“Khả năng nhìn thấy cái đẹp trong những điều bình dị khiến gia đình thêm hạnh phúc và cuộc đời thêm đáng sống.”
- Louisa May Alcott
“Mẹ lại đi nữa sao? Cho con đi cùng mẹ nhé! Mẹ đừng đi được không? Con muốn mẹ ở nhà chơi với con!”
Đó là những lời nói yêu thương mà đứa con út từng nói với tôi năm con bé lên mười tuổi.
Anh chị của con bé cũng từng nói với tôi những câu như thế, cũng từng thút thít khi tôi đi làm mỗi buổi sáng hồi chúng mới bốn, năm tuổi. Khi lớn hơn một chút, các con cũng từng nài nỉ xin theo, bám theo tôi như một cái đuôi đến mọi nơi.
“Con hứa sẽ ngoan. Con sẽ không làm ồn. Con hứa mà!”
Ngày đó, có đôi khi những lời nũng nịu của con khiến tôi cảm thấy phiền toái. Sao bọn trẻ lại không chịu rời mẹ dù chỉ một lát thôi nhỉ? Tôi phải ra ngoài vì công việc, để đảm bảo các con có một cuộc sống đủ đầy. Bản thân tôi cũng muốn ở nhà cùng các con, nhưng tôi cũng có việc phải hoàn thành. Tôi cố gắng giải thích cho bọn trẻ hiểu điều đó, nhưng vô ích, chúng cứ khăng khăng: “Con muốn ở cạnh mẹ thôi!”. Thế là tôi đành dắt bọn trẻ theo mình. Mẹ con tôi cùng đi chợ, đến ngân hàng, ghé thăm thư viện, vào rạp chiếu phim. Bọn trẻ lẽo đẽo đi theo tôi khắp nơi, líu ríu không ngừng bên tai tôi.
Tôi thường không để tâm lắm đến điều này, nhưng cũng có những ngày tôi thật sự thèm khát vài phút được ở một mình. Tôi có thói quen nghe nhạc lúc đang lái xe. Tôi sẽ vặn to những bài hát mình yêu thích và ngân nga hát theo. Nhưng tôi đã phải thay đổi thói quen này kể từ khi có con, bởi các bài hát cứ liên tục bị những giọng nói lảnh lót từ ghế sau cắt ngang: “‘Lái xe an toàn’ nghĩa là sao vậy mẹ?” hay “Mình đang ở chỗ nào vậy mẹ?” và rồi “Mẹ có nghe con kể chuyện ngày hôm qua chưa? Thích lắm!”. Đến khi tôi nghe xong câu chuyện thì bài hát trên đài đã kết thúc từ lúc nào.
Khi các con còn nhỏ, mỗi khi cùng các con đến nhà hàng, tôi vừa chăm chú lắng nghe bạn bè bàn về công việc vừa thầm mong bọn trẻ đang ngồi cạnh mình biết cách cư xử chừng mực. Và các con thường không làm tôi thất vọng. Chúng chỉ thì thầm nói chuyện với nhau, luôn tỏ ra ngoan ngoãn và lịch sự trước mặt người lớn. Nhưng chỉ một lát sau, vẫn sẽ có đứa không nhịn được mà kéo áo tôi, thẽ thọt hỏi nhiều điều như: “Mẹ ơi, ở đây người ta cho rau cần vào trứng hả mẹ?”, “Mẹ ơi, ở đây có bán sữa lắc không mẹ?”, “Mẹ à, mẹ đi vệ sinh với con được không?”. Tôi vẫn thầm mơ về một ngày mình được hoàn toàn tự do, không phải vướng bận chuyện con cái để có thể thoải mái trò chuyện, suy nghĩ, ăn uống như mọi người.
Tôi biết rõ thật ra bọn trẻ chỉ đang khao khát được tôi chú ý. Các con muốn tôi lúc nào cũng ở bên cạnh và quan tâm đến chúng. Tôi chính là vị khán giả duy nhất được xem các con vui đùa và chứng kiến cảnh các con lớn lên từng chút một mỗi ngày. Dần dần, tôi cũng quen với những câu chuyện kể và câu hỏi cắt ngang của các con. Những quan sát, những nhận xét mới mẻ của con trẻ làm vốn sống của tôi thêm phong phú. Thế giới trong mắt trẻ thơ thật thú vị. Chúng có thể nghe thấy những điều người lớn chúng ta không thể nghe, nhìn thấy những điều mà ta có thể nhìn mà không thể thấy.
Khi các con dần lớn lên, những câu hỏi của chúng không còn buồn cười và ngớ ngẩn như ngày chúng còn bé, mà giống lý sự nhiều hơn. Những năm bọn trẻ mười hai, mười ba tuổi, ngày nào tôi cũng nghe vô số lời yêu cầu và phàn nàn từ các con. Nào là “Sao ai cũng đi học thêm buổi tối trừ con vậy mẹ?”, rồi lại “Ai cũng được phép đi chơi sau mười một giờ, sao mẹ bắt con về sớm vậy? Không lẽ mẹ không tin con sao?”. Có nhiều lúc, tôi chỉ mong bọn trẻ có việc gì đó để làm hay tìm được ai đó chịu lắng nghe những tâm sự của chúng để tôi có được vài phút yên tĩnh. Tôi tự hỏi tại sao những chuyện đơn giản nhất cũng trở thành vấn đề với các con mình như thế. Chúng gần như chẳng để tôi được yên một phút nào cả!
Giờ thì chúng để tôi được yên rồi. Đáng buồn thay, việc này lại diễn ra quá thường xuyên.
“Con về rồi à?”, tôi hỏi cậu con trai mười bảy tuổi khi thằng bé mới đi làm thêm về. “Sáng giờ con đi đâu, có làm gì vui không con?”
“Cũng bình thường thôi mẹ. Đi học về con ghé qua chỗ làm thêm rồi về nhà luôn.”
Đi làm thôi sao? Chỉ có vậy? Tôi còn muốn nghe con kể nhiều hơn nữa, tôi muốn biết con học như thế nào, có biết thêm điều gì mới không, đi cùng bạn bè có vui không, con ra ngoài đến tận mười hai giờ đồng hồ một ngày mà. Tôi im lặng, có chút buồn bã. Chỉ mới vài năm trước thôi, mỗi lần tôi về đến nhà thằng bé đều hỏi: “Mẹ đi đâu thế ạ? Mẹ đã gặp ai vậy mẹ? Có vui không mẹ?” hay “Tối nay mẹ làm gì? Mẹ dẫn con đi chơi được không? Mẹ đi làm có nhớ con không?”. Lúc nào các con cũng đón tôi bằng một loạt câu hỏi và luôn muốn tôi trả lời, giải thích cặn kẽ từng câu một.
Một lát sau, khi thấy con cặm cụi ủi quần áo, tôi chột dạ hỏi: “Con lại đi nữa sao? Ở nhà một ngày không được sao? Ba tuần nữa con phải lên thành phố học rồi, vậy mà không chịu dành chút thời gian nào cho mẹ cả!”.
Trước giờ, tôi chưa từng nghĩ đến một ngày mình sẽ bị các con “bỏ rơi” như thế. Mọi thứ đảo ngược. Giờ đây tôi là người lúc nào cũng mong chờ giây phút được ở bên các con, là người lúc nào cũng thủ thỉ với bọn trẻ: “Mẹ nhớ con lắm”, hay “Khi nào con mới về?”. Tôi thậm chí còn đánh dấu vào lịch những ngày các con được nghỉ và cố gắng sắp xếp công việc của mình để có thời gian ở cạnh chúng.
Con gái út của tôi giờ cũng đã mười lăm tuổi. Mỗi buổi sáng khi tôi lái xe đưa con gái đi làm thêm, nếu bài hát con bé yêu thích được phát trên radio, con bé sẽ lập tức tăng âm lượng và tôi thường sẽ im lặng vào những lúc như thế. Con tôi đang đắm chìm trong giai điệu mình yêu thích nên có lẽ cũng không muốn nghe những điều mẹ nói. Tôi hiểu cả mà. Nhưng tôi còn vỡ lẽ một điều khác: Hóa ra khi còn nhỏ, bọn trẻ luôn có cảm giác sợ hãi. Chúng sợ rằng những thứ xung quanh tôi - một bài hát, một vở kịch, hay một ai đó - sẽ khiến tôi không còn quan tâm đến chúng nữa. Thế nên bọn trẻ đã tìm mọi cách khiến tôi chú ý đến mình. Các con tôi có lẽ đã nghĩ: “Mẹ mải mê nghe nhạc như thế có khi nào mẹ thích nhạc hơn cả mình không? Không thể như vậy được!”. Những câu hỏi cắt ngang của các con tôi thuở nhỏ là để nhắc tôi nhớ rằng chúng đang ở ngay cạnh tôi, là lời kêu gọi tôi hãy nhìn chúng, hãy trò chuyện với chúng.
“Mẹ đang ở đây này. Con hãy nhìn mẹ, hãy trò chuyện với mẹ đi!”, hiện tại tôi cũng muốn nói với các con mình như thế. Nhưng đương nhiên, tôi không thể thốt ra được thành lời. Tuy nhiên, giờ đây tôi đã hiểu được nỗi niềm của bọn trẻ ngày xưa, hiểu được tại sao chúng lại quấy khóc mỗi khi bị cha mẹ bỏ lại ở nhà.