Idol và fan cùng nhau làm đúng quy tắc, tình cảm của đôi bên cứ vậy mà kéo dài.
Như đã nói, ngay từ lúc bắt đầu yêu thích một người xa lạ là bạn đã không thể đòi hỏi bất cứ điều gì. Giống như đơn phương vậy, bạn âm thầm lặng lẽ dành tình cảm và những gì tốt nhất cho họ, mỉm cười và hạnh phúc vì họ mà họ không biết cũng không đáp lại. Nhưng xét về khoảng cách địa lý và tần suất gặp mặt nhau, đơn phương vẫn được xem là tốt hơn.
Và trong mối quan hệ này, bạn có thể chọn hai cách: chỉ nhận mà không cho đi hoặc cho đi mà không cần nhận lại. Nghĩa là, bạn có thể đơn giản là đứng từ xa dõi theo họ, vui vẻ xem những sản phẩm của họ, cười lăn lộn vì những gì họ làm,… khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp từng ngày mà không cần bỏ ra một đồng nào cả. Mặt khác, bạn cũng có thể bỏ ra những gì bản thân có, ví dụ như tiền bạc, thời gian, công sức,… mà bạn cho là xứng đáng để góp phần vào thành công của thần tượng nhưng không đòi hỏi họ phải đền đáp gì cả.
Thần tượng cũng vậy, họ có thể lựa chọn nghiễm nhiên nhận hết mọi thứ bạn mang đến và sau đó đáp trả hay không là tùy thuộc vào họ.
Giữa vấn đề “cho đi” và “nhận lại” như vậy đa phần sẽ phụ thuộc vào đối phương, nên cách tốt nhất để bạn đừng thất vọng chính là đừng đòi hỏi hay hy vọng điều gì.
Dĩ nhiên trên đời này sẽ chẳng ai cao thượng tới mức cho đi tất cả mà không nhận lại được gì dù là chút ít nhỏ nhoi. Nên quy tắc để duy trì sự cho – nhận này chính là cả hai phải biết điều với nhau.
Người “cho đi” phải biết giới hạn của bản thân, không được vịn vào những thứ đó mà ràng buộc người khác phải theo ý họ. Người “nhận lại” không nên cứ lấy hết mọi điều tốt đẹp rồi lại vờ như không có gì xảy ra, thử thách sự kiên nhẫn của người cho.
Mối quan hệ giữa thần tượng và người hâm mộ cũng vậy. Người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra tất cả vì người mình yêu thương nhất. Còn thần tượng tôn trọng, tự hào vì tình cảm họ nhận được từ người hâm mộ. Cứ như thế bình yên ở bên nhau, trở thành gia đình, điểm tựa của nhau đi qua giông bão và không gì tách rời được.
Trước cảnh tượng dòng người xếp hàng rồng rắn nối đuôi nhau bên ngoài tòa nhà của đài truyền hình chờ đến lượt vào trong cổ vũ, nếu hỏi một người xem họ muốn nhận được gì để bù đắp cho công sức đã đến đây từ sớm và chờ đợi mỏi mệt, có lẽ họ cũng không trả lời được vì họ đâu có nghĩ tới. Họ chỉ làm vì đam mê của bản thân và muốn góp chút ít sức lực nhỏ bé để cổ vũ cho thần tượng khi trình diễn mà thôi.
Thần tượng ở đâu khi đó? Bên trong phòng chờ mát mẻ nhưng đang phải tất bật chuẩn bị sẵn sàng trước giờ lên sân khấu. Lịch trình dày đặc mệt mỏi, nếu họ cứ ngồi yên đó và tranh thủ chợp mắt lấy lại sức sẽ chẳng ai phàn nàn hay ý kiến gì cả, thế nhưng họ không làm vậy. Họ dành thời gian ít ỏi đó để ngồi cặm cụi dán nhãn ảnh lên những túi nước nhân sâm bổ sung năng lượng và nhờ quản lý mang ra ngoài phát cho những người đang đứng chờ trước sự ngỡ ngàng lẫn vui mừng của người hâm mộ.
Cầm túi nước nhân sâm trên tay thì khoảng cách mấy ngàn cây số, vài tiếng ngồi máy bay, lệch múi giờ sinh hoạt, xếp hàng đến mệt mỏi, nắng nóng thậm chí ánh mắt dò xét của người ngoài cuộc, có còn quan trọng nữa không? Một cử chỉ nhỏ, hành động nhỏ để đáp trả lại thôi cũng đủ khiến người khác ấm lòng và cảm thấy rằng “những gì mình cho đi là hoàn toàn xứng đáng”.
Ai đó khi nhìn vào cảnh tượng xếp hàng như vậy sẽ cười nhạo rằng: làm như vậy để được gì, thần tượng sẽ không để tâm đâu, đừng lãng phí thời gian vào họ. Và, thần tượng có để tâm hay không thì túi nước sâm đã là minh chứng rõ ràng nhất, còn có lãng phí thời gian hay không thì người cầm trên tay thứ nước ngon ngọt đó cũng có câu trả lời cho chính mình.
Sau khi chương trình kết thúc, thay vì lên xe và về nhà ngay lập tức để nghỉ ngơi, nhóm nhạc vẫn nán lại, hạ cửa kính xe xuống dặn dò người hâm mộ đến cổ vũ mình hôm đó phải đi đứng cẩn thận và đến nhà an toàn. Cách đáp trả tình cảm như vậy, nếu không xuất phát từ sự quan tâm thì làm sao có được, đúng không?
Có thể nhiều người cho rằng đây là chiêu trò để lấy lòng người khác hoặc giả tạo, hoặc thật chất những thứ đó chẳng đáng là bao chỉ cần vung tay là có. Nhưng cái quan trọng chính là trong suy nghĩ của họ, tiềm thức của họ hướng đến những người yêu thương mình và dùng hành động để chứng minh rằng họ cũng quan tâm đến người hâm mộ, lo lắng cho sức khỏe của người hâm mộ. Sự “tôn trọng” rõ ràng và ấm áp như vậy khiến cho mối quan hệ cho đi – nhận lại kia phút chốc thật xứng đáng cho cả đôi bên.
Cho đi 100 nhận lại được 1 đâu hẳn là ngu ngốc, vì so với chỉ nhận lại 0 thì 1 vẫn là cái gì đó quá lớn lao rồi. Hơn nữa không phải vấn đề nằm ở 1, mà vấn đề sẽ nằm ở những tình cảm, suy nghĩ để tạo nên 1 đó và đáp trả lại người khác dù biết rõ khi người ta cho mình 100 họ cũng không đòi hỏi nhận lại bất cứ thứ gì.
Khi sang Hàn Quốc, tôi có mang theo đặc sản Việt Nam để tận tay tặng cho người tôi thích. Vài ngày sau, tôi có dịp đi cùng chị ấy ở Music Bank và do hồi hộp nên câu tiếng Hàn tôi nói cũng không chuẩn, trở thành “Món ăn Việt Nam có ngon không chị?”. Chị ấy lập tức trả lời là “Rất ngon”.
Ồ, chắc chỉ theo phép lịch sự và nói thế để người đối diện vui lòng thôi, đa phần mọi người sẽ nghĩ vậy, trong đó có tôi. Có lẽ chị ấy cũng hiểu điều đó nên không dừng lại mà tiếp tục tươi cười và luôn miệng khẳng định rằng quà tôi tặng rất ngon, cám ơn tôi. Người tặng quà mang từ xa đến đưa tận tay, người nhận quà có lòng đáp trả món quà đó, thật sự là một mối quan hệ cho đi – nhận lại hoàn hảo.
Ở buổi ký tặng, người hâm mộ bước lên và ngỏ ý muốn ôm thần tượng, họ sẽ rụt rè giơ tay ra, thần tượng hiểu ý và lập tức đáp lại cái ôm đó. Bạn nghĩ ai sẽ là người nói “cám ơn” trong trường hợp này? Phải là người hâm mộ được ôm người nổi tiếng đúng không? Nhưng không, chính thần tượng khi ôm người hâm mộ ngoại quốc cũng sẽ thì thầm vào tai họ hai chữ “cám ơn” bằng tiếng Anh như thể hiện lòng biết ơn vì đã dành tình cảm cho mình, đã vượt đường xa vạn dặm đến đây vì mình. Sự biết ơn và quan tâm của thần tượng nằm trong những cử chỉ và hành động nhỏ như thế đó.
Vốn dĩ đó là ngày tôi rất không vui và có cả buồn tủi nữa, nhưng cái ôm của chị đã xóa đi tất cả, để mãi sau này khi nhớ về ngày đó, thứ tôi nhớ được luôn là những khoảnh khắc ngọt ngào, vui vẻ đó mà thôi.
Còn một hôm khác, tôi có in tờ giấy cũng như ghi dòng chữ tiếng Hàn giải thích ý nghĩa việc này. Ban đầu chị ấy rất bất ngờ khi thấy chúng, nhưng lúc đọc những gì tôi ghi bên trên, chị ấy lại nở nụ cười dịu dàng và ghi lời nhắn lên tờ giấy theo yêu cầu của tôi. Thông thường mỗi người chỉ có khoảng một phút để nhận chữ ký lên đĩa nhạc thôi, mà thời gian chị ấy viết lời nhắn đã tiêu tốn hết khoảng thời gian ký tặng rồi. Tôi tự nhủ trong lòng sẽ không kịp thời gian để chị ấy ghi lời nhắn bằng tiếng Việt nên cũng không dám hy vọng gì nhiều. Nhưng sau khi ghi xong lời nhắn, chuyển sang ký tặng thì chị ấy thật sự ngồi nhìn theo dòng chữ tiếng Việt và nắn nót ghi trong sự ngỡ ngàng của tôi. Nét bút rất cứng, rất đẹp và rất tỉ mỉ, không phải vì trễ giờ mà chị ấy ghi vội vàng, ghi ẩu cho xong mà chị ấy thật sự dồn tâm tư vào dòng chữ đó. Lúc nhận đĩa nhạc từ chị ấy, tôi vẫn còn xúc động không biết phải nói gì vì vốn dĩ chị ấy có thể đơn giản là ký thôi, không cần viết thêm gì hết do thời gian đã tốn rất nhiều rồi, nhưng chị ấy vẫn làm, vẫn dùng cách thức của chị ấy để cho tôi biết rằng chị ấy trân trọng khán giả của mình ra sao.
Một lần khác, tôi tham gia và đặt câu hỏi cho chị ấy, chỉ là một câu hỏi vui như: “Nếu bị lạc trên đảo hoang cùng một người, chị sẽ chọn đi cùng ai?”. Trong số đáp án trắc nghiệm tôi đưa ra, ngoài tên các thành viên trong nhóm thì ở dòng cuối cùng chính là “Tôi”. Bản thân tôi cũng biết rõ đây chỉ là đáp án được bổ sung vào cho vui và không mang bất kỳ hy vọng nào. Chỉ là khi chị ấy đọc được đã phá lên cười vì thú vị và không ngần ngại khoanh vào “Tôi”. Cảm giác của tôi lúc đó là thế nào? Sướng phát điên lên được. Vì từ đầu tôi không nghĩ đáp án đó sẽ được chọn, đối với tôi dù chị ấy khoanh vào A, B hay C thì tôi vẫn sẽ vui vẻ vì có câu trả lời cho câu hỏi mà bản thân đặt ra. Nhưng chị ấy biết, chị ấy quan tâm đến cảm nhận của người đối diện là tôi. Tuy chỉ là tình huống giả định và chẳng bao giờ xảy ra thì chọn thế nào đâu có quan trọng, chỉ là chị ấy hiểu được câu trả lời của chị ấy có thể khiến tâm trạng của tôi thế nào. Trong số tất cả đáp án làm tôi vui vẻ, chị ấy đã chọn đáp án khiến tôi vui vẻ nhất. Tôi còn hy vọng gì thêm nữa đây, như thế đã quá đủ rồi.
“Người ta chọn như vậy tại sợ mày buồn đó”, bạn bè đã nhìn vào đó và buông một câu như thế.
“Nhưng kết quả ở đây là giữa việc làm tao buồn và khiến tao vui, chị ấy đã chọn cách mang lại niềm vui cho tao. Đấy chính là mấu chốt của vấn đề”.