.
Lo sợ rồi thanh thản trở lại cho ta khả năng hiểu rõ nhu cầu và tiềm lực của mình.
Khi lòng nguôi ngoai nỗi lo sợ, ta mới có thể thích nghi với nhu cầu thực tế. Thay vì cứ đòi hỏi những gì mãi mãi không thuộc về mình, giờ đây ta nhận ra mình cần được yêu thương và giúp đỡ. Cũng từ đó, ta có thêm quyết tâm và sức mạnh để tìm lại tình yêu.
Cảm xúc thứ tư: Đau khổ
Đau khổ là sự chiêm nghiệm điều không thể xảy ra như ý mình muốn. Đó là sự thừa nhận điều mình ao ước không thể nào thành hiện thực. Cảm giác này rất quan trọng nếu ta muốn thật sự thoát khỏi ràng buộc với chuyện xưa. Đau khổ cũng là cách thừa nhận sự bất lực của bản thân trước những sự việc đã xảy ra. Suy tư về điều không thể sẽ giúp ta chuyển sự tập trung vào những gì nằm trong khả năng của mình. Có như thế ta mới nhận được sự thương cảm cần thiết để hàn gắn vết thương và trái tim sống lại cảm hứng yêu thương. Cuối cùng, sau đau buồn sẽ là cảm giác thanh thản.
Đau khổ rồi nguôi ngoai cho ta khả năng nhìn nhận thực tiễn chính xác hơn.
Phiền muộn qua đi, ta lại có thể rũ bỏ những kỳ vọng xa xưa để trái tim sáng lên tia hy vọng mới - hy vọng được yêu thương. Phía sau mong ước mới mẻ ấy là thiện chí và động lực xây dựng lại quan hệ tình cảm. Khi tia hy vọng hé mở cũng là lúc ta bắt đầu thoát khỏi bóng đêm tuyệt vọng.
Từng cảm xúc trên đây đều có vai trò quan trọng đối với quá trình hàn gắn vết thương lòng. Chúng có tầm quan trọng như nhau và không có trật tự cảm nhận nhất định. Thông thường, sau khi đổ vỡ hay thất vọng chuyện tình cảm, thoạt tiên ta giận, rồi buồn, lo sợ và cuối cùng là đau khổ. Tuy nhiên mỗi người có thể trải nghiệm những cảm xúc này theo một trật tự khác.
Nhận biết các cảm xúc hàn gắn vết thương tâm hồn như trên giúp ta hiểu hết tình cảm bản thân để trái tim thực sự liền vết. Một cảm xúc bị xao lãng, kiềm nén có thể làm chậm lại hoặc gây cản trở quá trình tìm kiếm sự thanh thản của tâm hồn. Đau lòng vì mất mát đúng nghĩa đòi hỏi lý trí cho phép trái tim cảm nhận trọn vẹn từng cảm xúc trên.
VAI TRÒ CỦA VIỆC TRẢI NGHIỆM BỐN CẢM XÚC TIÊU CỰC
Đang lái xe trên đường, nếu muốn dừng xe và quay lại, ta phải dùng thắng. Cảm nhận bốn cảm xúc trong quá trình hàn gắn vết thương tâm hồn kể trên cũng như thao tác thắng trước khi quay đầu xe vậy. Lý trí phải biết đổi hướng đi còn trái tim có vai trò giữ thắng. Muốn thay đổi quan điểm về tình cảm để có thể yêu thương lần nữa, trước tiên ta phải tạm dừng và cho qua mọi bức xúc trong tim.
Đau buồn vì mất mát là quá trình cho qua chuyện cũ để tâm hồn thảnh thơi chọn lựa phương hướng mới, đồng thời cũng là để nhìn nhận lại nhu cầu và mong đợi của bản thân. Khi không còn lệ thuộc vào tình cảm của người xưa, ta có thể cởi mở đón nhận tình yêu mới đến với mình.
Khi không còn lệ thuộc vào tình cảm của người xưa, trái tim sẽ tự mở cửa đón nhận thực tại đến với mình.
Chỉ có thể giải tỏa sự ràng buộc và cho qua chuyện cũ một khi ta nhận thức điều đó trọn vẹn. Đau đớn tâm hồn là dấu hiệu ta vẫn còn nặng nợ với quá khứ. Cảm nhận nỗi đau gắn liền với từng cảm xúc trên trong quá trình chữa lành vết thương lòng cuối cùng sẽ đem đến cho ta sự giải thoát.
Nếu biết cảm nhận trọn vẹn nỗi đau day dứt lòng mình, chuyện cũ sẽ lặng lẽ trôi qua.
Không trải nghiệm hết bốn cảm xúc như trên, có thể ta sẽ mãi day dứt ở một cung bậc tình cảm bất kỳ. Kết quả, ta chẳng thể nào thanh thản mà thay vào đó ta dễ chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực: từ im lặng đến thờ ơ, rồi chỉ biết gặm nhấm nỗi đau khổ một mình.
Vì vậy, việc cảm nhận hết từng cảm xúc nói trên là điều cần thiết để ta kết thúc trọn vẹn trải nghiệm nỗi đau. Do không để ý đến cơ chế này nên nhiều người rất khó khăn trong việc chấm dứt dằn vặt nội tâm. Thường khi mất đi tình yêu, chúng ta chỉ trải qua một, hai trong bốn loại cảm xúc trên. Bởi vậy, thay vì cho qua chuyện cũ một cách bình thường, ta lại cứ loay hoay với hoài niệm. Làm thế nào giải tỏa được những cảm xúc ấy để có thể tiếp tục tận hưởng cuộc sống một cách yêu thương, hạnh phúc và thanh thản hơn? Bạn sẽ có được câu trả lời khi đến với phần tiếp theo của cuốn sách.